Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Ý CHÍ QUYỀN LỰC

Ý CHÍ QUYỀN LỰC

- Nguyễn Thị Từ Huy — published 03/01/2011 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Ý CHÍ QUYỀN LỰC
(Nietzsche qua diễn giải của Deleuze)


Nguyễn Thị Từ Huy



Gilles Deleuze phủ nhận việc người ta đã « nghi ngờ một cách sai lầm » về sự chính xác có tính hệ thống của triết học Nietzsche1. Ông phân tích các thuật ngữ của Nietzsche để chứng minh rằng chúng có nội hàm rất chính xác và chúng tạo thành một hệ thống. Đó là các thuật ngữ : sức mạnh, ý chí quyền lực, hoạt năng, phản ứng, khẳng định, phủ định, sự trở thành, sự quy hồi vĩnh cửu. Ở đây chúng tôi chỉ tập trung giới thiệu diễn giải của Deleuze xung quanh khái niệm « ý chí quyền lực », một khái niệm căn bản của triết học Nietzsche, rất dễ bị hiểu lầm và trong thực tế đã bị hiểu lầm.

Để hiểu khái niệm ý chí quyền lực, Deleuze đã xuất phát từ quan niệm của Nietzsche về sức mạnh, về tính hoạt năng và phản ứng của sức mạnh2. Ông nhận thấy : « Đối với Nietzsche, khái niệm sức mạnh là khái niệm về một sức mạnh có quan hệ với một sức mạnh khác : từ phương diện này, sức mạnh được gọi là ý chí. Ý chí (ý chí quyền lực) là yếu tố khu biệt các sức mạnh » (9)3 Deleuze còn đi tới xác định một cách cụ thể hơn : « Ý chí quyền lực vừa là một yếu tố di truyền của sức mạnh, vừa là nguyên tắc của sự tổng hợp các sức mạnh. » (71) Ý chí quyền lực, với tư cách là yếu tố khu biệt và di truyền, tức là yếu tố có tính phả hệ học, bổ sung vào sức mạnh. Yếu tố khu biệt, vì nó hình thành nên sự khác biệt về lượng giữa các sức mạnh có quan hệ với nhau. Yếu tố di truyền, vì nó làm nên chất của mỗi một sức mạnh trong quan hệ này. Chính sự khác biệt về lượng và sự khác biệt về chất tạo nên những đặc điểm mà Nietzsche gọi là hoạt năng, phản ứng, chế ngự hay bị chế ngự. « Tuỳ theo sự khác biệt về lượng của chúng mà các sức mạnh được gọi là chế ngự hay bị chế ngự. Tuỳ theo chất của chúng mà các sức mạnh được gọi là hoạt năng hay phản ứng. » (73). Điều quan trọng là ý chí quyền lực có cả ở trong các sức mạnh phản ứng và bị chế ngự, đồng thời cả ở trong các sức mạnh hoạt năng hay chế ngự. « Luôn luôn nhờ ý chí quyền lực mà một sức mạnh có thể thắng những sức mạnh khác, chế ngự chúng, hay điều khiển chúng » (70).

Khi xác định nguồn gốc của sức mạnh trong ý chí quyền lực, Deleuze chỉ ra rằng chính ý chí quyền lực diễn giải và mong muốn. Và ý chí quyền lực lại có chất riêng của nó, đó là tính khẳng định hay phủ định. Như vậy, tính hệ thống của triết học Nietzsche là ở chỗ : nếu hoạt năng và phản ứng là các chất của sức mạnh, thì khẳng định và phủ định là các chất của ý chí quyền lực. Và Deleuze còn đi tới khám phá lô-gic của tư tưởng Nietzsche : có một ái lực, một sự cộng tác giữa hoạt năng và khẳng định, giữa phản ứng và phủ định. Sự hợp tác hay ái lực giữa sức mạnh hoạt năng và khẳng định biểu hiện ở chỗ : sức mạnh hoạt năng tự khẳng định mình, tự khẳng định sự khác biệt của mình, lấy sự khác biệt làm đối tượng khẳng định, lấy sự khác biệt làm niềm vui. Còn ái lực giữa sức mạnh phản ứng và phủ định là ở chỗ : sức mạnh phản ứng bị tinh thần phủ định chi phối, nó phủ định sức mạnh hoạt năng, hạn chế sức mạnh hoạt năng. Sức mạnh phản ứng phủ định sự khác biệt, thù ghét sự khác biệt. « Chính vì lý do này mà chúng [các sức mạnh phản ứng] không hiểu bản thân chúng trong tư cách là sức mạnh, và thích quay lại chống chính mình hơn là tự hiểu mình đúng như vốn có và chấp nhận sự khác biệt. » (77) Deleuze bình luận như vậy.

Như vậy, diễn giải của Deleuze đã đặt các khái niệm của Nietzsche vào một hệ thống. Tuy nhiên hệ thống của Nietzsche, trong phát hiện của Deleuze, không dừng lại ở đó. Khẳng định và phủ định không chỉ có ái lực với hoạt năng và phản ứng, mà còn vượt quá phạm vi của hoạt năng và phản ứng để tham gia vào một phạm vi khác, cao hơn, đó là phạm vi của sự trở thành. Khẳng định là « hiện thân của sự trở thành có tính hoạt năng » (74), phủ định là « một sự trở thành có tính phản ứng » (74).

Sau đây chúng tôi tiến hành thao tác hệ thống hóa các luận điểm cơ bản của Deleuze để giúp độc giả thuận lợi hơn trong việc theo dõi một số phương diện của khái niệm « ý chí quyền lực » trong tư tưởng của Nietzsche.


Ý chí quyền lực không phải là ý chí muốn quyền lực


Ý tưởng này được Deleuze nhắc đi nhắc lại nhiều lần : khái niệm « ý chí quyền lực » của Nietzsche không thể hiểu là : ý chí muốn có quyền lực. Đó là một cách hiểu sai [chúng tôi nhấn mạnh]. 

Deleuze xác quyết : « Ý chí quyền lực không có nghĩa là ý chí muốn quyền lực » (118). Ông chỉ rõ rằng quyền lực không phải là đối tượng của ý chí, không phải là mục đích của ý chí : « Ý chí quyền lực có nghĩa là gì ? Hoàn toàn không phải là cái ý chí muốn có quyền lực, không phải là nó muốn hay tìm kiếm quyền lực như một mục đích, và quyền lực cũng không phải là động cơ của nó. » (111)

Theo cách hiểu của Deleuze thì khó có thể dịch DER WILLE ZUR MACHT thành « í-chí4 vươn tới quyền lực » như Nguyễn Quỳnh đề xuất trong bản tiếng Việt công bố trên website Tien Ve5. Bởi vì cụm từ « í-chí vươn tới quyền lực » xác định một cách rõ ràng rằng quyền lực ở ngoài ý chí và là đối tượng để ý chí vươn tới. Ông Nguyễn Quỳnh hoàn toàn có quyền bảo vệ cách dịch của mình nhưng ông cần chứng minh được là ông đã thể hiện đúng tư tưởng của Nietzsche. Thực ra Nguyễn Quỳnh dịch khái niệm của Nietzsche thành « chí hùng vĩ », sau đó mở ngoặc chú thêm cụm từ « í-chí vươn tới quyền lực ». Dùng cụm từ « chí hùng vĩ » để chuyển ngữ « DER WILLE ZUR MACHT » có những bất cập rất dễ thấy. « Hùng vĩ » trong trường hợp này chỉ có thể được xác định như một tính từ và nó đảm nhiệm chức năng thuộc ngữ chỉ tính chất. Và tính chất « hùng vĩ » hầu như chẳng ăn nhập gì với khái niệm « quyền lực » và cũng không hề gợi liên tưởng tới khái niệm « quyền lực ». Dù rằng trong tựa đề Nguyễn Quỳnh đã mở ngoặc để ghi chú ở phía dưới bằng cụm từ « í-chí vươn tới quyền lực » thì ông cũng đã không thể thường xuyên làm như vậy mỗi khi từ « chí hùng vĩ » xuất hiện trong văn bản. Điều đó sẽ khiến cho độc giả dễ dàng quên mất mối « liên hệ » mà ông muốn thiết lập giữa « hùng vĩ » và « quyền lực ». Nếu đối chiếu với diễn giải của Deleuze, thì cách dịch của Nguyễn Quỳnh phản ánh một cách hiểu không đúng về khái niệm ý chí quyền lực của Nietzsche.

Cần nhắc lại rằng, theo Deleuze, quyền lực trong « ý chí quyền lực » không phải là mục đích, không phải là động cơ của ý chí. Quyền lực không phải là đối tượng của ý chí.

Khi quyền lực trở thành đối tượng hướng tới của ý chí thì điều gì sẽ xảy ra ? Thì lúc đó ý chí sẽ trở thành một ý chí nô lệ, ít nhất là nô lệ cho cái quyền lực ấy.

Đấy là lí do tại sao Nietzsche gắn sức mạnh phản ứng, gắn sự phủ định cho những kẻ nô lệ. Đương nhiên, cần hiểu nô lệ và ông chủ ở đây được Nietzsche sử dụng như những hình ảnh ẩn dụ, mang tính biểu trưng. Vì một người có thân phận nô lệ trong xã hội mà có tinh thần sáng tạo, sở hữu sức mạnh hoạt năng và ý chí quyền lực, thì người đó, theo quan điểm của Nietzsche, là một ông chủ. Đấy cũng là lí do khiến Nietzsche chống lại biện chứng pháp, vì ông xem biện chứng pháp là cách tư duy của tầng lớp nô lệ, mặc dù những người đẻ ra biện chứng pháp không hề thuộc tầng lớp nô lệ. Nô lệ là những kẻ nói « không » với những gì khác mình. Qua phân tích của Deleuze, Nietzsche và Hegel khác nhau chính ở trên quan niệm về mối quan hệ giữa ông chủ và nô lệ : « dưới hình ảnh ông chủ do Hegel tạo ra luôn luôn lộ ra người nô lệ » (13) Theo Nietzsche, một ý chí « bắt thừa nhận quyền lực », « thể hiện quyền lực », thể hiện « sự hơn người », đó là ý chí của người nô lệ. « Một quan niệm như vậy là quan niệm của người nô lệ, nó là hình ảnh mà kẻ phẫn hận tự tạo nên cho quyền lực » (13). Nếu một người ở địa vị ông chủ trong xã hội mà có cái ý chí thể hiện quyền lực này, muốn bắt người khác phải thừa nhận quyền lực của mình, thì cái mơ ước ấy của anh ta chỉ là mơ ước của một kẻ nô lệ, « mơ ước cao nhất là một nô lệ thành đạt ». (13) Như thế, cho dù có đi tới chỗ cưỡng bức được người khác phải thừa nhận quyền lực của mình, anh ta cùng lắm cũng chỉ là một nô lệ thành đạt. Và sự thành đạt không giúp anh ta thoát khỏi vị thế của kẻ nô lệ. Deleuze kết luận rằng diễn giải quyền lực như thế [bắt thừa nhận quyền lực, bắt thừa nhận sự vượt trội của mình, thể hiện sự hơn người] sẽ biến quyền lực thành đối tượng của sự biểu hiện, của sự kiểm nhận, và đó là « cách diễn giải tồi tệ nhất về quyền lực, cách diễn giải tầm thường nhất và hèn kém nhất » (113) Tại sao ? Bởi vì tiêu chí của sự kiểm nhận là các giá trị hiện hành, các giá trị đã thiết lập, và trong trường hợp này ý chí quyền lực có mục tiêu là hướng tới các giá trị có sẵn, dùng để phân phối cho con người, như thế khác nào ý chí quyền lực trở thành nô lệ cho các giá trị đó, quyền lực trở thành một « tư tưởng nô lệ và bất lực ».


Ý chí quyền lực muốn khẳng định sự khác biệt của mình


Nếu quyền lực không phải là đối tượng mà ý chí hướng tới thì nó là gì ?

Điều mới mẻ mà Nietzsche đưa vào trong triết học về ý chí, đó là một quan niệm hoàn toàn khác về quyền lực. Toàn bộ tính cách mạng của tư tưởng Nietzsche là ở chỗ : quyền lực không còn là mục đích, mà nó trở thành chủ thể muốn : « quyền lực là những gì muốn ở trong ý chí » (118). Vậy nó muốn gì ?

Để trả lời câu hỏi này, Deleuze tiếp tục truy nguyên nguồn gốc trong mối quan hệ giữa các sức mạnh, tức là quan hệ giữa hai loại sức mạnh hoạt năng và sức mạnh phản ứng.

Trong nhận thức của Nietzsche, các sức mạnh hoạt năng không xây dựng dựa trên nguyên lí phủ định. « Trong quan hệ với sức mạnh khác, sức mạnh làm tuân phục không phủ định sức mạnh kia, không phủ định cái không phải là nó, nó khẳng định sự khác biệt của chính mình và tận hưởng sự khác biệt này. » (11) Sức mạnh làm tuân phục không phủ định sức mạnh tuân phục. Mà như Deleuze đã chỉ ra, sức mạnh hoạt năng khẳng định chính mình trong tư cách là một sự khác biệt. Nó khẳng định bằng chính sự khác biệt của nó. Và khi mà sự khác biệt của nó được khẳng định, thì tất yếu nó tạo ra sự phủ định như là một hệ quả, hay là một sản phẩm6. Thế nên cần phải hiểu đúng Nietzsche ở những gì liên quan đến phủ định trong trường hợp này : phủ định không phải là sự chủ động từ chối, phủ nhận, bác bỏ hay thậm chí xóa bỏ những gì đối lập với mình, khác mình. Mà phủ định là hệ quả tất yếu khi một sự khác biệt được khẳng định. Bắt tuân phục không có nghĩa là bắt phải phục tùng. không có nghĩa là dùng sức mạnh buộc những gì khác mình phải tuân phục mình. Càng không có nghĩa là đàn áp, cưỡng bức. Trái lại, làm tuân phục thông qua sự khẳng định chính mình, khẳng định sự khác biệt của mình.

Sự khác biệt có ý nghĩa quan trọng đối với Nietzsche, nó là « đối tượng của khẳng định và hưởng thụ » (11) Khẳng định đồng nghĩa với khẳng định sự khác biệt. Hoàn toàn không phải khẳng định quyền lực. Nếu một sức mạnh có ảnh hưởng nào đó thì là nó có ảnh hưởng trên chính sự khác biệt này. Từ đó Deleuze nhận diện câu hỏi thường trực của Nietzsche : « một ý chí muốn gì ? » Và ông loại trừ ngay khả năng hiểu lầm do thói quen suy diễn thông thường mang lại, bằng cách nêu rõ : « Không nên hiểu câu hỏi này như là sự tìm kiếm một mục đích, một lý do hay một đối tượng cho ý chí này. » (11-12) Và ông xác định rõ ràng mục đích của ý chí : « Điều mà một ý chí muốn, đó là khẳng định sự khác biệt của nó. » (12)

Tuy nhiên cũng có khi yếu tố phủ định được hiểu theo nghĩa thông thường, tức là phủ nhận và loại bỏ những gì khác với mình. Đó là khi nào ?

Đó là khi một sức mạnh đánh mất khả năng khẳng định sự khác biệt, đánh mất khả năng tác động, và nó quay ra phủ định những gì khác với nó, những gì không phải là nó. Nó trở thành sức mạnh phản ứng. Nó « bắt thừa nhận quyền lực của nó », nó muốn thể hiện quyền lực và sự vượt trội của nó. Như vậy, khi một sức mạnh lấy sự phủ định làm bản chất và nguyên tắc tồn tại, thì nó là một sức mạnh suy yếu, kiệt quệ, nó trở thành nô lệ. Cái nguyên lí phủ định này là nguyên lí của kẻ yếu, của kẻ nô lệ. Nguyên lý của sức mạnh phản ứng.

Đối chiếu với lý thuyết của Nietzsche, quả nhiên có thể thấy trong đời sống có những người không sử dụng sức mạnh của mình để tự khẳng định mình như một giá trị. Trái lại, họ dùng năng lượng, thời gian, sức lực của họ để phủ định (hay phá hoại) hoạt động của người khác. Lấy một ví dụ thuộc về thời đại công nghệ thông tin : các hacker. Dù có đánh sập được các trang mạng của người khác, đánh cắp được thông tin hay hủy hoại được dữ liệu của các trang đó thì hành động ấy của hacker cũng không biểu hiện sức mạnh, mà trái lại nó cho thấy sự suy yếu của họ. Kể cả khi hành động của họ không phải vì mục đích cá nhân, mà nằm trong chương trình của một tổ chức, thì nó cũng bộc lộ sự suy yếu của tổ chức đó, sự suy yếu của toàn bộ tổ chức cũng như của từng cá nhân trong tổ chức. Và trong trường hợp này, mọi thứ còn tồi tệ hơn, khi mà một tổ chức lại phải sử dụng đến những phương thức phạm pháp, phi nghĩa và « hèn hạ » (ở đây chúng tôi dùng lại từ của Nietzsche) như vậy. « Hèn hạ » là điều khiến Nietzsche cảm thấy ghê tởm nhất ở con người. Đối với ông sự hèn hạ của tâm hồn còn tệ hại hơn cả sai lầm và sự ngu ngốc [xem tr.98]. Thế nên, một trong những nhiệm vụ của phê phán là phải phê phán sự hèn hạ. Hèn hạ, đấy là đặc tính của kẻ nô lệ.

Tóm lại, theo diễn giải của Deleuze, quyền lực là chủ thể muốn trong ý chí. Ý chí muốn khẳng định sự khác biệt của nó, hay nói cách khác, nó biến sự khác biệt của mình thành đối tượng khẳng định.


Nguyễn Thị Từ Huy




1 Lý do của sự nghi ngờ này là ở chỗ Nietzsche đã không trình bày tư tưởng của mình một cách hệ thống, không triển khai các hình thức lập luận « bình thường » như triết học truyền thống, mà ông viết theo dạng mảnh, với những đoạn ngắn, những mẩu và những câu ngắn. Nhiều câu gần như là châm ngôn. Riêng tác phẩm Zarathoustra đã nói như thế có hình thức mang tính văn chương rất rõ.

2 Xem chương « Hoạt năng và phản ứng » trong cuốn Nietzsche và triết học của Gilles Deleuze, Nguyễn Thị Từ Huy chuyển ngữ, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri Thức ấn hành năm 2010.

3 Các con số đặt trong ngoặc đơn dùng để chỉ số trang của các trích dẫn được lấy từ cuốn Nietzsche và triết học.

4 Chúng tôi giữ nguyên cách viết chính tả của ông Nguyễn Quỳnh.

6 Lấy một ví dụ dễ hình dung : con gà, một khi đã phát triển hoàn chỉnh và khẳng định được sự tồn tại độc lập của nó, sự khác biệt của nó, thì một cách tự nhiên, nó phủ định quả trứng.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss