Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đất nước của bảo tàng

Đất nước của bảo tàng

- Nam Giang — published 13/01/2011 12:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Đất nước của bảo tàng


Nam Giang


     

Cuốn sách “Nerdeland museumland” (Hà Lan – Đất nước bảo tàng) tái bản lần thứ 18 xuất bản năm 2009 đã đưa ra một con số thú vị: Hà Lan có tới trên 1.200 bảo tàng! Điều đó có nghĩa là, nếu trung bình mỗi ngày bạn có thể tới thăm một bảo tàng, thì bạn sẽ cần tới gần bốn năm trong cuộc đời để đi cho hết các bảo tàng ở Hà Lan!!!

DG

Tác giả, trong bảo tàng Escher

Bảo tàng ở Hà Lan phản ánh đời sống văn hóa phong phú cũng như chính sách pháp luật cởi mở của đất nước này. Mỗi một tỉnh, thành phố, khu dân cư, trường học,… đều có thể có những bảo tàng riêng, hay bảo tàng của những hộ gia đình hoặc các cá nhân. Trong khi nền kinh tế nói chung đang phải đối đầu với khó khăn và nguy cơ khủng hoảng trong vài năm qua, ngành “công nghiệp không khói” này lại thu hút tới hơn 11 triệu lượt du khách tới thăm mỗi năm, mang lại lợi nhuận khổng lồ.

Tại Hà Lan, cái gì có thể nhìn thấy trong cuộc sống, đều có thể tìm thấy trong… bảo tàng. Từ những bảo tàng tự nhiên, bảo tàng lịch sử, hội họa, nhiếp ảnh,… tới bảo tàng hoa tulip, bảo tàng bia, bảo tàng bánh kẹo, bảo tàng trà và cà phê, gốm sứ,…; tới cả bảo tàng tra tấn, bảo tàng tính dục, bảo tàng thuốc phiện, đồ chơi,… Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất – và cũng là lý do thu hút nhiều du khách tới với Hà Lan – là bảo tàng Van Gogh – nơi lưu trữ bộ sưu tập rất nhiều tác phẩm có giá trị và nhiều tư liệu về cuộc đời của danh họa nổi tiếng Vincent Van Gogh với số lượt khách viếng thăm mỗi năm tới 1,5 triệu.

Hãy cùng điểm qua những bảo tàng nổi tiếng và thú vị của đất nước xe đạp và hoa tulip này.

Amsterdam: Van Gogh, beer và… sex

Amsterdam nổi tiếng với những “nghịch lý”: giữa khu phố đèn đỏ nằm xen kẽ những dòng kênh lãng mạn; giữa sự thanh bình êm ả đầu ngày với tiếng chuông nhà thờ và mùi thơm ngọt ngai ngái của cannabis; giữa những ngôi nhà cổ kính nhỏ bé có mái hình tam cấp với trùng trùng những đoàn khách du lịch mang dáng dấp hippie,… Nhiều người tìm đến với Amsterdam bởi sự quyến rũ của những nghịch lý này, nhưng cũng có những người chỉ vội tạt vào thành phố này một ngày vội vã trong những cuộc du hành của mình chỉ để có vài tiếng đồng hồ lặng lẽ ngắm những bức tranh nổi tiếng của Van Gogh.


vangogh

Trước cổng bảo tàng Van Gogh

Có thể nói, không một bảo tàng tên tuổi nào trên thế giới không có một vài tác phẩm của Van Gogh. Nhưng nơi có bộ sưu tập lớn nhất thế giới chính là bảo tàng Vincent Van Gogh tại Amsterdam.

Khối lượng tác phẩm đồ sộ này phản ánh khá chi tiết toàn bộ cuộc đời của người nghệ sĩ tài hoa này từ khi ông bắt đầu học vẽ và thử nghiệm những tác phẩm đầu tiên cho tới những bức họa sau cùng. Đây cũng là bảo tàng có bộ sưu tập những lá thư khá đầy đủ (hơn 200 trong tổng số hơn 300 lá thư) mà Vincent viết cho em trai Theo của mình. Dự án kéo dài 15 năm nhằm tập hợp và dựng lại toàn bộ bộ sưu tập thư này đã được giới thiệu ra công chúng vào cuối năm 2009.

Bảo tàng Van Gogh cũng lưu giữ một bộ sưu tập tranh của các họa sĩ cùng thời, thầy dạy,… của Van Gogh vào thế kỷ XIX.

Trong khi nhiều khách du lịch lớn tuổi xếp hàng dài trước cửa bảo tàng Van Gogh, thì lượng lớn du khách trẻ tuổi, thanh niên,… lại đổ tới xếp hàng trước một bảo tàng khác ở cách đó không xa – Bảo tàng bia Heineken.

Nhìn từ xa, bảo tàng Bia Heineken nổi bật với tấm biển mang dòng chữ Heineken và khối đầu nhà nhô lên màu sậm đỏ gợi nhớ những phuy bia trong các nhà máy nấu bia. Cho dù giá vé vào cửa không hề rẻ (15eu) nhưng nhiều bạn trẻ khi có cơ hội sẵn sàng trở lại bảo tàng này lần thứ hai, thứ ba. Với số tiền bỏ ra, người thăm quan được tặng một chiếc vòng cao su màu xanh lá cây đậm với dấu ấn của Heineken, được thưởng thức miễn phí các loại men bia trong công xưởng nấu bia, được tham gia các trò chơi tương tác giải trí thú vị như hát karaoke và nhảy múa trên màn hình, đóng giả James Bond, hóa thân thành một hạt lúa mạch để “thâm nhập” vào toàn bộ quá trình sản xuất bia,… Không những thế, bạn cũng có thể thưởng thức âm nhạc tuyệt hảo trong một căn phòng được lắp toàn bộ hệ thống cách âm với trần hoàn toàn tạo từ vỏ chai Heineken. Thú vị hơn, bạn cũng có thể ghi hình lại những giây phút của mình trên máy tính của bảo tàng, để lại địa chỉ e-mail và yêu cầu video ấy gửi tới hộp thư. Chưa hết, vào công đoạn cuối cùng là đóng chai và dán nhãn, bạn cũng có thể điền tên mình hoặc ai đó vào nhãn chai để mang về làm kỷ niệm với một cái giá khá mềm!

Điều đặc biệt của bảo tàng Heineken có lẽ ở chỗ, nó là bảo tàng duy nhất ở Hà Lan mở cửa hầu hết các ngày trong năm (chỉ trừ ngày Giáng sinh 25/12 và ngày Năm mới 1/1). Nếu bạn còn trẻ, hoặc nghĩ mình còn trẻ và lỡ chân tới Amsterdam, hãy bỏ ra nửa ngày trong bảo tàng Heineken để “vui vẻ”. Điều đó hoàn toàn không vô bổ chút nào, toàn bộ số tiền thu được từ việc bán vé tại bảo tàng này được gia đình Heineken đảm bảo sử dụng cho các hoạt động từ thiện.

Bảo tàng Heineken Bảo tàng "tra tấn"

Amsterdam không phải là một thành phố quá lớn nên bạn hoàn toàn có thể đi bộ thong dong từ bảo tàng này qua bảo tàng khác. Ngay gần Damsquare (từ nhà ga trung tâm đi bộ khoảng mươi phút), bạn sẽ thấy một loạt bảo tàng “mini” nằm trên những con phố nhộn nhịp dân du lịch. Gọi là mini, vì những bảo tàng này khá nhỏ bé, cửa ra vào chỉ có thể lọt hai người và những tấm biển nếu không để ý kỹ thì sẽ lọt thỏm giữa vô số những biển báo hàng hiệu, quán xá,…

Trong số những bảo tàng mini ấy, có một bảo tàng đặc biệt mà người bán vé vào cửa cũng là nhân viên duy nhất được quyền gật đầu cho khách vào thăm sau khi đã mua tấm vé giá 5eu chen chân trước cửa guichet. Đó là bảo tàng tính dục.

Được sửa sang và cơi nới lại từ một căn nhà kiểu cổ, bảo tàng tính dục giúp khách thăm quan có một cái nhìn tương đối đầy đủ về câu chuyện những khu phố đèn đỏ ở Amsterdam, về những bức ảnh nude đầu tiên thời kỳ cuối thế kỷ XIX, về sự xuất hiện những quả bom tính dục trên màn ảnh và báo chí,…

Khách thăm quan bảo tàng đa phần là giới trẻ, đi lại ngó nhìn, trêu chọc và cười nói rộn ràng. Những dụng cụ tính dục, câu chuyện về giới gay và lesbian,… của nhiều nền văn hóa cũng được đề cập, tuy chưa hẳn hệ thống và chi tiết. Một chiếc ghế có lẽ làm từ xi măng đúc và sơn bóng với hình dương vật của đàn ông có lẽ là điểm nhấn dễ nhận diện nhất trong bảo tàng này – vì nó sẽ xuất hiện trong tất cả những tấm hình của bất kỳ khách thăm quan nào khi đặt chân tới đây!!!

La Haye: Vermeer, Escher, đồ sứ và cổng tù nhân

Nếu như những bảo tàng mọc lên như nấm ở Amsterdam dường như để phục vụ cho nhu cầu của giới du khách tò mò là chính, thì những bảo tàng ở La Haye lại nổi tiếng bởi sự tinh tế với những bộ sưu tập quý giá trong những tòa nhà đẹp đẽ mang đầy dấu ấn lịch sử của nhiều thế kỷ trước. Một phần vì La Haye là thành phố của gia đình Hoàng gia, là thủ đô chính trị của Hà Lan từ thế kỷ XV.



Bảo tàng Mauritshuis

Bảo tàng nổi tiếng nhất và cũng may mắn nhất khi được nằm trong tòa nhà với kiến trúc cung điện tuyệt đẹp của thế kỷ XVII ngay Buitenhof ở giữa trung tâm của La Haye là Mauritshuis. Tên của cung điện-bảo tàng này được đặt theo tên người chủ sở hữu là Thống đốc Johan Maurits vùng thuộc địa Brazil thuộc Hà Lan vào giữa thế kỷ XVII. Bảo tàng có bộ sưu tập với gần 800 bức tranh có giá trị, trong đó có nhiều bức tranh đánh dấu thời kỳ cực thịnh của hội họa Hà Lan vào thế kỷ XVII.

Kể từ sau khi bộ phim “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” dựng lại hư cấu một phần cuộc đời của danh họa Vermeer với sự xuất hiện của diễn viên gợi cảm Scarlet Johansson, bảo tàng Mauritshuis ngày càng có nhiều người tới thăm viếng.

Ngoài bức danh hoạ tuyệt đẹp vốn được ví là “Mona Lisa của Hà Lan” của Vermeer, các bức họa với kỹ thuật xử lý ánh sáng tuyệt vời của Rembrandt cũng là một phần của bộ sưu tập quý giá của Mauritshuis.

Năm 1995, bảo tàng Mauritshuis chính thức trở thành bảo tàng nằm dưới sự quản lý của Nhà nước. Một điểm thú vị là nếu bạn làm thẻ bảo tàng (museum card) tại đây với mức phí khoảng 40eu thì bạn có thể sử dụng thẻ này để vào thăm quan miễn phí khoảng 300 bảo tàng tại Hà Lan với thời hạn một năm.

Ngay gần Mauritshuis, băng qua bên kia đường tới công viên với hàng đèn có chóp vương miện là tới bảo tàng Escher. Cuộc đời của người nghệ sĩ tài danh vẫn được công chúng mến mộ gọi là “nhà toán học đồ họa” này cùng với nhiều tác phẩm của ông, trong đó có những bức Biến hình (Metaphorsis) và những tranh khắc gỗ sử dụng hai màu đen – trắng nổi tiếng.



Metamorphose, tranh Escher

Trong không gian của tòa nhà nhỏ nhắn, duyên dáng với gam màu trắng ngà và xanh lá mạ từng thuộc về gia đình Hoàng gia, những bức tranh của Escher khuyến khích người xem đẩy cao óc tưởng tượng với những logic hình học không gian trước những bức tranh “đánh lừa” thị giác. Những vách ngăn nhỏ của căn phòng trên gác trình bày lại những tác phẩm và góc nhìn tác phẩm của Escher dưới dạng các thí nghiệm với những mẩu gỗ và những quy tắc toán học mà Escher đã sử dụng trong họa phẩm của ông. Ở một căn phòng nhỏ khác, một studio dựng theo đúng tỷ lệ của một mặt phẳng hình học trong một tác phẩm của Escher với một góc nghiêng khiến người xem khi đứng vào không gian đó sẽ cảm thấy hoặc nhỏ bé bất thường ở một góc này hoặc trở lên to lớn khác thường ở một góc nhìn khác. Người chụp ảnh già của bảo tàng sẽ giúp bạn ghi lại tấm hình trong không gian ấy với giá 5eu để giúp gây quỹ duy trì bảo tàng.

Sự tinh tế đẹp đẽ của thủ đô Hoàng gia La Haye tiếp tục được trải dài nếu bạn ngồi lên chuyến tàu điện số 1 xuôi theo hướng Delft. Nổi tiếng với đồ sứ men lam, vốn được những nghệ nhân gốm sứ tạo ra dựa vào cảm hứng tới từ phương Đông (Trung Quốc, Nhật Bản) từ thế kỷ XVIII, Delft Blue đã trở thành thương hiệu của bất kỳ ai mê đồ gốm sứ.

Tại Delft, bảo tàng gốm sứ Delft Blue mỗi năm đều có một ngày mở cửa miễn phí cho mọi người vào thăm quan bộ sưu tập các đĩa gốm, sứ,… có giá trị vốn từng được gia đình Hoàng gia sở hữu,… cùng với việc tham gia các workshops, trực tiếp nhúng tay vào đất nặn, cầm cọ vẽ, tham gia nung gốm, sứ,… cùng với những người thợ Hà Lan.

Cũng giống như ở Anh, người Hà Lan vốn có truyền thống uống trà, và cùng với nó, đồ gốm sứ trở thành một nét văn hóa thể hiện sự giàu có và tinh tế, sự phân tầng giữa giới thượng lưu, trung lưu hay dân thường. Theo truyền thống, những gia đình giàu có luôn đặt những xưởng làm gốm sứ làm những chiếc đĩa sứ với thiết kế riêng biệt dành tặng cho các dịp sinh nhật, các ngày lễ như Giáng sinh, nhà có em bé,… để treo trên tường. Truyền thống ấy vẫn tiếp nối đến ngày nay, nhưng chi phí để tiếp tục nó không hề rẻ.

Một chiếc đĩa sứ men lam với hoạ tiết cầu kỳ với đường kính khoảng 20cm có giá khoảng trên dưới 200eu, trong khi nếu cũng với đường kính ấy và màu sắc sử dụng trên chiếc đĩa đa dạng hơn, mức giá có thể đắt tới gấp đôi. Điều đặc biệt và làm nên thương hiệu đồ sứ men lam nổi tiếng của Delft Blue nằm ở chỗ: màu xanh biển đậm là thứ màu duy nhất cho gốm sứ, khi được vẽ trên gốm thô chưa nung, nó có màu xanh đen, bằng kinh nghiệm và khả năng hiếm có, nghệ nhân sẽ biết pha nước theo tỷ lệ thế nào vào màu xanh đen ấy và sử dụng cọ ra sao để khi vẽ trên gốm thô, dưới sức nóng của lửa, các sắc độ xanh khác nhau sẽ hiện ra ở sản phẩm cuối cùng không có bất kỳ một sự “chênh” nào về màu sắc và nét cọ.

Dịp bảo tàng mở cửa là một dịp hiếm với người Hà Lan. Họ thường xếp lịch trước cả tháng và rủ nhau, đôi khi là cả gia đình, cùng tới coi bảo tàng. Vào ngày thường, bảo tàng thường chật cứng bởi khách du lịch, khi họ kết hợp đi tour từ Amsterdam về.

Trong không gian cổ kính và yên tĩnh của La Haye, mới đây, cũng ngay bến Buitenhof nổi tiếng, một bảo tàng đã được sửa chữa lại từ mống của một cổng thành nơi trước kia các tù nhân thường bị đưa qua đây trước khi nhận án tù. Đó là bảo tàng Tra tấn – bắt đầu mở cửa đón khách kể từ cuối năm 2010.

Điều thú vị là rất nhiều gia đình và trường học đưa trẻ nhỏ tới đây như một cách để “giáo dục”. Trong bảo tàng, những câu chuyện về các hình thức tra tấn tù nhân thời trung cổ được kể lại với khá nhiều hiện vật. Một trong những hình thức tra tấn “bi hài” nhất có lẽ là nấu món ăn ngon trong nhà bếp ngay cạnh khu vực của tù nhân chịu hình phạt bỏ đói cho tới chết!

Bảo tàng, vốn cũng là nơi giam cầm tù nhân trước kia, cho người xem cái nhìn khá chi tiết về đời sống cấp bậc của xã hội Hà Lan nhiều thế kỷ trước. Ở đó, những tù nhân nghèo khổ phải sống chung trong những phòng giam tối tăm không ánh sáng và lạnh lẽo, trong khi những tù nhân thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có hoàn toàn có thể chọn cho mình một phòng giam với ô cửa sổ tuy đã rào sắt song vẫn nhìn ra cảnh vật phố phường đẹp đẽ bên ngoài. Một phòng giam của giới thượng lưu điển hình còn có bàn làm việc và giường ngủ với chăn êm, đệm ấm và… màn nhung.

Ngay kế bảo tàng Tra tấn ở cổng tù nhân, với tấm vé bảo tàng, bạn có thể tiếp tục thăm quan một bộ sưu tập tranh của khoảng hai, ba thế kỷ trước của một quận công ngay kế bên.

Rotterdam: Những thí nghiệm nghệ thuật đương đại

Có thể nói, Rotterdam là thành phố hiện đại nhất của Hà Lan. Không may mắn khi bị một quả bom rơi trúng thành phố trong chiến tranh thế giới thứ hai, Rotterdam lại biến điều đó thành một cơ may khi tái thiết lại thành phố và định vị nó trở thành một điển hình về kiến trúc đương đại.

Ấn tượng ban đầu về Rotterdam có lẽ là cảng biển. Và cũng vì thế, một bảo tàng phần lớn ở ngoài trời với quy mô lớn và độc đáo, và thậm chí nhiều phần của nó vẫn tiếp tục được trưng dụng cho những hoạt động cảng biển hàng ngày đã được dựng lên. Đó là bảo tàng Hàng hải. Ở Hà Lan, hầu như mỗi thành phố đều có một bảo tàng hàng hải hoặc hải quân. Nhưng có lẽ, bảo tàng hàng hải ở Rotterdam là lớn nhất.

Với những chiếc mỏ neo, những đầu tàu, bánh lái,… từ hai ba thế kỷ trước được xếp la liệt ngoài trời, một ngọn hải đăng giả nhỏ xinh màu đỏ nổi bật nằm ngay sau chiếc ghế băng nhìn ra bến cảng sầm uất, bảo tàng Hàng hải ở Rotterdam có lẽ là một điểm đến tuyệt vời cho những ngày hè nóng nực.

Từ đây, băng qua đường lớn với những dãy nhà được thiết kế hiện đại, bạn có thể đi xuôi xuống khu Museumplein (Quảng trường bảo tàng) – nơi tập hợp nhiều bảo tàng và trung tâm triển lãm nổi tiếng của Rotterdam.

Nếu như các bảo tàng ở Amsterdam thường nằm trong những tòa nhà nhỏ, cũ; các bảo tàng ở La Haye ẩn mình trong những toà nhà đẹp với kiến trúc trung cổ; thì các bảo tàng ở Rotterdam lại “ngạo nghễ” với những kiến trúc cận/hiện đại có thể hút hồn ngay những người yêu thích nghệ thuật và kiến trúc.



Bảo tàng Boijmans van Beuningen.jpg

Trong số đó, nổi bật là bảo tàng Boijmans Van Beuningen với bộ sưu tập tranh phong phú trải dài từ thời trung cổ tới các tác giả hiện đại của thế kỷ XX, XXI như Dalí hay Christo. Bảo tàng mới đầu mang tên luật sư Boijmans, người đã hiến tặng toàn bộ bộ sưu tập nghệ thuật của mình cho thành phố Rotterdam vào năm 1849. Tới năm 1958, sau khi tiếp nhận bộ sưu tập của gia đình Van Beuningen, Bảo tàng mở rộng tên của nó thành Boijmans Van Beuningen.

Nơi đây có những họa phẩm từ thời Rembrandt tới những bức tranh của trường phái Ấn tượng và Hiện đại của Monet, Van Gogh và khá nhiều tranh Mondriaan. Những tác phẩm siêu thực của Dalí và Magritte cũng khiến người xem trầm trồ. Nhưng không chỉ có thế, khu vườn với rất nhiều tượng điêu khắc hiện đại nằm trên cỏ xanh mướt quanh năm cũng là một dấu ấn của bảo tàng này.

Cho dù sở hữu không nhỏ số lượng tranh của các thế kỷ trước, dấu ấn lớn nhất mà Boijmans Van Beuningen để lại cho người xem là những thiết kế và tác phẩm nghệ thuật đương đại. Không gian rộng mênh mông của tòa nhà cũng là nơi thử nghiệm những tác phẩm sắp đặt với nước, ánh sáng,… hay những câu chuyện bằng ảnh của những thế hệ nghệ sĩ trẻ của Hà Lan.

Là người say mê bảo tàng, tôi chưa muốn dừng câu chuyện của mình ở đây. Nhưng có lẽ, nếu muốn sự tò mò và lòng đam mê nghệ thuật của mình được thỏa mãn, chẳng có cách nào hơn là bạn phải xách va-li và đi. Biết đâu, trong những chuyến viếng thăm các bảo tàng ấy, bạn không chỉ được thỏa lòng mong ngắm những tác phẩm nghệ thuật mà còn tìm kiếm được điều gì đó. Giống như người bạn của tôi, sau khi đi xem triển lãm Monet về thì nhận ra, mình cũng có thể vẽ!

Trong năm mới này, tự dưng tôi lại có một điều ước: Giá mà có thể sử dụng bốn năm của đời mình để đi hết các bảo tàng ở Hà Lan!

Nam Giang

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss