15 năm Câu lạc bộ YDA Paris : Cảm nhận của một khán giả
15 năm Câu lạc bộ YDA Paris :
Cảm nhận của một khán giả
Hậu Hiền
Hồi tháng Giêng 2024 vừa qua, ai đi coi phim ở rạp Grand Action, khu La Tinh Paris, do Câu lạc bộ YDA tổ chức, mới được người giới thiệu chương trình cho biết là YDA hoạt động đã được 15 năm và chiếu 155 phim Việt Nam đủ loại ! Wouah ! Thật khủng khiếp ! Không có tiếng nào để có thể nói đúng hơn “kỳ công” của nhóm người đã làm nên YDA, vì chắc chắn phải có nhiều người đứng sau lưng, chứ một mình “người giới thiệu” làm sao lo cho xuể ! Tôi vẫn còn nhớ những buổi chiếu phim những năm đầu tại rạp La Clef cũng nằm trong Quartier Latin. Rạp nhỏ, cũ kỹ, nhất là "toilettes", xem phim xong, ra phòng bên cạnh bàn cãi về phim có nước trà miễn phí, có khi có đạo diễn làm phim đến dự như Trần Anh Hùng, Lê Lâm, Đặng Nhật Minh, Siu Pham, André Menras, …. Mà hình như chưa hay ít có bài viết về hội YDA này, hay đúng hơn về những phim Việt Nam được chiếu tại đây, về một sinh hoạt văn hóa Việt Nam thường xuyên hiếm có tại Paris. Không biết ở trong YDA đã có ai viết về mình chưa ? Viết về kinh nghiệm tổ chức, tìm phim, mời đạo diễn, làm phụ đề, giao lưu với khán giả… Chắc có bao nhiêu chuyện để kể, có thể viết thành sách. Về phía khán giả, không biết có bao nhiêu lượt người đi xem, trong số có người rất trung thành, gần như phim nào cũng thấy có mặt. Chắc thể nào cũng có người có nhiều điều muốn nói, muốn chia sẻ sau khi xem phim. Thích, không thích, không hiểu, cảm động rớt nước mắt, ngủ gục hay “siêu thăng”… Có người đã nói ngay sau khi phim chiếu xong, nhiều người không nói được, chỉ giữ cho mÌnh. Phần tôi, cũng có nói một vài lần nhưng chưa hả dạ, hôm nay muốn viết thêm đôi điều nhân dịp sinh nhật thứ 15 của YDA, nhớ tới đâu viết tới đó, vì có nhiều phim đã xem cách đây hơn mười năm, hoàn toàn là cảm xúc cá nhân phiến diện, hoàn toàn không có tham vọng làm nhà phê bình điện ảnh “gây tranh cãi”. Chỉ mong tạo cảm hứng cho các khán giả khác viết thêm để làm giàu cho ký ức của một thời “đua nở” của điện ảnh Việt Nam được chiếu tại Paris.
Trong số 155 phim chiếu từ 2008 đến 2023, giỏi lắm, tôi coi được chừng 20, 30 phim. Trong số này, tôi còn nhớ được mấy phim truyện (Song Lang, Ròm, Đó hay Đây, Đừng Đốt) và phim tài liệu (Đất thuộc về ai, Tiếng gào thét từ bên trong, Đừng sợ). Không thể bình luận được hết, tôi chỉ nói về mấy phim truyện đã để lại dấu ấn cho tôi nhiều nhất.
Song Lang (2018) chiếu tháng 10/21, là chuyện xảy ra trong khung cảnh Sài Gòn thời ở Việt Nam người ta gọi là « bao cấp ». Một gánh hát cải lương nhỏ sống chật vật lúc nào cũng thiếu tiền bà chủ nợ cắt cổ mà phải xin khất lần khất lữa. Bà chủ nợ đến một lúc chịu không nổi gửi tay đánh mướn Dũng « Thiên Lôi » đến đòi nợ và dọa đốt sạch trang phục sân khấu nếu gánh hát không trả hết nợ. Kép chính Linh Phụng thấy tình hình nguy kịch quá, vội tháo đồng hồ và dây chuyền vàng năn nỉ Dũng nhận tạm. Từ cuộc gặp gỡ nảy lửa này, hai chàng « song lang » (chữ Hán vừa chỉ hai người đàn ông, vừa chỉ nhạc cụ có vai trò giữ nhịp trong cải lương) dần dần quen nhau và trở thành hai người bạn tâm giao. Khán giả theo chân hai chàng bước vào không khí Sài Gòn những năm tháng thiếu thốn, đường phố ảm đạm, ánh đèn leo lét, trong khi loa phường thì vẫn ra rả. Giải trí không còn nhiều như trước tháng 4/75, vẫn còn mấy gánh hát cải lương lớn nhỏ giúp người dân tạm quên đi những lo âu áo cơm hàng ngày. Những trích đoạn cải lương ngắn làm cho những khán giả « sợ cải lương » khám phá một cách thích thú một bộ môn nghệ thuật người ta thường gán là « bình dân » hay « dành cho người già ». Xuyên suốt bộ phim, nghệ thuật cải lương được làm nổi bật và giữ vai trò sợi chỉ đỏ, do lòng đam mê của đạo diễn từ lúc còn nhỏ. Giữa hai thanh niên từ hai môi trường hoàn toàn đối lập với nhau, không biết từ lúc nào, một mối tình chớm nở, tình bạn hay tình yêu đồng tính ? Qua những lúc tâm sự trên sân thượng ban đêm khi thành phố đã ngủ say, hay trong phòng ngủ, họ đã hiểu nhau, gần nhau hơn. Lời đối thoại lưu loát, không có “kịch tính” hay “cải lương” theo nghĩa ngây ngô, công thức, như trong nhiều phim Việt Nam. Các diễn viên đóng tự nhiên, dùng nhiều cách diễn tả bằng mắt, sự im lặng, không cường điệu. Đạo diễn đã tìm được ngôn ngữ điện ảnh thích hợp để vẫn giữ sự căng thẳng (tension) của cốt truyện mà không bi kịch hóa quá cỡ (dramatisation excessive). Khán giả không lúc nào chán hay buồn ngủ trong những đoạn chậm, biểu lộ tình cảm trầm lặng, nhưng vẫn giữ chiều sâu, cường độ (intensité). Có khán giả khi xem phim nghĩ đến In the mood for love của Wong Kar-wai (nguyên tác chữ Hán là 花樣年華 : « hoa dạng niên hoa », nghĩa là « tâm trạng khi yêu »). Đạo diễn Leon Lê tâm sự anh rất ngưỡng mộ đạo diễn Hongkong nổi tiếng này và cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, nhưng anh vẫn có lối đi riêng của mình, anh cố làm phim nghệ thuật xứng đáng với trình độ của khán giả Việt Nam mà anh coi trọng.
Chiều
hôm đó, lúc đèn bật sáng trong rạp hát, khán giả được
giao lưu với đạo diễn trẻ, dân Sài Gòn nói giọng Bắc,
kể về lúc nhỏ đã sống trong môi trường cải lương,
sang Mỹ lúc 13 tuổi học múa, diễn kịch ở New York làm
nghề chính, bên cạnh đó làm phim. Phim Song Lang, phim dài
đầu tay của anh, đã nhận được hơn 50 giải thưởng
trong các liên hoan điện ảnh trong đó có khoảng 30 giải
quốc tế. Chúng tôi hôm đó sáu người bạn cùng đi xem,
ai nấy đều thích thú dù không phải khán giả của cải
lương, có người đến nói chuyện, khen ngợi nồng nhiệt
đạo diễn Léon, hẹn gặp lại anh phim tới cũng tại
YDA.
Ròm
của
đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy (2019) chiếu tháng 6/23 hoàn
toàn khác. So với nhiều phim Việt Nam từ trước tới giờ
đây là một phim gây nhiều ấn tượng mạnh với những
cảnh săn đuổi dồn dập, cảnh bạo lực rùng rợn không
kém phim hành động
(film d’action)
hoặc trinh thám của Âu Mỹ. Nhịp độ phim rất nhanh,
cảnh này chuyển qua cảnh kia không có « temps mort »
(thời gian chết), khán giả gần như bị hoàn toàn thôi
miên, mắt không rời màn ảnh, vì câu chuyện cũng khá
rắc rối, có nhiều nhân vật, sợ mất một chi tiết nào
đó thì không hiểu được câu chuyện, mà hỏi người
ngồi bên cạnh thì không dám. Tiếng Pháp có câu « On
entend les mouches voler » (Người ta có thể nghe được
tiếng ruồi bay) để chỉ việc một nơi đông người mà
thật im lặng đến độ có thể nghe được tiếng rất
nhỏ như tiếng ruồi bay ! Phim Ròm có thể nói là một
phim « ruồi bay » ! Với cách quay phim như
vậy, ý của đạo diễn là muốn cho thấy không khí
« khẩn trương » của xóm nghèo Thanh Đa - nơi
anh đã sống từ lúc còn nhỏ - gia đình nào cuộc sống
cũng khó khăn chật vật, tất cả đều náo nức đổ dồn
hết tiền của vào việc chơi đề, mong trúng số tiền
triệu, tiền tỷ để cho đời sống dễ thở hơn. Niềm
hy vọng thắng đề làm mặt mày người nào người nấy
rạng rỡ bao nhiêu, thì sự tuyệt vọng lúc thua đề làm
mặt họ nhăn nhó đau khổ, chảy dài bấy nhiêu. Có một
bà Ba treo cổ tự tử, còn ông Khắc, ông Hiệp tức giận
quá chịu không nổi phải kiếm cho được thằng Ròm vì
nó cho số đề trật, đánh cho nó một trận cho nó chết
bỏ. Coi xong phim, ai nấy đều bị chấn động, rùng mình.
Phim quay năm 2019, bị kiểm duyệt nhiều chỗ. Xóm nghèo ở
Sài Gòn vẫn còn đó, ở ngoại quốc về chơi khó mà
thấy được. Phim « Ròm » đoạt nhiều giải thưởng ở các
Liên hoan
Phim quốc tế trong đó có LHP Busan 2019.
Đó hay Đây (2011) chiếu tháng 5/13 : là bản dịch tiếng Việt tựa phim Ici … ou là-bas của đạo diễn Siu Pham. Phim rất lạ. Không có cốt chuyện rõ ràng, chỉ là những cảnh trí - ngoài biển, một làng đánh cá -, những khuôn mặt, - một người Âu về sống ở Việt Nam, những cô gái trẻ đẹp, một bà già nhiều tuổi, những tiếng động - tiếng gió, sóng biển, tiếng mở cửa, bước chân -, những cảm giác lạ lẫm…. Gần như không có đối thoại, chỉ có câu nói vu vơ, máy móc. Người đàn ông ngồi trên ghế nhìn ra biển một lúc tự nhiên thấy mình đang bơi giữa biển, bao quanh là mấy mỹ nhân ngư chơi đùa một lúc với chàng rồi đưa về một chốn riêng mất hút. Một thời gian sau, chàng xuất hiện trở lại trong một phòng mát xa, trước thân hình tuyệt đẹp của một cô gái trẻ, nhìn vào mặt nàng tìm lại nét quen thuộc của người vợ (già) yêu quý. Ngày giỗ ông bà, vợ chồng chàng mời họ hàng, hàng xóm về dự, kể cả anh công an phường khó tính. Không ai ngạc nhiên trước sự có mặt của ông bà ngoại cùng về ăn giỗ với con cháu. Cảnh căn nhà hôm đó thật ấm cúng, mọi người ngồi chung quanh bàn ăn với đầy đủ các món, đồ nấu, bóng, bún thang, chè sen … Tôi thả hồn vào phim cũng như trong phim của nhiều đạo diễn Âu Mỹ Á khác như Wong Kar Wai, Jim Jarmusch, Ozu …, để cảm xúc thẩm mỹ lôi cuốn, không tìm cách lý giải … Cũng phải nói thêm nữ đạo diễn Siu Pham định cư tại Thụy Sĩ từ 1985 là một nhà làm phim avant-garde (tiền vệ), ngoài phim ảnh (Homostratus, Brouillard au sommet, orage en bas, Sur la route sans fin), bà còn triển lãm tranh, làm thơ.
*
Mùa hè 2010, mấy tháng sau khi bị một tai nạn sức khỏe trong công việc, tôi rủ ông anh họ từ Hà Nội sang công tác, cùng đi xem phim Đừng Đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh tại rạp La Clef. Mấy năm trước về Hà Nội, tôi có may mắn được gặp và đi uống cà phê cùng cả hai đạo diễn Trần Văn Thủy và Đặng Nhật Minh. Lúc đèn bật sáng, mọi người đứng dậy, một người đàn bà chào tôi và nói “Phim này cảm động quá !”, vừa nói vừa cầm khăn lau nước mắt. Tôi nhận ra chị bạn học trường Pháp ở Sài Gòn, không thích gì Cộng Sản, lần đầu tiên đến xem phim ở đây.
Phim làm từ quyển Nhật ký Đặng Thùy Trâm, cô bác sĩ 28 tuổi gốc gác một gia đình trí thức Hà Nội tình nguyện vào Nam chiến đấu theo người yêu để rồi bị bắn chết trong một trận giao chiến với quân đội Mỹ và miền Nam. Cuốn Nhật ký của cô được người hạ sĩ miền Nam Nguyễn Trung Hiếu lấy được và khi đọc xong ông nói với viên sĩ quan quân báo Mỹ Fred Whitehurst: “Cuốn nhật ký có lửa rồi, đừng đốt nó”. 35 năm sau F. Whitehurst sang Việt Nam và trao lại cuốn nhật ký cho mẹ bác sĩ, bà Doãn Ngọc Trâm, vừa từ trần hôm 16/4/2024 vừa qua. Tôi đang viết đến đây thì có một sự tình cờ kỳ lạ : trên trang FB của anh Tho Nguyen lúc 11g30 ngày 21/4/24, vừa xuất hiện bài viết về bà và Đặng Thùy Trâm, xin trích một đoạn :
“Ở Việt Nam sách này (“Nhật Ký Đặng Thùy Trâm”) được bán ra 500.000 lần. Nó được dịch ra 16 ngôn ngữ và xuất bản trên 20 nước. Bản tiếng Anh có tên là: Last night, I dreamed of peace” (Đêm qua em mơ thấy hòa bình). Người ta gọi cuốn sách này là “Nhật ký Anne Frank” của Việt Nam. Khác với “Nhật ký Anne Frank“, những quyển sổ của Đặng Thùy Trâm được phát hiện, lưu giữ, và được trả về với gia đình bà Ngọc Trâm bởi những người lính từng là kẻ thù của chị. Những trang nhật ký tràn ngập lý tưởng cộng sản, hừng hực khí thế “căm thù Mỹ -Ngụy” được cả những người lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trân trọng, nâng niu vì bên trong những lời lẽ bồng bột của tuổi trẻ là một tâm hồn trong sáng, bình dị và chân thật.
Bây giờ đến lượt tôi cảm động ứa nước mắt như người bạn tôi khi xem phim Đừng Đốt cách đây 14 năm.
Hậu Hiền
Các thao tác trên Tài liệu