Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / “Những đứa trẻ trong sương” của Hà Lệ Diễm

“Những đứa trẻ trong sương” của Hà Lệ Diễm

- Kiến Văn — published 31/03/2022 16:55, cập nhật lần cuối 24/10/2022 00:24
điểm phim


Điểm phim



Những đứa trẻ trong sương
của Hà Lệ Diễm


apphich

Nếu người xem không biết trước đây là phim tài liệu, thì cứ tưởng là phim truyện. Câu chuyện của một gia đình dân tộc Hmông (Mèo) sống ở vùng Sapa. Hai vợ chồng sống bằng nghề nông, trồng lúa, nuôi lợn, hái chàm nhuộm khăn nhuộm áo. Trong nhà còn hai đứa con, một gái (14 tuổi, Mã Thị Di) một trai. Con gái lớn đã lấy chồng (đúng hơn, đã bị “cướp vợ”, nay đã có con, thỉnh thoảng về thăm nhà). Di đi học cấp hai. Cũng như mọi cô gái dân tộc ở đây, Di suốt ngày bấm điện thoại, “phây” với bạn trai, yêu đương giận dỗi (bạn trai đi tán cô bạn khác)... Có khác chăng, thỉnh thoảng Di nói chuyện với “chị Diễm” không thấy mặt trên màn ảnh.

Dần dà, khán giả đoán ra : chị Diễm ở đằng sau ống kính camera, tác giả cuốn phim tài liệu hoàn thành năm 2021, liên tiếp được giải thưởng ở Amsterdam (IDFA, giải “đạo diễn xuất sắc“ nhất”, tháng 11.2021), Paris (Festival du Réel, giải Laurens dành cho “phim tài liệu nhân bản”, tháng 3.2022) rồi Ljubljana (Slovenia), Praha, Munich, và lần lượt tham gia các liên hoan phim Séc, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Croatia... Đó là sự thừa nhận quốc tế lớn đối với cuốn phim dài đầu tay của Hà Lệ Diễm, tốt nghiệp khoa báo chí Trường đại học nhân văn Hà Nội rồi chỉ được qua một khóa đào tạo ngắn hạn về điện ảnh. 


hld

Hà Lệ Diễm


Những đứa trẻ trong sương là tác phẩm rút ra từ 120 giờ quay, trong bốn năm trời cô gái người Tày sống chung nhiều tháng với gia đình em Di, tuy khác dân tộc, khác tiếng nói — họ phải nói tiếng Kinh với nhau, nhưng được chấp nhận như người nhà. Thoạt kỳ thủy, Diễm chỉ muốn làm cuốn phim về tuổi thơ của Di, chợt sẽ tan đi như trong sương mù núi rừng xứ Mèo.

Nhưng ở đây, tục tảo hôn (lấy nhau trước tuổi 18 pháp định) lại gắn liền với tục “cướp vợ” mà những người bảo vệ nhất định gọi là “kéo vợ”. “Cướp” (rapt, kidnapping) là tục cưới, theo Wikipédia, còn phổ biến trong các cộng đồng Hmông khắp thế giới (Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Hoa Kỳ, Guyane...) và ở hàng chục dân tộc, đặc biệt ở Trung Á. Những người bảo vệ tập tục này đưa ra những lý do chính đáng : đó là “màn kịch” giữa đôi trai gái thật sự yêu nhau, nhưng không được nhà gái chấp nhận, hoặc đó là cách duy nhất để giảm giá hồi môn (tính bằng vàng bạc, trâu, lợn, rượu quy ra hàng nghìn đô) nhất là ở miền bắc Bắc Bộ, giá bán phụ nữ bị bắt cóc bán sang Trung Quốc lên cao, càng “đẩy” giá hồi môn tới mức vượt khả năng của gia đình chú rể. Nhưng đằng sau những lý do chính đáng ấy là mặt trái của tục cướp vợ : không có sự thỏa thuận của người con gái, tảo hôn, cưỡng bức, hiếp dâm... diễn ra trong sự bàng quan của người đứng xem (các vụ “cướp vợ” thường diễn ra trong các phiên Chợ Tình mùa xuân – Youtube chiếu đầy những đoạn video quảng cáo của các công ty du lịch quốc doanh). 

Sức mạnh của tập tục và mãnh lực của đồng tiền (và của bạo lực xã hội) khiến cho nạn “cướp vợ” tiếp tục kéo dài, áp đảo áp lực của luật pháp (luật hôn nhân, công an địa phương, thầy cô ở các trường học) cũng như của tôn giáo (trong phim, gia đình “chú rể” là tín đồ Công giáo, nhưng đạo Chúa chỉ khuyên can việc quỳ lạy, mà không dám đụng tới tục cướp vợ).

Thế là, sau một buổi đi chơi xuân (đánh đu, chụp “selfie”), Di bị cướp. Điện thoai di động – ngoài chức năng tán tỉnh – còn là công cụ để bà mẹ chỉ dẫn cho Di ngủ với em gái “nó”, “không cho nó đụng tới”, để hôm sau nguyên vẹn trở về nhà, với phái đoàn “nhà chồng” bắt đầu cuộc thương lượng về của hồi môn. Trường đoạn này là cả một toàn cảnh về văn hóa, tập tục truyền thống của dân tộc Hmông, cho ta hiểu rõ hơn quan hệ trai gái, vợ chồng, cha mẹ và con cái, trong một xã hội đa dân tộc giữa thời đại toàn cầu hóa.

Cô bé Di 14 tuổi rốt cuộc có cưỡng lại được sức ép của truyền thống, của cha mẹ, bà ngoại... mặc dầu được sự ủng hộ nửa nạc nửa mỡ của cô giáo, và cảm tình phải nén lại của người cầm máy quay phim để làm đúng nhiệm vụ “con mắt” của mình ?

Những đứa trẻ trong sương đúng là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc, hấp dẫn như phim truyện có kịch bản tinh tế, phong phú như một nghiên cứu dân tộc học và nhân học sống động.

Hà Lệ Diễm đã thành công ngay từ tác phẩm đầu tay do Varan Việt Nam sản xuất, tái khẳng định vai trò to lớn đối với điện ảnh (tài liệu) Việt Nam của Varan sau hai mươi năm hoạt động. Có phải ngẫu nhiên mà những tên tuổi điểm suyết danh mục các cuốn phim được quốc tế vinh danh đều (toàn) là phụ nữ : Phan Thị Vàng Anh, Trần Phương Thảo, Đoàn Hồng Lê, Nguyễn Thị Thắm... và hôm nay, Hà Lệ Diễm ?

Kiến Văn




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us