Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Áng mây còn trôi

Áng mây còn trôi

- Lê Học Lãnh Vân — published 28/10/2021 12:00, cập nhật lần cuối 27/10/2021 22:49


Số đặc biệt Diễn Đàn 30 tuổi



ÁNG MÂY CÒN TRÔI



Lê Học Lãnh Vân



Nhận được tin Diễn Đàn ba mươi tuổi với lời nhắn nhủ viết cho dịp kỷ niệm này…

Chao ôi, ba mươi mấy năm rồi !

Ngày ấy, những bước chân trên đất Pháp còn bỡ ngỡ và hoa đào, rèm liễu xanh tươi của dòng Yvette (Orsay) còn khiến tâm hồn ngây ngất, Vương được bác Hoàng Xuân Hãn kêu ghé nhà dùng cơm. Tại đây, Vương gặp anh Phan Huy Đường.

– Khi nào quen việc trong phòng thí nghiệm rồi, cháu nên ghé thăm các anh Đoàn Kết.

– Tôi cho anh các địa chỉ này, Nhà Việt Nam, toà soạn báo Đoàn Kết, quán cơm Việt. Những nơi này vừa đầy phong cách Pháp, vừa đậm tâm hồn Việt. Anh Phan Huy Đường tiếp theo lời bác Hãn.

Trong tâm trạng vừa lạ lẫm vừa háo hức, Vương tới Nhà Việt Nam một chiều thứ Bảy tham dự buổi toạ đàm về một đề tài lịch sử liên quan tới nhà Nguyễn. Người tham dự đa số là người Việt, cũng có vài người Pháp. Sau lần đầu tiên đó, anh thường tham dự các buổi nói chuyện, triển lãm tranh hay nghe trình bày văn nghệ “bỏ túi” tại đây. 

Tại Nhà Việt Nam, Vương gặp những người anh từng nghe tiếng, nhà sử học Lê Thành Khôi, giáo sư Langlet cùng phu nhân là bà Quách Thanh Tâm, người bạn thường nghe chị Hai nhắc từ quê nhà. Ông Bùi Mộng Hùng, anh của tiến sĩ hải dương học Bùi Thị Lạng, người hàng xóm cũng là giáo sư dạy Vương tại trường đại học Khoa Học. Vương cũng có dịp nói chuyện với các anh Cao Huy Thuần, Nguyễn Ngọc Giao, Hà Dương Tường, Hà Dương Tuấn, Trần Hải Hạc, Bạch Thái Quốc cùng một số thành viên khác. Cũng từ nơi đây Vương kết bạn với một nhóm Việt kiều cùng trang lứa và Michiko, cô gái Nhật khả ái có tình yêu đặc biệt với nhạc Trịnh và với văn chương Việt Nam.

Bài viết này xin được theo bác Hãn gọi chung các anh được nhắc tới ở trên là các anh Đoàn Kết. Tình bạn cùng những những mối liên hệ nhuốm màu học thuật và nghệ thuật đã trôi qua êm đềm, cởi mở trong năm 1988 bước sang đầu năm 1989 tại Nhà Việt Nam. Vương bắt đầu cảm nhận một điều gì mới mẻ, ban đầu mơ hồ và càng về cuối năm 1988 sang đầu năm 1989 càng rõ rệt : không khí cách tân và cởi mở ngày càng rõ nét trên toàn các xứ Đông Âu đang chuyển mình.

Sự kiện gây xôn xao dư luận thời đó là việc nhà báo Thành Tín sang Pháp dự hội báo Nhân Đạo tung ra bản Kiến Nghị và xin tị nạn chính trị. Theo dư luận, ông Bùi Tín có liên hệ với các anh Đoàn Kết. Lui tới Nhà Việt Nam khá thường xuyên, Vương chưa từng thấy ông Bùi Tín xuất hiện tại Nhà Việt Nam hay Quán Cơm Việt Nam cho dù anh cũng nhận xét rằng quan điểm chính trị của các anh Đoàn Kết, trong thời cuộc đó, trên một số khía cạnh quan trọng, không xa quan điểm của ông Bùi Tín.

Khi còn ở Việt Nam Vương đã có dịp gặp Bùi Tín hai lần. Ấn tượng của anh về ông là một người tinh anh, lịch sự, nói chậm rãi mà khúc chiết, chịu khó lắng nghe và có nhiều nguồn tin đa chiều so với hoàn cảnh chung của xã hội những năm đầu thập niên 1980. Việc ông ở lại Pháp không khiến Vương ngạc nhiên, một con người có nhu cầu tự do học hỏi như ông tất phải có nhu cầu sống trong xã hội tự do !

Điều ngạc nhiên thú vị là sau đó ông bà Langlet – Quách Thanh Tâm mời Vương tới tư gia dùng cơm thân mật với nha sĩ Tô Huệ Mỹ cùng một vị giáo sư trường Đại Học Khoa Học của Miền Nam và ông Bùi Tín. Buổi nói chuyện này cho Vương cái nhìn rõ nét hơn về thế hệ cha anh khi Việt Nam không vững chân tấn giữ được hoà bình mà để mình bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh nóng giữa hai thế lực Cộng Sản và Tư Bản trong thời Chiến tranh lạnh. Té ra những người lớn tuổi đó còn giữ mối liên hệ và tình cảm gần gũi nhau cho dù lập trường chính trị khác nhau, cho dù sống tại Miền Bắc hay Miền Nam. Vương không thể không tự đặt câu hỏi vì đâu tình đồng bào nhạt đi cho tới mức phe thắng trận đưa những người anh em sẵn sàng buông súng vào trại cải tạo gây nên sự chia rẽ nặng nề khó bề hàn gắn! Ai có lợi trong cục diện này và điều đó có được xúi giục bởi quốc gia nào không?

Khoảng đầu năm 1990, sau một lần sinh hoạt tại nhà Việt Nam, các anh Đoàn Kết rủ nhau tới nhà một anh ở ngoại ô Paris mà Vương không nhớ tên. Nơi đó, Vương được gặp lần đầu một nhân vật mà anh còn liên lạc gần gũi tới bây giờ : Bùi Văn Nam Sơn. Người giáo sư triết học bên nước Đức này là bạn thiết với các anh Đoàn Kết. Ly rượu vang trên tay, hai anh em nói chuyện về các quốc gia Đông Âu trở mình sang chế độ tự do và các bài viết súc tích của anh Nam Sơn. Đúng ra Vương nghe nhiều hơn, anh Nam Sơn nói các nhận định, quan điểm của anh về thời cuộc, các nhận định, quan điểm nghe phảng phất mùi triết học. Những buổi nói chuyện như vậy giúp Vương có kiến thức rộng hơn, tầm nhìn xa hơn… Ngày hôm đó có anh Phan Đình Diệu, Vương mời anh hôm sau thăm phòng thí nghiệm Sinh Học Phân Tử tại trường Paris 7 Sud (Orsay), nơi đây Vương biết được kiến thức tổng hợp, thi tài và khí phách của nhà toán học uyên bác này !

Về sau Vương mới biết chuyến sang Pháp lần đó của anh Bùi Văn Nam Sơn là để bàn với các anh Đoàn Kết làm một bức Tâm Thư Gửi Các Vị Lãnh Đạo Việt Nam Cùng Đồng Bào Trong Và Ngoài Nước Về Việc Cải Tổ Hệ Thống Chính Trị. Anh Nam Sơn có vai trò quan trọng trong việc chấp bút viết bức Tâm Thư. Khi được tung ra, bức Tâm Thư có tiếng vang lớn. Nhiều Việt Kiều ký tên, bác Hoàng Xuân Hãn không ký vì ngại hậu quả không hay nếu nhà chức trách trong nước siết lại hơn nữa các quyền Tự Do đã quá ít trong dân chúng, nhưng bác ủng hộ và nhận xét rằng “những suy nghĩ đúng đắn sẽ lan truyền và được lưu giữ trong dân”.

Bây giờ, tại Sài Gòn, hơn ba mươi năm sau, nghe Vương nhắc lại những ngày sôi động đầy hoài bão và lý tưởng đó, anh Bùi Văn Nam Sơn cảm khái : “Vãng sự vân yên hốt quá! Chuyện cũ gợi bao nỗi cảm hoài, như khói như mây!” (email anh Bùi Văn Nam Sơn, ngày 23/2/2020)

Thời cuộc lúc đó khiến mỗi người phải xuất đầu lộ diện với gương mặt thật chứ không thể đeo mặt nạ. Người được tiếng mở trói cho xã hội chính là người kiên quyết giữ Việt Nam trong hệ thống chuyên chính xã hội chủ nghĩa, trong khi uỷ viên Bộ Chính Trị Trần Xuân Bách nổi lên là người có tư tưởng chấp nhận đa nguyên để đưa đất nước về hướng dân chủ. Đó là mâu thuẫn ở cấp cao, được giải quyết bằng cách ông Bách bị mất chức,  hạ bệ, và từ đó vận mệnh Việt Nam được cột chặt vào vận mệnh Trung Quốc, tách xa thế giới Tự Do!

Mâu thuẫn đó ở mức độ Việt kiều được giải quyết bằng cách các anh Đoàn Kết trả lại tờ báo Đoàn Kết cho Hội Người Việt Nam tại Pháp, lập tờ Diễn Đàn năm 1991. Tháng Mười năm 2021 này tờ Diễn Đàn được ba mươi tuổi!

Thời gian bốn năm trước khi tờ Diễn Đàn được thành lập giúp Vương nhiều kiến thức tổng hợp và đồng quy. Sau đó là thời gian hai mươi năm anh tập trung vào công việc chuyên môn và làm việc mưu sinh. Cách đây mười năm, Vương lần lần liên lạc lại với các anh Đoàn Kết ngày xưa, nay là các anh Diễn Đàn. Vương viết bài cho Diễn Đàn, tình cảm xưa được giữ, ngày càng đầy hơn…

Trong vòng ba mươi năm, bác Hãn trai, bác Hãn gái mất, các anh Bùi Mộng Hùng, Phan Huy Đường mất, tờ báo Diễn Đàn tới giờ vẫn cần cù, nhẫn nại…

Vãng sự vân yên hốt quá, nghĩa là sự việc đi như mây chợt bay ngang. Áng mây hy vọng đất nước gia nhập thế giới văn minh cùng lúc với các quốc gia Đông Âu năm 1990 đã bay xa hơn ba mươi năm, bóng mây còn lưu dấu trong lòng dân Việt giúp được gì cho đất nước hôm nay ?

20 tháng 10 năm 2021

Lê Học Lãnh Vân

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Kỷ yếu 30 năm
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss