Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Anh chồng tôi

Anh chồng tôi

- Nguyễn thị Kim Thoa — published 08/11/2018 10:10, cập nhật lần cuối 24/03/2019 11:13

Ký ức về một làng quê – Mỹ Lợi
(bài cuối)


Anh chồng tôi


Nguyễn Thị Kim Thoa



Câu chuyện chiếc áo May ô và những tâm sự của mẹ chồng làm tôi băn khoăn và tò mò về ông anh chồng. Băn khoăn về cách ứng xử thế nào cho thuận hợp phải phép trong tư cách một thành viên trong gia đình lớn. Tò mò trong tư cách một bác sĩ, một thầy thuốc trước đối tượng mà tôi nghi ngờ là một con bệnh.

Ông Tuệ có đến nhà tôi năm ba lần hồi cha mạ chồng tôi ở với chúng tôi tại Đà Nẵng. Tôi còn gặp ông Tuệ hai lần trong đám tang của ông bà nội các cháu vào năm 1999 và 2006. Lần cuối cùng tôi gặp ông khi ông nằm trong quan tài tại lễ đường bệnh viện 108 (thành phố Hồ Chí Minh). Tôi cũng tiếp cận ông anh chồng hai lần qua chị Nh – vợ ông, vài ba lần qua cháu Tr và cháu Th con trai đầu và con trai thứ của ông. Cháu H con trai út của ông nhiều lần đến nhà chúng tôi ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi còn gặp ông Tuệ gián tiếp qua những câu chuyện của chồng tôi, anh Chu Sơn, trong suốt những năm tháng chúng tôi cộng nghiệp. Những gì tôi viết sau đây về ông Tuệ – anh chồng tôi – là kết tập những điều gì tôi nghe thấy cộng với những suy nghĩ của riêng mình.

Ông Tuệ sinh năm 1937, học tiểu học tai trường Tổng (tổng Diêm Trường) ở Mỹ Lợi (1943-1948), học trung học Lâm Mộng Quang trong vùng kháng chiến (1949-1952) và tư thục Nguyễn Du Huế ( 1952 – 1953 ). Năm 1953 thi đậu Diplôm. Niên khóa 1953 – 1954 là học sinh lớp đệ tam trường Khải Định (Quốc Học) – Huế. Đầu 1955 tập kết ra Bắc. Năm 1956 tốt nghiệp trung học phổ thông (hệ 10 năm) tại Đồng Hới - Hà Tĩnh; ông Tuệ được triệu tập ra Hà Nội chuẩn bị các thủ tục du học Liên Xô. Được vào phủ Chủ tịch găp “Bác Hồ” cùng nhóm “chuẩn sinh viên du học”. Ngày đi Liên Xô, một mình ông Tuệ không được lên tàu. Ông bị đưa trở lại Đồng Hới. Lý do là “ông đã khai man lý lịch”: “Là con địa chủ nhưng ông Tuệ đã khai là con nông dân, theo lệnh Mỹ Ngụy làm gián điệp ra miền Bắc chun sâu leo cao chống phá cách mạng lâu dài”. Tại Đồng Hới ông bị hội đồng hương và công an thẩm vấn nhiều ngày, cuối cùng bị đuổi ra khỏi khu tập thể học sinh đồng hương Thừa Thiên – Huế vì là thành phần phản động nghiêm trọng. Nguyên nhân của vụ việc này là ông không chịu cưới cô Ph T X, con gái ông Ph S, chủ tịch hội đồng hương. Ông Ph S người Mỹ Lợi, đảng viên Cộng sản từ thập niên 30, năm 1945 làm chủ tịch ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế, tham gia kháng chiến 9 năm. Sau Genève Ph S tập kết ra miền Bắc, làm công tác đảng và chủ tịch hội đồng hương Thừa Thiên – Huế. Ph T X con gái ông tập kết cùng cha và anh trai (Ph S). Cả hai anh em đều tham gia kháng chiến, Ph T X và Ph S đang học bổ túc văn hóa. Ph T X lớn hơn ông Tuệ mấy tuổi, không có nhan sắc, lại tỏ ra ta đây là con quan thần thế. Ông Tuệ không muốn có một người vợ như thế. Vả lại ông còn nhỏ tuổi, đời ông còn dài, ông muốn học tập lên cao và sẽ trở về miền Nam khi đất nước thống nhất, ở đó ông có những người bạn gái dịu dàng, xinh đẹp hơn Ph T X nhiều.

Bị đuổi ra khỏi hội đồng hương và khu tập thể học sinh, ông Tuệ lâm vào tình trạng nhục nhã, khốn đốn. Ông không biết đi đâu, về đâu, làm gì để có chỗ ở, có cái ăn cái mặc hằng ngày trong bối cảnh ở miền Bắc đảng Cộng sản đã hoàn thành cải cách ruộng đất, cải tạo trí thức và văn hóa văn nghệ, cải tạo công thương nghiệp; đang từng bước củng cố chính quyền công nông binh, hình thành các tổ chức quần chúng: thanh niên, phụ nữ, nông hội, công đoàn, mặt trận để trói buộc quần chúng. Ông Tuệ không dính vào đâu trong cái xã hội miền Bắc lúc bấy giờ. Ông sống dở, chết dở bên lề xã hội. Hơn thế nữa, trước mắt nhiều nguời, ông trở thành “kẻ nguy hiểm”: “Là con địa chủ, là phần tử được Mỹ - Ngụy đưa ra miền Bắc với âm mưu “chui sâu, leo cao chống phá cách mạng”. Nhiều đồng hương xì xầm mắng nhiếc ông. Nhiều người khác tránh mặt khi gặp ông đâu đó trên đường. Nhiều người khác biết ông bị vu oan nhưng sợ quyền lực của ông Ph S và hội đồng hương nên không hó hé gì. Ông Phan Trung Thu và bà Phan Thị Quế - họ hàng ruột thịt với ông Phan Sung - hai người được mẹ chồng tôi che chở chăm nuôi trong chiến dịch tố cộng, diệt cộng, đầu năm 1956 vượt tuyến ra miền Bắc, cũng có mặt ở hội đồng hương nhưng không làm gì để minh oan cho ông Tuệ. Không gia đình, không đồng xu dính túi, không họ hàng lân lý, không bạn bè trường học, không hội đoàn, không tổ quốc. Ông lang thang rày đây mai đó, đầu đường xó chợ, đói lạnh, run sợ, tuyệt vọng, căm hờn. Nhiều lúc ông toan tính tự tử để chấm hết cái tình cảnh phi lý, khốn cùng ông đang gặp phải. Nhưng rồi cái phi lý cùng cực không dừng lại ở đó.

Đầu năm 1957, một đêm ông đang run cầm cập trong một xó chợ Đồng Hới, thì hai người dân quân xuất hiện, bắt ông đưa về đồn công an. Công an bảo ông nên thành khẩn khai báo về những liên hệ giữa ông và “bọn Nhân Văn Giai Phẩm”. Ông Tuệ nói không biết gì về “bọn Nhân Văn Giai Phẩm” cả. Công an chìa ra một xấp giấy. Ông Tuệ nhận ra đó là bài thơ Chống tham ô lãng phí Phùng Quán viết tặng ông trong lần gặp thứ hai. Hè 1956, từ Nghệ An vào Đồng Hới thăm hội đồng hương và các học sinh Thừa Thiên – Huế tập kết, Phùng Quán đem theo mấy tập Vượt Côn Đảo làm quà. Người có kẻ không. Riêng ông Tuệ ngoài tập Vượt Côn Đảo, Phùng Quán còn tặng thêm bài Chống tham ô lãng phí chép tay với lời căn dặn. “Làm thơ thế này mới xây dựng được đất nước…”

Thủy chung là từ cuối năm 1954 đến giữa năm 1956, Phùng Quán từ Nghệ An vào Đồng Hới thăm hội đồng hương và học sinh Thừa Thiên – Huế tập kết hai lần. Lần đầu vào dịp Tết Nguyên Đán năm Ất Mùi (1955). Là chiến binh, ông phải tập kết theo đơn vị, không về quê được sau khi đất nước tạm thời chia đôi, nên ông vào Đồng Hới thăm hội đồng hương cho đỡ nhớ. Đó là cái Tết hòa bình thứ hai sau 9 năm chiến tranh. Lần thứ hai Phùng Quán vào Đồng Hới vào cuối tháng Năm 1956, khi kỳ thi trung học phổ thông trên miền Bắc kết thúc. Phùng Quán đặc biệt quan tâm bọn học sinh đồng hương đàn em. Qua chuyện trò, Phùng Quán biết ông Tuệ có mày mò làm thơ…Mấy lời căn dặn “ Văn dĩ tải đạo” Phùng Quán nhắc nhủ ông Tuệ khi tặng ông bài thơ Chống tham ô lãng phí phát xuất từ những điều nung nấu trong lòng.

Sau khi nhận được lệnh ra Hà Nội để đi Liên Xô học đại học, ông Tuệ đã xếp bài thơ Chông tham ô lãng phí vào túi hành lý cùng với tập thơ chép tay những bài hay của các tác giả Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư… Lúc này Ông Tuệ ngỡ ngàng không biết tại sao bài thơ Chống Tham Ô Lãng Phí lại lọt vào tay công an Đồng Hới?

Quan hệ giữa ông Tuệ và Phùng Quán chỉ có thế. Ông đã thành thật khai báo tất cả với công an. Nhưng công an một mực cho rằng có sự liên kết giữa ông Tuệ - Phùng Quán và “bọn phản động Nhân Văn Giai Phẩm”. Cuộc thẩm vấn kéo dài gần tuần lễ. Không phát hiện được những chứng cớ cụ thể nào để buộc tội ông Tuệ, công an Đồng Hới quyết định đuổi ông Tuệ ra khỏi Đồng Hới để cách li ông với những người nhẹ dạ trắc ẩn ở hội đồng hương, chỉ định cư trú cho ông ở một nông trường tận ngoài Nghệ An. Công an cấp cho ông năm ki lô gạo, một tờ giấy “giới thiệu”, bảo ông tự tìm đường đến nơi cư trú mới. Phải mất cả tuần lễ ông mới lếch thếch đi bộ đến địa chỉ theo hướng dẫn của công an. Nông trường nằm tại một vùng quê cách Vinh chừng 40 cây số. Ở đó người ta cắt đặt ông thế chân người chăn bò là nông trường viên chính thức.

Theo sự hướng dẫn của người chăn bò đương nhiệm, ông Tuệ tự làm lấy một cái chòi tre lá làm chỗ ở cho riêng mình bên cạnh chuồng bò, vừa để tự cô lập với cộng đồng nông trường, vừa để canh giữ đàn bò trong đêm. Như thế là ông Tuệ trở thành một thằng Bờm đặc biệt và đồng thời là một tên tù đặc biệt. Là thằng Bờm nhưng ông không được cho ăn và trả công hằng năm như những thằng Bờm khác trong các gia đình “địa chủ ác ôn”. Là tên tù đặc biệt nhưng ông không bị nhốt trong một nhà tù chuyên biệt, cũng không được hưởng các chính sách về ăn ở, áo quần, thuốc men như những tù nhân chính thức. Tại nông trường quốc doanh ông Tuệ chỉ được cấp phát lương thực gồm khoai sắn, gạo, một chút mắm muối ( lúc đầu) để đầy bụng ( mà không no ) hằng ngày. Mọi thứ khác ông phải tự lo lấy. Theo sự hướng dẫn của người chăn bò tiền nhiệm, hàng ngày từ sáng sớm ông Tuệ lùa đàn bò lên các đồng bãi, núi đồi cách nông trường năm, mười, mười lăm hai chục cây số; ông tranh thủ bắt ốc, kiếm rau, bẻ trái, đào củ cây rừng làm thức ăn cho mình và cũng để cho, hay trao đổi gì đó với những người già, trẻ em ông gặp trên đường. Ông cần đủ thứ: “thức ăn tanh”, áo quần, mền chiếu, nón tơi, dép lốp, mắm muối, nồi niêu, chén đọi và cả bút giấy. “Chất tanh” đối với ông Tuệ là nhu cầu ngày một khẩn thiết. Bởi vì ốc hến, ếch nhái, cóc rắn, cào cào, châu chấu chẳng phải lúc nào, ở đâu cũng kiếm được. Vả lại những thứ ấy cũng là đối tượng “săn lùng” của người già và trẻ em các thôn ấp quanh khu vực nông trường.

Cuộc sống bên rìa ở nông trường của ông Tuệ ngày một khó khăn thêm cả về tinh thần lẫn vật chất. Về tinh thần ông Tuệ bị cô lập gần như hoàn toàn với các nông trường viên. Thỉnh thoảng “người chăn bò tiền nhiệm” mang tới cho ông chục cân khoai sắn, vài cân gạo và những lời hỏi han tra vấn về đàn bò và về các mối quan hệ giữa ông và những người dân các làng chung quanh. “Người chăn bò tiền nhiệm” là một người thật thà, chơn chất nhưng không giúp ông được gì trong việc cải thiện những khó khăn ngày một gia tăng, bởi vì ông ta răm rắp tuân lệnh của đảng ủy nông trường. Vả lại sự quan tâm các “vấn đề xã hội” và cá nhân, gia đình của hai người rất khác nhau. Ông Tuệ rất cần những thông tin về miền Nam và cả miền Bắc, về Phùng Quán và nhóm Nhân Văn Giai Phẩm mà cách tra hỏi, trấn áp của hội đồng hương, công an Đồng Hới và cuộc lưu đày kỳ quái ác độc mà ông phải chịu đựng đã thôi thúc nhu cầu “muốn biết sự thật” về tất cả.

Thực tế, tất cả đối với ông ngày càng mù mờ và xa lắc. Không sách vở, không báo chí, không máy thu thanh, không người hỏi han, chuyện trò tâm sự. Suốt ngày đêm ông chỉ nói chuyện với đàn bò và trăng sao, mưa nắng. Những ông bà già và trẻ em ông gặp trên các nẻo đường làng chỉ giao tiếp với ông về các sự việc đơn giản như cóc nhái, rau củ, mắm muối… Những người dân làng là thanh niên, trung niên, phụ nử cũng như đàn ông đều đã được lệnh xa lánh ông.

Khi bị đuổi ra khỏi hội đồng hương, khu tập thể và đồn công an ở Đồng Hới, ông Tuệ chỉ được mang theo những thứ tùy thân như áo quần, nón dép…, những thứ ông sắm sửa tại Huế trước khi đi tập kết và một vài thứ mà cha mang thêm cho ông trong chuyến đi thuyền ra miền Bắc trong 300 ngày sau Genève. Những thứ ấy ngày một hao mòn, rách nát. Còn những thứ có gốc nguồn từ miền Bắc ông phải trả lại hết ở Đồng Hới. Mấy năm ở nông trường với đàn bò, sự rách nát hao mòn càng trầm trọng thêm. Việc sắm sửa qua mua bán trao đổi với người già và trẻ em trên đường đi chăn bò chỉ cải thiện chút đỉnh những nhu cầu cấp thiết hằng ngày như mắm muối, tơi nón, áo quần, chiếu chăn phế thải. Ở miền Bắc đặc biệt ở những khu vực nông thôn, rừng núi sau chín năm chiến tranh và mấy năm cải cách ruộng đất chẳng còn dấu vết gì của ấm no và bình ổn… Người thanh niên “con nhà địa chủ, tay sai Mỹ Ngụy, đội lốt học sinh tập kết, dính líu đến bọn Nhân Văn Giai Phẩm” như ông Tuệ sau mấy năm đi chăn bò không công cho nông trường chẳng khác gì tên ăn mày phung hủi.

Năm 1960, loáng thoáng ông Tuệ nghe nói “ở miền Nam nhân dân không chịu nổi sự áp bức bóc lột tàn bạo của Mỹ - Ngụy đã vùng lên thành lập Mặt Trận Giải Phóng”. Ông còn nghe nói ở miền Bắc nhiều người tập kết tình nguyện vào Nam tham gia Mặt Trận để đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Ông Tuệ thử thời vận làm đơn (giấy bút ông nhờ mua, nhưng vì sợ nên không viết được gì) xin vào Nam chiến đấu. Đơn được chuyển đến chi bộ nông trường qua trung gian người chăn bò tiền nhiệm (ông Tuệ bị cấm lai vãng ở bộ chỉ huy nông trường). Đơn không được trả lời.

Năm 1961, ông Tuệ làm đơn…

Năm 1962, ông Tuệ làm đơn…

Năm 1963, ông Tuệ làm đơn…

Cuối năm 1963 ông Tuệ nghe (qua loa phóng thanh của nông trường và qua người đưa khoai gạo) rõ hơn tình hình miền Nam: “Nhân dân đã vùng lên lật đổ bạo quyền Ngô Đình Diệm, nhưng Mỹ thì hiện nguyên hình là tên xâm lược, trực tiếp nắm quyền cai trị miền Nam. Nhân dân miền Nam tiếp tục đấu tranh…”

Năm 1964, máy bay Mỹ oanh tạc ngày đêm các tỉnh phía nam vỹ tuyến 20. Nông trường thường xuyên báo động.

Thường xuyên bị an ninh nông trường rình mò theo dỏi, nhưng ông Tuệ vẫn làm đơn xin vào Nam. Bí thư đảng ủy nông trường gọi ông vào văn phòng nói những lời cay độc: “Cậu đừng tiếp tay cùng bọn Mỹ đánh phá đất nước, đừng viết đơn này nọ làm phiền chúng tôi. Miền Nam dù thiếu người đánh Mỹ, Đảng cũng không cho cậu vào. Hội đồng hương Thừa Thiên – Huế ở Đồng Hới báo ra là em trai cậu lấy vợ con nhà đại tá Ngụy. Gia đình địa chủ, tập kết theo kế hoạch của địch, bản thân liên hệ với bọn phản động Nhân Văn Giai Phẩm, em trai cấu kết với Ngụy quân; Cậu vào Nam để hợp đồng chống phá cách mạng à? Đừng quấy rối chúng tôi nữa. Thôi đi ra với đàn bò. Liệu hồn tiếp tay với bọn biệt kích, gián điệp”.

Ông Tuệ đi ra khỏi phòng bí thư đảng ủy nông trường như một kẻ mất hồn, hai vai nặng trĩu, lại thêm một khối đá to chồng chất trên cái thân thể ngày một ốm o tiều tụy của ông. Người ta bị nghi ngờ một tội đã sống dở chết dở, huống hồ chi ông bị qui kết đến bốn tội: Gia đình địa chủ, mưu đồ gián điệp, Nhân Văn Giai Phẩm, đến cả liên hệ với Ngụy Quân. Trưa hôm đó ông Tuệ đưa bò lên một ngọn đồi cách nông trường bốn năm cây số với một quyết định dứt khoát : chết. Từ lâu ông đã chuẩn bị các thứ để treo cổ trên cây cổ thụ đứng một mình ở đỉnh đồi. Nhưng rồi ông đã không thực hiện. Ông không biết đích xác vì lý do gì. Thiếu can đảm? Bản năng sinh tồn? Hay là có chút gì đó hy vọng? Nay thì ông đã dứt khoát. Cực nhục, khốn khổ, vô vị và cùng đường đến như thế này còn hơn cả cái chết.

Tuy nhiên, cái chết đã không đến với ông một cách dễ dàng như ông đã toan tính. Trên đỉnh đồi, dưới gốc cây cổ thụ, từ xa ông Tuệ đã nhận ra có mấy người lính đang ngồi. Trời nắng chang chang ông không thể tránh nắng bất cứ nơi nào trên ngọn đồi trọc mặc dù ông không muốn gặp mặt họ. Ông Tuệ ngã lưng trên cỏ bên này gốc cây nằm chờ mấy người lính ra đi để ông thực hiện “cuộc ra đi” theo cách riêng của mình: Leo lên cây, kéo sợi dây xuống, ngồi trên lưng bò, thắt một cái thòng lọng, đưa cổ vào, thít chặt, đẩy con bò đi. Thế là xong.

Nhưng mấy người lính không để cho ông yên. Họ mời ông ăn trưa. Hỏi han ông chuyện này chuyện nọ, bởi họ nhận ra người thanh niên chăn bò nằm bên kia gốc cây không ở trong tình trạng bình thường: Mặt mày thất thần, xanh tái, người gầy yếu xác xơ như cây lau héo, có vẻ như đang bệnh. Bất đắc dĩ ông Tuệ ầm ừ cho qua chuyện. Qua giọng nói, mấy người lính phát hiện ông Tuệ không phải là người địa phương, cũng không phải là người miền Bắc, và chắc chắn là tên chăn bò bất đắc dĩ. Một người trong tốp lính, mặt mày khó coi, nhưng có vẻ là chỉ huy, đến ngồi bên ông Tuệ ân cần bày tỏ sự quan tâm đặc biệt. Ông ta dồn dập hỏi ông Tuệ.

– Có phải là học sinh miền Nam tập kết?

– Có phải đang gặp tai ương hoạn nạn?

– Có phải đang chán nản tuyệt vọng?

– Có cần tôi giúp gì không?

Sự quan tâm và thái độ lịch lãm, hiểu đời của “người lính – có vẻ là chỉ huy” chẳng làm cho ông Tuệ yên lòng mà càng làm cho ông thêm căm giận. Công an, lính tráng, hội đồng hương, đảng viên, bí thư chi bộ, bí thư đảng ủy… đối với ông Tuệ đến thời điểm đó đều cùng một giuộc, tất cả đều là đạo đức giả, lưu manh, gian ác, muốn hãm hại và đẩy ông đến đường cùng. Ông Tuệ cảm thấy chẳng còn gì để sợ, cũng chẳng cần lịch sự, lễ độ. Ông vùng dậy chỉ vào mặt người đối diện: “ông đi đi, các ông đi đi. Tôi không cần các lời giả dối của ông. Tôi không sợ tất cả các ông. Các ông có súng, bắn tôi đi. Tôi là con địa chủ, tập kết theo kế hoạch đưa gián điệp ra miền Bắc của Mỹ - Ngụy. Tôi cấu kết với bọn Nhân Văn Giai Phẩm. Em trai tôi ở miền Nam lấy vợ con nhà đại tá Ngụy. Tôi là kẻ đại nguy hiểm, là kẻ thù của các ông. Các ông bắn tôi đi. Trước sau gì tôi cũng chết”. Người lính đối diện chửng hửng, mấy người lính bên kia gốc cây chạy qua vây lấy ông. Những từ ngữ ông vừa nói quen thuộc đối với họ. Chẳng có gì may mắn, tốt đẹp nơi nhưng từ ngữ ấy. Tai họ đã nghe quen, miệng họ đã nói quá nhiều lần trong suốt cuộc đời làm cách mạng của họ. Chết chóc, tù đày, đói khổ, cực nhục của hằng triệu con người vì những lời nói ấy. Nhưng lần này nó phát ra từ cửa miệng của một “tên chăn bò bất thường” làm họ kinh ngạc. Họ chưa gặp bất cứ ai cùng một lúc tự xác nhận mình những tội lỗi chết người như thế cả. Có người nhìn ông trong ánh mắt của kẻ đối diện với kẻ thù. Có người coi ông là kẻ điên. Có người nửa tin nửa ngờ lời ông nói. Nhưng “người lính có vẻ là chỉ huy” thì trầm ngâm và thương cảm.

Giữa năm 1964 không khí miền Bắc sôi lên sùng sục không chỉ vì lửa mặt trời mà còn vì lửa chiến tranh. Máy bay Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa ném bom ngày đêm trên các tỉnh phía nam vỹ tuyến 20. “Người lính có vẻ là chỉ huy” xuất hiện dưới bóng cây trên ngọn đồi trọc ở Nghệ An trưa hôm ấy là ông Đặng Tính. Ông Đặng Tính là sĩ quan cao cấp, tư lệnh hay chính ủy gì đó của quân chủng Phòng không Không quân miền Bắc, cùng các thuộc cấp của mình đi điều nghiên thực địa để thiết lập các đài quan sát và các ụ súng cao xạ nhằm bắn máy bay địch. Cuộc nghỉ trưa tình cờ trở thành cuộc hội ngộ giữa một người là tâm phúc và một người là nạn nhân của chế độ đã và đang chuyển dần từ một tổ hợp tinh hoa hoang tưởng qua một băng đảng tham lam, gian dối và tàn ác vô độ. Không như những đồng sự của mình, ông Đăng Tính vẫn còn sót lại một mảnh lương tri. Cái mảnh lương tri ấy khiến ông trầm ngâm và thương cảm trước phản ứng tuyệt vọng của người thanh niên chăn bò mà ông cảm nhận một cách chính xác rằng anh ta đã bị cáo buộc oan.

Ông Đặng Tính là người tham gia cách mạng sớm, là đảng viên Cộng sản từ đầu những năm bốn mươi, năm 1946 đã là bí thư tỉnh ủy Hải Dương, trong kháng chiến chống Pháp đã kinh qua chức vụ Cục trưởng một cục chuyên môn nào đó trong quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Sau 1954 Đặng Tính được đi Liên Xô huấn luyện về phòng không. Từ Liên Xô trở về, năm 1958, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng cục Phòng không Không quân với quân hàm đại tá. Từ 1964 ông Đặng Tính được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm chính ủy Phòng không Không quân. Từ 1964 đến 1971, ông Đặng Tính là người chỉ huy trực tiếp các trận đánh trả máy bay Mỹ trên toàn miền Bắc. Từ năm 1971 được bổ nhiệm làm chính ủy đường vận chuyển 559 (đường mòn Hồ Chí Minh, tư lệnh là Đồng Sĩ Nguyên), là một trong ba ông “tướng” mang quân hàm đại tá : Đặng Tính, Đồng Sĩ Nguyên, Phùng Thế Tài) của quân đội miền Bắc hoạt động trên Trường Sơn. Tháng Tư năm 1973 bị tử nạn trong khi đi làm nhiệm vụ ở nhánh tây đường Trường Sơn. Đặng Tính xuất thân từ gia đình tầng lớp trên của chế độ và xã hội cũ, là người từng trải nghiệm trong chiến tranh trên cả hai lãnh vực chính trị và quân sự, dĩ nhiên ông biết nhiều về Rèn cán chỉnh quân, về Cải cách ruộng đất, Cải tạo nông nghiệp, Cải tạo công thương nghiệp, Cải tạo trí thức trên miền Bắc. Ông cũng biết ít nhiều vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Đặc biệt ông biết nhiều và cụ thể về những tệ nạn tham quan ô lại và tranh quyền đoạt vị, hãm hại lẫn nhau trong đảng Cộng sản, trong chính quyền và quân đội miền Bắc sau 1954. Ông cũng biết nhiều về những bất mãn của nhân dân và trí thức trước tình trạng ruỗng mục của chế độ. Đặng Tính thuộc phe Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp…, nên cái chết của ông cũng như cái chết của tướng Nguyễn Chí Thanh, tướng Hoàng Văn Thái…, và tình trạng bị tù đày, bị đẩy ra rìa, bị cách chức, bị cho về hưu của nhiều tướng tá khác đã gây nên làn sóng dư luận cho đó là thủ đoạn diệt trừ đối lập của phe Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng…

Trở lại câu chuyện của ông Tuệ. Sự can thiệp của mấy người lính đã tạo tác nên một chuyển biến, làm thay đổi cuộc đời ông Tuệ. Lúc đầu nó làm chậm lại kế hoạch “treo cổ” của ông, bởi vì ông không thể thực hiện nó trước sự chứng kiến của bọn “ác ôn” kia. Đến khi thấy mấy người lính có súng và sự quan tâm đặc biệt mà ông cho là thủ đoạn giả dối của “tên chỉ huy”, ông Tuệ quyết định thay đổi cách chết. Ông nghĩ một cách đơn giản là nếu bị “bọn ác ôn” đó bắn chết thì ông sẽ “thoát nạn” dứt khoát và nhanh chóng hơn. ( Biết đâu lại thêm một lần ông thiếu can đảm?). Nhưng mấy người lính đã không bắn giết theo kế hoạch mới của ông, và “tên chỉ huy” lần hồi biến thành “vị cứu tinh”, cuối cùng là cha vợ.

Máy bay Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa tăng cường các cuộc không kích ngày đêm các kho tàng, địa điểm quân sự, và những hoạt động vận chuyển trên các trục giao thông thủy bộ. Trong tư cách tư lệnh kiêm chính ủy Quân chủng Phòng Không, ông Đặng Tính qua lại nhiều hơn các tỉnh phía nam vĩ tuyến 20. Ông quan hệ nhiều hơn với các cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền, quân đội, công an ở các địa phương ông đi qua để phối hợp hành động chống trả cuộc chiến tranh phá hoại của đối phương. Trong quá trình thực hiện công vụ, ông Đặng Tính âm thầm thực hiện các “tư vụ” giúp ông Tuệ vượt qua những khó khăn tinh thần và vật chất. Ông đến Nông trường Quốc doanh ở Nghệ An, Công an tỉnh Hà Tĩnh và Hội đồng hương Thừa Thiên – Huế ở Đồng Hới đề nghị phục hồi một mức nào đó cuộc sống bình thường cho ông Tuệ. Ông lấy tư cách là tư lệnh kiêm chính ủy quân chủng phòng không bảo lãnh về hành vi chính trị cho ông Tuệ. Như thế là ông Tuệ - “tên chăn bò có vấn đề” trở thành nhân viên nông trường, được cho đi học khóa trung cấp nông nghiệp ở Hà Tĩnh. Cuối năm 1965 ông Tuệ ra Hà Nội theo học Đại học Nông lâm chuyên ngành cơ khí. Năm 1968 ông làm đám cưới với chị Đ T Nh, con gái ông Đặng Tính.

Là con quan, sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, được giáo dục và đào tạo trong môi trường xã hội chủ nghĩa, bản thân lại là quân nhân (từ Liên Xô về chị Nh “tình nguyện” vào quân đội với cấp bậc khởi đầu là trung úy, năm 1975 chị Nh đã là thiếu tá) tính tình đơn giản, khô cứng, nóng nảy, chị Nh không thích hợp với vai trò làm vợ, làm mẹ. Nhưng rồi chị đã làm vợ, làm mẹ.

Ông Tuệ tốt nghiệp kỷ sư cơ khí nông nghiệp năm 1968, lúc bấy giờ cuộc chiến phát triển đến đỉnh điểm. Trận “Mậu Thân” đã là một biến cố trọng đại trên cả hai miền Nam Bắc. Tại miền Nam quân “Giải Phóng” đã tấn công vào Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và hàng trăm cứ điểm khác của “Mỹ - Ngụy” trên khắp các tỉnh thành. Tại miền Bắc Không quân và Hải Quân Mỹ đánh phá không hạn chế trên khắp lãnh thổ. Hà Nội thường xuyên vang vọng tiếng còi báo động, phố xá tiêu điều, trường học và nhiều cơ quan ban ngành sơ tán về vùng nông thôn. Chiến thắng vang dội ngày đêm trên các loa phóng thanh và hai tờ báo: Quân Đội Nhân Dân và Nhân Dân. Thỉnh thoảng ông Tuệ còn nhận được tin chiến sự từ ông Đặng Tính, vị cứu tinh và cha vợ tương lai. Cuối năm 1969 do sự gợi ý và sắp xếp của ông Đặng Tính, ông Tuệ tình nguyện gia nhập quân đội. Với quân hàm trung úy, ông công tại đội xe của quân chủng Phòng không.

Đám cưới của hai quân nhân Tuệ - Nhu diễn ra trong tiếng bom đạn vang rền của bom Mỹ, súng phòng không và tiếng còi báo động. Ông Tuệ không có cảm giác nôn nao hồi hộp của một tân lang trong giờ phút trọng đại của đời mình. Lấy vợ cũng như gia nhập quân đội, ông Tuệ đã tuân thủ ý kiến của ông Đặng Tính, đã thi hành ý kiến đó như một hành động đền ơn đáp nghĩa có tính cách cá nhân và đồng thời là một động thái bản năng. “Cô Nh” (sau này ông Tuệ thường gọi vợ như thế) không gây cho ông một cảm xúc yêu đương nào. Nhưng “cô Nh” là nữ và là con gái ông Đặng Tính, người mà từ đây, khi đến cơ quan ông gọi là Tư lệnh, về nhà ông gọi là bố vợ. Cả hai nơi ông Tuệ đều một lòng tôn kính “vị tướng tài đức, văn võ song toàn”. Điều mà ông Tuệ càng về sau càng nhận thấy mình sai lầm một cách nghiêm trọng: “Một vị tướng tài đức văn võ song toàn” không tất yếu có một cô con gái sẽ chính danh là một người vợ, một người mẹ của con rể và cháu ngoại mình.

Ông Tuệ đã ngỡ ngàng tham dự đám cưới của chính mình. Ông cảm thấy lạc lõng, cô đơn trước một tình thế bất thường. Từ khi ra miền Bắc, cho đến thời điểm này, ông chưa hề tham dự bất cứ một đám cưới nào. Thời gian đầu ở Đồng Hới, ông có bạn ở hội đồng hương và trường trung học, nhưng vào thời điểm đó, các bạn ở hội đồng hương và trường học chưa ai làm đám cưới cả. Từ sau vụ án “con nhà địa chủ và Nhân Văn Giai Phẩm” ông Tuệ trở nên người tứ cố vô thân: Không có gia đình, không họ tộc, không quê làng, không bạn bè, không đồng nghiệp. Thời gian ở trường trung cấp và đại học Nông Lâm, ông Tuệ vẫn là kẻ xa lạ, “cơ thể ở trong, tâm tưởng ở ngoài”. Ông nhớ lại thời thiếu niên ở quê làng Mỹ Lợi và ở Huế, các đám cưới thường được tổ chức bởi hai gia đình, có sự tham dự của bà con cô bác hai họ và bạn bè của cô dâu chú rể. Có lễ hỏi, lễ cưới, có bái lạy ở bàn thờ tổ tiên.

Ông nghe nói, thời chống Pháp, trong những khu chiến, nhiều đám cưới đã được tổ chức không do gia đình họ tộc mà do cơ quan của một hay hai bên đồng chí nam nữ hợp thức hóa bằng một lễ hội đơn giản ở một lán trại giữa rừng hay tại một ngôi nhà nào đó mượn tạm ở nông thôn. Trên miền Bắc từ sau 1954 các đám cưới, tùy theo hoàn cảnh mà được tổ chức theo tập quán lễ tục truyền thống, hay theo cách thức “đời sống mới” từ chiến khu đem về. Tuy nhiên dù lễ hội được tổ chức theo nghi thức truyền thống hay “ đời sống mới,” các đám cưới hầu hết do hai họ, hay một họ và một cơ quan, hoặc do hai cơ quan hay hai phía bạn bè cô dâu – chú rể chủ trì và tham dự. Đằng này đám cưới ông Tuệ chỉ có một phía. Ông Đặng Tính thay mặt gia đình họ tộc (họ Đặng), bạn bè, đồng thời vừa đại diện cơ quan (bộ tư lệnh binh chủng phòng không) chủ trì mọi việc trong lễ tiệc. Với tư cách là người chủ hôn, ông Đặng Tính nói lời chào và cám ơn các “đồng chí” khách mời, các bà con cô bác (họ Đặng)…

Cũng như mấy tháng trước trong lần tới nhận việc ở đội xe (trực thuộc văn phòng bộ tư lệnh quân chủng phòng không), lần này trong đám cưới của chính mình, ông Tuệ vẫn cảm thấy là kẻ xa lạ, cô đơn lạc lõng trong cái thế giới ông không bao giờ thuộc về.

Sau đám cưới, ông Tuệ dọn về ở chung trong ngôi nhà ông Đặng Tính được cấp trong khu vực (phi trường) Gia Lâm. Ngôi nhà vốn là một villa do người Pháp xây dựng. Villa nằm trên một diện tích rộng chừng 1000m2, có tường bao quanh, gồm tầng trệt và một tầng lầu, mỗi tầng trên 100m2. Tầng trệt gia đình tư lệnh Không quân Phùng Thế Tài cư trú. Tầng trên gia đình tư lệnh Phòng không Đặng Tính. Hà Nội và cả miền Bắc vào thời điểm đó (1969) vấn đề chỗ ở cho cán bộ công nhân viên là vô cùng nghiêm trọng. Ngoại trừ những đại công thần mới được cấp nhà như là nhà – những villa do Tây để lại. Đa phần những gia đình thuộc tầng lớp khác thường chui rúc trong một căn phòng nhỏ từ 10 – 20 – 30 mét vuông ( tùy theo cấp bậc hay mức độ quen biết, chạy chọt ) được chia từ những ngôi nhà cải tạo, hoặc trong những khu tập thể xây dựng cẩu thả thường xuyên thiếu điện nước và cũng thường xuyên tranh chấp, đụng độ giữa các hộ đồng chí chung cư.

Gia đình ông Đặng Tính gồm 5 người: hai ông bà và ba cô con gái đã trưởng thành, chị Nh vợ ông Tuệ là con đầu. Ông bà Đặng Tính xem ông Tuệ như con trai và cố tình vun đắp để ông trở thành người họ Đặng, thừa kế gia nghiệp, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường.

Cuối năm 1971, ông Đặng Tính được điều động đi làm chính ủy con đường huyết mạch 559 nối liền hậu phương miền Bắc và chiến trường miền Nam. Trước khi đi, ông Đặng Tính căn dặn vợ con điều này việc nọ như nói lời vĩnh quyết. Riêng với ông Tuệ, ông Đặng Tính rút lại hai điều: một là phấn đấu để được kết nạp vào Đảng, hai là cố gắng để đảm trách vai trò người trụ cột của gia đình (họ Đặng). Cả hai mục tiêu, ông Tuệ đều không muốn. Ông đã quá sợ “đảng” từ sau cái ngày bị qui kết là con địa chủ,..., ông không muốn trở thành hiểm họa của bất cứ ai. Còn “vai trò trụ cột của gia đình họ Đặng”, theo ông là cách động viên của ông bố vợ hơn là một thực tế:

Ông Đặng Tính đi công tác chiến trường chẳng biết sống chết thế nào và có còn sống để trở nữa không ?, nhà còn lại năm người lớn, bốn người là nữ, chỉ một mình ông là nam. Trong bốn người nữ, bà Đặng Tính trưởng thành trong kháng chiến và đấu tranh cách mạng, đã góp phần làm nên một gia đình công thần, ba cô con gái trưởng thành trong nền giáo dục Xã hội chủ nghĩa, lại là con quan. Với môt “lực lượng” như thế còn lâu ông mới trở thành “người trụ cột”. Vả lại, từ sau biến cố ở Đồng Hới, ông Tuệ ngày một thành kiến nặng nề với phụ nữ, ông vừa căm ghét vừa khinh bỉ bất cứ cô bà nào ngay cả mẹ đẻ. (Những lần tiếp xúc với ông Tuệ, tôi thường nghe ông thở dài và phát biểu: “đàn bà là cái thá gì”).

Ông Đặng Tính ra đi, ông Tuệ thấy mình trở nên trống rỗng, cô đơn, lạc lõng giữa “một thế giới toàn đàn bà”, lại là đàn bà có quyền lực ( đối với ông), mặc bà Đặng Tính “cố gắng xem ông Tuệ như con đẻ”, và chị Nh cùng hai cô em gái là người thật thà, chơn chất; nhưng tất cả đều là thành tựu của kháng chiến và “đấu tranh cách mạng - giáo dục Xã hội chủ nghĩa.” Kháng chiến là giấc mơ của ông thời trẻ dại, nhưng cách mạng Xã hội chủ nghĩa thì ông đã từng là nạn nhân do sự đê tiện gian ác của đảng Cộng sản.

Tháng tư năm 1973, tin từ chiến trường đưa về: ông Đặng Tính đã qua đời trong một tai nạn khi đang làm nhiệm vụ. Ông Tuệ kinh hoàng hơn bất cứ người nào trong gia đình họ Đặng.

Sau cái chết của đại tá Đặng Tính, Hà Nội, trong quân đôi, và đặc biệt tại cơ quan bộ tư lệnh Phòng không loan truyền những lời rì rầm rằng: “Cũng như Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái... Đặng Tính bị phe Lê Duẩn thanh toán vì ông thuộc phe Võ Nguyên Giáp...”. Những lời rì rầm đó đến tai ông Tuệ, cùng với những chi tiết xem ra là một kế hoạch có đầu có đuôi: “Ông Đặng Tính đã là bí thư tỉnh ủy từ năm 1946, đại tá từ năm 1958, cục trưởng nhiều cục quan trọng trong quân đội nhân dân, đang là tư lệnh kiêm chính ủy binh chủng Phòng không – một binh chủng rất quan trọng trong công cuộc đương đầu với chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đang hồi quyết liệt – bị đẩy đi Trường Sơn và bị giết chết trước khi về lại Hà Nội để được phong trung tướng và nhận chức phó tổng cục chính trị quân đội nhân dân”. Những tin đồn như thế làm ông Tuệ nhanh chóng suy sụp. Ông khiếp đảm nhớ lại quãng thời gian hơn 10 năm bị hãm hại ở Hà Tĩnh và Nghệ An. Ông nơm nớp lo sợ đến mất ăn mất ngủ vì đinh ninh rằng tai ương hoạn nạn sắp sửa quay trở lại với đời ông.

( ... )

Sau biến cố 1975, không phải tất cả người Miền Bắc đều “nhận hàng” như dân gian khẳng định, mà chỉ với những người thuộc phe Lê Duẩn “làm nên đại thắng mùa xuân” mới nắm thực quyền trong các cuộc Cải tạo và bán bãi (cho người vượt biên) ở Miền Nam: vơ vét hết vàng bạc, hàng hóa, nhà xưởng, đất đai, rừng biển... Phe ông Võ Nguyên Giáp và những người khờ dại đánh Mỹ vì lý tưởng, những người bị qui kết phản động, và “bọn kẻ thù giai cấp còn mai phuc,...” không được chia phần chiến lợi phẩm, họ chỉ được vào khi cả Miền Nam tan hoang và trống rỗng.

Cuối năm 1976 ông Tuệ mới về thăm nhà tại Mỹ Lợi. Nhưng tin đồn “ông Tuệ lấy vợ con nhà tướng” thì đã râm ran “trong họ ngoài làng” nhiều tháng trước. Ít ai biết “ông tướng” cha vợ ông Tuệ đã qua đời và vì lý do gì. Cũng ít ai biết ông Tuệ bị vùi dập suốt cả thời xanh trẻ vì bị chế độ qui kết gia đình và bản thân thuộc giai cấp và thành phần phản động nguy hiểm. Do vậy mà câu “Miền Nam nhận họ, Miền Bắc nhận hàng” chỉ đúng một nửa, nửa đầu :“Miền Nam nhận họ”. còn nửa sau: “Miền Bắc nhận hàng” thì hoàn toàn oan cho ông Tuệ.

Năm 1981, một buổi tối, hai người bộ đội xuất hiện ở nhà tôi tại Đà Nẵng nói là đã tới Mỹ Lợi thăm ông bà già (cha mẹ chồng tôi). Họ không hỏi han gì, chỉ quan sát nơi ăn chốn ở của chúng tôi và xã giao năm ba câu rồi từ giả. Trước khi ra cửa, họ nói với nhau: “gia cảnh như thế này mà bảo là gia đình địa chủ”. Sau này chúng tôi mới biết là họ đi xác minh để kết nạp đảng cho ông Tuệ. Như thế là ông Tuệ đã muốn vào đảng – một guồng máy quyền lực đã hãm hại đời ông và đã có thời ông căm thù khinh ghét. Chẳng biết lúc này ông Tuệ vào đảng vì động cơ gì: “giác ngộ cách mạng” hay cơ hội?

Sau năm 1982, hai vợ chồng (ông Tuệ và chị Nh) theo một bộ phận của văn phòng bộ Tư lệnh phòng không vào Tân Sơn Nhất. Lúc bấy giờ cả nước đang đói và Sài Gòn điêu tàn sau mấy cuộc cải tạo và sau mấy năm “Miền Bắc nhận hàng”. Cuối năm 1982, anh Chu Sơn vào Sài Gòn, nghe ông Tuệ ở Tân Sơn Nhất mới tìm vào thăm. Thấy anh chị cư trú trong một căn phòng của một ngôi nhà vườn hoang phế do cơ quan quản lý, vợ chồng ngủ trên nền nhà với những điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Anh Chu Sơn hỏi về ba đứa cháu. Ông Tuệ nói là chưa có chỗ ở riêng nên chưa đưa các cháu vào được. Các cháu tạm gởi nhờ bà ngoại và mấy dì chăm sóc. Anh Chu Sơn bèn nghĩ ra một giải pháp là “xin nhà” cho anh chị qua hai người bạn (P và M) đã từng kháng chiến trong nội thành đang là nhân viên của sở nhà đất. Hai người ấy bảo “đã qua thời kỳ Miền Bắc ồ ạt nhận hàng, mọi thứ đang ngày càng khó khăn với những người chưa có hộ khẩu tại thành phố cho dù là sĩ quan hay cán bộ viên chức. Cũng có cách là phe cánh và chạy chọt, nhưng chúng tôi không thuộc về cả hai”. Mấy ngày sau, hai người ấy nói với anh Chu Sơn: “Chúng tôi đã bàn với nhau là có thể ứng biến để giúp anh chị ấy có chỗ ở với điều kiện gởi cho chúng tôi hồ sơ nhà đất của liệt sĩ đại tá Đặng tính.” Mấy tuần sau, qua anh Chu Sơn, ông Tuệ gởi cho hai người bạn nhà đất bộ hồ sơ do sở nhà đất thành phố Hà Nội cấp. Hồ sơ khẳng định rằng “Liệt sĩ đại tá Đặng Tính đã được cấp nhà ở Hà Nội.” Cách mà hai người bạn của anh Chu Sơn “ứng biến vòng vo” là: tẩy xóa hai chữ “đã cấp”, thay bằng hai chữ “chưa cấp”. Như thế là căn nhà số 25 đường Học Lạc (quận 5) được sở nhà đất thành phố cấp cho liệt sĩ đại tá Đặng Tính vào năm 1984. Mấy tháng sau sở nhà đất thành phố Hồ Chí Minh sang tên căn nhà số 25 Học Lạc cho con gái Đ T Nh khi chị đã có hộ khẩu (tại thành phố). Nhà số 25 Học Lạc có diện tích nền 4x20 và một gác lửng chay suốt từ trước ra sau là tầng trệt của một căn trong dãy nhà cao tầng tọa lạc tại một khu vực buôn bán sầm uất của Chợ Lớn. Sở dĩ phải mất một thời gian lâu như vậy vì ý của hai anh bạn ở sở nhà đất là “để anh chị cho thuê phần dưới nhằm cải thiện sinh hoạt”.

Có được nhà, ông Tuệ chạy tiền sửa chữa, phần dưới cho thuê, phần trên làm chỗ ở. Từ Tân Sơn Nhất đến 25 Học Lạc (Chợ Lớn) khoảng cách khá xa với phương tiện đi lại bằng xe đạp nên ông Tuệ dọn về một mình, chị N và cháu H (út) vẫn ở Tân Sơn Nhất. (Hai cháu Tr và Th vẫn ở Hà Nội). Cả hai vợ chồng đều là sĩ quan, tiền lương cộng với tiền cho thuê nhà giúp anh chị bớt khó khăn.

Sau khi có nhà riêng, ông Tuệ được nhiều người đến “nhận họ” hơn mấy năm ở trong doanh trại quân đội. Những người “nhận họ”gồm hai thành phần: Thứ nhất là một số bà con nội ngoại, người làng và bạn bè (bạn gái) ở Huế vẫn lưu giữ những kỷ niệm quý mến trước hồi ông Tuệ đi tập kết. Sự thật này chứng tỏ lời mẹ chồng tôi nói: “thằng Tuệ của mạ ngày xưa thông minh, thật thà, tốt bụng; bà con ở làng và cả mấy người trên Huế ai cũng thương, cũng muốn làm thân”. Những người này lần hồi tỏ ra áy náy và thất vọng khi thấy “vợ ông Tuệ không có nhan sắc” và bản thân “ông Tuệ có những biểu hiện bất thường” (hay khoe khoang và nói năng bất nhất...). Thứ hai là những người đang lậm vào tình cảnh khó khăn muốn nhờ vã ông Tuệ việc này việc nọ vì nghĩ “ông Tuệ giàu có và thế thần”. Lại có người rủ rê, xúi dục ông Tuệ bung ra làm ăn trước “cơ hội” đảng Cộng sản thay đổi sách lược: “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Khoáng năm 1986, ông Tuệ xin chuyển ngành (rời quân đội, trở thành công chức), nhận làm giám đốc một công ty gì đó. Anh Chu Sơn quyết liệt khuyên can với lập luận rằng: “Anh Tuệ hoàn toàn không có khả năng “làm ăn”, xã hội phức tạp, “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là cái gì chỉ có đảng Cộng sản mới biết được. Mà đảng Cộng sản thì anh Tuệ và quần chúng có thừa những kinh nghiệm đắng cay! (...). Ông Tuệ bảo rằng: “Đây là cơ hội vừa để giúp bà con có công ăn việc làm, vừa làm giàu cho gia đình.” Anh Chu Sơn nhất mực khuyên can, ông Tuệ nhất quyết làm theo ý mình. Anh em bắt đầu xa cách.

Tình hình chỗ ở, sinh hoạt và công việc như thế nên trong một lần ra Mỹ Lợi ông Tuệ khoe với cha mạ chồng tôi là “có hai ba cái nhà”, “làm ăn giàu có” và “chị Nh thì đi công tác nước ngoài không về thăm cha mạ được”. Để chứng minh mình “giàu có”, trước khi vào lại Sài Gòn, ông Tuệ tặng mẹ chồng tôi tờ 100 đô la. Đã hơn bảy mươi tuổi nhưng mẹ chồng tôi vẫn còn sáng suốt để nhận ra rằng: đứa con trai yêu quí, thông minh, thật thà, tốt bụng trước khi đi tập kết nay không còn nữa; thay vào đó là “ông quan tên Tuệ, lẩn thẩn, khoe khoang và dối trá”. Mẹ chồng tôi nói: “Thay vì đưa cho mạ tiền Việt, nó lại đưa tờ 100 đô la. Ở nhà quê, đối với mạ tờ 100 đô la khó tiêu hơn tiền Viêt; mạ phải đem ra chợ đổi, sự việc trở nên phức tạp, chẳng có lợi gì, lại mang tiếng tiêu tiền Mỹ. Tính khoe khoang làm cho nó u mê”.

Năm 2008, sau khi về hưu, gia đình tôi chuyển cư vào Sài Gòn, chúng tôi không tìm thăm ông Tuệ ở 25 Học Lạc (nơi anh Chu Sơn đã biết từ ngày đầu anh chị chưa nhận nhà), khó khăn lắm chúng tôi mới tìm ra nhà chi Nh trên đường Bạch Đằng. Qua chị Nh tôi biết hai người đã li dị, ông Tuệ ở Học Lạc, còn “cô Nh” được quân đội cấp đất tự xây một căn nhà hình ống chiều ngang 4m, chiều dài 20m. Cháu H đã tốt nghiệp đại học và ở với mẹ. Hai cháu Th, Tr đã lập gia đình và ở riêng. Qua chị Nh, chúng tôi biết anh chị đã li dị từ khi “ông Tuệ bắt đầu làm kinh tế”. Chúng tôi mới vở lẽ ra chuyện “cô Nhu đi nước ngoài” mà ông Tuệ viện cớ mỗi khi ra Mỹ Lợi hoặc Đà Nẵng có việc cần là nhu thế. Sau này, qua cháu Tr. và cháu H, chúng tôi biết thêm rằng ông Tuệ làm ăn bết bát, bị lợi dụng, bị lừa gạt và tham nhũng làm cho sạt nghiệp, sức khỏe ngày một kém, tính khí ngày càng thất thường. Ông Tuệ cũng là mục tiêu đàm tiếu, cạnh khóe của những người đã từng xum xoe, tâng bốc trong những ngày đầu “nhận họ”.

Năm 2014 ông Tuệ qua đời. Đám tang được tổ chức theo nghi thức Phật giáo tại nhà tang lễ bệnh viện 108. Cháu Tr, con trai đầu chủ tang. Chị Nhu mặc áo tang như một người vợ. Trên xa tang, cháu Trung sắp xếp anh Chu Sơn và tôi ngồi bên quan tài cùng với các con trai và cháu nội; chị Nh ngồi xe riêng. Cháu Tr nói: “Cả đời bố cháu chưa ăn được một bữa cơm ngon do mẹ cháu nấu”.

Thi hài của ộng Tuệ được thiêu ở Bình Hưng Hòa, tro cốt và lư hương được gởi ở chùa Chơn Quang (?). Bản thân Ông Tuệ rất có thành kiến với những gì thuộc về Phật giáo; các cháu và chị Nh không ai là Phật tử cả. Thì ra: Phật giáo đã và đang là cái đáy để cho “những người ngoại đạo” giải quyết sự khủng hoảng văn hóa trong quá trình gia đình tan rã và đặc biệt trong lãnh vực tang ma.

Nguyễn Thị Kim Thoa



Các kỳ trước :


Ký ức về một làng quê – I


Ký ức về một làng quê – II


Ký ức về một làng quê – III

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: truyện - ký, Giai phẩm Xuân 2019
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss