Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Annie Ernaux, nhà xã hội học của cuộc đời bản thân

Annie Ernaux, nhà xã hội học của cuộc đời bản thân

- Đỗ Tuyết Khanh — published 23/01/2023 18:10, cập nhật lần cuối 23/01/2023 18:12

Annie Ernaux, nhà xã hội học của cuộc đời bản thân


Đỗ Tuyết Khanh


Với câu giới thiệu phần nào bí hiểm như cố hữu, « vì với dũng cảm và cái nhìn sắc bén lạnh lùng bà phơi trần những gốc rễ, tha hóa và ràng buộc xã hội của ký ức cá nhân »i, tháng 10.2022 vừa qua Hàn lâm viện Thuỵ Điển đã trao tặng giải Nobel văn chương cho Annie Ernaux, tác giả Pháp thứ 16 đoạt giải thưởng này, và là nhà văn Pháp nữ đầu tiên sau 16 tác giả nữ khác được vinh danh với giải thưởng văn học cao quí nhất, được xem như tột đỉnh của vinh quang trên văn đàn thế giới. Giải thưởng cũng có giá trị vật chất cao nhất với 8 triệu kronor Thuỵ Điển (khoảng 718 000 euros). Tất nhiên để lên đến đỉnh cao này, các tác giả đã phải có một sự nghiệp đáng nể trải dài nhiều năm tháng cho nên thường đã luống tuổi thậm chí rất cao niên, như Annie Ernaux ở tuổi 82, khi được nhận số tiền đồ sộ này. Điều đáng để ý là các tác giả nữ đã ít hơn rất nhiều các tác giả nam đoạt giải Nobel, chỉ 17 bà so với 102 ông từ khi giải đầu tiên được trao năm 1901, lại còn trung bình cao tuổi hơn các ông, thể như phải đợi lâu hơn tài năng mới được công nhận. Trong những năm gần đây tuổi các tác giả nam khi đoạt giải Nobel chỉ từ 54 (Orhan Pamuk, Nobel 2006) đến 69 (Patrick Modiano, Nobel 2014). Già nhất là Peter Handke cũng « chỉ » 77 tuổi khi đoạt giải Nobel năm 2019, thua xa Doris Lessing được Uỷ ban Nobel vinh danh năm 2007 khi đã 88 tuổi. So với Louise Glück, Nobel 2020 lúc 77 tuổi, Alice Münro, Nobel 2013 lúc 82 tuổi, thì Herta Müller (Nobel 2009) và Olga Tokarczuk (Nobel 2018) cùng 56 tuổi khi đoạt giải quả là đàn em và còn trẻ trung lắm.

Annie Duchesne sinh ngày 1.9.1940 ở Lillebonne, một thành phố nhỏ vùng Normandie, cách Paris 273 cây số về phía Tây bắc. Lúc 5 tuổi, Annie theo gia đình trở về lại Yvetot một thành phố nhỏ khác cách đấy 25 cây số và lớn lên trong tiệm chạp phô kiêm quán cà phê của cha mẹ. Ông bà Duchesne gốc nông dân quê quán ở Yvetot, lúc trẻ cả hai làm công nhân trong xưởng bện thừng, dành dụm, vay tiền mở tiệm chạp phô, xem việc trở thành tiểu thương là một bước thăng tiến và suốt đời chỉ sợ lỗ lã phá sản phải trở lại kiếp làm công, giai cấp thợ thuyền. Cũng vì thế họ không đưa con vào trường công mà chắt chiu cho đứa con duy nhấtii được học từ tiểu học đến trung học trong trường tư, một trường đạo của các bà sơ. Từ nhỏ đến lớn Annie học rất giỏi, khiến cha mẹ rất tự hào, bắt con dành hết thời gian và tâm trí vào việc học, không phải mó tay vào việc nhà, việc buôn bán trong tiệm và quán. Mộng ước to tát nhất của họ, thấy con là cô giáo gõ đầu trẻ, đã được vượt xa khi Annie bỏ trường sư phạm để theo học văn chương và triết tại đại học Rouen và Bordeaux, đậu CAPES văn chương (chứng chỉ giảng dạy trung học chuyên khoa) năm 1967 rồi thạc sĩ văn học (agrégation de lettres) năm 1971 để trở thành giáo sư văn.

Nỗi ám ảnh về sự nghèo hèn và khát vọng vươn lên đổi đời của cha mẹ đã rất sớm cho Annie ý thức về giai cấp, về những khác biệt sâu sắc và muôn mặt giữa các giai tầng xã hội, cái hố ngăn cách không trừu tượng mà được trải nghiệm rất cụ thể hàng ngày, trong quan hệ xã hội, từ những câu nói của các cô bạn học con nhà khá giả, ở trường bà sơ hay cư xá sinh viên, cho đến cái khoảng cách sau này giữa hai gia đình sui gia khi Annie thành hôn với Philippe Ernaux, sinh viên trường Sciences Po (Học viện khoa học chính trị nổi tiếng) con một gia đình trung lưu. Một khoảng cách đã hiện hữu và ngày càng đào sâu giữa chính Annie và cha mẹ, khi không còn nói cùng một ngôn ngữ và có những thói quen, sở thích và quan tâm rất xa rời nhau. Ý thức giai cấp và nhận thức là một người thoát ly giai cấp (transfuge de classe) thấm nhuần tư duy, con người và sự nghiệp viết văn cũng như các lập trường và thái độ chính trị của Annie. Ý thức đó là cả một quá trình với nhiều dằn vặt và mâu thuẫn, đi từ tủi hổ, mặc cảm và cả nổi loạn, đến nhận thức và tự định vị cho mình chỗ đứng trong cuộc sống, trước xã hội và đối với văn chương.

Tất cả những tác phẩm của Annie đều nói về cuộc đời của bà, từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành, về quá khứ gia đình, tính tình cha mẹ, những sự kiện trong cuộc đời bản thân, những khao khát của tuổi dậy thì, khám phá nhục cảm, phá thai, lấy chồng sinh con và tù túng trong vai trò làm vợ làm mẹ, và những cuộc tình, ngắn hay dài, được kể lại chi tiết, với giọng văn thản nhiên, không ngại ngùng và cũng trần trụi như cơ thể của hai con người đang lao vào cuộc ái ân. Do đó Annie hay được gọi là một nhà văn viết tự hư cấu (autofiction) nhưng bà phủ nhận sự gán ghép ấy và khẳng định những sáng tác và cuộc đời viết văn của bà là sự hợp lưu của văn chương, xã hội học và lịch sử, vì những cụm từ « tôi », « cha tôi », « mẹ tôi » không chỉ là Annie Ernaux và ông bà Duchesne mà còn đại diện cho cả một tầng lớp dân chúng bị chế ngự (dominés) đối ngược với tầng lớp thống trị (dominants). Như nhắc lại trong diễn từ nhận giải Nobel, khi bước vào nghiệp văn chương lúc 22 tuổi, bà đã viết trong nhật ký « Tôi sẽ viết để trả thù cho giống nòi của mình ». Và bà nói rõ hơn :

« Tôi tự hào và ngây thơ nghĩ rằng viết sách, trở thành một nhà văn, ở cuối một dòng họ gồm nông dân không có đất, công nhân và tiểu thương, những người bị coi thường về cách cư xử, giọng nói, vốn văn hóa ít ỏi của họ, sẽ đủ để bù đắp những bất công xã hội do sự xuất thân mang lại. Rằng một chiến thắng cá nhân đã xóa bỏ hàng thế kỷ thống trị và nghèo đói, trong một ảo tưởng mà Trường học đã nuôi dưỡng trong tôi qua thành tích học tập của tôi. »

Diễn từ nhận giải Nobel tại Hàn lâm viện Thuỵ Điển, Börshuset, Gamla stan (thành phố cổ của Stockholm), 7.12.2022

Tự sự, tự thuật là thể loại rất phổ biến trong văn chương, không ít tác giả Pháp hiện nay là điển hình cho tự hư cấu. Song cái « tôi » của những người viết về bản thân thường không đi xa hơn cá nhân của tác giả, trong khi nhiều độc giả của Annie nhận xét những gì bà viết như tấm gương phản ánh chính họ và cuộc đời, tâm tư của họ. Sau tin bà được giải Nobel, nhật báo Le Monde mời độc giả phát biểu về ý nghĩa các tác phẩm của bà đối với họ. Gần 200 người, đủ mọi lứa tuổi và thành phần, kể lại sách của bà đã thay đổi suy nghĩ, cách nhìn và thậm chí con người của họ ra sao. Nhiều người cùng hoàn cảnh thoát ly giai cấp trả lời là đọc Annie đã giúp họ giải toả những giằng co, vấn vương và mặc cảm của kẻ đứng giữa hai giai tầng xã hội.  « Bà đã cho phép tôi hoà thuận với chính tôi. Đã cho tôi niềm tự hào trở lại để khẳng định gốc gác của tôi, vì bà đã đem đến sự thanh cao cho từ ngữ của những kẻ thấp kém. » (Franck Louveau, 57 tuổi, nhân viên tham vấn ngành khách sạn, con một gia đình nông dân ở vùng Mayenne). Người khác tìm thấy trong sách của bà một không gian lắng đọng để suy nghĩ về những vấn đề nam nữ : « Bà là ký ức chung của phụ nữ. Bà đã giải phóng lời nói khi dám tố cáo sự phiền muộn trong hôn nhân và đòi quyền được tự do tính dục bất chấp mọi quy ước tập tục » (Marie-Catherine Fourcade, 73 tuổi, nhân viên sở thuế nghỉ hưu).iii

Hợp lưu của văn chương, xã hội học và lịch sử: quả vậy, ngoài cái tôi thể hiện cái chung, những trang viết của Annie về thời thơ ấu ngay sau Thế chiến II là bức tranh sống động của một nước Pháp cách đây hơn nửa thế kỷ, lạ lẫm xa xôi vì có những chi tiết của đời sống, và cả ngôn từ, đã biến mất trong thế giới hiện đại ngày nay. Căn nhà của gia đình Annie chật chội không có buồng tắm, nhà vệ sinh là cái hố trong vườn được quây lại sơ sài. Không có nước máy trong nhà, phải bơm ở ngoài sân, không có hệ thống sưởi, đêm đến phải đặt trong chăn một viên gạch hơ nóng. Ngôn ngữ cũng thay đổi theo đời sống xã hội, nhiều từ ngữ nếu còn trong tự điển đã mất ý nghĩa của một tục lệ đã thành dĩ vãng. Viết về thời thơ ấu của mẹ, Annie dùng một cụm từ ngày nay ít ai có thể hiểu, « la pesée du pain », là mẩu bánh mì người bán phải cắt từ một ổ bánh khác và đưa thêm để người mua có ổ bánh với đúng trọng lượng yêu cầu. Tục lệ này xuất phát đầu thế kỷ 20, khi các gia đình, nhất là ở nông thôn, dần dà không còn tự làm bánh mì và các tiệm bánh trở thành nguồn cung cấp chính. Bánh mì của người Pháp như cơm gạo của người Việt, không chỉ là nhu yếu phẩm mà còn thuộc vào ADN của văn hoá xã hội cho nên tất nhiên phải được quy định chặt chẽ khi trở thành hàng hoá và được sản xuất công nghiệp. Ngay một làng nhỏ xíu chỉ có vài trăm dân như Saint-Martin-Lars ở vùng Vendée cũng có chỉ thị, viết tay nhưng long trọng, của ông thị trưởng ban ra tháng 11.1912 khuyến cáo bánh mì phải đủ cân theo yêu cầu của khách hàng, bổ sung bằng một miếng bánh cùng chất lượng. Ngày nay đâu còn cái « pesée » nào, mẩu bánh mì cho thêm, để trẻ con có thể ăn khi được sai đi mua bánh, cho dù là ở tiệm bánh chứ không phải siêu thị:

Tuổi thơ của mẹ tôi đại khái như thế này :
Lúc nào cũng thèm ăn. Bà ăn ngấu nghiến miếng bánh cho thêm trên đường từ tiệm bánh mì về nhà. « Cho tới lúc 25 tuổi, tao có thể ăn hết cả biển và cá trong đó ! »

Une Femme, trang 27

Sách của Annie chứa đựng nhiều chi tiết như thế, có vẻ vụn vặt, nhưng là chứng từ sống động của một nước Pháp xa xưa đã đi vào lịch sử. Điển hình nhất của quan hệ khăng khít, hữu cơ, giữa văn chương và xã hội là quyển Les Années (2008), được xem là tác phẩm xuất sắc nhất của bà, đưa ra một thể loại độc đáo, một tự truyện tập thể (autobiographie collective), bức tranh của năm tháng trôi qua từ hậu Thế chiến II đến đầu thế kỷ 21, được vẽ lên từ các tấm ảnh xưa của gia đình, các kỷ niệm gắn liền với những ngôn từ, sự kiện và nhân vật xã hội bà đã chứng kiến. Annie là một trong những nhà văn Pháp đương đại được nhắc đến nhiều nhất qua vô số bài vở nghiên cứu, điểm sách, luận văn, phỏng vấn, là đầu đề của những xê-mi-na, gặp gỡ văn học, hàn lâm cũng như đại chúng, Nhưng chỉ với Les Années tên tuổi bà mới thật sự nổi bật ngoài nước Pháp, dù sách của bà đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Phải ngả mũ trước công lao và sự dũng cảm của những người dịch mấy cuốn đầu tiên của bà vì ngoài những phương ngữ của vùng Normandie còn có những từ ngữ của một thời đã vang bóng, của một tầng lớp bình dân sống cách đây hơn nửa thế kỷ. Có lẽ cũng vất vả như dịch Nguyễn Ngọc Tư! Lối hành văn của bà càng đặc biệt trong Les Années vì là một tự truyện tập thể nên vô nhân xưng (impersonnel), từ đầu đến cuối không có đại từ « je » (tôi) mà chỉ có các đại từ « on » (người ta, họ, ta) và « elle » (con bé, nó, nàng, cô ta, bà ta, là Annie trong những quãng đời). Những câu ngắn tiếp nối đoạn văn dài như những hình ảnh tiếp nối nhau trong một cuốn phim hay slideshow kể lại một cuộc đời lồng trong quá trình diễn biến của một xã hội trải dài trên hơn 60 năm. Những trang cuối là suy ngẫm về sự hình thành của quyển tự truyện vừa cá nhân vừa tập thể và cũng là những gì thôi thúc bà viết văn.

Ngược lại, điều quan trọng đối với bà ta là nắm bắt được chiều dài của quãng đời đã sống trên thế gian này vào một thời điểm nhất định, cái thời gian đã đi xuyên qua bà, cái thế giới bà đã ghi nhớ chỉ vì đã sống… Những gì thế giới ấy đã in đậm trong bà và những người sống cùng thời, bà sẽ dùng để tái tạo lại một khoảng thời gian chung, đã trôi qua từ rất xa xôi cho đến ngày hôm nay – để khi tìm lại được ký ức của ký ức tập thể trong ký ức cá nhân, thể hiện cái vốn sống của Lịch sử.

Sẽ không phải là một công việc hồi tưởng, như người ta thường hiểu, nhằm kể lại một cuộc đời hay giải thích bản thân. Bà sẽ chỉ nhìn vào trong chính mình để tìm lại ở đó thế giới, ký ức và sự mơ tưởng của thế giới trong những ngày đã sống, để nắm bắt sự thay đổi của các ý tưởng, của các niềm tin và cảm quan, sự biến đổi của những con người và cá nhân, mà bà đã biết và có lẽ không là gì cả đối với cô cháu gái của bà và những người nó sẽ quen biết, tất cả những người sống năm 2070. Truy tìm những cảm xúc đã hiện hữu, còn chưa có tên, như cái thôi thúc bà viết.

Les Années, trang 250-251


Viết là để đem đến cho quá khứ một tương lai


Trong một phỏng vấn dài trên tạp chí Zadig cuối năm 2019 đăng lại trên một phụ trang đặc biệt LE UN des écrivains sau tin đoạt giải Nobel, Annie trả lời « Viết trước mắt là một việc làm trong hiện tại, để tìm cách cứu giữ quá khứ, nhưng không chỉ thế, và còn hướng về tương lai. Viết cuối cùng là để đem đến cho quá khứ một tương lai ». Nói đến viết văn và quá khứ tất nhiên không thể không nghĩ đến văn hào Marcel Proust, mà bà rất ngưỡng mộ và đã đọc tới 4 lần toàn bộ 7 cuốn của tác phẩm kinh điển đồ sộ A la Recherche du temps perdu. Cũng như bà, Proust dựa vào những sự kiện của cuộc đời mình, mô tả rất chi tiết, để đưa cái riêng tư lên tầm mức phổ quát, nắm bắt thực tế dưới mọi khía cạnh, theo mọi cảm nhận có thể có của những nhân vật khác nhau, và lời đề tựa quyển Le Jeune homme, tác phẩm gần đây nhất của Annie (2022), « Sự việc chỉ trọn vẹn nếu tôi viết về nó, vì nếu không, nó chỉ là cái gì đã sống qua » như đáp lại một ý tưởng của Proust : thực tế chỉ có ý nghĩa đối với ta qua cảm giác, thực hay ảo, của ta trước nó. Cảm nhận và ghi chép lại để không mất theo thời gian.

Song điểm chung giữa Proust và Annie dừng lại ở đó. Khác biệt cơ bản đầu tiên là gốc gác: Proust là con một gia đình khá giả và trí thức, cha là bác sĩ, giáo sư y khoa ở đại học, mẹ xuất thân từ một gia đình Do Thái giàu có. Proust giao lưu trong giới trí thức và thượng lưu quí tộc, như những nhân vật trong tác phẩm của ông, là giai cấp Annie gọi là tầng lớp thống trị đối ngược với giai cấp bị chế ngự của bà và gia đình bà. Văn phong cũng rất khác nhau: Proust (1871-1922) vẫn còn chịu ảnh hưởng của cuối thế kỷ 19, với quan điểm mỹ thuật cổ điển, văn của ông chải chuốt, với những câu dài lê thê, cấu trúc phức tạp, không khác lối nói lịch lãm của ông ngoài đời. Còn Annie bắt đầu viết văn mấy chục năm sau khi Proust đã mất, trong một bối cảnh cá nhân và xã hội và nội tâm hoàn toàn khác. Tác phẩm đầu tay, hay đúng hơn cuốn sách đầu tiên được một nhà xuất bản chấp thuận in, Les armoires vides (1974) bắt đầu bằng một câu chuyện phá thai chui với những chi tiết cụ thể đặt ngay người đọc trước cái thực tế rùng rợn được mô tả thẳng thừng, không quanh co, không văn hoa hay uyển ngữ, với ngôn ngữ thường ngày kể cả tiếng lóng hay từ ngữ bình dân. Tất cả những đặc tính của văn chương Annie đã thể hiện trong quyển sách đầu tiên này: cốt truyện là cuộc đời thật của nhà văn - vụ phá thai là trải nghiệm kinh hoàng của chính cô sinh viên Annie lúc hai mươi mấy tuổi, dù còn ẩn dưới cái tên hư cấu Denise Lesur - và cách hành văn bộc trực, không ngần ngại sỗ sàng khi mô tả một thực tế thô bạo.


Văn phong « phẳng lặng »


Tuy từ đầu đến cuối chỉ viết về cuộc đời bản thân, dù là hoàn cảnh riêng hay những sự kiện xã hội chung, chỉ sau hai quyển đầu Annie mới chuyển sang viết trực tiếp cái « tôi » là chính mình chứ không phải thông qua một nhân vật hư cấu như Denise Lesur, hay Anne trong Ce qu’ils disent ou rien (1977). Như nhiều tác phẩm đầu tay trong đó tác giả hối hả dốc hết những gì muốn nói, trút cả bầu tâm sự với độc giả, giọng văn trong Les Armoires vides dồn dập, đôi chỗ đầy nộ khí, cục cằn, như nước vỡ bờ tung ra những uất ức bị kìm nén từ quá lâu. Nhưng đến quyển thứ tư, La Place (1983) viết về cha Annie, cách viết đổi hẳn, câu văn ngắn gọn, bình thản như chỉ tường thuật một sự kiện khách quan. Đấy là cách viết bà gọi là «phẳng lặng» (écriture plate) bà giải thích trong diễn từ nhận giải Nobel :

Khi người đọc thuộc lớp người được ưu đãi về văn hóa, anh ta giữ thái độ trịch thượng, kẻ cả đối với nhân vật trong sách cũng như ngoài đời. Cái nhìn ấy không thể chấp nhận được nếu nó hướng về cha tôi, người mà tôi muốn kể lại cuộc đời, và tôi cảm thấy còn là sự phản bội nếu không ngăn chặn nó. Chính vì thế mà tôi đã sử dụng, từ cuốn sách thứ tư của mình, một cách viết trung lập, khách quan, «phẳng lặng» theo nghĩa là nó không chứa ẩn dụ cũng như dấu hiệu nào của cảm xúc. Bạo lực không còn được phô bày nữa, nó đến từ chính sự kiện chứ không phải từ chữ nghĩa. Tìm được những ngôn từ chứa đựng cả thực tế và cảm giác do thực tế mang lại đã trở thành cho đến tận ngày nay mối quan tâm dai dẳng của tôi khi viết, bất kể chủ đề gì.

Quả vậy, không thể đoán được tình cảm sôi nổi của Annie đối với cha, cái sốc khi cha chết lúc đưa con về thăm cha mẹ, khi đọc đoạn văn bình thản khô khan gần như lạnh lùng này:

Lúc 12 giờ rưỡi, tôi cho thằng bé đi ngủ. Nó không buồn ngủ và nhảy cỡn trên chiếc giường lò xo. Cha tôi thở khó khăn, mắt mở to. Mẹ tôi đã đóng cửa quán và tiệm chạp phô, như mọi ngày chủ nhật, lúc khoảng một giờ. Bà trở lên ngồi cạnh ông. Trong lúc tôi rửa bát, cô chú tôi đến nhà. Sau khi lên gặp cha tôi, họ vào ngồi trong bếp. Tôi mời họ uống cà phê. Tôi nghe tiếng mẹ tôi bước chầm chậm trên lầu, bắt đầu xuống cầu thang. Tôi tưởng, tuy bước chân chậm chạp bất bình thường, là bà vào uống cà phê. Tới góc cầu thang, bà nói nhỏ «Thế là hết».

La Place, trang 110

Annie cũng dùng giọng văn bình thản ấy để viết về cái chết của mẹ trong Une Femme (1987) như tường thuật về ai đó chứ không phải người đã đóng vai trò chính yếu trong cuộc đời và con người của mình :

Mẹ tôi chết ngày thứ hai 7 tháng tư tại nhà dưỡng lão của bệnh viện Pontoise, nơi tôi đã đưa bà đến cách đấy hai năm. Anh y tá nói qua điện thoại « Mẹ bà đã mất sáng nay, sau khi ăn sáng ». Lúc đó khoảng 10 giờ sáng.

Buổi an táng là ngày thứ tư. Tôi đến bệnh viện với hai con trai và chồng cũ. Lối đi đến nhà xác không có chỉ dẫn, chúng tôi đi lạc trước khi tìm ra, căn nhà bê-tông một tầng, ở bìa ruộng. Một nhân viên mặc áo bơ-lu trắng đang điện thoại ra dấu bảo chúng tôi ngồi đợi ngoài hành lang. Chúng tôi ngồi trên ghế trước khu vệ sinh cửa để ngỏ. Tôi muốn được thấy mẹ một lần nữa và đặt lên bà vài cành hoa mộc qua để trong túi xách. Chúng tôi không biết họ sẽ cho chúng tôi nhìn bà trước khi đóng quan tài hay không. Anh nhân viên nhà quàn chúng tôi đã gặp bước sang từ phòng bên và lễ phép mời chúng tôi đi theo. Mẹ tôi nằm trong quan tài, đầu nghiêng về phía sau, hai tay chắp trên cây thánh giá. Họ đã bỏ vành khăn trên đầu và mặc cho bà cái áo ngủ có giải móc. Tấm vải sa-tanh che tới ngực. Căn phòng rộng, trống, bằng bê-tông. Ánh sáng ít ỏi, không biết vào từ đâu.

Gia đình không cho tôi ra về mà không đi ăn. Cô em mẹ tôi đã đặt bữa cơm sau đám tang ở nhà hàng. Tôi ở lại, thấy đó cũng là cái gì còn làm được cho mẹ. Quán phục vụ chậm chạp, chúng tôi nói chuyện công ăn việc làm, con cái, thỉnh thoảng nhắc đến mẹ. Mọi người bảo tôi «để làm gì nếu bà ấy cứ sống như thế thêm nhiều năm». Ai cũng nghĩ bà chết là hơn cả. Một câu nói, sự quả quyết, tôi không hiểu được. Chiều tối tôi về lại vùng Paris. Tất cả đã chấm dứt thật sự rồi.

Une Femme, trang 11, 15-16, 19

Sau khi cha Annie mất năm 1967, bà Duchesne còn làm việc ba năm trước khi bán tiệm chạp phô về ở với gia đình con gái ở Annecy, vùng Haute-Savoie, nơi chồng Annie được bổ nhiệm làm viên chức cao cấp Nhà nước. Khi ông Ernaux nhận chức vụ cao hơn ở Cergy gần Paris bà cũng theo về ở chung nhưng không thích nghi được với cuộc sống ở một thành phố mới, đi đâu làm gì cũng phải nhờ con đưa đón nên quyết định dọn về lại Yvetot. Căn hộ nhỏ ở đây sẽ là nơi chốn riêng cuối cùng của bà, cho đến hè 1983, khi cơ thể và đầu óc suy yếu không cho phép tiếp tục ở một mình. Annie đón mẹ về nhà ở Cergy nhưng bệnh Alzheimer đã đưa bà đi ngày càng xa thế giới của người tỉnh táo, đến lúc phải vào bệnh viện « vĩnh viễn ở trong cái không gian không có xuân hạ thu đông, quanh năm ấm áp, đầy mùi, thời gian đã biến mất, chỉ còn những chức năng lập đi lập lại theo qui trình, ăn, ngủ, v.v. » (Une Femme, trang 97).

Trong « Je ne suis pas sortie de ma nuit » (1997) Annie viết về diễn tiến bệnh Alzheimer của mẹ, ngày càng trầm trọng đến lúc mê sảng và không còn chủ động được bất cứ gì của cơ thể. « Paulette thân mến, tôi chưa ra khỏi màn đêm của tôi » là câu cuối cùng bà Duchesne còn đủ minh mẫn để bắt đầu một lá thư chỉ dừng lại ở đó. Cuốn sách lấy câu ấy làm tựa là nhật ký của Annie ghi chép từ tháng 12.1983, khi đã đón mẹ về nhà, và tháng 4.1986 khi mẹ vừa mất. Chỉ 10 năm sau Annie mới quyết định đưa in quyển nhật ký, không biên tập, không thay đổi một chữ những gì tự nói với mình, tự vấn lòng mình, đầy xúc cảm, khác với giọng văn phẳng lặng của những gì viết cho người khác, đăng cho người đọc.

Rất lâu tôi nghĩ sẽ không bao giờ đưa đăng. Có lẽ tôi muốn để lưu lại một hình ảnh duy nhất, một sự thật duy nhất về mẹ tôi và quan hệ của tôi với mẹ, như đã cố gắng phác hoạ trong Une Femme. Bây giờ tôi nghĩ tính đơn nhất và nhất quán của một sự nghiệp viết văn – cho dù vẫn chú ý đến những dữ kiện trái ngược nhau nhất – phải được thử thách mỗi khi có dịp. Công bố những trang này cho tôi cơ hội ấy.

Tôi đưa chúng ra như chúng đã được viết, trong trạng thái sững sờ và hoảng loạn của tôi lúc ấy. Tôi không muốn thay đổi các ghi chép về những giây phút ở cạnh mẹ, ra khỏi thời gian - hay trong thời gian tìm lại được của thời thơ ấu – không ý nghĩ, trừ « đây là mẹ mình». Không còn là người mẹ tôi hằng biết, ngự trị trên cuộc đời tôi, song đằng sau khuôn mặt vô nhân tính của bà, qua giọng nói, cử chỉ, tiếng cười, vẫn là mẹ tôi, hơn bao giờ hết. 

« Je ne suis pas sortie de ma nuit », trang 12-13


Hình tượng nữ quyền


Ngự trị trên cuộc đời Annie và trong những cuốn sách viết về thơ ấu và tuổi trẻ, bà Duchesne là một nhân vật đầy cá tính: cao to, mạnh miệng, mạnh tay, mạnh chân, quyết đoán và năng nổ. Ông Duchesne trông nom quán cà phê còn bà một mình quán xuyến tiệm chạp phô, giao dịch với các nhà cung cấp, bưng vác hàng hoá, tiếp khách hàng, tính toán sổ sách, quản lý tiền bạc, và còn làm việc nhà, giặt giũ lau chùi. Song bà hoàn toàn không màng đến nấu nướng, chức năng truyền thống của phụ nữ, giao hết việc bếp núc cho chồng. Thời ấy, hình ảnh người đàn ông rửa bát nấu ăn cho vợ con gần như bất bình thường đối với xã hội, sự ngạc nhiên pha lẫn chế giễu của người khác cũng là một mặc cảm về khác biệt của Annie thời ấy, khi đụng chạm với những gia đình phong lưu và có nề nếp khác.

Song sự tự tin và tháo vát của mẹ, cột trụ của gia đình, đã sớm nuôi dưỡng trong Annie lý tưởng một phụ nữ mạnh dạn có chỗ đứng trong xã hội, độc lập về kinh tế, khác xa sự uỷ mị, phục tùng của các bà mẹ mấy cô bạn học con nhà trung lưu, sống trong bóng của chồng con và quanh quẩn với nội trợ. Bà Duchesne là hình tượng nữ quyền đầu tiên của Annie, ý thức về các vấn đề nam nữ được củng cố và lý thuyết hoá khi Annie đọc tác phẩm kinh điển của phong trào nữ quyền Le Deuxième Sexe của Simone de Beauvoir. «Quyển sách đến đúng lúc trong đời tôi, năm tôi 18 tuổi, khi tôi hoang mang trước những biểu tượng được chấp nhận thậm chí biện minh cho sự thống trị của nam giới» ( LE UN des écrivains, 12.10.2022).

Dị ứng với hình ảnh người đàn bà nội trợ chỉ sống cho chồng con nhưng Annie bị đưa đẩy vào mô hình ấy khi thành hôn năm 1964 với Philippe Ernaux lúc cả hai còn là sinh viên, rồi có ngay hai con, Eric, sinh năm 1964 và David, sinh năm 1968. Tuy cố gắng thích nghi và làm tròn các bổn phận gia đình nhưng rất nhanh bà cảm thấy tù túng trong một cuộc sống ngày càng lộ rõ sự mất quân bình giữa các quyền và nghĩa vụ của chồng và vợ. Trong khi Philippe được thảnh thơi tập trung vào việc học, thi cử và sau đó công việc làm, bà phải gánh vác tất cả việc nhà, lo cho con cái, vất vả lắm mới dành được chút thời gian riêng để tiếp tục học, thi chứng chỉ rồi đi dạy. Và viết lách. Những bất mãn và buồn nản chồng chất được kể lại trong La Femme gelée (1981) với những chi tiết đôi khi hài hước nhưng luôn tỏ rõ sự bất công và bất bình đẳng dẫn đến chán chường, oán giận và đổ vỡ của hôn nhân. Năm 1981 Annie và chồng ly dị sau 17 năm chung sống. Nhưng quan hệ của họ đã bắt đầu rạn nứt từ nhiều năm trước. Những câu chê bai diễu cợt của Philippe lúc được vợ đưa cho đọc bản thảo một sáng tác đầu tiên khiến Annie quyết định dấu chồng khi viết Les armoires vides và nói dối là để chuẩn bị cho một luận án tiến sĩ. Khi quyển sách ra đời năm 1974, Philippe nổi giận và nói nếu Annie đã có thể lén lút viết một cuốn sách thì cũng có thể lén lút ngoại tình. Nghịch lý là Philippe cũng không phải là người chồng mẫu mực chung thuỷ. Sau khi ly dị, Annie tiếp tục ở trong căn nhà của họ ở Cergy và ở vậy không lấy ai khác, tuy có rất nhiều cuộc tình.


Độ cao nhất của nữ quyền


Đối với Annie, nữ quyền là đấu tranh cho nam nữ bình quyền trên mọi mặt, không chỉ là bình đẳng trong chính trị, nghề nghiệp, lương lậu, cơ hội thăng tiến và phân chia công việc gia đình, mà phải đi xa hơn, giải phóng phụ nữ khỏi những ràng buộc tâm lý và xã hội còn kềm chân họ trên mặt tính dục. Khác với đàn ông, phụ nữ thường vẫn gắn liền tính dục với tình yêu, thể như tình yêu hợp thức hoá, chính đáng hoá tính dục, ngại ngùng nói đến «chuyện phòng the». Annie đòi hỏi phụ nữ phải được tự do phóng túng như đàn ông mà không mang tiếng lẳng lơ, dâm đãng, đĩ thoã, những từ miệt thị chỉ dùng cho đàn bà. Như bà đã phải chịu khinh bỉ và ngược đãi trong những trải nghiệm dục tình đầu tiên, nhục nhã ê chề, khi làm việc trong ê-kíp phụ trách một trại hè thiếu nhi lúc 18 tuổi, để lại một chấn thương phải gần 60 năm sau mới có thể kể lại trong Mémoire de fille (2016).

Tự giải phóng mình khỏi sự kìm hãm của những quy ước tập tục xã hội gò bó, Annie tự do làm tình với bất cứ ai bà cảm thấy được quyến rũ, người đàn ông đã có vợ hay bạn gái, chàng thanh niên trẻ hơn bà mấy chục tuổi, và cả người con trai thoáng gặp trong một chuyến đi du lịch. Bà viết thoải mái về những cuộc tình ấy, không thi vị hoá, điềm nhiên như nói về điều bình thường của cuộc sống. Vì thế các cuốn sách (rất mỏng) về những chuyện tình của bà không phải là văn khiêu dâm, không câu khách, kích thích độc giả qua những pha gây cấn mô tả các tư thế này nọ, mà tập trung vào những trạng thái tâm lý của bà, cuộc sống chung quanh, bối cảnh xã hội. Như trong Le Jeune homme (2022) viết về chuyện tình kéo dài ba năm với một sinh viên đại học Rouen kém Annie 30 tuổi làm bà nhớ lại tuổi trẻ của mình:

Tôi thấy lại ở nhà A. khung cảnh ít tiện nghi và sơ sài của chính tôi, trong những năm đầu sống với chồng khi hai đứa là sinh viên. Cái bếp điện với bộ điều chỉnh nhiệt đã hỏng chỉ có thể dùng để nướng những miếng bít-tết chỉ chực dính chặt vào chảo hay để nấu mì, gạo, trong cái nồi trào nước lênh láng. Cái tủ lạnh cũ làm đông cứng cây sà lách trong ngăn rau. Phải mặc ba áo len mới chịu được cái lạnh ẩm ướt của mấy căn phòng trần cao cửa sổ cọc cạch, không cách nào sưởi ấm với các lò sưởi ngốn cả đống tiền.

Cơ thể tôi không còn tuổi tác. Chỉ ánh mắt chê trách nặng nề của mấy người ngồi gần chúng tôi trong quán ăn mới nhắc lại nó. Cái nhìn không làm tôi xấu hổ mà chỉ càng nhất quyết không che giấu quan hệ tình ái với một anh chàng «đáng tuổi con mình» khi mà bất cứ tay đàn ông nào quá tuổi 50 vẫn có thể cặp kè với một cô gái rõ ràng không phải là con ông ta mà chẳng ai phê phán. Nhưng tôi biết, khi nhìn cặp vợ chồng luống tuổi này, là nếu tôi ngồi với một anh con trai 25 tuổi chính là để tránh lúc nào cũng thấy trước mình khuôn mặt in hằn dấu vết thời gian của một người đàn ông cùng lứa tuổi, hình ảnh già nua của chính mình. Trước khuôn mặt của A., mặt của tôi cũng trẻ. Cái đó đàn ông biết rõ lắm, tôi không thấy tại sao tôi lại phải tự ngăn cấm mình.

Le Jeune homme, trang 15-16, 27


Nếu tính dục không nhất thiết phải đi đôi với tình yêu, với Annie bao giờ cũng là đam mê, đến mức có thể làm bà quên hết tất cả chỉ còn sống cho sự luyến ái, như trong chuyện tình của bà với một viên chức ngoại giao Nga kể lại trong cuốn sách mỏng vài chục trang Passion simple (1991), bán được 200 000 bản chỉ trong hai tháng đầu. Quan hệ vụng trộm vì ông ta có vợ, Annie hoàn toàn lệ thuộc vào ý muốn, những sắp xếp ưu tiên của ông ta, thấp thỏm chờ đợi các cuộc hẹn chỉ báo trước qua điện thoại vài giờ, lo lắng đau khổ khi ông ta bặt tin, sao nhãng công việc giảng dạy. Người phụ nữ phóng túng lúc ấy không còn chủ động tâm trí và cuộc sống hàng ngày của mình, tất cả xoay quanh người tình và những lúc ông ta đến rồi lại đi.

Từ tháng 9 năm ngoái tôi không làm gì khác ngoài đợi một người đàn ông : đợi anh ta điện thoại và đến nhà tôi. Tôi đi chợ, đi xi-nê, mang quần áo ra tiệm giặt, đọc sách, chấm bài, sinh hoạt không khác gì lúc trước, nhưng nếu đấy không là những thói quen có từ lâu, tôi sẽ không thể làm nổi, trừ phi cố gắng ghê gớm.

… Tôi không có tương lai nào khác ngoài cú điện thoại sắp tới cho biết buổi hẹn. Tôi hạn chế tối đa ra khỏi nhà, ngoài những bổn phận của công việc - mà A. nắm rõ ngày giờ - luôn sợ anh gọi đúng lúc tôi đi vắng. Tôi cũng tránh dùng máy hút bụi hay máy sấy tóc, sợ không nghe tiếng điện thoại reng. Tiếng điện thoại kêu là sự dày vò của một hi vọng chỉ tồn tại trong khoảnh khắc tôi chậm rãi nhấc máy và nói a-lô. Khi thấy không phải là A., tôi thất vọng tới mức thù ghét người ở phía kia đầu dây. Hễ nghe giọng của A. sự chờ đợi mòn mỏi, nhức nhối, đầy ghen tuông tất nhiên, bỗng vụt tan khiến tôi tưởng như đột ngột trở lại bình thường sau khi đã mất trí. Tôi không ngờ giọng nói thực ra không có gì đặc biệt này lại có tầm quan trọng quá đỗi như thế trong đời tôi.

Passion simple, trang 13, 16


Sự cuồng nhiệt trong ái tình của Annie thể hiện một bản năng tính dục mạnh mẽ và đến rất sớm, đi xa hơn sự hiếu kỳ thường tình của trẻ con về giới tính. Cô bé Annie hay núp dưới bàn trong tiệm để nghe lóm mẹ và khách hàng thì thào kháo nhau về cô gái đã hai tháng không thấy nó có, vừa rồi cắt cổ vịt lấy máu tùm lum, con nhỏ nhà kia bị bắt quả tang đằng sau nhà thờ với ba thằng con trai, vâng, ba thằng. Nghe loáng thoáng không hiểu hết nhưng cô bé vẫn cảm thấy rạo rực xốn xang và chỉ mong mau lớn để khám phá những bí mật vô cùng hấp dẫn ấy. Tuổi dậy thì với những khát khao, ham muốn, khám phá khoái cảm rồi sợ hãi, mặc cảm tội lỗi, được diễn tả rất nhiều trong các trang về tuổi thiếu niên của Annie. Như các cô gái cùng thời, Annie lớn lên trong sự giám sát chặt chẽ của mẹ, nỗi ám ảnh về trinh tiết, những câu khôn ba năm dại một giờ của các bà mẹ kiểm tra kinh nguyệt của con gái. Trong một khu phố không gì thoát khỏi đôi mắt dòm ngó của hàng xóm, người quen, đối với bà Duchesne rất ngoan đạo, sáng dậy sớm đi lễ nhà thờ, không chồng mà có bầu là tai hoạ tuyệt đối, vừa là tội lỗi đối với Chúa, vừa là tủi hổ của gia đình và nhất là làm tiêu tan giấc mơ thành đạt bà ấp ủ cho con gái.


Một bi kịch của người phụ nữ


Do đó có thể hiểu Annie không còn con đường nào khác là phá thai khi mang bầu với anh bạn trai sinh viên P. (là Philippe, người chồng tương lai, như được tiết lộ qua một câu trong nhật ký của Annie đăng trong Se perdre (2001) iv). Năm 1963, ở Pháp cũng như các nước khác, phá thai là một tội phạm theo luật hình sự, không bác sĩ nào dám làm dù bệnh nhân năn nỉ khẩn khoản, trừ trường hợp duy nhất là thai nghén có thể làm người phụ nữ tử vong. Những cô gái, đàn bà phải chấm dứt thai kỳ, bất kể vì lý do gì, chỉ còn cách nhờ cậy đến một bà « faiseuse d’ange », thường là một bà già, cho thai nhi từ bỏ cõi trần lên làm thiên thần. Mỹ từ giả dối che lấp một thực tế khả ố: người phụ nữ tuyệt vọng phải phó thác thân thể và cả sinh mạng của mình cho một bà làm nghề phá thai chui, trong điều kiện vệ sinh sơ sài, với dụng cụ thô sơ giống như đồ tra tấn thời Trung cổ. Đau đớn của thể xác và tinh thần. Trong Les Armoires vides ngay từ mấy câu đầu Annie cho biết nó ra sao. Cuốn sách ra đời một năm trước khi luật pháp cho phép phá thai chứng tỏ sự dũng cảm của bà nhưng cũng cho thấy cái chấn thương đủ sâu đậm để mười năm sau sự kiện, đó là điều đầu tiên bà thấy phải nói ra trong cuốn sách đầu tiên để tố cáo một bất công ghê gớm của xã hội đối với phụ nữ.

Một chấn thương nằm đủ sâu trong ký ức để 36 năm sau Annie có thể viết với từng chi tiết chính xác trong L’Événement (2000) về sự kiện không thể nào quên. Giọng văn phẳng lặng kể lại diễn tiến từ lúc tắt kinh, những ngày chờ đợi lo lắng rồi tuyệt vọng, cho đến lúc có địa chỉ một bà phá thai chui, cơn đau dữ dội khi cái que xăm rút từ chậu nước sôi cắm vào tử cung và những gì xảy ra năm ngày sau, trong đêm 20.1.1964 : xảy thai, đau quằn quại, bào thai bị tống ra ngoài trong nhà cầu, băng huyết trong căn phòng sinh viên, ông bác sĩ trực la mắng thậm tệ trước khi cho đưa đi bệnh viện, những câu nói lỗ mãng khinh miệt của anh bác sĩ trẻ nạo tử cung.


Trong rất nhiều năm, đêm 20 tháng 1 là một buổi tối kỷ niệm.

Ngày nay tôi hiểu là tôi đã phải trải qua sự thử thách và hi sinh ấy để có thể muốn có con. Để chấp nhận sự dữ dội của quá trình sinh sản trong cơ thể và đến lượt mình trở thành nơi các thế hệ được tiếp nối.

Tôi đã viết xong thành lời cái tôi cảm nhận như một trải nghiệm gay go nhất cho con người, của sự sống và sự chết, của thời gian, của đạo đức và điều cấm, của luật pháp, một trải nghiệm đã sống từ đầu đến cuối qua cơ thể.

Tôi đã xoá được cái mặc cảm tội lỗi duy nhất có thể có về sự kiện này, là nó đã xảy ra cho tôi và tôi không làm gì với nó. Như một món quà mà không biết quí. Vì ngoài tất cả những lý do xã hội và tâm lý tôi có thể nghĩ đến về cái tôi đã phải sống, có một điều tôi tin chắc hơn hết: những gì xảy ra cho tôi là để tôi tường trình lại. Và mục đích thật sự của đời tôi có lẽ chỉ là thế: để cơ thể tôi, những cảm giác và suy nghĩ của tôi trở thành câu chữ, tức là cái gì có thể hiểu được và phổ quát, và sự tồn tại của tôi hoà tan trong đầu và cuộc đời người khác.

L’Événement, trang 124-125



Ý tưởng ấy của Annie đã thành hiện thực với cuốn phim L’Événement do Audrey Diwan đạo diễn, với Anamaria Vartolomei, Kacey Mottet-Klein và Luana Bajrami trong các vai chính. Audrey Diwan là nhà văn, nhà báo, biên kịch viên và đạo diễn Pháp gốc Liban. Cuốn phim được công chiếu năm 2021 và cùng năm đoạt giải Sư tử vàng, giải thưởng chính của festival Mostra ở Venise.

Sau khi Tối cao pháp viện Hoa Kỳ bãi bỏ phán quyết Roe-Wade cho phép từ năm 1973 phá thai như một quyền ghi trong Hiến pháp, sự phẫn nộ của rất nhiều người ở mọi nơi ảnh hưởng lên cả một số kết quả bầu cử Quốc hội Mỹ năm qua cho thấy trải nghiệm cách đây 60 năm của Annie không hề mất thời gian tính. Cũng như điều bà khẳng định trong diễn từ nhận giải Nobel :

Một cách vô thức, cuốn sách đầu tay của tôi, xuất bản năm 1974, đã xác định lĩnh vực mà tôi sẽ đặt công việc viết lách của mình, một lĩnh vực vừa mang tính xã hội vừa mang tính nữ quyền. Trả thù cho giống nòi và cho giới tính của tôi từ nay về sau sẽ chỉ còn là một.


Trả thù cho giống nòi


Ý thức giai cấp và chọn lựa chỗ đứng trong xã hội đối với Annie không phải là một quá trình trơn tru đơn giản mà là một hành trình quanh co giữa những mâu thuẫn của từng quãng đời khác nhau. Trong khu phố bình dân, khách hàng của ông bà Duchesne là những người lam lũ, những ông già của nhà dưỡng lão đến ngồi lì ở quán cho tới lúc say mèm mới lảo đảo ra về, những người đàn bà mua chịu cuối tháng mới trả tiền. Nhưng cô bé Annie hạnh phúc trong tiệm chạp phô hàng hoá ê hề, tha hồ lấy trộm bánh kẹo mà không bị phạt, cha mẹ là người quan trọng vì khách hàng gọi là ông chủ bà chủ. Đặc biệt quan trọng những lúc bà Duschesne làm việc thiện, dắt con đến thăm và cho quà những gia đình nghèo khó. Song từ lúc học lên trung học rồi trở thành cô sinh viên nội trú và ở cư xá sinh viên, Annie ngày càng nhận ra sự khác biệt giữa môi trường gia đình và những quan hệ xã hội mới của mình. Căn nhà ở Yvetot bừa bộn bụi bặm, khác với không gian ngăn nắp sang trọng của gia đình mấy cô bạn. Bà Duchesne yêu con nhưng nóng tính, động tị là tát tai, la mắng thô lỗ, đi lại huỳnh huỵch, không như các bà mẹ của bạn học, từ tốn dịu dàng. Annie xấu hổ về tác phong bình dân của cha mẹ, sự nghèo nàn thấp kém về mọi mặt của gia đình. Càng đi xa trong học vấn và lên cao trong xã hội, Annie càng cảm thấy khoảng cách giữa mình và cha mẹ lớn rộng thêm. Nhưng sự hổ thẹn đã có trước từ lâu, khi Annie 12 tuổi chứng kiến cha hành hung mẹ tàn bạo sau một trận cãi vã, một sự cố kinh hoàng không lập lại sau đó nhưng để lại dấu ấn không phai nhoà, được kể lại trong La Honte (1997).

Chỉ nhiều năm sau, khi đọc lúc 31 tuổi các công trình nghiên cứu của nhà xã hội học Pierre Bourdieu, Annie mới ngộ ra những yếu tố khách quan và chủ quan nằm sau các vấn đề giai cấp và trật tự xã hội, nhìn lại gốc rễ và hành trình của mình để xấu hổ là đã hổ thẹn về cha mẹ và cội nguồn. Như Simone de Beauvoir đã khai tâm về các vấn đề giới tính, Pierre Bourdieu đã mở cho Annie một quan điểm mới về những vấn đề chính trị xã hội. Như bà viết trong bài tưởng nhớ Bourdieu sau khi ông mất :

Tôi đã có lần so sánh ấn tượng của tôi khi lần đầu đọc Bourdieu với lần đầu đọc Le Deuxième sexe của Simone de Beauvoir, cách đó 15 năm: sự đột nhập của nhận thức không thể đảo ngược, về thân phận phụ nữ, về cấu trúc của môi trường xã hội, một sự đột nhập nhức nhối nhưng cũng đem đến một niềm vui và sức mạnh khác thường, cảm giác được giải phóng, không còn cô đơn.

Le Chagrin, bài đăng trên báo Le Monde, 5.2.2002, đăng lại trong Hôtel Casanova, 2020, trang 72

Như Pierre Bourdieu, một trí thức cấp tiến dấn thân, Annie dựa vào sự nhận thức ấy để khẳng định lập trường và vị trí chính trị của mình. Bà chọn đứng với giai cấp bị chế ngự, với những người thấp cổ bé miệng, ủng hộ phong trào « áo khoác vàng « (gilets jaunes) phản đối các biện pháp cải cách thuế của chính phủ Emmanuel Macron đánh mạnh nhất vào hầu bao của những người trung lưu và lao động. Bà bầu cho Jean-Luc Mélenchon, thủ lãnh của đảng La France insoumise (Nước Pháp bất khuất) và ứng cử viên của Mặt trận cánh tả trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022. Bà ủng hộ nhóm NUPES, liên minh cánh tả gồm La France insoumise, đảng Xã hội Pháp, đảng Xanh và đảng Cộng sản Pháp. Và bà không ngần ngại viết một lá thư ngỏ đến tổng thống Macron để tố cáo hậu quả của chính sách giảm đầu tư, cắt ngân sách, bỏ bê các lãnh vực y tế và xã hội khiến hệ thống y tế Pháp hụt hơi khi phải đối phó với nạn dịch Covid, các bệnh viện quá tải và nhân viên y tế kiệt sức. Và bà phản đối ngôn từ của Macron gọi cuộc chống dịch là chiến tranh.

Cergy, ngày 30 tháng 3. 2020

Thưa Tổng thống,

… Ngày hôm nay, mặc dù ông tuyên bố thế nào, chúng ta không ở trong một cuộc chiến, kẻ thù ở đây không là con người, không là người đồng loại của chúng ta, nó vô tri, không có ý chí tác hại, nó không biết đến biên giới và các khác biệt xã hội, chỉ sinh sản một cách vô ý thức nhảy từ người này sang người khác. Vũ khí, vì ông nhất định dùng từ ngữ binh đao, là giường bệnh viện, máy thở, khẩu trang và xét nghiệm, là đội ngũ bác sĩ, nhà khoa học, nhân viên y tế. Song, từ khi ông cai quản nước Pháp, ông ngoảnh mặt không nghe những tiếng cảnh báo của giới y tế, và câu viết trên một băng rôn của cuộc biểu tình tháng 11 vừa qua – Nhà nước đếm tiền, chúng ta sẽ đếm xác – là tiếng kêu bi thảm ngày hôm nay. Nhưng ông chọn nghe những người ủng hộ chính sách giảm vai trò của Nhà nước, chủ trương tối ưu hoá nguồn lực, điều tiết luồng, toàn là những biệt ngữ kỹ trị không thực chất, lẩn tránh thực tế.

…Chúng tôi là đông đảo những người không muốn còn có một thế giới trong đó nạn dịch phơi bầy những bất bình đẳng lộ liễu. Những người đông đảo muốn, ngược lại, một thế giới trong đó những nhu cầu thiết yếu - thực phẩm an toàn, được chăm sóc, có nhà ở, đi học, trau giồi kiến thức – được đảm bảo cho tất cả, một thế giới rất có thể là hiện thực như sự đoàn kết hiện nay cho thấy. Thưa Tổng thống, ông nên biết, chúng tôi sẽ không còn chấp nhận bị đánh cắp cuộc sống, chúng tôi chỉ có một cuộc sống và « không có gì quí hơn cuộc sống », lại một bài ca, của Alain Souchon.

« Sachez, Monsieur le Président,… », thư ngỏ đọc trên đài phát thanh France Inter ngày 30.3.2020,
đăng lại trên các báo và trang mạng của Annie


Có người nồng nhiệt so sánh lá thư này với bức thư bất hủ « J’accuse ! » của đại văn hào Pháp Emile Zola viết năm 1898 để lên tiếng bảo vệ sự thật và đòi hỏi công lý cho sĩ quan Alfred Dreyfus bị kết oan tội gián điệp. Bức thư ngỏ gửi tổng thống Felix Faure thời đó, đăng trên trang nhất nhật báo L’Aurore ngày 13.1.1898 được xem là biểu tượng lẫy lừng nhất cho sức mạnh của báo chí khi bảo vệ sự thật và thanh danh một người. Cho nên so sánh lá thư của Annie với lá thư của Zola cũng cường điệu vì ba năm đại nạn dịch, tuy là biến cố toàn thế giới, có lẽ sẽ không để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước Pháp bằng vụ án Dreyfus cuối thế kỷ 19. Và nhất là có người sẽ nói làm sao ví được Annie với Zola !

Quả vậy, sau tin Annie đoạt giải Nobel, người khen không ít mà người chê cũng nhiều. Phản ứng hung hãn nhất, và gây ồn ào nhất, đến từ hai nhân vật nổi đình đám của giới văn học và intelligentsia Pháp, Alain Finkielkraut và Pierre Assouline bình luận về Annie và giải Nobel trong chương trình Répliques của đài France Culture ngày 26.11.2022. Họ vẽ lên chân dung một tác giả cuồng dâm, bị ám ảnh bởi những vấn đề danh tính, giới tính, mang nặng tâm lý thù dai một cách thiển cận. Và nhất là một khôi nguyên giải Nobel bất chính, một Nobel dỏm vì lẽ ra giải này phải trao cho Salman Rushdie mới đúng. Nhưng cái tội lớn nhất của Annie, ngoài ủng hộ phái tả và Mélenchon, là ủng hộ Palestine và phong trào tẩy chay Israël. Luận điệu của hai vị này, tuy chỉ nói cạnh khoé không dám kết án thẳng Annie tội bài Do Thái, cũng chỉ nhẹ tai hơn những câu thoá mạ, mắng nhiếc tàn tệ bà trên các blogs Do Thái cực đoan.

Đánh giá một tác giả tất nhiên phải nói đến văn phong. Lối viết « phẳng lặng » không phải ai cũng cảm nhận như trong giải thích của Annie mà có thể bị xem là nhạt nhẽo vô vị, theo một nghĩa thông thường của từ « plat ». Cũng như thế, những mảnh đời nhỏ, những chi tiết của đời sống hàng ngày ghi chép trong các quyển Journal du dehors (1993), La Vie extérieure (2000), Regarde les lumières mon amour (2014) cũng có thể bị xem như những tiểu tiết, tầm thường, vụn vặt, như theo nghĩa của từ « platitudes », không đáng gọi là văn chương. Tất nhiên xấu đẹp là trong mắt người nhìn, hay dở là tuỳ theo quan điểm của người đọc, và có giải Nobel nào mà không gây tranh cãi, người hoan hô người chê là không đáng. Annie tất nhiên không thoát khỏi « qui luật » ấy. Nhưng bà có thoát khỏi cái nghịch lý hay « lời nguyền của giải Nobel » ?


Lời nguyền của giải Nobel


Đó là một nghịch lý : nhiều (đa số ?) tác giả đoạt giải Nobel sau đó hoặc không còn sáng tác hoặc viết không hay bằng lúc trước, thể như đã cạn nguồn cảm hứng, không còn gì để nói vì đã viết hết những gì muốn viết. Điều cũng dễ hiểu vì giải Nobel thường đến lúc tác giả đã xế chiều, sức lực có kém đi, và vì đấy là đỉnh điểm của sự nghiệp thì cũng không dễ di xa hơn, lên cao hơn nữa sau đó. Annie đã qua tuổi 82, và nhìn những cuốn sách ngày càng mỏng đến mức chỉ là vài chục trang khổ nhỏ xíu, không dài hơn một bài báo bao nhiêu, của những sáng tác gần đây nhất, có thể nghĩ là khó chờ đợi bà sẽ lại cho chúng ta một tác phẩm thật đáng kể trong tương lai. Song câu trả lời thuộc về bà, như phát biểu trong buổi họp báo ở trụ sở nhà xuất bản Gallimard sau tin đoạt giải Nobel: « Được nhận giải Nobel đối với tôi là trách nhiệm phải tiếp tục viết, quan tâm không chỉ đến những vấn đề tôi đã đề cập mà còn đến diễn biến của thế giới và ước vọng hoà bình luôn là động cơ của tôi ».


Đỗ Tuyết Khanh

15.1.2023



Thư mục tác phẩm và các giải thưởng văn học:


Les Armoires vides, 1974.

Ce qu'ils disent ou rien, 1977. Giải danh dự Prix d’honneur du roman

La Femme gelée, 1981.

La Place,1983, giải Renaudot 1984

Une femme, 1988. Giải Premio Gregor von Rezzori cho bản dịch tiếng Ý Una Donna

Passion simple, 1991.

Journal du dehors,1993.

« Je ne suis pas sortie de ma nuit » 1997.

La Honte,1997

L'Événement, 2000.

La Vie extérieure, 2000.

Se perdre, 2001.

L'Occupation, 2002.

L'Usage de la photo, đồng tác giả Marc Marie, 2005.

Les Années, 2008. Giải Marguerite-Duras 2008, François-Mauriac 2008 và Strega Europeo 2016 cho bản dịch tiếng Ý Gli Anni. Đề cử vào danh sách bình chọn ngắn (shortlist) của giải International Booker Prize cho bản dịch tiếng Anh The Years.

L'Autre Fille, 2011.

L'Atelier noir, 2011.

Retour à Yvetot, 2013.

Regarde les lumières mon amour, 2014.

Mémoire de fille, 2016

Hôtel Casanova, 2020

Le Jeune Homme, 2022

Ngoài ra Annie Ernaux còn được trao 3 giải thưởng cho toàn bộ tác phẩm : Prix de la langue française 2008, Prix Marguerite Yourcenar 2017, và Premio Hemingway 2018. Premio Hemingway là giải thưởng của thành phố Ý Lignano Sabbiadoro giữa Venise và Trieste, nơi văn hào Mỹ Ernest Hemingway đã sống thời gian dài. Annie cũng đã được giải Formentor 2019 của nhà xuất bản Seix Barral, do nhà thơ Tây Ban Nha Carlos Barral chủ xướng năm 1961. Ngoài số tiền 50 000 euros, giải này còn cho phép tác phẩm được cùng lúc dịch và phát hành trong một chục thứ tiếng. Hiện các tác phẩm của Annie đã được dịch sang 37 thứ iếng.

Năm 2021 Annie được bầu là Royal Society of Literature International Writer. Chương trình RSL International Writers vinh danh những tác giả góp phần đưa văn chương vượt biên giới đưa con người đến gần với nhau. Royal Society of Literature là một hiệp hội được vua Anh George IV thành lập năm 1820 để cổ vũ văn chương.


Chú thích :


i “for the courage and clinical acuity with which she uncovers the roots, estrangements and collective restraints of personal memory ”

ii Thật ra Annie không phải là đứa con duy nhất mà đã có một người chị mất lúc mới 6 tuổi vì bệnh bạch hầu 2 năm rưỡi trước khi Annie sinh ra. Cha mẹ giấu Annie không bao giờ nhắc đến, bà chỉ tình cờ biết lúc 10 tuổi khi nghe mẹ nói chuyện với người khác và vỡ lẽ tấm ảnh một em bé bà vẫn tưởng là mình nhưng là của Ginette, đứa con đầu. Ông bà Duchesne muốn chỉ có một con, cho nên sau khi mất Ginette, họ quyết định sinh thêm một đứa. Ý nghĩ mình chỉ được sinh ra để thay thế một đứa trẻ được lý tưởng hoá trong ký ức của cha mẹ đã chi phối không ít tâm tư và tính tình của Annie khi lớn lên và trưởng thành. Cho đến khi viết về căn bệnh Alzheimer của mẹ Annie vẫn còn day dứt “ Cô y tá bảo mẹ tôi lúc nào cũng nhắc đến tôi, và chỉ tôi thôi. Mặc cảm tội lỗi. Tôi để ý bà cũng hay tưởng bà là tôi. Tôi sinh ra vì chị tôi đã chết, để thay thế chị. Vậy thì tôi không có cái tôi.” (« Je ne suis pas sortie de ma nuit », trang 44). Như để thoát khỏi cái ảnh hưởng vô hình nhưng đeo đuổi suốt đời, Annie viết một lá thư dài cho chị, hình bóng một đứa trẻ mãi mãi chỉ 6 tuổi, trong L’Autre fille (2011).

iv «Tôi biết là Les Armoires vides đã được viết trong đau khổ và không khí một hôn nhân tan vỡ. Tôi biết là giữa Philippe và tôi, đã có cái chết, vụ phá thai. Tôi viết để thay thế tình yêu, để lấp cái khoảng trống ấy, vượt lên trên cái chết. » (Se Perdre, 2001, tr. 37)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss