Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Áo khăn hờ hững

Áo khăn hờ hững

- Lê Minh Hà — published 29/11/2020 21:54, cập nhật lần cuối 29/11/2020 21:54

Áo khăn hờ hững


Lê Minh Hà



Chiều muộn. Tới giữa Khâm Thiên đã thấy không khí khang khác, trong mùi bếp lò than đá ngàn ngạt lẫn một thoáng hương thu rồi. Hoa sữa. Mặt trời rớt còn chới với cố phủ lớp sa vàng lên những gốc cây khắc khổ. Đẹp, ừ đẹp. Song lấy đâu ra hứng thú với nắng với gió với hương hoa sau một ngày luật quật ở trường. Tuổi mười tám ăn bo bo hầm, chả hiểu sức đâu mà chúng tôi vẫn cưu mang được trong lòng đến lắm là khát vọng. Học là vì thế, nhưng bụng rỗng đạp từ trên Cầu Giấy về đã oải lắm rồi. Thế mà không ngờ…


Ngay đầu Nguyễn Thượng Hiền chỗ rẽ về phía Trần Nhân Tông xuất hiện một bóng hồng. Không! Một bóng áo đỏ. Áo đuôi tôm, rực rỡ, sâu thẳm, như thể hoàng hôn tụ về. Tôi chưa từng bao giờ đủ can đảm mặc màu đỏ, phần cũng chả dễ kiếm vải thời buổi ấy, phần gầy nhom, phần nữa màu này giật tông không khéo thì rất chua. Nhưng bóng người đạp xe phía trước và màu đỏ ấy… Còn cách gì hơn là cắm đầu cắm cổ đạp đuổi theo người.

Lũ bạn buổi tối hôm đó mê tơi vì cười cơn cười trận: Tưởng cái Hà theo ai? Hết già nửa vòng hồ mới rõ được cái lưng ông Tuấn Gái con nhà Đức Minh. Có mỗi một cậu bạn chỉ nhìn tôi, mỉm cười lặng lẽ, chắc là thương hại cô bạn dở người. Thôi kể tiếp: tôi còn theo đuổi ông thầy tiếng Pháp mà nay là cô Tuấn – con người can đảm sống đúng với bản chất tự nhiên của mình để trở thành huyền thoại sống của phố phường dưới biệt danh „công chúa Hàng Đào“ một lần nữa. Tết ấy không mưa bụi. Có một người phụ nữ tóc ngắn đạp xe xuôi dốc Bà Triệu, dáng cao gầy, quần âu đen ống rộng, áo khoác màu ngà, hững hờ trên cổ là một cái khăn lụa nhỏ thắt lệch lệch, xám, trắng, pha một vệt màu cam – Cô Tuấn, lúc bấy giờ vẫn còn đang phải sống trong hình hài một người đàn ông. Nhận ra cô là tôi nhớ màu đỏ hoàng hôn tụ chiều nào trong tà áo mà tôi cất công theo đuổi. Và nghĩ: biết mặc đẹp thế này thì đích thị là đàn bà của phố.


Vẻ đẹp phục trang ở đàn bà của phố phường thuở ấy và trước đó hội trong một chữ thôi: nhã. Rất dễ nhận ra, nhưng rất khó nói vì sao. Nhã không phải là khuất lấp, là chìm, càng không phải là trồi ngược lên để giành chữ đẹp. Nhã, giản dị mà khó học, không cứ vì thiếu thốn.

Bà trẻ của tôi, trạc tuổi mẹ tôi thôi nhà ở Hàng Gai, giá kể đừng buôn bán, đừng giàu, đừng có người ăn kẻ ở thì cũng khá sau hòa bình lập lại. Nhưng mà vì gia cảnh có tất cả các thứ vừa kể nên sa sút thê thảm. Lúc tôi biết nhìn ngó thì bà yên phận từ lâu với một người chồng kháng chiến trong căn phòng nhỏ sâu hút phía trong mà gia đình dành cho. Chồng bà trẻ làm bên bộ Ngoại giao, cũng đi đó đi đây chút chút rồi, cũng com lê cà vạt rồi nhưng nhìn thì vẫn không giống các ông trẻ trong nhà, suốt đời không giống, chẳng biết vì sao nữa, dù về sau ông giàu vật vã nhờ cái nhà được phân ở đường Đồng Khởi khi chuyển công tác vào Sài Gòn. Nhưng mà tôi đang kể về vợ ông, bà trẻ của tôi. Bà trạc tuổi mẹ tôi, nghĩa là lúc hòa bình lập lại mới chỉ là một cô gái vào tuổi lớn. Bà không búi tóc lộn, mái cuốn ống nhòm như những bà hơn tuổi. Tóc cũng phi dê ở cửa hiệu đầu Hàng Trống như nhiều người đàn bà cùng cơ quan, cũng quần lụa, cũng áo xanh áo trắng. Nhưng mà khác: một chút xíu thôi: tay áo bà may hình như rộng hơn, ngắn hơn một chút và ra đường không xăn ngược bao giờ, kể cả ngày nóng: gấu quần lụa bà khâu tay lặn mũi, không may đột, mặc dù căn phòng mặt tiền ngôi nhà của gia đình bà là một cửa hiệu may, vì sao lại có người mở được cửa hiệu may ở đây thì tôi không biết.


Hồi đó hay thấy đàn bà con gái sống ở Hà Nội đi guốc cao gót nhọn, nhưng bà trẻ tôi đi guốc gỗ năm phân, gót chân chỉ lộ ra khi bà cất bước. Một vòng ngọc thạch màu lục sẫm lắc rất ơ hờ ở cổ tay bà. Chẳng biết đắt hay rẻ, nhưng nó làm bà càng không giống đàn bà con gái cùng cơ quan. Vào một ngày xa xưa, tôi gặp bà ở đám cưới trong họ, thấy bà mặc áo dài như mấy cụ bà già, nhưng là áo lụa vân trắng ngà, quần lụa trắng thảnh thơi trùm nửa mũi đôi giày màu nhạt, cổ tay không phải là cái vòng ngọc thạch màu lục sẫm mà là một cái vòng trắng nổi vân. Lúc đó thì tôi sán ngay lại săm soi bà đẹp. Nhưng giờ tưởng lại, thấy sao mà xa xôi, xa xôi như cái áo dài của bà trẻ, chắc may từ hồi tiếp quản Thủ đô, tới lúc tôi thấy bà mặc chắc cũng phải mười mấy năm có lẻ.

Không bập vào được đời sống ấy, không thẩm thấu được vẻ trang trọng giản dị trong cung cách sống của những người đàn bà lạc mốt đó thì ở gần họ sẽ mệt. Bởi vì cái đẹp cùng với kiểu cách đi đứng nói năng rất đỗi nhẹ nhàng ấy nó làm ta phải e dè. Sẽ dễ nhận ra điều này nếu sống cùng những người ấy trong một khu tập thể đời cũ, chẳng cứ lớn hay nhỏ. Họ có lỗi: họ không thể sống xô bồ, họ không thể ăn nói suồng sã, càng không biết nói tục, bị xúc phạm thì họ lạnh lẽo bước lùi, rất vênh. Thế nhưng mà ta thấy họ đứng chờ ở bể nước công cộng là cứ phải nhường, xếp hàng mua gạo mua chất đốt hay các thứ bỏ được vào miệng nhà nước bán theo tem phiếu mà gặp phải những người đàn bà này thì thật là thảm họa vì tự dưng không dám chen lấn, xô cho một phát vào lưng, gạt ra khỏi hàng. Mấy cô mậu dịch viên thượng đế của một thời có thể chưa kịp nhìn người mà chỏng lỏn, chứ cứ theo chân họ ra chợ mà xem: họ cười rõ là tươi, một dạ hai vâng ba cám ơn bà bán hàng khô, anh bán rau, cô bán cá, và những người bán hàng kia có đang chao chát cũng tự nhiên dịu lại, rất lạ lùng. Mà nào có phải là khách sộp gì cho cam, thì cũng chỉ là bán được mớ tôm gạo, cái bắp cải, quả trứng vịt hay lạng lạc.


Nếu quen chút chút với đời sống Hà thành những năm về trước, kể cả chỉ là quen qua những câu chuyện không đầu không cuối trong nhà, khi mà phố có ông cu lít tây đạp xe dạo, thổi còi dạo phạt từ sự tè không đúng chỗ trở đi, anh thư kí hiệu buôn nói với anh giáo trường tư còn đệm dăm ba câu tiếng Pháp, không toi moa thì một mực thưa ông thưa anh với nhau, các bà gọi người bán mớ rươi vào cũng một điều chị với tôi, mặc cả kĩ càng mà không riết róng và xin gửi chị tiền, bằng một giọng chả cần nói lời cảm ơn mà người ta đã biết, đấy, nếu đã biết về những năm tháng ấy ít nhiều thì sẽ biết những người đàn bà kia sinh ra và lớn lên như thế nào. Tôi có thể đoan chắc rằng trong nhà họ, ngay cả khi cụ ông có một hai ba vợ thì các cụ vẫn giữ lễ đến điều với nhau, sẽ gọi nhau là cậumợ, xưng tôi, trìu mến lắm, nhưng hình như vẫn còn một khoảng cách nào đó nhất định giữ, rất là tự lực văn đoàn. Và, vâng, gia cảnh dẫu sa sút vì thời thế nhưng cũng chẳng khổ hơn thiên hạ đâu, tuy nhiên, tôi chưa từng thấy những người đàn bà họ hàng của mình như bà trẻ đeo vàng cả, là nói vàng bốn con chín ấy. Chỉ có mấy cụ già được ngồi khoanh chân trên phản, kéo vạt áo dài bằng gấm đã sờn sờn che đầu gối những lúc nhà có đám thì mới thấy đeo kiềng vàng. Đồ rằng chả phải vì họ thiếu vàng, các nhà đó mà không có vàng thì ai có thời buổi ấy, không đeo vàng đỏ tay trĩu tai chỉ là một cách làm đẹp mà thôi.


À mà rồi thì dấn vốn giấm ghém ở đâu cũng phải hao mòn. Thế nhưng cái cốt cách phục trang đó vẫn gần như không suy xuyển, vẫn tự phân biệt mình bằng chỉ một phân ngắn hay dài của gấu quần gấu áo, bằng cổ áo cắt già tay kéo hay cách kín đáo để mở một hai khuy cổ ngày hè. Mốt áo trắng mặc ngoài một cái áo đông xuân cộc tay hồng, cặp đồng chục bạc có cụ Hồ trên tóc, hay là áo len đỏ đan lẫn kim tuyến, áo len cổ lọ màu xanh nước biển thò lên trên một cái áo khoác bằng simili, thú thật, tôi chưa từng thấy ở họ bao giờ. Mốt của những người đàn bà Hà Nội một thời mà tôi thích ngắm ấy là không mốt. Muốn cũng chả theo được. Chẳng cần chờ thống nhất mới có áo len dệt máy có cả tràng hoa kéo từ cổ xuống gấu đều chằn chặn từng bông, các bà dì tôi đã mặc những cái áo len tự tay cải hoa rất đẹp, mà buồn cười, áo len cải hoa như thế thường là áo cũ. Áo thêu ư? Bà chị dạy môn sinh cùng trường với tôi nhà ở đầu Cửa Nam, lấy chồng về Tô Hiến Thành, áo dài áo cộc gì cũng hay may bằng phin trắng. Một buổi trưa chớm hạ gặp nhau đầu giờ dạy, ngạc nhiên thấy bà chị đã xinh rồi sao xinh thế nữa, mắt sáng mặt tròn, tươi như một cánh hoa đào. Ừ thì nắng, ừ thì nóng, nhưng màu hồng đó không phai suốt cả chiều. Tôi có bệnh mê gái đẹp và mắt yếu, cẩn thận nhấc cái kính vẫn ngoắc cổ áo làm duyên đeo lên, mới nhìn ra ngực áo trắng kia có li ti rất nhiều hoa thêu chỉ trắng chỉ hồng tuyệt đẹp. Đám học sinh trường Hà Nội - Amsterdam thuở mới thành lập bầu vợ chồng bà chị và một ông thầy dạy sử – thầy Huy Giao hay hát em trai nhạc sĩ Huy Du – mặc đẹp nhất trường, tôi nghe, công nhận ngay học trò có mắt. Và cũng tức thầm: mình hơn đứt bà chị vì tuổi trẻ mà không lọt được vào danh sách bầu bán này. Nhưng hỏi tại sao lại bầu ra được người đoạt giải thì các cô con gái mười lăm mười bảy đồng thanh rằng không biết, chỉ thấy thầy cô rất đẹp thôi. Ừ phải, mặc đẹp là mặc sao để người ta chỉ thấy người đẹp mà quên cả phục trang. Giản dị thế là đẹp, nhưng giản dị thế cũng là biết cách cầu kì lắm.


Nghĩ cho cùng thì trang phục chính là thần thái. Thần thái ấy làm cho những đàn bà Hà Nội một thuở chẳng giống ai, và họ hình như cũng chả định giống ai. Tôi từng mê hai chị bạn mặc đồ tự thêu nữa, người ý tứ thêu hoa rơi, cả một nhành hoa thêu rất cầu kì lại nằm ở bên sườn, không nhấc tay lên thì chỉ thấy được một bông hoa hay đôi ba chiếc lá nhỏ chẳng biết thế nào lại vương qua vạt sau, người ngạo nghễ thêu thẳng lên ngực hai bàn chân và những dấu chân lịm dần về phía trước. Đất nước thống nhất, áo dài may từ Sài Gòn tung bay ra Hà Nội, vạt hẹp và ngắn, quần bó hông loe ống, để ý nhiều phụ nữ mặc cứ y như là đi mượn, mà của đáng tội cũng là đồ mượn thật, nhưng quan trọng là họ trang điểm đỏ xanh môi mắt không ăn nhập, còn tay chân cứ quều quào sao ấy, như thể bối rối, như thể không quen. Nhưng những người phụ nữ từng mặc áo dài Le Mur cầm hoa đi đón đoàn quân trùng trùng tiến về Hà Nội thì khác. Cái áo dài với họ là một nhất thể đằm thắm, y như cái áo tứ thân, cái mấn đen, khăn mỏ quạ những thuở tình bằng... khăn áo... bắc cầu dải yếm qua sông với những đàn bà con gái nhà quê duyên dáng lam làm. Rực rỡ mà không lòe loẹt, hai vạt khép mở càn khôn, để lộ đường hông trong sắc quần đen hoặc trắng hết sức mặn mà. Và cái cách điểm trang của họ, lông mày kẻ lá liễu cong mềm, phấn mỏng son hồng, như thể không hề son phấn… Bây giờ, vải bán đầy đường, áo dài may cả série đi chụp ảnh không còn là cái gì phải nghĩ với nhiều người, nhưng tôi để ý những đàn bà con gái chung rất nhiều kỉ niệm phố phường với tôi không thấy mặc áo dài đỏ vàng xanh thêu kín vạt đi với quần xanh vàng đỏ. Cũng không ai cố nhét tấm thân phì nhiêu theo tuổi vào trong những lớp quần vải vừa mỏng vừa bóng vừa sặc sỡ, ngồi xuống là thứ muốn tiêu đi nó chẳng tiêu cho lại còn phì ra theo kiểu xôi lòi khỏi chõ. Vẫn là nét kín đáo nghiêm cẩn thuở nào! Ngày nào cũng phải biểu dương lực lượng của giới bên máy nước công cộng, ngồi xổm, vênh mông, các đàn bà con gái có mẹ có bà lãnh đạo trong nhà không bao giờ lại vì thế mà để lòi ra khỏi cạp quần lụa mảnh tam giác đồ lót, cái áo trong dây hằn ngang lưng cũng không bị vặn ngang vặn dọc, không thít chặt đến mức gợi nhiều thứ, trong đó có cả sự nhem nhuốc. May thế! Một đôi người còn đằm thắm trong tấm áo dài in hoa nhỏ, vải chảy thật mềm, quần đen ống rộng. Sống ở một phương trời xa xôi có những ngày tuyết rơi mù mịt, ra đường mặc mốt thù lù, ngắm ảnh người ta như hoa như ngọc ở nhà, ấm hết cả người. Nếu phố dịu dàng trở lại thì tôi nghĩ mặc như thế nhất định nên là mốt vững bền cho phụ nữ, bên những mốt hở lưng hở rốn hở ngực hở đùi thật lực, thay đổi thoăn thoắt bây giờ. Sẽ thật thú vị nếu có nhiều mốt để mà chọn lựa, sẽ thật đẹp nếu biết chọn lựa mốt, theo tuổi, theo tính, theo trạng huống xã hội và: theo sắc trời.


Khi cái đẹp của đàn bà phong nhiêu vậy thì tôi sẽ không còn phải chỉ vì thấy nó mà cắm cổ lao theo, như tuổi nào đã lao theo ngắm tà áo, đuôi khăn của cô Tuấn. Dù gì thì tôi cũng già rồi, sắp hết sức rồi. Và cậu bạn từng chỉ nhìn tôi cười lặng lẽ như là hiểu khi nghe chuyện tôi cắm đầu theo đuổi một dáng áo đỏ trên hoàng hôn phố thì đã mất, ngay sau khi xong đại học, chưa kịp thành người nhà nước một ngày nào.


Nhưng đôi khi nhớ một ngày xa xôi vào Sài Gòn tới thăm bà trẻ ở cái biệt thự trên đường Đồng Khởi cheo chéo ngay Lê Lợi mà ông trẻ chồng bà được phân, thì tôi lại… Hôm đó bà trẻ đón tôi trong một cái váy ngủ xổng xểnh đùi với ngực. Khỏi phải nói bà làm tôi sững sờ đến thế nào. Vào đúng lúc đón cốc nưóc đá toát hết mồ hôi lạnh ra tay bà trẻ đưa, tôi nhớ tới cụ sinh ra bà. Nhà tư sản thất thế sa sút lắm rồi mà cụ không buông xuôi, vẫn toan tính chỉ bảo con cái làm ăn. Năm ấy Hà Nội bán rất nhiều bóng bay ngày tết. Cả nhà đầu tư vào đó, chẳng biết khơi nguồn hàng từ đâu, phải thuê rất nhiều người bán dạo. Tôi đến nhà chơi, ngắm bà già đang tính đếm tiền hàng với khách mà kinh ngạc. Bao nhiêu mét chỉ làm dây bóng cho bao nhiêu bóng sẽ bán, rành rõ, không kèo nhèo. Chao ôi, tài sản đã mất của cụ có phải đã được gây dựng từ cách tính toán rất bung phá mà chi li không ai qua mặt được thế này, và lối sống vừa kín đáo tằn tiện vừa mềm mỏng phóng khoáng của cả nhà cũng nảy từ cuộc ăn thật làm thật mấy đời trong nơi ở chỉ gồm mấy phòng nhỏ nhỏ còn giữ lại được sau ngày tiếp quản Hà Nội? Nhớ cụ, rồi nhìn bà trẻ hoan hỉ trong ngôi nhà đầu những năm chín mươi nghe nói bán được cả ngàn cây vàng, rồi lại nhớ bà, chính bà, những mùa Hà Nội, quần đen trùm gót, guốc gỗ, vòng ngọc đeo tay. Ờ cốt cách! Hẳn rồi cũng phải tàn phai! Khi nó không còn được coi là sức mạnh cần phải giữ để mình còn được là mình, khi đã có những sức mạnh khác với người này là bất hạnh với người kia là ân huệ bỗng dưng ập đến và người ta hoàn toàn có thể sống xổi với ân huệ tự dưng mình có mà yên tâm hơn đời chăng? Dù gì không biết, nhưng chắc không phải vì tài sản dấn vốn hao mòn. Tôi, anh, chúng ta đã chẳng thấy đó ư bao nhiêu ngày xao xác, nhọc nhằn, thiếu tất cả trừ sự đủ mà Hà Nội vẫn!


Nói gì thì nói theo đuổi vụ tạo ra và giữ cho được cái đẹp của cốt cách rất mệt. Còn có bao nhiêu người nữa? Ôi chao!

Berlin 29. 9. 2020

Lê Minh Hà

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss