Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Athen, Hà Nội phố…

Athen, Hà Nội phố…

- Lê Minh Hà — published 12/01/2011 02:10, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Athen kiêu hãnh ngay trong sự tiêu điều cố ý. Đền thờ Zeus – thần Sấm Sét – với cái cột đổ chềnh ềnh nhìn cũng biết là ngất ngưởng lắm uy nghi trong ráng chiều vàng rực. Nhưng người ta không đưa cần cẩu tới kéo cái cột đó lên bắt đứng. Nhìn qua bên kia đường vùn vụt xe qua lại, Acropolis vươn trên những mái nhà cao, lên với trời xanh, bí ẩn và huyền diệu. Đứng dưới chân năm ngàn năm lịch sử, nhìn bầu trời mênh mang xanh, thấy mình chợt như vô hình.


Athen, Hà Nội phố…


Lê Minh Hà



Nhớ, một người Hà Nội – Văn Ngọc Phạm Ngọc Tới


Đã phải là dấu hiệu của sự không lớn được nữa chưa? Khi bất chợt nhận ra đến một miền đất mới nào cũng thôi không còn hăm hở đi – nhìn cho bằng hết những kì quan, cảnh trí vốn đã quen trong đằng đẵng cùng những cuốn sách?

Mà chỉ muốn, thế thôi, dứt ra khỏi cái nhàm của ngày thường, chìm vào một nhịp sống khác, có lẽ cũng nhàm chẳng kém với người khác.

Nhưng đấy là tính chuyện đi đâu, một mình. Còn cái chuyến đi Hi Lạp mùa hạ vừa rồi thì quả thực bị định đoạt khá nhiều bởi ý muốn của anh cu cả. Anh cu vừa xong chuyến lên miền biển bắc cùng cả lớp trước khi nghỉ hè, tuyên bố không cần tắm táp gì. Đi Athen. Để xem thôi. Ừ! Đi! Đi bao giờ chẳng hay! Hi Lạp đang khủng hoảng kinh tế, biết đâu sang đó vừa được chi tiêu thoải mái vì giá rẻ vừa có thể tham gia biểu tình chống chính sách bó bụng của chính phủ cùng dân bản địa.

Tưởng bở! Sâu xa là nông cạn. Ở đâu chẳng vậy, dân nó đã nhảy tưng tưng lên thì chắc chắn đời sống phải thóc cao gạo kém rồi. Ông chủ nhà, một nghệ sĩ chơi trong dàn nhạc Athen nhưng lại là người Anh hồ hởi không theo kiểu người cho thuê nhà mà đúng theo kiểu bọn cùng trang lứa khẳng định ngay đời sống khó khăn của dân bản xứ, nhưng lại không cho biết vì sao cảnh sát lại đông đảo thế trước cái cơ quan gì đó gần nhà tôi ở. Ấn tượng Athen đầu tiên tôi có chính là ấn tượng về cảnh sát. Phục trang dã chiến, súng (?, gì không rõ, chắc là cực nhanh, báng súng nhìn… rất quen) khư khư trước ngực, nhưng lại đứng dé chân chèo trước hàng rào cơ động với cốc cà phê trên tay, nụ cười thân thiện đồng loạt nở khi thằng bé nhà tôi hăm hở sải bước chân một gang qua mặt, không biết sợ. Vẫn họ, trong nháy mắt, nhảy phốc lên những chiếc xe máy cực kì hầm hố, còi rú ầm ĩ, phóng đi thành đoàn. Sau này hỏi mới biết không phải lúc nào Athen cũng hiên ngang tay súng sẵn sàng như vậy. Chẳng qua vì khủng hoảng!

Lương trung bình, chủ nhà cho biết chỉ chừng tám chín trăm Euro. Thế mà đồ ăn thức dùng ở Athen cái gì giá cả cũng ngang hoặc hơn ở Đức. Dật dờ trong khu phố mua bán, thằng con lớn liếc mấy cô gái nhựa phất phơ quần áo đằng sau bức tường kính khổng lồ, nhấm nhẳng đắt cắt cổ. Thế nhưng buổi tối, dạo quanh khu ăn chơi dưới chân Acropolis, sẽ thấy ngùn ngụt người. Tự nghĩ sao mà giống Hà Nội, bây giờ. Vậy ngoài lương…?

Nhưng Athen cũng giống Hà Nội thuở ta còn em. Chao ôi! Cái không khí làm người ta uể oải bao trùm da thịt khi vừa rời sân bay, vầng mặt trời trên rất cao rất xanh kia, cơn gió hồ hởi quạt hơi nóng vào mặt khi vừa từ cầu thang máy nhà ga nhô đầu lên phố, những vỉa hè nhỏ và khấp khểnh, đôi đoạn còn ẩm ướt vì được phun nước, những cửa sổ mở toang xởi lởi, cây chanh đầu phố chìa quả vào sát mặt người đi qua, mùi hoa nhài thơm suốt đêm khuya cũng đúng là mùi hoa nhài xứ sở, ngọt và vờn quyến, khác hẳn mùi hoa xứ lạnh, cũng gọi là nhài…


… Ba mươi năm trước, tôi lần đầu biết tới thành phố này. Ngày đó, cuốn Thần thoại Hi Lạp của thầy Nguyễn Văn Khỏa còn chưa có. Giáo trình văn học Hi La của trường Sư Phạm mới chỉ được in roneo trên giấy xấu. Hà Nội bị đè lấp dưới sổ gạo và tem phiếu và nỗi lo không có gì để mua. Cái câu “đi xe cố vấn mặc áo chuyên da ăn uống qua loa (đài)” tôi biết cũng từ những năm tháng đó, qua một cậu bạn trường Kiến trúc. Thế mà chiều chiều vẫn chờ lúc thành phố lên đèn tìm nhau ở lớp ngoại ngữ, vẫn nói cười râm ran. Vô ưu. Nhưng từng lúc, cứ thắt lòng lại trong khao khát về một cái gì chưa biết. Như thể toàn bộ những ngày chưa sống của mình đã được cá cược vào điều đó. Chỉ có những bóng cây trên phố mới có thể làm dịu lòng trở lại. Rồi lại bùng lên, thảng thốt và khắc khoải. Người ta thường chỉ có thể có được cảm giác ấy khi đọc một trang sách, nghe một bài ca hay một bản nhạc, xem một bộ phim… mà về chúng chỉ có thể nói là quá đẹp.


acropole

Ảnh Đỗ Quang Nghĩa


Những câu chuyện trong thần thoại Hi Lạp là một Quá Đẹp. Đến nỗi tuổi mười chín hai mươi không còn sẵn sàng đánh chìm mình vào vô vàn không tưởng  kết quả của một sự tưởng tượng vô biên  vẫn bị chế ngự. Giọng và phong thái ma mị của ông thầy mới bảo vệ luận án ở nước ngoài về không đóng vai trò gì trong tình yêu của tôi với Hi Lạp, với Athen. Chỉ cần một buổi chiều ngồi lập phả hệ của các thần là đủ để làm cho đám bạn mắt tròn mắt dẹt khi ngồi kể thần thoại Hi Lạp như thầy thôi, và làm ông thầy ngỡ ngàng khi khẽ khàng nói rằng Homere bằng Odyssee đã làm giấy khai sinh đầu tiên cho cướp biển. Nhưng dù có thể làm mọi người choáng váng vì cái kiểu nói và nghĩ kì cục, tôi vẫn không sao đủ can đảm nói thật lí do vì sao lại bị hấp dẫn bởi cái thành phố mà khi đó không một ai trong chúng tôi nghĩ mình sẽ tới. Nói là hấp dẫn, nhưng thật ra là một đày ải. Tại sao, nữ thần chiến thắng lại là người đưa ra lời mời gọi hòa bình trong cuộc đấu giành quyền bảo trợ thành phố? Khát vọng cao cả nhất của con người, vậy đó, không phải là khát vọng chiến thắng, mà là bình yên. Và bóng ô liu nhìn tận mắt dưới bầu trời Địa Trung Hải bao nhiêu năm thành một tiếng gọi da diết, xa vời, không có lấy một điểm tựa để tin “rồi sẽ có một ngày”. Khi đó, đi Bắc vào Nam phải có giấy của cơ quan, trường học, hay công an phường. Khi đó, hay hình như sau đó nhỉ, Trịnh Công Sơn lần đầu xuất ngoại và đột ngộ : Đi là tự do. Vâng, tự do, với đôi ba NGƯỜI LỚN ở đôi ba nơi trên thế giới này, không phải là nghĩ, chuyện đó là dĩ nhiên, không gì có thể cấm cản, tự do với họ giản đơn và cũng lớn lao hơn, là ĐI.


Với người bình thường như chúng ta, việc đi rồi ra cũng thành bình thường. Và tôi đến Athen, mênh mang trong lòng kí ức “ta còn em”.

Không hẳn là phố Phái. Hà Nội với tôi không phải lúc nào cũng là những sóng nhà mấp mênh màu nâu cũ, những hàng rong, bóng cây liêu xiêu mùa đông, xích lô và xe đạp. Hà Nội của cả Thạch Lam, Bùi Xuân Phái, Phan Vũ, Hoàng Hiệp, Phú Quang, Trọng Đài, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm hình như mới thực là Hà Nội của thời tôi, một thời đạn bom, một thời hòa bình, hiện hữu trong hoài nhớ và suy tưởng, trong toan lo ngày thường thương khó thương. Ơi, phố! …

Tiếng giày gọi đường khuya,
Thang gác cọt kẹt thời gian,
Thân gỗ
...

là Hà Nội. Và cũng vậy, tiếng leng keng tàu sớm khuya bước chân năm tháng đi về, tiếng khúc quân ca hướng lên Ba Đình là Hà Nội. Hà Nội tuổi chúng tôi yêu Với riêng tôi, Hà Nội thời buổi ấy rung rinh gắn với một Hà Nội khác, của một khoảng Phái, hay có lẽ phải có Hà Nội ấy mới có một Phái Phố về sau, là những “chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô”, những “đêm Hà Nội buốt tê  Phố dài nghe sấu rụng – Nhìn ra cửa ô bóng những con đê…

Hà Nội của tuổi tôi là một hào hoa tiêu điều và kiêu hãnh.


Athen kiêu hãnh ngay trong sự tiêu điều cố ý. Đền thờ Zeus – thần Sấm Sét – với cái cột đổ chềnh ềnh nhìn cũng biết là ngất ngưởng lắm uy nghi trong ráng chiều vàng rực. Nhưng người ta không đưa cần cẩu tới kéo cái cột đó lên bắt đứng. Nhìn qua bên kia đường vùn vụt xe qua lại, Acropolis vươn trên những mái nhà cao, lên với trời xanh, bí ẩn và huyền diệu. Đứng dưới chân năm ngàn năm lịch sử, nhìn bầu trời mênh mang xanh, thấy mình chợt như vô hình. Cảm giác ấy cứ tăng dần khi từng bước lên cao nhìn xuống. Thể hiện vĩ đại, độc nhất này là một hiển nhiên lịch sử. Và nếu nhìn ngược thời gian, hẳn chẳng ai nỡ mắng ai ngu ngốc nếu có lúc nghĩ rằng đây phải là sáng tạo của siêu nhiên. Kì diệu thay, làm nên nó là những con người. Không phải chỉ là người đã quyết định xây dựng nó hay những người đã cần mẫn xây nên nó, trong những tư cách khác nhau. Nghĩ tới chiều cao sừng sững năm ngàn năm Acropolis là nghĩ tới chiều sâu mà một người lính quấn thân vào cờ gieo mình từ trên đỉnh của nó xuống, khi phát xít chiếm được Athen. Tổ Quốc của mọi dân tộc vĩnh cửu sau bao nhiêu thăng giáng ở thế gian này nhờ vào những di tích tình yêu vô danh như thế.

Athen nóng nhưng không ẩm. Điều này thật là một ao ước tuyệt vọng của Việt Nam mình, à của người Hà Nội như mình. Suốt hai tuần ở Athen, chỉ đến ngày cuối chuẩn bị ra sân bay tôi mới thấy bầu trời mang mang một màu xám sáng và phấp phỏng mấy giọt mưa. Lúc nào cũng là một sắc xanh coban ngợp mắt, đôi ba tơ trời chỉ làm cho cảm giác bầu trời cao thẳm hơn lên. Hình như không phải vì vụ cháy rừng cực lớn cách đây một vài năm mà Athen ít cây xanh và điều đó làm giảm bớt ở tôi niềm sung sướng vì được thấy như là mình đang ở giữa một Hà Nội ấy. Nhưng cảm giác lùa áo mỏng, mơn man da trần, nhưng những hàng trúc đào lá bạc, tiếng ve sôi âm âm trong công viên quốc gia, mùi vỏ chanh tươi, giàn hoa giấy rực rỡ, bầy chim không sợ bước chân người… tất cả… cứ nhắm mắt lại tưởng ra một Hà Nội đường trưa âm thầm say đắm,

Và mở mắt:

Bước chân ra khỏi sân bay đã thấy ngay người Hi Lạp đẹp theo tiêu chuẩn nhất dáng nhì da thứ ba đến nét. Con gái Athen chân dài vai mảnh da nâu, váy mỏng và cổ chân thanh tú trong đủ kiểu dáng dép mùa hè đi như lướt trên phố. Choáng. Tôi vốn mê đàn bà đẹp. Nhưng mà hình như cái mũi thẳng đặc trưng Hi Lạp thích hợp với gương mặt đàn ông hơn gương mặt đàn bà, điều nhìn tượng thì khó thấy. Khác với dân nơi tôi đang ở, người Hi Lạp tính tình không lạnh. Dân Đức thấy điệu bộ nhí nhố của thằng con bé tôi, nếu có thích thì cũng chỉ kín đáo nhìn, kín đáo mỉm cười. Người nơi này thì, kể cả con gái con trai mới lớn vốn chưa mấy người thích trẻ cũng sẵn lòng đứng hẳn lại nhìn theo, xoa đầu, sờ tay sờ chân thích thú. Kiểu biểu hiện nồng hậu ấy thật gần gũi với dân mình.

athen1

Ảnh Đỗ Quang Nghĩa

Đứng ở đâu giữa Athen, ngoảnh trước ngoảnh sau lại thấy Acropolis. Tựa vào núi và nhoài ra với biển, Athen duyên dáng trong vẻ nhẹ nhõm của mình. Thủ đô của một nước mà vị thế lịch sử và văn hóa đối với châu Âu cũng hệt như vị thế của Trung Hoa với châu Á, thế mà kiến trúc ở Athen có vẻ như quá khiêm nhường. Không có những mặt tiền đồ sộ, không có những mái những vòm áp đảo cả trời xanh. Kiến trúc ấy có gì đó đối lập với kiến trúc hoành tráng của ngàn xưa mà di tích là Acropolis. Nhưng đó chính là kết quả đẹp đẽ của một cách tôn vinh lịch sử. Không một kiến trúc nào được phép lấn át Acropolis. Chiều cao của Athen nằm ở những đỉnh cột trên Acropolis, nằm ở dưới chính chân nó, ở cái chiều dài kì vĩ của cây cột đổ nơi đền thờ thần Sấm Sét, ở những di tích được trân trọng bảo lưu dưới bước chân người lại qua. Đi trên phố, cúi người ngắm sàn đá hoa của một nhà tắm cổ ở Athen, lại nhớ mô hình nhà ở của dân Hi Lạp cổ xưa trưng bày ở một bảo tàng tại Đức: hai tầng, phòng khách phòng ngủ phòng bếp riêng biệt, lại cả toilette, như ngôi nhà mơ ước của bao nhiêu người Việt mình trong thế kỉ 21, không thể nén một hơi thở dài sùng mộ. Văn minh là thế đấy, đơn giản: chất lượng sống của con người cao ngay từ trong cái thời rất nhiều dân tộc còn đang mông muội. Còn nhớ tôi đã sững sờ trước mô hình cái nhà ở Athen mấy ngàn năm trước đó, là bởi vừa đọc lịch sử của một thành phố Đức vừa rời đi. Nằm ngay trên con đường tơ lụa từ Frankfurt tới Amsterdam một thời, vào cái thời người Athen sống trong những ngôi nhà hai tầng, dân Đức ở thành phố này còn giữ thói quen ị xong quăng thẳng vàng sống qua cửa ra đường và vì thế mà suýt nữa cả thành phố bị xoá sổ vì dịch hạch.


Nhưng Hi Lạp ngày đó chỉ còn là vang bóng. Là nói vang bóng của chính nó chứ không phải của chẳng hạn Việt Nam ta.

Còn nhớ buổi chiều đi lang thang trong Athen, thấy rất đông du khách, trong đó vô khối dân đầu đen mắt xếch như mình lếch thếch máy ảnh chạy phía trước, tôi cũng xốc thằng Cục Mỡ đi theo. May, được xem cảnh đổi gác trước hội trường Ba Đình của Hi Lạp. Không có ông chồng khai hóa ngay cho, tôi cũng không biết đó là nhà quốc hội, vì giản dị quá. Mặt tiền là tấm bia khổng lồ tưởng niệm những người đã hi sinh vì Tổ Quốc và ngay trước đó là bốt gác. Hai chàng lính trẻ trong trang phục của không biết thời nào, súng trong tay, từng bước lại giơ chân mang đôi guốc gỗ cực kì độc đáo ngoáy ngoáy mấy cái mới khẽ khàng hạ xuống. Buồn cười nhất là anh chàng sĩ quan dẫn hai chàng lính mới ra đổi gác rút từ trong túi một tấm khăn lau mồ hôi trên mặt đồng đội hết sức kĩ lưỡng, y như lau bụi cho tượng đồng tượng đá. Thằng con bé được mẹ bế lên chụp ảnh cùng chú lính giơ bàn tay bé bỏng giật giật cái ngù vai của chú, chỉ thiếu điều sờ luôn mắt mũi người ta như anh chàng Mr. Been. Du khách cười rộ. Chỉ có đàn chim bồ câu quẩn quanh ở đó là bình thản. Bất chợt nhớ một tuổi bé con hò nhau đạp xe lên lăng bác Hồ xem đổi gác, mắt cận thị cứ muốn đến thật gần nhìn, bị xua như xua vịt. Nhớ, một thời Hà Nội không có chim câu nhưng rất nhiều chim sẻ như những nắm cỏ rối lang thang trên phố gió bời bời. Rồi có một ngày cô hàng xóm nỉ non lên phố Huế mà mua chim sẻ làm sẵn về rán, rẻ hều, lại xỉa thêm một câu kiếm nhiều tiền thế mà không biết ăn nhậu thì cũng phí. Rồi tôi đi. Rồi chim di. Mùa hạ này đến Athen, nhận ra mình sống cùng Hà Nội phố, đọc Hà Nội Phố, mê mệt Hà Nội Phố, thuộc Hà Nội Phố mà thật ra vẫn chỉ là rất ơ hờ, chỉ là vì người thơ động được vào điều mình biết, chưa phải vì cảm được mất trong còn, chưa phải vì đã chạm tới được nỗi niềm ấy, của người thấu được nốt nhạc thiên tài bay lả tảkhuôn mặt chưa quen bỗng xôn xao nỗi khổ… cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang. Cần có, như người thơ ấy, một ra đi? Hay là ở lại, sống qua những ngày này, Hà Nội nới?


Chỉ duy nhất có kiểu ăn uống ở Athen là tôi thấy lạ. Gọi cà phê, thị thì nghĩ ngay ra vỏ cây rang khô đem nấu, y lại tưởng cà phê mốc. Kinh. Sao bằng cà phê sữa đá cà phê phin những mùa hạ mùa đông Hà Nội. Đồ ăn thì ngon, nhưng thời tiết nóng vậy mà dân Athen có vẻ không ưa những món lặn lội như dân mình. Mà cũng có thể là mình chưa biết. Ra tiệm, chỉ chăm chăm vào Giros. Công nhận là ngon. Cũng có thể vì đã có thời bị dân Thổ đô hộ chăng mà nhiều thứ gia vị trong đồ ăn Hi Lạp hao hao như trong món ăn Thổ Nhĩ Kì, hợp với tôi hơn các thứ gia vị của Đức hay của các nước vùng Nam Á.

DL

Ảnh Đỗ Quang Nghĩa

Nhưng tôi đã lang thang trong một chợ Xanh ở Athen, dưới nắng và giữa ngút ngàn rau trái. Đào, lê, mận, táo còn lá xanh. Cam chanh vàng xanh chất từng đống. Dưa hấu dưa mật cuống còn chưa héo. Bí xanh bí đỏ, cà tím cà xanh, rau dền rau cải, bầu giàn mướp đắng, đậu bắp đậu đũa… tươi mùi hương đất. Cũng không phải chỉ quây quần bán trong một phố, đi đến non trưa mới từ đầu chợ tới được cuối chợ. Người Việt thích rau và đang sợ thuốc tăng phọt người ta cho rau xơi mà thấy cái chợ Xanh này thì cứ gọi là! Mua, càng khoái vì người ta bán theo kiểu người Nam Bộ, mua một chục mận anh bán hàng nhặt cho hẳn mười bốn quả. Mà không chỉ ở một hàng. Các cô các bà đi chợ ai cũng kéo theo một cái xe chở hàng khung bằng sắt đan thưa, hai tầng, tầng dưới chở những loại củ quả to uỳnh, nặng trịch, tầng trên là rau và các loại hoa quả yếu mềm hơn và dễ nát hơn. Mấy hôm đầu qua Athen, cứ ngạc nhiên mãi người ta đi chợ mua gì với cái xe bằng nửa cái xe ba gác, giờ thì hiểu ra tại sao dân Hi Lạp lại có dáng người đẹp thế, chắc ngoài gen còn mấy phần vì rau.

Thật thú vị khi được đi dưới nắng như nắng quê nhà, trong hơi rau trái tươi mát, càng thú vị khi thấy không ít gương mặt đàn bà châu Á, quần áo chẳng khác gì đồ bộ các bà các chị ta mặc ra đường ra chợ, lại còn dép lê mũ lưới, vô cùng thân thuộc. Đất này là nơi khá nhiều dân Philippin quần tụ và đã ổn định nếp ăn nếp ở, bây giờ còn là vùng kinh tế mới mà không được phép tới cư ngụ của nhiều người da đen không biết dân nước nào, và người Pakixtan. Lần tới sứ quán Đức vì vụ ông chồng mải chụp ảnh để bị móc sạch bách từ tiền tới hộ chiếu, chúng tôi đi qua một tòa nhà, thấy trước cửa ngùn ngụt người (toàn người Pakistan) phơi đầu trần dưới nắng. Y như cảnh các trại tiếp nhận tị nạn ở Đức mười mấy năm về trước sau ngày bức tường Berlin sụp đổ. Cũng là đám đông câm lặng ấy, cũng những gương mặt khắc khổ và lo âu ấy, cũng vẻ hoang mang bất lực ấy, chỉ bầu trời ở hai nơi xanh xám khác màu nhau.

Họ sống như thế nào ở đây? Hình như chỉ có một con đường duy nhất: bán hàng rong. Những thanh niên da đen còng lưng dưới mấy bao hàng quanh Syntagma. Gặp chỗ thuận tiện, bao hàng được mở ra, bày trên tấm vải bạt trải ngay trên đất. Toàn đồ da hàng nhái. Người Pakixtan thì bán quần áo, cũng một kiểu cò con. Đi trong khu buôn bán ở Syntagma, đừng dừng làm gì ở các siêu thị lớn vô duyên mà tạt vào những phố nhỏ san sát quán ăn và các cửa hàng tư nhân, cứ như đang lang thang trên những phố Hàng (Bông Gai Đường Giấy…). Cũng cửa sắt kéo toang ra, cũng những mái che vải bạt, cũng những hàng hóa treo kín mít, áo quần, khăn mũ, giày dép, đồ lưu niệm... Và những người bán hàng rong ngụ cư lỉnh kỉnh với những thứ đồ giá rẻ quẩn quanh mời chào. Không ít thanh niên bán độc một thứ duy nhất: mấy cục nhựa dẻo cầm lên ném bộp xuống tấm nhựa, biến thành quả táo, quả cà chua, con bọ… Họ ngồi đó, trên mặt đất, trong nhập nhoạng sáng tối vì người qua lại như nước, tay liên tục làm biến hình mấy cục nhựa, mắt ngước nhìn du khách – những kẻ tới đó chỉ với một mong muốn duy nhất là chiêm ngưỡng khu chợ của người cổ đại ở dưới lòng đất sâu kia. Những đôi mắt đen im lìm. Vẫn những gương mặt đó, chúng tôi sẽ gặp lại ở một nơi khác. Những đôi bàn chân đen đúa, bẩn thỉu xỏ làm phép đôi dép tông cũ kĩ cày trên cát, giữa những da những thịt của người đi tắm biển. Ngước lên: một gương mặt dầu dãi lấp ló giữa một kho hàng di động: phao bơi, khăn tắm, dép nhựa, đồ chơi… Một đôi vợ chồng người Á nhưng nước da sáng màu hơn, kiểu dân Mông Cổ hay Trung Hoa luôn tay tết những con châu chấu to tướng bằng lá dừa bán cho mấy cô cậu đang tán tỉnh nhau dưới bóng dù hoa của quán cà phê là trông có vẻ thanh thản hơn một chút. Hay bởi món hàng họ bán với tôi quen thuộc quá, ở cái thời vô tư lự đi sơ tán khổ mà không biết khổ ngày xưa. Cái khác duy nhất giữa họ và những người bán hàng rong nơi quê nhà chỉ là sự lặng lẽ: không có loa rao hàng, không năn nỉ, kèo nèo – những kiểu cách bán buôn mới nảy nòi ra ở Việt Nam. Bất giác nghẹn ngang ngực. Hà Nội ngày xưa của tôi, chẳng phải cũng là sự nhẫn nhục này ư?


Mà cũng thật là Hà Nội những đêm chơi bời ở Athen. Phố xá rào rạt gió. Con chó không biết chủ ở đâu nằm ngắm hoàng hôn bên hè phố, lưỡi thè uể oải. Dưới một gốc chanh cổ thụ, mấy ông già áo cộc quần lửng bày cái bàn nhỏ ra chơi cờ cũng thu hút thêm dăm ba người đứng hóng. Tiếng trống tung tung chẳng khác gì trống bỏi vọng ra từ một quán cà phê. Suýt nữa tôi vấp chân vào cái quạt cây đang xả hơi nước vào đám con trai con gái vô tư lự. Chỉ thiếu gần như triệt để mặt trẻ con. Có lẽ mùa hè các cô cậu bé đều ra đảo nghỉ mát. Nếu có, thì mỗi bước đi tôi dường như đều gặp lại Hà Nội của mình. Cảm giác vơ vào này thật là thú vị và dễ chịu. Không hoàn toàn là Hà Nội ngày xưa, của thời bao cấp tôi đã sống, trong gieo neo vẫn giữ được vẻ lịch lãm rất riêng. Không hẳn Hà Nội bây giờ, đầy sức sống, diêm dúa nhưng nhiều phần nhếch nhác, và còn kì quặc nữa trong cố gắng xóa bỏ vẻ nhếch nhác của mình. Athen, với nắng và gió, với nụ cười nhẹ nhõm và hồn hậu, với đồng chí chủ nhà nghệ sĩ người Anh nhưng đã bắt rễ lại ở đây, với bầu bí dưa cà và những cánh cửa sổ mở rộng đầy vẻ xởi lởi giống như Hà Nội mà tôi muốn thấy: duyên dáng, yên bình, lịch lãm và giản dị. Hay ngược lại: Hà Nội tôi yêu, tôi muốn có phải giống Athen, mà ở đó ta có thể gặp lại tháng ngày, gặp lại người người đã khuất.

Một chị bạn nghiên cứu sân khấu cũng người Hà Nội thỉnh thoảng kể chuyện quê nhà cho tôi lại kèm theo tán thán từ man rợ. Nước ngập Hà Nội: man rợ. Tắc đường Hà Nội: man rợ. Rác rưởi sau đại lễ: man rợ. Nhưng gió nắng mùa thu Hà Nội, một người Hà Nội thật Hà Nội, một từ độc sáng trong một bài viết vừa đọc lại, hoặc chẳng hạn, một mối tình xưa dại dột và đắm say để hôm nay còn muốn nhắc, vẻ đẹp bền bỉ của ngày thường… đều “man rợ”. Với chị: man rợ là điểm tận cùng của hai chiều giá trị. Bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên của chị ai cũng hiểu cái kiểu nói năng ý ở ngoài lời ngộ nghĩnh này.

Đi giữa Athen, nhớ mình nhớ nhau, lại nghĩ bà chị mà tới với năm ngàn năm thành phố này chắc chắn sẽ lại bình rằng: man rợ.

Hà Nội mới có 1000 năm tuổi trẻ. Mình còn 4000 năm để mà ước ao.


Lê Minh Hà

Athen 7. 2010
Berlin 11. 2010


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us