Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ba Mùa

Ba Mùa

- Đỗ Phấn — published 06/02/2008 16:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Truyện ngắn trong tập THÁC HOA của Đỗ Phấn, do Nhà sách Như Quỳnh xuất bản và phát hành vào dịp Xuân Mậu Tý.


Ba mùa


Đỗ Phấn


LTS : Diễn Đàn xin trân trọng giới thiệu cùng quí độc giả truyện ngắn Ba Mùa , một trong nhiều truyện ngắn xuất sắc trong tập THÁC HOA của Đỗ Phấn, do nhà sách Như Quỳnh xuất bản. Tập truyện sẽ được phát hành vào dịp xuân Mậu Tý.

Đỗ Phấn là một hoạ sĩ, kiêm nhà văn và nhà báo.



1.o- Con bé gầy guộc đội một chiếc mũ vải xanh cáu bẩn. Mớ tóc đuôi gà vàng cạch buộc túm đằng sau gáy bằng một chiếc nơ. Dưới vành mũ, chiếc nơ hình cánh bướm sặc sỡ sống động như đang chao liệng. Bấy giờ là mùa xuân. Những cây cơm nguội già vẫn chỉ là mớ cành khô rối bời như tơ nhện bủa lên bầu trời xám xịt. Nước đầy trời, đẫm cây. Len lỏi cả và trong tóc khiến đầu óc tôi nặng trịch. Con bé bán kẹo cao su ở một quán bia. Mùa xuân ẩm ướt và háo hức, hàng bia vắng khách. Chỉ những kẻ chán đời rỗi hơi và những ai “ mồ côi ” bạn mới uống bia vào lúc này. Hình như tôi đại diện cho cả hai loại người như thế thì phải ?

Quán bia vắng, bàn ghế nhìn nhau ngao ngán. Con bé ngồi ở góc khuất sau cánh cửa. Hôm nay nó được ngồi thoải mái. Không như mọi ngày, mới chỉ chớm bước lên bậc thềm là đã phải nhận ngay một tiếng quát của nhân viên bảo vệ. Đôi lúc còn được nhận cả những cái véo tai đau điếng. Nếu nó lớn hơn chút nữa, rất có thể sẽ vừa với một cú đá đít ! Bây giờ thì chưa. Nó còn quá bé. Lọt thỏm trong chiếc áo thể thao người lớn trùm xuống đến ngang đùi. Khuôn mặt ngơ ngác buồn dưới vành mũ sẫm tối. Trông thấy tôi vào, nó len lén đến bên cạnh, bác mua giúp cháu kẹo cao su đi! Với tất cả các loại hàng rong trên đời, câu trả lời của tôi luôn là không ! Thậm chí còn rất ghét. Ghét đến mức nhiều khi không muốn trả lời bèn viết ra giấy những gì mình không mua để sẵn lên bàn. Nhưng bây giờ đã không thể làm như vậy. Người bán hàng rong đôi khi ăn mặc tiếp thị rất lịch sự, lại bán quá nhiều mặt hàng không thể ngờ là người ta có thể đem chúng đi bán dạo. Tôi đã có lần bị một anh chàng quần áo chỉnh tề, giày da bóng lộn, xách theo chiếc va li có bánh xe kéo đến bàn bia chào hỏi rất lịch sự. Tưởng người quen, tôi cũng đáp lễ. Vậy là sau đó phải mất đến mười lăm phút mới “thuyên chuyển” được anh ta sang bàn khác. Anh ta lấy trong va li một bức tượng Quan Công vung long đao trên mình ngựa xích thố ra mời tôi mua. Lại còn diễn giải với tôi cả tích “ qua năm ải chém sáu tướng ” ! Với tôi thì dù có chém bao nhiêu tướng cũng vậy thôi. Tôi chưa bao giờ thích Quan Công !

Sau lời mời, con bé yên lặng đứng cạnh tôi như biết phận của nó là phải đứng ở đấy. Đôi bàn tay gầy guộc thò ra từ ống tay áo lõng thõng bưng một hộp kẹo. Hai hàng mi dài nhạt màu in bóng xuống gương mặt ngây thơ buồn bã. Chỉ có mình tôi ngồi trong quán. Con bé đã làm tôi mủi lòng. Về một nghĩa nào đó có thể gọi là đã làm cho “ tất cả ” mủi lòng ! Tôi hỏi nhỏ, cháu mấy tuổi rồi ? Mười ba ! Tôi cứ ngỡ nó chỉ lên chín là cùng. Mười ba tuổi cỡ nó, trẻ con ở thành phố đã già dặn phổng phao hơn rất nhiều, có thể gọi là thiếu nữ. Nhiều đại gia trong thành phố đã mất nghiệp vì cả tin vào những “ thiếu nữ ” như vậy. Tôi không phải đại gia. Đại gia giờ này ngồi ở nhà hàng, khách sạn. Tôi ngồi uống bia cỏ trong quán bia vỉa hè và mua một phong kẹo cao su giá hai nghìn đồng không phải để ăn. Mùa xuân rất cần hương vị ngọt ngào…

Trong lúc con bé để lại hộp kẹo trên bàn chạy đi đổi tiền lẻ. Hải, bạn tôi bước chân vào. Anh nhìn theo bóng chiếc nơ hình cánh bướm lẩm nhẩm như tự nói với mình, con bé đến là xinh xắn, con cái nhà ai mà đã thả ra đường sớm thế ? Tôi cười, công dân mới của thành phố! Anh có vẻ không vui, Hà Nội chưa đủ chật hay sao ? Là cứ nói vậy thôi chứ tôi biết quá rõ cư dân ở cái thành phố này. Kể cả Hải cũng có một quê hương dù chỉ là để nhớ về. Ai cũng có một quê hương không phải là cái thành phố mình đang sống. Quê tôi ở bên kia con sông Hồng. Tự nó đã nhập vào làm một quận của thành phố. Cùng lắm thì tôi chỉ được gọi là dân thành phố không nhập cư. Hải là dân nhập cư quê ở Bắc Ninh. Ông nội anh đã về Hà Nội sinh sống từ đầu thế kỉ trước. Cũng như bao người nhập cư khác, kể từ thế hệ thứ hai là đã không còn thấy bất cứ dấu vết nào của quê hương bản quán. Từ lời ăn tiếng nói cho đến giao tiếp cư xử, từ đầu tóc cho đến ăn mặc, hết thảy đều không có gì phân biệt với dân phố. Nhưng có một nét chung nhất, tất cả đều sợ lộ ra cái bản chất quê mùa của mình. Đó mới lại là nét quê mùa duy nhất còn sót lại trong lòng dân phố.

Con bé quay lại trả tôi tiền lẻ còn thừa. Nó bưng hộp kẹo lên mời Hải, bác mua giúp cháu…! Hải nghiêm mặt không nói, ngón tay trỏ gõ nhè nhẹ lên phong kẹo tôi vừa mua còn để ở mép bàn. Con bé lầm lũi quay đi. Vậy là hôm nay nó ế hàng…

Chiều hôm sau, khi Hải đang chậm rãi nâng cốc bảo tôi, không có dại nào giống dại nào ! Tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì thì Hải đã tiếp lời, bây giờ câu tục ngữ “ Khách nhớ nhà hàng, nhà hàng không nhớ khách ” có lẽ đã phải hiểu theo nghĩa ngược lại. Nhiều cái phải hiểu ngược lại, sắp tới nếu được vào WTO thì chưa biết thế nào ? Ôsin liệu có nên hiểu là ông chủ hay không ? Anh chưa dứt lời đã thấy sột soạt sau lưng tôi tiếng mở hộp giấy. “ Chiếc nơ hình cánh bướm ” xuất hiện. Bác mua giúp cháu…! Lại chiếc mũ vải xanh, lại cái áo thể thao lùng thùng, lại hai hàng mi nhạt màu đổ bóng xuống buồn thăm thẳm. Nhưng hôm nay tôi không mủi lòng. Quán bia đã đông hơn chiều hôm trước. Nhiều con mắt đang ngó sang tôi. Đừng hòng có cái gì làm tôi sơ hở trước mắt mọi người ! Dù các em tiếp thị thuốc lá Marlboro có mặc đồng phục đỏ trắng bó sát người (Hải vẫn gọi là lốp căng ?) cũng không hề làm tôi nao núng nói gì đến một con bé còm nhom bán kẹo cao su? Tôi mà mua kẹo của nó hôm nay ắt hẳn họ sẽ cho rằng tôi mới ở tỉnh bạn về. Tôi rõ ràng không phải nhà quê nhưng sao lúc nào tôi cũng cứ muốn giống những người xung quanh thế nhỉ ?

 

2.o- Chắc các bạn cảm thấy rất khó chịu khi tôi kể câu chuyện này theo lối máy móc thứ tự 1, 2, 3. Tôi cũng chưa biết phải làm thế nào bởi câu chuyện của tôi diễn ra trong ba mùa khác nhau của ba năm liên tiếp. Con gái tôi học văn theo chương trình “ cải cách giáo dục ”, nó đưa cho tôi xem một bài văn mẫu trong đó người ta dạy cách viết còn lí trí khô khan hơn rất nhiều. Tất cả chỉ là những câu hỏi và những đáp án gồm vô số gạch đầu dòng. Tôi tập theo không nổi đành phải đánh số để tự mình dễ kiểm soát câu chuyện.

Mùa hè năm sau chúng tôi vẫn thường đến quán bia quen thuộc ấy. Quen đến mức gửi xe đã không cần phải lấy vé. Lúc ra về, đám trông xe « nhớ mặt nhớ xe » mang trả không bao giờ nhầm. Chỗ ngồi cũng quen như vậy. Một góc nhỏ trong căn buồng xép bên cạnh quán. Chỗ tối đa chỉ chứa nổi mười người. Trừ tôi và Hải ra, thường chỉ là những khách lẻ hoặc hai người là cùng. Không bao giờ có chuyện cả bàn đứng dậy hô những tiếng “ dzô ” liên thanh là thứ mà chúng tôi rất sợ. Dịch bệnh này nghe nói lây lan từ trong nam ra, tôi được nghe lần đầu tiên khi ngồi cạnh những cầu thủ bóng đá trẻ trong quán (tất nhiên bây giờ đã thành lão tướng !). Thì ra bên ngoài sân cỏ, tính đồng đội của họ vẫn được phát huy như thường. Đội trưởng đứng lên hô 1.2.3. Tôi và Hải có đủ thời gian chuẩn bị để… bịt tai !

Chiều mùa hạ bải hoải sau đợt nắng kéo dài. Những cây sao đen queo quắt. Cây phượng chợt vàng ong rắc bụi lá xuống mặt đường. Đàn chim sẻ quẩn quanh trên hè phố, tiếng kêu khản đặc. Mấy cô tiếp viên ở quán lưng đẫm mồ hôi, nhìn rõ cả những dây rợ lằng nhằng bên trong áo. Vừa ngồi xuống ghế, Hải hấp tấp nâng cốc lên chạm mạnh vào đáy cốc của tôi khi tay tôi còn đang ở trong túi quần cùng với chiếc chìa khoá xe máy. Anh làm một hơi hết già nửa. Tôi nâng cốc lên sau cũng hết hai phần ba. Những củ lạc luộc từ sáng đến giờ đã hỏng, bóc ra dính lầy nhầy không ăn được. Đành phải chuyển sang thứ lạc rang “ công nghệ cao ” khô khốc hăng mùi hoá chất bảo quản thực phẩm. Ngồi chưa nóng chỗ, tôi chợt phát hiện một chiếc nơ hình cánh bướm len lỏi khắp trong dãy bàn bia kê ngoài vỉa hè. Con bé bán kẹo cao su ? Tôi thầm nghĩ nhưng không dám tin vào mắt mình. Thân hình phổng phao bó chặt trong bộ áo phông quần bò in hình kì dị. Mớ tóc dài hung đỏ lắc lư theo nhịp bước chân. Chiếc nơ hình cánh bướm mỏng tang hai màu đen trắng như chực bay lên khỏi đầu. Gương mặt sáng ngời vẫn hai hàng mi dài đen rủ bóng. Không còn dấu vết nào của cô bé bán kẹo cao su. Hải bảo, đứng lẫn trong đám sinh viên Hà Nội còn xinh hơn khối cháu ! Tôi giật mình nghi hoặc ? Hình như con gái Hà Nội nhan sắc ngày một phôi pha ? Phấn son phải dùng nhiều lên qua từng thế hệ. Hiếm có cô con gái Hà Nội nào đẹp hơn được mẹ chúng ngày xưa và phần lớn ẻo lả, ngượng nghịu đến tức cười. Có đứa cầm đôi kim đan khều mớ len lóng ngóng như “ nhạc trưởng ” chỉ huy đoạn cao trào của bản nhạc giao hưởng.

“ Chiếc nơ hình cánh bướm ” bồng bềnh tiến lại gần chỗ chúng tôi ngồi. Trên tay cô bé là một tập vỏ đĩa hình nhem nhuốc có lẽ đã qua tay quá nhiều người. Thành phố bây giờ đã có thêm mặt hàng đĩa DVD bán dạo. ở những cửa hàng nghiêm chỉnh, người ta bán những đĩa hình ca nhạc phim ảnh trong luồng. Hàng rong ngoài phố tha hồ bán những gì thuộc về phía bên kia của điện ảnh và ca nhạc. Người bán cũng biết khép mình sợ sệt nhưng chỉ là với khách lạ. Tôi không phải là khách lạ, Hải cũng vậy. Anh đá chân tôi như ngụ ý nhắc, xem cô bé có nhận ra người quen ? Quả nhiên là “ nhà hàng nhớ khách ”. Mớ đĩa hình sex cô đưa cho tôi nói lên điều ấy. Chỉ khác trước đây tôi là khách của kẹo cao su. Bây giờ xem ra tôi vẫn là khách hàng của cao su nhưng đã được nâng lên một tầm cao mới. Bao cao su chẳng hạn? Cô bé chìa cho tôi xem một tập vỏ đĩa in những hình ảnh đàn bà khoả thân hoặc bán khoả thân, chú mua giúp cháu đĩa hình này đi! Cầm mớ vỏ đĩa trên tay, con người ưa khoái hoạt bay bổng đến như tôi và Hải cũng phải cảm thấy rùng mình. Những cặp vú đồ sộ, những dáng nằm dâm bạo, những con mắt đói tình như xăm soi dò xét thái độ của bất cứ ai để mắt đến chúng. Hải bảo tôi, hình ảnh động còn gấp trăm lần hơn thế! Anh nhỏ tuổi hơn tôi, anh không thể biết rằng ngày mới giải phóng miền nam tôi đã từng xem rất nhiều phim sex bằng cái máy chiếu 16li chiến lợi phẩm. Dòng dây điện vào trong chăn dưới cái nóng 35 độ của miền nam mà xem. Không ai thấy cảm giác gì ngoài sự kinh tởm. Có lẽ chính vì thế mà nó luôn bị điện ảnh chối từ, mặc dù đó là một phần đời sống không thể thiếu của tình yêu, của con người. Hành động tính giao ngày ấy không thể gọi là nghệ thuật một cách công khai. Có lẽ nó chỉ mang ý nghĩa bảo tồn nòi giống đơn thuần. Một giống nòi lặn ngụp “ ấy ” nhau như vịt và luôn mắc khuyết điểm. Khuyết điểm vì không xứng với nhau về vị trí công tác. Khuyết điểm vì vi phạm chế độ một vợ một chồng. Vi phạm nặng có thể còn phải “ cưới ” nhau, hoặc ở tù thì cũng vậy! Bạn tôi ngày còn ở đơn vị đã phải đứng trước hai lựa chọn. Một là cưới cô chiến sĩ nuôi quân vâm váp suốt ngày kè kè con dao bầu chọc tiết lợn, hai là ra khỏi hàng ngũ về lại miền quê muối trắng. Anh đã chọn con đường trắng toát thứ hai…

Tôi chọn một vỏ đĩa có in hình ảnh hiền lành nhất trong số vỏ đĩa cô bé đưa. Cô bé chợt cười ửng đỏ cả hai tai, đĩa này đắt nhất đấy chú ạ ! Hải nhìn tôi cười, cũng đáng tiền, xuống hàng chú có nghĩa là nó đã cho anh trẻ lại một ít rồi ! Cái vỏ đĩa in hình một đôi trai gái hôn nhau trông rất “ kịch ”. Chả ai dừng hình ở chỗ ấy để quay phim chụp ảnh. ánh mắt của người nam và người nữ nhìn nhau vồ vập đến sống sượng. Xã hội hiện đại hình như không còn đủ thì giờ dành cho những đắm đuối mất rồi !

Con bé chạy thoăn thoắt lại gốc cây sao đen, nơi có một cậu thanh niên ngồi ủ rũ bên cạnh thùng đồ đánh giày. Cậu ta mang thùng đồ như để làm cảnh. Không chịu đứng lên mời mọc như những chú đánh giày khác. Hai tay cầm hai chiếc dép tổ ong  mốc meo vỗ vào nhau uể oải lấy lệ. Thoáng thấy cô bé đến chìa ra chiếc vỏ đĩa, cậu ta lần tìm trong hòm đồ rất nhanh một chiếc đĩa tráng bạc dúi vào tay cô bé. Vậy là đã xong nhiệm vụ của một chủ hàng. Hải bảo, tôi với anh còn lâu mới được thành ông chủ dù chỉ là chủ cửa hàng băng đĩa lậu như cậu bé đánh giày kia! Tôi nhìn anh, hình như tất cả các ông chủ đều có một phần ẩu lậu lén lút như vậy và chính cái phần ấy đã đưa họ lên thành ông chủ ? Chiếc đĩa rẻ như bèo, chỉ bằng một phần ba tiền đĩa hát Thanh Lam nức nở nghẹn ngào. Tuy nhiên khi mang về nhà, nó đã chẳng cho tôi một hình ảnh nào cả, tiếng động cũng không. Vậy là mình mắc lừa ? Định hôm nào đem ra đổi. Hải cười rũ, con bé bán đĩa mà cãi rằng đĩa của nó xịn, anh kiện ai đây? Dĩ nhiên là tôi chẳng thể. Nếu khiếu nại, tội của tôi còn to hơn tội của nó rất nhiều, không chỉ với chính quyền đâu nhé !

Thế nhưng tôi đã chẳng được chuyện trò nhìn ngắm con bé miễn phí là gì ? Kinh nghiệm xa xưa đã cho tôi thấy rằng để được tặng hoa cô bạn gái xinh nhất lớp, tôi đã phải đợi hơn mười năm. Khi đó cô bạn đã chia tay với người chồng thứ hai. Tính tình trở nên cáu bẳn và nhan sắc gần như bất lực trước tuổi tác đến mức nàng đã bật khóc trước bó hoa loa kèn tôi mang đến. Thực ra đó là bó hoa tôi tự tặng tôi. Tặng những kí ức của tôi về nàng ngõ hầu xoa dịu những cơn đau chờ đợi.

Mấy ngày hôm sau, con bé bán đĩa không quay lại quán bia nữa. Hay nó có quay lại mà tôi không thể phát hiện ra trong cái rừng mặt người đỏ dâng đỏ dái ở đây ? Cũng có thể nó đã tránh cho những người như tôi sự gặp gỡ không mong muốn bởi không thể khi gặp lại chẳng dám nói gì! Thế thì tôi phải cảm ơn nó. Bằng cách nào đây ? Cầu chúc cho nó hòa nhập vào cái nơi trăm người bán vạn người mua thật giả lẫn lộn này. Cầu chúc cho nó giữ gìn cái nhan sắc mà với thân phận nó khó lòng nhận được một bó hoa ai đó mang tặng. Thực ra tôi cũng không thể biết nó có thích một ai đó mang tặng hoa cho nó hay không? Có thể sau này, khi nó đã thực sự là người thành phố. Là một ai đấy không phải là nó nữa…

 

3.o- Mùa đông năm sau nữa…

Lúc này tôi và Hải đã chuyển từ uống bia sang uống rượu. Anh tìm được một công việc có thu nhập khá khẩm hơn. Tôi là một tay vẽ minh hoạ báo chí thuộc vào hàng “ dễ duyệt ”. Vì thế cũng được các toà soạn tín nhiệm. Báo chí thời mở cửa đua nhau ra mắt cả mấy trăm tờ. Tờ nào cũng muốn tỏ ra là mình có phẩm chất văn nghệ, có thể thu nạp nhiều thể loại văn chương nghệ thuật. Đám hoạ sĩ quèn đâm đắt hàng. Sáng vẽ chiều in, chiều vẽ mai in. Nhuận bút xông xênh. “ Tái đầu tư ” vào rượu bia là khó tránh khỏi. Dĩ nhiên cũng chỉ là thứ rượu cỏ sáng ngâm chiều bán theo mùa. Cần mát thì cho thêm vài củ sâm nam. Cần ấm thì cho thêm quế thêm hồi. Mỗi quán có một hương vị riêng. Rượu gốc vẫn chỉ là một loại rượu tẻ, nặng gắt đến ghê hồn. Giá bán có đắt hơn uống bia một chút nhưng thành ra lại có thể tiết kiệm được tiền vì uống ít đi và cả vì đỡ tốn tiền mua quần mới phục vụ cái “ bụng bia ” của mình. Tôi đã vài năm bất mãn đến độ chuyển sang mặc quần chun, chỉ còn thiếu nước đái ngồi là hoàn thành công cuộc khai hoang giới tính…

Mùa đông ngày càng bớt rét. Trái đất có nóng dần lên theo tính toán của các nhà khoa học hay không, tôi không biết nữa. Chỉ biết nay đã không cần đến áo bông áo len. áo da mặc chủ yếu để khoe rằng con gái mua cho bố. Tình cảm của nó nhiều khi làm tôi phát ngốt. Nhưng đã là tình cảm…

Mùa đông không rét còn bởi chúng tôi uống rượu hồi. Hải mỗi chiều đi làm về lại rủ tôi uống một cút. Chiều nay anh dẫn tôi đến nhà một người bạn ở phố Sinh Từ. Chẳng ra chủ quán mà cũng không giống bợm nhậu. Quán của bạn Hải đông nghịt người. Phần lớn là thanh niên. Thanh niên sành điệu bây giờ là phải uống rượu, uống bia bị cho là “ ăn chơi ngập ngừng ”. ở quán rượu này, ông chủ gọi rượu cho mình còn nhiều hơn khách. Khách cũng vì thế mà thêm phần kiêng nể. Quậy lắm cũng chỉ dám hát vài bài ư ử trong cuống họng. Lời bài hát tôi nghe không rõ. Chỉ bập bõm vài câu “… rượu cũng đắt mà tình cũng đắt ư… ư…”. Tôi thầm nghĩ hội nhập kinh tế toàn cầu té ra là để có thể tính thành tiền mọi thứ. Người ta tính tiền, mình có tiền mà không tính? Chợt nhớ đến bố tôi. Ông cụ cả đời đi lại thênh thang trên đường quốc lộ, chưa bao giờ phải nộp phí cầu đường !

Bữa rượu chiều nay cực kì sôi nổi bởi có thêm mấy nhà văn đến góp vui. Tiện thể cũng nói thêm là đám nhà văn này rất mâu thuẫn với chính mình. Vừa kính trọng lại vừa xem thường các hoạ sĩ. Kính trọng bởi họ làm ra tiền. Xem thường bởi họ không có tư tưởng. Thua cả bọn nhà thơ còn biết “… úp mặt vào đêm…”. Ngồi với nhau uống rượu là chuyện hiếm. Nhưng cũng chưa hiếm đến mức không thể. Tôi và Hải vốn hiền lành, lại cũng đã từng đọc sách của họ. Và đã đọc thì không thể quên. Nói đúng ra thì cũng chỉ nhớ được những chi tiết lặt vặt không mang tầm tư tưởng nào cả kiểu như chiếc nịt vú phụ nữ trắng tinh giữa mênh mông bom đạn núi rừng thời chiến tranh. Cứ thế mà tưởng tượng ra những ngực trần nữ thanh niên xung phong, những khát khao dang dở và thiệt thòi. Tưởng tượng đến lạc cả đề. Nhà văn cũng thiệt thòi như nhân vật của họ ? Nếu không thế làm sao biết họ thiệt thòi đến mức nào. Hải gợi ý, vậy thì ta phải truy lĩnh !

Nơi Hải dẫn chúng tôi đến “ truy lĩnh ” không ngờ lại là quán karaoke bạn gái tôi làm chủ. Người bạn gái đã từng khóc trước mặt tôi và bó hoa loa kèn đến không đúng lúc. Gặp tôi, nàng tươi cười rất lịch sự và bố trí cho chúng tôi một phòng cách âm hạng VIP. Tôi bảo chúng tôi chả quan trọng gì, vả lại cũng không định làm thêm những gì quan trọng nữa. Hải huých nhẹ tôi thì thầm, cứ để cho các bạn anh làm VIP đi, họ muốn thế mà! Thú thực tôi lo. Vài năm nay nghe nói đã có mấy VIP trả giá bằng cả sự nghiệp rồi !

Gọi là hát karaoke nhưng kể cả người cấp giấy phép cho quán hoạt động cũng hiểu rằng bên trong bức tường cách âm kia là những gì diễn ra không có liên quan nhiều đến việc hát. Nói thẳng ra là nơi bóp vú sờ lồn và từ đó cũng sinh ra những hoạt động tương tự của tiếp viên nữ với giới mày râu đa phần “ nhõng nhẽo ”. Hôm nay có đặc biệt hơn. Tôi không phải khách sộp, bù lại là người quen của bà chủ. Hẳn là tiếp viên sẽ được chọn lọc kĩ càng. Sáu “ ông già ” nhàu nát bước qua cái cười tinh quái của cô bạn gái năm xưa.

Chỉ còn năm tiếp viên nữ! Bà chủ khẳng định chắc như đinh đóng cột. Không ai hiểu. Chỉ mình tôi lờ mờ đoán được. Nhưng chả bao giờ nói ra. Mọi người ngồi xuống bộ xa lông khổng lồ có thể chứa đến hai chục người quanh màn hình. Hải ý tứ ngồi riêng một góc tỏ thái độ không vừa lòng cả năm cô tiếp viên. Tôi biết anh có ý nhường tôi nhưng anh thật nhầm lẫn, tôi đã không thể nói gì cho anh hiểu. Bà chủ loanh quanh vài vòng rồi cũng lui ra quầy tiếp tân. Bà đã không thể thực hiện mong muốn ngồi hát cùng tôi ! Bài hát “ Gửi người em gái ” của Đoàn Chuẩn vang lên, giọng hát của anh bạn nhà văn sai nhạc khiến cả bọn bò lăn ra cười. Tôi thầm nghĩ không biết người nhạc sĩ tài hoa kia đã bao nhiêu lần bị “ ám sát ” theo kiểu đó!

Cuối cùng thì bà chủ cũng phải nhượng bộ đưa thêm một tiếp viên vào. Dĩ nhiên ngồi với Hải. Không ai nghi ngờ gì. Chỉ có tôi và Hải biết “ Chiếc nơ hình cánh bướm ” vắt vẻo sau mớ tóc dài buông hờ hững phía sau. Vẻ thanh tân pha lẫn sành điệu làm tôi sững người rút tay ra khỏi váy cô tiếp viên bên cạnh…

Rời khỏi “ nhà hát ” karaoke bao giờ cũng là một thủ tục không đơn giản chút nào. Người ghi số điện thoại di động, người để lại địa chỉ, người vẫn còn bận thọc tay vào trong quần tiếp viên. Người nhọc nhằn như tôi cũng không thể quên một cái hôn dài lên đôi môi cứng ngắc như bậc thềm của cô tiếp viên lớn tuổi. Hôn nhau có lẽ là việc làm không để lại bất cứ một dấu vết pháp lí nào. Tôi hiểu điều đó. Nhưng có nhiều người không hiểu. Vì thế sự hiểu biết của tôi cũng chả dùng vào việc gì…

 

3.1- Ngày hôm sau gặp Hải, tôi hỏi anh chuyện tối qua thế nào ? Hằm hằm tức giận, Hải tuôn ra một tràng, anh đừng tưởng nó quê mùa nhé. Anh em mình mới là quê. Con bé ráo hoảnh nói với tôi rằng cứ sờ mó hôn hít thoải mái. Còn cái kia ư ? Mười triệu ! Nó cứ nghĩ anh em mình đại gia sẵn tiền ham hố. Làm gì có cái ấy mười triệu ở đây ? Tôi vờ hỏi, thế ở đâu có ? Đầy rẫy, mười triệu ba cái hạng nó! Tôi thoáng buồn, công dân thành phố mới chỉ có vậy sao ? Hải phì cười đấu dịu, anh em mình cũng xuống giá, nhưng không phải nó lên giá thế nào cũng được. Mà cũng lạ, vú vê nát nhừ như dưa cải phơi, vậy mà bướm chỉ như chỗ đứt tay rịt vê thuốc lào ?

Hình như tôi không còn gì quyến luyến với nơi đây mất rồi ? Thành phố với tôi bây giờ cái gì cũng trở nên rất lạ. Kể cả những người bạn thân thiết cũng nhiều người đã khác xưa. Công việc của tôi thì làm ở đâu cũng được. Thành phố chen chúc quá đông người mà con người hình như ngày càng rẻ mạt. Sẵn sàng đánh đổi cuộc đời chỉ lấy một chút tiền tài địa vị bé mọn. Dùng cái bé mọn ấy mà huênh hoang với nhau thì thật nực cười. Sao tôi còn chưa tìm cho mình một nơi ở mới ? Một quê hương mới như các cụ nhà Hải đã tìm về đây ? Như “ chiếc nơ hình cánh bướm ” ? Chưa làm người nhà quê bao giờ nên cũng muốn thử! Tuần sau tôi sẽ bắt đầu đi hỏi thăm… quê mình ?


Đỗ Phấn

1-2007


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Mậu Tý 2
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss