Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bác Hoàng Xuân Hãn

Bác Hoàng Xuân Hãn

- Lê Học Lãnh Vân — published 06/10/2020 23:40, cập nhật lần cuối 07/10/2020 10:31

Bác Hoàng Xuân Hãn


Lê Học Lãnh Vân



Nhà học giả, nhà hoạt động xã hội này Vương nghe tiếng từ những ngày còn rất nhỏ tuổi. Ông bà Trọng thường nhắc tên ông với sự kính trọng và ngưỡng mộ. Gia đình ông có một căn nhà tại trung tâm Paris, đường Theophile Gautier, nơi thỉnh thoảng ông biểu Vương ghé thăm, một căn nhà ở ngoại ô Paris, gần ga Le Guichet, nơi vợ chồng con rể và con gái ở, nơi cuối tuần ông bà về nghỉ ngơi, và một biệt thự ở Trouville trên bờ biển Manche ngăn cách hai nước Anh Pháp. Căn biệt thự ấy được ông đặt tên Pháp là Manoir d’Aubonne, tên Việt là Cam Tuyền Dã Thự.

Ấy là một ngày cuối tháng 10 năm 1988, những bước đi hồi hộp trên con đường dẫn đến nhà ông Hoàng Xuân Hãn với tàn lá platane đầu thu chớm trở màu. Lần đầu tiên gặp ông trong căn nhà tại Paris, Vương có phảng phất cảm giác của một cậu bé gặp nhân vật từng nghe kể trong chuyện cổ tích.

Té ra sau đó Vương lại được ông thương mến. Biết mỗi tuần Vương lên Paris làm việc vào ngày thứ Sáu, ông thường bảo ghé nhà chơi. Nhờ đó anh biết Paris hơn. Từ nhà ông ra, tiện thể anh la cà các khu phố Paris cổ xưa, nhất là quận 7, quận 5 và quận 13, nơi có những dinh thự, công trình kiến trúc đẹp cổ kính hay tân thời nằm dọc sông Seine nượp nượp du khách…

Suốt ngày bác Hãn quanh quẩn trong ngôi nhà ở nội ô Paris nơi bác cặm cụi đọc sách và ghi chép. Căn nhà này đối với Vương là “căn nhà tri thức” vì anh được học rất nhiều điều từ nơi đây. Trong khoảng thời gian từ 1987 tới 1991, Vương có những buổi trưa thứ Sáu dùng cơm với bác, buổi chiều đọc sách hay bàn luận các đề tài bác gợi lên. Cách làm việc của bác Hãn thật nghiêm túc và cẩn mật. Trước giờ hẹn làm việc khoảng mười phút đã thấy bác ngồi tại bàn, trước mặt đặt các tập tài liệu cần thiết!

Bác rất thích văn chương và hay nói chuyện văn chương. Kiến thức uyên bác của bác về văn chương, văn học sử thì ai cũng biết, Vương lại có sự ngưỡng mộ từ khía cạnh thẩm định mỹ thuật trong con người nghiên cứu. Khía cạnh này thường được bác Hãn giấu kín trong các công trình biên khảo văn học đầy tính khoa học chặt chẽ.

Bác Hãn rất thực tình. Lúc nào bác cũng tôn trọng kiến thức, ý kiến của người khác. Đang làm việc trong phòng thí nghiệm, Vương nhận được phôn của bác Hãn:

“Tuần này cháu lên nhà bác được không? Bác đang viết đoạn này thì cần tới hiểu biết chuyên môn của cháu. Cháu lên ăn cơm rồi chỉ bác với”

Khi khác bác Hãn gọi:

“Tuần này cháu lên nhà bác ăn cơm âm phủ. Bác mới học điều này hay lắm, lên đây bác chỉ cho. Bác có một người tiếp việc nhà là người Tàu từ đại lục. Cô này cùng chồng là giáo sư tại Bắc Kinh, qua đây tị nạn. Cô dạy bác qui tắc biến âm của tiếng Tàu. Biến từ Bắc Kinh chạy xuống Thượng Hải, Phúc Kiến, Quảng Đông, mình cũng có thể suy ra cách biến âm khi tới Việt Nam”

Bác khiến Vương ngộ điều này: làm phách rõ ràng không tốt, khiêm tốn là tốt. Bác Hãn thì đứng ngoài, đứng trên cái vòng làm phách - khiêm tốn thường tình. Rất tự nhiên, biết gì bác sẵn sàng dạy, chỉ bảo cho chung quanh, và bác cũng rất sẵn sàng học những điều chưa biết từ bất cứ ai. Từ khi học được bài học vô giá đó Vương thấy đời nhẹ nhõm hơn trước nhiều. Đó chỉ là một trong những bài học về đạo đức và cách sống Vương học được từ bác Hãn, những bài học khiến anh tự tin hơn, tốt bụng hơn, an nhiên hơn và do đó tập trung hơn cho công việc.

Thơ Đường, với Vương, mang vẻ đẹp cổ kính, lộng lẫy, hàm súc mà đơn giản… Vương từng cố gắng dịch một vài bài.

LÂM GIANG TỐNG HẠ CHIÊM

Bi quân lão biệt, lệ triêm cân
Thất thập vô gia, vạn lý nhân
Sầu kiến chu hành, phong hựu khởi
Bạch đầu lãng lý, bạch đầu nhân

(Bạch Cư Dị)

Dịch theo thể thơ Đường:

Thương anh già biệt lệ đầy khăn
Luân lạc không nhà bảy chục năm
Buồn ngó thuyền đi, trời lại gió
Bạc đầu con sóng, bạc đầu nhân

Dịch theo thể lục bát:

Thương anh lệ biệt ướt khăn
Không nhà, bảy chục, tấm thân dặm hành
Thuyền đi, gió lại nổi nhanh
Bạc đầu con sóng nuốt anh Bạc đầu!

Bài thơ này Vương đọc lần đầu trong tác phẩm Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học của Phạm Công Thiện, diễn tả tâm sự một người chia tay bạn. Bạn bảy chục tuổi, không gia đình. Giờ bạn ra đi, nhìn gió nổi, bạn bạc đầu bước xuống thuyền chòng chành giữa những con sóng bạc đầu… Những con sóng sẽ đẩy đời bạn về đâu?

Mê dịch là mê vậy, nhưng Vương có mặc cảm về kiến thức của mình: dốt chữ Hán, thơ Đường chỉ đọc được qua âm Hán Việt. Một lần kia, bác Hãn biểu Vương đọc vài bài dịch. Anh đọc xong, bác biểu đọc thêm vài bài khác. Nghe Vương nói dốt chữ Hán, bác nói không cần giỏi chữ Hán, chỉ cần bài nào mình hiểu cặn kẽ, cảm sâu sắc thì dịch được.

– Như bác đây, biết chữ Hán mà có dịch được đâu. Ý bác khô nên lời cứng. Cháu còn trẻ, ý tươi nên lời mượt. Cháu cứ dịch. Muốn dịch vừa sát ý vừa thanh thoát cần hiểu từng chữ bài mình muốn dịch, hiểu tác giả viết bài thơ lúc nào, trong hoàn cảnh nào. Trước khi dịch nên diễn bài thơ thành văn xuôi. Sau khi dịch, diễn bài dịch ra văn xuôi rồi so sánh với với phần diễn từ bài thơ gốc, so sánh với giảng nghĩa của nguyên tác. Thấy gần nhau là được.

Từ đó mà Vương thấy yên tâm, rồi tự tin hơn…

Cuối tuần hai bác về nghỉ tại căn nhà gần ga Le Guichet trên tuyến xe lửa từ Paris về hướng Nam (ligne de Sceaux), nơi ở của anh Hải và chị An, con rể và con gái. Nơi đây, bác Hãn thường kể những câu chuyện nhẹ nhàng về hoạt động ngày xưa nhưng không là những chuyện dài và nghiêm túc quá. Mỗi khi bác Hãn đi sâu vào chi tiết là bác gái dặn phải nghỉ ngơi hoàn toàn, repos complet là hai từ Vương thường nghe bác Hãn gái nói.

Vương rất quý hai bác, nhưng gần gũi với bác Hãn trai hơn. Chính bác gái chỉ Vương cách vào bàn ăn, cách tổ chức và bày bàn đãi khách… thế nào cho đúng cách. Giọng nói của bác gái trong trẻo một cách đáng ngạc nhiên so với lứa tuổi.

Bữa tối cuối tuần đó, dịp Trung Thu, cả gia đình bác quây quần có bánh nướng, bánh dẻo với trà, anh Hải biểu Vương hỏi chuyện hồi ấy ông bà yêu nhau ra sao. Chị An nói Vân hỏi đi, bà vui lắm ấy. Thấy Vương e ngại, anh Hải nói lớn, bà ơi, xưa bà gặp ông, yêu ông ra sao, thằng Vân nó muốn biết nè.

Bác Hãn gái linh hoạt hẳn lên. Đôi mắt sáng vui, miệng cười rạng rỡ toát lên vẻ nhí nhảnh xen lẫn mơ màng. Vương tự thấy không lầm khi dùng từ mơ màng, quả thật gương mặt và phong thái của người phụ nữ cao tuổi lúc đó hàm chứa trở lại bao nhiêu nét dáng xuân thì. Bác gái vui vẻ chạy đến ngồi cạnh vỗ vai Vương:

– Để bác kể kỹ nhá. Lâu rồi, vẫn còn nhớ in đấy. Lúc ấy chúng tôi đi chung tàu. Đi cả tháng, tàu qua bến này, bến kia. Nhờ người quen nói, bác biết bác trai chú ý bác.

Bác Hãn gái càng kể vui hơn, linh hoạt hơn, quay sang chỉ chỉ bác Hãn trai và liếng thoắng, đúng không nào, bác trai để ý bác từ lâu rồi nhé. Bác Hãn trai vẫn ngồi im, lúc đầu tựa không nghe thấy gì, rồi sau ừm ừm nhẹ mấy tiếng trong cổ họng, nhưng Vương cảm từ ông niềm vui tự hào chân thực.

– Rồi ngày kia, có tiệc trên boong, bác trai cũng nói chuyện với bác, bác trai đưa bác tờ giấy chép một bài thơ. Để bác đọc cho nghe này... Bà lim dim, hơi ngẩng lên trời, đọc rõ từng chữ bài thơ đó. Hình như một câu trong bài thơ đó nói về trăng.

Tới giờ, ba chục năm sau, Vương không quên dáng bộ, nét mặt tươi vui của bác Hãn gái khi ấy. Trong anh tình cảm ấm áp pha lòng ngưỡng mộ mối tình của hai ông bà. Ông làm gì, sống ra sao mà được bà kính trọng, yêu thương một tình yêu năm chục năm vẫn trẻ trung và khăn khít dường ấy? Lại một bài học quí giá từ hai bác!

Sau đó, bác Hãn trai chép cho Vương bài thơ tặng bác gái. Không phải bài thơ trên boong tàu, mà một bài thơ khác, thất ngôn bát cú, đại ý nói quý người thục nữ tuổi trẻ, chí lớn, xin được cùng nhau nương dựa cho suốt cuộc đời phụng sự non sông.

Trên tờ giấy màu xanh, bác Hãn chép bài thơ đó bên trên, chép bài Vịnh Cam Tuyền Dã Thự bên dưới. Bác hỏi Vương muốn đề tặng ra sao, Vương xin bác hai chữ môn sinh. Bác chậm rãi viết Vài Dòng Tâm Sự Gởi Môn Sinh Vương Ngọc Hân, đề ngày, ký tên và đóng triện.

Kỷ niệm rất quí đó đã bị nước mưa dột phá hủy khi cất nhà năm 1994.

Dù lấy văn chương làm thú giải trí chính, mối quan tâm lớn hơn của Vương lúc đó lại là những ngày bác làm việc trong chính phủ Trần Trọng Kim, các ngày sau khởi nghĩa 1945, các mối quan hệ của bác với những nhân vật lịch sử… Không cần phải lựa lời vì sau một lần đề cập là bác sẵn sàng: “Bác cũng muốn nói cho các người trẻ như cháu ghi lại. Lịch sử chưa xa nhưng không còn gần, và xã hội Việt Nam mình chưa biết tôn trọng giá trị sự thật của các tài liệu lịch sử…”

Bác Hãn đã kể cho Vương nghe về chính phủ Trần Trọng Kim, lúc chuẩn bị thành lập, khi hoạt động, những ngày sau Cách Mạng Tháng Tám. Kể về những ngày bác ở Hà Nội trước và sau năm 1950, về các nhân vật thời đó như ông Hồ Chí Minh, hai anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, các ông Phan Anh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tường Tam, cùng một số vị khác, bác kể về những người bạn thời Thanh Nghị… Bác giới thiệu Vương với các bạn như ông Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Cổn… Được tiếp xúc, nói chuyện với các vị này, Vương nhận thấy kiến thức mình mở hơn một nấc, vững hơn một nấc, tâm tính trầm hơn một nấc…

Lê Học Lãnh Vân

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us