Người bác sĩ và những cơn go của sản phụ
Người bác sĩ
và những
cơn go của sản phụ
Nguyễn thị Kim Thoa
Tôi bắt đầu Ký ức trường Y với một sự kiện nhỏ xuất hiện vào đầu năm học cuối. Sự kiện diễn ra trong một đêm trọng đông năm Ất mẹo – 1975. Đêm trời rất lạnh vì đây là xứ Huế, và đây cũng là mùa đông đầu tiên người Huế đối diện với cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa. Trong lòng người Huế manh nha hai cực đối lập từ một biến cố to lớn. Có niềm vui tràn trề của người chiến thắng và trùng phùng. Cũng có nỗi đau và niềm cực nhục của những người chiến bại và chia ly. Gia đình tôi có người ở cả hai phía. Do vậy nỗi niềm tưởng có thể chia đều. Nhưng cuộc sống con người chẳng hề đơn giản như thế. Bởi giá trị lịch sử trong trường hợp Việt nam cận hiện đại vô cùng tương đối. Đúng sai, tốt xấu, hiền lương và ác hiểm gần như không có ranh giới. Người Mỹ đã ra đi, chiến tranh đã chấm dứt, đất nước đã liền một dải, đó là sự thật. Sự thật này đáp ứng ước vọng của nhiều người trong cộng đồng dân tộc. Nhưng cách mạng Xã hội chủ nghĩa lại là một sự thật khác. Sự thật này chỉ thể hiện ý chí của một thiểu số. Và đa số trở thành lũ chuột thí nghiệm của một giấc mơ hoang đường. Một cuộc xung đột mới tức thời nổ ra trong mỗi một con người, mỗi một gia đình, mỗi một địa phương và trong cả đất nước. Chỉ sau một đêm, thiểu số “người giải phóng” trở thành đầu mối của rất nhiều tai ương hoạn nạn cho đa số quần chúng “được giải phóng”. Hiện thực tăm tối của cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa đã đẩy cuộc chiến tranh huyền thoại chống xâm lược từng bước ra khỏi ký ức của nhân dân. Thay vì tiếp tục học để chuẩn bị tốt nghiệp, chúng tôi, tất cả mọi sinh viên trường Y Huế và sinh viên các trường đại học khác trên toàn miền Nam ngày hai buổi bị đẩy đi lao động chân tay tại các ao hồ, đồng bãi và học tập chính trị tại các giảng đường. Trong thời gian ấy các sinh viên y khoa chúng tôi còn thay nhau trực tại các khoa phòng của bệnh viện. Và sự kiện đáng nhớ nhất suốt bảy năm học trường Y của tôi trở thành bài học để đời.
Tại phòng chờ sinh hôm ấy, một tốp sinh viên từ năm thứ ba đến năm thứ sáu, cùng các nữ hộ sinh, chúng tôi chia nhau tiếp nhận những sản phụ có vóc dáng và thể trạng khác nhau. Đa phần với bụng bầu lớn, mặt mày nhăn nhó, áo quần xộc xệch. Sản phụ do tôi đảm nhận trái lại là một người khác thường, chị gầy guộc nhỏ nhắn, đến ngày sinh nở mà vẫn nhẹ nhàng thanh mảnh. Làn da xanh tái, chiếc áo sơ mi nam giới màu xanh đậm rộng thùng thình, chiếc khăn móc bằng len màu đen khoác quanh bờ vai là dấu chỉ của sản phụ. Nhìn kỹ mới thấy cái bụng bầu nhỏ bé nhô lên dưới chiếc quần thun ống túm.
Chị đưa cho tôi tấm căn cước và giấy giới thiệu của cơ quan để làm thủ tục nhập viện. Qua những giấy tờ ấy tôi biết chị tên Nguyễn hữu Tịnh Biên, sinh năm 1946, trình độ đại học, nhân viên văn phòng, chồng sĩ quan quân đội Cộng hòa mất tích, địa chỉ Hương Lưu, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.
Qua khai thác bệnh sử, tôi biết thêm: đây là lần sinh thứ tư của sản phụ có Para: 4004(1)…Ngày kinh cuối cùng: 20 – 3. Ngày sinh dự đoán: 27 tháng 10.
Có thai lần thứ tư nhưng cái bụng bầu của chị còn nhỏ hơn so với bụng bầu những thai phụ con so. Bề cao tử cung 34cm, một bề cao có thể tiên lượng đây là một bào thai suy dinh dưỡng. Cân nặng của thai nhi chắc không đầy 2,5kg.
Sản phụ khai chiều nay khi bê đặt chồng sách vào kệ, chị thấy ra chất mè tây và tối nay chị thấy ối rỉ. Kinh nghiệm qua ba lần sinh, chị biết mình sắp chuyển dạ nên đến bệnh viện mặc dù chưa có cơn đau.
Người phụ nữ mảnh mai, xanh mướt ngồi một mình nơi ghế đợi cùng với chiếc giỏ mây cũ đựng các vật dụng cho trẻ sơ sinh. Trên tay chị là một tập giấy gồm nhiều tờ rời khác nhau được lấy từ các tập vở cũ, đóng lại bằng mấy sợi len đỏ, buột thêm một cây bút bi lủng lẳng. Tập giấy đầy chữ viết cũng với nhiều màu mực khác nhau: xanh, đen, tím và có trang bằng cả bút chì. Tôi thấy chị lật từng trang đọc lẩm bẩm rồi thỉnh thoảng cúi đầu viết mấy dòng vào trang trống.
Trong phòng chờ sinh, các sản phụ rên rỉ vì cơn đau. Có người bíu vào thành cửa sổ hành lang, có người bíu vào vai chồng hay người thân như muốn sang sẻ bớt cái đau, và cũng có người rên la khóc thét. Riêng chị Tịnh Biên ngồi yên nơi chiếc ghế dài, tay cầm tập giấy, chốc chốc lại dở ra đọc rồi viết. Khuôn mặt trái xoan trắng xanh thỉnh thoảng cau lại bởi cái nhíu mày, cái mím môi chịu đựng.
Tôi gọi tên chị và hỏi danh tính người nhà đi cùng để ghi hồ sơ. Chị cho biết: Khi cần báo tin cho bà: Cao thị Liên Ngộ địa chỉ: số… đường Hồ Xuân Hương, Gia Hội.
Vì không thấy cơn đau nên các nữ hộ sinh không chú ý lắm đến sản phụ này. Nhưng cái tên Tịnh Biên của chị, cái tên Liên Ngộ của bà mẹ, cái dáng mảnh mai, cái cách chịu đựng cùng dáng vẻ cô đơn đến mủi lòng đã gây sự chú ý cho tôi. Một lần nữa tôi nói với người nữ hộ sinh trưởng ca trực đêm đó: Ca này, để dành cho tôi.
Người nữ hộ sinh cười và nói:
– Con thứ tư thai nhỏ, chắc đỡ dễ thôi.
– Có lẽ thế, tôi trả lời lấy lệ, nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ đây là một ca khó. Đau đẻ là chuyện bình thường. Không đau mà đẻ là có vấn đề. Phần khác vì vẻ đẹp dung dị, thanh thoát, vì dáng vẻ cô đơn, lẻ loi của sản phụ đã khiến tôi muốn nhận đỡ ca này.
Người sản phụ vẫn ngồi một mình, một rồi hai giờ trôi qua, không thấy có thân nhân đến. Mười một giờ đêm, các sản phụ lên cơn đau đi quanh căn phòng chờ sinh, những người khác chưa có cơn đau đã lên giường yên ngủ. Người sản phụ tên Tịnh Biên của tôi vẫn ngồi lặng lẽ lật từng trang giấy, đọc và viết. Tôi đến gần, chị vội gấp tập giấy lại.
– Nếu không thấy có cơn đau chị nên vào giường nằm nghỉ một chốc cho khỏe. Tôi nói.
– Bụng cấn khó nằm lắm, chắc thai xuống rồi, tôi đi lại một vài vòng cho đỡ cấn. Nói rồi chị đứng dậy, tay vẫn không rời tập giấy, chị đi lui đi tới trong phòng chờ sinh. Một mình và cô đơn.
– Sao chưa thấy người nhà của chị đến? tôi lại hỏi tiếp.
Vừa dứt câu hỏi tôi thấy một bà già trạc 70, mặc bộ áo quần màu lam, khoác bên ngoài chiếc áo len cánh màu tím than, đầu trùm một chiếc khăn nỉ ca rô màu mận chín. Một tay bà dắt bé gái khoảng 3 tuổi thúng thính trong chiếc áo len đan tay rộng quá cỡ màu hồng đã cũ, tay kia bà xách chiếc giỏ bện bằng sợi nilon đựng chiếc bình thủy và chai nước, đi lại. Sau lưng bà còn một bé gái chừng 7 tuổi và một bé trai nhỏ hơn. Cả hai đều mặc những chiếc áo len màu xanh nước biển đậm. Ba đứa trẻ đều được trang bị mũ, tất tay, tất chân đan bằng len rất khéo. Đứa bé gái nhỏ nhất nắm chặt lấy tay bà, hai đứa còn lại rụt rè nhìn quanh. Trông thấy bà già và ba đứa trẻ, sản phụ lên tiếng:
– Sao mạ không cho các cháu ngủ rồi đi.
– Dì Tịnh Bân đi làm chưa về, mạ sợ con sinh không có ai nên dắt luôn cả ba đứa nó đi. Con Tịnh An nó khóc hỏi mẹ nên mạ thấy cũng tội, hồi chiều mạ đã cho bọn trẻ ngủ thêm rồi.
Tôi nói với sản phụ:
– Chị nên nghỉ cho khỏe để chốc nữa lấy sức mà sinh.
Chị đứng dậy, ba đứa nhỏ vây quanh chị. Chị đưa tay xoa đầu đứa nhỏ nhất và bảo.
– Con sắp có em rồi, phải ngoan hơn nữa nhé.
– Có em rồi ba có về không mẹ? thằng anh hỏi.
Chị lại xoa đầu thằng anh và nói:
– Ba bận nhiều việc lắm, mẹ con mình còn phải chờ ba xong công việc chưa đã. Sản phụ nói trong nghẹn ngào rồi đưa tay chùi vội nước mắt.
– Có ba hay không có ba An Bình là con trai lớn trong nhà phải giúp bà và mẹ chứ. Bà lão cầm tay thằng bé nói rồi cười gắng gượng.
Đi qua lại vài vòng, bỗng chị gọi:
– Cô ơi, hình như tôi đã vỡ ối.
Tôi rời bàn trực đến cạnh chị, đúng là ối đã vỡ. Tôi dìu chị vào phòng sinh đồng thời bảo cô nữ hộ sinh thực tập cầm theo chiếc giỏ mây để soạn đồ cho em bé.
Tôi đếm cơn go tử cung và thăm khám âm đạo.
Cơn go ngắn, thưa, cổ tử cung mở hai phân nhưng ối đã vỡ.
Tôi bốc bụng(2) tạo cơn go. Một vài cơn go xuất hiện, tầng suất thưa nhưng cường độ lại rất mạnh, cơn go hằn lên dưới lớp da bụng mỏng không có lấy một tổ chức mỡ nào.
Mười phút trôi qua cơn go vẫn thưa, thỉnh thoảng người sản phụ khẽ rên nho nhỏ, chị gọi thầm tên ai đó và rồi từ khóe mắt những giọt lệ lăn dài. Nhìn người sản phụ trên bàn sinh, cô đơn, chịu đựng, thiếu bóng dáng người đàn ông của mình, lòng tôi se thắt lại. Tôi đi lại chỗ chiếc giỏ mây kiểm tra xơ tã của em bé trong lúc chờ đợi cơn go tiếp theo.
Trong chiếc giỏ mây tôi thấy có ba tấm xơ (áo trẻ sơ sinh) hồng đã bạc màu, áo thuộc loại vải tốt, nhãn hiệu Baby vẫn còn rõ nét, được ủi xếp ngay ngắn, năm tấm tã xéo bằng vải ca tê trắng đã đổi sang màu ngà khổ rộng, may viền rất kỹ, xếp ủi cận thận. Hai tấm khăn lông cỡ lớn màu vàng tuy đã cũ nhưng rất mềm mại. Hai đôi bao tay và hai đôi tất chân may từ phin nõn, bên trong đường may được vắt sổ bằng tay rất kỹ. Một bộ đồ len sơ sinh gồm áo, mũ, tất tay, tất chân màu hồng đã cũ còn thơm mùi long não. Tất cả các thứ đó đều có thêu ở góc hai chữ BH lồng nhau theo mẫu chữ viết rông, màu chỉ đỏ thẫm. Một bình sữa bằng thủy tinh với hai nắm vú cao su mềm đặt trong một chiếc hộp giấy bìa cứng. Hai cuộn băng rốn màu vàng được quấn lại cẩn thận, buộc chung quanh bằng những sợi len đỏ. Một hộp vải rà miệng cho trẻ may bằng thứ vải mùng mịn. Chai mật ong nhỏ bọc chặt bằng giấy báo, gói trong chiếc khăn mặt cũ, đặt ở góc giỏ. Tất cả những vật dùng cho đứa trẻ sắp chào đời đều là đồ cũ nhưng được chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh tươm đã khiến cho tôi xúc động.
Nghĩ về cơn đau của người phụ nữ khi vượt cạn, tôi ước gì họ có được người chồng bên cạnh và được nghe những giai điệu các bài ca mà họ yêu thích.
Từng cơn gió lọt qua các khe cửa lá sách bị hỏng trong chiến tranh chưa được sửa chữa lại làm tôi rùng mình. “Nghe gió lạnh về đêm. Hai mươi sầu dâng mắt biếc. Thương cho người rồi lạnh lùng riêng”. Tình cờ tôi bật lên tiếng hát khe khẽ.
Ngoài phòng chờ sinh vẫn còn những tiếng rên la “mẹ ơi đau quá… anh ơi đau quá… trời ơi đau quá… Phòng sinh bên cạnh có tiếng oe oe của một đứa trẻ vừa lọt lòng. Tiếng bánh xe đẩy sản phụ chuyển phòng hay chuyển đi mổ. Tiếng người nhà nói chuyện hoặc hỏi thăm nhau. Một dãy ba phòng sinh nối tiếp không có hệ thống cách âm nên vẫn nghe những âm thanh tạp nhạp như thế.
Tôi ra ngoài tìm người nhà của sản phụ để hỏi xem họ có muốn lấy nhau(3) về chôn hay không? Tập tục của người dân xứ này là hay đem nhau về chôn ở gốc chuối hay bụi dâu (nếu là bé gái người ta thường chôn ở gốc chuối cho đứa bé mát da mát thịt, nếu là bé trai người ta thường hay chôn dưới bụi dâu tằm để mong người con trai về sau sẽ tang bồng hồ thỉ).
Tôi nhìn quanh và thấy bốn bà cháu đang ngồi nằm trên một tấm nilon dưới chân cầu thang. Thấy tôi bà lão vội chạy lại hỏi:
– Em nó sinh chưa cô?
– Chưa đâu thưa bà, cổ tử cung mới mở ba phân thôi, nhưng vì ối đã vỡ nên phải theo dõi thêm. Cháu hỏi bà có muốn lấy cái nhau về không. Nếu có bà đưa cho cháu cái bao nilon. Bà lão vội lục túi xách lấy ra một cái om đất cỡ nhỏ đưa cho tôi. Bà nói:
– Cô có thể bỏ nhau vào đây.
– Sao bà không kiếm cái túi nilon cho nó tiện.
– Cái túi nilon làm cái nhau nó nóng, tội em bé, mình chịu khó ôm cái om này để về chôn luôn thể.
Thấy bà lão chuẩn bị kỹ càng cho đứa cháu sắp ra đời, tôi bồi hồi xúc động cầm cái om đi vào, vừa đi vừa nghĩ: Có mấy người mẹ xứ Huế còn giữ được những tập tục này? Đến thế hệ mình chắc tất cả đều bỏ thùng phế thải.
Gần một giờ trôi qua, cổ tử cung đã mở gần tám phân, xóa gần hết, nhưng cơn go vẫn còn thưa, đầu thai nhi còn cao lỏng.
– Nên chuyền ocytocine cho đẻ chỉ huy, chị nữ hộ sinh góp ý.
Tôi phân vân nghĩ, có lẽ phải hỏi thêm ý kiến của bác sĩ trưởng tua.
– Mời bác sĩ trưởng tua, tôi bảo.
– Không cần đâu, thai nhi nhỏ, chuyền thuốc chắc đầu sẽ xuống. Chi nữ hộ sinh nói tiếp.
– Hãy mời bác sĩ trưởng tua, có thêm ý kiến vẫn hơn, tôi nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết.
Bác sĩ trưởng tua trực hôm đó là vị bác sĩ giảng viên trường Y.
– Có gì không Thoa, vừa bước vào, anh đã hỏi.
– Con thứ tư, thai nhỏ, ối vỡ, đỉnh phô, mở tám phân, cổ xóa hết, đầu cao lỏng, tim thai tốt, cơn go mạnh tầng suất thưa. Tôi trình bày.
Người bác sĩ xem lại hồ sơ, nghe lại tim thai, khám âm đạo kiểm tra.
– Chuyền ocytocine không bác sĩ, chị nữ hộ sinh hỏi.
– Không đâu, cho largactil, bốc bụng và đẩy, tôi sẽ lận col(4). Người bác sĩ nói rồi quay qua tôi anh bảo:
– Đây là l’état spasmodique(5), em phải cẩn thận. Cơn go thưa nhưng cường độ mạnh, thường có ở những phụ nữ có quá nhiều stress(6), ocytocine có thể làm vỡ tử cung. Dùng spasmolytic và lận col không được thì phải césarienne(7). Chuẩn bị cắt sàn âm đạo.
– Con thứ tư thai nhỏ, sao phải cắt sàn âm đạo. Tôi hỏi.
– L’état spasmodique, cắt sàn âm đạo để an toàn cho đứa nhỏ và tránh mất đàn hồi vùng âm đạo cho sản phụ về sau.
Người bác sĩ trưởng tua vừa giảng giải vừa chăm chú làm, thỉnh thoảng anh nói với sản phụ:
– Chị gắng rặn thêm vài hơi nữa, cháu sắp ra rồi. Chị thích cháu trai hay cháu gái… Anh nói và đôi lúc huýt sáo nhỏ một giai điệu. Cách anh trò chuyện hoặc hát nhỏ trong lúc thao tác không những làm cho sản phụ an lòng mà làm cho cả tôi cũng thấy bình tâm hơn trong một ca đỡ khó.
Trên mặt sản phụ lấm tấm mồ hôi, nước da xanh trắng của chị lại càng xanh trắng hơn. Khi cơn go đến, sản phụ níu chặt thành giường nhưng tay vẫn không rời tập giấy.
– Đầu cháu sắp xuống rồi, chị rán rặng một hơi dài nữa đi, người bác sĩ nói với sản phụ đồng thời anh bảo tôi chuẩn bị cắt sàn âm đạo. Anh nhẹ nhàng đưa hai ngón tay lận col, kẹp và đưa đứa bé ra ngoài khi tôi vừa cắt xong sàn âm đạo.
– Một hoàng tử – anh nói lớn.
Tiếng khóc oe oe của đứa trẻ làm gương mặt người sản phụ sáng lên, chị nhoẻn miệng cười nhưng rồi vì kiệt sức chị đã lịm đi. Tập giấy trong tay chị rơi xuống nền nhà.
Kẹp cắt rốn rồi đưa đứa trẻ cho chị nữ hộ sinh chăm sóc, người bác sĩ cởi găng tay và bảo với tôi:
– Làm épisiotomie(8) cẩn thận, may ba lớp. Cơ địa của sản phụ này rất dễ bị bung chỉ may. Nói rồi anh bắt mạch, kiểm tra lại huyết áp. Anh cúi xuống lượm tập giấy lên và nói:
– Không biết kinh sách gì mà chị ấy giữ kỹ thế. Cẩn thận anh lật từng trang, nhưng đọc được mấy dòng, vẻ mặt cau lại, anh thận trọng đặt tập giấy lại dưới tay sản phụ. Anh hít thật sâu và thở ra một hơi dài.
– “Còn có cơn go nào đau hơn” ? Anh nói một mình.
Anh đến bên nôi đứa bé nhìn nó thật sâu, rồi bước ra khỏi phòng vừa đi vừa huýt sáo câu hát “Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”.
Tôi cầm tập giấy đầy chữ viết đọc lướt:
Ngày…tháng …năm… Bãi biển Thuận An, cát sao trắng quá, biển sao xanh quá, em đi đã ba ngày từ làng trên xuống làng dưới…
Ngày… tháng… năm… Có quá nhiều ngôi mộ vô danh do dân làng chôn vội… biết tìm đâu?...
Ngày… tháng … năm…Nếu linh thiêng xin cho em tìm ra nơi anh nằm…
12 giờ đêm 24 tháng 9 năm Ất mão: anh ơi! Em sắp vượt cạn một mình…
“Còn có cơn go nào đau hơn” ? Tôi lập lại lời vị bác sĩ đàn anh. Cũng một mình.
Ca sinh khó đã kết thúc, hai mẹ con chị Tịnh Biên được chuyển về phòng hậu sản. Sinh viên thực tập bọn tôi một số về phòng trực, số còn lại tiếp tục theo dõi các sản phụ chưa sinh. Chúng tôi mỗi người chọn một chỗ để nghỉ ngơi hoặc tụ đôi tụ ba trò chuyện. Tôi được các bạn ưu tiên cho ngả lưng trên chiếc giường duy nhất. Muốn chợp mắt một lúc nhưng không tài nào ngủ được. Tôi vốn sức khỏe không tốt, từ sau “biến cố đổi đời” lại thêm chứng mất ngủ. Mất ngủ do đói và cũng do rối rắm trong lòng nhiều chuyện. Là sinh viên chúng tôi có trợ cấp 18 đồng, trên lý thuyết được mua các nhu yếu phẩm và 4kg gạo thêm 12kg khoai sắn khô bằng số tiền ấy. Với tiêu chuẩn đó không đủ dinh dưỡng cho một nhân khẩu huống hồ còn chia sẻ cho người không được ưu tiên trong gia đình. Thông thường chúng tôi đói hay thiếu thốn nhất là những đêm trực. Đêm hôm đó đói cọng với tình cảnh người sản phụ “đẻ không đau” khiến lòng tôi xốn xang xao xuyến.
Một tháng trước người chị thứ hai của tôi cũng là một sản phụ của nơi này. Chị hai tôi và người sản phụ có tên Tịnh Biên có hoàn cảnh tương đồng. Cũng có chồng mất tích tại cửa biển Thuận An, cũng bụng mang dạ chửa, cũng có ba đứa con tay dắt tay bồng, cũng viên chức nhà nước lưu dụng, cũng lang thang thất thểu đi tìm chồng mỗi cuối tuần khắp một dãy làng ven biển từ Thuận An đến Đà Nẵng dưới nắng cháy, mưa dầm, và rét buốt, cũng đói, cũng khát, cũng nhớ thương, cô đơn và tuyệt vọng. Chỉ có một sự khác nhau giữa hai người: Chị tôi, khi đau đẻ thì kêu la, khóc thét vì có mẹ, có em là tôi bên cạnh, có anh rể là bác sĩ sản khoa đứng ngoài yểm trợ tinh thần, nên mọi đau thương như được san sẻ. Cuộc sinh nở diễn ra bình thường chóng vánh. Tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi đứa bé chào đời. Còn người sản phụ có tên Tịnh Biên của tôi, mọi đau thương nhung nhớ chị nuốt vào trong một mình. Khi cuộc vượt cạn diễn ra chị đang cưu mang một nỗi đau khác âm thầm nhưng khốc liệt hơn. Cơn đau tinh thần đã làm biến mất cái đau thực thể, cơn go không đủ để tạo những chuyển động khả dĩ mở đường cho đứa bé ra khỏi lòng mẹ. Ca đẻ trở nên khó, nếu không có bác sĩ giỏi, việc sinh nở của hai mẹ con sẽ có kết quả xấu với những mức độ khác nhau. Dĩ nhiên tôi đã thở phào khi ca đẻ mình phụ trách mẹ tròn con vuông nhờ sự hiểu biết thấu đáo, định bệnh chính xác, y lệnh dứt khoát, kỹ năng khéo léo và đặc biệt nhờ lòng tận tụy và phong cách rất nhân văn của người bác sĩ trưởng tua.
Những khoảng thời gian còn lại của đêm trực tôi đã trằn trọc không yên trên chiếc giường các bạn đã ưu tiên: “Có cơn go nào đau hơn”…, câu nói bỏ lửng của người bác sĩ trưởng tua đã đeo bám tôi cho đến sáng.
Đến giờ làm việc của sáng hôm ấy, khi nhóm sinh viên thực tập chúng tôi đã tề tựu đông đủ ở phòng trực, người bác sĩ trưởng tua bước vào với giai điệu huýt sáo vui như một lời chào.
Bắt đầu từ năm thứ ba, sinh viên chúng tôi dần dần tiếp cận, thân quen, quí mến và kính trọng người bác sĩ trẻ có kiến thức uyên thâm, có lòng tận tụy với công việc, có thái độ hòa ái, chu đáo với đàn em, đặc biệt hay huýt sáo, hát hay đọc nho nhỏ một khúc nhạc, một đoạn thơ. “Sinh hoạt văn nghệ” của anh không có tính cách phô trương, không gây ồn ào, huyên náo làm khó chịu đám đông, nó chỉ vừa đủ để lọt tai một vài người gần gũi, là lời chào buổi sáng, là sự chia sẻ nỗi đau và gây niềm tin cho sản phụ, là lời tự sự kín đáo, là câu nói bỏ lửng mà đồng nghiệp, đàn em (sinh viên lớp dưới) và học trò tình cờ nghe được.
Nội dung buổi giao ca sáng hôm ấy của người bác sĩ trưởng tua là một bài giảng rất kỹ về l’état spasmodique ở sản phụ mà khi đêm anh đã ra y lệnh và thao tác chỉ dẫn. Mấy dòng ký ức này tôi không ghi lại diễn biến buổi giao ban ấy. Tôi chỉ nhớ lại những nhấn mạnh xa đề mà vị bác sĩ giảng viên trưởng tua đã cố tình lưu ý tất cả chúng tôi. Anh nói: “Người thầy thuốc thực hiện đầy đủ chức năng nghiệp vụ của mình khi đặt sản phụ trong bối cảnh sống của họ. Không có một giải pháp duy nhất cho tất cả mọi đối tượng. Mỗi đối tượng là một giải pháp. Những bài học ở giảng đường dù có sâu rộng và chính xác đến đâu cũng chỉ là những nguyên lý. Một nguyên lý khi đem áp dụng vào thực tế trở thành những giải pháp khác nhau. Thế giới sản phụ trải nghiệm là một thế giới đau thương và thường trực biến động. Người sản phụ đến với chúng ta không nhất thiết chỉ có cơn đau ở vùng dạ con. Cùng một lúc trên cơ thể sản phụ có hai hay nhiều cơn đau khác nhau hoành hành. Các cơn đau tương tác và chế ngự lẫn nhau. Có thấm thấu các cơn đau của người sản phụ, người thầy thuốc sản khoa mới đến gần đạo lý nghề và nghiệp của mình…”
Xin lỗi bác sĩ Văn Quảng, người bác sĩ trẻ giảng viên trong mấy dòng ký ức này là anh. Người sinh viên năm thứ sáu anh trực tiếp chỉ dạy trong đêm trực cuối năm 1975 là tôi. Tôi xin chịu lời trách mắng của anh rằng câu chữ anh đã nói trong buổi giảng bài gần bốn mươi năm trước tôi tường thuật lại không được chính xác vào thời điểm này (tháng 8 – 2012). Giả định rằng do một cơ duyên nào đó, thầy trò, đàn anh, đàn em của trường Y khoa Huế ngày xưa tình cờ gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi ôn lại quãng đường đã qua, chúng ta không khỏi thốt lên những lời mà người ngoài cuộc mới nghe qua chẳng hiểu mô tê, ất giáp gì. Mâu thuẫn và thiếu logic quá: Thay đổi, thay đổi nhiều quá… y như ngày xưa… chẳng khác tí nào… Thay đổi, thay đổi, thay đổi… Bởi chúng ta không nằm ngoài cuộc vận hành. Thế, tuy nhiên cho dù cuộc vận hành như thế nào, thì sinh viên y Huế vẫn y như ngày xưa: Vẫn nhớ ơn và trọng kính các giáo sư, các thầy các thế hệ đàn anh đàn chị. Và, tất cả chúng ta: Thầy cũng như trò, đàn anh chị cũng như đàn em đều tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống với trọn vẹn lời thề Hippocrates và Hải Thượng Lãn Ông.
Nguyễn thị Kim Thoa
Ghi chú:
-
Bốc bụng: một động tác đặc biệt để tạo cơn go khi sản phụ vượt cạn.
-
Para: một chỉ số trong sản khoa, chỉ lần sinh, lần xảy, lần chết và số con còn sống.
-
Nhau: nhau thai có nơi còn gọi là rau thai, bộ phận nuôi thai nhi khi còn trong bụng mẹ.
-
Col: cổ tử cung
-
L’état spasmodique: cơ địa co thắt.
-
Stress : chấn động tinh thần
-
Césarienne: mổ đẻ
-
Épisiotomie: cắt may sàn âm đạo, từ dùng hiện tại là cắt may tầng sinh môn.
Các thao tác trên Tài liệu