Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bác Tề

Bác Tề

- Nguyễn Ngọc Giao — published 26/02/2021 17:30, cập nhật lần cuối 27/02/2021 18:40


Bác Tề

Nguyễn Ngọc Giao


Bà Phạm Thị Tề (1912-2001) được biết như là quả phụ của ông Vũ Đình Huỳnh, tức là mẹ của nhà văn Vũ Thư Hiên.

Tôi chưa lần nào được gặp bà. Ngưỡng mộ, nghe anh Hiên và mấy anh chị kể chuyện về bà, đọc những lá thư bà viết cho nhà cầm quyền về vụ án « xét lại » mà chồng và con bà là nạn nhân, tất nhiên tôi hằng mong có dịp về Hà Nội, thể nào cũng xin đến thăm bà. Nhưng tôi bị cấm cửa từ mùa hè 1982, mãi đến mùa thu 2001 mới có visa : bà đã từ trần từ tháng 8 năm ấy.

Tết năm ngoái, 2020, tôi được visa sau tám năm cấm cửa (lần này ngắn hơn lần trước), có lẽ nhờ uy danh của ông bạn già Georges Boudarel. Bouda mất cuối năm 2003, Hội những người bạn của Boudarel trao tôi giữ bình tro của anh. Theo ý nguyện của người đã khuất, chị Janine Gillon (chủ tịch hội) và một số bạn bè đã trải một phần tro cốt ngoài khơi cảng Honfleur, cửa sông Seine. Phần còn lại, giữ ở nhà tôi hơn 16 năm, tháng 1.2021, vợ chồng tôi mang về nước. Bình thường di cốt một người đã khuất, ra khỏi nước Pháp phải có giấy tờ, vào Việt Nam phải có visa nhập cảnh. Đó là lệ thường. Nhưng cuộc đời Bouda không « bình thường » cho lắm. Tuy đại sứ Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Thiệp, rất thiết tha với việc này, mấy lần gửi điện về nước, nhưng không cơ quan nào thấy có trách nhiệm cấp visa cho di cốt của một người đã cống hiến cả tuổi trẻ và trung niên cho công cuộc giành độc lập cho Việt Nam, và đã phải trả giá bằng cái án tử hình vắng mặt của một tòa án quân đội viễn chinh Pháp, công bố khi Boudarel trên đường « Bắc tiến », đi bộ gần 2000 cây số từ chiến khu Đ lên Việt Bắc – những năm ấy, đạo quân viễn chinh Pháp vớt vát công cuộc thực dân mà mấy chục năm sau, ông Emmanuel Macron đã một lần thật thà gọi nó là một « tội ác chống nhân loại ». Rời bỏ Lycée Marie Curie Sài Gòn nơi anh dạy triết học – hình như từ Paul Nizan tới Samuel Paty qua Georges Boudarel, những giáo sư triết học Pháp dễ gặp chuyện « phức tạp » –, tham gia kháng chiến Việt Nam, Boudarel chỉ muốn chấm dứt tội ác chống nhân loại, nhưng tòa án binh kết tội anh là « phản quốc » – và cho đến hôm nay, đầu năm 2021, chắc đâu đó còn có người nghĩ như vậy về Boudarel. Nhưng thôi, tôi đã xa đề quá nhiều rồi. Chỉ xin nhắc lại là năm 1967, sau khi tướng De Gaulle ký sắc lệnh ân xá cho mọi hành động phạm pháp diễn ra trong khuôn khổ « các biến cố Đông Dương và Algérie » – trong chính sử nước Đại Pháp nửa cuối thế kỷ 20, ở Đông Dương hay Algérie, không hề có chiến tranh, mà chỉ có những « biến cố ». Sau sắc lệnh ân xá, Boudarel có thể về lại tổ quốc, nhưng không có giấy tờ hợp pháp, nên từ Genève, Thụy Sĩ, những đồng chí của anh phải chèo thuyền, đưa anh qua hồ Léman (nửa phía bắc thuộc Thụy Sĩ, nửa phía nam thuộc Pháp), « đổ bộ » lên bờ quê hương. Năm ấy, Boudaral « đi chui » về nước. Năm 2020, di cốt anh « đi chui » ở sân bay Tân Sơn Nhất, cũng là bình thường. Và di cốt của Bouda đã được trải xuống Sông Bé (gần trụ sở của Đài phát thanh Sài Gòn – Chợ Lớn Tự Do, địa điểm do anh Tư Hiếu, đồng nghiệp ở Đài, định vị), sông Hồng (tả ngạn, gần làng Bát Tràng, với sự có mặt của các anh Hữu Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên) và ngoài khơi Cửa Đại (Hội An, nhờ sự quán xuyến của nhà văn Nguyên Ngọc và nhà thơ Nguyễn Duy).

Ra Hà Nội, ngay sau ngày rải tro Bouda theo dòng Hồng Hà, vợ chồng tôi xin được tới nghĩa trang Văn Điển, nơi an nghỉ của ông Vũ Đình Huỳnh và bà Phạm Thị Tề. Ngày 13 tháng hai 2020, chúng tôi được anh Vũ Chí Dũng và chị Hương, hai người con của ông bà, đưa xuống nghĩa trang, dẫn tới tận ngôi mộ.

 mo


Nhìn tấm ảnh hai ông bà in trên tấm bia, tôi nghĩ tới câu chuyện anh Hiên kể lại trong Đêm giữa ban ngày : họ đã gặp nhau trong dịp lễ tang cụ Phan Châu Trinh năm 1926.  Nàng 14 tuổi, học trường trung học nữ sinh. Chàng 21 tuổi, tham gia Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội từ năm trước. Nàng vận động nữ sinh, chàng nam sinh để tang cụ Phan.

Cuộc đời hoạt động của ông Vũ Đình Huỳnh đã có nhiều sách báo nói tới, của bà Phạm Thị Tề, hầu như không có. Mong sao sẽ có nhà văn, nhà báo nào đi tìm tài liệu và nhất là chứng nhân, trước khi quá muộn, để viết về nhân vật hiếm có này.

Ở đây, tôi chỉ xin ghi lại đôi điều được nghe kể về bà. Ấn tượng nhất là những năm tháng bươn chải nuôi tù của bà. Ông Huỳnh và nhiều đồng chí của ông, những người lãnh đạo Đảng cộng sản cuối thập niên 30 (như Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng…) bị Pháp đưa đi tù Sơn La. Bà lặn lội tiếp tế cho chồng và các bạn, đồng thời kinh doanh để kiếm nguồn tài chính cho cách mạng. Khi họ ra tù hay vượt ngục, bà phải tiếp tục nuôi họ, tránh né sự dòm ngó theo dõi của mật thám Pháp và mật thám Nhật.

Ba mươi năm sau, ông Huỳnh và con trai (anh Hiên) bị bắt « không án » trong vụ « xét lại chống Đảng », ông Huỳnh từ mùa hè 1967, anh Hiên từ ngày Nô-en 1967 ; tù giam 6 năm, quản chế 3 năm. Chín năm trời, dưới bom đạn Mỹ, trong thiếu thốn cùng cực, khó đếm được số trại giam bà đã phải đi đi về về.

Hòa bình lập lại, anh Hiên về nhà năm 1976. Bà vào nam thăm họ hàng, anh kể lại, khi trở ra, mang theo từ ga Hàng Cỏ về nhà mấy bà vợ những đại tá, trung tá… quân đội Sài Gòn lần đầu tiên ra bắc thăm nuôi chồng đang « học tập cải tạo ».  Kinh nghiệm thăm nuôi người thân trong nhà tù « tây » rồi nhà tù « ta », bây giờ bà truyền cho mấy bà mệnh phụ. Rang thịt mặn tới đâu để giữ lâu mà vẫn ăn được, áo quần ra sao để chịu được cái rét buốt của miền bắc. Mấy chữ hòa giải hòa hợp, người ta đã xếp xó ở đâu, nhưng ở ngôi nhà này (số 5 Hai Bà Trưng), nó là những cử chỉ tự nhiên, những tình cảm chân thực nhất.


 vieng

Trước mộ ông bà Vũ Đình Huỳnh & Phạm Thị Tề.
Người đứng bên trái là chị Hương, con gái của ông bà.
Ảnh của anh Vũ Chí Dũng.




Câu chuyện ấy, tôi được nghe Hiên kể cách đây gần ba mươi năm – hình như anh chưa viết ở đâu – tôi còn nhớ mãi. Có lẽ từ đó, mà đối với tôi, bà là « bác Tề ».

Nguyễn Ngọc Giao

26.2.2021




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss