Bài Học Đầu Tiên
Bài Học Đầu Tiên
Lê Học Lãnh Vân
Vương học thực tập thí nghiệm theo cách đi sát với Roland và Anne. Họ đang có một đề tài nghiên cứu, đang làm thí nghiệm gì thì Vương làm theo đó. Họ vừa làm vừa giảng giải, Vương quan sát, và sau đó anh tự làm với sự quan sát và chỉnh sửa của họ, nếu cần.
Do đó, các bài thực tập không theo thứ tự sư phạm. Thay vì học trích ly ARN trước rồi mới học xác định trình tự ARN, anh học theo thứ tự ngược lại. Roland nói điều này cần thiết vì hai lý do, thứ nhất vì Vương không còn ở trình độ sinh viên nên không cần mất thì giờ như vậy, và thứ hai, vì các thí nghiệm rất tốn kém, không cần thiết lập một thí nghiệm riêng cho anh học. Năm 1987, xác định trình tự các phân tử di truyền là một kỹ thuật rất mới, hóa chất cho thí nghiệm rất mắc tiền. Một ống nghiệm chứa vài mililít chất xúc tác (enzym) giá có thể tới vài ngàn quan Pháp!
Tuần rồi Roland đã chỉ Vương cách chạy sắc ký các đoạn RNA dài ngắn khác nhau được đánh dấu đồng vị phóng xạ, cách làm phim âm bản, rồi cách đọc trình tự trên bản phim. Thí nghiệm này để xác định trình tự RNA. RNA là một đại phân tử hữu cơ có kích thước lớn, được cấu tạo bởi các đơn vị là nucleotide sắp xếp cạnh nhau tạo nên một dãy dài, tất cả chỉ có bốn đơn vị nucleotide thôi, và xác định được trình tự sắp xếp các nucleotides là xác định được cấu tạo hóa học của RNA.
Hôm nay, Anne đưa Vương tới bàn thí nghiệm (paillasse) cho bài thực tập trích ly vật chất di truyền RNA.
Một cách vui vẻ, Anne múa máy tay chân, huyên thuyên giải thích. Nghe là lạ sau lưng, quay lại, André đã tới quan sát Vương và Anne từ lúc nào. Cái bóng cao lớn của chiếc áo len vàng, tóc đen, khuôn mặt to với hàm râu quai nón rất rậm điểm cái miệng nhỏ và nụ cười hiền lành của ông ngày đó đã khắc hình ảnh lâu dài trong tâm trí Vương.
André hỏi Anne giải thích vậy có khó hiểu với Vương không. Rồi, xin phép Anne, ông cầm các vật dụng thí nghiệm, tự tay làm cho Vương coi, vừa làm vừa nói nhỏ nhẹ. Nhỏ nhẹ và ngắn, các giải thích của ông đi sát diễn biến thí nghiệm và, một cách tự nhiên, lý thuyết thí nghiệm và thủ thuật thí nghiệm hòa quyện vào nhau đi vào Vương một cách tự nhiên. Và, không chỉ về thực tập thí nghiệm, toàn cảnh cánh đồng sinh học phân tử hiện ra thấp thoáng, bát ngát sau những lời giải thích của André, nhẹ nhàng như tiếng gió êm…
Anne-Marie giơ hai tay lên trời:
- Tuyệt vời, André. Bữa nay tui học lại thí nghiệm này từ anh!
- Bravo! Roland reo lên. Roland cũng đã tới và lẳng lặng quan sát từ lúc nào.
Cùng với Anne và Vương trở về bàn làm việc, Roland cho biết André đã có biệt lệ với Vương, không phải vì sự có mặt của ông mà vì cách làm việc thân tình. Roland giải thích thêm rằng…
André là một nhà sinh vật học tài năng của nước Pháp, vừa giỏi thí nghiệm cũng vừa rất có năng lực tổng hợp. André là người có hiểu biết tường tận nhất về cấu trúc tinh tế của tế bào và bào quan, là chuyên gia về microtubule mà ta có thể hiểu như “bộ xương” tạo nên cấu trúc, hình dạng tế bào.
André có thể tổng hợp kiến thức tiến hóa của giới sinh vật từ giới, ngành, lớp, bộ… tới tiến hóa các dạng tế bào. Từ tiến hóa của các bào quan tới tiến hóa các phân tử sinh học… André đang phụ trách những đề tài tổng hợp và phức tạp. André cũng đang tham gia nhóm hiệu chỉnh chương trình sinh học cho hệ trung học đệ nhị cấp của Pháp. Sau này Vương có dịp dự vài buổi dạy của André để thử nghiệm chương trình, và qua đó anh được học hỏi nhiều điều hay khác của André bên ngoải lãnh vực nghiên cứu khoa học.
Những buổi làm việc đầu tiên tại Pháp cho Vương những suy nghĩ…
Thực tập thí nghiệm là những bài học mà ở Việt Nam thường được cho là không cao về kiến thức vì không chứa đựng kiến thức tổng hợp, chỉ là những bài thực tập minh họa cho lý thuyết. Phải chăng điều này phản ánh tinh thần trọng lý thuyết hơn thực hành trong nền giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng của Việt Nam? Và, hơn thế, phải chăng nó phản ánh và ảnh hưởng ngược lại tới chiều hướng giáo dục thoát ly đời sống thực tế, khoa học nằm ngoài cuộc sống kinh tế kỹ thuật trong đất nước Việt Nam? Nó có liên quan gì tới tinh thần ham muốn bằng cấp hơn là trọng thực học đang ngày càng khống chế và làm đảo lộn nhiều giá trị trong xã hội Việt Nam?
André bỏ cả buổi sáng làm việc tại bàn thí nghiệm với Vương dù đã có Anne, một người rành rẽ về kỹ thuật, và Roland nữa, chịu trách nhiệm việc đó. Điều này do tinh thần trách nhiệm, do lòng tử tế của ông dành riêng cho Vương hay do quan điểm đào tạo, giáo dục của André rằng bước đầu tiên là bước quan trọng nhất?
Trong các lớp của DEA Vương theo học, các môn học liên quan tới chuyên môn của André đều được ông tới tham dự buổi đầu. Bài đầu tiên của ông định vị toàn bộ lượng kiến thức sẽ được người khác trình bày chi tiết trong các buổi tiếp theo. Nghĩa là ông cho biết lượng kiến thức lớp học sẽ tiếp nhận có vị trí như thế nào trong trong hệ thống kiến thức về sinh học phân tử nói riêng, về sinh học nói chung, lượng kiến thức đó nên được dùng như thế nào, nên được kết nối với những nhánh kiến thức gì… Rõ ràng, đây là một phương pháp truyền thụ kiến thức. Theo Roland nói, André đang nhận nhiều trách nhiệm, nếu ở Việt Nam, người ta sẽ nói ông đang “trăm công ngàn việc”, ông có thể thoái thác những việc “nhỏ nhặt”. Nhưng, tại Pháp, ông vẫn chăm chút từng góc công việc của mình, làm tròn từng góc trách nhiệm của mình!
Dù chỉ giảng giải các thao tác thí nghiệm, Vương nghe từ đáy lời nói của André ý nghĩa cao sâu và nền tảng của những kiến thức lý thuyết mới nhất. Làm sao đạt tới độ nhuần nhuyễn, đồng quy kiến thức thí nghiệm và lý thuyết, đơn giản và phức tạp, bề ngoài và bên trong như André?
Bình erlenmeyer là một dụng cụ thí nghiệm làm bằng thủy tinh có tác dụng như một bình đặc biệt đựng hóa chất trong lúc tiến hành thí nghiệm. André cầm erlenmeyer để xuống bàn thí nghiệm êm ru không tiếng động, còn Vương thì, như Anne, mỗi lần để xuống bàn tạo một tiếng “cách”. Bàn tay của André to gấp rưỡi bàn tay Vương!
Một bên to lớn mà êm ru và một bên bé nhỏ mà gây tiếng động, sự khác biệt là độ khéo léo của tay hay quan điểm sống, triết lý sống?
L.H.L.V.
Các thao tác trên Tài liệu