Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bài thơ phản chiếu

Bài thơ phản chiếu

- Lê Học Lãnh Vân — published 05/05/2020 23:05, cập nhật lần cuối 05/05/2020 23:09

BÀI THƠ PHẢN CHIẾU


Lê Học Lãnh Vân



Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan có lẽ là một trong vài bài thơ được lưu truyền rộng rãi và lâu dài nhất trong lịch sử thơ chữ Quốc Ngữ. Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng Màu Tím Hoa Sim, cùng với Đôi Bờ và Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng, là những bài thơ khiến ông xúc động nhất.

– Tôi từng đi qua những làng mạc đó, còn nhớ như hôm qua nắng chiều chiếu trên đồn giặc. Từng gặp những

người vợ chờ, bé bỏng chiều quê

Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
”.

Tôi rợn người vì bài thơ của Hữu Loan rất thật.

Phạm Duy ngân nga giọng nói, mắt nhìn về thủa ấy chiến tranh…

Nhìn lại lịch sử Màu Tím Hoa Sim, tôi thấy bài thơ cũng “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”, phản chiếu cả một lịch sử bi hùng…

Bài thơ được Hữu Loan viết năm 1949 khóc người vợ yêu quí mất trong thời chiến.

Tác giả đã chỉ có vài ngày mặn nồng hạnh phúc.

Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo

Ông, người trai khói lửa, vì chiến tranh phải xa gia đình, cưới nhau xong là đi, để rồi ba tháng sau người vợ chờ bé bỏng chiều quê bị nước cuốn trôi.

Nếu không có chiến tranh, gia đình vợ không tản cư theo chiến lược nhà không vườn trống, thì gia đình bên vợ thượng lưu danh giá có về quê sống để mất người con gái không? Nếu không có chiến tranh, ông ở nhà với vợ, người vợ có mất không? Kẻ hậu sinh cũng rớt nước mắt theo ông

Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
”.

Hình bóng người Mẹ khóc con với chiếc bình hoa ám ảnh.

Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh

Được sáng tác trong chiến tranh, bài thơ được truyền miệng và theo những tờ giấy chép nguệch ngoạc… Chắc rằng nó được nhiều người ưa thích, vì một số vị kháng chiến tại Long Châu Tiền (An Giang) còn nhớ đã đọc nó rất sớm, từ trước hiệp định Genève, vào những năm 1952, 1953…

Từ khi vỹ tuyến 17 rạch đôi sơn hà, cũng như Tổ Quốc, bài thơ có số phận khác nhau trên hai miền Nam, Bắc…

Tại Miền Bắc, bài thơ được Nguyễn Bính đăng trên tờ Trăm Hoa. Trong cuộc đấu tố của giới văn học nghệ thuật, vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm, bài thơ bị phê bình ủy mị tiểu tư sản. Dù không bị/được chính thức liệt vào thành phần “bọn Nhân Văn - Giai Phẩm”, tác giả Màu Tím Hoa Sim phản kháng không khí đấu tố chính trị trong hoạt động văn nghệ, trong tình người. Ông bỏ vị trí trong báo Văn Nghệ, bỏ đảng, về quê sống đời tự do. Phản kháng đó đưa Hữu Loan, một người cách mạng tiền khởi nghĩa, thành viên sáng lập Hội Nhà Văn Việt Nam, trở thành phu đẵn gỗ, đập đá, thồ đá tại chân núi Vân Hoàn, Nga Sơn, Thanh Hóa. Cuộc sống gian khổ và bị vùi dập tới mức nhiều người không tưởng tượng nổi đã theo ông tới gần hết phần đời còn lại. Bài thơ không được phổ biến cho tới sau 1975…

Tại Miền Nam, bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Màu Tím Hoa Sim của Dzũng Chinh, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà của Phạm Duy, Chuyện Hoa Sim của Anh Bằng, cùng nhiều bài phổ nhạc khác…

Bài thơ và các ca khúc như mưa dần thấm đất, giúp cho con người trân quí cuộc sống hơn, lòng người hiền hòa, bao dung hơn, cách cư xử nhẹ nhàng sợ làm thương tổn người khác... Lòng Nhân Ái trở thành giá trị sâu đậm và cao cả. Lòng Nhân Ái thuần khiết đứng trên tất cả sự khác biệt chủng tộc, tôn giáo, đảng phái…

Những ca khúc được các ca sĩ tài danh trình diễn càng giúp phổ biến hơn tên tác giả bài thơ vào lòng công chúng. Cái tên Hữu Loan được yêu mến tại Miền Nam. Sau năm 1975, vào Sài Gòn, ông được giới văn nghệ sĩ tiếp đón thân tình, được nghe đây đó khi dạo phố phường tiếng hát những ca khúc phổ nhạc thơ ông, phổ bởi người bạn cũ Phạm Duy hay người thế hệ sau Dzũng Chinh. Bàn tay thô ráp quẹt nước mắt...

Bài thơ Màu Tím Hoa Sim được viết trong thời chiến chín năm bởi một tài thơ, và không chỉ tài thơ, đất Bắc. Tài thơ này xuất thân cách mạng tiền khởi nghĩa, tham gia giành chính quyền tháng 8 năm 1945. Sau hòa bình lần thứ nhất, đất nước phân đôi, bài thơ bị cấm đoán trên Miền Bắc, nhưng lại tự do phát triển sinh sôi trong không gian sống Miền Nam. Nhiều nhạc sĩ tài hoa phổ nhạc, Phạm Duy, Anh Bằng gốc Miền Bắc di cư vào Nam. Duy Khánh, Dzũng Chinh gốc Miền Nam. Anh Bằng, Dzũng Chinh phục vụ quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Bài thơ, như đất nước, ôm trong lòng nó các thành phần của hai bên chiến tuyến và giới tuyến.

Lịch sử bài thơ cho thấy, dù bị đối xử khác nhau, bản thân sự phổ biến của nó không phân biệt vùng miền, đảng phái. Đậm tình tự dân tộc, nó thầm thì với từng người Việt tình yêu đôi lứa, nỗi đau chiến tranh, phong cảnh quê hương…

Tới bây giờ, bài thơ vẫn còn được rất nhiều người ưa thích, trong lẫn ngoài nước. Thích không chỉ vì là kỷ niệm một thời đã sống, mà còn bởi vì nói lên được nỗi đau còn âm ỉ trong lòng… Cũng lạ, sau ngày hòa bình đã bốn mươi lăm năm, tưởng rằng thế hệ bây giờ đã quá xa xôi cái mô-típ “người trai khói lửa / người gái nhỏ hậu phương”!

Phải chăng hình ảnh “mộ con đầy bóng tối / Chiếc bình hoa ngày cưới / thành bình hương / tàn lạnh vây quanh…” vẫn còn là biểu tượng của một mất mát, một cắt chia trong lòng xã hội bây giờ? Vẫn còn là biểu tượng của một niềm vui đầy hy vọng ngất ngây thoắt đó trở thành thất vọng đớn đau?


Lê Học Lãnh Vân

(ngày 02 tháng 5 năm 2020)




Diễn Đàn : Bạn đọc có thể đọc nguyên văn bài thơ ở đây.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us