BẠT MẠNG KÝ SỰ
Nguyễn Thanh Hiện
BẠT MẠNG KÝ SỰ
Tiểu Thuyết Ít Chữ
TỰ THUẬT CUỘC RONG CHƠI BẠT
MẠNG CỦA DANH SĨ HỌ KHUẤT Ở
ĐẤT BẠT, NƯƠC LÂM BÔN, CUỘC
RONG CHƠI DIỄN RA VÀO NĂM THỨ
14 TỈ LẺ 709 TRIỆU SAU BIG BANG
1. vậy là ta đã lên đường
vào cái buổi sáng thức dậy nhìn thấy đám người mình đầy lông lá kéo nhau đi trên đất bạt, nhìn thấy từ đầu tới cuối, cái đám người kẻ cầm cung tên, kẻ cầm rìu, cầm đá, vừa đi, vừa hươ chân múa tay, vừa cười la chí chóe, ta có cố lắng nghe, nhưng chỉ thấy vui, chứ chẳng hiểu được thứ ngôn ngữ như của bọn khỉ ở trên rừng, ta thấy vui, và cứ thấy muốn bắt chước cái đám người vô tư bàng quang ấy làm một cuộc rong chơi cùng trời cuối đất cho bõ những tháng ngày vô cùng buồn tẻ ở cái mảnh đất ngay phút đầu tiên ta có mặt ở đó cha mẹ ta đã đem nhau rốn của ta chôn ở đó, cái mảnh đất từ lúc được mẹ ta sinh ra là luôn cam chịu đủ thứ, cam chịu cái cảnh đi ra đi vào trên những con đường đầy bùn với phân súc vật mà có diễn giải cách chi, tô điểm cách chi, ca ngợi cách chi, bào chữa cách chi, thì cuối cùng cũng dẫn đến cuộc sống của một anh dân quê đìu hiu lửa khói, bước ra khỏi lòng mẹ thì đã là anh dân quê đìu hiu lửa khói, bước ra khỏi lòng mẹ là đã cam chịu trông thấy cái đám tre làng luôn chĩa ngọn lên trời chìa cành nhánh ra lối đi nắng cũng như mưa ngày cũng như đêm là như luôn cố ôm giữ xóm làng, thứ xóm làng chỉ vào đêm, tức những lúc không trông thấy mặt trời, mới có những phút giây vắng lặng, còn sáng mở mắt ra là lập tức nghe thấy tiếng heo kêu, tiếng con khóc, tiếng vợ mắng chồng, tiếng gà cục tác, tiếng chó sủa, bò ù, có nghĩa ở trên đời này có bao nhiêu thứ náo động lớn nhỏ vắn dài thì đều có bấy nhiêu ở cái mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ta, vào cái buổi sáng nhìn thấy bầy người nguyên thủy kéo nhau qua đất bạt ấy ta cứ muốn lập tức rời nơi chôn nhau cắt rốn để làm một chuyến rong chơi cho thoả chí bình sinh, ta cũng chẳng biết có phải quả thật là sáng ấy ta đã nhìn thấy tận mắt cái bầy đàn nguyên thủy nghìn triệu năm lặng lẽ cuộc giang hồ, hay chỉ là thứ âm vang huyễn hoặc còn đọng lại của một giấc mơ phong trần cát chạy lá bay nào đó xảy ra trong đêm mà ta chẳng còn nhớ nổi, hay chỉ là những thứ kiến thức sách vở kim cổ mơ hồ dồn dập chất chồng đâu đó trong dòng ký ức kỳ khu hỗn độn trong ta bỗng ngoi lên vào cái buổi sáng thức dậy ta cứ thấy muốn hét to lên, chẳng hiểu vì đâu buổi sáng ấy thức dậy ta cứ muốn hét to lên, quả tình là sáng hôm ấy ta thấy vô cùng phấn chấn trong lòng, là thấy rất vui khi trông thấy cái bầy đàn nguyên thủy ấy thảnh thơi bước đi trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, và ngay khi bọn họ khuất dạng ở phía chân trời phía trước là ta lao vào cuộc rong chơi bạt mạng, lúc cỡi thuyền độc mộc lướt biển khơi, lúc phải uống cả nước đái ngựa cho đỡ khát để vượt thảo nguyên,
2. ta đã lập tức nhập vào phe chính nghĩa
ta vừa từ thuyền độc mộc bước lên bờ thì cái thằng cha râu ria như cỏ mọc từ hai mang tai vòng xuống tới cằm ấy đã dang cả hai tay ra đón chào ta như một vị anh hùng thắng trận trở về, hoan hô ông bạn từ đất liền mới tới, quả tình là thằng cha ấy có thứ giọng nói quyến rũ, là ta vừa mới bước lên bờ của một hòn đảo xa lạ, chiến thắng lại thuộc về chúng ta, cái giọng quyến rũ ấy lại vang lên giữa tiếng biển gào, hòn đảo tựa sự đùa nghịch quá trớn của buổi đầu tạo tác, ai lại đem đặt giữa ngàn trùng sóng nước một mảnh trần thế cỏn con như thế, trong cuộc tồn sinh, nó là thuộc về sự lẻ loi, là thuộc về số ít, người ta đem thuyền độc mộc của ta cẩn trọng gác lên chiếc giàn bằng cây gỗ liếp vốn mọc tự đời nào trên đảo, và gọi ta là ông bạn đất liền, hoan hô ông bạn đất liền đã về với chúng ta, cái chúng ta ấy là gồm thằng cha râu ria như cỏ với những người đàn ông, con trai, người nào cũng râu ria như cỏ, chính là do thứ râu ria tùm lum ở trên mặt ấy khiến ta chẳng thể nhận ra người nào là già hơn, người nào là trẻ hơn, chỉ những đàn bà, con gái, do là không râu, nên chỉ nhìn thoáng qua là ta đã nhận ra thứ vẻ đẹp tiềm ẩn trên những gương mặt có cố kín đáo mấy thì cũng tỏa ra thứ sóng nước hữu tình, cái chúng ta ấy là còn có những ông bà lão thoạt trông gồ ghề cộc kệch như đám đá trời sinh chỗ bến đậu thuyền, có nghĩa là chỉ lặng lẽ giữa cõi tồn lưu, nhưng là ta đã nghĩ không trúng, cái bộ phận người có vẻ gồ ghề cộc kêch như đá trời sinh ấy như bỗng rùng rùng nhỏm dậy, vừa móm mém nói, vừa kéo áo chùi nước mắt, hoan hô ông bạn đất liền đã về với chúng ta, có nghĩa cũng hân hoan chẳng kém đám con cháu mình, nhưng thứ hân hoan của đám trẻ nít trùi trụi tựa đám còng nơi bãi biển ấy thì ta chỉ có thể nói một câu thế này, đấy là sự mặc khải của sóng nước trùng dương, nói cho rõ ra, khi thấy có thêm người trên hòn đảo thì niềm vui của lũ chúng là cũng dữ dội ác liệt như cái cách gầm gào của sóng nước trùng dương, thì chẳng phải ngay khi ta vừa bước lên đảo là cái lũ nhỏ sở hữu đủ cả chim cả bướm chẳng thèm che tủ thứ nào ấy đã vây lấy ta theo cái cách đón khách kỳ cục của một hòn đảo kỳ cục, có nghĩa, bấy giờ ta cứ tưởng giống như cái cách chó ỷ nhà gà cậy vườn ở đất liền, có nghĩa, ta cứ tưởng cái lũ nhỏ trần truồng như người hang động ấy là theo lệnh đám người lớn xúm lại để cắn xé kẻ lạ mặt vừa bước lên đảo là ta, giữa lúc lũ trẻ chạy khắp đảo hò reo cho cả bốn phương trời đất biết là hòn đảo kỳ cục ấy có thêm người, thì cái thằng cha có giọng nói quyến rũ ấy đã cho bày cuộc ăn thề, xin mời hết thảy chúng ta cùng nâng chén, cái thằng cha có giọng nói quyến rũ ấy đứng lên nói với cung cách vô cùng chân thành vô cùng thân thiết, ta chẳng dám hó hé hỏi nửa câu, nhưng bấy giờ cứ chắc mẩm ở trong lòng cái thằng cha ấy là kẻ đứng đầu hòn đảo, đảo trưởng, ta nghĩ đấy là đảo trưởng, chẳng phải rượu, lấy đâu ra rượu ở cái cõi người như đang bị tách rời khỏi thế gian ấy, là nước lá liếp, cái giống cây duy nhất trên đảo để lấy gỗ làm chỗ ở cho người sống, làm quan tài cho người chết, và để lấy lá làm trà nước cho những lễ lộc trang nghiêm ở trên hòn đảo, xin cạn chén, cái thằng cha có giọng nói quyến rũ hô lên, và uống cạn bát nước lá liếp của mình, lập tức mọi người trong cuộc ăn thề cũng nâng chén lên, uống cạn, và cùng hô vang sống chết có nhau, chính nghĩa phải thuộc về ta, ngay từ phút lên đường rong chơi, ta đã thề trong lòng là phải chơi cho thoả chí, nên có ngán gì chuyện ăn thề ở một hòn đảo cỏn con, sống chết có nhau, chính nghĩa phải thuộc về ta, ta ráng hô cho thật to để mọi người biết ta là tay ăn chơi hết mực, thì những ngày ta còn trên đảo sẽ chẳng có cái quái gì lại đi xảy ra ở một nơi đìu hiu hút gió cách xa thiên hạ, nên việc gì lại chẳng dám thề sống chết có nhau, cũng có nghĩa là sau đó thì ta đã dong đến chốn khác, thì sợ gì mà không dám nói sống chết có nhau, nhưng đêm đầu tiên ngủ ở trên đảo, vào khoảng quá nửa khuya, ta có thấy lo trong lòng khi nghe thấy như là biển đang tràn lên ở đâu đó trên đảo, hình như là trong đêm có chuyện chi xảy ra, vừa sáng ra, do không giải tỏa được nỗi lo, ta đã đánh liều hỏi tay đảo trưởng, thì đâu có dễ gì đi nuốt lời thề khi có chuyện không lành xảy ra trên đảo, chẳng hiểu thằng cha đảo trưởng nghĩ là ta đã biết chuyện xảy trong đêm, muốn đánh lạc hướng suy nghĩ của ta, hay đấy là cách thể hiện tình cảm sống chết có nhau của một vị đảo trưởng, đã bị đuổi đi rồi cái lũ người mưu toan lấy bớt người trên đảo, thằng cha ấy nói, cái chí ăn chơi trong ta bắt đầu sút giảm, có chuyện mưu toan lấy bớt người của đảo tức là đã xảy ra đánh nhau, khi hiểu thế thì cái lời thề quỉ quái kia cũng bắt đầu lên tiếng trong ta, này anh danh sĩ đất bạt, phải nhớ những gì đã thốt ra trong cuộc ăn thề đấy, chẳng phải là hèn nhát, mà là sợ cuộc rong chơi bị gãy gánh giữa đường, thì chẳng phải nếu làm đúng lời thề sống chết có nhau là ta có thể vong mạng hay sao, có nghĩa là ta phải giữ cái chí ăn chơi thuở ban đầu, có nghĩa là ta phải rời hòn đảo trước khi thực hiện lời thề quỉ quái kia, nhưng khi nghĩ kỹ thì đã đến cảnh ngộ này coi như cuộc đời ta kết thúc, thì chẳng phải ngay từ phút giây vác thuyền độc mộc đi xuống bến nước là ta phải từ giã cõi trần hay sao, bởi đi như thế là phản bội lời thề sống chết có nhau, đi như thế là chống lại phe chính nghĩa, ta chửa biết chính nghĩa ở đấy là cái quỉ quái gì, nhưng đi chống lại chính nghĩa, tức chống lại phe những người trên đảo, thì chết là chắc, vậy mà ta đã không chết lúc vác thuyền độc mộc xuống tới bến thuyền, em không thể sống mà không có anh, cái cô gái hôm đầu tiên ta đến đảo đã nhìn ta với với ánh mắt có nhiều sóng nước hữu tình nhất đã xuống bến nước tiễn ta, như thế là ta đã phải thay đổi hoàn toàn dự tính chỉ mới xảy ra trước đấy mấy phút, phải ở lại để làm tròn lời thề sống chết có nhau, không phải là với hết thảy những người trên đảo, mà là với người con gái của hòn đảo đã yêu ta, người ta lại gác thuyền độc mộc của ta lên giàn gỗ liếp, và cuộc tình sóng nước của ta cứ lặng lẽ diễn ra nơi hòn đảo cho đến hôm bọn người muốn lấy bớt người trên đảo lại kéo tới đảo, trong cuộc đọ sức ấy thì bọn người mưu toan lấy bớt người trên đảo đã chết cả, còn những người của đảo thì chỉ còn sót lại mỗi ta với người con gái ta yêu, bằng sức mạnh của cuộc tình sóng nước, ta cùng người con gái ta yêu vượt trùng dương để đến đất liền, sau cuộc rong chơi này ta sẽ quay lại đón em về đất bạt của ta, ta nói, nàng chỉ để cho nước mắt của mình chảy ra, nhưng chính nghĩa là sao, còn không chính nghĩa là sao, trước lúc ra đi ta lại muốn biết điều bấy lâu muốn biết nhưng chẳng dám hỏi những người trên đảo, người con gái yêu ta chỉ lắc đầu im lặng, ta còn chưa kịp hôn từ biệt nàng, thằng cha chủ xe trượt tuyết đã xía vô mời mọc, ông đi nước búc hay nước lung thì mời lên xe,
3. những bài học trên đường
theo lời thằng cha chủ xe trượt tuyết thì đi nước búc mất mười tám ngày, còn đi nước lung chỉ mất mười lăm ngày, nước búc là đất nước ta nghe nói đến nhiều nhất, thì chẳng phải nơi đó có cuốn sách có cái tên kỳ quái là băng tuyết tinh tuyển đang nổi tiếng trên toàn mặt đất đấy sao, ta quyết định đi ngả mất mười tám ngày, tới lúc đó ta mới chú ý tới chuyện xe trượt tuyết, nhà ngươi bảo đây là xe trượt tuyết, ta hỏi thằng cha chủ xe theo cái cách nhà quí tộc hỏi người đánh xe của mình, và đấy cũng quả là tay giang hồ đàn điệu, thưa ngài, đây đúng là xe trượt tuyết, thằng cha chủ xe chó cũng âm thầm thủ vai tên đánh xe của nhà quí tộc, ta đếm có cả thảy là chín con chó, a xe trượt tuyết là kéo bằng chó, khi biết mình có thêm thứ kiến thức ấy ta cứ thấy khoái ở trong lòng, thì bấy lâu chỉ thấy nói trong sách chứ đã bao giờ tận mắt trông thấy xe trượt tuyết kéo bằng chó đâu, nhưng trời nắng chan chan thế sao lại phải đi xe trượt tuyết, thắc mắc mà chưa dám hỏi là do không muốn để thằng cha chủ xe nhìn thấy chỗ khiếm khuyết trong anh danh sĩ đất bạt, nhưng dường thằng cha ấy đã dòm thấy cái chỗ trống ấy, thưa ngài, chỉ chốc nữa thì sẽ thấy tuyết rơi dày trên mặt đất, mãi mười mấy hôm sau ta mới hiểu lời thằng cha chủ xe trượt tuyết, còn bấy giờ thì chẳng thể che đậy mãi cái chỗ trống trong kiến thức của mình, nhưng chưa có tuyết, sao phải dùng xe trượt tuyết, ta hỏi, thì ngài cứ chờ rồi sẽ biết, cái kiểu trả lời mang tính cách khiêu khích có làm ta tức giận, nhưng nghĩ đường còn dài, phải biết nương vào kẻ đương giúp mình, mười tám ngày đi đường đâu phải là ít, ta nghĩ vậy, và không nói chuyện ấy nữa, mà quay sang nghĩ ngợi về chuyện lũ chó, cái đất nước ta đương ngang qua là đất nước nào mà đi tới đâu ta cũng trông thấy chó, chó chạy ở đằng trước xe, chó chạy ở đằng sau xe, chó chạy băng qua đường, chó giỡn nhau ở vệ đường, chó đứng ở xóm nhà ven đường chõ mồm ra đường mà sủa, đây là đất nước nào mà đi tới đâu cũng thấy có chó, ta hỏi, thưa ngài, chừng nửa ngày nữa là qua khỏi đất nước có lắm chó này thôi, thằng cha chủ xe trượt tuyết đáp, cái kiểu trả lời như chưa trả lời gì cả khiến ta càng thấy tò mò hơn, nhưng tên của đất nước này là gì, ta lại hỏi, thằng cha danh sĩ đất bạt thì muốn nghe nói về cái đất nước lắm chó, nhưng thằng cha chủ xe chó lại đi nói về lai lịch của chó,
người ta nói cái giống vật thân thiết với con người này vốn ở trên rừng, là chó hoang, có bầy đàn đường hoàng, biết hợp sức nhau để chống lại những con thú hoang hung dữ khác, có khi là chống lại một con sói hung hăng, có khi là chống lại một con gấu đang đói, chống bằng cách đứng chụm đít lại nhau, xoay đầu ra bốn phía, và nhe răng ra mà sủa, người ta bảo chính là con người đã bắt chước cái cách lập bầy đàn của chó, nhưng lại chẳng biết sủa theo cái cách của chó, tức là cái cách sủa sao cho con sói con gấu phải bỏ đi chỗ khác, chẳng bắt chước được cái cách sủa ấy, nên con người cứ sủa theo cái cách của con người,
ta đọc sách cũng biết xưa chó vốn là thú hoang, vào thời đá mới, thời đã chuyển từ săn bắn sang chăn nuôi và trồng trọt, thì con người đã thuần hóa được cái loài thú chuyên ăn xác chết này, có lẽ là thuần hóa trước nhất hai loài thú hoang chuyên ăn xác chết là lợn với chó, nhưng chuyện con người bắt chước lũ chó để lập bầy đàn, để nhe răng ra mà sủa, thì ta chưa thấy nói ở sách nào, và cũng chưa hề nghe ai nói, ta chợt nghĩ ra được một trò tiêu khiển cho cuộc đi có phần hơi dài ngày này là cứ khớp cái thằng cha có vẻ hơi láu cá này vào vòng anh đánh xe của nhà quí tộc, có nghĩa là chớ để cho thằng chả ỷ có những hiểu biết về con đường đến nước búc mà lên mặt với ta, nhà ngươi đã thấy những chuyện ấy ở sách nào, ta hỏi, và cứ nghĩ là thằng chả sẽ dừng xe lại, cung kính đến trước ta mà thưa, rằng, xin sư phụ chỉ giáo, nhưng là ta đã nghĩ không trúng, xe vẫn cứ bon bon trên con đường đất có nhiều rơm rác và phân chó, thưa ngài, kẻ nô bộc của ngài đã thấy những chuyện ấy trong những cuộc trò chuyện hằng ngày của thiên hạ, phải nói là tên nô bộc của ta đã đánh gục ta, một không là bàn thắng đầu tiên của tên đánh xe giả định của ngài quí tộc giả định, cái thời khắc ta bị hạ gục ấy quả là ta thấy rất vui, thì chẳng phải cuộc thất bại là thuộc tiêu chí của bất cứ cuộc rong chơi bạt mạng nào hay sao, giữa lúc ta đang hào hứng thế thì trời đất bỗng trở nên u buồn, có nhiều mây xám kéo đến trên bầu trời ở trên đầu ta, và gió, ta đã nhớ ra là mình đang đi về phương bắc, là gió phương bắc đương thổi lại, đã thấy trở lạnh, cái lạnh của phương bắc, là ta đang rong chơi ở nơi chốn nào, ở đường biên nào, ở tọa độ nào của mặt đất thân yêu chẳng hề biết mệt mỏi trong cuộc đùa không mệt mỏi của đất trời,
vào cái thời hãi hùng có tên là plêixtôxen thuộc kỷ nhân sinh, đại tân sinh, thì giá băng như tràn lan khắp nẻo, giá băng là từ phương bắc tràn xuống phương nam, những giá băng có những cái tên kỳ quặc gundơ, minden, rixtơ, uốcmơ… cứ lần lượt từ phương bắc mà tràn xuống phương nam, khi là những khối đông chặt lạnh lẽo buốt thịt xương, khi là những dòng thác lũ điên cuồng, những trận đại hồng thủy điên cuồng, những đài nguyên, thứ mặt đất dành riêng cho những giống cỏ cây của giá buốt, những đồng cỏ xavan, thứ mặt đất khác dành riêng cho những thứ cỏ cây khác, các thứ đất đai có tên là đài nguyên, là xa van, là cứ vất vả tiến xuống nam lui về bắc trước những cuộc xâm lấn chẳng hề nương tay của giá băng lạnh lẽo, vào cái thời giá băng tàn nhẫn, thời mà cái chết được coi như bản chất của tồn tại, thì lại xuất hiện tổ tiên của loài giống có tên là loài giống con người,
những đám mây xám cứ tiếp tục kéo đến trên bầu trời trên đầu ta, còn ta, anh danh sĩ đất bạt, thì cứ nhắm hai mắt lại mà hình dung thời của giá băng lạnh lẽo, thưa ngài, là sắp tới biên giới của nước búc rồi đấy, nếu như thằng cha chủ xe trượt tuyết không nói là ta sắp bước vào miền băng tuyết, nước búc là thuộc miền băng tuyết của phương bắc, thì ta vẫn còn chìm đắm trong sách vở, phải nghỉ lấy sức để đi tiếp, thằng cha chủ xe trượt tuyết thông báo, và nhảy xuống khỏi xe, lập tức, lũ chó ở đâu trong các xóm nhà ven đường lũ lượt kéo tới, trắng có, đen có, cao có, thấp có, đông ơi là đông, phải nói là đủ các loại chó, thưa ngài, miền đất ta vừa đi qua thì suốt mấy nghìn năm nay người ta chỉ chuyên chú làm mỗi việc nuôi chó để cung cấp cho việc kéo xe trượt tuyết cả vùng băng tuyết phương bắc này, cho đến lúc đó thằng cha chủ xe chó mới nói cho ta biết về cái xứ sở của loài chó, và như một thiên tình sử của cái loài giống vốn chuyên ăn xác chết là diễn ra ở trước mắt ta, lúc đầu thì ta không tin vào mắt mình, nhưng quả thật đấy là chuyện thật, từ trong xóm nhà ven đường chạy ra là những con chó lông màu vàng nhạt, rồi những con chó lông màu vàng sẫm, rồi những con chó lông màu xám tro, hết thảy lũ chúng là đều chạy đến chỗ chín con chó đang kéo xe, ngửi, liếm, ngoe ngẩy đuôi, và rên ư ử, hết thảy lũ chúng là cùng có những kiểu cử chỉ như nhau, rồi lại cùng nhau quay trở vào xóm, rồi cùng nhau quay trở ra chỗ bọn chó kéo xe, ngửi, liếm, và rên ư ử, làm như thể là lũ chúng đang ân hận vì đã chẳng thể thực hiện được một điều gì đó, nỗi ân hận dày vò làm bật ra những tiếng rên ư ử, rồi ta nhìn thấy từ phía bên kia đường, trên một lối ra vào xóm, một con chó màu đen to lớn mồm ngoạm một vật gì đó đang phóng hết tốc lực về chỗ xe trượt tuyết, vừa đến nơi là con chó lập tức đặt xuống trước mặt lũ chó kéo xe vật đang ngoạm trong mồm, thì ra là một khúc xương, một khúc xương ta nghĩ là anh chàng ấy vừa tậu được từ một yến tiệc hay đám giỗ kỵ nào đó ở trong mấy xóm nhà phía bên kia đường, quả tình đấy là những phút giây quí giá trong cuộc đời anh danh sĩ họ khuất cả đời chìm đắm trong sách vở từ chương, là nghĩa khí bầy đàn, những chữ nghĩa mới toanh ấy là vụt hiện ra trong ý nghĩ của ta, và ta bỗng nảy ra thứ ý muốn có vẻ phiêu lưu là ta sẽ viết thành sách, nói cho đầy đủ cái cuộc trông thấy ấy, để lưu lại cho hậu thế thấy cái nghĩa khí bầy đàn của loài chó, và khi xe đang tiếp tục lao đi trong giá lạnh phương bắc thì thằng cha chủ xe chó lại dừng lại nữa, có gì trục trặc nữa đây, ta lo lắng trong lòng, thưa ngài, dường như là ngài rất thích loài chó thì phải, ta chưa kịp nói chi, thì cái thiên tình sử của loài giống vốn ăn xác chết lại diễn ra, nhưng lần này không phải chỉ có mỗi khúc xương như lần trước, mà nào là cẳng gà, đầu gà, là những sơn hào hải vị thừa mứa lũ chúng đã tậu được từ một cuộc ăn linh đình nào đó của con người, lũ chó đang sống ở cái đất nước giá lạnh ấy là đang mang những thức ăn chúng tậu được cho lũ chó đang kéo xe trượt tuyết,
kẻ nô bộc này biết đánh xe chó từ lúc lên mười, thì từ đời ông tằng tổ là đã đánh xe chó, tới kẻ nô bộc này là đời thứ chín, cũng là con đường ông cha đã đi, tức là hết khúc đường nóng bức thì bước qua khúc đường lạnh lẽo, rồi hết khúc lạnh lẽo lại bước trở lại khúc nóng bức, kẻ nô bộc này cũng sắp bước qua tuổi năm mươi, nếu như mà cũng bước qua bước lại được như chuyện đánh xe chó thì hay biết mấy,
thằng cha chủ xe chó nói xong lời ấy thì hét lên một tiếng, và cho xe chạy, ta cũng chẳng biết là thằng chả hét lũ chó, hay là hét cho hả cơn giận nào đó, phải nói cho đến lúc đó thì ta thấy phục thằng chả sát đất, thằng cha ấy là có cái cách tính toán thời gian theo cái cách tính toán riêng của thằng cha ấy, nếu tính từ đời ông tằng tổ thằng cha ấy, thì những gì xảy ra trong cuộc đời đánh xe chó của thằng cha ấy chỉ là trong chốc lát, chỉ chốc nữa thì sẽ thấy tuyết rơi dày trên mặt đất,
4. băng tuyết tinh tuyển
khi thấy tuyết rơi dày trên mặt đất, thằng cha chủ xe chó đã hỏi ta một câu xanh rờn, giờ thì ngài có muốn gặp đức vua hay không, ta cứ tưởng thằng chả đương hứng thú nghĩ về một câu chuyện cổ tích nào đó của nước búc có vị vua nào đó đang ngự ở ngai vàng giá băng lạnh lẽo, là bọn ta đang đi trên nước búc giá băng lạnh lẽo, phải nói cho đến lúc đó ta mới thấy tại sao phải đến chín con chó kéo xe trượt tuyết, về sau, trong việc tra cứu thêm về nước búc, ta mới biết cái mảnh đất gần như tuyết phủ quanh năm ấy là thuộc giải đất vào đợt băng tan sau cùng của kỷ nhân sinh thì mọi hình thức của sự sống đều bị dòng thác lũ cuốn đi, có nghĩa, hoang vắng là hình thù đầu tiên của đất nước ấy, và con người đầu tiên khi đặt chân lên đó tay cầm ngọn lửa mà mắt thì không dám rời vẻ tịch liêu đang bao phủ khắp nơi, có nghĩa, nỗi sợ hãi là bản chất của cuộc sống ban đầu ở đó, khi tra cứu thêm về nước búc ta đã nhận ra thứ khát vọng chết người của con người tự thuở mới rơi vào cuộc cư trú có vẻ như cuộc thử nghiệm tàn nhẫn của tạo tác, vào những ngày không có tuyết rơi, con người mới thực sự sống trong cảnh giới của đương đại, còn khi có băng tuyết là như đang trở lại với thuở băng tan òi ọp nay nóng mai lạnh kẻ còn người mất của cái kỷ nhân sinh vui cũng đến chết được mà buồn cũng đến chết được, vui là vì không có cái kỷ đó thì chẳng có loài người, mà buồn là sao loài người lại ra đời trong cảnh đó, nhưng đấy là chuyện về sau, lúc đọc sách mà ngẫm nghĩ về nước búc, còn khi thấy lũ chó kéo chiếc xe trượt tuyết chạy bon bon trên cái khoảng mặt đất trắng xóa, ta cứ thấy nôn nóng trong lòng về chuyện được nhìn thấy cuốn sách có cái tên rất lạ ấy, băng tuyết tinh tuyển là cuốn sách thế nào mà cả mặt đất đều biết tiếng, đến cái đoạn đường có tuyết rơi dày ấy thì hình như là thằng cha chủ xe chó mù đặc, chẳng nhìn thấy chút nào về cái khoảng trống trong anh danh sĩ đất bạt, lúc nào thấy cần gặp đức vua thì ngài cứ bảo với kẻ nô bộc này, thằng chả nói, quả tình là câu chuyện cổ tích nào đó đang hút hồn thằng cha ấy, ta nghĩ, và trả lời theo cái cách giữ sao cho thằng chả vẫn tiếp tục bị hút hồn, chắc chắn là ta phải nhờ nhà người đưa đến đó để ta cho lão ấy một trận cho biết tay, phải nói khi nói ra câu ấy ta thấy như cuộc rong chơi của mình đã đạt tới đỉnh cao của sự bạt mạng, thì trả lời thế chẳng phải là ta đã tát tai vua, chẳng phải là ta coi đám vua chúa chẳng là cái quái gì cả hay sao, và vui ơi là vui, chính cái cách trịch thượng, cái cách khinh bạt bằng mồm, chó nó cũng làm được ấy, lại làm cho cuộc rong chơi của anh danh sĩ đất bạt trở thành cuộc rong chơi mang tính lịch sử, là thế này, khi nghe ta thốt ra lời khinh bạc ấy thì thằng cha chủ xe chó liền dừng xe, nhảy xuống đất, quì ở trước ta, thưa ngài, kẻ này đã tìm được tri kỷ, thằng chả nói, vẻ vô cùng xúc động, thì ta, kẻ rong chơi bạt mạng làm sao còn có thể ngồi trên xe để cho thằng cha ấy quì như thế, ta cũng nhảy xuống khỏi xe, quì xuống trước chả, thì ta cũng vừa tức khắc nhận ra thằng chả cũng là kẻ rong chơi bạt mạng, thì còn bạt mạng đến thế nào nữa, lẽ ra, chở ta đến nước búc, thằng chả lấy tiền xe, quay về, nhưng đằng này, không thèm lấy tiền xe, không thèm quay về, kẻ nô bộc này sẽ đưa ngài dạo chơi cho hết nước búc, thằng chả nói, và dường như chín con chó của thằng cha ấy biết được ý đồ của thằng cha ấy, chúng lập tức kéo chiếc xe cà tàng ấy (lúc chạy ở trên tuyết, ta cứ có cảm tưởng cái xe trượt tuyết ấy như bánh xe là sắp bung ra khỏi xe) chạy tới cái ngôi nhà mới nhìn thoáng qua ta có cảm tưởng là một nhà tu kín,
phải ở như thế mới chống lại được giá rét, nhà là do đức vua nghĩ ra, còn làm sao chống được giá rét cũng là do đức vua nghĩ ra,
thằng cha chủ xe chó nói, hay là lần trước thằng chả cũng nói đến cái anh nhà vua nào đó đang cai quản nước búc, chứ chẳng phải chuyện cổ tích như ta tưởng, ta có giật mình về việc đã nghĩ không trúng về thằng cha chủ xe chó, và cảm thấy như thằng chả có vẻ lạ hơn, rất lạ là khác, khi trông thấy chả bước vào ngôi nhà như nhà tu kín, ôm người thiếu phụ ấy vào lòng, hai người chỉ ôm nhau thôi, không có vẻ gì là vừa gặp lại nhau sau xa cách, cái cách ôm nhau có vẻ bình thường như là ngày nào hai người cũng ôm nhau như thế,
con cầu xin đức vua vạn tuế ban phước lành cho khách đường xa mới đến nhà con, cũng cầu mong cho khách đường xa học được những điều dạy dỗ tốt đẹp lấy ra từ sách của người, là nhà của con phải kín bốn bề, có to lớn mấy thì nhà của con cũng chỉ một cửa ra vào, là giá rét thì nhất định phải để ở bên ngoài, chỉ có cha mẹ vợ chồng con cái của con là ở bên trong, là trước khi ngủ phải gọi tên đức vua của con nhiều lần, là trước khi ăn phải nghĩ đến đức vua của con, nghĩ nhiều chừng nào hay chừng nấy, là hãy mở miệng ra ít thôi, chỉ mở miệng đủ để đưa cơm vào miệng, kẻo cái lạnh sẽ theo cơm vào miệng, phải nói ít thôi, chỉ nói khi phải nói chuyện về cái ăn cái mặc, tức chỉ nói những cái liên quan đến sự sống còn của con, khi ái ân để giữ nòi giống thì con cũng chỉ nên im lặng, phải biết giữ gìn sự nói năng cho có tiết độ, phải nói ít thôi,
người thiếu phụ nói, sau khi thằng cha chủ xe chó nhắc ghế cho ta và thằng cha ấy ngồi, thì thiếu phụ bắt đầu nói, như là một cách chào đón khách lạ đến nhà, từ lúc ôm thằng cha chủ xe chó cho đến lúc nói là thiếu phụ chỉ đứng yên trong tư thế của một pho tượng sống, lúc ôm thằng cha chủ xe chó hay lúc nói thì vẫn giữ vẻ nghiêm trang trầm mặc như một pho tượng biết nói, tất nhiên là qua toàn bộ diễn tiến ấy ta cũng hiểu ra chỉ có ta là khách, còn thằng cha chủ xe chó là gì đối với người thiếu phụ ấy ta chẳng biết nhưng nhất định chẳng phải là khách, ta cũng biết là sau khi đón chào khách theo cái cách ca ngợi vua của mình là bắt đầu rao giảng những bài học về ăn, về ngủ, về cách làm tình, mà bấy giờ ta cứ nghĩ là cả cái thứ bài học lạ đời ấy và cả cái cách xây chỗ ở khác đời ấy, là đều làm theo cái cuốn sách có tên băng tuyết tinh tuyển, phải biết giữ gìn sự nói năng cho có tiết độ, phải nói ít thôi, những lời như thế chẳng phải là sự tinh tuyển và tiết chế hay sao, rõ ràng là có sự tiết chế nghiêm túc ở người thiếu phụ, người phụ nữ hiếu khách ấy chỉ nói chừng ấy thì cứ đứng lặng im, và dường như cái đám chó của thằng cha chủ xe trượt tuyết là đã quá rõ về sự tiết chế ấy, ở bên ngoài gian nhà như nhà tu kín lũ chó cứ áp dụng cái cách hối thúc chủ là kêu la ăng ẳng, tới lúc đó ta cứ có cảm tưởng mơ hồ về một cuộc sao chép nào đó đã xảy ra ở nơi mặt đất giá lạnh ấy, ta cứ mơ hồ nhìn thấy thiếu phụ như một bản sao của ai đó,
con cầu xin đức vua vạn tuế ban phước lành cho khách đường xa mới đến nhà con, cũng cầu mong cho khách đường xa học được những điều dạy dỗ tốt đẹp lấy ra từ sách của người, là nhà của con phải kín bốn bề, có to lớn mấy thì nhà của con cũng chỉ một cửa ra vào, là giá rét thì nhất định phải để ở bên ngoài, chỉ có cha mẹ vợ chồng con cái của con là ở bên trong, là trước khi ngủ phải gọi tên đức vua của con nhiều lần, là trước khi ăn phải nghĩ đến đức vua của con, nghĩ nhiều chừng nào hay chừng nấy, là hãy mở miệng ra ít thôi, chỉ mở miệng đủ để đưa cơm vào miệng, kẻo cái lạnh sẽ theo cơm vào miệng,
và ông lão ấy nói, lần này không phải là thiếu phụ, mà là một ông lão, lũ chó đã đưa ta và thằng cha chủ xe trượt tuyết đến nhà một ông lão, ta có cảm tưởng ai đó vừa mang ngôi nhà của người thiếu phụ đem đặt ở đó cho ông lão, cái cách ôm nhau cũng giống hệt như ở nhà người thiếu phụ, ông lão với thằng cha chủ xe chó cũng ôm nhau theo cái cách chẳng có vẻ gì là vừa gặp lại nhau sau xa cách, mà có vẻ bình thường như ngày nào hai người cũng ôm nhau như thế, và sau khi ta với thằng cha chủ xe chó ngồi, thì ông lão cũng đứng trong tư thế y như tư thế của người thiếu phụ, có nghĩa là trong tư thế của một pho tượng sống, ông lão nói với ta cũng y những lời thiếu phụ đã nói với ta, không khác một từ nào, và khi cái lũ chó kêu la ăng ẳng ở bên ngoài thì ta lập tức biết là mình sắp chia tay ông lão, và khi leo lên chiếc xe cà tàng ấy ta lại mơ hồ nhìn thấy như là mình vừa mới trải qua một sự sai lầm nghiêm trọng, là ta vừa gặp lại người thiếu phụ nhưng lại tưởng là gặp một ông lão, thằng cha chủ xe chó đã đưa ta đi thăm không sót một nhà ai ở nước búc, đi đến đâu ta cũng có cái cảm tưởng về một sự sao chép tài hoa, nhà nào cũng xây y như thế, cũng có vẻ như một nhà tu kín, người nào cũng có cái cách đứng nghiêm trang như pho tượng sống, cũng có cái cách ôm nhau như ngày nào cũng ôm nhau như thế, và người nào cũng nói y những lời như thế, con cầu xin đức vua vạn tuế ban phước lành cho khách đường xa mới đến nhà con, là chẳng khác một từ nào, chẳng sai một từ nào, chẳng sót một từ nào, cho đến cái hôm không còn nhà nào để vào chơi nữa, ta hỏi thằng cha chủ xe chó đã quay về được chưa, thằng chả chỉ cười, bảo hãy ngủ đi, hôm sau sẽ tính toán tiếp, là rong chơi bạt mạng nên bọn ta đã ngủ ngoài đường, suốt cuộc chơi là ngủ ngoài đường, lũ chó vừa sinh ra là người ta đã cho lũ chúng hưởng cái chế độ giá buốt, lũ chúng là chó kéo xe trượt tuyết từ trong bụng mẹ, nên lũ chúng ngủ trong giá lạnh là việc thường, nằm trên cái xe cà tàng ấy, do giá lạnh mà phải ôm nhau cho thật chặt, ta với thằng cha chủ xe chó hóa ra đã thân thiết nhau như anh em một nhà, tới lúc ấy thì chẳng còn “kẻ nô bộc này” chẳng còn “nhà ngươi’, mà là ‘đại ca”, là “đệ’, này, ta vừa nghe thấy thứ gì tựa như đang xảy ra đánh nhau ở đâu đó, ta gọi thằng cha chủ xe chó, ở đất nước này vua tôi là một, thì chẳng có ai đánh ai hết, giọng của thằng chả có vẻ diễu cợt, và bảo ta hãy ngủ đi, đại ca cứ thẳng cẳng ngủ như mọi khi, thằng chả nói, và ta cũng mới vừa nằm xuống xe, thẳng cả hai tay, chứ chẳng phải chỉ có thẳng cẳng như thằng chả khuyên, thì nghe thấy rất nhiều tiếng chân ở gần đấy, dường đang xảy ra một cuộc tháo chạy nào đó, cả ta cả thằng cha chủ xe chó đều ngồi bật dậy trên xe, phải nói là phải đến trăm nghìn giọng nói đang cất lên, dường như là đang cùng nói lên một điều gì đó, các giọng nói là nghe rất khác nhau, nhưng là như đang nói lên một điều hệ trọng nào đó, chắc lũ chó kéo xe cho rằng đấy là chuyện của người nước búc, chẳng dính dáng chi tới chuyện kéo xe của lũ chúng, nên cứ ngủ thẳng cẳng, thằng cha chủ xe chó cứ ngồi lặng thinh như bị ai đó hút hồn nên ta cũng chẳng biết là đang vui buồn thế nào, nhưng ta thì tự dưng cảm thấy rất vui, quá vui là khác, thì tự dưng có trăm ngàn giọng nói cất lên giữa lúc như có cuộc tháo chạy xảy ra trên khắp nước như thế chẳng phải là thuộc tiêu chí của cuộc rong chơi bạt mạng hay sao, cho đến lúc mặt trời lên, những mảnh tuyết nhỏ ở trên mình lũ chó bắt đầu tan chảy, thì làng xóm như có vẻ trở lại bình thường, đi, thằng cha chủ xe chó bỗng hét lên, và lũ chó lại tiếp tục cuộc hành trình dường lũ chúng đã biết trước, thằng cha chủ xe chó đã cho xe chạy một lượt nữa trên khắp nước búc, và chẳng còn gặp một ai, một đất nước trống rổng, thằng cha chủ xe chó thở dài, nói, và cho xe chạy thẳng tới hoàng cung, chẳng còn ai, ngoài vị vua vừa mất thần dân đang ngồi buồn bã trên ngai vua, giờ thì nhà ngươi tính thế nào khi chẳng còn cái bầy đàn do ngươi tạo dựng kể từ lúc ngươi rời bỏ quê cha đất tổ, ta có cảm thấy hơi hoảng khi thằng cha chủ xe chó chỏ cây roi đánh xe vào mặt đương kim hoàng đế nước búc hỏi bằng giọng điệu của kẻ ngang vai lứa, nhưng cũng liền hiều ra, thì ra vị vua vừa mất hết thần dân ấy vốn cũng là tay đánh xe chó, đừng hỏi gì nữa, nhà ngươi cứ yên phận với nghiệp đánh xe chó của nhà ngươi, ta thấy vị vua mất thần dân đi thẳng vào nơi hậu cung vắng vẻ, cuối cùng thì ta cũng chưa nhìn thấy được mặt mũi cái cuốn sách quỉ quái ấy, và thằng cha chủ xe chó lại cho xe chạy bon bon trên cái đất nước vắng hoe,
5. những người dụ rắn
và tất nhiên là ta phải giã từ cái xứ sở buồn thảm ấy, phải giã từ người bạn đường tri kỷ không dễ gì gặp lại, cốt là để cho cuộc rong chơi của ta giữ được cốt cách hào hoa của nó, có nghĩa, không được để cho bất cứ thứ nỗi buồn nào len vào nó, và cũng do là để giữ cái cốt cách hào hoa ấy mà ta phải dừng chân quá lâu ở cái xứ sở lắm rắn ấy, phải nói là ngay phút đầu gặp lão dụ rắn ta đã quyết định phải dừng lại ở chốn ấy, làm sao có thể bỏ ra đi khi biết ở đó có một người làm được thứ công việc ta cho là sự thách đố lớn nhất của loài giống con người, nếu như là sách vở nói đúng thì loài giống bò sát, tiền thân của rắn, đã xuất hiện tự đại cổ sinh, vào cái thời gọi là kỷ carbon thuộc đại cổ sinh, người ta đã trông thấy loài bò sát cổ nhất, có nhiều hình thù kỳ quái nhất, có người nói chẳng phải về sau chỉ thành rắn, thành thằn lằn rắn mối, hay thành cá sấu, thành khủng long, mà còn thành chim bay được ở trên trời, cái loài giống bò sát quái quỉ ấy là đã có mặt tự lúc mặt đất này còn cổ lỗ sĩ, cái mặt đất có tên là siêu lục địa cổ pangea, thì bấy giờ các mảng đất đai trên đại dương nguyên thủy bỗng kết lại nhau thành một khối vừa khô vừa ẩm để cho cái đám sinh linh từ dưới biển trườn lên, cái đám tảo là từ dưới biển trườn lên, và làm cách làm sao chẳng ai biết lại biến thành cái đám rừng quyết khổng lồ che rợp thứ đất đai ẩm ướt, bò lúc nhúc bên dưới đám rừng quyết khổng lồ là cái đám sinh vật bò sát đất vốn cũng từ dưới biển trườn lên, hay là cái loài giống có xương sống đầu tiên dưới nước có tên là cá đã trườn lên mặt đất mà thành đám bò sát, có phải là cá đã thành bò sát thành rắn hay không thì chẳng còn quan trọng đối với anh danh sĩ đất bạt, lúc bấy giờ, khi vừa gặp mặt lão dụ rắn, là ta liền cố nặn đầu óc để nhớ lại cái khoảng cách giữa thời đại con người với thời đại bò sát ta đã đọc được trong sách vở, là gần ba trăm triệu năm, trời đất ơi, cái đám bò sát ngu xuẩn mà lại có mặt trên mặt đất trước loài giống con người những ba trăm triệu năm, và nếu quả như đám bò sát là tiền thân của rắn, thì ở cái xứ sở ấy đã có một con người sinh sau loài rắn những gần ba trăm triệu năm mà lại lừa phỉnh được rắn, thì dụ rắn để giết lấy thịt chẳng phải lừa phỉnh là gì, lúc bấy giờ thì ta cứ muốn ôm lão dụ rắn để tặng lão những nụ hôn thắm đượm tình đồng chí, thì đều là những kẻ bạt mạng trong cuộc chơi trần thế chẳng phải đồng chí là gì, tiên sinh là từ nước nào tới, đấy là câu đầu tiên lão hỏi ta, ta có cảm thấy hơi tự hào khi nghe người ta gọi mình là tiên sinh, nhưng liền gạt đi cái thứ gọi là tiên sinh ấy, bởi đã tiên sinh thì chẳng thể chơi bạt mạng, này ông bạn thân yêu hãy cho ta được hôn lên bàn tay thần thánh của thế kỷ, ta vô cùng cảm động, nói, và chẳng để lão kịp nói gì, ta liền cầm lấy bàn tay có phảng phất mùi lá cây rừng của lão mà hôn, thưa tiên sinh, lão dụ rắn lại cứ lắp bắp mấy từ tiên sinh, và để dứt điểm trong chuyện kết giao, ta đã nói thẳng với lão ta, ông bạn thân thiết của ta hãy vĩnh viễn dẹp bỏ mấy tiếng tiên sinh chết tiệt ấy đi, ta đã gào lên thế, và một cuộc khiêu vũ vừa thanh thoát vừa loạn xà ngầu trần tục là đã diễn ra dưới ánh mặt trời của buổi sớm mai, thì ra cái đám con trai con gái sau đêm thức trắng, ăn thịt rắn, uống rượu ba đào ướp từ hoa ba đào, giờ ôm nhau nhảy múa để mừng cái chiến công lừng lẫy của xứ sở ngát hương hoa ba đào, cái chiến công dụ rắn lớn nhất từ trước đến giờ, thằng cha dụ rắn là cùng dân trong vùng ăn nằm trên núi lớn để làm cuộc dụ rắn có qui mô không kém qui mô của một cuộc vận động chính trị tầm cỡ trong lịch sử nhân loại, thì chẳng phải dụ rắn là cuộc vận động chính trị trong thế giới loài rắn còn khó khăn cực nhọc gấp vạn lần ở thế giới loài người hay sao, anh danh sĩ đất bạt lúc bấy giờ cũng bị cuốn vào cuộc múa rắn ma quỉ ấy, là ta cũng bị đám con gái cái xứ sở ấy tóm lấy từ phút đầu cuộc chơi, chúng thay nhau, đúng hơn là chúng giành nhau, để múa với ta, trong cái phút giây sấm sét của tình yêu bầy đàn, đám con gái cường tráng ấy là cứ siết người ta vào những bộ ngực mang đủ yếu tố về kích cỡ và chất lượng của bộ ngực một người con gái, là cái men rượu ba đào đã khiến cho mọi người trở nên thành thật hơn, tức máu me hơn và cuồng loạn hơn khi ôm nhau lăn tròn trên đất theo cái kiểu loài rắn quấn quít nhau lúc ái ân, mới chỉ là màn đầu đón tiếp ta mà đã vui đến thế, thì làm sao ta có thể bỏ ra đi, ta đã theo lão dụ rắn lên núi lớn, quả tình cái chất bạt mạng đã khiến cho con người ta dễ đến với nhau hơn, là vừa gặp nhau, biết nhau đều là dân rong chơi bạt mạng, ta với lão dụ rắn đã trở nên thân thiết nhau ngay, xúc động làm sao, lên núi lớn, màn trời chiếu đất, đêm ngủ, ngày chơi, cái lão dụ rắn hào hoa ấy đã chăm sóc ta từng miếng ăn, từng giấc ngủ, lần này thì vì tuổi tác chênh nhau nhiều, ta phải đóng vai đàn em, đại ca hãy để ta tự lo, ta nói, cái chất khinh bạc trong ta không thể nào để cho ta rời bỏ cái kiểu xưng hô khinh bạc, không được, ở đây hở cơ một chút là lũ rắn hớp hồn ngay, lão dụ rắn nói, thì ra, lũ rắn núi lớn chỉ chịu khuất phục dưới bàn tay tài hoa của lão, ta theo lão lên núi lớn nói là để học cách dụ rắn, nhưng thật ra là để chơi cho thoả thích, ở cái xứ núi non nhiều hơn người ở này có bao nhiêu người theo già này học dụ rắn, nhưng chửa ai học được, lão dụ rắn nói, và đưa ta vào rừng chỉ cho thứ lá cây rừng có màu vàng nhạt lão gọi là lá dụ rắn, vừa ăn vào bụng, ăn bao nhiêu cũng được, vừa vò nát rồi thoa lên hai bàn tay, chỉ có thế là dụ được lũ rắn, lão nói, tất nhiên là chẳng khó khăn chi về cách làm ấy, ta cũng vừa ăn vừa thoa lên hai bàn tay như lão nói, nhưng khi gọi “hãy đến đây hỡi lũ rắn núi lớn”, như cái cách lão ấy gọi, thì chẳng thấy có ma nào mò tới, lão dụ rắn muốn gọi lũ rắn núi lớn bất cứ lúc nào, kỳ này thì tập cho lũ nó cách đi về, lão nói, có nghĩa không như những lần trước, gọi rắn đến là để bắt lấy thịt, lần này lão gọi rắn đến rồi thả cho rắn trở lại núi lớn, cái trò đi đi về về của lũ rắn có vẻ kỳ quái lắm, làm như thể lũ chúng cũng có trí não để hiểu được như con người, tất nhiên là có lão luôn ở cạnh ta, nếu không, cái đám rắn ấy sẽ ăn tươi nuốt sống ta, và có phải đấy là sự mặc khải của loài giống con người hay là sự mặc khải của trời đất hay không, ta ngồi ao ước làm sao chỉ hú lên một tiếng, chứ chẳng cần thứ lá lảy gì cả, là lũ rắn kéo đến phủ phục trước anh danh sĩ đất bạt để cho cuộc rong chơi bạt mạng của ta được ghi vào sử sách, ta nghĩ, và hú lên một tiếng, thì chẳng phải chỉ có rắn núi lớn, mà dường như chúng từ khắp mặt đất kéo tới phủ phục trước ta, lão dụ rắn cũng phủ phục trước ta, già này có mắt mà như không, tiên sinh là người trời giáng thế, lão nói, ta vội đỡ lão đứng lên, là nhờ công của đại ca đấy, ta nói, như để kiểm chứng lại có quả loài giống con người đã tặng riêng ta cái giọng hú ấy hay không, về sau, khi đã rời khỏi xứ sở ấy, ta cho rằng chính cái mùi lá cây dụ rắn của lão ấy vẫn là lý do khiến cho lũ rắn kéo đến, nhưng kéo đến đông như thế là do cái tiếng hú của ta là trùng hợp với tiếng nói của loài rắn thế nào ấy, có thể là trong ngôn ngữ của rắn thì cái tiếng hú ấy lại là tiếng gọi thiết tha nào đó, về sau thì ta cứ nghĩ đến những bí mật ẩn náu trong tiếng nói của muôn loài, còn bấy giờ, ta cứ chắc mẩm trong lòng là sẽ nhảy vào sử sách, a, thì ra trong dòng tiến hóa của nhân loại, khi đến lượt ta thì cuộc tồn sinh chín nắng ngàn mưa ấy lại tặng riêng ta thứ tiếng hú thần kỳ, lúc bấy giờ, cả cái xứ sở ấy ai cũng coi ta như là vua của loài rắn, kể từ lúc ấy thì chẳng còn ai dám nghĩ đến chuyện ăn thịt rắn coi như là thần dân của người nhà trời giáng thế, anh danh sĩ đất bạt rong chơi núi lớn, gió vẫn tiếp tục thổi trên ngàn, lũ rắn thong dong đến và đi, ta đang chìm đắm giữa cuộc vui bầy đàn gòm có cả người lẫn rắn ấy, thì lão dụ rắn rỉ tai ta, hay là tiên sinh hãy làm người đứng đầu thiên hạ ở đất này, thấy ta làm vua rắn là lãng phí một đời oanh liệt, lão dụ rắn quay sang dụ ta làm vua người, dòng tiến hóa nhân loại quả đã âm thầm để lại trong ta thứ tính cách không tài nào xóa bỏ được ấy, dụ rắn thì coi như ta đã hơn hẳn lão dụ rắn rồi, nhưng lại không cưỡng nổi khi lão dụ ta, anh danh sĩ đất bạt sở dĩ nhận làm vua người ở xứ sở ấy là vì cảm thấy mình là kẻ tài hoa, thì cũng là phù họp với tiêu chí bạt mạng thôi, đương không lại đi làm vua ở xứ người thì cũng vui thôi, trước, chỉ khi nào có cuộc dụ rắn qui mô để lấy thịt ăn thì mới có việc cùng nhau nhảy múa, giờ, không còn chuyện giết rắn, ta, kẻ đứng đầu thiên hạ ở đấy, cứ vài ba hôm là ta lại cho múa rắn, cứ vài ba hôm thì đám con gái cường tráng ấy lại đưa ta vào cái thế giới có đủ cả âm vang màu sắc của cuộc giãy dụa hải hồ lay động càn khôn, anh danh sĩ hào hoa đất bạt là đang đắm mình trong cuộc chơi bạt mạng, thì lão dụ rắn lại rỉ tai ta, có lẽ là không ổn rồi tiên sinh, thì ra, có một người chỉ hú một tiếng thì lũ rắn lớn nhỏ khắp nơi kéo đến đang thống lãnh thiên hạ ở xứ sở ấy đã khiến cho thiên hạ bốn phía xung quanh để mắt dòm ngó, mặc kệ họ dòm sao thì dòm, ta nói với lão dụ rắn, và cùng lão lên núi lớn chơi cùng lũ rắn, rồi lại quay về mở cuộc vui nhảy múa, nhưng từ dòm ngó thiên hạ bốn phía lại chuyển sang ganh ghét, rồi chuyển sang hận thù, ta có hỏi lão dụ rắn tại vì đâu những bầy đàn người ở chung quanh lại mang hận thù đối với cái bầy đàn người có ta ở trong đó, thì lão ta chỉ lắc đầu, im lặng, hỏi ai ở cái xứ sở ấy về chuyện hận thù ấy thì ai cũng lắc đầu, im lặng, như vậy là sắp có buồn phiền len vào cuộc rong chơi của ta, lão dụ rắn khóc, già trẻ lớn bé đều khóc khi phải xa ta, tiên sinh ra đi thì chúng em còn biết múa rắn với ai, đám con gái cường tráng ấy thở than, nhưng để giữ cái cốt cách hào hoa của cuộc rong chơi thì ta phải ra đi trước khi những bầy đàn người ở bốn phía chung quanh mang đao kiếm đến tìm ta,
6. kinh la sa ở a du na
và ở đất nước a du na ta đã tận mắt nhìn thấy cuốn sách kinh la sa từ lâu chỉ nghe tiếng, lần này thằng cha họ khuất gặp thời, nói cho văn vẻ là khuất danh sĩ phùng thời, nhưng phải nói là cũng nhờ ngài thống lĩnh quốc dân của nước a du na là tay chịu chơi, cái cách đánh giá cuốn kinh la sa của ngài thống lĩnh là quá sáng suốt, đây quả là một cuốn sách kinh, ngài thống lĩnh đã phán một câu bao quát như thế, thử hỏi có còn chỗ nào để nói nữa hay không, phán xong câu ấy thì kêu gọi hết thảy những bậc học rộng tài cao trên khắp mặt đất hãy đến a du na để tham gia vào việc đọc và chú giải sách la sa, ta nói mình gặp thời là vậy, khi ta đến a du na thì đã có nhiều bậc thức giả đến từ nhiều nước, thằng cha họ chúc ở đất thác ta từng nghe tên, nay mới được gặp mặt, cũng người lâm bôn như ta, nên cũng dễ làm quen nhau, sách la sa có hay mấy thì chẳng qua như một cái rẻo nhỏ trong cuốn sách tròn này, họ chúc nói, dùng ngón tay trỏ của bàn tay trái của mình để chỉ cho ta biết vầng trán của ông chính là cuốn sách tròn ông nói, thằng cha ấy mặt hơi chữ nhật hơn là chữ điền, do vậy khi chú ý nhìn cái cuốn sách tròn ấy, ta cứ có cảm tưởng như là đang nhìn một cái chậu rửa đang úp lên một mặt bàn bằng phẳng, a, là một cuốn sách bàn về rửa ráy, ta buột nói theo cái cách liên tưởng hơi khập khiễng với cái cách nhìn của mình, chẳng biết họ chúc có chủ ý đến lời của ta hay không, lại tiếp tục nói thêm về thứ kiến thức chứa đựng trong cuốn sách tròn của ông, mùa thu năm ngoài ngài thống lĩnh quốc dân nước ta đã đến thăm đất a du na già cỗi này, chính là người đứng đầu nước a du na đã đem sách la sa ra khoe với ngài thống lĩnh của chúng ta, thì ông bạn cũng biết ngài thống lĩnh nước ta vốn xuất thân từ nghề làm rừng, đâu biết gì văn chương kinh sách, vậy là ta, quan phụ tá của ngài phải mất mười bảy ngày đêm chỉ để nói riêng chuyện kinh sách nó là thứ gì cho ngài thống lĩnh hiểu, chứ chưa nói tới chuyện kinh la sa, ta nói vậy là ngài phụ tá vốn đã rõ sách la sa nó là thứ gì, thì ta cứ chiếu theo những gì ông ấy vừa khoe để nói, họ chúc lại trỏ tay vào cuốn sách tròn của mình, đã bảo kinh la sa chỉ là cái rẻo trong kiến văn của ta, mà đã là kinh, thì la sa, hay la sà, cũng đều là kinh, quan phụ tá của ngài thống lĩnh quốc dân nước lâm bôn ta là tay dốt có tiếng, ta chỉ chờ đến khi tham gia chú giải sách thì tìm cách bịt bớt cái mồm hay nói của thằng cha ấy, ta toan tính trong lòng như vậy, và bỗng bật cười, không nhịn cười được là do bỗng nhớ tới chuyện vi hành của ngài thống lĩnh quốc dân nước lâm bôn , thơm, ngài ngửi xong cái vòi xả nước thì phán, là đi thăm cái chỗ chế ra bột mì sắn ở đất thác, sau khi sờ, ngửi cái này cái kia, ngài thống lĩnh quốc dân ngửi cái vòi xả nước và phán thế, đây là cái cách chế ra mì sắn dân đất thác đã nghĩ ra được, cho nên ngài phụ tá của ngài thống lĩnh cũng thấy nở mũi, nên khi nghe vua của mình khen thơm, thì họ chúc cũng ngửi cái vòi xả nước, và khen thơm, cả nước lâm bôn ta một phen ôm bụng cười khi nghe chuyện ấy, sau đó thì chuyện lại lan ra nhiều nước trên mặt đất, anh bạn cười cái nước a du na già cỗi chứ gì, chỉ có những nước già cỗi, sắp xuống mồ, mới bày ra chuyện kinh sách, thằng cha họ chúc cứ tưởng ta cười nước a du na già cỗi theo cách nghĩ của thằng cha ấy, nên nói xong câu ấy, thì khoái chí cười hô hô, cũng may là nhờ có mấy tay học giả của mấy nước nào đó thấy họ chúc thao thao bất tuyệt, kéo đến coi, ta mới thoát được nguồn cảm hứng của thằng cha ấy, sự thật, không phải chỉ có mỗi thằng cha họ chúc là chê bai những thứ thuộc các nền văn minh cũ, bấy giờ thì dường như có cái dịch chuộng cái mới đang xảy ra trên mặt đất, tư tưởng mới, chủ nghĩa mới, chế độ mới, cách ăn bận mới, vân vân, cứ mới là hay hơn cũ, ta cũng chẳng biết có phải đấy cũng là dịch hay không, cái dịch bỏ cái cách gọi cũ, hình như bấy giờ trên mặt đất chỉ một vài nước còn gọi người đứng đầu của nước là vua, hay hoàng đế, còn chỗ nào thì cũng thống lĩnh quốc dân, mà nghe như cái mục tiêu của sách kinh la sa là nhằm tới các vị ấy, ta chỉ nói là dường như thế, bởi đã là kinh sách thì nhiều nghĩa lý lắm,
hỡi những hạt bụi
trần gian
nếu một lúc nào đó
con chim trên rừng biết xuống nước bơi lội
con cá dưới nước lên
được ở trên trời cỡi mây đi gió
cho đến lúc đó thì
lũ ngươi
những hạt bụi trần
gian sẽ thành những kẻ
chân không cần bước
thân không cần áo quần
bụng không cần cơm
gạo
óc não không cần nghĩ
ngợi
ngủ không cần có đêm
thức không cần có bầy
đàn
hỡi những hạt bụi
trần gian
đến lúc đó thì lũ
ngươi sẽ biết la sa là gì
la sa la sa la sa
hỡi những hạt bụi
trần gian hãy gọi những tiếng ấy
ngay trong lúc ngủ
ngay trong lúc thức
ngay trong lúc không thức
không ngủ
ngay trong lúc lũ ngươi
không là gì cả,
ta trích chép ra cái đoạn kinh la sa ấy là để cho người đời sau xem xét cái cách chú giải của ta là có lý hay không có lý, nhờ sự nghiền ngẫm trong khi làm công việc chú giải mà ta gần như nằm lòng kinh ấy, hay lắm, ngay trong lúc lũ ngươi không là gì cả mà lại gọi được mấy tiếng la sa, một anh học giả của nước phù tần vỗ đùi, reo, khi đọc tới chỗ có câu kinh ấy, ta hỏi theo ông thì hay ở chỗ nào, thì lúc chúng ta không là gì cả, tức lúc chúng ta không phải là người, không phải là thần thánh, cũng không phải là đất đá, có nghĩa là cái hư vô mà lại nói được tên kinh la sa thì hay quá chứ còn gì, ông học giả của nước phù tần đáp, nhưng chỉ có điên mới bảo hư vô mà biết nói, thì ông bạn nước phù tần cứ bảo cái hư vô nó nói cho ta nghe thử, vậy mà bấy giờ thằng cha họ chúc cũng xen vào được, thì cũng chỉ có ngài phụ tá của ngài thống lĩnh quốc dân nước lâm bôn mới đòi nghe hư vô nói, ông học giả của nước phù tần nói, và ho lên một tiếng, và nhổ nước bọt, phải, chỉ có ta là mới đưa ra được những lý lẽ như thế, tưởng ông học giả nước phù tần khen, thằng cha họ chúc nói xong câu này thì cười hô hô, quả tình là ta đã không đủ sức để ngăn sự ngu dốt ở trên mặt đất, cứ sợ năm châu bốn biển người ta nghĩ nước lâm bôn chỉ toàn là họ chúc, thì cũng dễ nghĩ như thế lắm, bởi ngài phụ tá của vua mà dốt vậy, thì dân tình còn u tối đến bực nào, do nghĩ vậy mà ta quyết đem óc não ra để bới tung cái cuốn kinh ấy cho thiên hạ nể nang chơi,
nhất định là phải có một người làm ra kinh la sa, hoặc có một người đầu tiên làm ra kinh la sa, rồi sau đấy có những người khác tiếp tục sửa sang, thêm bớt, nhất định đấy là những bậc xuất chúng, nhất định là phải có một người hay nhiều người làm ra kinh la sa, còn cái tên la sa là của một người, hay của một bậc vĩ nhân, hay của một vị thần, hay của một cái gì đấy, là tùy theo cái cách hiểu của mỗi người ở trần gian, có nghĩa, có thể ai đó có thể hiểu la sa là một nhà tiên tri đã lập ra một đạo giáo, nên tên của đạo ấy và kinh sách của đạo ấy đều có tên là la sa, hoặc cũng có thể hiểu la sa là một nhà lập thuyết, và có một nước nào đó đã lấy kinh la sa làm chủ thuyết cho nước mình, thì la sa, ngoài cái cách gọi là kinh, cũng còn có thể gọi là chủ nghĩa, chủ nghĩa la sa, ta, họ khuất ở nước lâm bôn, sau khi đọc hết cuốn kinh, ta nghĩ những bậc xuất chúng thời trước muốn thử sức hậu thế đấy thôi, những kẻ hậu thế, sau khi đọc kinh la sa, nếu không suy nghĩ cho cạn cùng, cũng có thể rơi vào cảnh dở khóc dở cười, những lời lẽ minh triết của kinh tựa những ngọn gió trời chẳng biết là thổi lại từ cõi nghìn thu giá buốt hay là từ chốn lấp lánh biển dâu, trong cái cõi minh triết ấy, ta cứ có cảm tưởng ta không còn là anh danh sĩ đất bạt thích đi chân đất trên những con đường đầy rơm rác và phân súc vật, là ta đang bay đi giữa những chữ nghĩa phù vân, hình như là ta không còn đi bằng đôi chân mà đang bay giữa những chữ nghĩa phù vân,
vậy thì bây giờ là phải làm sao, đấy là cái câu hỏi các vị học giả các nước cứ theo tra hỏi ta, thì ta cũng chỉ mới đưa ra những nghĩ ngợi sơ khởi vậy thôi, những nghĩ ngợi về kẻ làm ra sách, về cái ý đồ của kẻ làm ra sách, cũng chỉ là những nghĩ ngợi có tính cách riêng tư, nhưng khi nghe thấy những ý nghĩ ấy, các vị ấy cứ sợ nếu đem kinh sách về dùng ở nước mình thì sẽ diễn ra cảnh tẩu hỏa nhập ma, xin tiên sinh cứ tiếp tục chú giải cho xong sách, bọn chúng tôi nguyện sẽ nghe theo những kiến giải của ngài, các vị học giả cùng đứng ra thỉnh cầu ta, ta cũng không ngờ chỉ là chuyện chơi lại thành đại sự, chỉ muốn cho thiên hạ biết nước lâm bôn cũng có kẻ biết cách chơi, lại đưa đẩy ta đến nông nỗi ấy, giờ thì các chuyến ra nước ngoài để thỉnh kinh sách của các vị ấy lại phụ thuộc vào việc chú giải của ta, thế thì ta phải làm cho các vị ấy hết lo sợ,
cái chỗ mông lung huyền diệu của kinh la sa là có thể dẫn đến sự đúng đắn hoặc sự sai lầm nghiêm trọng, nói một người đang cỡi gió mà đi thì chớ nghĩ là nhất thiết phải có một người đang cỡi gió mà đi,
thế, cái cách chú giải của ta là đem chữ nghĩa giá buốt ném vào trời đất để cho mây gió lôi đi, chữ nghĩa của ta là mượn của tiền nhân tự thưở con người mới biết gọt đá làm đao kiếm, ta đã làm cho kinh la sa trở nên hữu dụng ở trần gian, đọc bản chú giải kinh la sa của anh danh sĩ họ khuất người ta có thể đem bầy đàn của mình chia ra thành nhiều bầy đàn nhỏ hơn, có nghĩa, loại bầy đàn nào xài kinh la sa cũng được, khi ta chú giải ra các thứ nghĩa lý trần gian, thì kinh la sa trở nên vật quí hiếm của đất nước a du na, tiên sinh là vị thánh sống, ngài thống lĩnh quốc dân nước a du na tôn vinh ta, và đòi nhường ngôi vua cho ta, anh danh sĩ đất bạt cứ cười thầm ở trong bụng, ta biết, nếu chỉ giả đò nhận lời nhường ngôi ấy thì thằng cha ấy sẽ lăn ra chết tức khắc, ai lại chẳng biết cái thói hám quyền hám sắc hám lợi của đám vua chúa trần gian, vậy là bản chú giải kinh của ta trở thành vật sở hữu của ngài thống lĩnh quốc dân nước a du na, hằng ngàn người viết chữ tốt là được triệu về kinh đô để sao chép bản chú giải ấy, các sứ thần các nước đi lại kinh đô nước a du na như đi chợ, nói là để thỉnh kinh, nhưng thật ra là để làm một cuộc trao đổi hàng hóa, một cuộc thương mại hóa chữ nghĩa, nói rõ ra là các nước trên mặt đất đã đem những gỗ, sắt, vàng, bạc, sơn hào, hải vị đến a du na để đổi lấy bảng chú giải kinh la sa của ta, một người khi đã đến được nơi cả đời mơ ước thì người ấy sẽ rơi nước mắt vì vui sướng, ta là kẻ ấy, ta đã rơi nước mắt vì vui sướng khi đến nước phù tần trông thấy người ta đang xài cái chú giải kinh la sa của ta, một người ăn vận theo kiểu đạo sĩ đang quì, đội sớ văn, một vị đạo sĩ khác, ăn vận khác với vị đang quì, đang đọc kinh la sa, đúng hơn là đang đọc chú giải kinh la sa, hỏi mới biết, ở đất ấy người ta đã dựa theo chú giải kinh la sa mà lập ra đạo rau kham khổ, đang làm lễ rước ngẫu tượng về làm vật tổ, người quì là vị đạo trưởng đạo rau, người đọc kinh la sa là đạo trưởng của một đạo khác chuyên làm công việc đem chú giải kinh la sa phổ thành thơ ca để tụng niệm, còn ngẫu tượng trâu gặm cỏ là thỉnh từ một đạo giáo khác chuyên làm ngẫu tượng mà các hình mẫu là do cảm hứng từ kinh la sa mà có, ở đất ấy, người ta đã dần ta đến nhừ xương, bởi trong khi người ta đang nghiêm trang làm lễ rước vật tổ đạo rau, thì ta cứ nhảy cẫng lên mà reo vì không kiềm được niềm vui sướng, may mà có thằng cha học giả đã gặp ta ở a du na nói cho một tiếng, ngài ấy là kẻ đã làm ra chú giải kinh la sa đấy, người ta mới chịu thả cho ta ra đi,
7. dị giáo ở đất pô
nhưng thứ học thuyết trắng đen ở đất pô đã làm cho ta quên ngay trận đòn ấy, vui, có pha chút bi thương, theo ta, đấy là tính chất của thứ học thuyết đương thịnh hành ấy, ta bị đất pô cuốn hút ngay, khi biết ở đó người ta đang thể nghiệm học thuyết trắng đen, thứ học thuyết theo ta là sự biến hóa của những thứ cố cựu, nó cũng là một thứ “duy” như những thứ duy trước đó, trước đó là duy linh, duy vật, vân vân, và giờ đây, cái cách gọi là mới mẻ, nhưng thật ra thì, ta thờ thần mặt trắng, ai khác ta, tức là thờ thần mặt đen, nói chung là không thờ thần mặt trắng, thì đều là sai lầm tuốt, đại để học thuyết trắng đen là vậy, nói học thuyết về trắng đen cũng là nó, mà nói học thuyết trắng đen, bỏ đi chữ về, cũng là nó, ta thì xưa nay vốn thích cái trái với cái gọi là chánh giáo, ta thích cái gọi là tà giáo, dù chẳng bao giờ đi cổ vũ cho tà giáo, tất nhiên là chẳng bao giờ đi đả kích tà giáo, bởi cái ta đeo đuổi chẳng phải học thuyết trắng đen, mà là một thứ học thuyết bạt mạng, vốn thích tà giáo, nên khi dừng lại ở đất pô, ta ăn nằm với cái bầy đàn đang cày ruộng ở phía tây nam đất pô, mà các bầy đàn đang theo học thuyết trắng đen đều gọi họ là bọn dị giáo, ngài là sứ giả của ông năm rừng sát, bọn dị giáo hỏi, ta nói ta là sứ giả của bạt mạng, bọn dị giáo lập tức công kênh ta đi từ làng trên xuống xóm dưới, vừa công kênh vừa hô, hoan hô sứ giả của bạt mạng, không phải người của ông năm rừng sát tức là bạn, bọn cày ruộng chúng tôi cũng là dân bạt mạng, đêm đến, bọn người dị giáo rỉ tai ta,
trước sứ giả của ông năm rừng sát là sứ giả của ông sáu rừng tràm, ai không theo ta đều là kẻ thù của ta, các vị sứ giả ấy đều nói theo một cách, dọa, và đám dân cày ruộng bạt mạng là đang chờ, rừng sát với rừng tràm là những cánh rừng bạt ngàn của đất pô, thì cũng chỉ là mượn tên cho có thứ âm vang sầm uất, thăm thẳm những ngóc ngách kỳ khu hoang dại đấy thôi, còn bọn họ, những bầy đàn có tên ông năm rừng sát, ông sáu rừng tràm, là đều ở chốn đô hội phồn hoa, bởi bọn họ đâu phải là những tay đốn gỗ, hay cầm cày, là trí giả, bọn họ là những kẻ có chữ nghĩa trong người như một thứ pháp thuật vừa để hộ mệnh cho mình vừa để tham dự vào việc hộ mệnh kẻ khác, những bầy đàn có tên là ông năm rừng sát hay ông sáu rừng tràm đều làm công việc mà bọn họ cho là hộ mệnh kẻ khác, nói rõ ra, họ nghĩ là họ đang đem lại hạnh phúc cho kẻ khác, những cái tên bầy đàn mới nghe như là tên của một người, nhưng là không phải, nói ông năm rừng sát hay ông sáu rừng tràm là nói tới những bầy đàn đang tồn tại ở đất pô, bầy đàn này thì cho rằng sau khi chết con người hóa thành bùn đất, bầy đàn kia thì bảo chết là thành hư vô, bọn họ là những kẻ đam mê đến chết thứ học thuyết trắng đen, bởi anh khoái bùn đất bảo anh khoái hư vô là ngu xuẩn, và, anh khoái hư vô thì bảo anh khoái bùn đất là quân bá láp, như thế có thể nói tóm lại thế này, tất cả những ai chưa phải là, hay không phải là bầy đàn của chúng tôi, thì đều sai lầm cả, sự sai lầm nghiêm trọng không còn có thể tồn tại ở trần gian,
vậy là ta có chỗ để thể nghiệm học thuyết bạt mạng của mình, ta lên đường đi thăm ông năm rừng sát với ông sáu rừng tràm vào một ngày có tuyết rơi, ở miền tây nam đất pô là hay có tuyết rơi bất thường, không hiểu sao trước đó là đang nắng ấm, nhưng vào cái hôm ta ra đi lại có tuyết rơi, làm sứ giả của dị giáo là đi vào chỗ chết, hết thảy cái đám người cày ruộng ở miền tây nam đất pô đều rơi nước mắt khi tiễn ta, biết đâu chết cho dị giáo thì sẽ thành thánh, ta phải nói vui với bọn họ, mà là ta đang vui thật, nhân danh dị giáo, tức nhân danh tà giáo, đi thuyết khách chánh giáo, coi như là ta đang làm đảo lộn các quan niệm cố cựu về chân lý, thứ vật thể làm tốn không biết bao nhiêu trí óc và giấy bút của nhân loại, cứ nghĩ đến chuyện đảo lộn này là ta cứ muốn hét to lên cho cả loài người biết là ta đang vui, nhưng khi vừa đặt chân lên kinh đô của cái đất nước có tên là pô, chí khí rong chơi của ta liền bị giảm sút, pô, theo tiếng nói của người đất pô có nghĩa là minh triết, khi đặt chân lên cái trung tâm minh triết ấy là ta gặp ngay cuộc tỉ thí long trời lở đất giữa ông năm rừng sát với ông sáu rừng tràm, những hình ảnh rừng sát, rừng tràm, biểu trưng của những bầy đàn ấy là được trưng lên khắp kinh thành hoa lệ, mới thoáng qua, ta cứ tưởng là người ta đương hô hào phá rừng tràm rừng sát để trồng cây khác, nhưng không phải, nhìn kỹ lại thì quả là thô tục, quả tình là người ta đang muốn tạo ra một thứ văn hóa thô tục, ở chỗ này là đám heo chó đang cấu xé rừng tràm, và ở chỗ khác, là người ta đang phóng uế vào rừng sát, khi biết đấy là cuộc tỉ thì giữa hai cái bầy đàn ấy, ta cứ thấy choáng váng người, như thể là đang bị ai lùa về phía hồng hoang mông muội, a, mà ta cũng đã nhìn thấy ở một vài nơi khác giữa chốn trung tâm minh triết cái không khí của văn minh chữ viết, là bọn họ chửi nhau bằng chữ nghĩa, như thế cũng là điều đáng mừng, dù gì thì chửi nhau bằng chữ nghĩa là cũng còn phân biệt được giữa người và những sinh vật khác đang cùng tồn tại trên mặt đất, chúng mày là đồ chó lợn, và, là bọn tao phải ỉa vào mặt bọn mày, thì ra, đấy là cái cách diễn giải bằng chữ nghĩa những hình ảnh thô tục, nhưng chính là sự diễn giải này đã gầy lại hứng thú cho anh danh sĩ đất bạt, ta lại tiếp tục lên đường với sứ mạng của một sứ giả dị giáo, ông bạn có vẻ chẳng phải người đất pô, cái thằng cha chủ bầy đàn ông năm rừng sát quả là có con mắt tinh đời, câu hỏi mở đầu của chả có làm ta lúng túng, nhưng ta cũng liền có cách, thưa giáo chủ, kẻ này vốn người lâm bôn, nhưng đã sang sinh sống với những người cày ruộng vùng biên giới tây nam đất pô từ nhiều năm nay, ta nói, chẳng biết ông năm rừng sát là đạo giáo của những kẻ tu trì hay là phe đảng của những người có cùng chí hướng, ta cứ gọi đại kẻ đứng đầu cái phe nhóm ấy là giáo chủ cho yên chuyện, ông là người của dị giáo, ta biết, thằng cha giáo chủ lập tức phân định giới tuyến, thì còn lạ gì môn đồ của học thuyết trắng đen, ta nghĩ, và bắt đầu nã pháo, từ tây nam của đất nước minh triết kẻ này đến gặp giáo chủ là để cùng bàn luận về những vấn nạn có liên quan đến sự minh triết, ta cũng đàng hoàng đứng trên giới tuyến của mình mà nã pháo, là vấn nạn chi, thằng cha giáo chủ hỏi, và phủi đít đứng lên, nhưng anh danh sĩ đất bạt không dễ gì để cho đối thủ của mình còn có chỗ để kiêu ngạo, nhưng là thưa giáo chủ, chưa hẳn con người trên mặt đất này chết thì hóa hư vô, mà rất có thể là thành bùn đất, hay thành chó lợn, ta đã cố tình dùng lại ngôn ngữ thô tục của bọn họ, như thế là con mồi đã dính lưới, có nghĩa thằng cha chủ soái cái bầy đàn chủ trương chết hóa hư vô đã chịu tiếp ta, nhưng là sứ giả của dị giáo, ta không nói suông bằng lời, mà là nói bằng văn bản đường hoàng,
chẳng biết là quí ngài đứng ở đâu để nhìn, có phải là đứng trên học thuyết trắng đen hay không, cho nên quí ngài mới coi những người cày ruộng là dị giáo, mới coi những người thuộc phe nhóm ông sáu rừng tràm là kẻ thù, mà đối với quí ngài thì dị giáo hay kẻ thù là đều không có quyền tồn tại trên mặt đất này, tức là đều phải chết, tại sao lại chỉ có quí ngài là mới được quyền tồn tại, tại sao thì chỉ trắng, hoặc đen, chứ không phải là vừa có trắng vừa có đen, cái học thuyết trắng đen, cả quí ngài cả quí phe nhóm ông sáu rừng tràm đang đeo đuổi, quả là tai họa của loài người, tại sao thì phải là học thuyết trắng đen, mà không phải là học thuyết không trắng không đen, để cho con người sau khi chết thì sẽ hóa thành thứ vật thể là sự hòa trộn kỳ diệu giữa bùn đất với hư vô, để cho toàn thể vũ trụ là một cuộc hòa điệu không trắng không đen, tại sao những người cày ruộng ở miền tây nam đất pô và những người của ông năm rừng sát, của ông sáu rừng tràm, là không cùng tồn tại trên cái mặt đất không trắng không đen này,
ta cứ tưởng bài thuyết khách của mình là làm ngã lòng thằng cha giáo chủ của cái bầy đàn chủ trương sau khi chết hóa hư vô, nhưng là ta đã đoán sai, thằng chả đã gọi mấy đứa đàn em vào gặp mình khi đọc xong bài luận văn thuyết khách của ta, hãy đưa ngài sứ giả đây đi nghỉ, chỉ liền sau đấy ta hiểu ngay đấy là mật lệnh, đi nghỉ là thứ mật lệnh được thi hành khi đã nắm được kẻ thù trong tay, liền sau đấy là bọn chúng đã đưa ta sang phòng mổ lợn, ta biết đấy là phòng mổ lợn vì vừa bước vào phòng ta đã trông thấy những bàn mổ, bếp đun nước, những dao, thớt, chậu, rổ, là ta đã lập tức bị trói tay chân và đặt lên bàn mổ, có lẽ bọn chúng vừa mới mổ lợn xong, đã đưa thịt lợn đến bếp nấu ăn, chỉ còn thấy lông lợn vương vãi dưới đất, và chảo đun thì nước vẫn còn sôi sùng sục, hãy tắt lửa bếp đi, thằng cha giáo chủ đã vào chỗ phòng mổ lợn, lệnh cho lũ đàn em tắt lửa đun bếp, nhưng lâu nay chỉ thọc cổ lợn chứ chưa lột da lợn bao giờ, với lại da thịt con người là khác với da thịt của lợn, nên em đã không biết phải bắt đầu thế nào, thằng đàn em đương cầm dao, nói, thấy vẻ lúng túng của thằng đó ta biết đây là lần đầu tiên bọn họ lột da sống của kẻ thù, hãy đi thuê một tay đồ tể ngoài chợ, thằng cha giáo chủ lại lệnh, một thằng đàn em liền biến khỏi phòng mổ lợn, và quay lại với một anh chàng to khỏe, cả ngày nay kẻ hèn này phải mổ những gần hai chục trâu bò và lợn, chắc phải chờ đến sáng mai mới làm nổi, thằng cha giáo chủ đã chấp thuận cho việc hẹn sang ngày mai của tay đồ tể, đêm, ta nằm đói trên bàn mổ lợn mà nghĩ đến chuyện tử vì đạo của mình, chết cho chủ nghĩa ngày nào cũng thấy vui là cũng được thôi, chính vào lúc sắp từ giã cõi đời là ta đã nhìn thấy cái chủ nghĩa ta đương theo đuổi, ngày nào cũng thấy vui là cái chủ nghĩa ta đương theo đuổi, biết ngài là anh hùng của thời nay, nên kẻ bạt mạng này đến cứu ngài đây, vào khoảng nửa đêm, tay đồ tể lén vào phòng mổ lợn, cởi trói cho ta, và bảo hãy rời khỏi chốn ấy ngay, ta vui đến đỗi chạy một hơi trong đêm về đến miền tây nam đất pô mà chẳng thấy mệt chút nào, thì ra trên đời này, những kẻ bạt mạng, những đồng chí của ta, là quá nhiều, đám người dị giáo cứ theo hỏi ta là đám ông năm rừng sát với ông sáu rừng tràm là có còn đến bắt bọn họ gia nhập những bầy đàn ấy hay không, ta chỉ lắc đầu, im lặng, và trời chưa sáng thì ta đã rời khỏi chốn ấy, ta phải ra đi thôi, vì đã có chuyện buồn len vào cuộc rong chơi của mình,
8. luật chơi ở xứ găng
và có phải để bù lại cảnh vượt thảo nguyên khổ nhọc để tới xứ găng, cuộc đời đã tặng cho ta niềm vui khi ta vừa đặt chân đến đó, những ngày không có vua, cái đất nước có tên là găng ấy là đang trong tình cảnh không vua, quả thật là thứ niềm vui ngoài dự tính của ta, có thể là già, chết, cũng có thể là bị ai đó giết chết, mà cũng có thể là bị một thế lực nào đó bắt đem đi, ta cũng chẳng cần hỏi vì sao không có vua, và vì sao lại không có ai lên làm vua, chỉ biết không có vua thì nhất định là có nhiều chuyện vui hơn khi có vua, bởi không có vua là chẳng có luật lệ nào ràng buộc hết, là cái bầy đàn ở xứ găng ấy tha hồ mà tung hoành, nhưng chuyện vui hơn là để hưởng thụ cái cảnh đất trời ngang dọc ấy thì người xứ găng lại tự đặt ra cho mình những thứ luật lệ mới gọi là luật chơi ở xứ găng, sao ngài không đặt ra luật lệ cho mình, ông bạn xứ găng ta đã gặp được ở thảo nguyên ku lan cứ theo tra hỏi ta, chưa rõ ta là ai, nhưng ông bạn sơ ngộ ấy cứ gọi ta là ngài, dường như là người ta muốn làm cho người khác trở thành quan trọng trong cái thế giới không vua có vẻ như là quá mới mẻ ấy, ta nói là mình đang nghĩ ngợi để đặt ra một thứ luật chơi thật khác đời, là ta nói thật lòng, bởi chuyến này mà đặt ra được một luật chơi khác đời thì coi như cuộc rong chơi của ta đã đạt tới đỉnh cao của sự bạt mạng, một hôm ta nghe có người kêu lên rằng ông ta đã nhìn thấy con rắn đen bò qua và đẻ thật nhiều trứng ở trong đầu của ông, những cái trứng đã nở ra những hiểu biết về đạo lý con người do một vị thánh đề xuất, những người nghe đầu tiên truyền lại nội dung ấy cho những người khác, những người khác lại truyền lại cho những người khác nữa, cái luật chơi ở xứ găng là sẽ trở thành chân lý những gì đã được nhiều người nghe thấy, vậy là ở xứ găng có một người bắt đầu thờ vị thánh mới có tên là thánh rắn, ông bạn xứ găng của ta đã đưa ta đi xem thử thì thấy thằng cha giáo chủ đạo rắn có cái đầu mới nhìn thấy cũng bình thường như đầu những người khác, song, cứ nghĩ ngợi về vị thánh rắn một chặp lại thấy như cái đầu của thằng cha ấy là giống với đầu rắn, nhưng điều ta cảm thấy vui không phải chuyện ấy, mà là chuyện cái đạo rắn kỳ cục ấy, quả là luật chơi ở xứ găng đã tạo ra những thứ văn minh kỳ cục, giáo chủ đạo rắn kiêm luôn tín đồ, kiêm luôn người chép kinh, kiêm luôn người giảng đạo, kiêm luôn người truyền đạo, kiêm luôn người quét dọn nhà thờ thánh rắn, tức cũng là nơi để giáo chủ cùng giáo chủ phu nhân sinh con đẻ cháu, ta cũng có nghe nói là trước đó, lúc còn có vua, cái thứ luật về ưu quyền bất di bất dịch dành cho đàn ông, tức chế độ phụ hệ cổ xưa còn lại, đã làm thui chột không biết bao nhiêu là tài sắc giai nhân, thì cũng chỉ nghe nói vậy, và cứ nghĩ là chẳng có chi làm thay đổi cái tình trạng xã hội vẫn còn diễn ra trên khắp mặt đất ấy, nhưng rồi một hôm ta bỗng nghe có tiếng khóc vọng lại từ đâu đó, thứ tiếng khóc ta chưa hề nghe lần nào trong đời, như một thứ niềm uất hận bị chôn chặt lâu năm ở bên dưới một bầu trời nhiều mây, nhưng cũng chưa phải là như vậy, đại khái, là thứ tiếng khóc ta nghe xong cứ thấy xót xa trong lòng, mấy hôm sau thì trông thấy có rất nhiều ngôi nhà đẹp đẽ được dựng lên ở hai bên đường đi, hỏi mới biết chủ những ngôi quán ấy, quán chứ không phải là nhà, là những mỹ nữ xứ găng, kiểu cách nhà cửa là hoàn toàn giống nhau, nhà có sân, có gác, từ cánh cổng vào sân, cho tới lối vào mỗi gian phòng, hay cái tấm màn che trước cửa, là như cùng một bàn tay tài hoa nào đó làm ra, chẳng phải tửu quán, hay thanh lâu, mà là còn cao hơn thanh lâu, cao hơn tửu quán, nói nôm na, đó là chốn gặp gỡ bình đẳng (cho bỏ niềm uất hận bấy lâu) giữa các giai nhân tài sắc và các nam nhân hào hoa phong nhã, nói rõ hơn, đó là chốn để thanh toán một cách sòng phẳng cái tệ nạn khi còn có vua, tệ nạn xem thường đàn bà, ông bạn xứ găng, coi như thân thiết với ta từ hôm ta mới đến xứ ấy, đã đưa ta tới cái xóm nhà của nền văn minh mới ấy để tham gia cuộc thanh toán thứ tệ nạn cũ, ngài dự định ở chơi với em trong bao lâu, mỹ nữ hỏi, đang ngồi trên ghế mà anh danh sĩ họ khuất cứ thấy như mình đang bơi trên mặt hồ, ở trên cái mặt nước hồ êm ả ấy, ta nói là ta ở lại suốt đời cũng được, mỹ nữ nhìn ta, ta nhìn mỹ nữ, đã có mỹ nữ trong tay rồi mà ta còn rỉ tai ông bạn xứ găng của ta, rằng ở những chỗ khác có hơn không, ông bạn xứ găng liền rỉ tai ta, rằng, chỗ nào mỹ nữ cũng như thế cả, và cũng theo cái luật chơi bọn họ vừa mới đặt ra, luật gì, kệ họ, ta nói, và bắt đầu va chạm một cách mạnh mẽ vào những đường nét kỳ tuyệt tạo hóa đã khắc chạm lên thân thể của người con gái, ta như không còn làm chủ được mình trên con đường khám phá những bí mật không hề hở môi của tạo hóa, thì ông bạn xứ găng của ta đã kéo ta ra khỏi mỹ nữ, xin ngài hãy nhớ, lãng mạn khắc kỷ là luật chơi ở đây, ông ấy thì thào vào tai ta, quả là ta có hơi bàng hoàng trước thông báo bất ngờ ấy, nhưng cũng liền hiểu ra lãng mạn khắc kỷ là phải dừng lại ở mức va chạm đó thôi, nhưng cho đến lúc hết thảy con gái ở xứ găng đều dựng nhà mới để tham dự vào cuộc thanh toán một cách sòng phẳng tệ nạn cũ, luật chơi đó không còn giữ nguyên như thế, có nghĩa, trong cuộc cạnh tranh sống chết ấy, đám mỹ nữ đã lập tức sửa lãng mạn khắc kỷ thành ra lãng mạn không khắc kỷ, nói rõ ra là chẳng còn có thứ giới hạn nào hết, có nghĩa là có thể đi đến chỗ tận cùng trong việc khám phá những bí mật tạo hóa đã tạo riêng cho người con gái, ông bạn của ta đã dẫn ta đi khắp xứ găng, phải nói là quá vui, bất cứ chỗ nào trên cái đất nước có tên là găng ấy cũng có cuộc thanh toán một cách sòng phẳng cái tệ nạn cũ ấy, không phải chỉ có những mỹ nữ và nam nhân hào hoa phong nhã, mà hết thảy đàn ông con trai, đàn bà con gái, có nghĩa là hết thảy nam nữ xứ ấy đều tham gia cuộc thanh toán tệ nạn cũ ấy, ta còn đang băn khoăn không biết sẽ xảy điều gì khi cả nước người ta ăn nằm với nhau cả ngày đêm như thế, thì một hôm có một người hô hoán rằng ông ta đã nghe thấy lệnh của một vị thần ở trên cao cho ông làm vua xứ găng, lời ấy đã lập tức truyền đi khắp xứ, và người ta cứ tưởng là cũng khó chống lại lệnh của các vị thần, có nghĩa, cứ nghĩ từ nay đất nước sẽ có vua, nhưng không phải là thế, ông ấy chưa làm vua xứ găng bữa nào, thì có đến mấy mươi người cũng hô hoán lên như thế, có nghĩa là cũng nghe thấy các vị thần ở trên cao lệnh cho bọn họ làm vua xứ găng, cả xứ người ta chuẩn bị khăn gói để chạy loạn, bởi có bao nhiêu người cùng lúc muốn làm vua như thế, nhất định là phải có đánh nhau, ta ở đó là tứ cố vô thân, nên chỉ còn biết bám theo ông bạn xứ găng của ta, trong lúc đám người xưng vương choảng nhau dữ dội thì quân thợn thợn tràn qua biên giới phía bắc, bọn ta sang dập lửa cháy bên nhà bọn ngươi đây, bởi nhà bọn ngươi cháy là sẽ lan sang nước của bọn ta, có tiếng gào lớn ở phía biên giới phía bắc xứ găng, ông bạn xứ găng của ta bảo đấy là giọng nói của vị thống lĩnh nước đại cường thợn thợn, ôi, không vua thì con gái cả nước mở thanh lâu, con trai cả nước muốn xưng vương, giờ thì cái thằng cha thợn thợn lại tràn qua chiếm đất, nghe ông bạn xứ găng của ta thở than, ta cũng không cầm được tiếng thở dài,
9. cuộc đọ sức giữa các thủ lĩnh các bầy đàn
ta với ông bạn xứ găng của ta đang tính toán sẽ đi hướng nào, thì trông thấy một người đàn ông to khỏe mình đầy máu me chạy về phía thảo nguyên ku lan, một trong những tay vừa xưng vương đấy, ông bạn của ta nói, là chạy đi đâu có vẻ hấp tấp thế, ta lo lắng hỏi, nhưng ông ấy chỉ lắc đầu, im lặng, cả xứ găng là đang rối lên, bởi có tin quân thợn thợn đi tới đâu thì đến con gà con chó cũng không thể sống sót nổi, và hết thảy đám người xưng vương đã bị bọn họ giết hết, chỉ có một người là trốn thoát được, tới lúc đó ông bạn xứ găng của ta mới rỉ tai ta, rằng có thể là sẽ xảy ra đại chiến, ta hỏi làm sao mà biết, ông ấy lại lắc đầu, im lặng, sau đó không lâu thì có nhiều tiếng chân ngựa tiến về phía xứ găng, và sau đó nữa thì có tiếng gào lớn ở thảo nguyên ku lan, thằng thợn thợn ở đâu hãy đến đây đánh nhau với ta, lại đám quân lính của nước nào nữa kéo vào xứ găng, nghe thứ lời lẽ hiếu chiến ấy ta cứ nghĩ tới chuyện đại chiến, là giọng nói của thủ lĩnh nước vi vưu đó, ông bạn xứ găng của ta nói, ta hỏi như thế là sắp có đánh lớn phải không, ông ấy bảo lâu lâu thì thằng cha thủ lĩnh vi vưu ấy lại cỡi ngựa đến biên giới phía tây của xứ găng, khi thì dạy khôn người xứ găng chuyện nọ chuyện kia, chẳng hạn, chớ để lũ bò dê ngu ngốc kéo sang phá lúa phá mía bên nước vi vưu, bò dê là người xứ găng vẫn thả ở thảo nguyên ku lan, khi thì dọa sẽ đem miền tây xứ găng sáp nhập vào vi vưu, còn thằng cha thủ lĩnh thợn thợn thì cứ vài ba hôm lại đến biên giới phía bắc của xứ găng, khi thì giả làm kẻ đi bẫy thú, bẫy chim, ngồi chờ con mồi mắc bẫy từ giờ này sang giờ khác cốt là để nhìn ngắm (cho đỡ thèm muốn) cái giang sơn phía nam xưa kia vốn là châu huyện của cha ông thằng cha ấy chiếm đoạt được trong các cuộc nam xâm, khi thì cỡi ngựa, bận áo vua thợn thợn đường hoàng, đến thẳng biên giới xứ găng mà quát ầm lên, hỡi đám găng man di mọi rợ hãy nghe ta nói đây, là kể từ nay, nếu còn nghe lũ gà trống bên xứ găng lũ ngươi sáng sáng ngửa cổ sang thợn thợn mà gáy, là ta sẽ đem quân sang đem hết đồng bào bọn ngươi về thợn thợn làm thân chó ngựa, lũ gà trống là hay ghét tiếng gáy của nhau, nghe ông bạn xứ găng của ta ví thủ lĩnh thợn thợn như con gà trống gáy, ta cứ nghĩ là có một sự tích kỳ bí nào đó về giòng dõi của vị vua ấy, chẳng lẽ tổ tiên của vị thủ lĩnh ấy là thuộc họ gà, ta thật tình hỏi, nhưng ông bạn ta chưa kịp nói gì thì có người chạy đến bảo cho biết là quân thợn thợn sắp kéo tới nơi, ông bạn xứ găng của ta ngẫm nghĩ chi đó, rồi vội vã dắt tay ta chạy lên núi thức, khi đã lên tới đỉnh núi, thấy chỉ có ta với ông ấy, ta cứ thắc mắc sao những người khác không lên núi để lánh giặc như bọn ta, ngài là khách của xứ găng, nên người xứ găng không thể để cho ngài gặp hiểm nguy, ông bạn của ta nói, thì ra, tự xưa nay, chưa một ai ở xứ găng dám bén mảng gần ngọn núi tương truyền là của vị thần có tên là thức ấy, chứ đừng nói là leo lên tới đỉnh núi, ta xúc động lắm, nói với ông bạn của ta rằng mình vốn là kẻ ăn chơi bạt mạng, bỗng có người quí tình bằng hữu dám đem mạng sống ra thách thức với thánh thần, thì quả là ta đã gặp được kẻ cao nhân có cách chơi bạt mạng còn cao sang hơn cách chơi bạt mạng của ta, ta không còn nhớ bấy giờ là đang mùa nào mà sắc trời buồn bực có vẻ đang thu, và núi thức thì như đang cố giấu diếm điều chi đối với con người, đứng ở đó bọn ta nhìn thấy cả, nghe thấy cả, thằng cha thủ lĩnh thợn thợn là đang kéo quân về phía tây, còn thằng cha thủ lĩnh vi vưu thì vẫn đứng ở nơi thảo nguyên ku lan mà chửi rủa, thằng vua ngoài giá thú của đất phương bắc hãy tới đây đánh nhau với ta, quả tình là thằng cha thủ lĩnh vi vưu đã buông ra những lời khiêu khích đầy bí ẩn, về sau thì cả mặt đất đều biết là thằng cha ấy đã bị kẻ khác khiêu khích nên mới tức giận mang quân đến thảo nguyên ku lan, anh chàng xứ găng xưng vương thất bại đã chạy sang khiêu khích chứ chẳng phải cầu cứu vua vi vưu như ông bạn xứ găng của ta nghĩ, vua thợn thợn nói xứ găng không vua nên sẽ đem dân xứ găng về làm chó ngựa cho người thợn thợn, nhưng là sẽ bắt vua vi vưu về hoạn để làm kẻ hầu hạ ở chốn hoàng cung thợn thợn, anh chàng xứ găng xưng vương thất bại đã sang nói với vua vi vưu thế, thiến hay cũng gọi là hoạn là thuộc về nền văn hóa nghìn năm của nước đại cường thợn thợn, bị thiến, hay là tự thiến, là cũng nhằm có cuộc sống được tự do lượn lờ giữa đám gái đẹp ở chốn cung vua, nó là thuộc truyền thống văn hóa lớn của một nước lớn, là thuộc một thứ chế độ vua quan ở thợn thợn, bởi kẻ bị thiến cũng là quan, hoạn quan, nhưng khi đem nói với vua nước đại cường vi vưu, thì lòng tự trọng loài giống cùng với lòng tự trọng dân tộc đã khiến cho vị vua ấy tức lồng lên, đứng ở đỉnh núi thức ta nhìn thấy cả, nghe thấy cả, thằng vua ngoài giá thú hãy đến đánh nhau với ta, thằng cha thủ lĩnh vi vưu vẫn buông ra những lời khiêu khích đầy bí ẩn, và ta chợt thấy như khắp mặt đất là đang tràn lên những bầy đàn kỳ lạ, là loài kiến từ trong lòng đất đang tràn lên mặt đất, mới thoạt nhìn ta cứ nghĩ là vậy, nhưng nhìn kỹ thì không phải, là xảy đại chiến thật rồi, ông bạn xứ găng của ta bảo, thì ra ta đã hiểu, các thủ lĩnh của các đại cường là đều có đám thủ lĩnh đàn em, là đám thủ lĩnh đàn em đang lùa bầy đàn của mình đi cứu giá thủ lĩnh của mình, quả tình con người trên mặt đất lại có lúc là rất giống cái đàn kiến vỡ tổ, từ ngoài tràn vào thảo nguyên, và từ thảo nguyên là tràn ngược ra, là bị đẩy vào trận chiến, và quyết thoát ra khỏi trận chiến, xưa nay là cũng chỉ tại đám vua chúa làm khổ dân khổ nước thôi, ta có giật mình khi nghe ông bạn xứ găng của ta nói thế, cho đến lúc ấy thì ta bắt đầu nghi ngờ cái lai lịch chăn dê của ông ấy, ở thảo nguyên ku lan ông ấy đã bỏ đàn dê của mình lại để đưa ta đến chơi ở cái đất nước không vua, hay cũng là tay rong chơi bạt mạng gặp lúc đất chôn nhau cắt rốn của mình không vui, cả ta và cả cái con người có vẻ bất đắc chí ấy đều không cầm được nước mắt khi trông thấy người ta ngã xuống trên thảo nguyên, tiếng hô hét của đám thủ lĩnh các nước vẫn cứ vang lên trên thảo nguyên, và người ta vẫn tiếp tục ngã xuống giữa gươm đao, nhưng bỗng nghe như có ai đó xướng lên giữa trận mạc, hãy thôi đánh nhau là vừa, ông bạn xứ găng của ta bảo đúng là tiếng của thằng cha thủ lĩnh thợn thợn, lát sau thì thấy thằng cha ấy với thằng cha thủ lĩnh vi vưu ôm nhau hôn thắm thiết, và cả mặt đất đã trở lại yên tĩnh như chưa hề xảy điều gì, thì ra bọn họ đã nghị hòa,
xin thề với các vị thánh thần, là kể từ giờ phút này, loài người chúng tôi chẳng còn đánh nhau nữa, bởi mỗi người là đều có quyền làm chủ cuộc sống của mình, làm chủ đất nước mình, và làm chủ cái mặt đất loài người chúng tôi đang sống,
ta và ông bạn xứ găng của ta thấy hai thằng cha thủ lĩnh hai nước đại cường quì trước, tiếp đến là đám thủ lĩnh đàn em của bọn họ, thằng cha thợn thợn và thằng cha vi vưu cùng xướng lên lời thề với thánh thần, và hết thảy bọn họ cùng xướng theo, tin các vị thủ lĩnh các bầy đàn trên mặt đất giao ước với các vị thánh thần đã loan đi khắp mặt đất, đứng ở núi thức, ta với ông bạn ta nghe thấy tiếng hò reo đang vang lên khắp nơi, cũng mừng thôi, ông bạn của ta nói, ta cũng lập lại lời ấy, cũng mừng thôi, và cùng nhau xuống núi,
10. đại mộng
nhưng thật buồn cười là ta với ông bạn xứ găng của ta đã bị đám vua chúa hiếu chiến lường gạt, vừa đến lưng chừng núi là bọn ta đã nghe thấy tiếng hô hét vang lên khắp nơi, chẳng lẽ lại đánh nhau nữa hay sao, bấy giờ thì bọn ta không tin là bọn họ lại phản bội lời hứa với thánh thần một cách mau chóng như thế, nhưng khi quay trở lại đỉnh núi thức, ta với ông bạn ta đã nhìn thấy những cảnh tượng đang diễn ra trên mặt đất là còn nghiêm trọng gấp bội lần trước đó, từ thảo nguyên ku lan, đám quân thợn thợn đã kéo thẳng vào xứ găng, hãy đem chúng về với tổ tiên của chúng, thằng cha thủ lĩnh thợn thợn cứ hét lên, cho đến lúc ấy thì chính mắt anh danh sĩ đất bạt đã nhìn thấy thủ lĩnh một nước đại cường cầm gươm đâm vô cổ một người xứ găng một cách ngon lành mà vì ở trên đỉnh núi thức quá xa nên ta chẳng thể nhận ra đấy là đàn ông hay là đàn bà, trước đấy, ở thảo nguyên ku lan, bọn họ chia làm hai phe để đánh nhau, nhưng lần này là đánh nhau loạn xạ, ta thấy trên khắp mặt đất chỗ nào là cũng có đánh nhau, cũng có lửa khói bốc lên ngút trời, và từ khắp mọi nơi là đang vọng về tiếng khóc than, là chia nhau để chiếm đất, ta có hơi hoảng khi nghe ông bạn xứ găng của ta nói thế, nếu mấy thằng cha đại cường chia nhau đánh chiếm mặt đất này, thì cái xứ sở chôn nhau cắt rốn nhỏ bé của ta bị xóa tên tuổi khỏi bản đồ mặt đất là cầm chắc, cả ta và ông bạn xứ găng của ta đều không cầm được nước mắt khi nói lời chia tay nhau ở chân núi thức, giờ ngài định đi đâu, ông bạn xứ găng của ta hỏi, ta nói là phải quay về đất bạt, và định hỏi có phải ông ấy trở về với đàn dê của mình hay không, nhưng chợt nhớ là thảo nguyên ku lan đã bị thiêu rụi, nên lại thôi, bọn ta gạt nước mắt, và quay đi, đám quân thợn thợn đã rút khỏi xứ găng, ta chỉ còn gặp những xác người và xác trâu bò ở trên đường đi, ở nơi cánh đồng lúa đã bị thiêu cháy ấy, ta đã gặp những người không còn đủ chân tay đang trườn bò trên mặt đất, hãy trả lại đất nước và trả lại sự sống cho ta, bọn họ vừa trườn lên phía trước, vừa gào thét, ta theo nói với họ rằng, điều họ đang muốn có là chỉ xảy ra trong mơ, ta đã tìm đủ mọi cách diễn giải về chuyện ấy, nhưng bọn họ chẳng chịu nghe, vẫn tiếp tục gào thét, và trườn lên, dường như cảnh tượng ấy là diễn ra trên suốt con đường ta trở lại đất bạt, những người đã mất hết chân tay trong cuộc binh đao vừa xảy ra là đang cùng nhau trườn lên phía trước để đòi lại những gì họ đã mất, ta thì còn nguyên vẹn thân thể, nhưng ngày nào cũng nhìn thấy cảnh tượng ấy, nên có cảm tưởng là mình chẳng còn sống nổi, cho đến hôm gặp lại con mực của ta, thì ta mới thấy vui một chút, cái mùi chó và mùi anh danh sĩ họ khuất là quá quen thuộc nhau, nên vừa trông thấy nhau là nhận ra nhau ngay, là con mực của ta, ta reo lên, và nó, cái con chó thân thiết với ta từ thuở nó mới sinh ra ấy, cứ chòm lên lên người ta, rên ư ử, quả tình là ta có lỗi với nó, tự cái buổi dong thuyền độc mộc ra khơi là ta đã bỏ nó lại nơi bờ biển ấy, không ngờ con mực của ta cũng là tay bạt mạng, đã chạy đi tìm ta giữa cuộc binh đao, đất bạt tiêu điều quá, ta chẳng còn nhận ra cảnh cũ, mày là thằng nào mà dắt chó tới đây, mấy đứa nhỏ con trai ta gặp đầu tiên ở đầu làng gọi ta bằng thằng, làm ta rất hoảng, binh lửa đã khiến cho con người ta hoảng loạn đến mức thế sao, chắc lúc ta ra đi chúng còn quá nhỏ nên ta chẳng rõ chúng là con nhà ai, nhưng không phải chỉ là mấy đứa đó gọi ta bằng thằng, mày là thằng nào lại đến đây, mấy người lớn trong làng, ta cũng không còn nhớ ra họ là ai, khi trông thấy ta thì quát lên thế, tới lúc đó ta mới hoảng hốt đi tìm vũng nước để soi thử mình đã thay đổi đến mức nào sau cuộc rong chơi bạt mạng, thì ra, cái chủ nghĩa ngày nào cũng thấy vui đã làm cho ta trẻ ra đến nỗi ta cũng chẳng nhận ra ta, sau cuộc đọ sức giữa các thủ lĩnh các bầy đàn, người đất bạt như chết gần hết, những người ruột thịt của ta cũng chẳng còn ai, những người còn đi lại được ở đất bạt , không què mẻ như ta đã trông thấy trên khắp mặt đất, chỉ là may mắn sống sót, giờ bọn họ như có vẻ rất sợ những gì từ bên ngoài xâm nhập vào làng, dẫu chỉ là cái anh người lớn vừa mới hóa trẻ là ta, ta cố nói cho bọn họ hiểu ra mình là anh danh sĩ họ khuất đã rời bỏ đất bạt rong chơi tự buổi ấy, nhưng chẳng ai tin, mày con nhà ai lại dám giả danh họ khuất, bọn họ quát mắng xua đuổi ta như xua đuổi một thứ tai họa, cho đến hôm con mực của ta cắn áo ta để kéo ta chạy, ta vừa chạy vừa ngoảnh lại thì thấy người làng ta đang cầm gậy gộc đuổi theo ta, người đất bạt không cho ta ở thì ta phải ra đi thôi, cũng là chuyện bầy đàn của loài người bọn ta đấy thôi, ta thở than với con mực, và bảo là ta với nó sẽ đi đến cuối đất cùng trời, nói là nói vậy, chứ con người trên mặt đất đang là thế, thì ta còn chỗ nào để rong chơi, từ đó, cái chủ nghĩa ngày nào cũng thấy vui của anh danh sĩ họ khuất coi như hoàn toàn sụp đổ.
giã
01.2012
01.2019
Các thao tác trên Tài liệu