Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Báu vật của người Pu Péo

Báu vật của người Pu Péo

- Phạm Quang Đẩu — published 05/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Ký của Phạm Quang Đẩu




Báu vật của người Pu Péo

Ký của Phạm Quang Đẩu



Hiện có 54 dân tộc sinh sống trên dải đất Việt hình chữ S, ngoài Kinh - dân tộc đa số, còn lại đều là thiểu số. Trong các dân tộc thiểu số có 5 dân tộc “cực” thiểu số, tức số dân chưa đến 1000 người, đó là: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Ơ Đu và Brâu. Câu chuyện dưới đây kể về một trong số các dân tộc “cực” thiểu số đó. Điều đáng ngạc nhiên là họ dù cộng đồng dân cư ít ỏi, chỉ tập trung ở một vùng biên hẻo lánh miền cực Bắc, lại có một nền văn hoá lâu đời đầy bản sắc, có tập tục từ ngàn xưa mà đến thời đại văn minh hiện đại hôm nay còn phải ngưỡng mộ…


cogai-pupeo

Cô gái Pu Péo

Tôi nhận được lời nhắn nhủ của cựu chiến binh Củng Dìu Pháng: “Nhà báo quân đội à, lên quê mình dự lễ cúng thần Rừng, mỗi năm chỉ có một lần vào dịp đầu xuân thôi.” Ngày trước đi công tác trên miền cực Bắc, tôi đã gặp thiếu tá Củng Dìu Pháng, huyện đội phó huyện đội Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang; còn trước đấy nữa, theo lời ông, lúc trẻ măng ông đã có mặt trong đội quân tiễu phỉ ở Cổng Trời, Đồng Văn. Ông bảo, dân tộc mình ít người lắm, nhưng rừng Củng Chá còn thì dân tộc mình còn. Theo điều tra dân số năm 1999, Pu Péo (tên khác là Ka Beo hay Pen ti Lô Lô) trong 17 dân tộc ở huyện Đồng Văn, thì số dân ít nhất, có 705 người, tập trung chủ yếu ở xã Phố Là. Bẵng một thời gian dài tôi không đi Hà Giang. Mới rồi có anh nhà báo ở Hà Nội về đấy, ông nhờ chuyển lời mời, còn dặn đi dặn lại, thế nào tôi cũng phải thăm quê ông một lần.

Hà Giang có cao nguyên Đồng Văn được gọi là nóc nhà Việt Nam, cái nóc nhà lợp toàn bằng thứ vật liệu đá xám, khô khốc bụi bặm. Bao năm trở lại, cảnh quan vẫn như dạo nào. Đất trời mênh mang, cư dân thưa thớt, gió vẫn quất ràn rạt không ngừng nghỉ vào các vách núi trơ trụi, thảng gặp hai bên đường cây bụi lúp xúp cùng những nương của người Mông (trước vẫn gọi là người Mèo) trỉa ngô trên hốc đá tai mèo. Đây là một trong những tỉnh có điều kiện địa lý, khí hậu khắc nghiệt và dân bản địa nghèo khổ vào hàng nhất nhì cả nước. Qua khu vực Cổng Trời, có một dải đèo hiểm yếu nổi tiếng với sự kiện cách đây nửa thế kỷ, đã xảy ra vụ phản loạn của vua Mèo Vương Chí Sình, quân đội được điều lên từ dưới xuôi, phải mất hơn một năm mới dẹp yên (Vụ này về sau được nhà văn, đại tá công an Ngôn Vĩnh phản ánh khá sinh động trong cuốn sách “Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn”). Lại có chuyện cũng về một “vua” nữa. Vua Mèo trước, phá vỡ sự yên bình của xã hội bằng bạo lực gươm và súng trường, còn “vua” mới lại phá nền tảng kinh tế của tỉnh này bằng chính lối tư duy thời bao cấp đầy ảo tưởng của mình. Trước hết cần nói thêm là, hiện mỗi tỉnh đều có hai người đứng đầu bên Đảng và bên chính quyền. Đáng lẽ Đảng chỉ lãnh đạo về đường lối chủ trương đã được vạch ra trong các nhiệm kỳ đại hội toàn quốc hay đại hội đảng bộ địa phương. Song với cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện thì không hiếm nơi xảy ra tình trạng người đứng đầu đảng bộ lấn sân chính quyền, trùm lên tất cả, quyết hết mọi chuyện thượng vàng hạ cám. Trong xứ(tỉnh) đó, người đó thực sự trở thành “vua”, quyền hành vô song. “Vua” xứ Hà Giang cách đây dăm, bảy năm tên là Vũ Ngọc Kỳ, được điều cũng từ một tỉnh miền núi khác là Yên Bái về và trúng vào Ban chấp hành trung ương (khoá IX). Thừa nhiệt tình cách mạng, nhưng thiếu kiến thức quản lý, lại mắc căn bệnh trầm kha khá phổ biến ở những người mặt bằng văn hoá thấp, là thích phô phang hình thức. Để nổi đình đám, “vua” khởi xướng ngay cái gọi là “đại công trường thủ công”. Bao nhiêu dự án xây dựng đường, trường, trạm, hồ nước, bể chứa, giống cây trồng, vật nuôi, kèm theo đó là bao nhiêu công ty, ban bệ quản lý được đẻ ra. Rồi hội nghị quán triệt, hội thảo khoa học, mít tinh đoàn thể, quần chúng biểu lộ quyết tâm thay trời làm mưa, sắp xếp lại giang san; các đoàn nghiên cứu, thị sát đi về tấp nập như đi chợ… “Thành tích” nổi bật nhất của vị bí thư tỉnh uỷ có thói quen ném tiền qua cửa sổ này sau một vài năm điều hành bộ máy, là ngốn sạch tiền ngân sách, dự án của nhiều năm cộng lại mà ruốt cuộc Hà Giang vẫn khát, vẫn nghèo. Hầu hết các công ty nhẩy vào “đại công trường” đều bị phá sản; tình trạng quan liêu lãng phí tràn lan. Tiếng dữ đồn xa, dù chưa hết nhiệm kỳ tỉnh đảng bộ khoá ấy, “vua” bị gọi về kiểm thảo, kỷ luật cảnh cáo, mất chức. Do còn “mác trung ương” nên ông ta lại được “đá” sang làm chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. Vậy mà vẫn máu phát huy khí thế Hà Giang vào nông vận, “phế vương” liền mời một số nhà văn, nhà báo ở Hà Nội đến trụ sở Hội để bàn kế hoạch tuyên truyền mới. Trong cuộc họp báo, ông ta tặng mỗi người một cuốn sách nhạc có đính kèm đĩa CD Hà Giang trong tôi gồm 10 bài toàn phổ thơ Vũ Ngọc Kỳ. Dù thơ ông đích thị là thơ “con cóc” (cũng chả sao, yêu thơ là một đặc tính phổ biến của dân ta), nhưng điều đáng nói là, cuốn sách nhạc này còn là một minh chứng của thói ăn chơi xa xỉ, hãnh tiến. Có cả một chức sắc của Hội nhạc sĩ Việt Nam viết lời bạt, vô số nhạc sĩ có tên tuổi phổ thơ, vô số danh ca thu đĩa CD với dàn nhạc đệm quốc gia do một nghệ sĩ nhân dân chỉ huy, tất cả xoay xung quanh “nhà thơ- tiến sĩ Vũ ngọc Kỳ” (Nhân đây, cũng buồn cho những ai có tên trong cuốn sách nhạc này, họ hẳn không vì tài năng hay đức độ của tác giả 10 bài thơ “con cóc” kia mà vô tư giúp, chỉ vì đã được lót tay “phong bao dày” của người phúc ta lấy từ tiền công quỹ đấy thôi!). Rồi kỹ thuật in ấn, trình bày cuốn sách nhạc thì quá công phu hoành tráng. Riêng vụ tô son trát phấn cho “vua” này, chắc hẳn tốn tới vài trăm triệu đồng, số tiền có thể cứu đói cho bao hộ dân vụ giáp hạt, hoặc xây được vô số bể trữ nước mưa cho miền cao Hà Giang…

Chỉ vì cảnh quan hai bên đường khá đơn điệu, nhàm chán, nên ngồi trên ô tô lắc lư như đưa võng tôi cứ ngủ gà gật, miên man gợi lại trong đầu những vụ việc nhiêu khê như vậy từng diễn ra tại miền biên viễn. Hành trình qua một ngày cật. Nghỉ lại thị trấn Phó Bảng, đêm có thể nghe được tiếng nai tác từ núi rừng Quảng Tây, Trung Quốc vọng sang. Sáng hôm sau, mở mắt mới thấy xung quanh khác hẳn: đá xám được thay bằng mầu xanh mát mắt của rừng. Đi thêm nửa giờ nữa, rừng càng tươi, nhiều tầng lớp hơn, linh cảm mách bảo tôi, sắp đến Phố Là rồi đấy.

Ông Củng Dìu Pháng ra tận đường cái đón và dẫn tôi theo con đường mòn về bản Củng Chá quê ông. Củng Chá là trung tâm của xã Phố Là, có vài chục ngôi nhà vách đất, mái lợp ngói ống rêu phong quần tụ, lưng tựa vào một khu rừng xanh tốt. Tôi có cảm giác như gặp được một ốc đảo giữ hoang mạc. Ông Củng Dìu Pháng vẫn khoẻ mạnh tinh tường như dạo nào, giờ đã thành già bản tuổi bảy mươi. Nhưng hôm nay ông chỉ ngồi phụ lễ, vai vế trên ông còn cụ Củng Díu Lèng, hơn cả chục tuổi. Câu đầu ông Pháng khoe với tôi là, đợt điều tra dân số gần đây, Pu Péo đã có tổng cộng 905 người rồi. Thật mừng cho dân tộc của ông, đang sắp vượt qua ngưỡng “cực thiểu số”.

Chúng tôi ra cửa rừng. Trên một bãi rộng, có đông trai, gái đang tất bật sửa soạn bàn thờ, cỗ cúng. Nhưng đập vào mắt tôi trước tiên: đôi trống đồng để gần bàn thờ. Tôi nhận ra ngay là trống đồng, vì dáng hao hao giống trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn- niềm tự hào của người Việt, vẫn bày trong các bảo tàng ở Hà Nội. Ông Pháng bảo, đó gọi là trống đực, trống cái. Đất Hà Giang xưa thuộc bộ Tân Hưng, trong số 15 bộ của nước Văn Lang cổ, đôi trống này ra đời cùng nước Văn Lang, có tuổi hàng nghìn năm. Lời thề giữ rừng của người Pu Péo cũng có từ khi ấy. Nghe ông kể vậy, tôi bỗng ngộ ra một điều hệ trọng về dân tộc này: vậy là từ thuở sơ khai trong cộng đồng Pu Péo bé nhỏ đã hiện hữu hai báu vật văn hoá vật thể và phi vật thể. Về văn hoá vật thể, tôi mới chỉ biết có hai dân tộc là Kinh (69,3 triệu người) và Mường (1,2 triệu người) là có trống đồng, bất ngờ biết bao khi dân tộc “cực” thiểu số này cũng chế được trống đồng của riêng mình!

Bàn thờ thần Rừng được đặt chính giữa con đường mòn vào rừng Củng Chá, nhìn xéo về chóp đỉnh Đồng Văn. Dưới chân bàn buộc mấy con gà trống to cùng một con dê tơ. Loạt tầu lá chuối xanh mướt được các thanh niên trải trên bàn, mỗi tầu đặt một miếng trứng gà bên cạnh cái bánh chưng gói bằng nếp cẩm màu đen nhánh (tiếng Pu Péo gọi là mí uột lăng). Ông Pháng bảo, mí uột lăng ăn vào đêm nay, 29 tết, ngụ ý trút bỏ vận đen của năm trước. Sáng mai, mùng 1 thì mở mí uột lìn, tức bánh chưng trắng để đón vận may năm mới. Mỗi vuông lá chuối cúng tiến một vị thần, lần lượt: thần Rừng, thần Trời, thần Đất, thần Nước, thần Gió, thần Mây…Người Pu Péo trọng cái “thật trước mắt”, nên coi rừng còn cao hơn cả trời. Quan niệm đó là độc đáo thiên về duy vật.

Mặt trời dần lặn vào cao nguyên đá. Cụ chủ lễ dáng nhỏ thó, mặc áo dài màu chàm xẻ một bên nách, đầu cuốn khăn xanh hình chữ “nhân”. Rượu đổ tràn các bát đặt trên bàn thờ. Mới chỉ bầy ra những món bằng ngũ cốc và con dê tơ như hiểu sắp tới giờ phải hiến sinh, bỗng cất mấy tiếng be be thống thiết. Cụ Củng Díu Lèng bắt đầu buổi lễ bằng việc trang trọng cầm một cây chuối rừng nhỏ đã cắt hết lá làm dùi, thúc mấy chục lần vào mặt hai mặt trống đực và cái. Tiếng trầm đục liên tục phát ra. Không khí linh thiêng bao trùm, chắc hẳn những người con Pu Péo đang lắng nghe tiếng vọng về của tổ tiên ông bà. Rồi cụ chủ lễ cúi đầu khấn bằng tiếng Pu Péo (ông Pháng đứng bên dịch lại cho tôi không sót lời nào về giá trị văn hoá phi vật thể truyền qua các thế hệ của dân tộc này): “Mời chư thần về uống rượu ngô men lá, ăn bánh nếp, trứng gà. Đều là sản vật rừng cả. Rồi sẽ ăn thịt gà, thịt dê, chúng cũng được rừng nuôi lớn. Tôi già cả nhất bản Củng Chá, xin thay mặt con cháu dâng lên ngài lễ vật để ngài phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, sấm sét, mưa gió không làm chết người, mất gia súc. Hôm nay cả bản họp tại đây thề với thần, giữ rừng nguyên vẹn, ai chặt cây, săn thú sẽ bị trừng phạt không tha…” Lễ cúng kéo dài khoảng nửa giờ, cuối buổi cụ chủ lễ cầm một cành trúc vẩy đi vẩy lại xung quanh; tiếp đến gà, dê được mang cắt tiết, xả thịt làm các món. Xẩm tối. Sau khi cúng đồ mặn một lần nữa, cả bản quây quần quanh bãi cỏ ăn uống, chúc tụng. Ông Pháng còn giải thích cho tôi thêm một điều nữa. Cuộc đời người Pu Péo gắn chặt với rừng, ở nhà chỉ cúng từ ông tổ đời thứ năm trở lại, các vị trên nữa thì đã ra rừng, thường trú ngụ dưới gốc đa to; còn nhà nào sinh con so thì sản phụ được mang ra rừng đẻ, để hồn vía đứa trẻ được thần Rừng dung dưỡng. Bởi thế chặt cây, giết thú là phạm vào cả tằng tổ cùng con cháu mình.

Buổi lễ vãn. Tôi nhìn lên khu rừng xanh thẫm đang dần chìm vào sương, chợt nghĩ: đây mới đúng là rừng “nguyên sinh”, bao đời nay không hề có dấu rìu phạm vào. Kỷ cương được giữ vững gần như tuyệt đối, bởi một lời thề còn cao hơn bất cứ hương ước, hay định chế hành chính nào. Vậy mà vượt qua khu rừng Củng Chá, nhìn rộng ra đất nước mà buồn (Và không biết thời còn trị vì, vị “vua”- bí thư tỉnh kia có từng đến đây mục kích buổi lễ, suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh về lời thề đã ghi xương khắc cốt của cả một cộng đồng từng phải sống biệt lập với thế giới xung quanh hay chưa?) Đã có bao nhiêu chương trình, dự án đầu tư bảo vệ, phát triển rừng không được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc. Trọng đại như Dự án trồng 5 triệu hec-ta rừng, đạt độ che phủ cả nước 47% do Quốc hội khoá trước đề ra đã không thành công và không biết đến bao giờ trên toàn quốc đất trống đồi trọc mới thôi bị bào mòn, sụt lở, trong khi rừng tiếp tục bị phá, môi trường tự nhiên tiếp tục bị huỷ hoại.

Dường như thần Rừng đã nổi giận. Thiên tai mỗi năm lại ập đến, có xu hướng khốc liệt hơn. Trồng rừng mới và bảo vệ rừng tự nhiên ở Việt Nam đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưng vong quốc gia. Vậy thì trước hết hãy lên Phố Là mà học cách dân tộc nhỏ bé này hành xử, trân trọng với thiên nhiên để tồn tại và phát triển…


Hà Nội 2008

P.Q. Đ


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss