Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bếp

Bếp

- Lê Minh Hà — published 31/12/2007 23:59, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Năm trước, ông khách đồng hương phố từ Pháp qua kể chuyện về Hà Nội ra quán xơi thịt gà chấm nước mắm dấm ớt. Tuần trước lại nghe bảo phở Hà Nội phải 24 vị thì mới hoành tráng, và không thể thiếu rau mùi tàu, là cái thứ mọc hoang cùng lá lốt ở mọi xó vườn quê. Hôm qua thì nghe một người Hà Nội già nổi cáu giảng giải cho một người Hà Nội trẻ rằng bánh tôm của em là bánh - tôm - gần - Hồ - Tây chứ không phải là bánh tôm Hồ Tây. À, bánh tôm của người sành điệu bây giờ hóa ra khác thật, dĩ nhiên cái món tôm siết làm sao có được, nhưng bánh tôm mà chỉ có tôm với bột, không có những sợi khoai lang giòn tan dọc ngang ôm ấp những bột với tôm ấy thì…

Bếp


Tản văn 

Lê Minh Hà

Lí lịch trích ngang :

Tôi : Đàn bà, sắp sang tuổi 45, nghề nghiệp nội trợ. (Cũng có thể gọi là Osin không lương).

Nơi làm việc thường xuyên : Bếp.

*.

Việt Nam, nói ngang nói dọc, tôi thấy có mỗi một nơi đủ tiêu chuẩn thành quảng trường : Không gian trước lăng Hồ Chủ Tịch, ngày xưa là quảng trường Ba Đình.

Nên thấy một nữ sĩ danh tiếng tuyên bố khát khao được / và thấy (các đôi tình nhân khác) ôm hôn nhau trên quảng trường, ngạc nhiên lắm. Không lẽ lại kéo nhau ra trước lăng. Nghĩ đi nghĩ lại, thấy khát khao này có lí. Ai cho đứng đó mà hôn tập thể. Dễ biến thành hiện thực đã chẳng thành khát khao.

Sao không ước anh/ ông/ cụ người yêu về nhà thấy mình tung tăng trong bếp thì sà vào ôm vội và hôn cho tóc gáy dựng ngược dưới mắt cụ bà nhà người ta. Khát khao ấy, khế ước văn hóa Việt Nam không dành chỗ, nên chẳng nhỏ.

Nói vậy, vì sự hôn với tôi nó quan trọng và thường xuyên phải được thực hiện, bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu. Thêm, đã khai ở trên, bếp với tôi cũng là nơi chốn mênh mông bậc nhất, cũng là quảng trường.

 

Cũng đã khai ở trên, tôi, tuổi qua đầu 4, đã sống trong ngoài xa gần chí ít cũng ba cuộc chiến tranh gắn với hai chữ Việt Nam. Chiến tranh Nam Bắc Mỹ Việt, chi li phải tính thành mấy cuộc chiến tranh thời vụ khác nhau, từ can thiệp tới bắn phá ra bên ngoài biên giới Việt Nam Cộng hòa, tới thay màu da cho xác chết, xác chết chỉ được phép mang màu da vàng ; chiến tranh Tàu Việt, chiến tranh Miên Việt.

Ba mươi năm đầu đời, ba cuộc chiến tranh. Dù chẳng phải lọ mọ ngay giữa tâm điểm cuộc chiến, thì có định nói rằng vẫn sướng cũng khó. Sướng thế nào được mà sướng, khi hết sơ tán lần thứ nhất thứ hai, vừa đủ lớn trở về với phố là lo nỗi lo xếp hàng vì cơm gạo dầu mỡ hàng ngày. Nói gì cũng không ra khỏi biên - giới - bụng, biết tầm thường lắm nhưng khi chưa là triết gia thì không thể giả ngây thơ quên béng sự đời. Nghĩa là, đời người Việt, buồn vui sướng khổ quay trong bếp, đo bằng sự đầy vơi thiếu đủ rộng hẹp của cái bếp.

 

Cái bếp đầu tiên mà tôi nhớ được là cái chái dựng giữa vườn. Tôi nằm sấp trên tấm giát tre kê trên mấy cái chân mễ mà bà tôi cứ có dịp nào để nhắc là nhắc ngay : " Ông mày/ ông nhà tôi… đóng đấy ". Hồi làng là vùng tề nó đi hoang qua những mấy nhà, mãi sau bà tôi mới tìm ra xin lại và đó là di vật duy nhất của ông tôi. Nhà lúc đó đã xây lại rồi, bà tôi nhận được tin ông hi sinh, không tính đường trở ra Hà Nội sau hòa bình lập lại, mặc dù từng lên bờ xuống ruộng hồi cải cách ruộng đất ở quê. Chái bếp y như cái mụn cóc giữa vườn chính là nơi bà trú ngụ hồi cải cách. Không hiểu sao bà không đạp quách khi xây nhà gạch, và cứ lọ mọ trong đó thổi nấu cho tới tận lúc không ai buồn giọi lại cái mái bếp tã hộ bà.

Tôi luôn nhớ tôi nằm sấp trên cái giường kê bằng chân mễ ông nội đóng, nhìn bà gỡ thịt lươn nấu cháo chống bệnh còi xương cho tôi. Vị cháo tôi quên, hơi nóng tôi quên, chỉ nhớ hai đầu gối gầy bà chụm lại đấy ý tứ khi ngồi giã mấy cái xương lươn lấy nước ngọt. Chắc chắn khi đó tôi chưa đầy bốn tuổi. Vậy thì tôi nhớ điều gì nhỉ ? Một ảo giác về một điều kì diệu và sao mà buồn bã ? Bà ơi ! Tuổi thơ ơi !

Ở với bà, tôi di cư từ bếp giữa vườn qua bếp chái nhà. Hôm rồi chat với thằng cu cháu, may thế nào lại gặp bà cô ra tỉnh ăn cưới. Bà kể chuyện con trai đã xây bếp mới, nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại, bể lọc, những trăm triệu. Ngạc nhiên thầm, được mấy ngày cái bếp kia không ám bồ hóng hả giời. “Ấy không cháu ạ, trong quê bây giờ chả mấy nhà rơm củi nữa. Anh cả nhà cô xây bếp là để lên đời thổi nấu bằng ga như nhà các bác ngoài này đấy.“

Thế thì sướng rồi. Nhà quê đất rộng, bếp to, mùa hè rải chiếu cả nhà ngồi ăn cơm trong bếp, trên đầu quạt trần vù vù, ngoài sân gió nắng đùa với lá có mái gà nhon nhón dẫn con nhào ra bới thóc, vừa ăn vừa xùy gà, vừa dăm điều ba chuyện, chung cư biệt thự cửa sắt cửa kéo cửa từ nào bằng.

 

Vậy là giã từ bồ hóng, giã từ nỗi lo rạ ướt củi hết, giã từ nỗi sợ rơm đượm lửa quá con cái không quen việc khéo làm cháy bếp cháy nhà. Bếp ga, đèn điện, thì cũng không thể có chuyện người ở cạnh gà cạnh lợn như ngày xưa nữa. Tôi bây giờ mới phì nhiêu theo tuổi, chứ hồi nhỏ thì còm cõi lắm, ở nhà quê nhưng lại không phải nhà nông, có chăn nuôi cũng chỉ mấy con gà, luống rau cuối vườn mép ruộng vừa đủ miệng mấy bà cháu, thành thử đồng trằm tôi hãi, chuồng lợn lép nhép phân với nước, con lợn to như cái cót thóc sắp bục tôi cũng hãi.

Tôi chỉ mê mấy mái gà. Mái nâu giản dị, nhanh nhảu, ưa đi đứng một mình. Mái hoa mơ chân dài, cánh úp lẳng lơ, dáng đi son sẻ đầy quyến rũ, chuyên môn bị con gà trống thiến sót nhà bên theo đuổi. Mấy con gà mái ấy đến khi nổi hứng nằm ấp thì ôi thôi. Chuồng gà là một góc bếp xây quây lại, kín bưng. Mùa đông rét mướt, thích ngồi ăn cơm bên bếp lửa thì cứ chuẩn bị tinh thần chiến đấu với ngứa. Do mạt gà. Mấy cái con bọ chíp ấy thế mà công phá da dẻ người rất khiếp. Bị nó đốt, lại ngồi bên bếp lửa nóng thì càng thêm ngứa. Ngứa phải gãi. Gãi đúng chỗ ngứa chưa chắc sướng bằng gãi vào chỗ định vị sai. Khoái cảm bắt đầu từ công đoạn quay cổ vẹo người trong cái áo bông Tàu to xù và kết thúc lúc buông bát, chạy ù ra vườn chuối mà hóng gió bấc.

 

Nói thì nói vậy thôi. Cũng là để thương lại một thời khó nhọc cho biết ngày hôm nay sung sướng cỡ nào. Chứ thật, có lúc nào nhớ lại những năm tháng bé bỏng vào ra quanh những bếp nhà quê, lòng lại buồn bã quá chừng. Thương, cái bếp nhà quê một thời, bước vào là đủ thứ mùi, mùi khói, mùi rơm phơi nỏ, mùi dưa kháng cà khú. Thương, cái giá bếp chất đầy bồ hóng. Trên đó, chúng tôi nuôi vụng bà mấy con ốc nhồi. Mấy con ốc cứ ngày một đen nhẻm và cứ sống, không biết nhờ đâu. Thương, bóng bà ngồi nhoài mình bên bếp lửa, tay cẩn trọng xoay xoay chai mỡ cho chảy để lấy cái cơm nước hàng ngày. Chai mỡ phân biệt nhà tôi với các nhà trong xóm, nếu có mỡ mà xào rán thì âu mỡ đó thường khét lẹt, vì để dành từ hôm ba mươi tết ngả lợn. Chai mỡ là kì tích hàng tháng xếp hàng mua thịt bằng phiếu, lọc rán kĩ càng của bố mẹ tôi và của nhiều cán bộ công nhân viên nhà nước một thời. Bố mẹ chẳng dám ăn, dành dụm đóng chai đem về tiếp tế cho con ở nơi sơ tán.

 Bây giờ, ăn chỉ mong ngon mà không quá chất, để giữ mình dây, nên mỡ màng phải thanh trừng ra khỏi bữa ăn hằng ngày, có ai nhớ giọt mỡ vương sợi rau gầy, đánh lừa mắt đói, một thời ông bà ta, cha mẹ ta, và của chính ta ? Tôi không phẫn nộ vì nỗi có những người sung sướng, sung sướng vì trí tuệ cao mà năng lực nhớ thấp, lên án chuyện ôn cố tri tân như là thói lẩm cẩm không của người rách việc thì cũng là người thất bại. Nhưng cứ ngạc nhiên. Quá khứ, hiện tại và tương lai liền mạch, không đứt đoạn và không dễ đổi chiều. Không biết sẻ chia cùng quá khứ, làm cách nào để thụ cảm cho hết từng ngày tuyệt diệu, làm cách nào để chia sẻ với tương lai ?

 

Bếp nhà quê, bếp thành phố, với tôi là hai thời kế tiếp, thời chiến tranh đánh phá và thời hết chiến tranh. Anh chị tuổi tròm trèm tứ thập ngũ thập chưa ? Nhớ không những tối theo lệnh bố mẹ xách phích ra tổ phục vụ nước sôi 5 xu một lít, đứng xếp hàng bên cái lò than đá nóng bỏng, thơm thơm. Nhớ không những buổi trưa ra bếp phục vụ nhận xoong cơm, âu canh, đĩa đậu rán mẹ gửi nhờ bếp nấu. Mùi bếp than phục vụ này đã vương suốt bao nhiêu phố nhỏ những sáng trưa chiều Hà Nội hãnh diện vì đói khó và chiến công.

Đến tuổi sinh viên, Hà Nội đã quay về với bếp riêng nhà ai nghèo nhà nấy chịu, tôi vẫn ưa hỉnh mũi hóng mùi than đá vương trong không khí buổi sớm lẫn mùi dâu da xoan ra hoa mùa này đây, chớm hạ. Và vẫn nghẹn ngào, khi cúi nhìn bánh xe đạp quay quay đè lên vệt than đêm đêm những xe bò kéo ì ạch đi qua để rớt xuống mặt phố. Có hẳn nhớ thế là do mình chưa bao giờ thành đạt không nhỉ? Hay mình không là người thành đạt bởi cứ ưa nhớ thế này? Nhưng, biết nói thế nào, khi trong lòng chưa vợi cạn, là tôi sướng.

Than đá. Than quả bàng. Mùn cưa. Củi vụn. Giấy dầu. Lá rụng. Tất cả là thử thách với một thế hệ trẻ con Hà Nội một thời. Nấu than còn dễ. Nhưng mà tay bảy tám tuổi mà phải hàng ngày tự đóng bếp mùn cưa thì khó lắm. Quá chặt tay, lò không lên lửa, xào rán sẽ có mùi oi khói và nấu nướng xong bỏ lò cháy không phí phạm. Quá lỏng tay, cơm vừa lục ục muốn sôi thì lò sụp, thế nào cũng xơi cái củng vào đầu của bà chị gái lo trước chuyện bố mẹ đi làm cả ngày vất vả lại phải ăn cơm trương dở sống dở chín. Không làm thì không thể biết. Làm nhiều, khổ thì có khổ, nhưng lớn lên lại được một điều : không ngại khổ và biết thu vén, và bớt được cái tính vị kỉ có tự thuở nhân chi sơ. Trong những điều lứa trẻ hôm nay làm được, có bao điều người đi trước nên lập tức nghiêng mình kính ngưỡng. Nhưng những người trẻ tuổi, có khi nào bạn tự quên được mình một chút, ngay cả là quên đôi ba ước ao riêng để vì những ràng níu nhiều khi hết sức nhỏ nhặt trong đời, với con người ?

 

Những khổ nhục của một thời bao cấp quạt qua cái bếp mỗi nhà, quét đi cả một văn hóa sống, không đơn giản là chuyện ăn gì uống gì. Thói qua quýt cho xong, lấy sự ăn chỉ đơn giản là để tiếp tục thở ra hít vào nảy nòi từ cái thời này. Khẩu vị con người không được làm cho phong phú hơn, mà là sai lạc. Thỉnh cái xoong nhọ nhem nhọ thỉu vào giữa mâm nhôm vừa nhờn vừa xước, bát đĩa cập kênh mỗi thứ một chủng loại, ăn nhai chọp chẹp, thò đũa bẩy cả tảng rau, (bây giờ có thể là một thân cá chép), cắn quả cà vọt cả hạt vào mặt người đối diện, những điều như thế, ở một bếp nghèo nhà quê một thời tôi vẫn nghe dặn dò để tránh, cũng như vẫn nghe dặn dò món nào nhất thiết phải đi với món nào trong một bữa cơm, gừng cay muối mặn ra sao, riềng nghệ hành tỏi lúc nào thì dùng tới, cái muôi múc canh bày trên mâm phải xoay về đâu. Những nguyên tắc trong cái bếp một gia đình cho thấy nếp sống của mỗi nhà, của một thời.

 

Thời bây giờ í a? Là thời a còng, thời tình online, thời lên sàn (nhảy và chứng khoán), thời đại gia thiếu gia liều lĩnh bỉ mình bỉ đời hơn cả trong chưởng “cứng”. Nên liều mình tranh luận với con gái Hà Nội hẳn hoi mới ra nước ngoài về chuyện ăn uống của người Hà Nội, rồi cũng đến thở ra và buồn.

Năm trước, ông khách đồng hương phố từ Pháp qua kể chuyện về Hà Nội ra quán xơi thịt gà chấm nước mắm dấm ớt. Tuần trước lại nghe bảo phở Hà Nội phải 24 vị thì mới hoành tráng, và không thể thiếu rau mùi tàu, là cái thứ mọc hoang cùng lá lốt ở mọi xó vườn quê. Hôm qua thì nghe một người Hà Nội già nổi cáu giảng giải cho một người Hà Nội trẻ rằng bánh tôm của em là bánh - tôm - gần - Hồ - Tây chứ không phải là bánh tôm Hồ Tây. À, bánh tôm của người sành điệu bây giờ hóa ra khác thật, dĩ nhiên cái món tôm siết làm sao có được, nhưng bánh tôm mà chỉ có tôm với bột, không có những sợi khoai lang giòn tan dọc ngang ôm ấp những bột với tôm ấy thì…

 

Cái nếp bếp núc của mình, cứ nói là đồng hương nước Việt với nhau, tiếng vậy mà mỗi miền mỗi khác. Cách nêm nếm, gia giảm của một người đàn bà Huế rặc khác lắm cách của một người đàn bà Hà Nội, mà lại giống nhau ở một điểm : Món ăn Huế và Hà Nội thể hiện cái ổn định cao ngạo và tinh tế của một truyền thống lâu đời, không cho phép những thử nghiệm táo bạo, càng không dung thứ những phá cách liều lĩnh. Bát bún mọc Hà Nội nấu ở bếp nhà không thể có chuyện bày sẵn rồi dội ùm ùm nước " dùng " vào. Đến cả cái cọng rau mùi tàu thơm rất dễ thương kia cũng thành không thương nổi trong một bát bún gà đích thực là bún gà bếp nhà Hà Nội. Nhưng mà ai nấu một nồi bún Huế mà nước lại không sóng sánh cái màu đỏ vương giả, lại trong veo như nước bún mọc thì mời ai chứ mời tôi không đắt. Trong cái ổn định ngon lành của truyền thống bếp núc này, có chứa hiểm họa của sự tuyệt diệt. Nó khác cái sức sống của truyền thống bếp núc nhiều miền đất khác, đặc biệt là phương Nam. Chẳng phải tìm minh chứng ở đâu xa, cứ ngắm nghía một nồi lẩu miền Nam bốc khói. Khó mà định được mùi của nó, chỉ biết là bổ béo một cách giản dị, với sự tham gia của những cá cùng tôm và vô số các loại rau theo kiểu lương tâm tùy mạng mỡ. Ra khỏi miền Nam, nước nồi lẩu hào hùng chinh phục các tâm hồn ăn uống bằng khả năng thích nghi mạnh mẽ và trọn vẹn. Ở nhiều gia đình Hà Nội, lúc tôi về, thấy mọi người nấu lẩu hay thay vị sả bằng vị nấm hương rất đỗi cỗ bàn xứ Bắc. Sà vào quán lại thấy nồi lẩu có vị khác, vị dưa chua nấu cá lẫn với nhiều chủng loại rau nhúng cũng hay hay. Khẩu vị hóa ra chẳng phải là chuyện của một cái miệng hay của một miền, nó thay đổi theo những bước thăng giáng của đời sống kinh tế và xã hội.

 

Mà nếu vậy thì có khi muốn ăn một món truyền thống nào đã tự khẳng định sức sống ổn định của nó chừng năm bảy mươi năm, e phải ra xứ người. Bạn của con tôi đến nhà chơi nhận xét rằng cứ tới nhà người Việt là thấy mùi giống nhau. Hóa ra là mùi bếp. Đơn giản lắm, cứ tương vài ba giọt nước mắm vào một món xào nào đó là đậm mùi xứ sở ngay. Nhưng nói chuyện truyền thống bếp núc sâu xa, chính nơi cái lưỡi cái dạ dày của mỗi con dân Việt tha hồ thưởng thức tinh thần đoàn kết dân tộc qua đủ kiểu nấu Bắc Trung Nam tụ lại chốn quê người, tôi để ý có những người nhất quyết không chịu nấu theo kiểu cải cách, cứ phải món phương nào ra phương ấy.

Ở Berlin, được mời đi ăn khắp nơi, nhưng tôi đặc biệt thú vị ở một bếp nhà. Cứ ngỡ bà chủ bếp chỉ biết văn chương chữ nghĩa và các linh kiện phụ đi kèm một đời nghệ sĩ, là rượu và thuốc. Thế mà ở đó có dưa có cà, có rau xào, có đậu rán, có tôm rang me, có cá bỏ lò, có thịt bò cuốn hấp… món nào cũng sành điệu cả. Cái bếp này với tôi là một góc nhìn khác để nhận diện người đàn bà nghệ sĩ này, người có lẽ giàu có năng lượng sống, năng lượng sáng tạo và năng lượng gây hấn nhất trong giới nghệ sĩ Việt đương đại.

Thú vị không kém, nhưng cách khác, là một cái bếp tập đoàn - bếp câu lạc bộ phụ nữ - câu lạc bộ của những mảnh đời đàn bà Việt đa đoan. Người chị của cả nhóm là một phụ nữ rất đặc biệt, không phải vì từng được mấy cái huân chương chữ thập của Đức, cũng chưa phải vì khiếu thẩm mĩ không giống một ai có một mái tóc nhất quyết chia hai tiền liền ông hậu liền bà, mà vì cá tính như nước lũ. Chẳng ai ngờ người đàn bà rất đỗi hầm hố này lại là một nghệ sĩ đích thực khi đứng bếp. Bánh tôm Hồ Tây, bánh chuối, bún thang, bún ốc, chả cá Lã Vọng… tất cả, tôi đều đã từng thưởng thức ở cái bếp đặc biệt này. Ngoài kia là mưa phùn, ngoài kia là nắng mới, ngoài kia là gió nổi. Như hồ Tây chiều hè, như góc phố xưa đầu mùa gió lạnh, như một giêng hai tíu tít, như tất cả ngày xưa không thể nào tìm lại được ngay ở quê nhà. Bà chị chẳng những nấu món ăn Hà Nội trên cả tuyệt vời, mà món ngon của những miền đất khác cũng tuyệt vời khác lạ. Từ bánh trái Huế, tới món cá kho, lúc kiểu mấy bà già trầu. lúc kiểu mấy chị làng chài vùng gió lào cát trắng. Lạ nhất, người nấu thật ra lại không biết ăn nhiều thứ, ví như mắm tôm trong một bữa chả cá Lã Vọng, mà bàn tay điệu nghệ thay được hẳn vị giác, cực kì tinh tế. Món nào ra món ấy, đúng vị, đúng chất mỗi miền phong thổ yêu thương.

 

Đất nước mình bây giờ có khác. Tậu biệt thự thì khó, nhưng chung cư đời mới thì với nhiều nhà đã ở trong tầm tay sau mấy đận mở công ti trách nhiệm hữu hạn hay nhảy lên nhảy xuống sàn chứng khoán. Bếp núc đời mới phải như tây, tủ treo tủ đứng hoành tráng. Những cái mùi cà dưa một thuở lấy đâu chỗ mà di trú trong bếp nữa, kể cả ở bếp nhà quê. Nhà quê, như quê tôi, đến bữa vác bát ra đầu ngõ mua cà mua dưa y như ngoài Hà Nội. Ngồi ăn hàng ngày, cũng không mấy ai phải gập bụng khép chân gồng người lấy thế. Mâm nhôm mâm chõng đã thay bằng bàn ghế sành điệu. Đại quý.

Nhưng lại nghe ngay cả ở thành phố thì tỉ lệ người có điều kiện sống như thế mới chỉ chừng 30 %. Con số này tôi nghi ngờ, khi nhìn vào những khu chung cư cũ nát đáng đặt thuốc nổ giật sập từ lâu vẫn hiên ngang đứng đó, lại còn được lên tầng do nhân dân tự lo, khi nhìn lượng dân buôn thúng bán bưng làm ăn kiểu vắt mũi đút miệng đổ từ nhà quê ra tỉnh, khi chỉ cần đi ra khỏi Hà Nội Sài Gòn dăm ba chục cây số... Chưa hết, nghe nói chuyện bếp cao cấp đời này nửa năm chủ nhà dùng không hết một bình ga không phải là chuyện hiếm. Thế mà chuyện từ trong bếp ra lại là chuyện đời, chuyện thời.

Liệu có phải mình trầm trọng hóa không nhỉ ?

Lê Minh Hà

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us