Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Biển của riêng ai ?

Biển của riêng ai ?

- Phan Thị Vàng Anh — published 08/03/2007 14:45, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Bút kí của Phan Thị Vàng Anh


Biển của riêng ai ?

Phan Thị Vàng Anh


1.


Sáng :

  • nấu cám, cho heo ăn

  • đi chợ

  • làm vườn

Trưa :

  • Hái rau, nấu cơm, ăn cơm

  • cho heo ăn, tắm heo

  • ngủ

Chiều :

  • quét lá, nhặt củi đun

  • nấu cơm

  • cho heo ăn

Tối :

  • ăn cơm

  • coi T.V.

  • ngủ

 

Chị Nương sống bên bờ biển của Hội An. Nhưng tuyệt nhiên trong thời khóa biểu của chị không có mục tắm biển. Nhiều người cũng đã phí phạm như chị. Cho nên các nhà đầu tư đi ngang qua, dừng xe lại ngắm nghía bờ biển mà tiếc rẻ. Những bãi biển như thế, đúng nhất chỉ có làm resort.


2.

 

Và thế là từ đó, cả xóm chị Nương sống trong lơ lửng. Không ai xây nhà, không ai sửa nhà nữa, vì nghe nói sắp có nước ngoài đến làm khu du lịch ở đây. Đã có người đến đo nhà, đo đất của từng gia đình. Người ta bảo, các gia đình thuyền chài sẽ được cấp một mảnh đất (xa bờ biển), lại được bù một món tiền theo quy định. Với món tiền đó, họ sẽ cất một căn nhà trong khu quy hoạch, bước vào một đời sống mới, kiểu phố.

“Nhưng nếu tôi vẫn muốn ở lại, bên bờ biển...”

“Không được, đất được quy hoạch hết rồi. Bờ biển chỉ làm du lịch thôi,” đến trẻ con trong xóm cũng thuộc lời giải thích này.

Người nghèo trong xóm đua nhau trồng thêm xoài, vì nghe đâu khi đền bù người ta sẽ đếm đầu cây. Trong khi đó, đám “nhà giàu” tối tối chạy sang nhà nhau, bàn bạc căng thẳng. Nếu chúng ta không đi thì sao? Chúng ta chỉ thích ở đây thôi mà? Chúng ta có kiện được không? Những kẻ đầu tư kia ở đâu ra mà bắt đời sống chúng ta bỗng nhiên bị đảo lộn thế này?


3.

 

Đó là một thị xã nhỏ yên bình. Vừa có khu phố cổ, lại có ruộng lúa, kênh rạch và bờ biển dài, Hội An là một trong những điểm du lịch đẹp nhất của Việt Nam. Có không ít người từ thành phố về đây mua đất làm nhà bên bờ biển. Họ trở thành những “nhà giàu” của các xóm chài. Vào lúc này đây, chụm đầu bàn bạc với nhau, họ bỗng thấy ghét tất cả. Ghét bọn giàu hơn có đủ tiền làm resort để ép họ phải đi; ghét đám dân chài nghèo kia sống với biển mà không thiết tha tắm biển, lại không dám mặc cả, chỉ biết lục tục chuẩn bị chui vào những khu quy hoạch. Họ ghét cả chính quyền, chỉ nghĩ đến quyền lợi của nhà đầu tư mà không hỏi đến nguyện vọng của từng gia đình, xem ai thích ở lại làm dân biển, ai thích cầm một nắm tiền đền bù rồi vào trong phố.

“Thế cái đám dân chài vào phố rồi sẽ sống bằng gì nhỉ?”

“Thì chuyển nghề. Chạy xe ôm, bán cà phê, tạp hóa...”

“Ôi, ôm một cục tiền rồi tiêu vung hết đi cho mà xem.”

Mọi người ngồi trầm ngâm, nghĩ tới những người như chị Nương rồi sẽ vào sống trong những căn nhà lát đá hoa sặc sỡ, đèn chùm, và không còn heo để nuôi, không còn rau để tưới, không còn lá để quét... một ngày chỉ biết có đi vào với đi ra để giết thì giờ. Và những thằng con trai của chị, thay vì mỗi chiều ra biển chơi, thì sẽ tiêu tiền trong quán xá.

Họ là những cư dân sẽ bị thay đổi môi trường sống đến cùng cực mà không được chọn lựa, bất thình lình phải từ bỏ cái thời khóa biểu tưởng là đã ổn định cả đời. Trên mảnh đất cũ của họ, những khu resort sẽ mọc lên. Suốt một mùa đông dài chúng sẽ vắng tanh, dài cổ đợi đến mùa hè chỉ để một đám khách du lịch ào đến rồi lại đi ngay, vì ở Hội An không có sòng bài, không có đĩ điếm; chỉ có cảnh rất đẹp và người rất hiền.

“Thật ra thị xã chúng mình hay vì có những làng chài trong lành... Đâu cũng resort thì đúng là biển chết.”

“Mà bãi nào cũng thành resort hết, thế thì dân thường tắm ở đâu?”

“Thì tắm chung với nhau ở bãi công cộng. Ai bảo nghèo. Nghèo thì cái gì cũng phải dùng chung.”

À, hóa ra là thế đấy. Cả đám người nghèo chỉ được coi lù mù là “một khối”. Còn nhà đầu tư được coi trọng như là một “cá nhân”.

“Nhưng còn những bọn làng nhàng như chúng mình thì sao?” Đám “nhà giàu” của xóm nghĩ đến mình, bỗng nhiên ngơ ngác. “Chẳng lẽ ở những nước nghèo như chúng ta, người ta chỉ biết đến có hai loại người thôi sao: loại nghèo sẵn sàng tắm trong những bãi biển đông, và loại giàu được quyền một mình ngắm một mặt trời dưới tán dù resort?”

 

Phan Thị Vàng Anh


Bản dịch tiếng Pháp, Đức và Ý của bài này đã đăng trên

Tạp chí  Un seul monde / Eine Welt / Un solo mondo

(Thụy Sĩ, tháng 2.2007)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss