Biển và chim bói cá
Trích đoạn tiểu thuyết mới
Biển và chim bói cá
Bùi Ngọc Tấn
Khối phòng ban cũng đã có
người
được xuống tầu vận tải ngoại
thương. Điều ấy thổi một luồng
không khí phấn khởi trong các hàng
chức sắc – chỉ trong hàng chức
sắc, nghĩa là trưởng phó phòng
ban thôi – ít nhiều họ đều
thấy một tương lai hứa hẹn đang
chờ trước mặt. Nhất là khi sếp
chánh tuyên bố : Rồi đây không
cứ gì trên bờ dưới nước,
bất kỳ ai công tác lâu năm trong
xí nghiệp có nhiều đóng góp
sẽ lần lượt được xuống
tầu đi nước ngoài. Người bảo
lãnh đạo đã có một tư
duy mới, người bảo thật có lý
có tình, người bảo chắc sếp
cũng thấy bất công quá, chướng
quá, anh em kêu quá… nên mới
có chủ trương như vậy. Chẳng
biết do đâu nhưng tất cả đều
có quyền hy vọng. Thật không ai ngờ
người đầu tiên thuộc khối
phòng ban xuống tầu đi nước ngoài
lại là Nông Đức Bá, vị bác
sĩ trưởng phòng y tế, người
đã cấp cho Quân rỗ và Lê
Mây tám chai canh kí na để hai bợm
rượu đã cơn thèm.
Nhận
hộ chiếu và quyết định xuống
tầu, sau khi bàn giao công việc cho phó
phòng, Bá lao vào việc chạy tiền.
Người ta bảo tối thiểu cũng phải
có mười lăm, hai mươi vé. Một
món tiền khổng lồ. Đào đâu
ra bây giờ. Bá về Thái Nguyên,
gặp mẹ, năm ấy cũng đã già
lắm rồi. Vụng Thanh Giang trên dòng
sông máng ngày xưa nước đầy
ăm ắp nay cạn tới đáy, cỏ
mọc xanh um. Qua ấp. Rẽ vào một con
đường mòn dọc theo thung lũng giữa
hai ngọn núi cao, tới một quả đồi
xoai xoải… Bước vào ngôi nhà
thuở nhỏ. Vẫn như xưa. Nhưng hình
như tất cả đều bé đi. Từ
căn nhà, đến cái vườn, đến
sân và cả cái giếng ở góc
sân cạnh bếp. Đất cũng bạc
mầu hơn. Nương sắn bên nhà
còi cọc khẳng khiu trên những luống
đất trơ sỏi. Mẹ đã già
lắm. Vợ chồng anh Vận, anh cả cũng
già. Còn lũ trẻ con anh Vận, Bá
không thể nhận ra. Đứa nào cũng
cao, cũng đen, bẩn thỉu và gầy
nhẳng. Bá nhớ đến một bài
báo anh đọc trong đó có câu
: Chúng ta làm rất nhiều cho nông
dân, nhưng nông dân không hiểu
chúng ta đã đem lại cho họ những
gì. Anh đã cười thầm khi đọc
bài báo ấy. Ở đâu không
biết chứ tại Phú Bình này cuộc
sống chẳng khác trước là bao.
Đúng là nhà anh bây giờ đã
có màn che muỗi, nhiều nhà có
loa truyền thanh, có xe đạp, những thứ
trước cách mạng không hề có.
Nhưng hãy nhớ rằng hơn bốn mươi
năm trôi qua rồi. Chẳng lẽ để
thấy được sự ưu việt của
hôm nay lại cứ phải so sánh với
nạn đói khủng khiếp năm 1945, khi
nước ta phải chịu hai tròng áp
bức là Pháp và Nhật, mà cái
nạn đói năm ấy cũng chỉ là
đỉnh điểm của một giai đoan
cực kỳ tăm tối.
Năm nào giỗ bố Bá cũng về quê. Khi đi một mình. Khi cả vợ. Năm nào anh cũng chuẩn bị sẵn, đem về mấy cân cá khô (quê anh gọi là cá mắm) và nhiều ít thế nào cũng phải có dăm lạng, một cân mực khô, những thứ mà dân cả vùng, dễ đến cả huyện, chưa ai được nếm qua. Anh biết đó là những món quà cực kỳ giá trị, không những thế còn là nguồn dinh dưỡng, nguồn đạm tăng cường sức khoẻ cho những người thân. Ngoài ra còn mấy gói bánh kẹo mua ở phòng đời sống xí nghiệp để mẹ anh chia ngay cho trẻ nhỏ, trẻ nhỏ nhà anh và trẻ nhỏ nhà hàng xóm. Lần về phép này Bá có thêm một thứ quà đặc biệt văn minh khác : những vỏ đồ hộp nước giải khát các loại. Các mầu xanh, đỏ, hồng, da cam, vàng, lon Heineken, lon Coca Cola, Pepsi Cola, những lon Tiger, San-Miguel đã uống cạn mà trong những lần xuống tầu đi nước ngoài anh lượm được cho vào túi ni lông mang về. Không. Không chỉ có vỏ. Có một lon nước ngọt còn nguyên. Dành cho mẹ. Và một lon bia dành cho anh Vận. Kết quả của hai lần xuống hai tầu vận tải ngoại thương, khi thuyền trưởng đem bia và nước ngọt ra mời, anh đã làm ra vẻ rất tự nhiên, cười vô tư và khảng khái : Hôm nay bị đầy hơi, chỉ xin thuyền trưởng chén trà thôi. Còn cái này xin phép thuyền trưởng mang về, lúc khác uống. Thực ra có phải bụng dạ làm sao đâu. Mà nó nằm trong kế hoạch của anh. Phải đem được ít nhất một lon bia, một lon nước ngọt về cho mẹ, anh Vận và lũ cháu.
Anh mở
lon nước ngọt, rót ra cốc. Cả nhà
tròn mắt nhìn những bọt nước
thẫm mầu nẩy lên lách tách như
mưa trong cốc. Mẹ uống một ngụm.
Mẹ bảo ngon rồi đưa cho cả nhà
nếm mỗi người một ngụm. Còn
khoản bia. Anh Vận nhăn mặt. Anh Vận bảo
khai. Khó uống lắm. Mấy đứa cháu
uống thử. Đứa bảo ngon. Đứa
bảo giống nước đái bò. Cái
sự uống nước trong lon chỉ là để
cho biết thôi. Điều chính là
những cái vỏ lon cơ. Những cái
vỏ lon óng ánh với những chữ in
đẹp như tranh vẽ. Anh Vận chọn ra
những vỏ đẹp nhất, mỗi loại
một chiếc, không móp, không méo,
đem ra giếng súc rửa sạch rồi bầy
vào tủ. Những dấu vết ấy của
văn minh làm nhà anh khác hẳn mọi
nhà chung quanh. Nhà anh đã có hơi
hướm của một thế giới khác,
một thời đại khác khi các nhà
chung quanh vẫn còn đang triền miên
thời làm nương, thời lúa nước.
Và đến khi lũ trẻ được
sờ tay vào những vỏ lon còn lại
mới thật tưng bừng. Đúng là
một ngày hội. Chúng lăn trong nhà.
Rồi chúng đem ra sân. Những chiếc
lon rỗng khi lăn phát ra những tiếng
động chưa từng được nghe thấy
bao giờ. Lăn cho cái xanh chạm vào cái
đỏ. Lăn cho cái vàng vấp vào
một hòn sỏi dựng đứng lên
xoay mấy vòng rồi đổ kềnh. Lăn
từ góc sân này sang góc sân
kia. Lăn chán thì bóp ngang hộp. Lạ
quá. Bóp ngang nó móp lại. Bóp
cái nữa nó lại phồng ra. Khi móp
lại hay phồng ra nó đều kêu răng
rắc. Nó kêu mới to chứ. Như người
bắn súng. Như người vỗ tay. Tiếng
kêu khi lăn, khi bóp cùng với tiếng
reo hò chỉ trong chốc lát kéo lũ
trẻ con cả xóm lại, đứng chật
một đầu sân. Như xem một buổi
biểu diễn văn công. Như xem một nhà
giết lợn. Chúng đứng đấy
nhìn. Thèm. Không một đứa nào
dám ngồi xuống chạm tay vào những
cái vỏ đồ uống như vàng như
ngọc lấp lánh ánh mặt trời cả
một lượt kia. Còn mấy đứa
trẻ nhà anh cứ vênh mặt lên, đến
nỗi Bá phải bảo : Các cháu ơi !
Cho các bạn chơi với.
Anh Vận giết một con gà sống thiến làm cơm cúng bố. Bá ở nhà một đêm. Tất nhiên là đêm ấy anh chẳng thể nào ngủ được. Anh biết trách nhiệm của anh sắp tới thật nặng nề. Ngoài trách nhiệm đối với vợ con vẫn chưa thoát khỏi khó khăn vất vả nhưng cũng còn hơn nhiều lần cuộc sống hiu hắt của mẹ, của anh chị Vận và lũ cháu ở quê. Phải làm sao để mẹ được hưởng một chút gì đó trước khi nhắm mắt, không phải chỉ là mấy con cá khô, gói bích quy, hoặc cân đường. Bố chết, anh biết ngày mẹ ra đi theo bố gần lắm rồi. Mỗi ngày qua là khúc đời còn lại của mẹ ngắn đi một ngày. Phải giúp anh chị các cháu thoát khỏi cảnh nghèo, cảnh lạc hậu này. Sau khi bố mất, anh Vận đã bỏ học ở nhà, làm công điểm cho hợp tác để anh tiếp tục theo học. Mảnh bằng anh có được đâu phải của riêng anh. Mảnh đất này với anh là ơn sâu nghĩa nặng. Đêm nằm, anh thầm thì với vong linh bố mà anh cảm thấy như đang ở đâu đây : Con là Nông Đức Bá được xí nghiệp cho xuống tầu nước ngoài hôm nay về quê thăm mẹ. Con cầu xin bố là Nông Đức Thắng sống khôn thác thiêng phù hộ độ trì cho con gặp nhiều may mắn. Con đi kỳ này là tìm đường cứu gia đình. Mẹ, anh chị Vận, các cháu sống khổ quá. Phận làm con, con không giúp đỡ được mẹ già, thật là bất hiếu…
Trở về Hải Triều, anh và vợ bàn nhau giải quyết vấn đề thật đau đầu. Lấy đâu ra hai chục vé bây giờ. Người ta nói đấy là số tiền giắt lưng tối thiểu. Còn những người làm ăn lớn phải năm mươi bẩy mươi vé. Vợ anh người Thuỷ Nguyên, một cô dân quân xinh đẹp, đảng viên, thời chống Mỹ các chiến sĩ pháo binh trên trận địa đầu làng ai cũng có cảm tình, những lúc rảnh rỗi người nọ nối người kia từ trận địa vào làng, tới nhà trò chuyện. Nhưng tất cả đều đã lần lượt hy sinh như đã lần lượt đến nhà cô mà không nói được điều định nói. Cô dân quân, kiện tướng làm bèo hoa dâu một thời ấy thì họ hàng có ai buôn bán mà hỏi, mà vay giật. Nhưng cả hai vợ chồng thật không ngờ. Chưa phải đi vay đâu cả đã có trong tay hàng cây vàng ! Toàn là của những người gửi nhờ mua đồ. Người nửa chỉ, người một chỉ. Người nhờ mua cái quần bò cho con giai. Người nhờ cái áo lông cho con gái. Người mét nhung bò liếm cho vợ. Người bạo dạn, liều lĩnh thì nhờ mua cái quạt cũ, thậm chí một cái ra đi ô cát xét cũ một cửa băng… Toàn những người thân. Toàn những cảnh rách. Những tài sản tích cóp được không biết từ bao giờ, bằng cách nào. Nhận mà lo. Bởi nhẩm tính ra những hàng phải mua hộ này đã chiếm gần hết tiêu chuẩn của một chuyến rồi. Nhưng ai gửi cũng nhận. Nhận đã. Sau sẽ tính. Nhận và ghi cẩn thận. Để khỏi nhầm, khỏi quên. Đang cần vốn. Thấy Bá dễ dãi, người gửi xuýt xoa cám ơn. Bá chỉ cười: Phải một vài chuyến đấy nhé. Người gửi chứa chan hy vọng: Vâng. Bao giờ cũng được. Anh nhận cho là quý rồi. Chưa xuống tầu, Bá đã thấy cuộc sống của mình thay đổi. Trước đây nhà anh có ai lui tới mà nay người ra người vào tấp nập.
Có vẻ nhiều nhiều nhưng khi kiểm lại vẫn chẳng được bao nhiêu so với con số hai mươi vé phải có. Bá gặp Đay, người cũng được quyết định xuống tầu cùng một đợt, than thở. Vốn mang ơn Bá khi thằng út bị viêm phế quản, sốt cao, thở khò khè được Bá cứu sống, Đay cười :
– Có việc cỏn con thế mà không giải quyết được thì làm ăn cái gì. Đi buôn quốc tế sao nổi. Ông cần bao nhiêu ?
Bá lúng túng :
– Gần hai mươi vé.
– Sao lại gần hai mươi ?
– Nhà cũng chuẩn bị được mấy vé rồi.
– Cứ cho là nhà có năm trăm đi. Thế định chỉ đem đi hai mươi vé thôi à ? Có mà ăn cám. Riêng tiền đóng góp đã năm trăm rồi.
Bá giẫy nẩy :
– Sao bảo mỗi chuyến chỉ ba vé ?
Đay xuỳ :
– Ba trăm là đi Xinh, đi Hồng Kông. Đi Nhật tối thiểu phải năm vé. Tối thiểu đấy.
Bá hoang mang. Năm trăm đô la. Năm triệu. Buôn cái gì lãi năm triệu để đóng góp ? Vậy mỗi chuyến phải lãi tối thiểu mười triệu. Đóng góp gì ghê gớm thế ? Năm triệu là một năm tiền lương của anh. Tầu ba chục người. Mỗi chuyến ngồi chơi nhận một trăm năm mươi triệu.
Như đoán được ý nghĩ của Bá, Đay giải thích :
– Không phải sếp ăn cả chỗ ấy đâu. Rải nhiều nơi lắm. Công an, hải quan. Rồi tiếp khách. Rồi tổ chức. Rồi ông bí thư. Tất nhiên là những đồng chí này ít thôi. Nhưng cũng là tiền. Còn bộ. Còn uỷ ban…Liên khúc mà. Cứ phải ba mươi vé là ít bố ạ !
Bá không giấu được vẻ lo lắng :
– Thế ông mang đi bao nhiêu ?
Đay lắc đầu :
– Ông không bì với tôi được. Bọn chúng tôi có cả một hầm máy. Còn vệ sinh viên như ông ít nhất cũng ba mươi vé.
– Nhưng vay đâu ba mươi vé bây giờ ?
– Vay lãi trên phố. Lãi mười phân thôi. Nhưng căn bản có hàng là phải bán cho họ. Của mấy nhà buôn trên phố. Càng tốt chứ sao. Chúng nó buôn lớn lắm. Tôi cũng đã định vay giật mỗi thằng tổ máy dưới tầu một ít nhưng nghe chừng các con giời ngại. Thắng đã vậy. Mất thì mình lấy đâu ra mà giả chúng nó. Nên cứ vay lãi trên phố là tốt nhất.
Bá đi với Đay lên phố. Cũng chỉ định vay hai nghìn thôi. Xem thế nào đã. Đay bảo tuỳ ông. Chuyến này đi Nhật đấy ông ạ. Cứ làm ba nghìn đi. Bá nghĩ đến số tiền lãi phải trả. Ba nghìn. Mỗi tháng mất đứt ba trăm tiền lãi. Ba trăm lãi. Năm trăm đóng góp. Tám trăm tất cả. Một tài sản khổng lồ. Buôn cái gì cho lại ? Anh cố tự động viên mình : Có người có ta. Người ta đi tầu nước ngoài nên người cả đấy thay. Phải đi mới biết. Chuyến này tầu 19 đi Nhật. Bá biết mình gặp may. Năm bẩy chuyến Hồng Kông mới có một chuyến đi Nhật. Và một chuyến đi Nhật hiệu quả kinh tế bằng năm, bằng bẩy chuyến đi Hồng Kông, Xinh ga po cộng lại. Trúng số hên. Nhiều người bảo với anh như vậy. Anh viết giấy vay người quen của Đay ba nghìn đô và lùng bằng được quyển hội thoại Anh Việt và hội thoại Nhật Việt nhưng cả Hải Triều không đâu có. Anh viết thư cho một người bạn cùng học một khoá trường Y nay làm ở bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh, và thật may, người bạn đã tìm được một quyển gửi ra cho anh. Suốt ngày anh nghiền quyển sách bỏ túi nhầu nát dù mới xuất bản sau thời gian đổi mới. Sau nhiều ngày lẩm nhẩm tiếng Nhật những sambashi (cầu tầu, bến tầu), những benjo (cầu tiêu) tetudatte kudasai (xin ông giúp đỡ tôi) Osaka yuri no kippu o kudasai (xin ông cho tôi vé đi Ôsaka) lại đến tiếng Anh show window (cửa hàng, mặt hàng) let me have a look at that (để tôi coi cái kia) how much (giá bao nhiêu)… đến mụ cả đầu óc rồi đêm đêm cùng vợ bàn tính về những thứ sẽ mua sao cho có lãi nhất, về những gì sẽ đến với họ, khi lo lắng, khi náo nức không ngủ được lại phải gọi giấc ngủ đến bằng chuyện chăn gối, một việc mà mấy năm gần đây chị vốn thờ ơ, gần như phải cố gắng hết mình để chiều anh. Lúc nào chị cũng thụ động, không nói ra miệng nhưng anh biết chị chỉ mong anh kết thúc sớm phút nào hay phút ấy. Và ngay sau khi kết thúc, chị lăn ra ngủ, ngủ mê mệt, ngủ không nhóc nhách như chưa bao giờ được ngủ. Anh rất buồn về chuyện ấy. Về mỗi khi anh vòng tay qua người chị, đan năm ngón tay anh vào ngón tay chị, gác một chân lên giữa hai chân chị thì chị lặng lẽ gỡ tay anh ra hoặc quay nghiêng vào phía trong nằm co như con tôm, im lặng ngủ. Anh sợ chị mắc chứng lãnh cảm và lùng tìm những thứ thuốc kích thích nội tiết tố để chị uống nhưng sự việc cũng chẳng khá hơn. Anh, chính anh cũng phải vặn nhỏ ngọn lửa ham muốn để phù hợp với chị, để khỏi làm khổ mình, làm khổ vợ và quen với nó bao giờ không biết.
Giờ đây chị bỗng trở thành một người khác hẳn (và đồng thời cũng biến anh thành một người khác hẳn, anh đã là chính anh ngày trước). Đam mê, cuồng nhiệt, ẩm ướt, lúc nào cũng sẵn sàng hé mở. Anh không nhận ra chị nữa. Còn hơn cả tuần trăng mật xa xưa. Chị chủ động, khám phá anh và sung sướng đón nhận anh khám phá. Lần đầu tiên anh được hưởng những tư thế lạ, những cảm xúc chưa bao giờ có, những lúc vợ chồng đang khăng khít, bỗng nhiên chị rời anh, đứng thẳng trên giường hoặc cúi lom khom, cong người hay bước hẳn xuống đất đi quanh phòng để anh nhìn ngắm, để anh đưa tay vẫy rồi ngoan ngoãn bước tới ghé một bên mông xuống giường, nghiêng người chống một tay qua người anh, cúi xuống nhìn anh như nhìn một người tình, vừa hồn nhiên vừa điêu luyện để anh phải kéo chị nằm ấp lên anh, những sáng kiến như không bao giờ hết trong chuyện ái ân của chị. Anh biết chị không cố làm ra thế. Là một bác sĩ, anh quá hiểu chuyện ấy. Điều chị làm là từ trong bản chất. Cũng như trước đây, anh quá hiểu những lúc chị quằn quại hay rên lên khe khẽ chỉ là những cố gắng quá sức của chị, những cố gắng chỉ để làm vừa lòng anh. Anh nghĩ có lẽ vì chị vất vả quá. Nhóm lò. Xếp hàng gánh nước. Tắm rửa cho thằng bé con. Đánh thức nó dậy sớm, rửa mặt mũi cho nó. Cho nó ăn rồi hớt hải đạp xe đưa nó đi nhà trẻ. Xếp hàng đong gạo, mua thực phẩm. Mua rau lợn. Nấu cám. Cho lợn ăn. Dọn chuồng lợn. Đổ rác. Thức khuya soạn giáo án, rồi ra máy nước công cộng giặt giũ vì chỉ thật khuya vòi nước mới vắng, nước mới chẩy mạnh. Đã đành anh giúp chị trong mọi việc, nhưng trách nhiệm chính vẫn đổ lên vai chị. Suốt năm suốt tháng lo lắng, chi li keo kiệt tính toán và mong ước... Khi hai vợ chồng lên giường, chị nằm dài như một người kiệt sức và chỉ muốn ngủ. Giờ đây cũng vẫn những công việc ấy, có bớt đi chút nào đâu, có khi còn tất bật, lo lắng hơn, nhưng nằm bên anh, chị cựa quậy như một đứa bé, đôi mắt long lanh, hai chân tách ra chờ đợi... Vì sao thế nhỉ. Vì sao chị bỗng trở thành người đàn bà mặn nồng đến thế? Điều gì đã làm chị bùng nổ? Chẳng lẽ chỉ một tờ quyết định xuống tầu đi nước ngoài của anh thôi đã thay đổi hẳn con người chị, nó nói với chị về một tương lai tốt đẹp đang chờ chị, sắp đến cùng chị và thổi vào người chị sức sống đã rời bỏ chị từ lâu? Anh đặc biệt xúc động khi nhìn chị khoả thân đi lại trong phòng như trong thời nguyên thuỷ. Một câu hỏi bỗng đến cùng anh: Không hiểu vì sao con người ăn lông ở lỗ ngày xưa sau hàng triệu năm tiến hoá trở nên mịn màng đến thế, tuyệt vời đến thế lại vẫn lưu giữ những dấu vết nguyên thuỷ ấy. Mà lại rậm rạp đúng nơi mịn màng nhất, nõn nà trắng trẻo nhất. Phải chăng đó là lời thú nhận bản năng không thay đổi, bằng chứng của một đam mê giấu kín, che đậy và giờ đây không còn che đậy nữa. Như mời gọi. Như khiêu khích. Lại như sẵn sàng dâng hiến. Chính ngọn lửa đam mê tổ tông ấy đã thổi bùng ngọn lửa trong anh.
Bá xuống tầu với chức danh phục vụ viên, một chức danh thấp kém nhất dưới tầu nhưng là niềm mơ ước của biết bao người bởi đó là sự đổi đời. Bưng cơm. Lau bàn ăn. Vệ sinh buồng ăn. Cầm bùi nhùi lau hành lang. Cọ nhà xí… Bá hoàn thành nhiệm vụ một cách miễn chê. Sóng to. Người lử khử nhưng không nôn. Và dù mệt đến đâu cũng cố ăn hết suất cơm. Trong một lúc cọ nhà xí, anh tự thấy thật buồn cho công lao học hành của mình, và những câu chuyện tưởng đã quên đi, bỗng vụt trở lại trong óc làm anh bật cười, lại thấy phấn chấn trong công việc. Đó là câu chuyện một cô gái đinh ninh mình lấy được một anh xích lô như lời anh ta khai nghề nghiệp cùng cô. Cô mừng như bắt được vàng. Thu nhập của anh ta sẽ bảo đảm được đời sống của cô. Nhưng té ra cô đã bị lừa. Một kẻ lừa đảo, dối trá, làm hại một đời cô. Anh ta chính là một phó tiến sĩ, một phó tiến sĩ chính hiệu, tu nghiệp ở nước ngoài, có bằng đỏ trong tay cùng với đồng lương chết đói. Và cô đã đâm đơn li dị. Đấy là chuyện bịa. Chuyện tiếu lâm tân thời. Còn đây là chuyện thật. Thật một trăm phần trăm. Một người bạn anh, một thầy giáo đại học bách khoa có uy tín sang Algérie dạy học hết hạn trở về gặp anh trò chuyện và đến lúc ấy, anh mới biết người bạn anh sang đấy chỉ dạy trung cấp. Đoán được sự ngạc nhiên của anh, bạn anh nói tên một vị giáo sư lừng danh khác, đã từng đi hội thảo với các nhà khoa học quốc tế nhiều lần, cũng chỉ dạy trung cấp ở Algérie. Bạn anh đã khuyên vị giáo sư nọ : “ Chúng tôi vô danh tiểu tốt đi còn được. Anh đi, quốc tế biết anh dạy trung cấp, nó cười cho ”. Và vị giáo sư đáng kính đã chân thành nói với bạn anh : “ Tôi nghĩ kỹ rồi anh ạ. Sang bên ấy dạy mẫu giáo tôi cũng đi.” Mà ngày ấy sang Algérie bao nhiêu năm, khi về cũng chỉ đủ tiền mua được chiếc xe máy Honda DD Nhật còn trong hộp xốp.
Tách bến được ba ngày, vừa mệt vừa buồn. Sóng to. Lử khử. Tiếng Anh không vào. Tiếng Nhật không vào. Ti vi Việt Nam không bắt được. Ti vi Nhật cũng không. Toàn ruồi. Anh em mở vi đê ô. Phim xếch. Xếch nặng. Xem mãi cũng chán. Phim nào cũng mấy khuôn mặt ấy “ những gương mặt thân quen ” như Đay nói. Mãi mấy hôm sau mở ti vi bắt được đài Nhật. Đang chiếu một phim gì đó. Người Nhật, thành phố Nhật hiện ra. Náo nức. Không ngủ được. Đất Nhật gần lắm rồi. Cái đất nước thần kỳ. Nó làm cho những người bình thường khi tới đó trở về bỗng biến thành những người khác hẳn. Ôsaka đâu? Cảng Ôsaka to hay nhỏ. Thành phố Ôsaka thế nào nhỉ. Chắc là giầu có, điện sáng trưng mọi ngóc ngách và sạch như li như lai. Ôsaka yuri no kippu o kudasai. Bá lẩm nhẩm lại bài học. Tầu đến phao số 0 vào tối thứ năm. Mỗi người được phát một giấy lên bờ. Sáng thứ sáu cập cảng Ôsaka. Bá cùng anh em không phải trực ca bước xuống cầu thang, lần đầu tiên đặt chân lên đất Nhật. Còn đang đứng ngắm trời ngắm đất, bỗng thấy mọi người nhất loạt chạy rầm rập cùng một hướng trên cầu tầu. Chạy đi! Đay thét lên giục Bá. Cũng chỉ một câu ấy rồi co cẳng chạy. Ngơ ngác không hiểu chuyện gì, Bá cũng chạy. Chạy và nghe tiếng Đay vọng lại : “ Nhanh lên ! Vào thành phố mua hàng không họ mua hết ! ” Về sau này Bá mới biết dân Ôsaka chỉ bán hàng ngày hôm nay. Ngày mai thứ bẩy, ngày kia chủ nhật nghỉ. Mà thứ hai tầu đã tách bến rồi. Cảng Ôsaka rộng quá. Dễ chừng chạy hai ba cây số mới ra tới cổng. Trình giấy. Bước ra đường. Không còn một ai. Cả Đay cũng biến rồi. Không có cả tắc xi. Lo quá. Giở quyển hội thoại xem lại một lần nữa cho chắc chắn rồi nói với người gác cổng : Takusi o yonde kudasai. (Xin ông gọi xe tắc xi cho tôi.) Người gác mặc sắc phục như cũng hiểu tâm trạng anh, tươi cười : Chotto matte kadasai (Chờ một tí). Chờ. Phải chờ thôi. Chẳng còn cách nào khác. Nhưng cái kiểu chạy như ma đuổi của anh em thuyền viên và câu nói vọng lại của Đay Nhanh lên vào thành phố mua hàng không họ mua hết làm anh bồn chồn. Kia rồi. Một chiếc tắc xi mầu vàng chanh đi ngang. Giơ tay vẫy. Lên xe. Người lái xe nói một câu tiếng Nhật, anh không hiểu. Rồi lại một câu tiếng Anh. Anh cũng không hiểu. Nhưng cứ gật. Sực nhớ mấy tên phố đã nghe anh em nói, Bá xướng đại một tên. Hoá ra đúng. Chẳng ngắm nhìn đường phố Nhật thế nào, chỉ chăm chăm vào những cửa hàng. Đến khi thấy mấy cửa hàng bày xe máy cũ, anh ra hiệu cho người lái xe dừng lại. A ri ga tô. Người lái xe nhận tiền cười rất tươi đáp lại : A ri ga tô.
Rất nhiều xe. Mấy cửa hàng liền nhau. Trời ơi. Của nả đây rồi. Sự đổi đời đây rồi. Một chiếc Cub 81 bẩy mươi phân khối mầu ốc bươu đời chót kim vàng giọt lệ kia rồi. Đó là mơ ước của anh, mục tiêu của anh. Đó là điều anh ao ước và đã nhiều lần nói với vợ là sẽ mua một chiếc xe như thế. Một chiếc xe được giá nhất, dễ bán nhất. Chưa dám dùng đâu. Chưa. Chưa có tiêu chuẩn. Còn phải quay vòng vốn đã. Hai vợ chồng đèo nhau, chồng trước vợ sau, lượn phố ít ngày rồi cho đi ở. Xe loại ấy đang lên ngôi. Một chiếc xe như thế bán vất đi cũng phải được trên mười vé.
Good morning ! Phấn khởi, Bá chào người chủ quán, chào to như bạn bè lâu ngày gặp lại, nhưng rõ ràng ông ta không hiểu Bá nói gì. Chỉ giơ tay về phía trong, gian nhà thênh thang xếp chật những xe máy là xe máy. Anh bổ tới chiếc xe ngoài cùng, chiếc 81 chót chét kim vàng giọt lệ của anh và đứng sững: Trên yên xe đã ghi tên người mua. Anh nhìn sang những xe khác. Gần như tất cả đã có tên ghi trên yên, đã có người mua. Những tên quen và những tên lạ, không phải người của tầu anh. Thất vọng, hoang mang, anh bước sang gian hàng bên cạnh. Vẫn như vậy. Sang đến gian hàng thứ ba, cũng vẫn vậy. Anh biết có nhiều tầu Việt Nam cặp bến Ôsaka. Thuyền viên các tầu ấy đã mua trước cả rồi. Sau này khi về tầu anh còn nghe anh em nói có những người đánh dấu sẵn, trả tiền trước để chuyến sau sang lấy. ở cửa hàng thứ ba vẫn còn nhiều xe chưa đánh dấu nhưng toàn là loại xe hai ống xả, 500 phân khối, 1000 phân khối, thấp nhất cũng là 250 phân khối. Xe này mang về nước khó bán, không có giá trị kinh tế, lờ lãi chẳng là bao. Mỗi chuyến được một xe máy không thuế thì phải mua xe nào hiệu quả nhất. Tìm mãi. Tìm mãi. Vớ được cái Chaly 70 phân khối. Nhưng vay những ba nghìn cơ mà! Ba trăm tiền lãi và năm trăm tiền đóng góp. Làm sao vợi bớt số tiền này. Lại lùng sục. Sâu mãi vào gian trong. Gian trong nữa. Nghiêng người mà lách. Trèo lên mà đi. Đứng im trên xe mà phóng mắt ra bốn chung quanh quan sát. Rồi bò qua những chiếc xe xếp sát nhau tới một góc. Lấy tay lau lớp bụi bám dầy trên các bộ phận một chiếc xe đen đủi. Lớp bụi rơi ra để lộ một nàng công chúa, không, một chàng hoàng tử đen bóng, còn nguyên nước sơn và lớp mạ ánh lên. Hoàng tử đen! Một chiếc CD. Một chiếc Honda một trăm phân khối đang là mốt của những thanh niên ăn chơi thời thượng! Vua và hoàng tử của các giống loài xe máy! Lòng anh như múa lên. Hê lô! Hê lô! Anh vừa bước ra gian ngoài vừa gọi ông chủ hiệu. Sau khi dẫn ông ta vào tận chỗ chiếc xe và viết tên mình lên yên, Bá trả tiền. Chủ hàng đưa cho anh giấy biên nhận và nói chiều sẽ cho xe chở đến tận cầu tầu. Anh yên tâm giao tiền không ngần ngại, bởi khi còn đang hành trình, anh đã nghe các bậc tiền bối nói kiểu mua bán với người Nhật là như vậy. Họ nói sao làm vậy. Chưa một lần lừa đảo. Đã định bước ra nhưng không hiểu trời xui đất khiến thế nào lại đi sâu vào góc, tận xó xỉnh trong cùng, đứng ngoài nhìn vào giống như một chỗ trống, lật mấy tấm bìa các tông chênh chếch lên: Anh reo to khiến người chủ hiệu đứng đó cũng cười vui niềm vui của anh : Một chiếc 81 chót chét kim vàng giọt lệ ! Mơ ước của anh ! Thôi rồi Lượm ơi. Lượm trúng quả rồi. Chắc bố phù hộ đây. Bán con CD. Với cái 81 này. Giữ lại cái Chaly cho vợ đi. Cái Chaly coi như được biếu không. Tiền lãi một cái CD đã thừa cái Chaly này rồi. Nhưng thôi, việc ấy tính sau. Nếu cần cứ cho đi cả ba cái. Trả bớt nợ chừng nào hay chừng ấy, để khỏi chịu lãi. Chắc là cô ấy đồng ý thôi. Mà sao bỗng nhiên nàng tuyệt vời đến thế. Đúng là nhờ có cái quyết định xuống tầu. Hơn mọi thứ thuốc mình mua. Chuyến này về chắc chắn trên cả tuyệt vời.
Việc quan trọng nhất đã hoàn thành vượt mức. Giờ đây là lùng mua loa thùng. Loại loa thùng 200 oát. Thứ hàng đang được trong nước mến mộ. Takusi o yonde kudasai. Tắc xi ghé sát vỉa hè. Chở tới cửa hàng bán loa cũ. Có mặt khá đông anh em tầu. Kho rộng mênh mông. Bụi cũng bám đầy trên các thùng loa. Cũng là lưu cữu từ đời nảo đời nào rồi. Len lỏi. Chui rúc. Lôi. Đẩy. Moi móc. Bẩn thỉu nhem nhuốc đến phát xấu hổ lên. Mỗi người một ngóc, một ngách, im lặng thở và tìm tòi lùng sục. Vừa trông thấy ở một góc khuất có hai thùng loa ưng ý, vội bước tới thì không biết ở đâu vọt ra một người lao từ phía sau chen Bá ngã ngửa, vượt lên phóng đến chỗ thùng loa, tay nhăm nhăm viên phấn viết rất nhanh tên mình vào đấy rồi ghé vai vác từng chiếc một ra ngoài. Đay ! Pha ra Đay ! Bá đứng dậy nhìn Đay sù sì to lớn, mặt mũi chân tay quần áo đầy bụi im lặng nghiêng đầu vác chiếc loa thùng 200 oát bước qua, không thèm nhìn anh. Anh rất giận Đay. Nhưng rồi lại nghĩ đến chuyện Đay đã đứng ra bảo lãnh việc vay tiền cho anh, nghĩ đến buổi sáng khi đứng trên cầu tầu, mọi người rùng rùng chạy, không ai nói với anh một lời. Chỉ có Đay là người duy nhất đã bảo anh. Cuộc sống là như vậy. Khắc nghiệt quá. Giành giật. Ước lượng. Xác định chất lượng, định giá tiền khi về nước. Không còn chút tình cảm nào lúc mua hàng mặc dù ở dưới tầu anh anh em em thân mật. Cuối cùng Bá cũng mua được hai đôi loa thùng ưng ý, mấy cái cát xét mô nô, mấy cái xít te. Mua thì cứ mua. Nhưng không được thử. Ông chủ người Nhật nói rằng loa tốt. Thì chắc loa tốt. Nói cát xét tốt là cát xét tốt. Người Nhật rất thật thà. Giao tiền cho họ rồi hẹn giờ, họ cho xe chở đến tận tầu. Anh em bảo vậy. Bá cũng tin như vậy. Với lại họ giầu có thế, ai lại nỡ đi lừa đám người khố rách áo ôm !
Hôm sau thứ bẩy. Gay vì Ôsaka không bán hàng cả hai ngày thứ bẩy và chủ nhật. Hai ngày không mua được hàng. Mà sáng thứ hai tầu đã tách bến. Mà trong túi còn hơn nghìn đô la. Khi xuống tầu bụng nghĩ ba nghìn này đi Nhật cố gắng làm sao lãi được gấp đôi. Ba nghìn thành sáu nghìn, chí ít cũng là năm nghìn rưởi. Năm nghìn rưởi ! Nghĩa là mình có trong tay năm mươi lăm triệu, mà hai mươi lăm triệu là của mình. Chỉ mươi ngày mình đã là triệu phú, đã có trong tay hai mươi lăm triệu làm vốn, trừ tiền lãi và tiền đóng góp cũng còn mười bẩy triệu. Chuyến này về sẽ trả nợ mười vé, thế là bớt được mỗi tháng một trăm đô tiền nợ lãi. Cọ rửa nhà xí, lau hành lang, phục vụ bữa cơm xong Bá định tìm Đay bàn tính xem sao thì Đay đã biến tự bao giờ. Anh em bảo chỉ còn mỗi cách đi Mô-tô-ma-chi cách 250 ki lô mét. Mô-tô-ma-chi là thành phố nhỏ, buôn bán suốt mọi ngày trong tuần. Những người không phải trực đã biến hết. Không biết họ đi đâu. Chỉ còn một mình Bá. Thì một mình đi. Không một thoáng ngại ngần. Vì đây là nước Nhật. Đây là nơi định đoạt cuộc đời mình, số phận mình, số phận gia đình mình. Phải chiến đấu. Dù đơn thương độc mã cũng phải chiến đấu. Một mình ra cổng cảng. Xem lại sổ hội thoại Nhật Việt, cái gậy dò đường để xông pha trên đất Nhật, đổi đời. Lúc mới cầm quyết định xuống tầu cứ nghĩ phải học tiếng Anh. Nhưng không. Dân buôn bán đồ cũ của Nhật không biết tiếng Anh. Chỉ cần quyển hội thoại Việt Nhật. Vẫy tắc xi. Giở hội thoại chỉ vào chữ ga tầu điện ngầm, miệng nói Mô-tô-ma-chi. Anh lái xe hiểu. Lên xe. Kéo dây an toàn. ở Nhật bước chân lên xe là phải kéo dây an toàn. Xe chạy nhanh đến mức khó hiểu. Đến ga tầu điện ngầm. Xuống xe. Mất một ít yên. Theo cánh tay chỉ của người lái tắc xi, Bá bước xuống một cầu thang sâu và rộng. Gió từ phía dưới hút lên mát rượi. Người đông. Nhộn nhạo. Đi lại. Lên xuống. Như một siêu thị. Lại phải dùng đến Hội thoại Việt Nhật. Tìm đến một ông già. Lễ phép cúi đầu chào. Chỉ chữ : Phòng bán vé.
Đến phòng bán vé giơ ngón tay trỏ lên (ý rằng một vé) nói cộc lốc: Mô-tô-ma-chi. Cầm chiếc vé tầu điện ngầm trong tay, ngồi trên một chiếc ghế chờ bắt vào sát tường, lúc ấy Bá mới để ý quan sát chung quanh. Anh ngước nhìn cái mái vòm cong cong trên đầu, hai bên tường cũng cong đầy hình vẽ quảng cáo. Không. Không phải hình vẽ mà những tấm ảnh, hoặc nếu có phải hình vẽ thì cũng là những hình vẽ cực công phu giống ảnh như hệt. Những cô gái Nhật váy ngắn, chân dài nghe điện thoại, hoặc vắt vẻo trên những chiếc xe máy, những chiếc xe ô tô bóng lộn, những chiếc giường trải khăn đệm trong căn buồng rèm buông rủ… Xe điện đến. Tất cả đứng lên. Bá cũng đứng lên. Xe chạy trên đường sắt đặt sâu dưới nền. Cửa lên xuống chỉ cao hơn nền khoảng gang tay. Nhiều toa. Toa nào cũng đông người. Anh vừa tìm được một chiếc ghế ngay cửa lên xuống, xe đã chuyển bánh. Điều làm anh ngạc nhiên là xe khởi động và tăng tốc rất nhanh. Chỉ mấy giây đã đạt tốc độ tiêu chuẩn. Mọi người trên tầu ai cũng ngồi chúi mũi vào những quyển sách. Trong toa gần như không có tiếng to nhỏ chuyện trò. Tò mò. Ngó bên nọ, ngó bên kia. Vịn cả thành ghế đứng lên nhìn. Thì ra họ đọc tranh truyện. Tầu cứ lao đi trong đường hầm. Hai trăm năm mươi ki lô mét tưởng lâu. Khi đi lo không biết bao giờ tới nơi. Rồi còn mua bán. Lại chỉ độc một mình, không ai giúp đỡ, không ai bàn bạc trao đổi. Rồi còn trở về tầu. Nhưng chỉ một tiếng đồng hồ đã đến nơi. Một giờ đi. Hai giờ đến. Chạy thẳng một lèo không đỗ. Mới thiu thiu ngủ một tí, đã nghe tiếng chuông. Dậy. Khoác túi leo cầu thang từ đường hầm bước lên. Chợ kia rồi. Cuốc bộ vào một chợ nhỏ. Đói. Bây giờ thấy đói. Thì lúc mọi người ăn, anh còn bận chạy bàn, có ăn đâu. Chỉ kịp nhét vào túi cái bánh mì, chai nước uống phòng xa. Bá nghĩ bụng ăn uống trước rồi vào chợ to. Có thực mới vực đạo. Cái chợ nhỏ anh đến giống chợ Việt Nam, hàng hoá bầy trên sạp như Chợ Con, chợ Sắt. Nhưng rất ngăn nắp. Mỗi khu bán một loại hàng. Thứ nào cũng đề giá. Ngay cả chiếc bút chì. Rất rõ ràng, không sợ bị hớ. Bá tìm đến khu hàng ăn. Định vào một cửa hàng bán cơm giống cơm Việt Nam. Nhưng nhìn bảng giá, anh sững lại. Và nhẩm đổi ra tiền Việt. Một bữa cơm xoàng xĩnh như vậy ở Việt Nam chỉ 10 nghìn. Nhưng ở đây là hai trăm nghìn. Thôi không vào hàng ăn nữa. Ăn thế mất toi cái ti vi. Một bữa cơm xoàng mất một cái ti vi. Không được phép. Đứng giữa lối đi trong chợ, lấy bánh mì trong túi ra ăn. Ăn xong, móc chai nước ra uống. Thật may, lúc còn ở tầu anh đã cẩn thận mang theo chai nước. Tuy nhiên khi đi ngang quầy bán nước giải khát tự động, Bá không nén được sự cám dỗ. Không phải anh thèm nước ngọt mà chỉ muốn xem cái máy vận hành như thế nào, nó phục vụ anh ra sao. Thật đơn giản. Không có tí trục trặc nào. Bỏ đồng tiền xu vào máy là nó thòi ra một chai Coca Cola. Uống và nhìn sang bên cạnh. Quầy bán hoa quả. Những quả táo tây nhiều mầu sắc từ tím đỏ, tới phơn phớt hồng hoặc vàng nhạt mịn màng căng mọng anh chưa nhìn thấy bao giờ. Chắc trái táo cấm ông A đam và bà E va ăn ở thiên đường cũng chỉ thế này thôi. Nhìn lên bảng giá và lại nhẩm tính rất nhanh: Tám mươi nghìn ba quả táo. Cũng thừa mua một chiếc ra đi ô cát xét một cửa cũ đấy. Không. Đây không phải là thứ dành cho mình. Đến khi nào lên bờ, hoặc đi vài ba chuyến nữa thì cũng cố mua lấy mấy cân, nghỉ phép đem về cho mẹ, cho vợ, cho anh chị Vận và các cháu. Trên đường sang chợ chính, Bá ngạc nhiên không hiểu vì sao ở đây lại có nhiều cửa hàng bán cần câu đến thế. Rất nhiều cửa hàng bán cần câu. Từ hiện đại nhất tới thô sơ nhất. Nhiều cái đẹp lắm. Có cái giá tới ba trăm đô. Sao người ta có thể bỏ ra ba triệu để mua một cái cần câu nhỉ ?
Giờ thì Bá đã có mặt ở chợ chính, khu chợ bán đồ cũ. Hàng hoá xếp bạt ngàn như núi, thượng vàng hạ cám không thiếu một thứ gì. Có lẽ chỉ không có xe tăng với máy bay thôi. Đầu máy khâu, đầu vi đê ô, nồi cơm điện, loa, dàn máy. Tranh. Khung tranh chạm trổ. Khung tranh thiếp vàng. Bàn ghế gỗ, bàn ghế kim loại, xa lông bọc vải, xa lông bọc da, quần áo cũ, hay chính xác hơn là quần áo đã qua sử dụng, còn rất đẹp, nhiều cái còn rất mới. Com lê. áo lông, áo choàng, váy ngắn, váy dài với bao mầu sắc quyến rũ. Bá hoa mắt trước cảnh hàng hoá ê hề đến thế, nhiều mầu sắc rực rỡ đến thế, nhìn như ngợp đi, nhìn mà mê mẩn. Nhưng những thứ đó không hấp dẫn nổi anh. Anh chỉ nghĩ đến những thứ có giá trị kinh tế, những thứ mang về Việt Nam bán ra tiền. Đẹp đến đâu mà mang về không bán được hoặc bán được ít tiền, ít lãi cũng không thiết. Không thể mua những đồ bày biện, những thứ chỉ để mặc vào người cho đẹp. Nhưng khi đứng trước những hộp đồ lót nữ anh không chút đắn đo suy tính : Mua ngay một tá quần lót đủ các mầu sắc kiểu dáng, cái viền đăng ten, cái móc thưa như tấm lưới, cái chỉ bằng một góc chiếc lá nho, cái nào chạm vào cũng mát rượi nơi tay. Anh nghĩ tới những chiếc quần lót diềm bâu của vợ ố vàng cứng đơ rộng thùng thình tự tay vợ anh khâu bằng vải bao bì, xác xơ nơi đũng, nghĩ tới lúc chị đứng trước anh và trước gương, lần lượt thay ra mặc vào cả mười hai chiếc quần lót này, nghiêng bên nọ ngó bên kia quay đằng trước quay đằng sau nhìn ngắm, và lại nghĩ tới nơi ấy bên trong quần lót, rậm rạp trơn ướt và thăm thẳm. Tiếng thì thầm của vợ như ngay bên tai : Anh thì cứng rắn còn em khóc nhè đây này. Đúng là giờ đây lúc nào chị cũng ướt át, và có lẽ phải đẻ một đứa nữa thôi. Thằng Cung đã năm tuổi rồi còn gì. Nếu không xuống tầu, bao giờ mới dám đẻ thêm ?
Anh đã tới một gian hàng bày bán những thứ chỉ một mầu xám đen. Và đây mới là những thứ anh cần. Gian hàng bán đồ điện tử cũ. Hết ômixêtê culêmaxênhca (ông cho tôi xem) takai dêxu nê (giá đắt quá) rồi lại Xucôxi makêtê khurêba khaimasu (nếu bớt một ít tôi sẽ mua)… Bá mua một lúc mười đầu video. Hai chiếc một vé. Nặng. È cổ. Rã rời hai cánh. Nhưng ý nghĩ khi mang về bán cất cho dân phe cũng vé rưỡi, hai vé một chiếc tiếp thêm sức mạnh cho anh. Như một con lừa thồ hàng, anh lê tới cổng chợ, lòng như múa lên vì nghĩ tới số tiền sẽ thu về. Cứ một thành đôi. Một thành ba. Rồi dừng lại thở. Không thể trở về Ô sa ka bằng tầu điện. Không thể hai tay hai túi xách kềnh càng khệ nệ nặng như đá thế này xuống cầu thang để tới ga tầu điện ngầm. Rồi còn lên cầu thang ga đầu bên kia. Buôn bán thì phải chi phí thôi. Không phải mình ngại khó. Khoản này sẽ hạch toán vào giá thành. Anh vẫy một tắc xi. Chìa giấy lên bờ ra để anh ta biết mình về Cảng Ô sa ka. Anh lái tắc xi gật đầu. Cũng chỉ hơn một tiếng đến nơi. Anh tần ngần nuối tiếc khi trả một trăm đô la cho người lái xe dù đã nghĩ đây là chi phí kinh doanh. Giá anh cố đi tầu điện ngầm thì chỉ hết năm nghìn đồng tiền Việt, một số tiền chẳng đáng là bao !
Ngày thứ ba ở Nhật là chủ nhật rồi. Các cửa hàng Ô sa ka vẫn đóng cửa. Không mua được gì. Leo lên boong đứng vơ vẩn, gặp Đay to sù như một con gấu nhô từ cầu thang lên cùng với một thuỷ thủ. “ Sáng nay trực à, bác sĩ ? ” “ Không. Các ông đi đâu đấy ? ” “ Lên phố xem có cái gì không ? Nằm mốc ở tầu làm gì.” “ Chờ tí. Tôi đi với.” Bá chạy vội về buồng khoác cái túi giả da tòn ten một bên vai chạy ra. Niệm, tên anh thuỷ thủ, cười : “ Mua được nhiều hàng chưa mà bình chân như vại thế ? ” Bá bảo : “ Đã mua được gì đâu. Tiền còn một đống.” “ Cũng kha khá đấy. Hôm qua thấy bố ấy rước về mười cái đầu. Thắng lớn rồi.” Đay nói. Bá nghĩ thầm : Chẳng cái gì qua được mắt Đay. Ba người đi. Đi xem phố xá, xem người Nhật sống như thế nào. Và cũng cầu may, biết đâu mua được thứ gì đó. Gọi là lang thang nhưng đâu phải vô mục đích. Và vẫn cứ dán mắt vào các nhà hai bên phố. Người ta cũng mở cửa đấy nhưng không bán hàng. Và nhà nào cũng có một túi ni lông đen để ở lòng đường sát với vỉa hè. Túi đựng rác. Bá tò mò nhìn trước nhìn sau không có ai ngoài hai người bạn, cúi xuống mở một túi ra xem : Ba chiếc cốc pha lê cực đẹp. Có chân, hoa văn vàng óng, và những mảnh vỡ của chiếc cốc thứ tư. Rác là như vậy đấy. Anh nhặt ba chiếc cốc đút vào chiếc túi tuỳ thân, mặc cho hai người bạn đồng hành chế riễu : Thưa bác sĩ, sao bác sĩ mất vệ sinh thế. Nhặt ở túi rác đem về uống. Bá cười: Đẹp thế mà chỉ vỡ một chiếc họ đã vất đi thì phí quá. Đem về bày tủ li. Đúng là vậy. Anh không tham. Chỉ thấy không thể để ba chiếc ly pha lê nằm trong đống rác. Một sự lãng phí chẳng thể nào tha thứ.
Bỗng nhiên hiện ra trước mắt ba người một bãi rác khổng lồ. Tủ đứng, tủ nằm. Xa lông. Máy giặt. Nồi cơm điện cũ. Rồi ghế xoay. Bá ngồi ngay lên chiếc ghế xoay. Xoay một vòng. Bốn bánh xe dưới chân đưa anh đi một quãng. Chà chà. Thật mê ly. Có cái ghế xoay này đặt trong nhà ngồi thư giãn, xem sách, đọc báo hay nghe nhạc thật tuyệt vời. Bảo đảm cả thành phố không ai có. Đang thả tâm hồn bay bổng, nhìn theo Đay và Niệm đi sâu hơn nữa vào bãi rác, bỗng nghe tiếng reo, anh giật mình đứng lên bước nhanh về phía họ: Một đống quạt bàn hiện ra trước mắt. Cái nào cũng còn nguyên bảo hiểm, cánh, cả giây và phích điện dù có chiếc bảo hiểm đã rỉ và bầu thì đã tróc sơn. Chỉ nhìn nét mặt họ, anh cũng biết anh không có phần ở đống quạt cũ này. Vì lúc họ tìm ra, anh không có mặt, anh còn đang đu đưa với chiếc ghế xoay. Cái ghế xoay chết tiệt! Đay cùng anh thuỷ thủ nhặt quạt bàn xếp thành một hàng rồi tìm ra một chiếc gậy gỗ xâu gần chục chiếc quạt lại. Thật sung sướng khi nghe Niệm nói : “ Phần ông Bá một chiếc, thôi, cứ xâu cả vào đây, khiêng về tầu, ông ấy lấy sau.” Thật là một tấm lòng vàng. Cái quạt tai voi nhà anh cũ quá rồi. Khi chạy cứ long lên sòng sọc như muốn rời ra. Hai người khiêng quạt đi trước, Bá vác cái ghế xoay đi sau. Phải mang chiếc ghế này về. Vì nó quá sang trọng, quá tuyệt vời. Hơn nữa nó còn là nguyên nhân làm anh thất bát ít ra hai chiếc quạt ! Khiêng vác trên vỉa hè, gặp người Nhật và cả những người mắt xanh mũi lõ sải bộ trên hè, không ai bảo ai cả ba đều cúi gầm mặt. Niệm kêu to, trấn an bạn và cũng là để trấn an chính mình :
– Làm đéo gì mà xấu hổ. Họ biết mình là ai.
Rồi trừng mắt hỏi Bá :
– Ông là người nước nào. Tôi là người Ma lai xi a. Quốc tịch Ma lai xi a chính hiệu.
Đay cười nhạt :
– Thôi. Cứ nói Căm pu chia cho xong. Dân Mã lai nó đếch thèm những thứ này đâu. Sang đây mới thấy mình là cuối hạng người. Có phải không bác sĩ ?
Bá gật đầu :
– Đúng là cuối hạng người.
Đay tuôn ra một tràng :
– Cuối hạng người một trăm phần trăm, không trệch đi đâu được. Bác sĩ nhìn kia kìa. Người ta đi nghỉ mát, pích ních kia kìa. Ô tô nối nhau chở vợ chồng con cái trong xe kia kìa. Xe đạp cài trên ô tô chỗ ba đờ sốc là để đến chỗ nghỉ đạp chơi cho khoẻ cẳng đấy. Còn anh em mình đi nhặt từng cái quạt cũ ở bãi rác, từng cái máy khâu ghẻ, cả mấy cái cốc vất đi bày tủ cho nó sang, vác cả cái ghế cũ. Không cuối hạng người là gì. ấy thế mà khi về đến Việt Nam chúng mình lại là nhất. Chúng mình là đầu hạng người. Ai nhìn chúng mình cũng nể. Ai cũng thèm được như chúng mình. Chúng mình chon von chót vót. Càng chịu khó cuối hạng người ở đây về nhà càng chót vót đầu hạng người đấy bố ạ. Khinh người như mẻ đấy bố ạ. Con gái đẹp mê tít đấy bố ạ. Bố mẹ được nhờ, vợ con thương quý, vênh mặt lên đấy bố ạ !
Một chùm bố ạ dồn dập vừa như công phẫn vừa như tự hào, vừa như chân lý không cho chối cãi. Xoay xở chiếc ghế nặng như cái cùm trên vai, Bá thấy đúng như Đay nói. Khi anh có quyết định xuống tầu vận tải nước ngoài, dù vẫn còn ở trên bờ, dù anh vẫn y xì là anh, chẳng có tí gì thay đổi, anh đã thấy mọi người nhìn anh bằng con mắt khác rồi, anh đã là một con người khác, chính anh cũng cảm thấy mình đã là một con người khác (và vợ anh càng khác nữa). Ngay chuyến này thôi, với những ngày vắng mặt ở Việt Nam để đi sang nước Nhật này, trở về với mấy món hàng cũ trong tay, anh thực sự ở một mặt bằng khác, một nấc thang giá trị khác, một tầng lớp khác, một tầm cao khác. Đúng. Chỉ cần vắng mặt ở Việt Nam ít ngày thôi rồi trở về, anh đã là một con người khác.
– Cho nên cố gắng càng cuối hạng người được nhiều được lâu càng tốt. Anh em mình trúng số độc đắc. Bao nhiêu người thèm được làm cuối hạng người đấy.
Niệm động viên anh. Vác. Khiêng. Đi. Nghỉ. Mồ hôi. Cực nhọc nhưng hăm hở. Thế rồi tới lúc rẽ ngang vào một phố nhỏ cả ba cùng kêu trời. Một cảnh tượng huy hoàng không ngờ đến, không mơ ước đến hiện ra trước mặt. Một gian hàng nhỏ mở cửa, bên trong chất đầy xe đạp cũ. Đây là một quả đấm thép trong chuyến đi tìm đường cứu gia đình mà anh em gọi là “tìm đường cứu nước”, cuộc chiến đấu để nên người hôm nay. Đây là lộc trời cho, là trúng số hên, là thần tài đãi kẻ ngẩn ngơ. Tưởng rằng chỉ đi chơi phố, may ra nhặt được cái gì ở bãi rác thôi, ngờ đâu lại được thế này ! Ba người đánh gọn, hót trọn hai mươi sáu chiếc xe đạp. Sạch bách. Bởi ai cũng biết xe mi ni Nhật đang là thứ hàng được chuộng, lãi chỉ đứng sau xe máy và còn dễ bán hơn xe máy vì hợp túi tiền, việc đăng ký cũng không phức tạp. Mặt hàng của những người sành điệu, của những bà những cô, những chàng trai, những con người cũng là người thời đại, dù chỉ là người thời đại bậc hai. Trong nước rặt một giống xe miền Nam, xe khung dựng, sang lắm là xe Thống Nhất. Tột cùng là chiếc Phượng Hoàng hay chiếc Mifa. Hai mươi sáu chiếc. Lần này cả ba người cùng đi, cùng nhìn thấy, nên Bá cũng có một suất như hai người kia. Chia ba. Bá tám chiếc. Tính Bá hay nhường nhịn, chịu phần kém. Con hai người kia mỗi người chín chiếc. Tính xô, tốt xấu, mầu ngọc hay da đồng, đỏ hay vàng chanh, đổ đồng mỗi chiếc bốn mươi đô. Thắng lớn rồi. Xe này về vất đi cũng hơn trăm đô một chiếc. Chủ hàng biên giấy nhận tiền, hẹn tối cho xe chở đến cầu tàu.
Chiều nào xe ô tô chở hàng cũng tới cầu tàu tấp nập. Người Nhật quả thật thà. Hàng không thiếu một chiếc. Hàng từ xe xuống cầu. Những hàng nhỏ như đầu máy khâu cũ, cát xét, đầu vi đê ô, ti vi, máy tính bỏ túi, đồng hồ đeo tay, xà phòng thơm, thuốc kháng sinh… từ cầu tầu chạy vào các phòng. Chất trên boong như núi là những thứ hàng to : Xe máy, xe đạp, tủ lạnh, máy giặt… Đó là chưa kể một xe đồ uống thuốc lá, hoa quả để tiếp khách của tầu và của các thuyền viên gửi tầu mua hộ (vì thời gian quá hạn hẹp, thuyền trưởng có sáng kiến để tầu mua hộ anh em thuyền viên, chắc tay quản lý cũng kiếm được ít nhiều). Hàng của thuyền trưởng thuyền phó, chính uỷ nhiều hơn hết. Toàn là thuyền viên mua hộ hoặc đặt trước, com măng trước với các cửa hàng. Mà toàn hàng đẹp. Hàng xịn, gần như mới. Các ông ấy có đi phố chỉ là đi chơi, “ dạo quanh thị trường ” thế thôi. Còn mình phải chạy ma ra tông mà mua mà đánh dấu, ghi tên. Nhìn đống hàng trên tầu, Bá lo. Khi mua, ham mua được nhiều. Bây giờ lo. Hàng nhiều thế này khi về đánh thuế chết. Xe máy, mỗi người chỉ được mua một chiếc xe không thuế, quá tiêu chuẩn phải chịu thuế 100 %. Tiêu chuẩn một người hai xe đạp. Thế mà có người bốn xe máy. Hơn chục xe đạp. Lại còn không biết bao nhiêu máy lạnh, máy giặt, ti vi cát xét, đầu vi đê ô, loa thùng, và những túi phồng căng rất bí mật, không biết là loại hàng gì. Bá là lính mới, mua được ít mà cũng ba xe máy, mười đầu vi đê ô, tám xe đạp, mấy cặp loa thùng, gần chục cái cát xét, thử hỏi dân cũ quen thuộc, dầy dạn kinh nghiệm mua biết bao nhiêu ! Suốt đêm, nằm trong ca bin, nghe tiếng lục cục, lịch kịch ở hai buồng bên cạnh, tiếng chân người đi lại ở hành lang, không sao ngủ được. Họ đang giấu hàng. Bá đi sang phòng bên, cũng một anh phục vụ viên như Bá, nhưng là phục vụ viên đích thực, đã đi dăm chuyến. Anh ta đang dùng tuốc vít tháo vách tàu ra. Thấy Bá, anh nhăn răng cười. Bá cầm một chiếc ốc vít lên, nhìn chăm chú vào cái chữ thập lõm xuống trên đầu ốc vít. Hiểu ý anh ta giải thích :
– Yên tâm. Chốc nữa giấu hàng xong, vặn lại đâu vào đấy chỉ cần hoà tí nước muối, lấy giẻ xấp chấm vào là lại y như cũ. Chẳng còn dấu vết tuốc vít nữa đâu mà sợ.
Rồi nói đầy vẻ thèm thuồng :
– Chỉ mấy ông thợ máy là sướng. Dưới buồng máy tha hồ yểm. Chẳng biết đâu mà lần. Vặn bu lông, lật sàn hầm máy lên, có đến năm chục cái xe cũng xong hết. Rồi hoà một xô nước muối đặc, rẩy trên sàn, bôi lên các bu lông, bôi vào chân máy, rẩy vào mặt bích, chỉ một đêm rỉ sét kín hết, chẳng ai phát hiện được.
Đó là điều hoàn toàn bất ngờ đối với Bá. Thảo nào anh thấy Đay lúi húi ở bếp với cái xô, thò tay vào xô khoắng khoắng rồi xách xô xuống hầm máy. Anh cứ tưởng Đay đem xuống lau chùi cái gì dưới ấy.
– Sướng nữa là thằng cấp dưỡng với ông phó ba, phó gạo. Người bạn nói tiếp trong cơn hào hứng. Kho bếp, kho thực phẩm là của họ. Phó gạo được sử dụng là đúng rồi. Người ta là sĩ quan, nhưng thằng cấp dưỡng cũng được ăn theo. Trên tầu nhiều kho nhiều buồng lắm. Không có bản đồ không biết hết được đâu. Chỉ dành cho ban chỉ huy tàu. Với lại chẳng bao giờ khám đến các buồng của thuyền trưởng, thuyền phó với chính uỷ.
Rồi cười :
– Giấu cho phải phép đấy thôi. Họ đã định khám thì không cái gì lọt. Giấu ở đâu cũng lòi ra. Đây này. Anh ta lấy ngón tay gõ gõ vào vách ca bin ở những chỗ chưa giấu hàng. Đấy. Bên trong rỗng biết ngay. Có hàng biết ngay. Giấu sao được họ. Cái chính là phải…
Rồi chìa bàn tay, miết miết những ngón tay vào nhau :
– Đếm.
Rõ ràng anh ta đang phấn khởi. Bá chỉ muốn hỏi người đồng cấp rằng anh ta có những thứ hàng gì mà phải giấu cả trong vách ca bin nhưng không dám.
Sáng thứ hai, ngày đầu tuần, tàu rời bến. (Bá cũng đã nhờ tàu mua hộ một két bia, một két nước ngọt và một cây thuốc lá để dùng đến khi cập cảng.) Loa phóng thanh vang lên : Mời tất cả các đồng chí tới câu lạc bộ họp. Không biết có việc gì. Bá là người tới đầu tiên. Nhưng hoá ra chỉ có một nội dung : Mỗi người đóng năm vé ngoại giao. Lệnh ban ra được tất cả thực hiện ngay tức khắc. Vui vẻ nộp tiền. Không ai thắc mắc. Không ai kêu ca. Ai cũng biết đó là những điều không thể thiếu. Không những thế nộp xong tiền, Bá còn cảm thấy phấn khởi, có một cái gì đó bảo đảm làm anh an tâm. Ở câu lạc bộ bước ra, anh leo lên boong, toan nhìn lại Ô sa ka một lần nữa thì tàu đã ra tới phao Dê rô rồi. Trên boong, ngay bên cạnh đống hàng đã gọn đi nhiều vì chỉ còn xe đạp, xe máy, mấy thuyền viên bắt đầu khuân đồ nghề, những cờ lê mỏ lết, những kìm, những búa, những giẻ, những tuốc vít ra làm việc : rã xe. Tháo rời những xe máy xe đạp ngoài tiêu chuẩn thành từng bộ phận để tiện việc cất giấu và khai báo. Đó là những thợ máy và một vài thuỷ thủ học thêm nghề, trưởng thành qua những chuyến đi, sẵn sàng phục vụ để thêm thu nhập. Trên tàu gọi là nhóm rã xe. Còn nhóm rã hàng điện tử làm ở một khu khác, bên kia băng chuyền cá. Hai chiếc xe máy và sáu chiếc xe đạp của Bá được Đay rã. Rất nhanh. Phải chi. Theo đúng lệ làng. Một số tiền không đáng kể được Bá hạch toán vào chi phí. Trên boong chỉ còn la liệt những khung xe. Phụ tùng đóng vào bao. Để trong phòng. Chật quá thì để trên boong. Coi như không có xe máy, xe đạp mà chỉ là những khung xe. Khung với ít phụ tùng nhặt về thay thế. Cũng là phù phép cả thôi. Cái chính là ban chỉ huy tàu làm việc và mình đếm. Mười đầu vi đê ô của Bá cũng được tháo rời. Vẫn cái vở không có đầu vi đê ô mà chỉ có vỏ và một ít linh kiện rời. Trước khi rã "đầu", anh em cơ công báo vụ đều thử con sống con chết. Thật mừng là cả mười con của Bá con nào cũng sống, nghĩa là đều tốt. Người Nhật đúng là tuyệt vời. Nói một là một, hai là hai, không gian dối.
Yên tâm được một việc. Mua hàng. Đưa hàng xuống tàu. Còn chuyện đưa lên. Nghĩ đến lại lo. Không biết có trót lọt không. Đã đành rằng đếm. Nhưng đếm nhiều thì lờ lãi chẳng còn được bao nhiêu. Cái bản hạch toán nhẩm trong đầu hoá ra không đúng. Nhiều khoản chi phí lắm. Đầu vào chưa tổng kết được. Và không biết tàu có bị khám không ? Có khi mình trâu chậm uống nước đục cũng nên. Đếm làm sao được hết. Bên Vosco đấy. Nuôi hải quan tốt thì công an khám. Nuôi công an hải quan quận tốt thì công an thành phố, hải quan thành phố xuống khám. Rồi lại tự động viên mình: Có người có ta không sợ. Nhất là khi nằm trên tàu từ Nhật về, lênh đênh gần tuần lễ, nghe những thông tin rò rỉ, biết có người mua tới năm xe máy, mấy trăm chiếc đồng hồ Xeiko, cho vào túi ni lông gói chặt thả xuống hầm dầu, hàng thùng thuốc con nhộng, hàng trăm máy tính bỏ túi rải dưới buồng máy, hàng chục cân thuốc nhuộm thì Bá cũng bớt đi một phần lo lắng :
– Người ta đi nhiều người ta biết. Phải chắc ăn như thế nào họ mới đánh to như thế chứ.
© BÙI NGỌC TẤN
Các thao tác trên Tài liệu