Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bờ sông ừ vẫn gió

Bờ sông ừ vẫn gió

- Lê Minh Hà — published 07/12/2020 22:50, cập nhật lần cuối 07/12/2020 22:50

Bờ sông ừ vẫn gió


Lê Minh Hà



Bây giờ ngoại ô đã lùi xa. Xa tới đâu? Tới đâu thì chúng ta có thể đoạn tuyệt với âm thanh của vô vàn các thứ động cơ ngày đêm gầm réo để có thể... Tới đâu thì chúng ta có thể thấy hoàng hôn buồn buồn đổ xuống mặt đất hơi ấm nguội dần, và sau đó thì ánh sáng lịm tắt, để có thể…


Khi tôi còn ít tuổi, ngoại ô rất gần. Rất gần, mà thật lạ lùng, chỉ cần bước một bước về phía ấy, khi bình minh hay hoàng hôn, là chúng ta đã có thể cảm thấy mình trong một cuộc đời khác. Vào năm cuối đại học, có lần vào chiều muộn tôi bị một chị bạn học của bà chị gái lôi đi làm chân gỗ. Những người con gái khi yêu điên cuồng hơn con trai nhiều. Hay là tôi chưa từng có may mắn gặp được một con trai đàn ông nào yêu mình đến mức điên cuồng thế nên đến giờ vẫn nghĩ vậy. Bà chị học năm trên trường bên, yêu một ông anh học Nông nghiệp bên kia sông. Chỉ bên kia sông thôi mà cứ như là tít tắp. Không có vô số tiểu thuyết dạy cho biết thế nào là những kẻ đang yêu và phải nhân hậu dịu dàng với họ thì tôi đã không tìm ra thời gian và can đảm theo bà chị qua sông vào hoàng hôn ấy. Cầu Long Biên mấy hôm đó bị chặn để sửa chữa và chúng tôi phải dắt xe xuống phà. Sông Hồng mênh mông, những tia sáng cuối cùng của vầng mặt trời hấp hối mờ lịm đi trong sóng nước. Phà đi rất chậm. Màu xanh hai bên bờ xỉu dần trong sương. Bóng tối nặng nhọc trườn tới. Hơi nước tanh tanh lạnh lạnh mùi năm tháng tàn luồn qua lưng áo mỏng, lên gáy, lan vào từng chân tóc. Nói thật là lúc đó, lúc phà ra giữa dòng và đôi mắt cận thị của tôi chỉ nhìn thấy độc gương mặt bừng bừng phấn chấn của người con gái đang yêu, tôi bỗng dưng rất sợ. Cũng vẫn là nỗi sợ ấy khi chờ đôi tình nhân giữa vườn táo Thiện Phiến ních chặt bóng tối trong từng gốc từng kẽ lá.Tôi hình dung tôi trong cuộc đời một người đàn bà, quẫy đạp một mình dưới một mái nhà, ở đây hay ở kia, ngoài bãi, trong phố, vì chồng, vì con, với những bằng lòng bé mọn trong những nhập nhoạng âm u như thế này, bỗng dưng ngạt thở. Bóng tối là thứ thật khó chịu đựng khi mà người ta chưa hay là không yêu.



Thế nhưng hóa ra ánh sáng còn khó chịu hơn. Hai mươi mấy năm đi xa, ngày về, ông anh nhà văn đầm đìa Hà Nội gục gặc bờm tóc lúc nào cũng như một cơn sóng xám bảo phải cho tôi ngắm sông đêm. Sông Hồng. Ừ sông Hồng. Đất này thì chỉ có một con sông ấy là duy nhất. Cho những tuổi nhỏ hoang mang và những tuổi trẻ khát khao. Cho những nuối nhớ đầy ự lòng trung niên mặt sạm và nạ dòng phì nhiêu. Đêm. Quán bên sông. Xung quanh tưng bừng sáng. Gió do dự nổi khiến se mình. Muốn nhích lại gần hơn một cánh tay, một bờ vai ấm và ẩm. Chắc là sương. Mùa thu. Xung quanh lung linh. Không có chút gì mờ ảo mông lung của những chiều muộn và đêm đến sớm. Cảm giác như lòng sông rất hẹp, bờ bên kia rất gần, rực rỡ đèn. Phố nhà nghỉ đấy. Bờ vai nhúc nhích, giọng khai hóa thân tình và thờ ơ. Mười năm trước ngồi sau xe một ông anh khác giờ lên rất cao, có xe công và tài xế riêng, và tự dưng ăn nói đâm luôn luôn đúng chuẩn như sách giáo khoa đến nỗi mỗi lần về tôi đâm chán không buồn gặp, tôi cũng đã được khai hóa. Còn nhiều hơn thế. Sau khi hai anh em tránh khói đốt rơm và suýt lao luôn vào một đống rơm cháy khác. Sau khi phóng hơn hai chục cây số để tới nhìn một bức tượng lớn Ủy ban tỉnh vừa khánh thành xong thì đổ sập ngay trong ngày. Sau này, xem ti vi, thấy xứ này xứ kia người ta giật đổ tượng này tượng kia, những chân đồng chân đá giơ lên trời trong bất kể tư thế nào cũng khó coi, tôi thường nhớ ngay tới đống bê tông thò ra đôi chân gãy của bức tượng đổ buổi chiều muộn đó và con đường từ đó trở về, qua dãy phố toàn nhà nghỉ bên kia sông, nơi những người đàn ông phê phê tây tây từ trong phố tìm tới. Rất có thể, trong đó có những đàn ông tôi quen và thân. Đời thôi. Mà đã sao? Biết đâu chốn ấy họ lại tìm được tình yêu, tình tri kỉ, dẫu có nhem nhuốc thế nào cũng còn hơn cái thứ tình mà hình thù được bảo quản từng ngày qua những lạnh lẽo thật và nồng nàn gần như thật ở nơi vẫn được gọi là tổ ấm.



Ngày trước một tí tẹo nữa thôi là tôi đã từ bỏ ý định lấy chồng chỉ vì hãi những cái tổ như thế. Dĩ nhiên lí do sâu xa thật thì còn có một hai ba bốn năm sáu nữa. Ví dụ như tôi hụt phần nhan sắc, tính khí lại nửa khó hiểu nửa khó ưa trong mắt bạn bè. Ví dụ như tôi vào đúng cái tuổi lẽ ra phải lắm người lăm le tăm tia thì lại tự đẩy bắn ra xa đám con trai vô cùng đáng mê, bằng cách tuyên bố với mấy đứa bạn gái rằng sẽ chỉ chạy theo túm áo anh chàng nào không tán mình. Kể cũng kì, nhưng đúng là hồi ấy phần lớn những lời họ nói ra với vô vàn xúc động lại không hề làm tôi xúc động, mà đã không xúc động nổi thì đâm buồn cười. Nhưng lí do sâu xa nhất khiến tôi gần như chấp nhận mình sẽ thành phế tích trong mắt đám con trai cuống cuồng đi tìm tình yêu là vì tôi đã từng biết những tổ ấm ra tổ ấm và tuyệt vọng nghĩ tìm đâu ra cho mình.



Kể cả có tìm ra thì ngồi một mình mà thành thật với chính mình 100% tôi cũng tự biết rằng không đủ sức để sống trong cái tổ ấy. Để sống được ví dụ như đôi vợ chồng già ở cuối ô tôi từng đến thăm thời mon men với nghề báo thì người ta cần nhiều thứ lắm. Tình yêu. Sức chịu đựng. Lòng thương. Khả năng bất chấp. Và trên hết, và sau cùng là lòng ham sống. Ông cụ tôi biết từ hồi bé tí. Ngày nào cũng thấy cái dáng cao cao gầy gầy của ông trên phố. Áo quần tưởng như nhất bộ, lúc nào cũng một màu chẳng ra nâu chẳng ra chàm, vải rung rúc tàu tàu rồi nhưng phẳng phiu sạch sẽ ngay cả lúc cuối ngày ông đi xuôi về cuối ô, trên vai chiếc đòn gánh hai đầu trĩu những cái làn tự đan bằng sắt phế liệu. Rồi thì đại thắng mùa xuân, nước nhà thống nhất, Hà Nội tràn ngập rổ rá làn nhựa xanh xanh đỏ đỏ, ông lão bán làn sắt phế liệu hết khách. Ông đi làm ăn đâu? Tôi không biết. Trong cái nhà con con lợp giấy dầu màu đen sì sì đã bạc phếch vì mưa nắng ngoài ô, có một bà lão liệt chờ ông. Họ bám thẻo đất bãi này từ bao giờ không biết, gắng gỏi lắm mới giữ được trong vòng đạm bạc. Họ sống lặng lẽ, không như một người phố, cũng chẳng ra dáng một người quê thực quê. Liệu họ có phải là những người bỏ quê, không phải bạt xứ vì nghèo đói mà vì có của ăn của để? Sau cải cách ruộng đất Hà Nội cưu mang vô khối người như thế. Hà Nội nghiệt, nếu là trong phố. Nhưng ngoại ô thì rộng lòng. Với tôi ngoại ô là xam xám, leo heo những mảnh vườn, ở góc có cây xoan kiêm cột điện kéo ánh sáng vào những mái nhà lúc nào cũng như muốn sụp xuống, và gió thốc cồn cào nhưng không chui được vào dưới những mái nhà ấy.




Lúc còn nhỏ đi học tôi toàn phải đi ngược chiều với đám trẻ con hàng xóm, vì tôi học trái tuyến, trường thuộc quận Hoàn Kiếm. Một cái cặp dùng đủ mười năm, bé thì mỏng teo chỉ có dăm ba cuốn vở, lớn thì phồng như bụng bà chửa vẫn chỉ có cái áo thời thiếu nữ mặc quanh quẩn, hàng ngày tôi một mình một đường đến trường. Ngược phố dăm ba bước là tới Nhà Hát Lớn, tới trường, về nhà thì xuôi dăm ba bước nữa là tới cửa ô. Gần ô thế mà tôi gần như không biết gì về những con người sống ở đó. Thúy Ái. Vĩnh Tuy, Lương Yên, Đầm Trấu, Thanh Nhàn… nghe tên gần mà xa lắc vì không kéo bè kéo lũ thì tôi không dám sục sạo ra đó. Nhưng những đứa bạn hàng xóm của tôi học đúng tuyến dưới Lương Yên thì không xa lạ gì với đất ven ô. Bọn con trai chớm vào hè đã rủ nhau ra sông Hồng bơi, có thằng bị chuột rút chết ngay trong đám lá giống hệt lá thủy trúc mà thằng sát vách nhà tôi hay mang về cho tôi rất vô tư. Vào năm học, ngoài giờ ở trường và giờ xếp hàng mua gạo mua rau mua thịt chúng nó kéo nhau ra ô đi vớt cung quăng về nuôi cá cảnh. Vẫn cái thằng hay mang cho tôi thủy trúc sông Hồng gọi tôi ra chìa cho xem búi cung quăng nhìn phát khiếp. Thằng ấy lấy vợ trước khi tôi lấy chồng, tôi đi rồi nghe kể con vợ Hàng Gà giỏi làm ăn của nó bồ bịch hì hụi thế nào đó mà gia cảnh chẳng còn gì, vợ chồng phải dạt ra ngoài ô. Bây giờ là đâu? Nơi đầu ô xưa có cái quầy bán thực phẩm lũ trẻ con lóc nhóc chúng tôi rủ nhau ra xếp hàng giờ là đường mới, là khu đô thị mới. Ở đó, đường mở hai làn rồi ba làn, nhà cửa xây lên tròm trèm vài mươi năm là bị xúc, nhường chỗ cho những khối nhà đều tăm tắp mọc lên. Người ta xây nhà như đặt những đõ ong bê tông, sáng sáng từ những cái đõ cao ngất ngưởng ấy con người bò ra, quắp lấy nhau, bịt kín đầu kín cổ rồi trèo lên xe phới vào trong phố. Những con đường nào ở Hà Nội giờ còn có thể coi là phố hay gọi được là phố? Và những kẻ dân phố như thằng hàng xóm thân thiết từ thuở bé của tôi rời phố thì làm được gì?



Tôi nhìn qua sông đêm sang bờ kia. Tự hỏi trong lấp lánh lập loè lộng lẫy của muôn vàn ánh đèn đêm có ngọn đèn nào thuộc về nó. Hôm lần dò về thăm nhà cũ, nghe kể nhờ giải toả đất ngoại ô ở liều trước giờ chúng nó lại bật được lên dù phải dạt ra xa hơn. Chúng nó giờ làm chủ một cái nhà nghỉ to đùng bên sông. Thế là sẽ không bao giờ chúng ta gặp lại nhau. Lắc viên đá lanh canh trong cái cốc cao thành, nói cười với mọi người, tôi nghĩ và bất chợt thấy bờ sông bên kia lùi ra tít tắp.


* * * 


Cứ xuôi ngược dọc con đường toàn những quán ăn bên sông này là một ngoại ô xa lắc nửa quen nửa không của tôi ngày xưa. Ừ, rẻo đất bên sông ven phố ngay cả khi là nội thành theo địa giới hành chính thì với tôi vẫn là ngoại ô. Dăm bước về phía nam là xóm của những người cắt cỏ, xe bò kéo, xích lô ba gác, là những mái nhà tạm bợ và những cuộc đời bền vững trong dậm dụi, cùng quẫn. Thêm dăm ba bước nữa thì tới Phà Đen. Không biết vì sao lại có tên ấy. Nhưng đường đi lối lại ở đó đen sì thật, toàn than vụn ra dưới bánh xe, dưới chân người, và cả áo quần khăn mũ con người chụp lên mình để hàng ngày dọc ngang chốn đó cũng xầm xì chẳng thấy một màu tươi. Trưa mùa đông, hanh mà không nắng, sắc đen ngả xám từ đất dâng lên sắc xám ngả đen từ trời ụp xuống làm tắt hết mọi phấn hứng tuổi con gái. Những ngày mưa thì sao? Tôi chưa bao giờ ra Phà Đen ngày mưa. Thế mà ở đó, một cụ mọt sách bố của bạn tôi đã gồng vai úp mặt vác nứa suốt sáu năm trời, nhất quyết đợi ngày nhận cái bằng thủ khoa đại học y người ta không chịu cấp sau khi ông tốt nghiệp. Chỉ vì... Khi ấy ông chờ ngày được làm nghề hay ông chờ ngày được làm người?



Tôi vừa mới ở một đất nước xa lắc về, còn rất rụt rè trước phố nhìn đâu cũng thấy người, chưa dám ngồi lên xe máy phóng như ngày trước. Tôi biết bên kia sông nhiều nhà nghỉ còn bên này sông thì nhiều quán ngon. Nhưng tỉ lệ là bao nhiêu. Có phải người ta cứ no say bên này thì lồng qua bên kia nghỉ hay nghỉ bên kia đói thì lồng qua bên này?

Giả dụ tôi đi được xe máy ngay không phải trèo lên taxi nhìn qua cửa kính ra ngoài, dễ định vị hơn, liệu tôi có còn nhận ra những con đường ngay cả ngày xưa cũng không thật quen? Từ Bạch Đằng nơi tôi đang ngồi đây ngược lên là Chương Dương, Hàm Tử Quan, Vân Đồn, Nghĩa Dũng, Phúc Xá. Không giống như đoạn Đầm Trấu Thúy Ái, những chỗ ấy lại tập trung rất nhiều khu tập thể dành cho con người mới Xã hội chủ nghĩa là cán bộ của vô số cơ quan nhà nước. Người đàn ông mà tôi tự cho là một trong ba người con trai thân với mình dù cậu ta đến tận giờ vẫn hùng dũng tuyên bố chưa bao giờ coi tôi là bạn sống ở một trong những khu tập thể đó, gồm những dãy nhà hai tầng bằng gỗ, không biết gỗ gì và chẳng kiểu cách gì nhưng đứng vững năm từng năm trong nước lũ sông Hồng. Mùa nước dâng, cán bộ và nhân dân cùng xung phong vào phố, chia nhau mỗi nhà một khoảnh con con trên vỉa hè Hàng Tre, Tông Đản hay dịch về phía Cổ Tân. Các nhà dùng nilon, vỏ chăn quây lại rồi dồn vào đó tất cả những gì gọi là của nả, gồm chăn chiếu nồi niêu bát đĩa. Mùa nước dâng, đạp xe chầm chậm hay tốt nhất là đi bộ qua phố đó, sẽ có thể nhìn ra đâu là nhà khá đâu là nhà khó qua màu của các thứ vật liệu quây lại làm lều, và cũng có thể nhìn ra ai bình thường ai bất thường. Người bất thường thế mà cũng nhiều, ví như cái ông mặc quần đùi ướt ngồi cảu nhảu một mình với chồng sách ẩm chạy lụt mà còn cố lội nước về nhà khuân ra, bên cạnh bà vợ mông tóp ngồi xổm loay hoay khêu bấc cái bếp dầu gia công nấu bữa tối. Những người hâm hâm đáng yêu như thế Hà Nội còn có nhiều không? Nếu có thì còn trong cảnh dậm dụi thế không? Và giờ ở đâu? Trong phố, ở một ngôi nhà chật hẹp nhưng nằm giữa trung tâm, quanh quanh Bờ Hồ? Hay Sài Gòn, ở một chung cư cao cấp nào có tầm nhìn lồng lộng hướng ra sông Sài Gòn mà ngày còn ngay bên sông Hồng nhà họ lại không có? Hay là dạt ra khoảng xa nhất của thành phố đang phình tướng ra một cách bất thường y như cái đầu của người bị bệnh não úng thủy, tới chân núi xây nhà lập vườn vui thú điền viên nửa mùa? Hay là như tôi đang dật dờ giữa một đất nước khác? Ngờ rằng giờ họ già chắc chắn rồi, vượt ngưỡng tuổi có thể nói cười hay đi tìm tình yêu, tri kỉ ở nhà nghỉ bên sông mất rồi.


Nói riêng thế, còn nói chung thì sự thể có khác với một lớp người kiểu người khá là khó gần nhau vì chung nhiều thứ. Như chung nghề, thứ nghề mà thiên hạ có nghe nói thì chỉ có hai thái độ: hoặc là kính ngưỡng vì chẳng hiểu gì, hoặc khinh bỉ: cũng vì chẳng hiểu gì, thương cảm nhau thì may ra họ sẽ bảo là bọn lông ba lông bông. Còn bọn làm cái nghề chung này thì nhìn nhau có khi còn thảm hại hơn. Chẳng có thứ nghề nào hành được thân tâm con người đến vậy, và lại chỉ có thể làm một mình. Cái nghề chung nhiều lúc cực kì vô bổ này làm cho người ta chả quen nhau vẫn có nhiều mối quen biết chung, thế nên rất dễ có cảm giác quá hiểu nhau, ngồi được với nhau hay không là do cái cảm giác này. Nếu hiểu mà khinh thì vĩnh viễn không bao giờ thành bạn, dẫu là thứ bạn hờ. Còn nếu đã trọng nhau thì có thể ngồi với nhau ngày nọ qua ngày kia, chỉ để im lặng. Chẳng có ông chồng bà vợ nào chịu đựng được những kẻ dở người như thế, nhưng may, thời buổi đã thừa thãi miếng ăn miếng uống, dù chỉ vừa quen nhưng gặp nhau vào lúc thật ra đã biết nhau quá rõ, đọc ra vị người cũng gần mình, người ta có thể hẹn nhau công khai ngoài quán. Tôi về và cũng được gọi đi ngay như thế. Vào đúng đêm kỉ niệm 60 năm ngày hòa bình lập lại ở Hà Nội. Quán nằm tít trên Phúc Xá. Tắc từ trong trung tâm tắc ra những con đường vành đai thành phố mới hộc tốc mở sau này. Đường dẫn lên Quần Ngựa tôi đi làm những ngày đầu tiên được coi là người lớn ngày xưa cũng tắc cứng. Cậu lái xe taxi buồn rầu khuyên xuống xe tìm lấy một chiếc xe ôm. Xe ôm lao vèo vèo giữa những bức tường xây cao quá đầu. Tôi run run ghì lấy mép cái yên xe cứ chực bật tưng tưng, hỏi em ơi đây là đâu mà sao em thuộc đường thế. “Ngọc Hà chị, em là người làng này.” Ôi chao làng hoa. Ôi chao những chiều thu rất xưa gió lạnh chờn vờn ngực tới thì đứa vú bánh dày đứa vú quả lê nhấp nhô áo mỏng, lũ chúng tôi lang thang nơi này, đi suốt cả chiều từ vườn nhà này sang vườn nhà khác, đắm trong ngân vang sắc màu rồi khi về chỉ ôm theo một ôm hoa nụ bé xiu xiu rụt rè tím trắng. Không biết tên. Những bông hoa và những ngày thênh thang không cũ nổi, ngây ngô, lơ ngơ, bị giằng giữa hoa hương và gạo mì, giữa những ước ao thanh tao nhỏ tưởng chừng không thể nhỏ hơn với một ước ao vón cục hóa ra còn nhỏ hơn nữa là cơm áo.



Rồi cũng phải vập mặt vào áo cơm. Càng lú lẫn vì thứ tình yêu ngớ ngẩn sơ ý sờ phải chân cầm phải tay là run lên bần bật thì vập càng đau. Những người đang ngồi cùng tôi đây chắc cũng đều thế cả. Nhưng từ đó họ cũng đã trải bao nhiêu là... Còn nữa không những ấp iu và xôn xao, còn nữa không những tự tin song hành cùng hoang mang của tuổi hiếm ấy, khi tất cả cứ trong veo: tiếng cười, khoảng im lặng giữa những dòng thư những ngón tay, mắt, ao ước?


Không ai lại đi hỏi những người bạn mà tình thân sâu nặng bắt đầu hoàn toàn từ thực tại, từ đoạn đời không ai còn có thể ngây thơ này, dù những gặp gỡ chỉ là chốc lát, đôi lần. Không còn trẻ thế mà sướng. Không dễ thân vì khả năng hồ nghi, nhưng đã thân là tin, vì tự tin, ít nhất cũng là do tuổi. Chẳng bị trói buộc vào dư luận, chẳng cần phải tính tới những giao tế thường tình, chẳng bê vác những ước lệ về sự tử tế đo ướm vào nhau. Ví dụ như chưa từng ai trong số những đàn ông tài hoa ngồi đây mời tôi đến thăm vợ họ. Cũng như chẳng ai trong số những đàn bà tiếng tăm ngồi đây mời tôi tới thăm nhà. Có ai mà thăm. Những ông chồng hoặc họ bỏ từ lâu hoặc lù khù với những niềm riêng, tôi biết chỉ bước thấp bước cao bên đường đời của họ, thăm nom cái gì. Đấy là chưa kể những người đàn bà kiểu như tôi rất khó được những ông chồng đúng chuẩn của chị em bạn gái yêu mến, y như khó được vợ của những ông bạn thân mến của mình yêu. Chẳng biết tại sao, vậy thì tốt nhất không nên là lí do khiến cho những đàn ông đàn bà tốt bụng ấy phải ngứa mắt.



Chồng đứa bạn gái một thời rất thân của tôi cũng từng rất ngứa mắt vì bạn của vợ. Không với những lí do các ông chồng thường có khi thấy vợ thân thiết với một cô bạn nào sống phóng túng, nói khác đi là chơi bời lăng nhăng, vì tôi rất nghiêm túc, cũng nói khác đi là thuộc loại con gái khô hơn ngói cứng hơn đá, rất có tiềm năng trở thành phế tích trong tương lai gần. Thế nên để giữ cho người đàn bà ngây thơ và hồn hậu kia bình yên, bề ngoài tôi và chồng bạn cực kì lịch sự với nhau. Khi chưa cưới cô bạn tôi, anh sống ở bãi Nghĩa Dũng. Nhưng anh ấy không phải là người đất bãi. Anh ấy là kĩ sư, cán bộ của cơ quan một bộ to oành ngay gần Nhà Hát Lớn. Cắm cổ học để bỏ một cánh đồng, rồi lại tọt vào một cánh bãi. Rất nhiều cư dân của các khu tập thể nhà nước nằm ngoài Bờ Sông có lí lịch trích ngang như thế. Nhưng Nghĩa Dũng ngày tôi hộ tống bạn đi tìm người yêu thì vẫn một trăm phần trăm là đất bãi, dẫu cũng đường cũng sá đâu ra đấy. Đất bãi ngày ấy có những thửa vườn chiều về cây lá mệt lử xạc xào, những tường gạch xỉ, những mái nhà ngói xỉn chen với giấy dầu, những đầu hồi cơi nới lợp lá mía, và gió. Lồng lộn. Trống trải. Những cơn gió chỉ gợi duy nhất một cảm giác rỗng không thốc vào tôi mỗi lần đến thăm bạn, mỗi ngày một thưa dần, rồi thôi, khi mà tôi rồi cũng hiểu rằng không cuống lên là ế chồng. Thỉnh thoảng nhớ nhau khi đi ngang cổng cơ quan bạn thì nhân thể nhớ thêm căn phòng cấp bốn tạm bợ vợ chồng nó cố gắng làm cho bớt tạm bợ bằng cách cơi nới lấn chiếm gia cố với đủ thứ phế liệu, thêm một hàng rào cũng bằng phế liệu quây thành mảnh vườn trồng rau cải và nuôi gà. Tôi rất nhà quê, những năm tháng trẻ con đi sơ tán làm tôi một nửa thành ra nhà quê, nhưng không hiểu sao khi về sống ở phố nhìn khung cảnh người phố cố làm nông dân thêm cặp cho bữa cơm hàng ngày, chỉ thấy sợ, sợ nhiều hơn cả buồn. Mùa thu năm ngoái trở về, gọi cho cô bạn mới tìm lại được nhờ FB, nó mời đi đám cưới con gái út. Ở đâu? Thì vẫn ở đấy. Nhà đi khỏi đó lâu rồi, giờ là phòng cưới. À cũng của nhà, xây cho thuê chán giờ tự làm. Không có thiếp mời thì làm thế nào tao tìm? Tao nhắn địa chỉ cho mày nhé. Rồi đấy. Trưa mai gặp nhau.



Trưa mai thì một tí suýt không gặp nhau. Tôi tự tin bỏ taxi trong phố một mình lang thang và lạc. Không còn một dấu vết gì của đất bãi cũ. Kể cả gió. Gió mùa thu buổi trưa mà vẫn ngột ngạt, cuốn theo mình đủ thứ bụi và mùi. Rất nhiều nhà. Những ngôi nhà cao tầng, mặt tiền toen hoẻn nhưng tô trát gờ diềm kĩ lưỡng. Rất nhiều người. Gái. Trai. Đàn ông. Đàn bà. Váy ngắn hở chân hở lưng, quần soóc lửng áo hở vai rộng xăm trổ đứng ngồi lố nhố trước mặt tiền, cười rất to và chửi thề. Họ đang làm việc? Họ đang không làm việc? Đầu đường bên mấy cái xe máy có mấy gương mặt quê như những người nhà quê sống ở cánh bãi ngày xưa hồ hởi mời. Tôi chụp hờ mũ bảo hiểm lên đầu, nhăn mặt vì cái quai mũ không biết vốn màu gì và đang bốc mùi gì để đến phòng cưới cho kịp giờ. Lại rất nhiều người. Nói ào ào ăn rào rào. Trên màn hình sân khấu chú rể và cô dâu đuổi bắt, chú rể đang bồng cô dâu quay quay giữa một thảm hoa cỏ tận đâu trên Mộc Châu mà ngày xưa ở chính chốn này có đầy. Bạn bảo giờ cưới xin mời giờ này tiện cho người ở cơ quan tranh thủ giờ nghỉ trưa. Tôi ngồi cười nụ cười xuất khẩu với những người không quen đang hân hoan cụng li ở mấy bàn bên cạnh. À giờ nghỉ trưa. Nhạc ầm ầm rung cả ghế cả đùi. Không cười thì biết làm gì, ngay cả ngồi với đám bạn cũ chưa tới tuổi điếc mà cô bạn vừa thành mẹ vợ dắt tôi tới. Ồn quá, nghe giọng không nhận ra ngay, nhìn thì ngờ ngợ. Trừ tôi ăn mặc xổng xểnh vì chưa quen lại với khí trời nóng, bọn bạn đứa nào cũng phong cách. Váy bó trên xoè dưới nom như đon mạ. Váy bó trên bó dưới nhang nhác cái bút chì dùng dở. Giày cao gót. Mũ kiểu Người tình. Kính mát chờm nửa mặt. Túi da to khoác vai. Nói chung là ăn diện một cách đầy sức sống. Cứ y như những con đường đất bãi vừa hăm hở lên phố ngoài kia.




Ai đó vừa nhắc tới Rặng Tre. Ô hóa ra hình như ai cũng. Rất gần đây thôi. Cũng bờ sông. Bên này đê là làng Đông Ngạc đẹp và giàu có lẽ nhất Bắc Bộ, chỉn chu, tinh tươm với những con đường lát đá xanh. Bên kia đê, tre pheo sát tận mép nước. Đã có một buổi chiều anh hẹn sáng hôm sau qua nhà đón tôi lên Rặng Tre. Nào có biết ở đâu, nhưng tôi biết anh rủ tôi là tôi đi. Dọc đường dừng mua mấy quả dưa lê vẹo vọ nhìn xấu xấu nhưng biết chắc không bị ủ bằng thuốc trừ sâu rồi nhung nhăng tiếp. Trên đầu vòm tre xanh chặn nắng lại lưng chừng trời. Dưới đất lá tre khô phủ dày xao xác. Anh dắt xe ra sát mép nước, trải tấm nilon cho tôi ngồi. Sông mênh mông, mênh mông đến nỗi những con thuyền đang lướt ngoài xa nhìn từ bờ ra tưởng chừng đứng im. Không có gì xung quanh ngoài tiếng gió níu những thân tre lại với nhau kẽo kẹt, luồn trong vòm lá vi vút suốt từ sáng tới chiều, chỉ có một khoảng khắc buổi trưa là có tiếng người đi làm đồng xa về ngang qua. Anh vẽ, còn tôi thì bỏ sách lúc nhìn anh lúc nhìn sông, chê bức tranh biểu tượng của anh thật ra chỉ là dịch chuyển của những cánh buồm vá. Anh cười, bảo chiều xuống rồi đấy, lạnh không, yên ba giang thượng sử nhân sầu.Khói sóng đâu nào?” Tôi cãi. Nắng. Nâng niu xô dạt. Sóng. Sóng sánh sóng. Cuốn sách mang theo cả một ngày nằm bên triền sông tôi đọc không được mười trang.


Giờ Rặng Tre còn không? Làng bên đê ấy còn đẹp vẻ đẹp cơ chỉ nhu hòa ấy nữa không? Lúc rời phòng cưới con cô bạn, tôi đã tính trèo lên một cái xe ôm bảo đưa tới chỗ đó. Rồi thôi. Chắc gì thằng bé nói giọng xứ Thanh này biết đó là chốn nào dù rất gần. Chắc gì còn bờ sông dặt dìu gió ấy. Khéo cũng như chỗ chúng tôi đang đứng chiu chíu bắn địa chỉ lần hò hẹn tới cho nhau, cũng toàn những con đường loè loẹt ồn ào vô số quán xá nhà nghỉ như thế này. Ờ hóa ra bên này sông cũng đầy nhà nghỉ. Nhà cửa cứ lổm chồm chồm lên bên nhau thế này, tiếng gió tiếng sóng tuyệt vọng chìm trong vô vàn âm thanh sôi sục, chỉ còn hi vọng thấy lại sông bằng mắt.



… Bằng mắt, dòng sông đang trôi bên chỗ chúng tôi ngồi ăn tối rất hẹp. Không phải mùa sông nước đầy, nhưng cạn thế này thì...

Ngày trước, lúc cậu bạn còn đang nhênh nhàng học học yêu yêu ở Nga và thỉnh thoảng nhớ tôi gửi cho một đống thuốc để tôi đủ sức tới trường, tôi vẫn qua nhà cậu ấy. Thường thì tôi không rẽ vào ngõ khu tập thể nhà bạn ngay mà đạp dấn ra bến. Là gặp nước. Sông ngày ấy như người tình nghèo của phố, lúc nhũng nhẵng dâng cũng phiền, nhưng nhìn chung thì hiền.

Sông ngày ấy mênh mông. Như một nỗi niềm không nói. Và nói, thì thế đấy, người đàn ông vừa có vợ ấy bảo tôi gọi chồng về, vì anh nhớ chồng tôi.

Người đàn ông ấy lâu lắm rồi tôi không còn tự hỏi bây giờ đang ở đâu. Nhưng nhớ là anh vẽ, đọc thơ Đường và nghe nhạc cổ điển. Anh không thể biết, bên dòng sông hẹp lòng tưởng với tay là túm được dải ánh sáng bên bờ kia, tôi đang tự hỏi yên ba giang thượng đâu, những lớp người sống nép mình cậy nhờ sông đâu? Và chúng ta nữa… Đâu?


Lê Minh Hà

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss