Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bụi Cũ

Bụi Cũ

- Mai Ninh — published 25/04/2008 19:39, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19


Bụi Cũ


Mai Ninh



Lạy trời gió lên. Gió lốc bung nữa lên cho lá ngô đồng trên cây rụng hết, cho người quét lá hốt một lần rồi xong. Không phải lời cầu xin của hai chị em chạy lăng quăng nhặt lá bàng trên con đường đêm vắng phố Thăng Long. Người đàn bà chống chổi nhìn mấy khóm mây nở bông, bay vội vàng qua bầu trời cùng những cánh chim biển. Gió mùa này hay đẩy mây ra biển. Biển mênh mông tràn qua bao năm tháng, rộng hơn một đời người, dài hơn sự chờ đợi. Chờ gì, chẳng lẽ đợi lá rụng qua hết mùa thu cuối.

Cỏ thềm bắc trước xanh nay đã ngả rêu vàng sau ngần ấy ngày đông ẩm thấp. Chỉ có hoa trà vẫn bình thản kết nụ dưới mái hiên thiếu ánh mặt trời. Cây trà hoa cương cường sống để chế nhạo thách đố đoá mẫu đơn vội héo tàn rã cánh chỉ dưới một trận mưa. Yểu điệu thắm tươi ngời sắc thế mà mẫu đơn yếu đuối bất lực như nàng công chúa vua cha đem cống xứ người, tình hận ngàn thu. Mưa biển giọt nặng chẳng ngờ. Cả khu vườn vẫn giữ mãi cây. Cây vẫn cắm chân trong đất chờ đến ngày đại thụ, mặc gió điên mặc mưa hoảng về. Ngày cuối đến tách lià vườn đầy và nhà trống.

Những bàn ghế tủ gương sách vở tranh ảnh đã ào ra khỏi cửa, lên xe cuốn đi cùng với gió. Chỉ còn lại trong căn nhà mấy bức tường trơn và cái nền, kỷ vật. Thời gian lửng lơ bay giữa nền và tường, lúc đầu như giải lụa phơ phất, sau đọng thành những hạt sương đục muối. Sương lan toả ra, phủ xuống tóc, mi mắt, gương mặt, len vào phổi. Sương không là hơi nước, sương là bụi. Bụi lọt vào thân thể, chiếm hữu khí quản, đầy đặc tim, sệt quánh óc. Bụi lùi xa hơn thời gian, hơn số tuổi của căn nhà, bụi bốc từ quá khứ. Quá khứ không có tuổi. Bụi chẳng bay đi qua cửa mở, nén chặt không gian này, trùm lên người đàn bà. Do tất cả từ cửu, tất cả vì lưu.

Đêm giữa ngổn ngang đồ vật, đôi tấm ảnh ngày nào lọt ra từ một trang sách cũ. Những nét mặt sáng thơ lấp lánh dưới ánh đèn. Này mẹ này anh này nụ cười thiên thần hai đứa bé. Hình ảnh còn mà tiếng nói lại không. Tất cả mọi người đã ra đi, sự lặng lẽ chui tận gầm giường, lọt vào các hộc bàn niêm kín. Cả chiếc đồng hồ cũng ngừng đếm thời gian. Những sợi tóc thoáng chốc đổi đời cứng khô trong bụi. Cũng may. Nỗi sầu phải ngưng lại đó, không thể dài theo tóc bạc.

Những nốt dương cầm còn vướng trên tấm màn cửa sau cùng đang gỡ xuống, rơi thánh thót giữa lòng tay. Vội vàng giữ lại, vội vàng áp vào tai. Tiếng đàn xen lẫn xôn xao của đêm Giao Thừa đầy giọng cười con trẻ và anh và mẹ và bạn bè… và mình rộn ràng giữa hai ngưỡng cửa – cửa bước vào nhà và cửa mở ra sân. Đêm trừ tịch lặn sao cho đom đóm nhang trầm mẹ sáng, hướng về chốn ấy quê hương. Hải âu quang quác bay ngang trời Bắc, mẹ ngoái tìm dấu nhạn phương Đông. Thật xa, thật xa một chỗ quay về, nên hãy lấy đây làm nhà mà hoá tan nỗi nhớ.

Nhiều năm qua vườn vắng bướm. Bướm đâu lại về vào lần này, thu cuối. Bướm đã về khi em đến đây cùng với nắng vàng đuổi dọc con đường nhoà mưa đêm trước. Những chuyến xe em cùng tôi đem theo mớ đồ phế thải sau mấy mươi năm gắn bó chạy về phố biển. Phế thải là vất, là đoạn. Tâm trong vật cũng rơi vào hố cùng bao linh tinh đời sống con người. Sách cũ, thư cũ, chăn cũ, gối cũ, quần áo và chiếc mũ len lần đầu tiên đội tuyết. Mắt đâm vào hố. Sao vất đi quá khứ, sao không lưu những gì là cửu ?

Người đàn bà cầm trên tay mấy tờ thư không cần định ngày và năm tháng. Gục đầu xuống cùng chia xa và hội ngộ. Từng tên người chạy loang loáng, nhân ảnh giấc mơ ngày tháng cũ. Tưởng đã quên, tưởng đã dứt. Tưởng đã ngừng chạy đuổi, đã hết vấp ngã, đã cắt đứt ước mơ, xoá nhoà hình bóng. Bóng lại về, ngập linh hồn trống. Ôm choàng lấy vai xám, phà hơi lên mặt bạc. Tình yêu thanh xuân bỗng thổi bay bụi, hiển lộ tóc xanh. Nụ hôn ngập ngừng môi hồng máu trẻ, nụ hôn đắm đuối đỏ son thiếu phụ mặn mà. Dưới thềm hiên, trong giấc mơ, quá đêm vừa sáng. Tiếng gọi thầm thì, tiếng mưa róc rách bên kia tường gần cận hay giọng sáo điệu kèn tha thiết của người thổ dân ở lục địa nào xa tắp. Đã từng đến hay mơ ? Những giấc mộng sống dậy, đòi hiện hữu ở ba giờ sáng, đi theo và không ngần ngại phơi bày ảo tưởng. Trắng tinh, sạch sẽ, trống hoác khi bừng tỉnh. Chẳng lẽ lại gục xuống những tờ thư để xác định khoảng trống và thời gian.

Khi em đến cùng tôi, có những con hồ điệp. Em theo bướm bước vào mà chẳng ngại sẽ ra đi. Chúng ta biết mình sẽ ra khỏi căn nhà khu vườn sau khi đã hoàn tất những chuyến xe chở chuyên quá khứ. Buổi chiều đã đổ hết xuống phố biển, quán mùa đông không phà nổi một hơi ấm cà-phê. Em xoa hai bàn tay không đeo nhẫn bắt lấy khói thuốc nhả từ ngón gã đàn ông bàn bên cạnh. Mắt tôi bạc hay vì nhìn em qua làn khói ấy mà em cũng là tôi, già và cũ. Tôi muốn nói với em về người thiếu phụ trong căn nhà rỗng nhưng vườn vẫn tràn đầy cây cỏ chim muông. Lũ chim thức sáng rộn rã yêu đương, chen chét chẳng mệt không ngừng. Mổ nhai nuốt chích hết mật ngọt của mận, của sơ-ri đỏ chín tình dưới dương quang rực nứ, để rồi nứt lòng giẫy chết trước hoàng hôn. Chúng đòi đêm hoá kiếp, đòi ngày tái sinh.

Người đàn bà đã nói với tôi về chia ly sống chết. Về cuộc chạy đuổi của chiếc xe tang sau những ngày miệt mài lên xuống mười chín lầu của một bệnh viện gồm hai mươi hai tầng và tám cầu thang máy. Trước nhất, bấm nút ngừng ở số mười lăm để vào phòng chữa mắt, ngồi xuống trước đốm sáng sâu hút như sao xanh, cố ép đồng tử lệch để nhập trùng hai hình ảnh. Chỉ có một chú thỏ vẫy đuôi miệng ngậm cà-rốt, không được nhìn ra một con thỏ có đuôi không cà-rốt và một con mông trụi đang ngấu nghiến cái thỏi vàng cam. Không được hai, chỉ một. Hình ảnh có khác chi cuộc đời, không thể phân ly mà phải là hội tụ. Thỏ con, cà-rốt, sao trẻ thơ quá đỗi ở một sớm mai quặn lòng thắt nút âu lo. Mấy đứa trẻ trong phòng đợi đang năn nỉ mẹ đừng bắt nhắm vào ống kính nhìn thỏ tìm sao, chợt nín thinh quên khóc. Chúng ngơ ngác ngó người đàn bà đi ra tay còn đè lên cặp mắt nhức bưng bưng như vừa bị đấm. Lại vội vàng ấn nút lên tầng mười chín cho kịp gợt chiếc thià trong bát sữa trắng đục bụi sương. Một muỗng múc cho người nằm đó, một muỗng để sự sống kéo dài đến ngày mai. Ngày mai là tất cả tương lai trước mặt, là niềm hi vọng duy nhất. Sự sống phì phù trong ống dưỡng khí. Từng giọt dược tố nhỏ đều hơn thời gian chui vào tấm thân đang chờ hoá bụi. Ngày mai thật dài, đoản mệnh. Ngày mai rồi đã dừng đứng, chiếc xe tang phải thắng gấp trước ngọn đèn bật đỏ. Ngay cả người chết cũng không được một chuyến đi xuôi trót về ngôi nhà cuối của mình. Những năm sau này khi trở lại toà bệnh viện hai mươi hai tầng, ngón tay thiếu phụ vẫn chạm nút mười chín của một trong tám cầu thang máy.

Tôi và em đã bước vào hiệu hoa của hai gã đàn ông đeo bông một bên tai trước khi phố khép. Em mua cho tôi một chậu hoa hồng nhạt bảo đem về trưng nhà mới. Tôi lại nghĩ rằng nếu em không dặn, mình sẽ đặt hoa vào lòng người đàn bà và chắc sau khi ngó xuống những chiếc nụ đang hé, thiếu phụ sẽ hướng mắt về khung cửa. Cửa lúc này đã mở - vì em và tôi vừa đi vào để rồi sẽ bước ra. Gió đã dồn mây về ngủ trên cánh đồng đất nâu mầm gieo chưa kịp mọc. Bây giờ gió bỗng trở chiều, cuộn cả khu vườn trút vô các căn phòng màn treo đã tháo. Phút chốc mọi vật lại tưng bừng đầy ắp, vây quanh người đàn bà và nhảy múa cùng bao hạt bụi hớn hở bay lên từ mái tóc bạc cằn. Những nốt dương cầm chôn xác trong nền gạch chợt trổi dậy đảo điên ca hát. Màn khiêu vũ cuồng nhiệt đã bắt đầu khi chúng ta ra khỏi vùng bụi cũ.

Tôi cài cổng, chân đạp lên bãi lá ngô đồng vừa khô sau một ngày ngưng mưa. Các phiến lá to như chiếc quạt chẽ năm cánh dưới gót giầy. Có phải không em, thiên nhiên dai dẳng hơn con người. Lá vẫn còn biết kêu dù đã chết. Tôi nghe lá rên cùng lúc tiếng xe em lăn bánh trên con đường băng qua cánh đồng để chạy về thành phố xa. Cuộc dọn dẹp quá khứ tới đây hoàn tất. Khi em đến, có những con hồ điệp bay trong nắng vàng tươi. Khi em đi, đàn chim đen hơn quạ hằng ngàn vạn con rủ nhau băng qua trời đông xám. Chập chùng như một tảng mây.

Em đã lên xe. Tôi cũng khoá căn nhà lần cuối rồi ra đi. Bên kia cửa, người đàn bà ở lại.


Mai Ninh

(Từ biệt Anguerny, cuối 2006)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss