Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bướm ơi

Bướm ơi

- Cao Huy Thuần — published 12/02/2023 19:25, cập nhật lần cuối 26/02/2023 00:38

BƯỚM ƠI


Cao Huy Thuần



Cách đây bảy tám chục năm, Nhất Linh có viết một truyện ngắn rất hay, ngày nay đọc lại vẫn thích. Truyện kể một anh công nhân phải lái xe lửa giữa một đêm mù sương, trong khi người vợ ốm nặng, có thể chết. Bước lên xe, anh đã có cảm tưởng không nhìn lại được mặt vợ nữa khi trở về. Cầm tay lái, anh cố định trí, nhưng đầu rối bời, mắt hoa, mồ hôi ướt đẫm, lòng dạ chỉ nghĩ đến người vợ nằm chết một mình. Bỗng anh thấy, rõ ràng anh thấy, in trên sương mù hình một người đàn bà mặc áo rộng đứng dang tay, dang hai tay, như muốn ngăn đường không cho xe chạy tiếp. Anh như người cử động không hồn, cứ cho xe chạy. Người đàn bà lại vẫy tay rất nhanh như báo hiệu nguy hiểm. Anh nghe rõ ràng tiếng người đàn bà văng vẳng từ xa, bảo phải hãm xe lại ngay, hãm tức khắc. Anh chẳng biết gì nữa, nhắm mắt hãm phanh. Trước xe, chỉ cách một quãng, cây cầu đã bị mưa bão đánh sập. Thờ ơ nghe mọi người cám ơn, tán thưởng, anh trở về lại xe, nhác thấy cái gì bám vào chiếc đèn ở đầu toa, nhìn kỹ thì ra một con bướm thật to vướng vào đèn đang đập cánh để tìm đường thoát. Đồng hồ trong toa chỉ đúng 2 giờ đêm.

Hôm sau, anh trở về nhà thì vợ anh đã mất, mất vào khoảng một giờ đêm. « Tôi không tin nhảm - anh nói thế - , nhưng tôi vẫn yên trí rằng linh hồn nhà tôi đã nhập vào con bướm này để phù hộ cho tôi tránh được tai nạn ».

Anh công nhân nói qua ngòi bút của Nhất Linh rằng anh « yên trí ». Nhất Linh, một người tân tiến, dường như muốn tránh cái chữ « tin ». Nhưng « yên trí » với « tin » thì có khác gì nhau ? Dân gian Việt Nam thì không sử dụng ngôn ngữ tế nhị đến thế, nói chung là họ « tin », dù có người tin chắc, có người chỉ tin ở mức không bác bỏ. Chuyện « nhập hồn » đã quá phổ thông trong đại chúng, đã đi vào văn hóa, tín ngưỡng. Tôi vừa kể một ví dụ trong văn chương. Tôi kể thêm một ví dụ nữa, cũng trong văn chương, xảy ra ở thời đại này, trên mảnh đất văn hóa không phải Việt Nam, nhưng chứng nhân là con người Việt Nam muôn thuở. Ví dụ này do Andrew Lam kể trong một chương sách nhan đề là « Can Ghosts cross the Ocean?” Ma quỷ vượt đại dương được chăng? Câu hỏi rất lý thú.

Tác giả cùng với gia đình di tản qua Mỹ sau chiến tranh, lúc ông còn nhỏ. Ông lớn lên trên đất lạ đã thành quen, đã thành người Mỹ, nhưng bà ngoại ông thì vẫn cứ là Việt Nam. Ông ngoại ông đã chết trong chiến tranh, bà ngoại vẫn thường nằm mơ thấy chồng, những giấc mơ rất thực, như khi ông chỉ chỗ cho bà tìm lại được cái đồng hồ, hay lúc ông thêm thắt cho bà một câu thơ đang bí, lại có khi báo trước cho bà rằng bà sắp phải đi xa, thật xa. Từ khi qua Mỹ, bỗng nhiên bà không nằm mộng thấy ông nữa. Bà băn khoăn hỏi cháu: “ma quỷ có vượt đại dương được chăng?” Đứa cháu, với một cái đầu văn hóa đã khác rồi, làm sao trả lời được?

Ấy vậy mà một hôm, đến thăm bà cụ sau một cơn đau nặng, ông biết câu hỏi đã được trả lời rồi. Bà cụ kể với giọng phấn chấn: “Hôm qua, Ngoại ngồi trong vườn, bỗng có con bướm cứ bay quanh. Thốt nhiên, Ngoại bàng hoàng, Ngoại hỏi: Ông ơi, nếu đó là ông thì hãy đậu trên vai tôi. Con bướm đậu vai này rồi bay qua đậu vai kia, thật lâu, thật lâu”.

Vài ngày sau, bà cụ hôn mê. Nói gì thêm nữa cũng mất hay, cho nên câu chuyện chấm dứt bằng một hình ảnh đẹp, rất Việt Nam, tương phản với Mỹ: Mỗi lần tác giả phải chứng kiến quang cảnh bi đát của các cụ già hấp hối trong các bệnh viện tại Mỹ, ông lại thấy vẽ ra trước mắt hình ảnh bà ngoại ông tươi cười, hạnh phúc, an nhiên ngồi giữa vườn hồng khi chiều vừa xuống, một đàn bướm trải cánh trên chiếc thân gầy như phủ tấm lụa vàng óng ả lấp lánh ánh nắng cuối cùng.


°°°


Vậy là đại dương không có gì trở ngại cho chuyện “nhập hồn”. Hồn có thể nhập bất cứ ở đâu, khắp trong vũ trụ. Mà cũng không phải chỉ có người Việt Nam tin, người Mỹ cũng tin không kém. 43% dân Mỹ đã có kinh nghiệm ấy ít nhất một lần trong đời. Nghĩa là 125 triệu người Mỹ đã biết, đã thấy hiện tượng ấy. Tôi tưởng tôi hoa mắt, nhưng không, con số ấy nằm trong quyển sách tôi vừa đọc, một quyển sách nghiêm túc, khoa học, mà tác giả là bác sĩ y khoa, nghiên cứu và chuyên trị bệnh của người già, chuyên gia phân tâm học, nghĩa là có đủ thẩm quyền và uy tín để truy nã cái đầu của chúng ta về chuyện tin hay không có “hồn” và có “nhập hồn”. Quyển sách đúc kết công trình mấy chục năm nghiên cứu về vấn đề ấy của các Viện khoa học và chuyên gia danh tiếng trên thế giới cùng những tranh luận khoa học giữa các chuyên gia với nhau và kết luận của chính tác giả. Dám đi đến kết luận ấy chứng tỏ quyển sách không phải là tầm thường, là rất đáng đọc, dù đồng ý hay không. Kết luận là: ý thức của con người không phải chỉ đơn thuần là sản phẩm của bộ não. Nó có thể còn tiếp tục sau khi bộ não chết.

Với kết luận ấy, và tầm cỡ triết lý sâu xa nằm ngay trong đó, tôi không thể tóm tắt ở đây được, chỉ xin mua vui bằng vài chuyện trong đó, không xa lạ gì với chuyện bướm của chúng ta và bao nhiêu chuyện tương tự như thế không ngớt truyền miệng trong dân gian. Quyển sách tôi nói nhan đề là « Cette vie… et au-delà » (« Đời này… và sau đó »), tác giả là Christophe Fauré. Tôi kể lại nguyên văn vài ba chuyện thôi nhé, không phải văn chương hư cấu mà là chứng từ được ghi lại sau khi kiểm chứng .

Chứng từ 1, của một người mẹ :

« Tôi giật mình thức giấc với cảm giác có một cái gì không ổn. Chợt tôi thấy hình bóng của con tôi đi đến gần tôi (không phải tôi mơ đâu, tôi hoàn toàn tỉnh táo). Con tôi có vẻ như bị ướt, đầu tóc bù xù. Trong khi tiến đến gần tôi, hình dáng bên ngoài của nó biến đổi, ánh sáng bao quanh nó. Rồi nó nói : « Mẹ đừng sợ, con bình an », rồi từ từ biến mất. Tôi biết ngay có chuyện gì xảy ra cho nó. Tôi gọi điện cho nó ở bên Anh thì người ta nói nó đã chết trong một tai nạn thuyền buồm đêm vừa qua ».

Chứng từ 2, ghi lại lời của bà Su :

Bà Su, một phụ nữ Mỹ gốc Hoa, 93 tuổi, tự cho mình đã sống đủ trên đời này rồi. Bà nói thường hay mộng thấy chồng bà đã mất cách đây vài năm. « Tôi sắp gặp lại chồng tôi », bà nói vậy. Một hôm, bà có vẻ rất bối rối, bà tâm sự với cô y tá : « Tôi lại vừa nằm mộng thấy chồng tôi, nhưng tôi không hiểu : em gái tôi cũng có mặt lúc ấy, với chồng tôi ! Cả hai đều nói tôi gặp lại nhau. Tại sao em gái tôi lại ở đó ? » Cô y tá hỏi : « Em gái bà còn hay mất rồi ? » Bà Su trả lời : « Không, em gái tôi vẫn còn sống bên Tàu. Lâu rồi tôi không gặp lại ». Khi cô y tá thuật chuyện lại với cô con gái của bà Su thì cô này ứa nước mắt : « Dì tôi vừa mất bên Tàu cách đây hai hôm, chúng tôi quyết định không cho mẹ tôi biết ».

Như vậy đó, « hồn nhập » biểu lộ qua nhiều cách khác nhau, khi thì mộng, khi thì hình dáng, khi thì bước chân, khi như có bàn tay ấm áp đặt trên vai, khi là mùi hương… Thêm một chuyện nữa, một chuyện nữa thôi, về mùi hương.

Chứng từ 3 về mùi hương :

« Ít lâu sau khi chồng tôi mất, một hôm, sau khi từ siêu thị về, tôi mở cửa xe bước vào cùng với con gái tôi. Lập tức tôi ngửi thấy mùi xà phòng cạo râu của chồng tôi, một mùi mà tôi chưa bao giờ nhận thấy trong xe. Tôi không muốn gây ảnh hưởng trên con gái tôi, nên tôi hỏi một cách hết sức vô tư : « Con có cảm thấy cái gì không ? » Con tôi nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên : « Lạ quá, mẹ à, con ngửi thấy mùi của Bố ».

Tôi đã chọn một chuyện nhẹ nhàng nhất, ít ly kỳ nhất, nhưng lại thường xảy ra nhiều nhất theo quyển sách. Nhưng dù nhẹ nhàng hay ly kỳ, những chuyện ấy, lúc đầu tác giả không tin, cho đến khi, sau nhiều năm nghiên cứu, mối liên hệ giữa ý thức và bộ não mới dần dần được tác giả soi sáng lại. Tờ báo Le Monde (1) phỏng vấn ông, hỏi ông có chịu ảnh hưởng của Phật giáo không, ông nói ông biết, nhưng ông nghiên cứu vấn đề như một nhà khoa học, thuần khoa học, gạt bỏ những luận bàn về bản chất, lấy hiện tượng luận làm phương pháp. Phật giáo giúp ông nghiền ngẫm vấn đề cùng với vật lý lượng tử để so sánh với nhau và để đi đến kết luận mà ông tha thiết mời gọi : khoa học phải rọi ánh sáng vào vấn đề ấy vì nó có thực.

Có thực ? Đúng vậy. Và đây không còn chỉ là « tin » ở mức « yên tri » như của anh công nhân lái xe lửa nữa. Không còn chỉ là « tin » như tin một lời thề. Khoa học phải nâng niềm « tin » chủ quan đó lên thành cái « biết » khách quan - cái biết khoa học. Truyền thống Phật giáo và truyền thống dân gian Việt Nam không tìm thấy cái gì mới trong những khám phá của quyển sách, nhưng chắc cũng thú vị khi thấy khoa học mon men đến gần. Riêng tôi, xin thú thực, vẫn còn bán tín bán nghi, nhưng cũng vì đọc sách mà tự nói với mình chắc cũng nên bớt nghi thêm tín. Nhất là những trang triết lý trong đó, rất sâu, rất thiết thực cho đời sống, thoang thoảng hương vị thiền môn.


°°°


Động đến Phật giáo khiến tôi phải nói thêm. Xin nói thêm về cái dị ứng của thiền tông khi được hỏi về cái chết. Sống thì lo cái chuyện sống, chuyện thở đi, vội vàng chi mà lo chuyện chết, chuyện hết thở ? Ấy vậy mà con bướm vẫn bay…

Ai học thiền đều biết chuyện thiền này :

Có người hỏi một ông thiền sư :

- Cái gì xảy ra sau khi chết ?

Ông sư trả lời : « Không biết ».

- Không biết ? Ông là thiền sư mà ông không biết ?

- Không biết. Tìm ông thiền sư chết mà hỏi.

Các ông thiền sư Zen ở Mỹ viện dẫn thêm Tổ Dogen (Đạo Nguyên) của họ để dẹp câu hỏi về cái chết, xem như phiếm luận. Dogen nói : « Lửa cháy thành than. Lửa không trở lại thành lửa. Cũng vậy, khi người ta chết, người ta không trở lại thành người sống ». Đố ai cãi được.

Thế nhưng Dogen không phải không biết truyền thống Phật giáo về cái chết. Ông biết, tuy ông chỉ nói vỏn vẹn một đoạn thôi trong tác phẩm ngàn trang của ông. Ông có nói đến quá trình 7 tuần sau cái chết, chấm dứt cái chết cũ sau 49 ngày để bắt đầu cái sống mới. Đệ tử Zen ngày nay của Tổ ở Mỹ không xem đoạn ấy là quan trọng, Tổ nhắc đến là nhắc đến vậy thôi. Thế nhưng, cũng trong đoạn ấy, Dogen lại dựa trên niềm tin truyền thống để dạy phải hết sức tôn kính Tam Bảo, phải niệm Tam Bảo ngay sau khi chết, ngay trong thời gian 7 tuần, ngay khi nhập thai mới và bắt đầu thấy và nghe suốt vũ trụ với con mắt thiên nhãn, rồi ngay khi vừa lọt ra khỏi bụng người mẹ mới.

Phải hiểu Dogen sao đây ? Chỉ ghi nhận lời dạy phải tôn kính Tam Bảo? Quên đi ngôn ngữ rất thiền và niềm tin truyền thống ở đoạn sau? Tôi đọc đoạn văn nói về Dogen trong quyển sách của Brad Warner (“Letters to a dead friend about Zen”), một quyển sách khá tếu nhưng rất hay của một ông thiền sư khá punk nhưng rất nổi tiếng ở Mỹ. Thái độ của Brad Warner cực kỳ dứt khoát: mọi chuyện sau cái chết đều là suy đoán và truyền thống thiền không thích suy đoán. Nhưng, lạ lùng thay, cũng chính Brad Warner kể ra trong sách những chuyện mà ông là chứng nhân - những chuyện tương tự như … chuyện bướm đang bay trong bài viết này.

Chuyện thứ nhất: Warner có một người bạn, củng tu thiền tại thiền viện San Francisco. Ít gặp nhau, nhưng ông xem người bạn, David, như chí thân, như đã từng gặp nhau suốt đời. David bị trầm cảm, đã từng tự tử trước khi gặp ông. Một ngày tháng 7 năm 2011, David lại tự tử, và lần này thì chết. Brad Warner gặp David lần đầu tại thiền viện Tassajara ở Bắc California. Bạn ông rất yêu thiền viện này, nhưng đã rời đi nơi khác khi chết. Tháng 8 cùng năm 2011 ấy, ông có việc phải đến Tassajara. Ông viết: ông rất buồn vì không gặp lại David, “nhưng thực sự David đang ở đấy”.

“Một buổi chiều, tôi phải sửa soạn một buổi lễ trong chùa. Bên ngoài, trời nóng nồng nực. Cái áo lễ mà tôi mặc tưởng như một tấm chăn ướt, tôi phải choàng tấm chăn ấy suốt thời gian đứng đợi dưới nắng chờ đến phiên mình đi vào chánh điện. Thấy một bóng cây khô nhỏ xíu, tôi tiến đến trốn nắng dưới đó, thốt nhiên tôi cảm thấy David cũng đang ở đấy.

Tôi không thể thấy David. Vậy, đó không phải là thấy như thấy một bóng ma. Nhưng tôi cảm thấy sự hiện diện của David một cách mạnh mẽ và chính xác đến độ tôi không thể nghi ngờ sự hiện diện ấy. Như thể có một người mà mình biết rất rõ đang đứng sau lưng trong một lúc, mà mình không thể thấy nhưng biết là đang ở đấy. Cảm giác ấy kéo dài vài giây - có thể một phút nhưng không lâu hơn - rồi người ấy đi.

Lúc ấy, tôi chẳng hề nghĩ đến David. Tôi chỉ tìm cách tránh nóng. Đó không phải là một kỷ niệm. Đó là một cuộc gặp gỡ. Tôi không tìm cách phiếm luận trên bản chất của sự gặp gỡ đó bởi vì tôi không nghĩ có thể tìm được chút giải thich nào. Điều đó hoàn toàn nằm ngoài hệ thống tín ngưỡng của tôi. Thế nhưng tôi không thể chối bỏ chuyện gặp gỡ ấy là có thực, và nó thực như bất cứ mọi gặp gỡ nào mà tôi đã có với một người đang sống”. Warner nói ông đã gặp nhiều chuyện như vậy chứ không phải chỉ một lần.

Chuyện thứ hai: Đây là chuyện để lại ấn tượng sâu nhất trong đời ông, chuyện xảy ra sau khi mẹ ông mất, tháng 1 năm 2007.

“Tôi lên đường về thăm cha mẹ tôi ở Texas vào dịp Noel. Năm ấy, bà 65 tuổi và đang chống chọi với một căn bệnh từ từ đe dọa tính mạng đã 20 năm rồi. Từ vài năm gần đây, bà không đi một mình được nữa, nhưng tinh thần vẫn tốt dù từ lâu không ai hiểu bà nói gì. Bà vẫn thường tươi cười, như vậy cũng vui rồi.

Rất lạ, tôi biết là có thể tôi không bao giờ còn gặp lại bà lúc bà còn sống nữa. Tôi không thể cắt nghĩa tại sao. Tôi biết như vậy, thế thôi.

Vài giờ trước rạng đông, sáng ngày 12-1-2007, tôi thức giấc với bài hát “My Mummy’s Dead” (“Mẹ tôi chết”) của John Lennon trong đầu. Tôi nghe rõ như thử tôi đã đặt cái đĩa Plastic Ono Band của John Lennon trực tiếp đúng vào bài hát cuối cùng của mặt B. Sau đó tôi ngủ lại. Vào khoảng 6 giờ, điện thoại reo. Cha tôi gọi để báo tin mẹ tôi đã mất. Lúc đầu, cha tôi không biết mẹ tôi đã mất. Cha mẹ tôi ngủ chung một giường, dù cha tôi phải bế mẹ tôi lên giường. Khi mẹ tôi ngủ, bà không hề nhúc nhích, vì vậy cha tôi phải mất một khoảng thời gian để thấy mẹ tôi không còn thở nữa.

Mẹ tôi có khiếu bông đùa và biết tôi rất mê John Lennon . Tôi biết chắc chắn đó là cách mẹ tôi nói cho tôi biết bà đã đi nhưng đừng nên lo lắng gì cả”.

Brad Warner kể chuyện gì vậy? Chuyện bướm! Ông tương phản với chính ông chăng? Không đâu. Ông thiền sư Mỹ này trung thực với tận xương tủy của thiền tông, ít nhất là trong chuyện thiền cổ điển này mà ai học thiền đều biết:

Một ông sư cùng đi với thầy đến viếng tang một thân hữu. Ông sư cầm gậy gõ vào quan tài, hỏi thầy: “Sống hay chết?”

Ông thầy trả lời: “Ta không nói sống. Ta không nói chết”.

Ông sư thúc: “Nói mau! Không thì tôi tát tai!”

Ông thầy đáp: “Tát đi, ta không nói”.

Ông sư tát.

Warner kể thêm, tôi mới đọc lần đầu:

Vài năm sau, ông thầy chết. Ông sư kể lại chuyện ấy cho thầy mới và hỏi: vậy thì ông thầy kia chết hay sống?

Ông thầy mới đáp: “Ta không nói sống; ta không nói chết”.

Ông sư hỏi tại sao không nói? Ông thầy trả lời: “Ta không nói! Ta không nói!”

Nghe vậy, ông sư hiểu.

Ông hiểu gì? Tất nhiên là ông không nói. Cho nên Warner không nói. Ông không nói, nhưng lại mượn miệng Tổ Dogen để nói. Tổ nói: Không có gì thoát ra khỏi luật nhân quả. Cho nên nếu có những hiện tượng mà hiện thời chưa có giải thích thỏa đáng, những hiện tượng đó không phải là không có nguyên nhân. Khi tìm ra được nguyên nhân, ai cũng sẽ nói: ấy là hoàn toàn hợp lý.

Chính cái hợp lý đó là cái mà Christophe Fauré tha thiết trình bày trong sách của ông và thiết tha kêu gọi khoa học quan tâm. Khoa học ngày nay, theo ông, là khoa học của thời đại vật lý lượng tử mà ông viện dẫn bao nhiêu tên tuổi để biện minh, nào Max Planck, nào Basil Hiley, nào David Bohm, nào Freeman Dyson… Cứ lấy câu nói của Max Planck làm ánh sáng soi đường: “Tôi xem ý thức như là căn bản. Tôi xem vật chất như là một sản phẩm của ý thức. Người ta không thể quan sát ý thức. Tất cả những gì mà ta nói đến, tất cả những gì mà ta xem như là hiện hữu đều đòi hỏi sự hiện hữu của ý thức” (2). Kính nhi viễn chi, tôi không dám bàn chuyện khoa học cao siêu. Chỉ vui vui kể chuyện bướm bay. Cho nên xin kể thêm một chuyện thứ tư trong sách của Fauré.

Chuyện thứ 4, cũng một chứng từ:

“Lạ lùng, từ khi con gái tôi mất, tôi thấy bướm khắp nơi! Bướm bay xung quanh tôi, đậu cả trên tay. Như vậy, bất kỳ ở đâu: tại nhà, ngoài đường, khi tôi đến thăm mộ cháu… Mùa hè vừa rồi, tôi nghĩ chuyện ấy chắc cũng bình thường vì mùa hè thì nhiều bướm, nhưng giữa mùa đông, trong nhà đóng kín cửa, tôi không hiểu nổi. Tôi đã đọc nhiều chuyện về những nhà có tang, thấy kể có bướm như thế, bây giờ tôi mới tin, vì chính tôi thấy như thế”.

Bướm ơi, bây giờ tôi kể chuyện tôi nhé, hay đúng hơn, chuyện bạn bè của em gái tôi. Em tôi ở trong một nhóm bạn chí thân, cùng hoạt động, cùng lý tưởng, cùng làm việc cho khoa học, cùng đầu óc tiến bộ. Một người bạn chí thân như thế mất, giữa lúc tài năng đang nở hoa. Một tiếc nuối tức tưởi cho cả nhóm. Vậy thôi, chuyện rất bình thường: một người bạn chí thân như thế đến viếng một người bạn chí thân vừa mất. Nhìn lên bàn thờ, ảnh của bạn tươi rói, nhưng kìa, sao lại có con bướm lạc vào trong nhà? Rợn người. Bướm ơi, em là bướm hay em là ai? Em đang sống hay em đã chết? Em đã là bướm Trang Chu triết lý, em đã là bướm thơ bướm mộng bướm bay vườn cải hoa vàng, bây giờ em là bướm lượng tử rồi chăng? Bướm ơi, em là bướm hay ai là em?


Cao Huy Thuần


Chú thích:

  1. Christophe Fauré, “Il se dégage une vraie sagesse des récits d’expérience de mort imminente », Le Monde 1-11-2022.

  2. Max Planck, Interviews with great Scientists, II. Max Planck, The Observer, 25-1-1931. (Chú thích của tác giả). Tôi chép lại nguyên văn vì câu nói quan trọng quá, và tôi sợ dịch không đúng ý : « Je considère la conscience comme fondamentale. Je considère la matière comme un dérivé de la conscience. On ne peut pas observer la conscience. Tout ce dont nous parlons, tout ce que nous considérons comme existant, postule l'existence de la conscience".


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss