Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bút kí mùa hè 99 / NỖI BUỒN BỰC "ĐẦU TIÊN" CỦA YAMADA

NỖI BUỒN BỰC "ĐẦU TIÊN" CỦA YAMADA

- Hồng Lê Thọ — published 31/03/2009 23:31, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Yamada hiện là giám đốc một phân viện nghiên cứu về công nghệ sinh học, bạn thuở hai đứa còn là sinh viên năm thứ nhất ở Tokyo, quen nhau gần 30 năm, biết bao lần hẹn "thế nào tao cũng sang thăm đất nước Việt Nam của mày", nhất là khi Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng, đang bước vào công cuộc dựng xây ở thời kỳ đổi mới.


Bút kí mùa hè 99 : Phần 1 (*)


Những dòng Bút Ký nầy được ghi chép trong quãng thời gian tháng 8/1999 khi người bạn cùng lớp, Yamada Yoshinari sang thăm Việt nam… thời mà chiếc cầu Mỹ Thuận chưa bắc ngang sông Tiền… và Thành phố Hồ chí Minh còn lơ thơ vài chiếc mũ bảo hiểm trên đường phố không phát triển như bây giờ … (H.L.T.)



NỖI BUỒN BỰC "ĐẦU TIÊN" CỦA YAMADA


Hồng Lê Thọ



Ba tháng trước khi thực hiện kế hoạch nghỉ hè mà Việt Nam là điểm hẹn, Yamada nói đã đọc 4 quyển sách nói về lịch sử, cách ăn ở, đi lại, những nơi có danh lam thắng cảnh, hớn hở khoe với tôi: "Thọ ơi, tao thấy Việt Nam của mày hay lắm. Đọc lời giới thiệu về chiếc áo dài, giai thoại phố người Nhật ở Hội An, món phở tái... mê lắm, hẹn mày tại Sài Gòn vào tháng 8 tới nhé, nhớ có mặt đi chơi với tao nghen".

Như thói quen của nhiều người nước ngoài khác, khách du lịch thường tìm hiểu rất kỹ lưỡng, kể cả những điều họ cần "phòng thân" ở một nước sắp đến. Niềm thú vị của cuộc du lịch đã bắt đầu như thế, gây bao nô nức trước những điều mới lạ, sự hứng thú tăng dần khi ngày lên đường gần kề. Yamada hiện là giám đốc một phân viện nghiên cứu về công nghệ sinh học, bạn thuở hai đứa còn là sinh viên năm thứ nhất ở Tokyo, quen nhau gần 30 năm, biết bao lần hẹn "thế nào tao cũng sang thăm đất nước Việt Nam của mày", nhất là khi Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng, đang bước vào công cuộc dựng xây ở thời kỳ đổi mới. Được đón người bạn "nối khố" thời hàn vi ngay trên quê hương mình, ai mà không vui. Tôi để dành một tuần với "hắn" là tất nhiên.

nhon nhao

Cảnh nhốn nháo ở sân bay Tân Sơn Nhất trước đây

Đúng mùa Vu Lan, rằm tháng 8, Yamada đã xuất hiện trên màn hình chiếc TV đặt ngay ở cổng ra sân bay Tân Sơn Nhất nơi chờ khách đến. Dáng dấp cao lớn, vạm vỡ quen thuộc của Yamada vừa thoáng ấy, sao mãi mà chẳng thấy ra cửa... Chờ gần 30 phút, rồi một tiếng đồng hồ... một nụ cười hiền lành, mồ hôi nhễ nhại, khuôn mặt thấm mệt của Yamada hiện ra. Tôi vội hỏi:

– Sao mày lâu ra thế ? Tokyo tháng này cũng nóng như Sài Gòn chứ gì ?

Yamada nói như trút được gánh nặng:

– Ôi thôi, cái thằng đứng trước tao khai báo thế nào mà cãi qua cãi lại với ông “cảnh sát” sân bay, không ai hiểu ai, thế là đoàn người dồn cục, hắn còn kẹt lại đã ra được đâu. Tội nghiệp cho nó, chẳng có ai hướng dẫn "mô tê" gì cả.

kiemhang

Kiểm hàng ở sân bay

– Sao mày không nhảy qua quầy khác ? – Tôi hỏi lại.

Vừa lôi chiếc vali xềnh xệch ra cổng, tay ôm chặt chiếc ví cài lưng, Yamada hổn hển.

– Ừ thì có làm thế nào mới ra được đây này. Rồi hỏi tiếp:

– Xe mày đây ?

Tôi đưa tay chỉ ra bến đỗ, nhẹ nhàng an ủi:

– Mày chịu khó theo hướng này với tao, xe đậu ở đằng kia kìa.

– Tại sao mày không nói bác lái xe tấp vô đây ?

– Không được đâu, qui định ở đây là khách phải qua chỗ kia, nếu không thì phải đi taxi của họ, mày không thấy à, đoàn khách du lịch mấy chục ông già bà lão cũng phải làm thế thôi. Tao mà đưa xe vào là có người đến gây sự ngay.


cua ra haiquan

cảnh hỗn loạn ở cửa ra hải quan


Một thoáng thất vọng lẫn thông cảm lướt qua, Yamada đưa mắt nhìn đoàn khách lớn tuổi lê la vali qua đường, quay lại mỉm cười "xứ của mày vui thật", rồi nhanh chân trở lại như những ngày chen chúc, khi đi làm ở Tokyo.

Lên xe xong, Yamada thở phào: "May là có mày đón, nếu không thì tao chẳng biết làm sao". Bác lái xe như hiểu ý, mở hết công suất máy lạnh trong xe, nhẹ nhàng lướt qua cái chốn xôn xao khó tính này.

Yamada hỏi tôi:

– Mày định cho tao ở khách sạn nào vậy?

– Khách sạn Rex, giá 120 USD/ngày, mày chịu không ?

– Loại khách sạn sang nhất Sài Gòn phải không ? Tao đọc trên sách, họ nói thế. Nhưng sao chọn loại đắt tiền làm gì ? Tao sang chơi với mày ở đâu mà chẳng được.

Rồi rút trong túi ra một tập carte visite giới thiệu các khách sạn lớn, bé kèm theo bảng giá tương đối dễ chịu 20 - 80 USD/ngày với những chương trình dịch vụ "du hí" ban đêm khá mời mọc mà ai đó đã nhanh chóng phát cho Yamada trên đường ra cổng sân bay. Nếu là nơi khác, tôi sẽ phải mời Yamada về nhà mình và tận tình lo cho bạn, nhưng ở đây những dự định ấy đành thôi, tốt nhất cứ đưa Yamada vào khách sạn là yên tâm nhất, khỏi phải khai báo thủ tục phiền hà. Để tránh thắc mắc của bạn, tôi đáp:

– Rex ở ngay trung tâm, mày đi đâu cũng được, vả lại lâu lâu mới gặp nhau, mày cứ ở đấy cho thoải mái. Tao sẽ đến đưa đón mày đi chơi, không sao cả.

Đi giữa lòng thành phố nhìn cảnh "ngựa xe như nước áo quần như nêm" của một Paris phương Đông, Yamada vui vẻ:

– Thành phố này đẹp thật, cây xanh hai bên đường, xe cộ qua lại nhộn nhịp vui tươi, khác hẳn cảnh nhốn nháo ở sân bay, may mà tao được vào tới thành phố mới cảm thấy mình là khách du lịch.

tantruong

Em tan trường về…

Hình như nỗi hào hứng của Yamada đã trở lại, nét cau có ban đầu tan dần, "hắn" vươn vai uốn người, cười một mình thật sảng khoái, rồi buột miệng:

– Sáng mai tao chờ mày ở khách sạn. Nhớ đến sau 9 giờ, vì tao sẽ dậy sớm để đi dạo, ngắm những tà áo dài trước đã, sau đó mới về. Rồi lấy tay chỉ vào một tạp chí hướng dẫn du lịch:

– Xem này, ở Tokyo làm gì có cảnh học sinh mặc áo dài đồng phục đạp xe đi học thật thanh bình như thế, kèm theo một bản đồ thành phố đã được in sẵn, có những mũi tên chỉ các tuyến đường đến trường Nguyễn Thị Minh Khai, nhà thờ Đức Bà... không quên lời dặn "nhớ đi vào sáng sớm trước 7 giờ, bạn sẽ gặp những nàng tiên áo trắng".

 

ao dai

Chiếc áo dài trinh nguyên

Hồng Lê Thọ (Tokyo)


(*) Loạt bài gồm 6 kỳ này đã đăng trên Nguyệt san Đại Đoàn Kết số tháng 9,10,11,12/1999 và số Xuân Nhâm Thìn (2000); chúng tôi sẽ lần lượt đưa lên mạng mỗi ngày.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss