CUỘC CHIA TAY LẶNG LẼ
Bút kí mùa hè 99 : bài cuối
CUỘC CHIA TAY
LẶNG LẼ
Hồng Lê Thọ
Một tuần rong ruổi với Yamada trôi qua thật nhanh – Từ Đà Nẵng chúng tôi đáp máy bay trở lại Tp. Hồ Chí Minh, chỉ còn hơn 10 tiếng đồng hồ nữa là Yamada phải về Tokyo như chương trình đã định. Không chỉ đối với hắn mà còn cả với tôi, biết bao khám phá, ngỡ ngàng trong suốt chuyến đi từ Saigon ra đến Hội An. Đã lâu lắm, từng được dịp đi đây đó khắp bốn phương trời, lúc nào cũng vội vã, qua quít, lần này thì hoàn toàn được thư giãn, cùng người bạn thân nhất "ngao du" trên tổ quốc mình, những nơi chúng tôi đến và đã đi qua đều để lại nhiều ấn tượng khó phai mờ; giây phút cảm động phải chia tay với Thuận, người thương binh mới quen trên phà Mỹ Thuận, lúc Yamada tặng anh "lá bùa hộ mệnh" rút từ trong ba lô, rồi cảnh hắn rưng rưng trước mộ những người Nhật đã nằm xuống vĩnh viễn ở vùng đất Hội An... Rời Đà Nẵng trong bâng khuâng, Yamada còn nuối tiếc, cứ bảo "phải chi được ở Việt Nam thêm vài ngày nữa để đi Huế, thăm Hà Nội thì trọn vẹn biết mấy", tự an ủi "lần sau khi cả gia đình sang đây tao sẽ ra trở lại nơi này". Năm nay Saigon mưa nhiều hơn mọi khi, thật ướt át và tầm tã. Vào buổi chiều cuối cùng của Yamada, hai đứa chúng tôi ghé Dinh Thống Nhất, Viện Bảo tàng Lịch sử trong tâm trạng thật thư thả, chỉ tiếc không đủ thời giờ đưa Yamada đến địa đạo Củ Chi.
Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TPHCM
Sau khi đưa hắn đi ăn phở Bắc ở góc đường Nguyễn Du - Pasteur, hai chúng tôi ghé sang thăm Nhà Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi mà tôi đã hẹn trước khi hắn về nước. Nhìn bom Napalm, bom bi, mìn định hướng, các loại súng đạn sát thương hiện đại được trưng bày ngay trước sân Yamada tỏ vẻ sợ hãi. Người Nhật bình thường như hắn chỉ nghe nói đến chứ chưa bao giờ được "trông tận mắt, sờ tận tay", hắn thì thầm một mình.
Xem phim ảnh "bạo lực" mãi chai lỳ rồi chăng, không thấy đau đớn, tàn nhẫn khi những họng súng, những quả bom ghê gớm này đã bắn giết biết bao nhiêu người, người bắn là ai ? kẻ bị giết là ai ? càng tưởng tượng tao càng thấy lạnh tóc gáy. Thế mà người ta vẫn đùa giỡn với chúng, tự cho mình cái quyền buôn súng đạn, bán xác chết để làm giàu.
các
lực lương Mỹ tham gia
chiến trường
miền nam
Yamada tần ngần thật lâu, nhìn chăm chăm những "con vật" quái ác đó như muốn hỏi tội chúng. Đi vào căn phòng trưng bày hình ảnh những trại giam ngục tù Côn Đảo, Phú Quốc, hắn chăm chú đọc lời giải thích bên cạnh, ghi chép vào sổ tay; bức ảnh người mẹ già ôm chầm lấy người con mới được thả ra tù làm hắn ngậm ngùi thấm thía. Chữ "chuồng cọp", "chuồng bò"... không xa lạ gì với Yamada, trong những ngày biểu tình phản đối chiến tranh vào những năm 69 - 72; Côn Đảo với những trại giam man rợ kia đã quá "nổi tiếng", là biểu tượng của tội ác không kém gì Auschewitz của Đức quốc xã. Tôi để hắn đi tham quan một mình, những khoảnh khắc ở đây trôi qua trong yên lặng và sâu lắng đối với Yamada. Gần hai tiếng đồng hồ ngồi chờ bên ngoài mà vẫn chưa thấy Yamada quay lại. Giờ đóng cửa đã gần kề, không lẽ Yamada đi lạc, hay do sơ ý đã ra khỏi đây lúc nào không biết chăng ? Tôi lật đật sang khu bán hàng lưu niệm, vẫn không thấy hắn đâu. Quay ngược vào sân, đến khuôn viên trước khu nhà trưng bày chất độc màu da cam thì thấy Yamada đang ngồi ngay góc sân bên lề, hai tay ôm lấy đầu, không động đậy.
– Đi về thôi, sắp đến giờ đóng cửa rồi, mày là người khách cuối cùng đấy. Tôi vỗ nhẹ vào vai hắn .
Đứng lên thật uể oải, khoác lại chiếc ba lô lên vai, quay mặt lại phòng trưng bày, Yamada cúi đầu thật thấp như để chào từ biệt. Hai mắt hắn đỏ hoe, tránh nhìn vào tôi, đi thẳng ra cửa thật nhanh.
– Có chuyện gì vậy ? Sao thế ? Tôi hỏi.
– Không, không có gì cả. Tao thấy hết rồi, xem rất kỹ... những thai nhi hình hài tật nguyền bị ngâm trong formol tao buồn quá, mày đừng hỏi có được không ?
Hai anh em nạn
nhân chất độc |
Chồng
tật, vợ bệnh và 2 đứa |
Hình như Yamada bị sốc quá lớn trước sự thật, những hậu quả của chất độc màu da cam mà hắn đã nhìn thấy trong những chiếc lọ thủy tinh chăng. Đi được một quãng đường, tôi định bụng lên xe ghé khách sạn Omni nghỉ ngơi, ăn tối rồi chuẩn bị đưa Yamada ra sân bay. Nhưng Yamada lắc đầu từ chối, có vẻ như bực mình cả với tôi.
– Mày để tao một mình được không ? Tao muốn thế. Mày về đi, đừơng ra sân bay… tao biết cách đi rồi, kẹt lắm thì tao đi taxi..., đừng lo cho tao... Hẹn mày 9 giờ tối nay ở sân bay, nếu tiện thì gặp nhau lại ở đấy... Tao van mày đấy, về đi… Sayonara !
Hiểu ý bạn, tôi tạm chia tay để lại Yamada một mình, đang trong trạng thái bàng hoàng, mặt mày tái xanh, nhợt nhạt.
Khoảng 8 giờ tối, sân bay bắt đầu nhộn nhịp, cảnh tiễn đưa, người ở lại, kẻ đi xa bùi ngùi, luyến tiếc. Tôi đến sớm hơn đã hẹn, nhưng chờ đến 9 giờ, rồi 9:30 vẫn chưa thấy Yamada ở đâu. Không lẽ hắn vào bên trong sân bay rồi ? Thật vô lý. Sốt ruột chạy qua lại các cổng vào, nhìn bên trong vẫn không thấy bóng dáng hắn đâu. Đúng lịch bay tối nay Yamada sẽ đi chuyến JAL về Osaka vào 11:30 khuya, có nghĩa là hắn phải đến trước giờ cất cánh hai tiếng đồng hồ. Thế mà vẫn không thấy. Hắn đi rồi chăng?
Sáng hôm sau, ghé văn phòng hãng hàng không xem danh sách hành khách đi chuyến tối qua. Thấy có tên Yamada, tôi yên tâm không còn hồi hộp lo lắng nữa. Cuộc chia tay giữa tôi và Yamada là thế. Không một lời, chẳng có nụ cười quen thuộc. Một thằng bạn thật tệ, tôi trách thầm.
Mãi đến ba ngày sau nhận được E-mail của hắn từ Tokyo.
Tokyo, 25/8/1999 trời mưa tầm tã "..... Thọ ơi, tao xin lỗi mày thật nhiều, không đợi mày như đã hẹn. Hôm đó tao đi bộ một mạch ra sân bay rồi xin vào bên trong thật sớm. Tao thấy mày nháo nhác tìm tao. Mấy lần định xin ra gặp rồi thôi. Suốt buổi chiều hôm đó tao không nhìn thấy gì nữa cả. Lòng bị nghẹn lại, nước mắt trào ra mặc dù tao không khóc. Mày thấy có bao giờ tao khóc đâu. Tao có cảm tưởng những con người tật nguyền suốt đời, lặng lẽ chết đi, nằm đấy ở trong căn phòng trưng bày như muốn nói với tao một điều gì. Về Tokyo được 3 ngày rồi mà tao vẫn chưa kể gì cho vợ con nghe chuyện ấy, nhưng thế nào cả gia đình tao cũng sẽ sang Việt Nam. Tao muốn các con tao hiểu ý nghĩa của "chiến tranh", "hòa bình" bằng chính tâm hồn và nước mắt của chúng như tao. Cám ơn mày rất nhiều và bây giờ tao đã hiểu tại sao mày thật dễ xúc cảm khi nói đến những nỗi đau ấy. Tao chia sẻ với mày nhiều lắm. Khi nào tiện nói cho Thuận biết tao rất sung sướng khi được làm quen. Đừng buồn và giận tao nghe. Tao sợ chia tay với mày mà khóc thì chẳng ai hiểu ra làm sao. Khi nào về Tokyo gọi ngay cho tao. Rất mong được gặp mày. Thương mày và cả nước Việt Nam của mày vô cùng. Hẹn gặp lại. Sayonara. Yamada |
Hồng Lê Thọ (Tokyo)
Các thao tác trên Tài liệu