Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bút kí mùa hè 99 / ĐƯỜNG VỀ PHỐ HỘI THÊNH THANG

ĐƯỜNG VỀ PHỐ HỘI THÊNH THANG

- Hồng Lê Thọ — published 05/04/2009 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chúng tôi đang trên "đường cái quan" tìm về phố Hội, nơi mà nhiều người Nhật đã đến để mua bán, lập nghiệp từ thế kỷ thứ 17...

Bút kí mùa hè 99 : Phần 5


ĐƯỜNG VỀ PHỐ HỘI THÊNH THANG


Hồng Lê Thọ



Rời Sài Gòn vào hừng sáng trong bầu không khí trong lành dễ chịu của đất phương nam, thành phố đang còn chìm trong giấc ngủ muộn, thỉnh thoảng một vài chíếc xe xích lô máy chở hàng kêu chát chúa vút qua thật hối hả.


nhatrang

Bờ biển thành phố Nha Trang


Trên chiếc Land Cruiser, Yamada ưỡn người hít thở thật sâu sau một đêm "ngủ say như chết". Chúng tôi đang trên "đường cái quan" tìm về phố Hội, nơi mà nhiều người Nhật đã đến để mua bán, lập nghiệp từ thế kỷ thứ 17; thực hiện ước mơ của Yamada từ khi mới quen tôi 30 năm về trước, lúc "hai đứa" mới bước chân vào đại học ở Tokyo. Biết tôi là người Việt Nam duy nhất trong lớp, hắn kết thân, thuê phòng trọ cùng căn, luôn hỏi chuyện về quê hương Việt Nam, nơi mà Yamada chỉ biết qua những bản tin chiến sự. Chiếc xe bon bon ra khỏi thành phố nhanh chóng, lướt qua những cánh rừng cao su thẳng tắp, Yamada cứ như ông ngố, luôn mồm hỏi han liên miên:

– Họ gánh cái gì đấy ?. Khi thấy một bà lão trên vai trĩu nặng thon thả đi bán quà ăn sáng.

– Tao mới thấy cây cao su lần đầu, nếu có công nhân lấy mủ thì dừng xe cho tao chụp một "pô" nghe.

Quốc lộ 1 bây giờ được chỉnh trang khá tốt, chả bù với lúc mới đi lần đầu cách đây 15 năm, hồi đó ngồi trên xe mà cứ nhảy nhỏm vì ổ gà, luôn uốn lượn để tránh né. Cuộc hành trình tiếp tục, xe chạy được một quãng xa xa đã thấy những đoàn người Chăm đi dọc theo lề đường, nhìn sắc phục hơi khác lạ của họ, Yamada thắc mắc:

– Có phải là dân tộc thiểu số phải không ?

– Đúng rồi. Tôi đáp và giải thích thêm cho bạn về những người Chăm sinh sống ở khu vực này rồi tiếp:

– Chốc lát nữa mày sẽ thấy tháp Chăm dọc trên con đường này, vẫn còn khá nguyên vẹn và rất hùng vĩ.

Ngày trước Yamada cũng đã nghe nói về đất Chiêm Thành khi học lịch sử ở lớp 10, "hắn" tỏ vẻ thông thạo:

– Hình như người "Chiêm Thành" này cũng đã đến Nhật Bản cách đây 10 thế kỷ; mày có biết là điệu múa của họ và trầm hương của người Chiêm Thành được lưu truyền trong cung đình, chùa chiền ở Kyoto, Nara ngày xưa không ? Ngay cả việc thờ Yoni hay Linga như trong đạo Bà la môn cũng đã khá phổ biến ở một số địa phương, nhất là vùng cao nguyên phía Bắc Nhật Bản. Không lẽ tôn giáo của người Chiêm Thành đã qua tới Nhật Bản vào thời kỳ ấy ?

– Điệu múa cung đình Chăm "Lâm ấp khúc" hay thú tiêu khiển bằng cách đốt trầm để định hương trong "Hương đạo" thì đúng rồi, nhưng tại sao ở Nhật Bản cũng có tôn giáo thờ mấy thứ kia thì tao chịu. Không lẽ mối giao lưu giữa các thương thuyền của người Chăm và người Nhật vùng Đông Bắc sâu đậm đến thế sao ? Điều này thì chưa nghe thấy bao giờ. Mà cũng có thể như vậy vì người Chăm vốn rất rành nghề đi biển theo gió mùa...


thapcham


Tháp của dân tộc Chăm đây rồi, chúng tôi lại bước xuống xe. Yamada ngắm nghía, leo từng nấc đến bên cạnh lấy tay sờ vào những viên gạch đỏ, ngửa mặt xem các hình tượng điêu khắc trên đỉnh tháp, trầm trồ:

– Lạ thật, gió biển, bão tố, mưa bão liên miên mà tháp vẫn không suy xuyển, chẳng bị "phong hóa". Kiểu dáng rất tuyệt vời – không biết người Chăm cổ đã đúc, xây như thế nào ? quay lại hỏi tôi một cách nghiêm trang:

– Còn thêm một điều này có lẽ mày chưa biết, những viên gạch này lọc nước rất tốt, cứ cho nước thấm qua là trong vắt và ngọt dịu. Khi nào đến một giếng nước của người Chăm mày sẽ thấy, có giếng đã đào từ nhiều thế kỷ trước mà bây giờ nước vẫn trong.

Tôi kéo hắn lên xe, đi xa gần một cây số ngừng lại và quay nhìn trở lại Tháp:

– Hãy xem kỹ nhé, bây giờ là gần 4 giờ chiều mày có thấy Tháp sáng đỏ lên thật rực rỡ trong hoàng hôn không ?

Ngọn Tháp Chăm thường nằm trên những ngọn đồi trọc và nhìn ra biển. Tôi hỏi lại Yamada "tao đố mày tại sao đấy".

Ngẩn người suy nghĩ một lúc Yamada vẫn chưa tìm ra được lời giải đáp.

– Tao chịu thua, có lẽ họ xây Tháp này để thờ cúng và các lễ hội của dân tộc. Vì vậy chọn điểm cao nhất để bày tỏ lòng tín ngưỡng.

– Ừ, điều đó thì không có gì phải bàn thêm. Các Tháp Chăm này có thể là những ngọn "hải đăng" cho người đi biển nữa đấy. Ngày xưa làm gì có đèn thủy tinh để che lửa trước gió, họ xây tháp gạch đỏ này thay cho đèn, nếu nhìn vào buổi hoàng hôn hay hừng đông khi trời tốt, mày sẽ thấy ngọn Tháp như một ngọn đèn để người đi biển có thể đoán đường đến đất liền còn bao xa. Ánh nắng chói chan chiếu sáng rực rỡ giúp người đi đường nhìn Tháp mà định hướng, thời ấy chưa có 'la bàn".

Yamada vẫn chưa tin cho đến khi xe chúng tôi cách một quãng xa hơn, chừng 50 km, ngọn Tháp lúc này vẫn còn rất rõ nét, sừng sững và rực rỡ trên nền trời nhá nhem tối. Hắn buột miệng:

– Tuyệt cảnh, tuyệt cảnh !

Chiếc máy ảnh trên tay hắn nhảy liên miên, rồi như nhớ ra điều gì ghê gớm:

– Tao nhớ rồi, hồi đó khi quân đội Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam họ đã cắt nguyên một Tháp Chăm chở về Mỹ để trưng bày ở Viện Bảo tàng gì gì đó tao quên rồi.

– Ôi có gì lạ đâu, thì ở Viện Bảo tàng Metropolitan (New York) họ còn lấy cả bức tường Tháp Ai Cập về chưng đấy, hay ngay quảng trường La Concorde ở Paris thì cũng có cả một ngọn tháp đối diện với Khải Hoàn Môn, là của lấy cắp chứ gì nữa. Còn ở Bảo tàng Vương quốc Anh thì thiếu gì, nhìn mà phát tức.

tomcangSay sưa với nhau, đúng sai chẳng biết nhưng cả hai chúng tôi vẫn không quên cái nắng hanh hao của cái xứ ba "phan" (1), thắc mắc mảnh đất khô cằn này tại sao lại là nơi mà những người Chăm xưa kia đến định cư ?

Đến Nha Trang lúc trời đã tối hẳn. Chúng tôi vào khách sạn Hải Yến như đã hẹn trước. Khuôn mặt Yamada sạm đi thật rõ sau những ngày rong ruổi ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh... và chuyến tìm về phố Hội khá "dài hơi" hôm nay. Nhìn ra biển khơi về đêm, sóng vỗ rì rào yên ả, xa xa những ngọn đèn của tàu đánh cá nhấp nháy... một khung cảnh nên thơ, lắng dịu. Tối hôm đó Yamada được thưởng thức những hương vị đặc biệt của vùng biển, hai mắt trố lên khi nhìn thấy đĩa tôm hùm hấp bia đỏ rực, to tướng được đặt lên bàn ăn.

– Ở Tokyo, mỗi con như thế này giá ít nhất cũng hơn hai ba trăm đô la, mà là hàng nhập khẩu đông lạnh chứ làm gì được tươi sống như ở đây. Cả đời tao chưa bao giờ được ăn nguyên con, chỉ một vài lát ở tiệc cưới là mừng lắm rồi !

Say sưa và thích thú với những đặc sản, trong hơi men chếnh choáng, Yamada vừa ăn vừa trầm trồ, thỉnh thoảng cao hứng "này nhé, cho mầy biết tay ta" mỗi khi dùng kìm kẹp chiếc càng cua cứng đầu, mút cả nước sốt rang me còn dính trên vỏ. Một bữa ăn thịnh soạn qua nhanh, ai nấy đều muốn chia tay đi ngủ sớm.

vanphong

Đầm môn trong Vịnh Vân Phong

Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên đường. Xe chúng tôi đã rời khỏi thành phố biển. Yamada ngồi ghi nhật ký, lấy bút chấm từng điểm đỏ lên những nơi đã đi qua, ngạc nhiên với những địa danh có tên gọi Hán-Việt thật đẹp như "Khánh Hòa", "Phú Yên", "Bình Định"... rồi so sánh với những địa danh của Nhật Bản, cho rằng những tên gọi ở Nhật ít có nghĩa văn hóa  – văn hóa địa chí  – mà nhằm để định vị, định hướng là chủ yếu như "phố nhìn thấy núi Phú Sĩ" (Fujimichô), "Làng phía Đông núi Matsuyama" (Higashi Matsuyama). Là một chuyên gia về công nghệ sinh học, nhưng Yamada rất thích môn địa lý, chuyên nghiên cứu địa hình, địa danh trên thế giới trong những ngày nghỉ ngơi. Đi tới đâu Yamada đều hỏi tên, ghi chép ý nghĩa âm Hán-Việt thật cần mẫn. Buồng chuối sứ trái to và ngọt lịm, nước dừa thanh khiết mua trên đường đi đã làm cho Yamada quên cái mệt đường xa. Chiếc kẹo đậu phụng dòn tan, cắn kêu rôm rốp làm hắn tươi tỉnh:

– Mày nhìn xem, màu đen vàng của đường ngào trên bánh tráng không ngọt gắt như đường tinh luyện, còn đậu phụng thì rất thơm. Mày nhớ mua giúp thêm cho tao vài xấp để đem về nhà làm quà nhé !

Xe đã bước lên đèo Cù Mông, từ trên núi nhìn xuống, Yamada thảng thốt:

– Đất nước vùng này đẹp tuyệt vời, không khác gì với bán đảo xứ Izu (2) quê tao, chỉ tiếc là đi lại còn khó khăn, chứ nếu là đường xe cao tốc như ở Nhật thì đây là một điểm hẹn du lịch khá lý tưởng.

deocumongGhé ăn trưa khá muộn màng ở Qui Nhơn, một tô bún cá ngừ làm cho hắn thoát cơn cồn cào vì đói, món bánh hỏi đặc sản của Bình Định trong mùi thơm phưng phức của thịt nướng, mỡ hành bốc lên tận mũi, bảo sao Yamada không "thèm", ăn một hơi đến bốn dĩa. Từ Tháp Đôi của người Chăm, chúng tôi trở lại cuộc hành trình, một cơn mưa áp thấp nhiệt đới ập đến, mây vần vũ thật giận dữ trên không, xe chúng tôi phải đi chậm lại vì đường khá trơn trợt, cánh đồng mía rạp mình trước những cơn gió lốc. Yamada có vẻ ái ngại.

– Liệu có đến được Đà Nẵng hôm nay không ? Tao thấy như bão sắp tới đấy.

– Cơn mưa này không kéo dài lắm đâu. Tao không thấy đài báo là sẽ có bão. Mày đừng lo. Vùng Trung nam bộ này năm nào cũng gặp bão nhưng chắc chắn không phải là hôm nay (3). Tôi trấn an.


cauvong

Chiếc cầu vồng sau cơn mưa


May thật, ầm ầm được vài tiếng đồng hồ rồi quang đãng trở lại, tận cuối chân trời, ánh sáng của buổi hoàng hôn sau cơn mưa được kết thành cung cầu vồng bảy màu thật rực rỡ, trước mắt con sông Trà Khúc đang hiện ra, dãy quạt nước màu đen ven sông quay nhanh. Nơi đây tôi đã từng nhảy xuống lặn hụp khi ở tuổi 12, trên đường từ Đà Nẵng trở về nghỉ hè với gia đình tại Sài Gòn. Hương vị của kẹo mạch nha, đường phổi, bánh phổ… vẫn còn nguyên trong ký ức của những ngày thiếu thời. Bên cạnh, Yamada ngồi yên lặng, hắn ngắm nhìn qua cửa kính xe rồi nói như chia sẻ:

– Vùng này còn nghèo quá mày hả. Ở đây họ phải cày bằng con trâu chứ chưa có máy, giống như những bức tranh cổ của Trung Hoa.


phoco

Phố cổ Hội An buổi hoàng hôn


Nhìn lũ trẻ con nô đùa, đá banh trên sân trường, Yamada khá ngạc nhiên, "trẻ em đi chân đất vẫn còn nhiều ghê". Hắn nói như thì thầm một mình. Tôi kể cho Yamada nghe về các khu công nghiệp, chế xuất được hình thành trong thời kỳ đất nước đổi mới, về khu công nghiệp hóa dầu Dung Quất ở đây đang vào giai đoạn xây dựng cao điểm, nguồn tài nguyên thiên nhiên thủy hải sản, yến sào, khoáng sản phong phú của miền đất khô cằn, nghiệt ngã và đầy thử thách này.. Những địa danh mà Yamada đã biết tới như Sơn Mỹ, Chu Lai, với những chứng tích chiến tranh vẫn còn đó, không biết có đủ thì giờ để trở lại trong lần này hay không ? Tôi định bụng sẽ dành nửa ngày để đưa Yamada đi thăm.

laivienkieu

Lai viễn kiều(Hội An)

Loay loay với những "tính toán" hợp lý cho chương trình còn lại của bạn thì đã nghe tiếng ngáy đều đặn bên tai, hắn đang chìm vào giấc ngủ thật say. Nửa khuya chúng tôi về đến Đà Nẵng, nơi mà Yamada mong nhất trong chuyến đi thăm Việt Nam lần này. Sáng mai hắn sẽ được nhìn thấy tận mắt khu phố cổ Hội An, "Lai Viễn Kiều" (hay còn gọi là cầu Nhật Bản) và cả chùa Non Nước, nơi đang còn những bia mộ mang ấn tích của người Nhật trên Shuinsen(4) xưa kia...


Mùa Vu Lan 1999

Hồng Lê Thọ (Tokyo)

 

(1) Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết.

(2) Izu: vùng bán đảo nghỉ mát nổi tiếng ở Nhật Bản, được nhắc đến trong tác phẩm "Cô đào hát xứ Izu" của Kawabata Yasunari (Nobel Văn chương)

(3) Sau khi bài viết này được chuẩn bị xong, đầu tháng 11 vừa qua 7 tỉnh miền Trung bị một cơn mưa lũ lớn nhất trong 40 năm qua ập đến bất ngờ, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng, đã có gần 600 người bị dòng nước khắt nghiệt cuốn trôi; nhiều cửa biển, cầu cống, đường sá, trường học, trạm xá đã bị phá sập. Cố đô Huế, khu phố cổ Hội An cũng đã chìm trong biển nước mênh mông. Nhân dân cả nước, kiều bào khắp nơi trên thế giới hướng về miền Trung thương yêu để cứu đói, rét và thiếu thốn bằng mọi khả năng cao nhất. Mong sao "Đường về phố Hội" sẽ sớm được phục hồi để thênh thang chào đón khách du lịch trong những ngày lễ hội năm 2000.

(4) Thuyền buôn của Nhật bản


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us