Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bút kí mùa hè 99 / MẶT TRẬN MIỀN TÂY VẪN YÊN TĨNH – 1

MẶT TRẬN MIỀN TÂY VẪN YÊN TĨNH – 1

- Hồng Lê Thọ — published 03/04/2009 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Xứ ôn đới như Nhật Bản làm gì có cây trái nhiều loại đến vậy, hắn đòi mua ăn thử hết măng cụt đến mãng cầu ...

Bút kí mùa hè 99 : Phần 3 


MẶT TRẬN MIỀN TÂY
VẪN YÊN TĨNH (*)   – 1



Hồng Lê Thọ (Tokyo)



Chúng tôi đến Ngã ba Trung Lương vào giữa trưa. Thành phố Mỹ Tho ở trước mặt, một thành phố "trên bến dưới thuyền" tấp nập, những chiếc ghe máy chở đầy ắp trái cây khắp nơi dồn về, nào chôm chôm, chuối, dừa, mãng cầu, với những tiếng gọi la bốc hàng í ới thật vui mắt. "Đồng bằng sông Cửu Long đây rồi", Yamada đưa chiếc máy quay phim thu hình, thỉnh thoảng quay lại hỏi tôi "Trái cây gì lạ thế ?".


cuulong

Sông nước Cửu Long yên lành


Xứ ôn đới như Nhật Bản làm gì có cây trái nhiều loại đến vậy, hắn đòi mua ăn thử hết măng cụt đến mãng cầu ... khi xe vừa cập bến phà Rạch Miễu. Theo kế hoạch chiều nay hai chúng tôi về thăm Bến Tre, sau đó trở lại để đi Cần Thơ. Nhìn cảnh sông nước mênh mông, một vài ghe máy mình Rồng chở khách du lịch lướt ngang, xa xa cồn Phụng của ông "Đạo dừa" ngày xưa thấp thoáng; người làm hướng dẫn khách du lịch bất đắc dĩ như tôi cảm thấy lúng túng khi nghe Yamada than thở "Ở đây thật hiền hòa và còn nguyên thủy quá nhỉ !". Nông thôn ở vùng này mượt mà, vườn cây ăn trái xum suê, ruộng đồng cò bay thẳng cánh đang khơi gợi cho người khách phương xa cảnh đồng quê thanh bình của đất phương Nam, hắn nhìn rừng dừa các cù lao trên sông ra chiều tư lự. Ở Tokyo, dừa từ Philippines, đảo Hawai được bày bán ở các quầy sang trọng trong siêu thị, cứ 2 trái là 1.000 yen (tương đương với 8 - 9 USD) bảo sao Yamada không thèm thuồng khi thấy những núi dừa chất đầy ghe.

ninhkieu

Trên bến Ninh Kiều (Cần Thơ)

Nước dòng sông chảy xiết, Yamada có vẻ ngại, liếc quanh thấy mọi người vẫn bình tĩnh; tiếng cười đùa, rao hàng lanh lảnh đang làm hắn yên tâm hơn. Một bé gái mời chúng tôi mua vé số, nhìn Yamada rồi cười, một nụ cười hồn nhiên và đôn hậu. Hắn hỏi:

– Cô bé mời gì đấy, vé số hả ?. Rồi tiếp:

– Cháu này có lẽ mới lên mười mà phải kiếm sống rồi !

Không chỉ có một em; trên phà còn nhiều đứa trẻ bán hàng rong tíu tít. Tất cả đều ở tuổi đi học nhưng phải làm lụng, cái nghèo của các em như muốn phủ nhận sự màu mỡ của phù sa. Xe chúng tôi rời bến Hàm Luông đi vào những rừng dừa bát ngát của Bến Tre, nơi mà Yamada từng nghe những huyền thoại về các đội quân tóc dài của quê hương Đồng Khởi. Hắn cũng biết khá rõ các người Nhật thời Việt Minh đã có mặt và ở lại mãi mãi trong lòng đất ở nơi đây. Hôm trước, đài truyền hình ở Tokyo đưa phóng sự về bé Phúc, một bé trai bị khiếm thị thổi sáo nổi tiếng ở Bến Tre, một vùng từng bị quân đội Mỹ chà xát bằng chất độc màu da cam trong những năm 1962 - 71, để lại biết bao hậu quả thật đau lòng. Đó cũng là lý do để hắn ghé đến trong chuyến đi lần này. Chúng tôi thả bộ trên bờ mương, gió từ sông lùa qua những rặng dừa trĩu trái xạc xào, không ai hỏi ai, thỉnh thoảng Yamada lượm một xác dừa khô rơi rụng, ném thật xa vào cánh đồng trước mặt, la to "Chikushyo" (1). Tôi biết Yamada muốn nói gì với ai. Đợi hắn lấy lại bình tĩnh tôi sờ nhẹ vào vai .

– Trước khi rời Việt Nam tao sẽ đưa mày đi xem những chứng tích của chiến tranh. Ở đấy mày sẽ hiểu hơn.

– Người Việt Nam ở nông thôn hiền hòa quá mày nhỉ. Không biết họ còn căm thù người Mỹ không ? Hắn hỏi đột ngột.

– Ừ, thì như mày thấy đấy, trên bến dưới phà mọi người nhìn mày với một nụ cười hiếu khách dù thân xác mày to cao không kém người Mỹ.

– Nhưng tao là người Nhật, còn người Mỹ thì thế nào? Hắn cãi lại thật hồn nhiên.

– Cũng thế, chốc nữa hãy cố gắng quan sát người Việt Nam nhìn khách du lịch Mỹ hay Tây như thế nào ? Rồi sẽ gặp thôi.

hoanghon

Hoàng hôn trên đồng bằng

Buổi chiều ở đồng bằng thật đẹp, một cái đẹp không hùng vĩ, lộng lẫy nhưng hiền hòa và dễ chịu sau cơn mưa áp thấp nhiệt đới vừa qua nhanh. Xe chúng tôi trở lại quốc lộ 1 hướng về Bến phà Mỹ Thuận. Trên xe Yamada ngồi đếm cây dừa san sát hai bên đường rồi vui vẻ trở lại.

– Chà với dừa xứ này thì sẽ làm ra biết bao nhiêu than hoạt tính, không biết Việt Nam đã sản xuất được chưa ? Toàn là tiền không đấy.

– Mới đốt thành than gáo dừa, chưa có kỹ thuật hoạt hóa cao. Đang còn thử nghiệm ở Trà Vinh.

– Sao tao thấy cái gì ở đây cũng còn ở dạng "thô" cả vậy. Chỉ cần tập trung công nghiệp chế biến chút nữa là hốt bạc. Nếu không công nghiệp hóa nông thôn sớm thì mai mốt ở Sài Gòn sẽ còn chật chội hơn nữa cho mà xem.

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, Yamada hỏi vội:

– Hình như nước Việt Nam của mày xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới rồi phải không ?

– Năm nay dự kiến xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn nếu như không bị mất mùa, lụt lội.

Hồi đó Yamada chỉ biết có tôm đông lạnh, than đá Hòn Gai, cao su Dầu Tiếng nay chỉ hơn 10 năm đổi mới mà hàng hóa Việt Nam đã tiến ra thị trường rất nhanh, dầu thô, gạo, hàng may mặc, trái cây, rau quả... Ngồi trên lan can phà êm ả lướt sóng, xa xa cầu Mỹ Thuận đang xây dựng đã sải cánh vươn cao trên bầu trời, chuẩn bị nối liền hai bờ hiện ra, Yamada phấn khởi hẳn lên, nhìn tôi như chia sẻ niềm vui gần kề, rồi ưỡn ngực nhìn về phía con tàu đang sủi bọt hét thật lớn: "Betonamu yo gambare ! Cuu Long yo gambare !" (2) một cách sảng khoái trong cái nhìn vừa ngạc nhiên vừa ngỡ ngàng của những người chung quanh. Một người thương binh đứng bên cạnh hỏi tôi ông Nhật này nói gì, rồi đến bắt tay Yamada thật chặt.


caumythuan

Cầu Mỹ Thuận sau khi hoàn thành


Hồng Lê Thọ (Tokyo)


(*) tên một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của E.M. Remarque

(1) tiếng chửi " Đồ súc sinh".

(2) Việt Nam ơi, cố lên, Cửu Long ơi, cố lên.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us