Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bút kí mùa hè 99 / MẶT TRẬN MIỀN TÂY VẪN YÊN TĨNH – 2

MẶT TRẬN MIỀN TÂY VẪN YÊN TĨNH – 2

- Hồng Lê Thọ — published 04/04/2009 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Thật thú vị khi được đón hoàng hôn trên sông Tiền, vô cùng nồng thắm khi anh thương binh mua nước mời chúng tôi uống, hẹn có dịp mời về quê anh chơi ở Cao Lãnh...

Bút kí mùa hè 99 : Phần 4


MẶT TRẬN MIỀN TÂY VẪN YÊN TĨNH  – 2


Hồng Lê Thọ



Thật thú vị khi được đón hoàng hôn trên sông Tiền, vô cùng nồng thắm khi anh thương binh mua nước mời chúng tôi uống, hẹn có dịp mời về quê anh chơi ở Cao Lãnh. Yamada không quên hỏi Thuận, tên người bạn mới quen:

– Thế anh bị thương lâu chưa?

– Năm 79, Thuận đáp.

– Anh đạp phải mìn ở đâu, bây giờ còn bị di chứng không ?

– Ở biên giới phía Bắc khi tôi đang phục vụ ở Lạng Sơn, đạp trúng phải mìn trong lúc tuần tra ban đêm. Bây giờ thì tàn tật chớ chẳng đau nhức gì cả. Anh cười một cách e lệ, lấy chiếc nạng gõ nhẹ vào đùi như muốn cho Yamada hiểu.

thuongbinh

anh thương binh

Yamada yên lặng một lúc, lục tìm trong ba lô tấm "bùa hộ thân"(*) ngũ sắc đặt trong tay Thuận.

– Tôi biếu anh cái này, tôi xin ở chùa bên Nhật trước khi đi nay gởi làm kỷ niệm. Ngày nào trở lại sẽ xin đến thăm gia đình bạn.

Chúng tôi chia tay với Thuận trong cử chỉ lúng túng của Yamada, hắn vẫy tay từ biệt anh ấy cho đến khi khuất bóng rồi quay lại nhìn tôi như thầm cảm ơn. Xe đưa chúng tôi tiến sâu vào đồng bằng, hối hả kịp đến trước giờ cơm tối.

Bến phà Cần Thơ rộn rịp, các đoàn xe chở khách du lịch, xe vận tải nối đuôi nhau dài hun hút. Trong đám đông lố nhố những người da trắng, đa số đều là người già, đang chờ phà cập bến ven sông. Yamada nhanh chân len lỏi, có lẽ hắn muốn đi tìm hiểu một mình. Vẫn ngồi yên trên xe, tôi quan sát thấy hắn nói cười vui vẻ với mấy ông "Tây", rủ hai ba người mua trái cây rồi như giữa người mua và người bán chẳng hiểu ý nhau, Yamada chạy nhanh ra bến nhờ một người Việt Nam đứng đấy "can thiệp". Mãi đến phà gần tới bờ bên kia, Yamada mới trở lại, hắn như đã được giải tỏa ấm ức đã có:

phacantho

Bến phà Cần Thơ

– Tao rủ bọn nó mua quà mới biết đó là một đoàn cựu chiến binh Mỹ sang đây thăm lại chiến trường, căn cứ Mỹ ngày trước. Tụi nó hết còn sợ "Việt cộng" như ngày xưa nữa, còn nói là ban đầu họ tưởng họ sẽ bị ghét cay ghét đắng, hiểu ra vẫn còn nhiều người Mỹ hiểu lầm hay đúng hơn là mặc cảm chưa tan trong lòng họ.

Đến khách sạn, tắm rửa thật thoải mái xong hai chúng tôi ra bến Ninh Kiều tìm một quán cơm bình dân bên bờ sông vừa hóng mát vừa nhìn cảnh sinh hoạt của vùng "gạo trắng nước trong" về đêm. Nghe tiếng máy nổ "bìm bịp" của ghe máy vào ra rộn ràng mà lòng vui lây.

– Hạt gạo ở đây không dài, lại hơi khô. Thường thường người Nhật thích dùng gạo này làm cơm chiên lắm. Hồi đó bố mẹ tao bảo trong chiến tranh cũng đã ăn "gai mai" (gạo ngoại) cứu đói từ Việt Nam chở về. Bây giờ mới được ăn lần đầu, thấy cũng lạ lạ.

– Gạo Nhật dẻo hơn, các giống Japonica, như Sasanishiki, Hoshi-Hikari nổi tiếng cũng đã được trồng thử ở An Giang cách đây gần 10 năm. Nghe đâu cũng đang xuất sang Nhật để làm bánh "Senpei" rất ngon (bánh gạo nướng phồng lên), khả năng thu hoạch không kém.

– Thế à, có lẽ vì giá rẻ hơn gạo nội địa (Nhật Bản) và tương hợp với khẩu vị của người Nhật chăng ?

Tối hôm đó tôi cho Yamada ăn rùa, nướng lên thịt rất thơm làm hắn xít xoa bảo rằng chỉ mới được ăn một hai lần trong đời, vì ở Tokyo giá thịt rùa khá đắt và hiếm có. Món lẩu canh chua lươn, theo hắn, toàn là thứ "thập toàn đại bổ" rất mát. Vào mùa hè, ở Nhật Bản thường có thói quen ăn thịt lươn, nướng thật vàng trên lò than rồi nhúng vào nước sốt gia vị vừa ngọt vừa cay để chống "bệnh đuối sức" do nóng bức gây ra. Sáng hôm sau, chúng tôi vội vã rời thành phố Cần Thơ về thăm Sóc Trăng, quê hương của nhà nông học Lương Định Của. Hai bên đường các máy tướt lúa hoạt động khá năng nổ, thỉnh thoảng một nhà máy xay xát cỡ nhỏ thoáng qua. Những chiếc ghe chở gạo bên sông lạch nối đuôi nhau tiếp tục "ăn hàng", người công nhân bốc vác nhễ nhại. Yamada đăm chiêu, lo ngại hỏi tôi.

– Thế ở nông thôn người ta bảo quản lúa gạo ra sao ? Độ ẩm sẽ tác hại ghê gớm vì vùng này toàn sông nước, không khéo sẽ nẩy mầm hay làm suy thoái chất lượng gạo xay ra.

– Vấn đề là ở chỗ đấy, việc chế biến bảo quản lương thực ở đồng bằng còn phân tán, chưa có nhiều xi lô và hệ thống sấy như ở Nhật. Còn gạo xay rồi thì đúng là rất dễ bị "lão hóa", có khi ăn gạo mới mà cứ tưởng như gạo mục. Tôi đáp.

– Vậy thì tỷ lệ tấm cũng sẽ lên cao nếu độ ẩm không được điều chỉnh ổn định từ khi tướt đến khi xay.

– Rõ ràng là vậy, có khi lên đến 25 - 40% tấm cho nên thu hoạch số lượng thì nhiều nhưng chất lượng khó cạnh tranh được với gạo Thái Lan.

Người Nhật không ăn gạo tấm bao giờ, thường được xay bột làm bánh hay lương thực cho gia súc công nghiệp. Yamada đưa ra một bài tính khá thông thạo, rằng cứ giảm 5% tấm trên một tấn và với sản lượng 1 triệu tấn/năm thì có thể xây được 2 dàn xi lô (5 x 2 cụm) để bảo quản. Và nếu áp dụng kỹ thuật xay tốt hơn thì cứ giảm được 3% trên một triệu tấn thì mua được 20 bộ máy xay loại 500 tấn / ngày. Tôi khá ngạc nhiên hỏi hắn:

– Sao mày rành rẽ vậy ?

– Thì ông già tao là chuyên gia cho JICA (Cơ quan Viện trợ Chính phủ), một đời tao thấy ông đi khắp các nước nông nghiệp rồi nói lại trong những bữa cơm như thế, than là việc xay xát, bảo quản lúa gạo ở nước mày còn lãng phí rất nhiều. Ông nói Việt Nam phải sớm hiện đại hóa nông nghiệp, không chỉ trang bị máy kéo, máy cày, nên ưu tiên đi vào công nghiệp chế biến nông sản và giảm bớt sử dụng phân bón, hóa chất độc hại. Bao nhiêu đấy cũng đủ giàu rồi, có sức nuôi cả khu vực Châu Á. Chưa nói đến việc lai giống, cải tạo giống tốt đồng đều hơn.


phoilua

Cảnh phơi lúa ở Đồng bằng


Hèn chi mà Yamada rất thích xuống xe xin từng nắm lúa ngắm nghía trên đường đi. Đến Sóc Trăng chúng tôi thấy một nhà máy xay xát khá lớn, Yamada nhìn xa xăm rồi lắc đầu:

– Ở đây phương tiện đi lại, cơ sở hạ tầng chưa đủ, giống lúa phức tạp thì xây nhà máy lớn chỉ có "chết" thôi. Nếu lớn thì phải lớn đều trong công nghiệp, sự phát triển đồng bộ rất cần, không thể xây lớn khi chưa có hệ thống bảo quản từ vùng nguyên liệu đến nơi xuất khẩu thật cân xứng với nhau. Chưa nói đến ghe "xi lô" kiểu này thì làm sao đủ cho nhà máy "ăn hàng".

Thấy tôi không thích thú, chẳng bàn bạc gì được, hắn đâm chán. Thầm nghĩ điều hắn nói nghe ra cũng có lý nhưng thôi, biết sao mà góp thêm. Những ngôi đền lạ mắt khiến Yamada ngạc nhiên, hắn thốt lên:

– Ủa, ở đây cũng có người Chăm nữa kia à ?

– Người dân tộc Chăm đến ở đây đã lâu lắm rồi.

– Thế mà tao cứ tưởng chỉ khi ra Nha Trang mới gặp.

– Nhất định và ở đấy mày sẽ gặp cả tháp Chăm mà mày chưa thấy bao giờ nữa.

chuadoi

chùa dơi (Sóc Trăng)

Buổi trưa hè ở đồng bằng chói chan, chúng tôi chọn một ngôi đền Chăm để ngơi nghỉ với bữa cơm gọn nhẹ được chuẩn bị sẵn ở khách sạn. Xong xuôi, tôi tìm bóng mát ở chân đền còn Yamada thẫn thờ đi lần theo chiếc tháp nhỏ ngay giữa sân, có lẽ hắn đang thắc mắc tại sao người Chăm lại có ở đây, cùng sống chung thuận hòa với dân tộc Khơ me và dân tộc Việt tại đồng bằng phương Nam. Tôi đoán thế và quên hết khi chìm vào giấc ngủ trưa "dã chiến" thật êm ả trong tiếng ve kêu vang từ hàng phượng vĩ cuối sân.

 

Hồng Lê Thọ (Tokyo)


(*) Người Nhật có thói quen xin "bùa Hộ thân" ở đền chùa trước khi đi xa.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss