SAIGON TRONG MẮT BẠN TÔI
Bút kí mùa hè 99 : Phần 2
SAIGON
TRONG MẮT BẠN TÔI
Hồng Lê Thọ
Nhà thờ Đức Bà TPHCM
Lần đầu tiên Yamada được tận hưởng hương vị đặc sản của người Huế ở đất Saigon, tấm tắc khen mùi tôm chấy trên những chiếc bánh bèo có mỡ hành phi thơm phưng phức, hít hà với cái cay xé lưỡi của quả ớt xanh, lần lượt đến món bánh ướt, bánh nậm; mỗi lần sang một thức ăn mới dọn lên là hắn trầm trồ, chẳng hề ngần ngại "xin thêm một đĩa " ...Buổi cơm trưa hôm ấy kết thúc bằng một tô bún bò giò heo mà như lời Yamada "thật tuyệt vời" không chỉ vì miếng giò được hầm thế nào đó mà vừa dòn lại vừa tan nhanh ngọt lịm... cái mùi của sả, của mắm ruốc dịu ngọt, nồng nàn trong khói bốc lên ! Ở Tokyo, Yamada – cũng như nhiều người Nhật khác – thường ăn trưa qua quít bằng một tô mì Tàu hay mì sợi soba pha trong nước cá thu có đến hàng chục kiểu chế biến khác nhau, nhưng nhìn mồ hôi lấm tấm trên trán, cách "bê" nguyên tô bún bò húp nước lèo "sùm sụp" mới rõ hẳn là ngon thật như hắn nói:
Tô Bún bò chính hiệu
– Ở đây, món ăn nào tao thấy cũng có rau, hành, ngò đủ loại. Bắp chuối, rau muống cắt thành sợi có hương vị thật lạ, hài hòa và làm cho thức ăn nhẹ nhàng, đầy đủ hương vị tươi mát.
– Mày thấy đấy, có thêm rau vào, thức ăn vừa ngon lại vừa đỡ ngán vì dầu, mỡ, trong thức ăn của người Việt Nam bao giờ cũng có đủ loại rau, có món còn ăn thêm với rau dấp cá, khế chua, trái vả hay chuối xanh xắt nhỏ, đặc biệt là khi ăn các món phở bún mắm hay bánh khoái khi cửa hàng vừa đem ra đây nầy.
Bên ngoài, cơn mưa áp thấp nhiệt đới đang tuôn xối xả, tiếng sét đánh ầm ầm, chớp giật như xé trời. Hai đứa lẳng lặng nhìn nhau, chờ dứt hạt bên ấm trà sen của bà chủ quán. Hơn 4 năm sống cùng cư xá, sau này ra trường mỗi đứa một nơi, chúng tôi cũng đã thay đổi khá nhiều. Bươn chải ở xứ người hơn nửa đời riết cũng chán, tôi lặn lội tìm về quê hương kiếm cách làm ăn; còn Yamada từ một chuyên gia dần dà cũng leo lên được chức giám đốc một phân viện nghiên cứu, cuộc sống làm "học giả" như hắn có vẻ nhàn rỗi và bình yên hơn. Chiếc xe taxi đưa chúng tôi trở lại khách sạn, đường phố ngập nước, nhìn những người hổn hển, ì ạch đẩy Honda bì bõm trên đường thật vất vả Yamada như chẳng hiểu:
– Tại sao vậy, xe họ bị hư vì mưa à ? hắn thắc mắc.
– Đúng rồi, mày không thấy nước trên đường ngập hơn nửa bánh xe sao ? Do cống bị nghẽn thoát không được.
Giòng sông uốn quanh
Thành phố trong lành, dễ thở hơn sau cơn mưa , mọi người ồ ạt tuôn ra từ những mái nhà, hè phố sinh hoạt trở nên náo động thật vui, đây đó còn rơi vãi những nhánh cây khô đã bị cơn giông bẻ gãy, nếu chẳng may mà rơi trúng ai đó đi ngang qua thì có thể gây "chết người" như chơi. Chiều hôm ấy Yamada tỏ ý muốn một mình đi chợ Bến Thành theo bản đồ chỉ dẫn – có lẽ sợ gây phiền hà cho tôi – để ngắm nghía Saigon cho thỏa thê như lời hắn nói, hẹn 7 giờ tối gặp nhau.
Đêm thứ bảy của Saigon thật rộn rã, ánh đèn màu khắp thành phố đã bật lên nhấp nháy trên những tòa nhà cao tầng mới xây trông rất đẹp mắt. Vừa thấy tôi, Yamada kể ngay:
– Tao đi vào chợ một mình, mua được mấy xấp vải may áo dài, họ hẹn chiều mai ghé lấy. Mấy bà bán ở chợ tử tế lắm, họ chọn cho tao vải "silk" (lụa) màu trắng, màu xanh, và màu đỏ cho bà xã và hai đứa con gái.
Nghe thế tôi đâm lo, đang thắc mắc "ni tấc" của ba người này đo thế nào mà may được ngay thì Yamada như đã hiểu ý, rút ra một tập giấy ghi sẵn ba số đo, chiều cao của từng người rồi nói:
– Tao đưa ni cho họ và họ nói là "Ok" "Ok", còn nói là nhất định sẽ vừa ý. Khi nào đi ăn cưới em họ Kazuko tụi tao sẽ mặc cho bà con ngạc nhiên. Bên Nhật đang có "mốt" mặc áo dài đấy !
– Thế thì giá bao nhiêu một cái?
– Cả quần, công may chi chi là 300 đô một cái !
Nghe xong tôi mỉm cười và miễn bình luận gì thêm, chỉ mong sao Yamada bằng lòng là được vì biết rằng giá của nhà may Sĩ Hoàng nổi tiếng nhất Sài Gòn này "xịn" lắm cũng chỉ đến 1 triệu, còn rẻ thì khoảng chừng 200.000 đồng là đã có vải tốt. Đưa Yamada sang khu phố "nhậu" ở đường Thi Sách, thiên hạ ngồi cả trên lề đường ai nấy trông thật vui vẻ, chai lọ để dưới chân bàn ngổn ngang. Nếu không khí nhậu nhẹt ở Tokyo êm ả nhẹ nhàng ở những nơi sang trọng thì ở khu "nhậu" bình dân ở nước nào cũng thế, ồn ào mạnh ai nấy nói rất rôm rả.
Xe đẩy thành quán nhậu bên vỉa hè ở TPHCM
Tôm sú hấp bia, cua rang me, cá bống chiên xù đã làm Yamada say mê đến tận óc, món nào lên bàn là sau đó bát đĩa sạch trơn, hắn cũng "sướng theo" cái không khí náo nhiệt, nói năng thật hả hê :
– Hồi trưa mày cho tao ăn đồ Huế trông thanh tao, ngon "kiểu cách" còn bây giờ thì ngon "đã miệng" no kềnh ra đây này. Thức ăn ở đây tôm rất tươi, thịt cua ngọt lịm chứ không "nhàn nhạt" như cua biển hay tôm đông lạnh ở Tokyo.
– Chưa đâu, mai mốt trên đường đi Hội An, tao sẽ cho mày ăn tôm hùm ở Nha Trang, lúc đó có lẽ mày sẽ "ú ớ" luôn đấy.
Chen chúc giờ tan sở ở TPHCM "ngày xưa” trước khi có lệnh đội mũ bảo hiểm
Đường trở về khách sạn khá chật vật, các đoàn xe "đua tốc độ" bắt đầu xuất hiện, từng nhóm 5 - 10 xe, có khi thành từng đoàn nườm nượp rú ga hết cỡ, lạng lách tưng bừng, hầu hết là chở hai, chở ba, trai gái lẫn lộn. Tất cả đều còn rất trẻ. Bên lề đường nhiều thanh niên gát xe theo từng dãy hay theo nhóm, trông như ngồi hóng mát xem cảnh... Rồi một lúc sau bất ngờ "hè" nhau lao xuống bất kể.
Một pha biểu diễn
Thỉnh thoảng một chiếc xe com-măng-ca của cảnh sát giao thông mở còi hụ lướt qua. Yamada khiếp sợ, nép mình vào gốc cây me như mong được che chở, hắn khều nhẹ tay tôi:
– Ở Yokohama là nơi nổi tiếng đua xe, tụi nó lôi nhau ra xa lộ rồi chơi với nhau bằng loại phân khối lớn, có khi nhóm này gây hấn nhóm kia đánh nhau dữ tợn lắm đấy. Cảnh sát cũng đầu hàng luôn nhưng ở đây thì rất ít thấy xe lớn, loại 100 phân khối là nhiều. Đáng sợ thật vì tụi này đua ngay trên đường phố như thế thì gây ra tai nạn dễ lắm, nhất là người đi lại bình thường sẽ bị "vạ lây".
– Xảy ra luôn, tụi này đua xe luôn tới 2 - 3 giờ sáng mới chịu tan, có đám hút xì ke "phê" lên rồi thì vô cùng liều lĩnh, gây tai nạn chết người.
Face mask on parade
Tiếng ồn và khói bụi làm chúng tôi quá đinh óc, nhức đầu, không ai bảo ai lặng lẽ rủ nhau rời bước để tránh xa. Bên lề đường Hai Bà Trưng thỉnh thoảng vang lên lời mời gọi bâng quơ "Hai anh đi đâu đấy". Chốn phồn hoa đô hội này khá phức tạp về đêm, cuộc sống thật hối hả. Yamada chưa muốn đi ngủ, hắn vẫn còn muốn được chiêm ngưỡng cái đẹp của Sài Gòn. Tôi kéo Yamada thả bộ ra bờ sông, tàu viễn dương đậu san sát sau lưng Bến Nhà Rồng, những chiếc cần cẩu vẫn chăm chỉ bốc hàng, đưa lên cao rồi hạ xuống. Trên bến cảng sáng rực không khí dễ chịu hơn, những cơn gió mát từ xa lùa vào thật thoải mái. Yamada như tỉnh lại :
– Saigon có điều kiện rất thuận lợi, gần cảng, gần sân bay. Con người Saigon đầy sức sống, tao nghĩ đất nước mày nhất định phát triển nhanh lắm, mới có mấy năm mà như thế này thì khoảng cách giữa Việt Nam với các nước Asean sẽ rút lại không lâu. Nếu tất cả những "năng lượng" (energy) của bọn trẻ tối nay mà dồn vào sản xuất, phát triển khoa học kỹ thuật trong kỷ luật và trật tự thì hay biết bao.
Sài Gòn của tôi trong mắt Yamada thật tràn trề hy vọng, đang còn tiếp tục chuyển mình trong cuộc chạy đua vào thế kỷ 21, có lẽ Yamada nói đúng vấn đề "kỷ luật" và "trật tự" rất cần, cần ngay trong nếp sinh hoạt của một thành phố năng động khi đi vào công nghiệp hóa.
Chia tay dưới một bầu trời đầy sao, không nói gì thêm nhưng hình như cả hai đều chia sẻ ý kiến của nhau. Ngày mai tôi sẽ đưa Yamada về thăm đồng bằng Sông Cửu Long, nơi mà hắn cho rằng "là vựa lúa cho cả khu vực Châu Á trong những năm 2000".
Đường phố đêm cuối tuần
Hồng Lê Thọ (Tokyo)
Các thao tác trên Tài liệu