Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Các bạn Việt kiều tại trường Đại học Orsay…

Các bạn Việt kiều tại trường Đại học Orsay…

- Lê Học Lãnh Vân — published 28/09/2023 16:05, cập nhật lần cuối 28/09/2023 22:55
Tưởng niệm anh Nghiêm Xuân Hải

Các bạn Việt kiều tại trường Đại học Orsay…


 Lê Học Lãnh Vân


Bên Pháp Vương có nhiều bạn thân giúp đỡ. Không ít người trong đó thuộc thế hệ đàn anh, có anh lớn hơn mười, mười lăm tuổi. Trước ngày Vương rời Việt Nam, thầy Nguyễn Thanh Khuyến ở khoa Hóa, Đại Học Khoa Học, và cô Phạm Thị An, phu nhân ông, cũng là bạn học thân thiết của chị Hai, dặn Vương qua Pháp tìm gặp anh Nguyễn Thới Lai, “bạn rất thân của tụi này, mỗi lần về Việt Nam đều có ghé”.

Cần gì tìm, vừa tới Pháp anh em bạn cũ tại Việt Nam đã biết. Ngày đầu tiên vào phòng thí nghiệm, nhận việc xong, giờ dùng cơm trưa tại căng-tin Vương thấy năm sáu người đợi sẵn. Có Bùi Thọ Thanh, Hồ Thọ từ Sài Gòn với vài người chưa quen từ trường đại học Cần Thơ. Một anh tướng thấp đậm, tóc húi cua, mặt rất vui, hỏi thằng Vương đây hả? Mầy làm gì mà thằng cha Khuyến với bà An thương mầy dữ vậy? Lòng Vương dâng xúc động cám ơn tình của thầy Khuyến – cô An.

Anh tướng đậm đó chính là anh Lai, về sau Vương mới biết là bạn cùng khóa cao học với thầy Khuyến. Đó là khóa cao học đầu tiên của khoa Hóa do thầy Lê Văn Thới tổ chức, có bảy người theo học. Tính xởi lởi, anh Lai thân với Vương ngay, một cách rất tự nhiên. Anh lớn hơn Vương trên hai chục tuổi!

Anh Lai dặn, thằng Vương mầy đừng làm việc quá, phải có thể thao. Biết chơi tơ-nít không, mai đi tơ-nít với tui. Mới chân ướt chân ráo qua, tiện tặn từng quan, tiền đâu mua vợt, Vương thầm nghĩ. Biết ý, vốn cũng là người tiện tặn, ảnh nói nhà tui còn mấy cây vợt cũ, cho thằng Vương hai cây.

- Một cây đủ rồi anh!

- Thằng Vương không biết, đánh có lúc thuận cây vợt này, lúc thuận cây kia. Phải có hai cây đổi nhau! Đừng ngại, vợt tui không xài là vợt gần bỏ rồi!

Ra sân tơ-nít mới biết mình chỉ mèo quào. Mấy ảnh chơi vụt vụt, vù vù.

- Thôi, thằng Vân ở ngoài lượm banh. Rảnh chạy vòng quanh sân cho ấm, cho khỏe, rồi vô kia uống cà phê!

- Vậy chút đánh cặp cho em một bên với anh?

- Thôi đi ông nội, ông đứng với tui, tụi nó đánh về phía ông tui thua thấy bà!

Nói vậy chứ một tuần anh Lai ra sân tập riêng cho Vương khoảng một hai tiếng đồng hồ.

Một anh da ngăm đen, tướng bặm trợn, chạy tới hỏi thằng Vân mà Lai nói đây hả? Giời ơi, ốm vậy? phải mập lên mới đủ sức chịu lạnh. Tui có một chồng hộp gan béo ngoài xe, chốc lấy về mà ăn!

Ông bạn bặm trợn đó tên Nghiêm Xuân Hải, một người Vương sẽ giao thiệp gắn bó nhiều trong thời gian bên Pháp, và để nhiều dấu ấn trong Vương. Một lúc sau anh Lai về trước, anh Hải giữ Vương lại, đưa về tận nơi ở và nhất định bắt phải lấy chồng hộp gan béo.

Trên xe anh nói mấy bạn Việt Nam mới qua dễ thương, mà rụt rè quá! Rụt rè khiến mình co lại, mất cơ hội. Tây cũng không thích rụt rè. Người tốt không nói, có những người thấy mình rụt rè lại lấn tới, giành phần mình, ăn hiếp mình.

Một tuần đầu tiên tới Pháp, Vương học hỏi nhiều.

Khoảng hơn tháng sau, giờ cơm trưa tại căng-tin, anh Hải tới bàn vỗ vai, chiều thứ bảy ghé nhà tớ ăn phở, có đủ anh em. Tàn cơm trưa, anh Lai ghé phòng thí nghiệm gặp Vương uống tách cà-phê và kể nhiều chuyện về cuộc sống bên Pháp, về trường Orsay, về giới người Việt.

- Thằng Hải là dân ở đây lâu đời, như thổ địa rồi. Nó qua sớm, ngóc ngách nào cũng biết, bươn chải đủ mọi nghề. Chiều nay nó rủ tới nhà ăn phở, cũng là một nghề của nó, hồi đi học nó nấu phở bán tiệm. Tên nó là Nghiêm Xuân Hải, ông già nó là Nghiêm Xuân Việt. Thằng Vương mầy chắc biết mấy ông Nghiêm Xuân?

Vương giật mình. Gia tộc Nghiêm Xuân nổi tiếng đại gia khoa bảng, không kể các người nổi tiếng xa xôi, Nghiêm Xuân Quỳnh là giáo sư trường Dược, thầy của chị Ba!

- Còn nữa, Hải là con rể ông Hoàng Xuân Hãn! Nhà nó danh giá, nó qua đây sớm, mình qua sau mà nó chịu chơi với mình là nó tốt, nó bình dân, nó chơi với mình là mình cám ơn nó rồi. Có chuyện gì cần thằng Vương có thể nhờ cậy nó.

Trong khi anh Lai dặn dò vậy thì suy nghĩ của Vương đang chạy theo một hướng khác. Tin anh Hải là con rể học giả Hoàng Xuân Hãn thật hấp dẫn! Từ khi còn rất nhỏ, Vương đã nghe ông bà Trọng kể về ông Hoàng Xuân Hãn với rất nhiều quí trọng. Quí vì tính cách sống, quí vì tài năng, quí vì tấm lòng và sự tận tụy với đất nước. Vương đã tính khi sang Pháp sẽ tìm cách gặp ông.

Trong vòng hai tháng đầu tiên tại trường Orsay, Vương gặp nhiều người Việt tại đó.

Có người đã ở Pháp từ trước năm 1975 như anh Cương, chuyên nghiên cứu về Lý Sinh, nghĩa là nghiên cứu sinh học từ khía cạnh Vật Lý. Anh đang nghiên cứu hoạt động của bắp thịt, cụ thể là hiện tượng lý sinh của các bước chạy. Chị Kim, phòng Hóa Hữu Cơ. Chị Phương Anh, phòng Động Vật, chị Phương Anh từng dạy Vương tại trường Khoa Học trước năm 1975. Chị Điền, phòng Sinh Hóa, anh chị Long – Mai, phòng kỹ thuật in ấn… Có người không làm trong trường nhưng ở gần như anh Nguyễn Đăng Hoàng, kỹ sư, em của giáo sư bệnh lý học thực vật Nguyễn Đăng Long trường Nông Lâm Súc Sài Gòn, anh Nguyễn Văn Công, kỹ sư CNAM, anh Nguyễn Thành Long, kỹ sư cầu đường, anh Trương Công Nhã…

Có nhiều bạn Việt mới sang Pháp một vài năm, đang làm luận án. Bùi Thọ Thanh, Hồ Thọ, Nguyễn Thị Hạnh, Huỳnh Thu Hòa, Nguyễn Thị Kính, Thắng, Lộc, Nguyên… Nhiều bạn thuộc gia đình tập kết hoặc nằm vùng, có bạn tới năm 1975 mới biết cha mình còn sống, trở về từ vị trí cao cấp trong rừng hay Miền Bắc… cũng vài người xuất thân không dính dáng gì tới cách mạng.  

Tất cả họp thành một nhóm gắn bó nhau. Cuối tuần thường tổ chức các buổi ăn chung, nghiêm trang một chút là tại nhà anh Nghiêm Xuân Hải, nghiêm trang bởi vì có mặt ông bà Hoàng Xuân Hãn khiến anh em tề chỉnh hơn, bổ bã một chút là tại nhà anh Cương. Chủ đề gặp gỡ thường là chuyện khoa học, đời sống, thể thao, phim ảnh, xã hội Pháp, và một đề tài không bao giờ vắng: thời sự chính trị và tương lai phát triển của Việt Nam. Trong thời gian hai tuần tổ chức giải tơ-nít Roland-Garros, thỉnh thoảng Vương rủ Huỳnh Thu Hòa ghé nhà anh Cương, ba anh em vừa ăn xúc-xích, uống rượu vang, vừa xem và bình luận… Anh Cương có lẽ là người chơi tơ-nít cứng tay nhất trong số Việt kiều tại Orsay.

Mười năm sau, khi đã rời Pháp, Vương mới biết khoảng thời gian mười năm đó, từ năm 1985 tới năm 1995, là khoảng thời gian các Việt Kiều cũ qua Pháp trước năm 1975 gần gũi với nhóm du học sinh, thực tập sinh mới qua sau năm 1975. Đó là khoảng thời gian vàng khi người Việt còn rung động ngất ngây bởi cuộc thống nhất Tổ Quốc và sau đó bàng hoàng đau khổ vì đất nước bị đẩy lùi vào chậm tiến và thảm nạn thuyền nhân rúng động thế giới. Lứa người Việt sang Pháp lúc đó nhận được sự thông cảm và giúp đỡ của các Việt kiều còn rất gắn bó với quê hương.


Lê Học Lãnh Vân

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss