Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Cách mẹ nó cái ly

Cách mẹ nó cái ly

- Nguyễn Xuân Thọ — published 02/05/2021 15:45, cập nhật lần cuối 09/05/2021 11:44
Bút ký những ngày cách lý cuối năm 2020



Cách mẹ nó cái ly


Nguyễn Xuân Thọ



AQ của Lỗ Tấn đi thành phố về, kể với dân làng : Ở ngoài đó người ta đang
« cách mẹ nó cái mạng ». Tiều phu xin kể về vụ hắn bị « cách mẹ nó cái ly »
ở Hòn ngọc Viễn Đông Sài Gòn.



Vì việc nhà và việc đời tiều phu phải về Việt Nam. Dù đã bám rễ 30 năm ở nước ngoài, mang quốc tịch Đức thì vẫn có những việc người ta chỉ có thể giải quyết ở Việt Nam. Chôn rau cắt rốn là vậy.

Nhưng trong thời buổi Covid về quê khó như lên mặt trăng.

Ở hiền gặp lành, nhiều bạn bè đã nhảy vào giúp hắn trong tất cả mọi khâu. Tổng cộng phải mất hơn hai tháng, qua rất nhiều khâu. Nhưng căng thẳng nhất là những ngày cuối cùng để kiếm được vé máy bay.

Người Việt định cư ở nước ngoài, dù hộ chiếu gì, thì kể từ khi có Covid 19 muốn về VN đều phải có thị thực (visa). Khó thế nào xin miễn bàn. Khi đã có visa thì có hai cách về. Nếu có hộ chiếu Việt Nam thì có thể chạy để đi các chuyển giải cứu của Vietnam Airlines. Lúc nào có chuyến, bao nhiêu chỗ thì là cả một bí mật.

Nếu không may mang hộ chiếu ngoại thì việc đăng ký đi các chuyến giải cứu còn khó hơn nữa. Có anh bạn hứa sẽ nhét tiều phu vào chuyến giải cứu 17.12 từ Frankfurt về Hà Nội. Nhưng thấy lâu quá nên hắn quyết mua vé đi chuyến bay thương mại.

Lên mạng thấy Turkish Airlines, Singapore Airlines hay Korean Air vẫn có chuyến bay chuyển tiếp từ Đức về Việt Nam, tưởng bở là có thể click vài phát là mua được vé. Nhưng hỏi một vài chuyên gia thì mới biết rằng việc mua online sẽ dừng lại sau vài click. Hãng hàng không nào cũng sẽ đòi hỏi một lô các giấy tờ cấp từ Việt Nam.

Muốn có vé chuyến bay thương mại chỉ có cách mua qua dịch vụ từ Việt Nam thì mới lo nổi các loại giấy tờ: Chứng nhận của sở y tế, biên lai thuê khách sạn, đăng ký xe cách ly đón ở sân bay, thông báo cho cảng hàng không…. May quá có em gái làm nghề du lịch đứng ra giúp. Phía hành khách phải cung cấp visa và giấy chứng nhận test âm tính một ngày trước khi mua vé. Vì sự đồng bộ đó mà các chuyến bay từ 3 đến 8.12 đều không kịp. Có giấy này thì thiếu giấy kia. Cuối cùng đến phút chót vớ được vé ngày 9.12 bay qua Singapore.

Sáng 9.12 vợ chồng cậu con cả chở ba đi Frankfurt. Cậu cả sợ ba đi tầu hỏa bị dính Covid.

Sân bay Frankfurt vắng tanh. Mọi người đều đeo khẩu trang nhưng không ai mặc quần áo cách ly che kín người. Cô con dâu cứ nhắc đi nhắc lại: Vào trong kia ba phải mặc bộ đồ 3M nhé!

Vắng khách, khám xét hộ chiếu và an ninh rất nhanh. Vào bên trong, vẫn thấy dân chúng ăn mặc bình thường nên tiều phu không dám mặc bộ đồ Nịnja của con dâu mua cho. Chặc lưỡi: Phải hòa mình với quần chúng chứ!

Có cậu bạn nhờ mua hộ mấy hộp xì gà Havanna mà tìm mãi mới thấy. Cả khu Terminal 1 chỉ có một duty free shop mở cửa, mà cũng chỉ còn 4 hộp. Cô bán hàng bảo là không trữ hàng nhiều vì sợ ế.

Chiếc A350 của Singapore Airlines với hơn 300 ghế chỉ chở 20 khách. Vì thế nên vé nào cũng như hạng thương gia cả. Nằm thoải mái, ăn uống thoải mái.

Tiều phu có tật đánh giá hãng hàng không qua các tiếp viên nữ. Có lẽ các cô Ả rập là đẹp nhất, lại vừa vui vẻ, chịu tán. Các cô tây thì cũng đẹp nhưng ít biết tếu. Các cô Sing rất vui vẻ, hay chuyện nhưng không xinh bằng các cô Việt Nam. Kiểu trang phục thì áo dài ta hơn hẳn bộ váy nửa Thái nửa Hoa của Sing.

- Có 20 khách mà sao lại phải 10 tiếp viên? Hắn hỏi một cô Sing.

- Máy bay có 8 cửa thoát hiểm. Khi có sự cố mỗi người phải đứng một cửa. Còn hai người kia đã có những nhiệm vụ khác theo đúng phương án.

- Lạy chúa điều đó không xảy ra, nhưng nếu xảy ra cô đứng cửa nào cho biết, tôi sẽ thoát theo cô.

Cười như nắc nẻ, nhưng vướng khẩu trang nên không biết có lúm đồng tiền không.

Điều không thể chối cãi là tiếng Anh của người Sing hơn hẳn của người mình. Sợ nhất mỗi khi nghe anh phi công Vietnam Airlines nuốt hẳn chữ « n » khi gọi tên hãng mình là Vietnam Air-lies, tưởng là « Hãng nói dối trăng gió » i

Đến sân bay Changi, ai vào Singapore được ra trước. Ai đi nước khác ra sau. Bước ra khỏi máy bay đã thấy toàn bộ nhân viên sân bay mặc quần áo Ninja màu xanh che kín mặt, khác hẳn bên Đức. Chẳng trách báo Đức cứ viết là học châu Á. Học từ đây chứ đâu.

Khách quá cảnh bị đeo ngay một dải băng xanh vào tay và được dẫn về một phòng chờ. Ai cũng có tên sẵn trong một bản danh sách quá cảnh. Một cô Ninja đánh dấu nhân vào chỗ tên Thọ.

Sân bay cũng vắng tanh. Không có duty free shop nào mở cửa để mua thêm xì gà Havanna cho cậu bạn.

Trong 20 người từ Đức về một số vào Singapore. Số còn lại quá cảnh đi Việt Nam, Úc hoặc Indonexia thì ngồi chờ trong một góc sân bay được khoanh lại tạm bợ bằng dây ny-lon. Sau 2 giờ lẻ tẻ có thêm một số khách đi Việt Nam được dẫn đến đây. Cuối cùng 17 người đi SGN được loa gọi xếp hàng. Lại đối chiếu danh sách tên từng người rồi leo lên chiếc Boeing 787. 300 chỗ lại dành cho 17 VIP.

Xuống đến Tân Sơn Nhất, các nhân viên mặc áo kín cả mặt, đề nghị ai chưa có « Landing Visa » đứng sang một bên.

Không có visa sao mua được vé về đến đây? Té ra Landing Visa là tờ khai kiểm dịch online mà tiều phu đã kịp khai, gửi qua mạng khi còn ngồi ở phòng chờ Frankfurt. Ai chưa có thì phải đi sang một bên, khai rõ tất cả các loại bệnh tật từng bị, quan hệ với ai, đi những đâu trong mấy mấy ngày qua, tới đây sẽ ở đâu, điện thoại, email v.v.

Tiều phu khai rồi nên được đến thẳng cửa kiểm dịch. Đã thấy cô Ninja khác đánh dấu nhân vào tên mình trên bản danh sách nhập cảnh. Đúng là VIP, đi đâu cũng có người đón sẵn.

Anh sỹ quan biên phòng cũng Ninja như ai. Anh chỉ quan tâm đến cái giấy cho phép nhập cảnh của A18. Có là đóng dấu cái bộp. Ông tây đứng trước hắn khoe một tập giấy có các loại dấu đỏ lòe. Anh biên phòng tìm mãi mới thấy cái công văn kia, lúc đó mới xem hộ chiếu rồi đóng dấu. Thực ra trong thời Covid này, không có visa nào ở nước ngoài được cấp mà không có cái công văn A18 nọ. Đúng là chắc ăn 200 %, không cho lọt.

Lấy hành lý rất nhanh vì chỉ có vài cái va ly đã chờ sẵn trong sảnh khách vắng tanh. Qua khâu soi hải quan là một hành lang nhỏ dẫn đến cửa sau. Chỉ cần nghe tên Thọ là đã có người xướng lên :

– Khách sạn IBIS Quận bảy, xe đâu ?

Anh tài xế, cũng kín mít, đứng lên đưa cho khách một bọc gồm áo quần cách ly, đôi tất bịt chân, đề nghị khách mặc vào. Anh bắt hắn đẩy cái va ly lên trước để xịt thuốc tẩy trùng rồi anh mới đẩy nó ra xe. Chiếc xe bus chạy đường dài 45 chỗ ngồi chỉ đón có 1 khách VIP.

Lên xe, anh ta chỉ tiều phu ngồi phía giữa xe trở về sau, rồi kéo một tấm nhựa trong che kín cabin lái xe. Hắn ngồi chưng hửng một mình. Hiểu rồi. Giờ mình là con virus bự đáng sợ.

Đường phố thời Covid xem ra có phần lắng hơn chút ít nhưng vẫn là nhịp sống rất Việt Nam. Sau 30 phút, xe bus dừng lại trước cửa khách sạn IBIS Saigon South ở đường Hoàng Văn Thái, khu Phú Mỹ Hưng. Tiều Phu chọn khách sạn này trong danh sách 6 cơ sở cách ly do thành phố chỉ định chỉ vì nó ngay gần nhà bà già.

Hắn định bước ra, anh tài nói : Chú chờ để con vào trình báo đã.

Rồi anh cầm tờ giấy của sân bay đi vào trong nói chuyện với tiếp tân một lúc. Từ hôm qua giờ đây là lần đầu tiên người ta không biết mình là VIP chắc ? Bụng hỏi dạ.

Lúc sau anh bước ra vui vẻ :

– Xong rồi, chú chờ xịt thuốc valy cho họ thấy cái đã rồi chú vào.

Bước lên bậc tam cấp đã thấy bảng chỉ báo « Khu cách ly Covid-19 » các kiểu. Không có người mở cửa như mọi khi. Đẩy cửa vào là một tiền sảnh trống trơn, không có các bộ xa-lông và những cái bàn có bình hoa.

Tiều phu đang xăm xăm đi đến quầy thì cô tiếp tân kín mít trong bộ đồ Ninja bước ra nói.

– Chú đứng đó để con đo thân nhiệt đã.

Cô đứng cách hắn gần 2m, chĩa máy đo hồng ngoại vào trán. Rồi cô yên tâm nói.

– Chú giơ tay cho con khử trùng.

Xịt khử trùng xong hắn mới được phép lấy hộ chiếu ra để đưa cô làm thủ tục “nhập trại”.

Khách sạn IBIS quận 7 là một tòa nhà cao 11 tầng, có 110 phòng được sử dụng cho chiến dịch cách ly Covid-19 của thành phố. Tiều phu cầm cái thẻ phòng 713 một mình đi thang máy lên tầng 7.

Trước cửa mỗi phòng là một cái ghế mà hàng ngày nhân viên để đồ ăn, đồ vệ sinh và chăn màn lên đó trong những túi ny-lon. Họ gõ cửa để báo khách tự ra nhận hàng rồi biến rất nhanh để đỡ tiếp xúc với khách.

Đồ ăn xong hay quần áo, khăn tắm cần thay khách lại đóng gói vào túi ny-lon để lên cái ghế. Người cách ly không được tiếp xúc với các phòng bên, phải đóng cửa ở trong phòng, chỉ được phép ra khỏi phòng khi có yêu cầu. Tiều phu mang hộ một số giấy tờ quan trọng của bạn bè ở Đức gửi về cho gia đình cũng không được gửi ra ngoài. Mấy hộp xì gà mua cho bạn cũng chịu số phận cách ly.

Khi làm visa tiều phu đã cam kết tuân thủ mọi quy định phòng dịch nên hắn vui vẻ chấp hành. Sau ngày đầu tiên hắn thấy thèm nắng. Ở nhà, ngày nào hắn cũng tranh thủ tắm nắng để tránh bệnh loãng xương của tuổi U70. Ngày hôm sau, y tế đến để lấy mẫu thử Covid, hắn xin phép cho lên nóc nhà mỗi ngày 30 phút để tắm nắng.

– Không được ạ ! Có hàng trăm khách cách ly, ai cũng đi như vậy thì làm sao quản nổi. Ở đây có camera đấy, chú đừng đi nhé!

Căn phòng rộng hơn 10m² có một giường đôi, một phòng tắm, toilet. Nội thất tương đương với chất lượng của khách sạn quốc tế 3 sao. Một cái tủ lạnh nhỏ, một máy nấu nước sôi 1 lit để pha trà, cà phê. Cà phê, trà, snack và mỳ gói miễn phí để trên bàn, hết thì khách sạn lại mang lên. Nói chung so với quốc tế thì giá 100 USD/ngày là ổn.

Sau một ngày, chế độ ăn theo kiểu cơm tây bỗng trở thành vấn đề. Khách sạn có sẵn một thực đơn cố định cho 2 tuần. Ngày ba bữa, bữa nào cũng đầy calorie. Đọc không đã thấy béo ngậy. Cơm mang lên trong các hộp nhựa giống như đồ ăn trên máy bay, trông ngon mắt và lẽ ra phải ngon miệng.

Vốn là thợ, lao động chân tay suốt ngày, nay không làm gì chỉ đi lại trong vài mét vuông khiến cái bụng của thằng bổ củi không chịu tiếp nhận thức ăn, lúc nào cũng đầy. Hắn thấy phí thức ăn nên gọi điện thoại bảo tiếp tân cắt cơm. Đồ đã mang lên cho « nghi can virus » thì dù không động đến, khi mang xuống cũng chỉ đổ đi, lãng phí quá.

Vậy mà có lúc cắt cơm rồi vẫn nghe gõ cửa. Hắn chạy ra bảo các cháu mang về dùm. Ngược lại có hôm chờ cơm lại không thấy. May mà có mỳ ăn liền ngay trong phòng. Có thể là các bạn trẻ không quen « lệnh mồm ». Phải tìm cách gửi văn bản vậy. Khách sạn có chỉ dẫn liên hệ với nhà bếp và tiếp tân bằng Whatsapp, Viber v.v. Thế là « Cách mạng 4.0 » được ứng dụng vào việc cắt cơm và báo cơm.

Đầu kia là những bạn trẻ rất vui vẻ, chiều khách. Thấy thế tiều phu lấn dần từng bước. Lúc đầu yêu cầu cho ăn sáng không có thịt, chỉ cần bánh mỳ bơ và hoa quả. Rồi hắn đòi bữa trưa ăn đồ Việt, bớt thịt, thêm rau v.v. Mọi yêu cầu đều được đáp ứng. Giờ thì hắn là VIP thực sự. Bữa nào trong chiếc xe mang đồ ăn cũng có một túi ny-lon ghi số phòng 713 nổi bật trong đống túi nhựa vô danh!

Mỗi lần về Việt Nam hắn đều mất ngủ, cả tuần sau mới quen. Nhưng lần này là một thử thách khác hẳn. Mỗi ngày ở Đức thằng đốn củi đi lại trong nhà, vào xưởng, lên văn phòng, ra vườn, chiều chạy thể thao tổng cộng gần 10km. Giờ ngồi trong căn phòng 10 m² là một cực hình. Thiếu ngủ, thêm cả thiếu vận động, lại thiếu mặt trời, thằng kiếm củi bị mất mảnh đất dưới chân. Người cứ lơ mơ, rất khó tả.

Hắn đành phải tăng cường độ tập thể dục. Trước kia hít đất 100 lần/ngày, giờ lên 250. Các động tác ngồi bật, uốn bụng v.v. đều tăng lên gấp 2-3 lần trước kia. Vẫn không ăn thua. Thế là hắn nghĩ ra cách bưng cái bình nước lọc Lavie 20kg đi cả mấy chục vòng trong phòng. Khi đi phải nhón chân để thằng phòng dưới không chửi. Khốn nỗi cái bình cứ nhẹ dần, mỗi ngày mất đi 1 ký. Nước vòi thì khách sạn cảnh báo là không uống được nên không thể đổ thêm vào thùng Lavie để tăng trọng lượng. Hắn ôm bình nước vừa đi vừa kêu khổ.

Căn phòng có cửa sổ quay sang phía đông, đối diện với tòa nhà cao tầng đang xây dựng. Sau hai ngày đầu u ám bỗng ngày thứ ba có tia nắng chiếu chéo từ phia đông nam vào bàn làm việc. Thế là hắn dẹp cái máy tính đi, cới áo, mặc mỗi quần đùi, lên ngồi sát cửa sổ hưởng từng tia nắng hẹp. Hôm nào trời đẹp thì khoảng từ 8 đến 9 giờ sáng hắn cũng ngồi vài chục phút. Đám công nhân xây dựng bên kia đường chắc phải lấy làm lạ sao có lão già tóc bạc cứ trần trùng trục như chú cuội ngồi bên cửa sổ.

Là thợ cơ khí, đã từng tự lắp đặt toàn bộ nội thất căn nhà hắn ở nên hắn chăm chú ngắm đội công nhân xây dựng bên kia đường. Họ chăm chỉ như đàn ong. Cái nhà mỗi ngày kín lại thêm vài chỗ. Có điều họ làm tuần 7 ngày, ngày 18 giờ, như là không có luật lao động.

Tuy bị cách ly hắn cũng biết một số hàng xóm xung quanh. Hôm đi xét nghiệm Covid hắn thấy một cặp tây đang mở cửa. Hai vợ chồng cùng ở trong căn phòng bé tý như của hắn mà chịu đựng nhau hai tuần không cãi nhau thì quả là tài. Té ra lão chồng nghiện trò chơi điện tử, đang bấm máy. Kẻ quen ngồi ỳ như thế thì bao nhiêu cũng ăn hết, dù không vận động. Họ hạnh phúc hơn tiều phu.

Cách đó vài phòng chắc chắn là người Ấn Độ vì từ đó hay lọt ra các bản nhạc phim Bollywood. Loại nhạc mà trước khi chết cũng hát, y như lúc tỏ tình.

Phòng có cái TV Samsung. Chương trình ghi là HD nhưng nhiễu và không nét. Cái tiều phu cần nhất là bóng đá Đức thì lại không có. Cái màn hình 29“ chỉ có ích khi cần phải vẽ đồ họa, thiết kế mạch. Thỉnh thoảng hắn lại mang ra, nối vào laptop để thành 2 màn hình cho dễ làm việc.

Tưởng rắng hai tuần cách ly sẽ là thời gian tốt cho viết lách, hắn mang theo quyển Gia Đình và Trò chuyện với Thiên Thần của hai nhà văn thân thiết mới tặng để bình. Hắn cũng định viết nốt serie Đế quốc lụn bại liên quan đến cuộc bầu cử ở Mỹ. Nhưng lạ thật, mọi ý nghĩ đều bị block. Đầu óc mụ mị. Giở sách ra đọc không vào, phải đóng lại.

Hàng ngày sau giờ làm việc hắn vẫn chạy hay lao động chân tay. Lúc đó hình như cơ thể mới thoát ra các hoc-môn cần thiết để kích thích não. Trong lúc chạy trong rừng, nhiều ý nghĩ điên rồ phát sinh để buổi tối thành bài viết.

Giờ đây tất cả đều tê liệt. Không ngờ rằng nhàn cư cũng gây stress. Hồi làm ở VTV, hắn bị stress do các cuộc đấu đá mà đau dạ dày, phải nằm bệnh viện hai tháng. Giờ nằm khách sạn 3 sao, ngày ba bữa mà hắn bắt đầu ợ chua.

Hắn nhớ đến nhạc sỹ Vũ Lê Phú, biên tập nhạc đài Phát thanh Giải Phóng mà hắn vẫn đi theo khi mới về làm ở đài Tiếng nói Việt Nam năm 1971. Ông anh bồ bịch, gái gú khiến hắn phát khiếp. Anh bảo hắn :

– Sex là cách tốt nhất để tạo cảm hứng sáng tạo nghệ thuật !

Hắn nhìn anh nghi ngờ, vì chẳng thấy anh có tác phẩm nào tương xứng cả. Anh đoán ra, nói tiếp :

– Chính Tolstoy nói vậy đấy!

Chịu thua anh Phú ! (Xin lỗi anh, nếu đọc được bài này)

Trong bài Trại viết Suối Hoa, tay Nguyễn Quang Lập kể về vụ khai thác cái “mỏ L.” của trại sáng tác Hội nhà văn. Hàng năm hội tập trung các cây bút đến nơi cảnh đẹp, ăn uống no nê, lại thêm gái đẹp, để sáng tác. Thế đấy, tư tưởng, ý nghĩ của các văn hào, nghệ sỹ lớn đến từ cái dạ dày, từ cái trym 2.

Cảm hứng của mình đến từ đôi chân. Ngẫm mà ngán.

Internet đã giúp hắn thoát khỏi cảnh « biệt giam ». Hắn thường chat với người thân, bạn bè. Ngày nào cũng phải bi bô với cô cháu nội mới 11 tháng cho đỡ nhớ. Sợ nhất là mấy tháng nữa về nó không cho bế.

Hai hôm nay đất dần trở lại dưới chân tiều phu. Hắn ngồi viết những dòng này, nhưng chưa dám đụng đến các đề tài khác.

Nhìn xuống bên kia đường thấy dân vẫn ngồi nhậu. Hắn thèm được « tự do ». Chợt nghĩ nếu dòng người dưới kia bị nhiễm Covid, hắn bỗng rùng mình. Nền y tế « cái giường chia ba » của Việt Nam làm sao xử lý được hàng chục ngàn ca lây nhiễm một ngày ?

Người nghèo phải chơi kiểu người nghèo. Do vậy « thà cách ly nhầm hơn bỏ sót » có lẽ có lý ở đây. Hắn cảm thấy hơi được an ủi.

Nhưng hắn buồn vì hiểu ra rằng : Covid-19 là câu trả lời của thiên nhiên đối với lối sống tàn phá của loài người. Còn người ta vẫn chỉ biết đổ lỗi cho nhau.

Tân Phú, 23.12.2020

Nguyễn Xuân Thọ




NGUỒN :

Hai phần bài này (gộp chung) đã được đăng trên trang FB của tác giả :


https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/5132092883475410

https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/5140528115965220



 i Lies, đọc là lai-xờ = những lời nói dối. Ngay cả trên VTV cũng nhiều người đọc Vietnam Airlines là “Việt Nam-e-lai-xờ”, bỏ hẳn chữ “n”. Lẽ ra phải đọc là “Việt- Nam- e-lain-xơ”. Nói ngọng n với l thì ai cũng xấu hổ, nhưng nhầm lain với lai thì ai cũng hãnh diện.

 2 Blog Nguyễn Quang Lập : Trại viết Suối Hoa 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss