Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Cái chết của Rối

Cái chết của Rối

- Mai Ninh — published 20/12/2007 18:53, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Truyện ngắn


Cái Chết Của Rối

 

Mai Ninh

 

roi-1

– Rối, Rối ơi ! Dậy đi nào.

– Nằm mãi đây cũng đừng hòng có ai lượm xác đem chôn.

– Dậy đi ! Rối ơi.


Mỗi ngày, người quen đi ngang thỉnh thoảng động lòng, ngóng mắt qua mấy khung cửa toang hoác rồi cất tiếng gọi tôi. Đấy là những người còn chút thói quen tản bộ trên vỉa hè chật hẹp vào lúc chiều chập choạng tối, khi đèn màu từ khu siêu thị nhộn nhịp mua bán ăn chơi bên kia đường đã thắp lên rực rỡ, hơn cả sao sa. Ánh sáng từ phía ấy hắt sang, đổ bóng cây điệp vào bức tường nửa dưới sơn xanh, nửa trên sơn vàng có vẽ một logo điệu nghệ với khuôn mặt tôi nằm giữa. Bóng cây trước kia lơ thơ nay cành lá đủ rậm để che lấp mặt tôi. Mưa gió cũng đã nhiều nên người qua đây, nếu để tâm chắc mủi lòng trước hai vạch nước xám, ố lem nhem dưới tròng mắt tôi không chớp.

Nói về đèn đóm ban đêm, tôi nhớ kinh khiếp thời huy hoàng xưa, thời mà trên đầu mảnh tường vàng xanh ấy có giàn đèn sáng quắc. Chúng chiếu vào gương mặt tròn vừa cười vừa trợn của tôi cùng các tấm bích chương tươi thắm quảng cáo vở kịch rối mới ra. 2 giờ chiều gắt nắng, người ta đã xếp hàng mua vé. Nếu thiên hạ đợi đến 5 giờ, tan việc rồi mới tới là phải trả giá chợ đen. Thời đầu, chỉ một suất, sau quá đông khán giả ông bầu tăng thêm suất khuya. Thêm một buổi diễn nữa cũng dễ dàng cho ông ta thôi, chỉ cần trả phụ trội cho các anh thợ lo ánh sáng, âm thanh và cùng ông điều khiển mấy con rối chúng tôi, chẳng lích kích khó khăn gì như phải chu cấp một đoàn kịch người. Đấy là cho người làm công, chứ mấy con rối vai chính vai phụ này có bao giờ thấy được đồng lương. Người ta bảo chúng tôi không có nhu cầu, ngay cả nhu cầu được sống, nói chi chuyện được thông cảm, tôn trọng. ‘‘Bọn chúng ta không phải là người, không phải là người !’’. Mấy đồng nghiệp rối của tôi đã rên rỉ như thế khi ông bầu có lần quá bức xúc đã mắng xa xả vào mặt họ những lời dạy bảo quá lố. Nhưng nào ngờ, cũng từ một suất hát khuya đó mà tôi bị đẩy đến trạng thái này, nằm rục giữa những mảnh tường tăm tối.


Rối tôi sinh ra và bắt đầu sự nghiệp ngay tại thành phố phồn thịnh, dưới bàn tay uốn nắn, chuyển động vô cùng tinh nhạy của người đàn ông ấy. Ông bầu, không còn trẻ cũng chưa già, là cha đẻ ra tôi và các diễn viên khác trong gánh kịch. Nhờ tài năng, sự nhạy cảm và hiểu biết chẳng đến nỗi nhỏ nhoi của ông ta, chúng tôi không phải đóng những vai vẫn thấy trong các vở kịch rối bình dân thường dành cho con nít xem vào ngày hội. Chẳng hạn thầy đội xếp rượt bắt tên ăn trộm, bà già đánh ghen, hay các vở dựa theo chuyện cổ tích để làm vui đám khán giả trẻ em và bố mẹ chúng. Cũng nhờ thế, gánh chúng tôi mới trụ được giữa thành phố nhất nhì này và thu hút một số khán giả nhất định, cả những vị quan chức cũng nhiều lần đưa vợ con vào xem. Ông bầu làm việc ngày đêm, đảm đương đủ mọi công chuyện từ thuê mướn rạp hát, huấn luyện cho mấy anh phụ nghề giựt dây rối, thu âm giọng nói cùng nhạc đệm vào máy và chế tạo rối. Đấy là chưa kể, ông còn là soạn giả cho đa số các vở kịch. Tôi không biết con rối giữ vai chính trong đoàn trước ngày tôi ra đời ra sao. Nhưng từ buổi chiều tuyệt vời ấy, sau khi đã gắn những lọn tóc quăn xoắn lên đầu tôi, kéo cái cọ cho nhếch thêm tí mép ở cuối môi, rồi mắc tay chân đầu cổ tôi vào những sợi dây thì ông đã sững sờ, hoan hỉ chiêm ngưỡng đứa con của mình. Tuy vậy chưa hẳn ngay từ giây phút đó ông đã quyết định hạ bệ con rối chính để cho tôi đăng quang. Phải chờ đến cái đêm tôi đóng vai người đàn bà trước giờ bỏ đi đã ném thẳng vào tình nhân những lời kết tội, vạch trần cá tính nhàm nhạt của người tình và sự ngao ngán của mình trong cuộc sống chung hết sức vô vị. Ông bầu đã dạy tôi giọng nói lạnh lùng thản nhiên tàn nhẫn phải có của vai trò. Nhưng bất ngờ khi diễn, tôi sực nhớ lại buổi chiều mưa gió trước đấy không lâu, khi chính nguời đàn bà trong đời thật ông ta đã uể oải đứng lên, tay xách chiếc giỏ mây tay kia mở nhẹ cái cửa gỗ căn phòng của họ để ra đi. Lúc ấy, tôi nhìn ra sự dịu dàng trên cách tay gầy, trong lòng mắt xa xót của bà ấy. Thế là tôi đâm lẫn lộn kịch và đời, không thể điềm nhiên đóng vai một thiếu phụ bội bạc. Miệng bỗng bật ra những câu chia tay thương cảm, đầy ái ngại của một buộc lòng, không thể khác. Khán giả ngồi dưới điếng lặng, rồi họ sụt sùi. Tâm hồn mẫn cảm của họ được vuốt ve, họ hài lòng với một cái kết dẫu gì cũng chẳng đến nỗi quá bi thảm. Nhưng phải nói thêm, tôi biết ông ta mới là người chết sững hơn cả. Vì chưa hết lời, tôi đã cảm thấy mấy sợi dây nối vào các thanh tre để ông ta đích thân điều khiển thân thể tôi, đang chùng xuống. Như thể ông ấy bị xúc động quá độ, tay không còn sức giựt dây cho tôi mấp máy môi, gục gặc đầu. Nhưng sau đó, tỉnh ra thì ông ta nổi giận. Khi màn vừa kéo, khách xem kịch chưa ra khỏi rạp, ông bầu đã gầm lên mắng chửi :

– Ai cho phép mày nói khác những gì tao đã dậy. Một con rối không có tiếng nói riêng, không có tình cảm, mày hiểu chưa ? Đến phải khoá mồm mày lại !

Tôi muốn đáp : Không có cảm xúc làm sao diễn tuồng, dù là tuồng rối ? Nhưng nào dám, chỉ giương con mắt chẳng chớp được nữa, buồn bã ngó ông ta. Tôi có là gì ? Mấy manh gỗ ghép lại với nhau rồi được sơn phết, vẽ mắt vẽ mũi, bọc vải kết tóc. Ông ta có thể vất tôi vào đống rác bất cứ lúc nào, rồi chỉ cần ngồi lại một buổi là sẽ tạo ra được một con rối ngoan ngoãn khác. Nhưng có con rối nào hiểu được nỗi cô đơn hun hút trong lòng người đàn ông ấy, như tôi ! Và có lẽ hiểu ra thâm tình đó, hay do cái đau dồn nén từ lúc người đàn bà bỏ đi đã vỡ bờ nên chỉ giây phút sau, ông ta cầm lấy tôi trong hai bàn tay đầy cảm xúc, áp vào ngực. Đấy là lần đầu tiên tôi nghe được nhịp tim con người. Thổn thức, thổn thức. Đến diệu kỳ.


Sau cuộc cách mạng đột ngột ấy, tôi biết thân, không dám tự động phát ngôn gì nữa, ngoài những lời đối thoại ông ta đã soạn. Tôi sợ bị khoá miệng như đồng nghiệp của mình. Phải công nhận, tôi được may mắn và ưu đãi lắm. Ông bầu luôn thu trước lời nói của các vai rồi mở máy phát ra cùng với nhạc đệm trong suốt buổi diễn, chỉ trừ tôi là được phép phát âm trực tiếp, được đóng tất cả nhân vật chính trong các vở kịch. Chẳng những thế, bàn tay ông chăm chút trang điểm tôi kỹ càng, khi biến tôi thành một tên cướp tàn bạo, khi thành nàng công chúa bạc phận. Nhiều lúc tôi cũng ngậm ngùi khi thấy mình không thuộc giới tính nào cả, hoàn toàn lệ thuộc vào người đàn ông ấy. Tuy vậy có tủi thân tủi phận chỉ thỉnh thoảng thôi, thực ra tôi cũng thích sự biến đổi ngoạn mục và đời sống linh hoạt trong các vai trò khác biệt. Khán giả cứ làm đuôi xếp hàng mua vé, người xem cứ nhấp nhổm trên ghế, miệng mồm há hốc, sẵn sàng để đợi rối tôi hạ một câu đâm thốc vào trái tim của họ những lời thấm thía rụng rời là vội vàng vỗ tay như sấm động báo giông, là tôi sung sướng với kiếp rối của tôi đến cuối đời. Nhưng rối cũng có định mệnh, trên đầu nó cũng có một thượng đế quyền uy trấn ngự. Dù định mệnh một con rối thì chẳng có chi đáng kể.


*


roi-3

Thiếu phụ đã ngồi ở đấy từ đêm diễn nào tôi không hay, có thể lúc đầu bà ta chọn hàng ghế cuối hay một góc khuất. Nhưng ông bầu hẳn nhận ra ngay sự có mặt này, hai bàn tay ông điều khiển tôi tinh nhạy hơn nữa, xúc cảm ông ta truyền vào đầu, ngực, cặp chân, cánh tay của tôi rạt rào, có lúc rung lên tột độ tưởng chừng rối loạn. Tôi quá chăm chú vào vai trò nên dù có ngạc nhiên cũng chẳng để tâm tìm hiểu. Cho mãi đến hôm, khi tiếng vỗ tay của đám khán giả quen thuộc đã ngừng, bỗng bật lên bộp bộp bộp, hai bàn tay ai đó đập vào nhau tách rời, từ tốn mà rõ ràng xác định như cả thế giới này vụt im bặt, chỉ còn có chúng. Mọi người quay đầu về người đàn bà áo đen ấy, cả tôi, mặc cho sợi dây treo cổ mình đang bị ông bầu ghì lại.

Từ buổi ấy, trên sân khấu tôi lăm chăm ngó xuống đám khán giả, tìm cặp mắt vẽ viền đen đậm nổi bật trên gương mặt và vệt hồng đượm thắm gò má thiếu phụ. Hai lòng mắt nàng nháy sáng trong bóng tối kịch trường như những ánh sao vụt rớt từ một tinh cầu huyền hoặc. Tôi bị chúng hút vào đấy, vào một nơi sâu thẳm, trống không mà lực hút lại vô cùng vũ bão. Ông bầu cũng thế, lắm lần không cưỡng nổi dao động trong lòng, ông đưa tôi cho người khác, xuống ngồi gần thiếu phụ. Từ ngày người yêu bỏ đi, đến bây giờ ánh mắt ông ta mới lại đau đáu khi nhìn một người đàn bà. Còn tôi, càng ngó thiếu phụ càng hăng say trong vai trò của mình, dù dạo sau này các màn ông ta dựng dần dần rơi vào loại tình cảm xã hội thống thiết, lập đi lập lại những thứ ai cũng biết rồi. Một vài tờ báo trong số từng khen ngợi gánh kịch chúng tôi là một cách tân lớn lao, không phải chỉ riêng cho kịch rối mà cho cả kịch nghệ nói chung, nay bắt đầu dè xẻn lời khen.

Thiếu phụ xuất hiện như một cứu rỗi đúng lúc, tôi và ông ta, cả hai đã tin là như thế ngay tự phút giây chạm mắt vào gương mặt gầy guộc của nàng. Nó dùi đục tim óc chúng tôi bằng ánh nhìn vô cùng nhạy, sắc.


*


roi-2

Quá nửa đêm trời nổi gió lồng lộng, quất xào xạc các cành cây rớt bão. Ngoài khung cửa, thành phố im nghỉ trong bóng tối, những nóc nhà nhấp nhô lúc này càng co cụm lại, dường muốn níu kéo thêm chút tĩnh lặng hiếm hoi. Nhưng nơi căn gác của ông ta, ngọn đèn trên chiếc bàn vẫn cháy suốt từ lúc họ kéo nhau về đây. Thân thể thiếu phụ lửng lơ trong chiếc áo sơ–mi đàn ông, chỉ cài một hạt nút. Nàng đứng bên cửa sổ ngó ra khoảng đêm mập mờ bóng lá, hai lọn đùi lộ ra dưới gấu áo trắng dịu dàng màu lụa trong ánh trăng. Vậy mà mới một khoảnh thời gian trước đó chúng căng sức sống, bám quắp co giật trên đáy lưng ông ta. Sau buổi diễn, ông bầu đã đem tôi theo cùng họ về căn phòng này và treo lủng lẳng dưới ngọn đèn trên bàn làm việc. Từ chỗ ấy ngó sang chiếc giường, tôi đã tha hồ ngắm nhìn mái tóc màu mận đậm xoã đầy trên mặt nệm, cánh tay quấn quít, vũng bụng phẳng mịn và đồi ngực của thiếu phụ rướn lên cong xuống, nhịp nhàng theo từng chuyển động của vùng mông bụng ông ta. Cả tấm thân ấy săn lại, hối hả, thổn thức, nao nức miệt mài thế mà vẫn toát ra sự dịu dàng, đằm thắm làm tôi ngây ngất. Chân tay tôi muốn vung ra, ôm chầm lấy hay chỉ là chạm nhẹ vào cái đẹp tuyệt vời trước mắt. Nhưng hình hài này lại lõng thõng khổ sở, bất lực dưới chiếc bóng đèn vô tri nóng rát. Tôi ngầm nguyền rủa ông ta sao đêm nay lại mang tôi về đây để phải cùng lúc làm thứ nhân chứng tầm thường lẫn một tội đồ đang bị tra tấn.

Bây giờ ông ta đang ngồi gần tôi, đầu cúi xuống tập giấy dầy chi chít những dòng chữ. Mồ hôi vã trên người sau cuộc quần thảo với người tình tuy đã khô, nhưng tôi vẫn ngửi ra một thứ mùi hoang dã, thú vật toát từ lưng, cổ ông ta. Họ cùng lặng thinh không nhớ bao lâu, bỗng thiếu phụ cất tiếng hỏi, mắt vẫn hướng ra ngoài khoảng đêm :

– Thế nào ?

Người đàn ông nãy giờ lật lên lật xuống những trang giấy liền buông tay, ngửng nhìn nhưng lúng túng, lát sau mới đáp :

– Thì... tôi đã nói với em, để như em muốn là sẽ có vấn đề. Trước nhất khán giả không quen. Sau nữa...

Thiếu phụ ngắt lời :

– Không ngờ anh xem thường khán giả của anh đến thế.

Ông ta lắc nhẹ đầu rồi gục xuống, hai bàn tay úp lên mặt, mấy ngón day day mi mắt. Chẳng hiểu sao lại ngước nhìn tôi trước khi trả lời:

– Chẳng phải xem thường, nhưng em thấy đó, cho đến giờ ở ngoài đời có mấy cô gái dự thi hoa hậu biết ăn nói ra hồn, có chút kiến thức ? Hiếm lắm. Khán giả làm sao cảm được con người và những lời lẽ em cho cô hoa hậu kiểu trí thức của em thốt ra. Họ chỉ khoái xem chuyện gì có thể xảy ra trong đời thường, gần gũi với thực tế họ đang sống.

Ông ta ngừng, nuốt nước bọt rồi tiếp :

– Em quên một điều, họ đến coi kịch để giải trí, để có những trận cười. Làm gì thì làm, bỏ qua điều đó là dẹp gánh. Viết kịch, tôi từng khổ sở để cố quân bằng, em đã xem đã thấy rồi mà. Tôi... tôi xin em.

Thiếu phụ quay bật người lại, hai tay khoanh trước ngực áo mở, vùng ngực nàng phập phồng. Hai con ngươi vốn sẵn trong vắt chợt long lên, sắc như giọng :

– Em có thấy anh cố. Nhưng chẳng lẽ cứ nuôi nấng thứ nghệ thuật hời hợt, làm vui lòng ấy mãi. Có bao giờ anh nhìn kỹ con rối của anh trên sân khấu ? Và nếu để tâm, ngó xuống những dãy ghế bên dưới, anh sẽ nhận ra một số cặp mắt đang nhướng lên chăm chú, chúng mong ngóng anh đem đến một điều mới lạ hơn, ý nghĩa hơn. Đồng ý là số ấy khá ít trong đám người xem, nhưng anh sẽ thấy họ đợi gì ở màn kịch của anh. Họ muốn con rối của anh nói ra giùm họ những điều đúng, điều thật, điều họ cảm mà không nói được, và ngoài những thứ mà ai cũng đoán ra, đã biết cả.

Nói xong một tràng, thiếu phụ không chờ người đàn ông trả lời, đến cạnh giường cởi nhanh chiếc sơ mi của ông ta và nhặt lên mớ quần áo nàng đã tung hê trên sàn lúc họ vừa về tới đây, đi thẳng vào phòng tắm. Ông bầu ghìm lại trong họng một câu định nói, ngồi thần vài phút rồi đứng lên gỡ tôi để xuống bàn, xong đến góc nhà lấy ra sơn cọ. Khi thiếu phụ đẩy cửa căn gác, lặng lẽ bước khỏi phòng thì người đàn ông đang bắt đầu tẩy viền râu mép cuối cùng trên bộ mặt vừa xoá trống trơn của tôi, để vẽ lên đấy hai vành môi đỏ, gắn dưới cặp chân mày những sợi lông mi cong vút như đầm. Đêm ấy, tiếng giầy của thiếu phụ xuống cầu thang khan khốc, nhẹ bẫng, rời rã bao nhiêu thì tiếng thở ông ta dài thượt, nặng nề, liên tục bấy nhiêu.

Khi thành phố ùa lên cơn động kinh cao nhất của một buổi trưa kẹt xe náo loạn trên đường thì cũng là lúc tôi hoàn toàn biến thành một cô gái đẹp với mái tóc xõa bồng trên vai. Thế là tôi hiểu tại sao ông bầu đem theo tôi về nhà đêm vừa qua, tôi sắp đóng một vai tuồng mới. Nhưng thực không rõ giữa hai người ấy ai chính là người viết ra vở kịch. Tên soạn giả hoàn toàn xa lạ với người xem và cả với báo chí, nhưng bích chương được dán trên bao nẻo đường. Trước ngày khai mạc, ông bầu thuê xe phóng thanh gắn loa chạy cùng thành phố để quảng cáo cho một sự kiện kịch rối chưa từng thấy.


*


roi-5


Tối nay ông bầu mặc vét-tông, đeo cà- vạt hoa tím nên trịnh trọng mà không kém chất nghệ sĩ. Trước giờ khai mạc buổi diễn đầu tiên, người ta báo tin một vị quyền chức lớn sẽ đến xem. Dĩ nhiên ông bầu phải sắp xếp lại những ghế mời quan khách và báo chí ở hai hàng đầu tiên, dành chỗ đặc biệt cho vị này và người tùy tùng. Tôi không để tâm, chỉ lo lắng không biết thiếu phụ sẽ có mặt hay không, vì trong suốt thời gian tập dượt nàng chỉ ghé qua ba lần. Những buổi ấy, thiếu phụ không hẳn giữ im lặng nhưng ít nói hẳn, và có một chiều qua cánh cửa ra vào mở toang tôi thấy hai người đứng ở cửa rạp, dưới cây điệp ướt sũng nước mưa. Ông ta đưa tay vuốt nhẹ bờ vai nàng, thiếu phụ nói một câu gì đó rồi tách người, vẫy tắc-xi leo lên chẳng ngó lại. Người đàn ông trở vào, tắt đèn, kịch trường vụt tối ngấm. Nhưng tôi biết ông ta đang ngồi dưới đó, âm thầm trong tiếng gió tưởng đánh bật nóc nhà, rung cả sân khấu.


Chẳng còn một chỗ ngồi trong nhà hát, có người phải đứng dọc theo bờ tường. Đám ký giả xum xoe máy ảnh, đèn chớp liên tục làm nhoá cả mắt khiến tôi khó tìm ra thiếu phụ. Sau màn một, ông bầu để người phụ tá thân tín điều khiển tôi, ông xuống cùng đám quan khách, làm phận sự giao dịch. Mấy lần tôi bắt gặp ông ta lắc đầu từ chối trả lời báo chí, ánh mắt quay đảo, bồn chồn. Mãi lúc tấm màn trên đầu tôi kéo lên cùng mấy tiếng trống và chuông báo hiệu hồi cuối của vở kịch, tôi mới nhận ra dáng người thanh mảnh quen thuộc của thiếu phụ từ cửa vào lách đến gần sân khấu. Thiếu phụ dừng lại ở đầu hàng ghế thứ ba, rồi ngồi ngay xuống bực thềm. Khuôn mặt nàng hiện rõ giữa không gian mờ tối của kịch trường, nhưng gò má mang vệt hồng cố hữu đêm nay xanh xao quá. Nỗi xúc động chợt bốc lên rừng rực trong tôi. Thế là lúc ấy, cô hoa hậu được vào chung kết đang sắp sửa trả lời câu hỏi của ban giám khảo, bật ra tiếng nói.

Cô không chớp mắt cười duyên, không vặn vẹo hai bàn tay, không nắn nót mấy sợi tóc, chẳng uốn người ỏn ẻn, cô đứng vững trãi nhìn thẳng vào họ :

– Quý vị đã đặt câu hỏi tại sao tôi dự thi hoa hậu ? thì tôi xin thưa. Thưa sự thật, không thưa theo bài bản mà ban tổ chức đã bày sẵn, đã dặn dò để thí sinh đừng thốt ra những câu ngu dốt quê kệch, tuy sự quê mùa ấy chính là tôi. Trong phiếu dự thi tôi ghi mình ở thành phố, nhưng thực ra tôi sinh nơi đất cằn mùa nắng, ngập lụt mùa mưa. Cha tôi làm thợ xây dựng, nhà có năm đứa con, tôi là chị cả. Dĩ nhiên làng tôi nghèo, toàn nhà tranh nhà gỗ, cha phải sang làm công ở làng bên giàu có hơn. Cha cực lắm nhưng ông vui vì biết mình may mắn lấy được một người vợ đẹp hiền lành cam phận, lại có đứa con gái đầu lòng cũng xinh như mẹ. Tôi hiếu học, cha đem theo sang làng bên để tôi được đến trường. Khi tôi lên trung học phổ thông, cha mẹ nuôi hoài bão lớn, dành dụm tiền cho tôi về thành phố. Tôi ở trọ nhà bà cô cho đến hôm bà mất, bị gia đình bà đuổi ra vừa lúc tôi đậu xong lớp 12. Cha mẹ muốn tôi thi vào đại học, nhưng cha chắt bóp hàng tháng bao nhiêu cũng không đủ cho tôi đóng tiền trường. Lúc đứa em lén viết thư cho hay cảnh nhà ngày càng túng, tôi bỏ học kiếm việc đi làm, nói dối cha mẹ. Chắc quý vị nghĩ rằng một cô gái đẹp, còn non nớt lại nghèo như thế hẳn sẽ sa vào một quán cà-phê hay karaoké tăm tối. Nhưng đừng vội thương xót, tôi đã tìm được chân thư ký trong một cơ quan văn hoá. Đồng lương nhỏ, nhưng tôi dè xẻn gửi về chút ít cho mẹ, mẹ tin là ngoài giờ đi học con mình kèm thêm trẻ em. Cho đến đây, tôi thầm nghĩ mình may mắn. Nhưng cái may ấy không kéo dài nổi, một hôm xếp lớn đến văn phòng có việc, ông ta nhìn thấy tôi. Từ đấy tôi không được yên thân, chuyện gì xảy ra quý vị và bà con khán giả tới xem cuộc tuyển lựa này đều đoán được. Tôi muốn tìm chỗ làm khác nhưng chưa ra, chỗ mướn mình mà có vẻ đàng hoàng lương thiện thì trả lương ít quá, làm sao tôi gửi về nuôi em. Trong lúc chưa tìm ra lối, tôi thấy có cuộc thi hoa hậu này, bỗng nghĩ chẳng mất mát gì, mình cứ dự thi, biết đâu nó chẳng mở ra một con đường. Tôi đã đọc thấy đâu đó ở các nước tây phương, hoa hậu không phải chỉ là chuyện đem sắc đẹp trưng ra như hàng hoá cho ngàn con mắt lột trần, bình phẩm. Họ bảo rằng hoa hậu của một nước được xem là sứ giả, có vai trò đàng hoàng trong một số công tác xã hội, văn hoá. Tôi tin ở điều đó nên hăng hái dự thi, không hề e ngại. Nếu trúng tuyển, chắc cha mẹ nơi xa cũng hả dạ nguôi lòng.


Rối tôi nói thao thao không ngừng nên bắt đầu chóng mặt, chẳng dám nhìn xuống dưới vì sợ bắt gặp ông bầu. Thật lạ lùng, khi tôi ngưng lại để thở cả rạp cũng im phăng phắc, không một tiếng ho, không một tiếng ghế cọt kẹt. Ông bầu ở đâu ? ông ta đang thế nào ? Hai cánh tay tôi bắt đầu run, hai chân vốn lõng thõng giờ muốn rụng xuống sàn sân khấu. Tôi là con rối phản bội, bỏ mặc, thay đổi hẳn vai và lời ông bầu đã dậy. Bây giờ làm sao trở lại làm cô hoa hậu hiền lành như cừu non, rụt rè vâng dạ nhưng không quên nháy mắt nhoẻn cười hết với ban giám khảo lẫn mấy ông phó nhòm dưới kia được nữa ! Thôi trót dại rồi phải tiếp tục đến cùng, hít một hơi mạnh, tôi nhìn sang mấy tên đồng nghiệp đóng vai người chấm thi đang chương những con mắt thô lố, ngạc nhiên cùng cực ngó mình. Sự ngạc nhiên lẫn thán phục ấy bỗng làm tôi lấy lại bình tĩnh, hứng thú lại nhóm lên. Còn thiếu phụ dưới kia, nàng ngồi im, thẳng người như tượng nhưng hai lòng mắt sáng bùng thắp lửa trong tôi. Và thế là xoa hai bàn tay vào nhau, tôi như quan lớn đang sửa giọng để dõng dạc đọc diễn văn trước quần chúng. Phải nói, bỗng chốc tôi quên mình đang là một cô gái đẹp cần làm dáng, dịu hiền yểu điệu giữa đám đông.

Tôi quên mất ông bầu, tôi tiếp tục kể một mạch cho họ nghe ảo mộng của tôi về cuộc thi hoa hậu, đầu óc tưởng tượng ngu xuẩn về một thứ đại diện cho cái đẹp quốc gia đã vỡ tan tành như thế nào tối hôm qua, trước buổi chung kết này. Ông quan từng chèn ép tôi ở sở đã tới tận căn phòng tôi trọ, rủ đi ăn tối và nghe ca nhạc. Trước sự từ chối quyết liệt, ông ta bảo cho tôi biết rằng ngay người bỏ tiền tài trợ cuộc thi cũng khó lòng nói không với ông ta, và ngày mai, rồi tôi sẽ thấy sau ban giám khảo là ai. Người đàn ông bề thế đó hẳn nghĩ rằng trước sau tôi cũng sẽ là con hươu non nằm dưới chân mãnh hổ, là miếng lụa mỏng manh trong bàn tay thô bạo, nên không thèm dọa nạt thêm. Ông ta chỉ đứng ở cửa phòng, ngáng hai cánh tay che hết lối ra, lừ lừ gờm từ đầu xuống ngực tôi sau khi nói xong, rồi quay đi. Ảo tưởng sụp đổ mà giấc mơ cải đời cũng bay tung như xác pháo. Nhận ra sự ngây thơ ngu muội của mình, tôi chỉ muốn chạy ra bến xe đò để trở về căn nhà bần hàn của gia đình, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại giữ được bình tĩnh để đi hết đoạn đường mình đã đặt chân. Nghĩa là tối nay tôi còn đứng trước cái ban giám khảo này, để nhìn và chứng nghiệm rõ ràng sự có mặt của ông quan quyền ấy đang ngồi ngay đằng sau họ, hai cánh tay đang vươn rộng vỗ vai người này rồi người kia mà mắt thô lố ngó lên tôi, đe doạ kiêu hãnh khoái chí.

Rối tôi đã say men, giọng cất cao hơn :

– Đấy, ấy, quý vị cứ ngồi yên đó, đừng tránh né cái quàng vai thân mật và lời dặn bảo sẽ sàng của ông ấy bên tai. Nghĩ cho cùng thì tôi cũng chỉ là một con rối treo trên dây cho người ta giựt, và quý vị cũng thế thôi. Chúng ta đều phải làm trò, chúng ta đều là rối !

Tôi bỗng cười ha ha, tiếng cười lúc đầu còn mềm giọng con gái, sau càng to và khần khật như đàn ông, rồi choé lên lanh lảnh một mụ nạ dòng. Trong suốt không gian này chỉ có tiếng cười biến đổi từng chập như thế của tôi. Phóng mắt đi khắp nơi, tất cả là một khối nhoà nhoà mặc thị. Sự âm u ấy bỗng làm tôi sợ hãi rồi chợt nhớ tới thiếu phụ và ông bầu. Tôi lặng người đi, cả rạp hát cũng lặng theo. Một luồng đèn chiếu vừa lướt qua dãy ghế khách mời, vị quyền chức ngồi đó, hai bàn tay to nầng đặt trên đùi nắm lại. Có phải do ánh đèn màu đang chuyển sang xanh tím hay không mà tôi thấy gương mặt ông ta tái xạm, hai vành môi vốn mỏng tang mím chặt. Anh tùy viên ngồi bên trái ghé vào tai thì thầm. Ông ta đứng bật dậy hầm hầm đi ra, sau khi nói một câu gì đó kèm theo cái nắm tay đập xuống trước mặt ông bầu ngồi cạnh. Ông bầu sượng trâng, mắt long lên, tay phất phất ra hiệu cho anh kéo màn phải thả sụp ngay xuống. Nhưng anh này cũng chưa hoàn hồn sau tấn tuồng của tôi nên cứ nghệt người. Nhờ thế, tôi kịp tìm ra thiếu phụ. Nàng đã đứng lên, ánh mắt thích thú đang chiếu thẳng vào tôi trên sân khấu. Ôi, hai đốm trong veo của một tinh tú rạng ngời, sáng sắc đến đốt cháy tim óc. Tôi sẵn sàng rơi vào đó để được thiêu huỷ, thoát khỏi thân phận rối. Rồi chợt bộp bộp bộp, nàng vỗ mạnh hai bàn tay mà tôi đã từng chiêm ngưỡng những móng hồng đẹp tựa cánh sen. Những cái vỗ tay rõ ràng, khẳng định, như lần đầu tiên nàng đến kịch trường này. Và, như một luồng điện cao thế truyền đi, cả rạp hát bỗng bùng lên tiếng hoan hô cuồng dại, vỡ tung không gian. Có người nhảy cẫng lên ghế để gào cao, gào to hơn tất cả. Trong hỗn loạn đó, ông bầu thoát khỏi cơn mê, nhún một bước lên sân khấu, đẩy anh kéo màn ra và tự mình thả màn sập xuống. Xong ông dùng hai bàn tay giựt mạnh mấy sợi dây treo tôi từ những ống tre trên cao, có sợi đứt sợi không, tôi nghiêng chao đi nhưng chưa kịp nhận biết thì ông ta cầm cái kéo dưới sàn, xấn tới. Chỉ hai ba cú xoạch xoạch, tôi rớt bạch xuống sàn, tay chân toé toang thành bốn nhánh.


*


roi-4

Tôi đã nằm đây bao nhiêu buổi chiều, bao nhiêu đêm tối. Giữa sân khấu bỏ hoang này, tôi nằm đó, bất động. Thì đã nói rồi : một con rối đứt lìa dây treo là một con rối chết. Có lúc tôi ao ước giá có ai qua đây lật ngược thân mình lại, cho tôi được nằm sấp, úp mặt vào mảnh sàn vô tri. Như thế tôi không phải mở mắt để nhìn thấy, dù trong bóng tối, mảnh màn nhung ủ ê, những tấm phông trơ trẽn, mấy thanh gỗ treo trên trần lệch lạc và chùm dây lõng thõng. Buông bỏ, mặc kệ thời gian, nhưng hồn tôi quay quắt. Trong ngần ấy ngày tháng, tôi thiêm thiếp trong một thế giới lẫn lộn, chằng chịt hình ảnh.

Ở đó, có khi không gian mở ra vời vợi, trong suốt và yên ắng, thỉnh thoảng mới vang đôi tiếng chuông thánh thót reo lên từ một cõi rất xa, và tôi nằm đợi xuất hiện hai ánh sao nhấp nháy trên nền trời. Lúc tôi bị chặt đứt dây rơi độp trên sàn, thiếu phụ đã trèo vội lên sân khấu đến bên và ngó xuống, hai đồng tử không còn sắc như lửa xanh mà long lanh theo khoé môi nàng đang nhếch lên, vẽ một nét gì vừa ngạc nhiên, phẫn nộ và thương xót. Rồi như thể chẳng có ai quanh đây, không cả ông bầu đang chòng chọc ngó chúng tôi, thiếu phụ quỳ gối, nhẹ nhàng kéo tay chân tôi khép lại ngay ngắn. Xong đứng lên và bước xuống cầu thang, đi ra cửa. Tôi nghe vạt áo nàng lay thành gió.

Ở đó, lại có những buổi chiều tôi thấy mình cóng lạnh, nhưng không thể quờ tay tìm chút hơi ấm trong đám giấy, đám gỗ vụn và mấy cái phông cạc-tông đã sụp xuống do không khí ẩm ướt của những cơn mưa ròng rã, ngấm mốc cả rạp hát không người. Mưa vẫn rơi rào rào trên mái, nước theo kẽ hở chảy từng dòng dọc bờ tường. Cửa rạp không đóng đập ra đập vào xành xạch. Cảnh sát khu vực và chủ nhà hát đã đến làm biên bản và gỡ đi tất cả dụng cụ còn lại của đoàn kịch, họ gom luôn mấy con rối khác. Chỉ mình tôi nằm lại nơi này, cũng may trong lúc khuân vác, tháo gỡ đồ đạc chẳng ai vô tình hay cố ý dẵm lên tôi. Rồi vài hôm sau, người ta kéo tới dẹp các dãy ghế. Kịch trường trống lốc tan hoang, không còn gì đáng giá nên cửa để ngỏ, mấy ô kính đã bị đám ăn cắp hôi của đập toang. Khách đi qua có nhìn vào ưu ái gọi ‘‘Rối ơi !’’ cũng chỉ thấy tường bóng nhập nhoà.


Khi đám người dọn dẹp đến nơi này, chẳng ai nói câu gì để tôi biết ông bầu đang ở đâu, ra sao. Những ngày đầu tôi mong ông mòn mỏi, tôi sắp sẵn trong lòng mấy lời tạ tội tha thiết. Nhưng ông mất biệt. Nếu như tôi còn gặp được thiếu phụ qua hai vì sao xanh mướt thỉnh thoảng hiện ra và sà xuống bên tôi, thì ngược lại, không tin tức gì của người đàn ông đã từng cho tôi ra đời. Sự trống lốc bất thần ấy càng làm đau đớn ăn năn. Tôi lục tìm tín hiệu của ông ta trong bóng tối dầy đặc một cách tuyệt vọng. Rồi bỗng một hôm, đang mơ màng – tôi vẫn chênh vênh như vậy, không ý thức được không gian và thời gian – chợt cảm thấy không khí quanh người thoáng chao động, liền mở mắt và nhận ra trên đầu mình, hơi nghiêng về phía trái, thõng từ trần một con rối to tướng. Con rối mặc bộ quần áo tây, thắt cà-vạt hoa tím, đi giầy da đánh bóng. Tôi hoảng hốt vui mừng muốn bò ngay dậy nắm lấy hai bàn chân ấy của nó. Nhưng thế nào được ! Bất động, bất lực, tôi ngó lên nhìn kỹ. Cổ rụt xuống vai nhưng lòng mắt ông bầu trợn ngược, lưỡi thè khỏi hai vành môi, mấy sợi tóc xõa trên trán, vai co cụm, tay chân lòng thòng như rối tôi lúc nghỉ ngơi treo yên trên dây, không phải múa may, cử động làm trò. Cái sợ cái đau bùng lên, quặn xiết. Tại sao ông ta đến nông nỗi này ? Chỉ vì tôi, vì cảnh tuồng hoa hậu, vì cái cao hứng ‘‘làm nghệ thuật’’ của tôi. Hồn không chịu thấu, tôi lịm đi. Khi thức tỉnh, con rối khổng lồ kia đã biến mất, nhưng trên đầu tôi vẫn còn vật gì lủng lẳng trêu ngươi. Không phải sợi dây bình thường dùng treo rối gỗ rối giấy mỏng manh, mà một đọn thừng thòng lọng. Lại rơi vào hoang mang, tôi mê hay tỉnh ? Chẳng lẽ cái chết của rối đã làm tôi loạn giác ?

Vậy rồi cũng có lần, tôi thấy ông bầu ngồi xổm ở một góc sân khấu, quần áo dính đầy sơn, đang loay hoay vặn vít lắp lại chân tay một con rối nhỏ, thỉnh thoảng ông ngó về phía tôi, lòng mắt lặng lờ mệt mỏi. Lúc ấy hồn tôi rã rời không kém. Nhưng chợt không gian sáng lên, tấm màn nhung động đậy, hé mở. Những tiếng chuông thánh thót reo vang và trần sân khấu nứt ra để lộ một bầu trời trong suốt. Ông ta ngửng nhìn ngơ ngác, tìm kiếm, rồi vụt đứng dậy nhảy thót lên, giơ tay chới với như chụp bắt một ánh sáng vừa vút bay.


Giam kín trong những hình ảnh lập đi lập lại chập chùng, bện quết thành một khối u minh như thế, tôi chẳng còn đợi mong gì nữa. Chắc chắn sẽ có một ngày người ta phải đem máy đào tới phá, hốt đi cái kịch trường đổ nát, luôn cả cây điệp. Hốt đi con rối cuối cùng đã chết theo với tinh tú xanh của nó và sợi dây thừng. Họ sẽ xây lên đấy một toà nhà cao tầng hay hiệu ăn vũ trường sang trọng. Nhưng có hề chi, kịch bản nào cũng có hồi kết, dù là một kịch bản rối. Thế mà đêm nay, trong từng đợt gió vi vu lọt vào rạp hát hoang trống này, vẳng bên tôi giọng thiếu phụ đang thao thiết một lời gọi hồi sinh : Dậy đi, Rối ơi !


Mai Ninh

(Mùa các thánh, 2007)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss