Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / "Cảm-thức-biển-nhớ"...

"Cảm-thức-biển-nhớ"...

- Vũ Ngọc Thăng — published 15/01/2013 18:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Cảm-thức-biển-nhớ”
của Trịnh Công Sơn:
 vài liên tưởng dạng “danh mục”i


Vũ Ngọc Thăng



Biển Nhớ hẳn là một trong những ca khúc Trịnh Công Sơn được công chúng biết đến nhiều nhất và được yêu thích nhất. Tôi nhớ, vừa ở độ tuổi mới lớn, mình được nghe bài hát với cái giai điệu giản dị gần với lời phát âmii mà ca từ vô cùng da diết này, thế là cũng như nhiều người bạn cùng thời, cảm thấy nó gẩy lên trong lòng mình một cung bậc tình cảm “mộng mơ tuổi học trò”, song cạnh đó, còn cảm thấy ở nó một sức tác động là lạ, khó có thể giải thích.

Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về…

Với thời gian, tôi được biết, cái “bề mặt đa dạng 512 triệu cây số vuông được bao phủ bởi 70% nước, dồi dào các thứ muối khoáng” ấy, cái thực thể khơi gợi một cảm thức mênh mông sâu thẳm mà chúng ta gọi là Biển hoặc Đại dương ấy, nhiều lúc được dùng làm nền ẩn dụ cho rất nhiều tác phẩm, từ văn thơ cho đến hội họa, điện ảnh, âm nhạc, cũng như trong biểu đạt ở những lĩnh vực khác. Xin được kê ra vài mẩu mosaic thụ hưởng được từ cái kho sáng tạo và tri nhận muôn màu muôn vẻ ấy.


hokusai

Sóng - Katsushika Hokusai


Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ…

                                                          (Thuyền và Biển - Xuân Quỳnh)


  • Đại dương tử tế và rất đẹp. Nhưng nó có thể rất độc ác và tráo trở bất thình lình; còn loài chim kia thì phải bay, nhào xuống săn mồi; và tiếng kêu thảng thốt, khẽ khàng của chúng lại quá yếu ớt giữa trùng khơi. Lão luôn nghĩ về biển như la mar, đấy là cách người ta gọi biển bằng tiếng Tây Ban Nha khi họ yêu biển. Thỉnh thoảng những người yêu biển cũng buông lời nguyền rủa biển nhưng họ luôn nói như thể biển là phụ nữ. Vài tay đánh cá trẻ, sử dụng phao nhựa làm phao câu và đi thuyền máy, sắm được khi gan cá mập được giá, gọi biển là el mar, tức giống đực. Chúng nói về biển như một đối thủ, một địa điểm hay thậm chí là một kẻ thù. Nhưng ông lão thì luôn nghĩ về biển như về một phụ nữ, như cái gì đó có thể ban phát hay chối giữ ơn huệ, và nếu biển làm điều ác độc hay tàn bạo thì bởi lẽ lúc ấy biển không thể nào kìm giữ nổi. Mặt trăng tỏa chiếu trên biển như thể tỏa chiếu trên cơ thể của người đàn bà, lão nghĩ…Theo làn gió mậu dịch, giờ đây những đám mây ùn lên, lão nhìn ra trước mặt và thấy một đàn vịt trời in lên nền trời trên biển, thoắt ẩn, thoắt hiện và lão biết, chẳng có ai phải cô đơn trên biển cả. (Ông già và Biển cả, Ernest Hemingway - Phùng Khánh - Phùng Thăng - Lê Huy Bắc dịch)

  • Trong Câu chuyện Tokyo (về một cặp vợ chồng già từ làng quê lên thăm con cái mưu sinh tại kinh thành Tokyo thời sau Thế chiến II) của Yasujiro Ozu – một trong những bộ phim được coi là tinh tế và sâu lắng nhất của lịch sử điện ảnh, “thực hơn cả hiện thực”, về dòng chảy cuộc sống gia đình – tại “khúc ngoặt về tâm trạng”, cặp vợ chồng già, sau một đêm bị thao thức vì tiếng ồn (vợ chồng người con trai cả, do bận rộn và không muốn bị làm phiền, đã gửi ông bà đi “nghỉ mát” tại một khách sạn rẻ tiền cạnh bờ biển) ra ngồi ngắm biển mà hôm qua khi mới đến, từ trong phòng nhìn ra, cụ ông đã nói với cụ bà: “Biển yên bình quá”:


hinh-2


  • Nhà văn Claudio Magris, tuổi thơ thường được mẹ dẫn đi dạo bờ biển, trong một bài phỏng vấn cho biết:

Tôi cảm thấy về mặt vật lý chúng ta được kết tạo bằng nước, chúng ta là giống loài đến từ biển, chúng ta học bơi trong nước mẫu tử lúc còn ở trong bụng mẹ trước khi chúng ta học bước đi. Tất nhiên, tôi cũng cảm thấy biển như trong dòng văn chương lớn của Conrad hoặc Melville, thách thức và chứng thực, song tôi càng cảm thấy đó là sự buông xả, đó là sự phóng chiếu rộng mở. Trước biển: tôi không ham muốn gì khác, tôi không có mục tiêu để theo đuổi, tôi không thiêu đốt chuyến sinh tồn của tôi để tìm kiếm điều gì.”

  • Francois Truffaut, trong Les quatre cents coups, một tuyệt tác điện ảnh của trào lưu Đợt Sóng Mới ở Pháp (câu chuyện về một cậu học trò phản ứng lại sự lãnh cảm của gia đình - nhà trường - xã hội), kết thúc bộ phim với trường đoạn cậu bé trốn khỏi viện cải huấn chạy ra bờ biển; để thực hiện khung hình cuối cùng nổi tiếng của tác phẩm mang tính chất tự truyện này, sau khi đã cùng nhịp bước với cậu bé, Truffaut di chuyển ống kính (một «hành vi đạo đức»iii đối với các nhà làm phim tác gia) trực diện nhân vật và «kết tinh» cậu với biển cả.


hinh-3


  • Thế kỉ 20 còn là thế kỉ của di dân, của những cuộc lưu vong, của sự khai sinh nhạc jazz..., nhân vật Novecento trong vở kịch độc thoại của Alessandro Baricco, một đứa con rơi trên chuyến tầu Virginian, chuyên chở người tứ xứ đến Mỹ quốc, trở nên một nhạc sĩ jazz quái kiệt, quyết định gắn chặt số phận mình với số phận con tầu, suốt đời không bước chân lên bờ, để được mãi mãi đong đưa trong Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào (Y Vân).

...giữa lòng Đại Dương, trước mắt là một sự mầu nhiệm, bên tai là một sự diệu kỳ, dưới chân là nhịp điệu, trong tim là thanh âm của cái ban nhạc đơn nhất, vô song, không bờ bến, đó là ATLANTIC JAZZ BAAAAND!!!!! (Doãn Trang dịch)

  • Danh họa Sandro Botticelli, trong bức Sự ra đời của Thần Vệ Nữ, miêu tả thần Vệ Nữ sinh ra từ Biển, đã đương độ Xuân Thì, bồng bềnh trên chiếc vỏ sò khổng lồ cập bờ:

hinh-4


  • Claude Debussy – với tuyệt tác La mer: ba phác thảo giao hưởng, một biển âm thanh lấp lánh tâm tưởng – là nhà soạn nhạc “đầu tiên khai phá một cấu thức mở”, trong đó “các khái niệm như trình bày và phát triển cùng tồn tại trong một quá trình trở thành” (Jean Barraqué). Bản nhạc là một kính vạn hoa về âm sắc, phối khí, và những đoạn thức giai điệu cuốn lẫn vào nhau một cách phức điệu và trong những đợt nhịp thức liên tục chuyển dời dạt dào như sóng.


hinh-5

Trang đầu bảng tổng phổ viết tay La mer của Debussy

  • Charles Beaudelaire, trong L'Homme et la mer / Người và biển (tập Les Fleurs du mal), đồng nhất Tự do với Biển: hẳn đó là một thứ Tự do nội tâm tự soi ra trên sóng gió dâu bể.


Homme libre, toujours tu chériras la mer !
La mer est ton miroir ; tu contemples ton âme
Dans le déroulement infini de sa lame,
Et ton esprit n'est pas un gouffre moins amer…


Hỡi con người tự do, luôn luôn thân thiết biển!
Biển là gương để ngươi ngắm hồn mình
Trên trang sóng trải vào xa thẳm
Tâm linh người cũng cay đắng mù tăm

(Vũ Quần Phương dịch)

  • Một biểu tượng của động thái sự sống. Tất cả từ biển mà ra và tất cả trở về biển: đây là nơi của những cuộc sinh đẻ, những biến thái và những tái sinh. Là nước trong sự chuyển động, biển tượng trưng cho một trạng thái quá độ giữa các khả năng còn phi hình và các thực tại đã hiện hình, cho một tình thế nước đôi, tình thế bấp bênh, đầy hồ nghi, chưa quyết định và có thể kết thúc tốt hay xấu. Từ chỗ đó biển là hình tượng vừa của sự sống, vừa của sự chết… (Từ điển Biểu tượng Văn hóa Thế giới [TĐBTVHTG] – Biển)iv

  • Victor Hugo, trong tập thơ chưa hoàn tất Dieu – L’océan en haut (Thượng đế – Đại dương trên cao), bật lên một câu thơ xuất thần nổi tiếng:

Tout cherche tout, sans but; sans trêve, sans repos.
Vạn vật tìm vạn vật, không đích, không ngưng, không nghỉ.

  • Giuseppe Ungaretti, trong bài thơ dạng haiku: Universo / Vũ trụ ơi!, gióng tiếng về một cõi đi về của mình:

Col mare
mi sono fatto
una bara
di freschezza

Tôi đã đóng cho mình
cỗ áo quan
biển cả
tươi mát

  • Tồn tại hay không tồn tại? không phải là một cuộc chiêm nghiệm về tự vận. Đấy là một loại khải hoàn ca tự thân, một khúc tán dương tâm trí. Đấy là một chứng nhận, thật vậy, về quyền năng của tâm trí vượt trên một thế giới của sự chết, được tượng trưng bởi biển, vốn là một ẩn dụ sâu kín khôn cùng. (Harold Bloom bàn về Hamlet)

  • Bất phân nguyên thủy, vô định khởi nguyên. Đại dương trên đó Vishnu ngủ là như thế. Đó là Arvana, biển là vô hình và tối tăm, là Nước Hạ Giới mà trên đó Thần Chúa Trời bay lượn và từ đó phát sinh ra cái chồi nguyên lai, quả trứng, cây sen, cây sậy, hòn đảo. Varâha-avatâra (Lợn lòi) làm đất nổi lên ở trên mặt biển; Izanami khuấy động biển bằng ngọn giáo của mình và tạo ra ở đó hòn đảo đầu tiên bằng đông tụ; các Deva và Asura đánh nước biển và lấy ra từ đó amrita, thức uống bất tử. …Nhưng biển cũng là biểu tượng của Nước thượng giới, của Bản thể thánh thần, của Nirvana, của Đạo. Ta thấy biển được biểu đạt ở Denys l’Aréopagite (Giả danh), ở Tauler, ở Angelus Silesius (biển không thụ tạo của một Thánh Thần duy nhất), ở Meister Eckhart (biển, bản chất không thể dò của Chúa Trời); và cũng như thế ở Dante và ở những nhà thần hiệp soufi; hình ảnh biển được phát triển rộng trong Upanishad và cả trong đạo Phật (giọt sương lướt trên mặt biển long lanh); và Đạo giáo: Đạo so với thế gian như biển cả so với sông ngòi (Đạo đức kinh, 32). Tất cả các dòng nước hợp lưu ở đây, mà không làm nó đầy; tất cả các dòng nước từ đây chảy ra, mà không làm nó cạn. Chính vì thế mà ta ra biển (Trang Tử, ch. 12). Biển còn là Đại dương hoan hỉ của các nữ tu Béguines, Đại dương của niềm cô đơn thần thánh của Ibn Mashish, Đại dương của quang vinh thần thánh của al-Jili. Theo cách nói của đạo Mật Tông, đại dương là Paramâtmâ, Linh hồn Hoàn vũ, pha lẫn vào đó có giọt nước jiva, cuộc sống, hoặc jivâtma, linh hồn cá thể. Trong Mahâyanâ (Đại Thừa), đại dương là Dharma-kâya, Pháp thân của Đức Phật, hay bị lẫn lộn với Bodhi, Trí tuệ nguyên thủy. Mặt biển lặng tượng trưng cho cả trạng thái chân không (shunyata) lẫn trạng thái Giác ngộ. Theo Shabestary, đại dương là trái tim, là tri thức; bờ biển là sự ngộ đạo; vỏ sò là ngữ ngôn; và hạt trai chứa đựng trong nó là tri thức của trái tim, tức là cái nghĩa ẩn kín của ngôn từ… Nhưng đại dương khi động lại là mặt rộng thất thường, và cuộc vượt đại dương đầy gian nguy này là điều kiện để đến được bờ. Đây là biển đam mê của Shankarâchârya; đây là Đại dương của thế giới nội tâm được vượt qua từng chặng trong áng văn của thánh Isaac ở Ninive; đại dương của các kiếp sinh được biểu thị bằng bể nước ở đền Neak-Pean tại Angkor; đó là biển của thế giới cảm tính mà kinh Samyuttanikâya (4, 157) nói đến: Ai đã vượt qua biển cả với những bầy cá mập và yêu ma của nó, với những ngọn sóng khủng khiếp, thật khó vượt qua...người ấy có thể nói đã đến tận cùng thế giới và bước sang phía bên kia…(TĐBTVHTG – Đại dương)


hinh-6

Le Radeau de la Méduse - Théodore Géricault


  • Ngài sẽ lại thương xót chúng ta; sẽ giẫm dưới chân Ngài những điều trái đạo lí; sẽ ném mọi tội lỗi của chúng ta xuống dưới đáy biển. (Michê 7:19, Cựu Ước).

  • Này các Tỉ-kheo, như biển cả chỉ có một vị duy nhất: vị mặn của muối, cũng thế, giáo pháp và giới luật của ta cũng chỉ có một vị duy nhất, đó là vị của giải thoát. (Vô vấn tự thuyết, Udāna, 5. Soṇavaggo, 5. Uposathasuttaṃ – Wikipedia)

  • Đạo diễn Alexander Sokurov, trong bộ phim phim Russian Ark (2002) được thực hiện chỉ qua một cú bấm máy liên tục đúng với độ dài 87 phút của nó, sau khi đã “tái hiện” ba thế kỉ lịch sử nước Nga trong lúc băng qua 33 sảnh phòng khác nhau trong bảo tàng Hermitage ở thành phố St. Peterburg với hơn 2000 diễn viên và ba dàn nhạc, để kết thúc, ông cho ống kính rẽ vào một khung cửa sổ hướng ra biển trong tiếng tiếng nhạc trầm lắng và lời thoại: Nhìn kìa, nhìn kìa / Biển ở khắp nơi xung quanh / Chúng ta mang số phận căng buồm mãi mãi / Để hằng sống đời đời.


hinh-7


Trở lại với Biển nhớ của Trịnh Công Sơn, nơi ca từ –như hầu hết các bài hát của ông – là một bài thơ:

Ngày mai em đi
biển nhớ tên em gọi về
gọi hồn liễu rũ lê thê
gọi bờ cát trắng đêm khuya

Ngày mai em đi
đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
sỏi đá trông em từng giờ
nghe buồn nhịp chân bơ vơ

Ngày mai em đi
biển nhớ em quay về nguồn
gọi trùng dương gió ngập hồn
bàn tay chăn gió mưa sang

Ngày mai em đi
thành phố mắt đêm đèn mờ
hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn
nghe ngoài biển động buồn hơn

Hôm nào em về
bàn tay buông lối ngỏ
đàn lên cung phím chờ
sầu lên đây hoang vu

Ngày mai em đi
biển nhớ tên em gọi về
triều sương ướt đẫm cơn mê
trời cao níu bước sơn khê

Ngày mai em đi
cồn đá rêu phong rủ buồn
đèn phố nghe mưa tủi hờn
nghe ngoài trời giăng mây tuôn

Ngày mai em đi
biển có bâng khuâng gọi thầm
ngày mưa tháng nắng còn buồn
bàn tay nghe ngóng tin sang

Ngày mai em đi
thành phố mắt đêm đèn vàng
nửa bóng xuân qua ngập ngừng
nghe trời gió lộng mà thương.


Giờ đây tôi có thể giải thích phần nào cái cảm giác “là lạ, không thể giải thích” của mình thời niên thiếu khi mới tiếp xúc với bản nhạc như sau: ở một bình diện, nó gợi lên trong ta niềm thương nhớ một bóng hình nào đó, song mặt khác, dường như nó cũng muốn truyền đạt cho ta cái cảm giác hiệp nhất với biển – mà theo tôi, được hứng khởi từ vài cảm thức cơ bản trong mỹ cảm của nhà ca nhân: chia cắt, thương nhớ, vô thường; nói cách khác, đó là những nỗi khắc khoải tâm linh mà có lẽ nhiều người, nếu không nói là ai trong chúng ta, trong chừng mực nào đó, cũng đều có lúc hoặc đến một lúc nào đó trong đời, có thể cảm nghiệm; và điều này biện minh cho cái “tính phổ biến” của nhạc (đặc biệt là ca từ) Trịnh Công Sơn.

Ngay từ các câu dẫn vào chủ đề: Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về…/ Ngày mai em đi, biển nhớ em quay về nguồn… chàng troubadour đã đưa ta vào một chiều kích mông lung không còn biết Biển là Em hay Em là Biển, hoặc giả, đó chính là con người Ta đang mộng mị. Thế rồi, trong đó, tất cả: cành liễu, bờ cát, đồi núi, mây giăng, gió ngập, mưa tủi, đèn phố, sỏi đá, rêu phong, hồn lẻ, mắt đêm…đều bâng khuâng nhịp chân xung quanh cái cao trào triều sương ướt đẫm cơn mê…của chàng. Đây cũng chính là cái trạng thái đạt tới từ một trong những “chức năng” thẩm mỹ được nhiều nghệ sĩ coi là cao nhất, có thể dìu người thưởng thức cùng mình thăng hoa vào một “chốn khác”.

Có lẽ sẽ thích hợp để viện dẫn ra đây cái cảm thức mà nhà văn Romain Rolland khi nghiên cứu về huyền học phương đông đã rút ra, và chính ông cũng cảm thấy, gọi là cảm-thức-đại-dương (le sentiment océanique), hay là một thứ cảm-thức-tôn-giáo hồn nhiên, cái cảm giác về sự vĩnh cửu, về một thực thể gì đó vô giới hạn, vô bờ bến, “như là đại dương”. Ông đã nêu lên điều này trong một lá thư gửi cho Sigmund Freud và đề nghị nhà sáng lập phân tâm học khảo sát. Freud phần mình, đã luận bàn về nó trong hai tác phẩm Tương lai của một Ảo tưởng Văn minh và những Bất mãn từ nó (và như thế đã phổ cập hóa nó), và cho rằng: đó chính là cái cảm giác tự luyến ban sơ khi đứa trẻ chưa phân biệt mình với thế giới xung quanh, trong thời gian chưa rời khỏi bầu sữa mẹ (Freud, sau đó, công nhận rằng người ta có thể có cái “cảm-thức-tôn-giáo”, song bản thân ông thì không cảm thấy).

Đề cập về đại dương, Trịnh Công Sơn còn có bài Cúi xuống thật gần với những câu ta từ lạ lùng so với chính cái kho ca từ của ông, khi mà nỗi khắc khoải hầu như đã chạm đến mức vô phương cứu chữa, trong tim nhà ca nhân nước sông cũng cạn nguồn, cây khô trên cành cũng trút lá bơ vơ, còn tuổi nhỏ thì khóc òa, và da thơm trên người nay cũng phôi pha; tức là ngay cả thiên nhiên, nàng thơ, và tâm thức nhi đồng, vốn thường là nguồn an ủi và cứu rỗi của chàng nghệ sĩ tài hoa cũng đành phải thúc thủ, thế là chỉ còn có cách là khiêm cung chú mục vào trong mà tự soi và tự lắng, như phương châm của các vị cao tăng khi thực hành thiền định:

Cúi xuống
Nhìn sâu trong mắt
Và nghe mưa bão tan trong đại dương…

Cuối cùng, phải chăng trong mỗi tình yêu và nỗi nhớ của chúng ta, nói một cách rốt ráo và siêu nghiệm, đều tiềm ẩn một niềm khao khát được quay về đắm mình trong cùng một vị mặn của dung dịch bào thai, của đại dương, của khởi nguyên sự sống, của cái tế bào đầu tiên, tức cũng là của Tha Nhân?

Vũ Ngọc Thăng



ii Chẳng hạn: quãng của hai âm Ngày mai mở đầu bài hát là quãng-bốn-đúng, y như khi ta phát âm.

iii Lời của đạo diễn Bernardo Bertolucci.

iv Dictionnaire des symboles, Robert Laffont, Paris 1992 - Jean Chevalier, Alain Gheerbrant. Bản tiếng Việt: NXB Đà Nẵng – Trường viết văn Nguyễn Du, 1997 - các dịch giả: Phạm Vĩnh Cư (chủ biên), Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Phòng, Nguyễn Văn Vĩ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss