Cánh đồng phương nam
Cánh
đồng phương Nam
|
Năm trước ta đã nói về cánh đồng phương Bắc. Vâng, những cánh đồng giá băng, lạnh buốt. Năm nay, ta nói về cánh đồng phương Nam. Phương Nam Hành? Ồ, anh nhắc đến bài thơ của Nguyễn Bính: Hai ta
lưu lạc phương Nam này Đúng rồi. Anh tính bàn về thơ? Không, tôi nghĩ đến xứ Nam Âu, với những cánh đồng đầy hoa anh túc dại, nho nhỏ, mong manh, nhưng thật đẹp. Đứng giữa cánh đồng anh túc dại, ta có cảm giác đang đứng trên một biển hoa. Hoa anh túc dại màu đỏ lợt, cánh mỏng, ẻo lả, rung rung trong gió thật linh động như một cánh bướm vừa đáp xuống nhụy hoa. Trên cái đẹp của cánh đồng hoa anh túc, ta thấy lòng mình khoan khoái, dễ chịu. Một thứ cảm giác khiến cho ta thấy yêu đời, vui vẻ. Lúc đó, với một người bạn bên cạnh, hai người có thể trao đổi với nhau về những câu chuyện bâng quơ, không mang một ý nghĩa nào cả, nhưng vẫn thấy vui vô cùng. Tình bạn, trên những cánh đồng phương Nam, là để nói với nhau những câu vu vơ, lông bông, vơ vẩn; nói thật nhiều nhưng vẫn không biết là mình đang nói chuyện gì với bạn. A, anh bàn về tình bạn... Không hẳn. Đôi khi tôi đi dạo một mình trên những cánh đồng phương Nam. Nắng ấm thật là dễ chịu. Tôi có cảm tưởng lòng mình đang mở rộng để đón nhận cả vũ trụ này. Tôi hạnh phúc đến độ tôi nghĩ rằng mình có thể nói chuyện với nắng ấm, cỏ xanh, và hoa dại. Đôi khi tôi không nói bằng lời, nhưng bằng mắt. Ánh mắt có thể nói lên nhiều lắm, anh đồng ý không? Ánh mắt có thể biểu lộ một cơn giận, một sự uy hiếp, hay một ý muốn vuốt ve, trìu mến. Khi hạnh phúc, đôi mắt của tôi sáng kỳ lạ. Một thứ ánh sáng từ tâm thức phát ra, hòa mình cùng với cảnh vật chung quanh. Rồi cảnh vật quanh mình biến thành một thứ thiên đàng đầy màu sắc ly kỳ, rạng rỡ. Sự thoải mái trong lòng khiến cho mình dễ chấp nhận, có khả năng bao dung đối với sự sống chung quanh. Tình bạn, theo tôi thì được làm bằng thứ cảm giác thoải mái ấy. Trên những cánh đồng phương Nam, tôi đã học làm bạn với cỏ cây, hoa lá. Tình bạn được làm bằng cảm giác? Anh thấy lạ? Phương Nam ấm áp. Dù mùa đông có về, thì khí hậu vẫn dễ chịu. Anh có nhớ câu “Việt điểu sào nam chi” không? Việt điểu là con chim gì hả anh? Và nam chi là cành cây gì? Con chim Việt làm tổ ở trên cành phương Nam. Câu thơ nghe dễ thương quá. Tôi có người bạn, đặt tên đứa con gái đầu lòng là Nam Chi. Con chim Việt, thế nào rồi cũng bay về phương Nam mà xây dựng một cái tổ ấm. Trong những năm đầu sống xa quê hương, tôi nhớ về cái phương Nam ấy mà buồn quá, nhớ quá. Nhớ nhất là những ngày Tết. Nhớ thầy cô, nhớ bạn bè lối xóm. Cái nhớ khiến cho tôi ngỡ rằng chỉ khi nào về được quê hương thì mình mới có hạnh phúc. Rồi tôi khám phá ra những cánh đồng phương Nam, ấm áp. Trên những cánh đồng ấy, cõi lòng của tôi mở ra. Tôi làm quen với những người bạn mới. Hoa anh túc dại, là người bạn mà tôi chưa từng thấy ở quê nhà. Thật lạ lùng, khi con người có hạnh phúc, có tình bạn, thì con người cũng bắt đầu có quê hương. Tôi hiểu quê hương ở một ý nghĩa rộng hơn. Quê hương bắt đầu bằng một cảm giác hạnh phúc có mặt ở trong lòng mình. Anh lại nói về cảm giác. Đúng vậy. Cánh đồng phương Nam mang đến cho tôi một cảm giác dễ chịu. Những cánh đồng hoa dại ở phương Nam nhắc tôi nhớ về một cõi hạnh phúc ở trong lòng mình. Mỗi người trong chúng ta đều có một quê hương hạnh phúc ở ngay trong lòng. Nhưng chúng ta quên mất. Chúng ta quá bận rộn trong cuộc sống mà quên mất mặt mũi của hạnh phúc. Quên mất cảm giác hạnh phúc? Ta quên. Phải đi trên cánh đồng đầy hoa dại, ta mới thấy cái cảm giác hạnh phúc đó mới tinh, nguyên vẹn. Nó là một thứ quê hương mà ta chưa bao giờ xa cách. Ta chỉ lãng quên thôi, chứ không hề xa cách. Mùa xuân trở về, muôn hoa đang phô sắc, mời gọi ta sống cho thật trọn vẹn những giây phút thật diệu kỳ ở trên hành tinh xanh này. Trên cánh đồng phương Nam, mỗi ngày tôi thấy thêm một loại hoa mới. Mỗi năm tôi thấy thêm một loại hoa mới. Tôi tự đặt tên cho chúng nó: hoa hạnh phúc, hoa bình an, hoa trời xanh, hoa đất lành, hoa nắng mới, hoa tình bạn... Trên cánh đồng phương Nam, tôi tìm thấy hạnh phúc của mình. Từ đó, tôi không thấy thiếu quê hương nữa. Từ đó, tôi tìm ra cành Nam. Trên đó, có một cái tổ ấm, và một con chim đang ấm trứng. Con chim đó chính là tôi. Tôi ấp trứng; những cái trứng của sự sống. Mỗi ngày, sự sống đều cho tôi những niềm vui mới. Tôi hiểu ra, mỗi con người là một chàng thi sĩ. Khi có niềm vui trong lòng, sự sống biểu hiện ra tuyệt đẹp như là những bài thơ. Anh làm thơ? Tôi làm nhiều thơ lắm. Tôi làm thơ bằng những bước chân tôi dẫm thật hạnh phúc trên cánh đồng phương Nam. Tôi làm thơ bằng mỗi cái nhìn, kinh ngạc mà khám phá vẻ đẹp của trời đất. Khi vội vàng, không có thời gian để sống, để nhìn, để khám phá, chúng ta đánh mất nhiều quá. Trên cánh đồng phương Nam, tôi ung dung mà khám phá, mỗi mùa xuân là một mùa tuôn dậy. Sự sống bừng lên cùng nắng ấm. Với tôi, thơ chính là sự sống. Thơ không phải là chữ nghĩa tân kỳ, nhịp điệu mới mẻ. Bản chất, cốt lõi của thơ chính là hơi thở. Thơ bắt nguồn từ buồng phổi của mỗi con người. Ta thở, ta sống, ta nhận diện ra vẻ đẹp của sự sống, ta xúc động, rồi từ đó: ta thơ. Ta làm thơ mới đúng chứ. Ta làm thơ thì chậm chạp quá. Khi làm thơ, sự sống của ta phải đi qua cái làm. Phải nói ta thơ thì đúng hơn. Ta làm gì cũng là thơ hết. Ta cười, ta nói, ta đi chơi, ta uống nước... Ta có mặt cho sự sống tức là ta thơ. Và thơ thì luôn luôn mới. Anh biết tại sao người ta hô hào làm mới thi ca không? Khi hô hào làm mới thơ, người ta nhận ra có sự cũ kĩ và lặp lại. Cái gì lặp lại? Thơ thì không bao giờ lặp lại. Cái lặp đi lặp lại hoài là mớ ý niệm ở trong đầu của chúng ta. Chúng ta bị nhốt trong cái đầu của mình và không tiếp xúc được với sự sống. Tiếp xúc được với sự sống thì ta không cần phải làm mới thơ nữa. Sự sống luôn luôn mới. Nếu không mới thì đó không phải là sự sống, mà là cái chết. Cho nên ta sống tức là ta thơ. Ta thở tức là ta thơ. Thơ hỏi thở. Ha ha... Anh tuyệt vời quá. Thơ hỏi tại sao ta không thở, tại sao ta không sống? Nơi sự sống, tôi tìm thấy lại quê hương của mình. Tôi làm quen được những con người, những nếp sống, nếp suy tư mới. Tôi nhận ra là thói quen làm cho ta già, ta cũ. Cái mà ta gọi là quê hương, có thể là một mớ thói quen lâu đời của ta. Ta xem đó là những truyền thống, là linh thiêng, là đáng được tôn thờ và ca ngợi; đáng được tồn tại mãi mãi. Ta có ngờ đâu chính những cái ta tôn thờ, ca ngợi đó khiến cho ta không tiếp xúc được với sự sống, với những cái mới đang có mặt. Cái mới đang có mặt trên cánh đồng phương Nam. Nhận ra sự sống tuyệt vời đang có mặt trên cánh đồng phương Nam, tôi thấy mình trở về. Tôi về được một nơi sâu thẳm ở trong lòng mình. Tôi về được với cái cảm giác ấm áp, dễ chịu, thoải mái. Tôi không thấy mình đang lạc lõng nữa. Tôi hồi tưởng về sự nhớ nhung của mình, trong những năm đầu sống xa quê hương, đất nước. Tôi nhớ đến những câu thơ: Hai ta
lưu lạc phương Nam này, Bài thơ buồn quá phải không anh? Buồn, nhưng người đọc thấy hay. Thấy hay vì người ta muốn cho nỗi buồn ngấm vào trong người. Người sống xa xứ thì không có quyền vui khi mùa xuân đến, trăm hoa đang đua nở. Xa xứ thì phải buồn, phải khổ, phải nhớ, phải thương, phải hận, phải uất ức... Con chim Việt chỉ có thể vui khi nó về đậu trên cành phương Nam. Còn bây giờ thì con chim Việt đó phải buồn. Buồn xa xứ. Theo tôi, thì đó chỉ là một thói quen. “Lòng đắng” là một thói quen, vậy thôi. Trên cánh đồng phương Nam, bên trăm hoa đua sắc, tôi thấy lòng mình vui lạ, và nhận ra cái cành phương Nam đó nằm ở nơi nào. Nó không nằm ở một phương trời xa thẳm, ngăn sông cách núi nào cả. Cành phương Nam nằm ở trên những cánh đồng phương Nam, nơi mà ta nhận ra sự sống đang có mặt, đang nuôi dưỡng ta ở trong từng giây, từng phút. Con chim Việt không phải là để chỉ một nòi giống. Nó chỉ một cõi lòng mở rộng, có đôi cánh để tung bay, vượt lên trên những khuôn phép bó buộc, những thói quen lâu đời để thấy mình có thể sống trong hạnh phúc. Mình vui được với chính mình, thì mình rộng lượng hơn với người khác. Con chim Việt phải bay cao, để bỏ qua những chướng ngại nho nhỏ trong đời sống hàng ngày. Cành phương Nam, không nằm ở Việt Nam? Không, ở Việt Nam, con người Việt vẫn có thể cảm thấy thiếu quê hương. Bài “Phương Nam Hành” của Nguyễn Bính được làm tại Việt Nam. Thời đó, từ Bắc mà vào Nam thì đã xem là xa xứ rồi. Tôi có người bạn, gia đình sống ở một làng nhỏ gần cố đô Huế. Anh rời gia đình vào Sài Gòn làm ăn. Mấy năm sau, trở về làng, nói được mấy câu, hơi pha giọng Nam thì bà mẹ đã trách: “Con tới xứ người mà không giữ được giọng nói quê hương!” Anh thấy không? Với bà mẹ của anh ta thì Sài Gòn là xứ người rồi đó. Vậy đâu mới là xứ mình, là cõi quê hương của mình? Ở trong lòng. Ở trong một cõi lòng hạnh phúc, ta có thể cảm thấy gần gũi quê hương biết bao. Trên những cánh đồng phương Nam, tôi đã thấy mình về tới quê hương của mình. Tôi không thấy buồn đau, nhớ nhung nữa. Trên đó, tôi cười với nắng ấm. Tôi biết ơn sự sống. Tôi biết ơn khí trời trong lành đang nuôi dưỡng tôi. Tôi biết ơn đất vững vàng đang nâng đỡ tôi. Tôi nghĩ về những con người đang sống gần, và đang sống xa tôi. Đó cũng là một cách nhớ; không phải là nhớ nhung, đau xót. Nhớ để mà biết ơn, để là cười, và cảm thấy mình là một người may mắn. Anh nè... Dạ. Trên cánh đồng phương Nam anh nhẹ nhàng, thảnh thơi quá. Dạ, tôi sung sướng thật. Tôi muốn cùng anh đi chơi trên những cánh đồng phương Nam, vào một buổi thật đẹp trời. Chúng ta đi chơi, khi nào mỏi chân, thì ghé vào một tiệm bánh mì, mua ổ bánh mì nướng trong lò củi, rồi mua thêm một chai nước suối. Sau đó, ta ngồi xuống giữa đồng cỏ mà ăn bánh mì, mà uống nước suối. Tôi sẽ thấy mình thật hạnh phúc, cất lên tiếng hát, ca ngợi sự sống thật đẹp đang có mặt. Anh thích không? Thích. Anh sẽ làm gì? Tôi sẽ cười. Và bây giờ, tôi cũng đang cười đây. Chỉ nghĩ về cánh đồng phương Nam, tôi đã thấy lòng mình thật vui. Thật là vui. LữPháp, 21-12-2008 |
Các thao tác trên Tài liệu