Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Câu chuyện Giáng Sinh

Câu chuyện Giáng Sinh

- Hậu Hiền — published 24/12/2022 12:10, cập nhật lần cuối 24/12/2022 16:57


クリスマス

(Kurisumasu monogatari)


Câu chuyện Giáng Sinh


Hậu Hiền


Phỏng theo phim của Akira Kurosawa



Mỗi ngày như mọi ngày từ hơn ba mươi năm nay, đúng 16g30, Kenji Watanabe từ từ đứng dậy, lấy mũ áo ô dù lặng lẽ bước ra khỏi văn phòng Công Vụ của Quận. Khi ông vừa bước ra ngoài đường với vẻ mặt ủ rũ cố hữu, trong văn phòng đang lặng yên như tờ, bỗng vỡ òa lên như một tổ ong. 
- "Xác ướp Ai Cập" đúng giờ còn hơn Big Ben !
- Ha ha ha !
- Ông ấy hẹn tình nhân ở quán ramen mà ! Hi hi !
- Tình nhân gì ông này ! Không những Xác ướp còn kiêm thêm Lý Toét có ma nào nó thèm chơi !
- Mấy ông ác miệng thật ! Người ta còn sống sờ sờ mà gọi là Xác ướp !  Cũng tội nghiệp ông ta, gà trống nuôi con, không đi bước nữa vì không muốn cho nó chịu cảnh dì ghẻ con chồng, cuộc đời có vui sướng gì đâu ?  Mà bây giờ con nó lớn nó có gia đình nó có biết ơn, nó có lo gì cho ông già của nó đâu ?
- Khổ thân ông ấy thật ! Mà mỗi người một số ông ơi ! Còn tôi đây này ! Ngày nào đi về trễ cũng bị con mụ vợ nó bố, có sướng gì đâu ? Thôi tôi cũng bắt chước sếp xách ô về nhà là vừa ! Chào các ông nhá !

Như một hiệu lệnh, tất cả đám công chức văn phòng hí hửng rời khỏi bàn làm việc lấy áo mũ cặp dù lục tục bước ra ngoài. Đường phố Tokyo lúc bấy giờ náo nhiệt vô cùng, xe hơi xe buýt xe vận tải đủ loại chạy ầm ầm, bụi khói bùn lầy văng tung tóe, ai mà không cẩn thận thì bị lãnh đủ trên áo pardessus mới tinh chỉ còn biết khóc mà mang ra tiệm giặt. Nước Nhật đang trong thời kỳ hồi phục, ở đâu cũng thấy công trường xây cất chung cư trường học nhà thương … đã bị bỏ bom đổ nát trong chiến tranh. Nhiều người nghèo vô gia cư sống trong những căn nhà ổ chuột lụp xụp tạm bợ dựng lên ở vùng ven. Người có tiền thì nhanh chóng chạy theo lối sống trưởng giả do quân đội Mỹ chiếm đóng mang đến. Nhà hàng, quán cà phê, phòng trà vũ trường sang trọng, thoát y vũ trường bình dân mở cửa trở lại tấp nập khách hàng đủ loại đủ thành phần.


*



Từ mấy hôm nay ở văn phòng Công Vụ không thấy ông Watanabe đến ai cũng lo. Bởi vì trong thời gian hơn ba mươi năm làm việc, hầu như ông chưa nghỉ ngày nào. Không phải vì việc nhiều làm không xuể, mà vì ông tự cho mình là người không thể thay thế được. Mà việc phòng Công Vụ là việc gì mà ông Watanabe phải lo lắng đến thế ? Phòng Công Vụ là nơi nhận đơn khiếu nại của người dân trong Quận liên quan đến đường xá, cống nước, xây cất lợi ích công cộng. Khi một lá đơn được chấp thuận, phòng Công Vụ Quận không thể tự mình quyết định thi công mà phải được các phòng, các sở khác chấp thuận. Nếu đơn có liên quan đến đường xá cầu cống thì phải có ý kiến của Sở Công Chánh, có liên quan đến cây cối, công viên thì Sở Công Viên Cây Xanh phải vào cuộc, có yếu tố dịch giã vệ sinh thì phải hỏi Sở Y Tế, có tác động đến trường học phải hỏi Sở Giáo Dục, không rõ ngành nào hay liên quan đến nhiều ngành thì phải đưa lên Sở Quy Hoạch Thành Phố. Cấp trên nhiều lần nhắc nhở các phòng các sở phải « đồng hành », « đồng bộ », tránh hết sức tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, công trình không đáp ứng đòi hỏi của người dân phải phá đi sửa lại tốn kém ngân sách thành phố tiền đóng thuế của người dân. Kết quả là một dự án bất kỳ nhỏ hay lớn muốn hoàn thành đến nơi đến chốn phải tính bằng năm chưa kể có thể treo giò ngang xương không biết vì lý do nào ?


Ông Watanabe đã sống qua quá nhiều dự án như vậy rồi, ông đã thật sự mệt mỏi, ông không còn hơi sức khởi công bất cứ một dự án nào. Ông chỉ biết làm mỗi một việc là đóng dấu "Từ Chối" trên mọi đơn từ người dân xin sửa chữa hay xây cất bất cứ gì trong quận. Trong ba mươi năm nghiệp vụ, không biết ông đã đóng bao nhiêu lần hai chữ này bằng mực đỏ ? Một triệu ? Hai triệu ? 


Chán quá ông không muốn đến sở nữa ông muốn đi bất cứ nơi nào có hơi thở cuộc sống có tiếng người nói cười tiếng hát ! Hay là... mình đi thử các phòng trà khiêu vũ ? Đến tuổi này mà chưa từng bước chân vào chỗ đó là quá cù lần ! Phải hưởng thụ xả láng rồi chuyện gì sẽ tính sau ! Như có sức tàn chất chứa lâu năm trong lòng đến lúc không chịu được phải phụt lên như ngọn núi lửa, Watanabe bước đi hăm hở về khu ăn chơi Kabukicho. Không khí nhạc jazz tưng bừng làm ông tỉnh hẳn người, phòng trà, phòng thoát y vũ, quán ăn, san sát nhau hai bên đường làm ông lúng túng không biết chọn chỗ nào.Ông chợt thấy bảng chữ tiếng Pháp "La Vie en Rose", "Thôi đây rồi ! Mình phải vào đây cho đời lên hương !". Ông đẩy cửa bước vào thì hai cô gái trẻ mặc váy đầm bó chẽn, mặt đầy son phấn lòe loẹt chạt ra đón ông, một cô nói :

Irasshaimase (Bienvenue - Hoan nghênh) ! Kính chào anh Hai ! Mời anh Hai vào chơi vào tụi em ! Phong trà có nhạc hay, rượu ngon lắm !

- Ờ ờ ! Mấy cô đẹp lắm ... mà tôi phải đi với hai cô luôn sao ?

- Sao cũng được anh ! Đi với một mình em hay hai tụi em cũng được, miễn là anh chi đẹp là được !

- Ừ thì cả hai !

Watanabe được hai cô ca ve dìu vào trong bộ xa lông sang trọng, một cô gọi sâm banh, đồ nhắm rồi mọi người cụng ly mừng ông khách mới đến lần đầu. Hết ly này cô ca ve Akiko đã rót đầy ly khác, Watanabe uống tới tấp không còn biết trời đất gì nữa, ông cứ la lên "Vui quá ! đời vui quá ! La vie est belle ! La vie est belle !". Đến một lúc, ông kêu lên "Uống rượu anh chán rồi ! Anh muốn khiêu vũ !", Watanabe đứng phắt dậy trả tiền rồi bước đi loạng choạng ra ngoài kiếm phong trà. Thấy bảng "Les Folies Bergères", ông nhào vô, ông được một cô vũ nữ sexy ra đón kéo ngay ông nhảy theo điệu cha cha cha, mambo, rock cuồng dại sau mới chậm lại theo điệu boston slow tình tứ đến khi mệt lử ông lăn quay say mèm trên bộ ghế.

Một hồi lâu sau cô vũ nữ lay anh dậy :

- Anh ơi ! Dậy đi ! Phòng trà sắp đóng cửa rồi ! Phải gọi taxi đi về !

- Hả hả cái gì cái gì ? Phòng trà nào ? Tôi ở đâu đây ?

- Phòng trà Les Folies Bergères chứ ở đâu ! Thôi anh dậy mau còn đi về !

- Ừ về thì về ....



Sáng hôm sau, Watanabe tỉnh dậy trên giường còn nguyên bộ đồ com lê mặc trên người. Đầu ông nhức nhối như bị búa đập vào đầu, miệng khô khát người, cả người bần thần buồn nôn. Ông nghĩ thầm "Thế là ăn chơi trác táng đó hả ? Vui được một tí rồi lại buồn cô đơn trầm cảm bệnh hoạn. Chán quá ! Làm sao tìm được hạnh phúc đây ?". Nằm một hồi ông miễn cưỡng vực dậy tắm rửa thay quần áo rồi bước ra phố đi lang thang hết khu này đến khu khác. Ông vào tiệm cà phê, gọi một ly rượu trắng, ngồi trầm ngâm cả giờ ngắm người qua lại, ông thấy sao họ hạnh phúc thế, họ vừa đi vừa nói chuyện, có người cười, có người ưu tư nhưng ai cũng có việc để lo nghĩ, cuộc sống của họ có ý nghĩa không như ông. Ngồi một lúc chán, ông trả tiền đứng dậy rồi lại đi lang thang trong đầu cứ nghĩ miên man về cuộc đời vô dụng của mình chả làm nên trò trống gì cả. Đi một lúc, ông rời khu trung tâm lúc nào ông không biết, ông lạc vào một khu tăm tối nhà cửa lụp xụp bóng đèn leo lét đường xá bùn lầy trẻ con ăn mặc rách rưới chơi đá banh ngoài đường. Ông lẩm bẩm "Làm sao mà còn những khu như vậy ở Tokyo ? Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, thành phố đã thực hiện bao nhiêu công trình xây cất nhà cửa, đường xá, công viên ... mà tại sao ở đây tình trạng tồi tệ như vậy ?". Ông đột nhiên giật mình nhớ lại từ trong văn phòng có lần ông nghe tiếng ồn ào ngoài phòng tiếp dân nào "ống nước bể", "nước bẩn ô nhiễm một bãi đất trống trẻ con hay chơi đá banh", "trẻ con bị bệnh", "xây công viên" ... Cặp mắt ông chợt sáng lên, trong đầu ông quay cuồng đủ thứ suy nghĩ, con người ông như đang thay đổi hoàn toàn, ông không còn dáng điệu ủ rũ chán đời nữa mà có cái gì như là cương quyết nhất định muốn làm việc gì.


Ngày hôm sau, ở phòng Công Vụ, mấy ông công chức đang ngồi uống trà tán gẫu.

- Này các ông ! "Xác ướp" đã bỏ nhiệm sở cả tuần nay rồi, thể nào ông Quận Trưởng cũng phải chỉ định người thay thế chứ ?

- Đương nhiên rồi ! Trong bọn mình tôi chỉ thấy ông Ono là có khả năng nhất !

- Không có đâu ! Ông Ono phản đối, tôi thì thấy ông Kimura hơn tôi nhiều

- Thôi đi ông ! Muốn làm xếp lắm mà cứ làm bộ em chả em chả !

Mọi người cười ầm lên. Bất thình lình ông Watanabe tự nhiên xuất hiện ở ngưỡng cửa, ai cũng há hốc mồm ngạc nhiên.

- Vui quá Trưởng Phòng đã về, Ono nhanh nhẩu chào trước.

- Chào các ông ! Watanabe cười vui vẻ. Mình không có nhiều thì giờ, mời các ông chuẩn bị áo mũ cặp dù đi ngay với tôi đến khu Arakawa mình chuẩn bị công trình giải độc bãi đất trống để xây dựng sớm công viên cho trẻ con.

- Hả ! Cái gi ! Cái gì ! mọi người đều kêu ầm lên.

- Đơn đã được chấp nhận đâu Trưởng Phòng, Ono vội nói ngay.

- Ông không lo, tôi sẽ đi lên gặp các Sở, Ban Ngành rồi nếu cần gặp ông Quận Trưởng, ông Thị Trưởng. Nếu Phòng ta nhất quyết đồng lòng làm việc vì dân vì thành phố cấp trên sẽ ủng hộ và duyệt cho. Ta đi thôi !

Nghe lệnh sếp, mấy ông công chức phòng Công Vụ hớt hơ hớt hải lục tục kéo nhau ra ngoài lên xe hơi trực chỉ xóm nghèo.


*


Mấy tháng sau, khu đất trống được tẩy sạch, một công viên sáng sủa đẹp đẽ được dựng lên với các cầu tuột, bãi cát, các con vật trên lò xo ... trẻ con trong xóm nghèo thích thú vui đùa hò hét inh ỏi. Các bà mẹ một thời làm đơn lên phòng Công Vụ hãnh diện nhìn đàn con mình vui chơi mà nhớ đến công ơn ông Watanabe đã bỏ biết nhiêu sức lực công lao vận động các cơ quan mới được ngày hôm nay. Không biết có phải lý do đó không mà ông Watanabe lâm bệnh rồi mất, Ono lên thay. Một hôm có một phái đoàn người dân một xóm nghèo khác đến làm đơn thỉnh nguyện làm lại đường bị sụt lở, Ono gạt ngay nói là không có ngân sách, Kimura đứng dậy định phản đối nhưng khi thấy mọi người ai cũng cúi gầm mặt xuống hồ sơ, ông lại thôi. Phòng Công Vụ sau cơn bão Watanabe đã trở lại với cuộc sống bình lặng, nhàm chán của bao nhiêu năm trước. Đến giờ tan sở, trên đường về, Kimura đi qua cái cầu bắc qua xóm nghèo Arakawa. Ông nhìn xuống công viên lúc nào cũng tấp nập trẻ con vẻ mặt hớn hở tiếng cười ròn tan. Kimura mỉm cười sung sướng.


Hậu Hiền

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss