Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Cầu cơ

Cầu cơ

- Ninh Kiều — published 07/10/2007 00:57, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
truyện ngắn


Cầu cơ


Ninh Kiều

 

Anh Thao về ở trọ ăn cơm tháng trong gia đình ba má tôi từ lúc nào, tôi không còn nhớ rõ nữa. Nhưng ngay lúc đầu, biệt tài đàn ghita và hát rất hay của anh Thao đã rất thu hút ... 

Nhà đông con, tuổi nào cũng có, từ thằng em trai út chưa đi học đến anh kế sắp thi trung học đệ nhất cấp, đến bà chị sắp thi tú tài một rồi đến ông anh cả sắp thi tú tài hai, còn lố nhố thêm bốn đứa nữa nằm giữa em trai út và anh kế, mà trong đó chỉ có tôi là gái. 

Ngoại trừ ông anh cả với bà chị, là những người nghiêm túc, còn lại là đám lao nhao. Năm nào trong nhà cũng có đứa thi cử, song bọn lao nhao chúng tôi vẫn còn có rất nhiều thời giờ để tụ tập, nghe các anh lớn đờn ca, kể chuyện phim và nhất là chuyện ma. Thời của những năm 50, 60, ở Sài gòn chẳng có gì để giải trí cho bọn trẻ chúng tôi, ngoài mấy rạp chiếu bóng thường chiếu phim cao bồi, phim Zorro, hay phim Ấn Độ. Các anh lớn đi xem phim về hay kể lại, kêu nhân vật chính trong phim là thằng làm tuồng, thằng chánh đảng và bọn nhỏ chúng tôi ngóc mỏ lên nghe, say mê. 

Thời đó, thất tình còn nhảy xuống sông cầu Bông tự tử được, và trăng còn sáng, sáng vằng vặc trên bầu trời Sài gòn. Và chúng tôi náo nức đợi trăng để tụ nhau lại trên chiếc chiếu trải giữa sân, cạnh bụi trúc, xù xì kể nhau nghe chuyện ma trong khi người lớn, nằm trên ghế bố, bàn tán tình hình thời sự. 

Con ma mà đến bây giờ, sống giữa Paris, đèn đuốc sáng choang mà chỉ nhắc đến tên thôi là tôi vẫn còn có cảm giác không yên tâm. Thật vậy, một nỗi sợ hãi ngấm ngầm nằm trong tiềm thức không có cách gì bứng ra được, đó là ma lai, ma lai rút ruột. "Ma lai rút đầu ra khỏi thân mình, ruột lòng thòng, bay cùng nhà. Ban ngày thì như người thường", anh kế tôi giải thích cho đám em ngồi lố nhố trước mặt như vậy. Anh là người sợ ma nhất nhà mà cũng hay kể chuyện ma nhất nhà. "Người thường", anh  nhấn mạnh. Chúng tôi nhìn nhau, nghi ngại, người thường có nghĩa là nó ở lẩn quẩn đâu đây. "Không chừng nó đang ở chung với mình, tụi bây phải coi chừng", anh tôi cảnh cáo. "Làm sao biết ai là ma lai", có đứa nào đó mạnh dạn hỏi. Anh tôi nghiêm mặt suy nghĩ rồi búng ngón tay cái chóc "nó có ngấn ở cổ, rút ra rút vô thành ngấn". Bất giác tôi nhìn qua thằng em út, quan sát cái cổ lùn xịt của nó. Nó ngạc nhiên ngước mắt nhìn tôi lo lắng. Túm mớ tóc khét nắng của nó, tôi kéo nó nghẹo đầu qua một bên để thấy rõ mồn một, không những một mà tới hai ngấn cổ. Hai ngấn cổ viền đen, màu đất. Tôi hất đầu nó ra, nạt  "chiều nay làm biếng tắm phải không ?". 

Thằng này tối ngày chạy long ngong, chỗ nào quay đi quay lại cũng thấy nó, như cái đuôi, đeo theo các anh chị. Mỗi lần chơi trốn kiếm, kiếm được chỗ núp trần ai, quay qua quay lại thấy nó ngồi bên, hít mũi rột rột. 

Qua chiều hôm sau, tôi lôi nó ra lu, duột nước lạnh thằng nhỏ, kỳ đi kỳ lại cái cổ muốn tróc da tới thằng nhỏ mếu mà không dám khóc. Coi vậy mà nó rất nhạy cảm, chắc đọc được trong đôi mắt chị nó nỗi lo âu, cho nên răng đánh bò cạp vì lạnh, mà ráng hỏi "em, không phải, hả chị ?". Tôi phát vào đít nó một cái bép "bây giờ thì chưa, mà làm biếng tắm thì thành…". Thằng nhỏ riu ríu "dạ" trong khi tôi mở cờ trong bụng vì đã tìm ra được lời hăm doạ vô cùng hiệu quả đối với thằng em ở dơ mà tôi là người có bổn phận tắm rửa hàng ngày cho nó. Tưởng hăm em cho qua chuyện, không ngờ bị nhập tâm, nửa đêm giật mình, mở mắt nhìn ngọn đèn dầu leo lét trên bàn thờ ông bà qua vải mùng rồi nhìn thằng em út nằm ngủ khò bên cạnh, vừa sợ ma, vừa mừng thấy em còn nguyên vẹn, đầu, mình dính liền. 

Lớn lên trong bầu không khí sợ ma, nhất là ma lai, lại thường kéo nhau đi thả diều ở gò mả đầu xóm, cho nên tuy sợ ma nhưng chúng tôi sống rất gần với người chết. Rồi một hôm các anh trong nhà, không biết nghe đâu mà rủ nhau bày ra chuyện cầu Cơ. Các anh mày mò tìm được một miếng gỗ, bảo là ván hòm người chết, rất linh thiêng. Mấy hôm sau, miếng gỗ sần sùi được đẽo gọt thành hình trái tim, thành con Cơ. 

Rồi các anh chọn một đêm sáng trăng, đặt một cái bàn thấp trên chiếc chiếu giữa sân, trải lên đó một tấm bìa láng, trắng ngà ngà, chiếm gần hết mặt bàn. Ở giữa tấm bìa, một trái tim tô màu đỏ chĩa thẳng lên 24 chữ cái viết bằng mực đen, sắp thành một hàng dài.

Hơn mười giờ khuya, người lớn đã tắt đèn đi ngủ, chỉ còn bọn lao nhao chúng tôi ngoài sân, dưới ánh trăng. Ở một góc bàn, bát hương lập loè mấy cây nhang. Không khí rờn rợn như có âm hồn quanh quẩn đâu đây. Và biết đâu, ma lai đang bay lượn trong bóng tối, đầu với ruột lòng thòng… 

Chúng tôi cả thảy bảy đứa ngồi trên chiếu, sát vào nhau, quanh bàn. 

Anh kế tôi, chánh đảng, giải thích, giọng bí mật "phải có ba đứa đặt ngón tay trỏ lên Cơ, khi hồn ma nhập vào thì Cơ chạy. Cấm đẩy, đứa nào đẩy, ma bắt". Chúng tôi thì thầm bàn tán, cãi vã một lúc rồi đồng lòng chọn ba người, dĩ nhiên trong đó có anh kế tôi và anh Thao, tức chánh đảng và người bày đầu…trò cầu Cơ, thêm thằng em út, được chọn vì chưa biết đọc. 

Ba người vừa đặt ngón trỏ lên con Cơ thì trăng lu, mấy cây nhang bỗng cháy lập loè, một luồng gió thổi ngang, lành lạnh. Có lẽ để đề phòng những đứa hay thối lui, bàn ra, anh tôi hăm "bây giờ đứa nào bỏ chạy thì hồn nó theo". Tôi như bị chôn chân tại chỗ, người co rúm lại. Sợ. 

Anh Thao thì thầm gọi hồn người chú "chú ơi, cháu là Thao, cháu ruột của chú. Sống khôn thác thiêng, chú về nhập Cơ cho cháu hỏi…". Anh Thao tiếp tục mời mọc, giọng càng lúc càng tha thiết. Tôi thì cứ nép sát vào anh tôi, mắt như dính chặt vào con Cơ. 

Ba ngón trỏ vẫn đặt yên trên Cơ, kiên nhẫn chờ… hồn nhập. 

Bụi trúc tối hôm nay sao cứ kêu kẽo kẹt, kẽo kẹt không ngừng như có người nghiến răng. Rồi con mèo mướp bằng tuổi tôi, thường nằm lim dim một chỗ vì quá già, tự dưng từ trong bóng tối phóng ra, hai mắt chiếu sáng như hai hòn ngọc, thân cong lại, một chân trước cào cào trong không khí, kêu khè khè, rồi lùi dần vào bóng tối như có ai vô hình đứng trước mặt nó làm cho nó sợ. Tôi giật thót người và tim đập thình thịch. 

Trăng lu rồi tỏ, tỏ rồi lu. Đêm nay trời nhiều mây, cứ lâu lâu lại có đám mây bay qua che trăng, bóng đen ụp xuống, tối sầm. Mấy cây nhan sắp tàn mà Cơ vẫn đứng yên. Em út tôi thình lình rút tay ra, gãi ót "em buồn ngủ". Anh tôi bực mình "lộn xộn, vô nhà đi". Em tôi lí nhí trong miệng "…sợ". Anh tôi bảo "đứa nào đưa em vô nhà", nhưng thấy không đứa nào nhúc nhích bèn ra lệnh "nằm xuống chiếu ngủ đi" và quay qua tôi "em thế nó". 

Cơ vẫn đứng yên. Tàn nhang lập lòe sắp tắt hết. Không biết mấy giờ rồi. 

Mây bỗng tan, trăng chợt tỏ, Cơ tự nhiên nhúc nhích dưới ánh trăng, "hồn lên rồi", anh tôi la lên khe khẽ "không được rút tay ra". Cái Cơ xoay tròn, chầm chậm, ba ngón tay trỏ xoay theo. Tôi ngồi giữa, ngón tay trỏ để trên đuôi Cơ, anh tôi bên trái, anh Thao bên phải, hai ngón trỏ của hai anh đặt trên hai cánh Cơ như đứng hầu đằng sau, nặng trịch. Cơ xoay vòng ngược kim đồng hồ, cánh tay của anh tôi luồn dưới cánh tay tôi, tréo ngang. Nếu Cơ tiếp tục xoay cùng hướng thì anh tôi phải bỏ tay ra nhưng tự nhiên Cơ dừng, rồi từ từ xoay ngược lại. Anh tôi hối thúc "hồn lên rồi, hỏi đi". 

Anh Thao ấp úng khiến anh tôi phải nhắc "Hỏi hồn có phải là chú không ?". Cơ cứ xoay qua xoay lại , chầm chậm, rời trái tim vẽ, rồi từ từ rơi tuột về phía dưới, ở góc phải tấm bìa. Cơ đứng yên một lúc rồi Cơ xoay qua xoay lại, nặng nề trồi lên. 

Anh tôi nhắc "không đẩy, không được đẩy", giọng xúc động "để yên cho Cơ chạy". Giờ thì Cơ nằm trước mặt 24 chữ cái, xoay qua xoay lại nhè nhẹ. "Nếu hồn thật sự là chú của Thao, xin đứng yên", anh tôi vái. Cơ bỗng không động đậy nữa. Anh Thao trở nên bạo dạn "nếu hồn thật sự là chú thì xin hỏi lúc mất, bao nhiêu tuổi". Cơ đang đứng yên bỗng xoay qua xoay lại rồi tiến lên, tiến lên về phía bên trái. Cơ đi ngang qua mặt chữ I, rồi hơi trờ qua chữ H một chút, dừng lại. Anh tôi la lên nho nhỏ, phấn khởi "chữ H, nhớ nha". Cơ xoay qua xoay lại quay mũi về bên phải, từ từ di chuyển rồi dừng lại trước chữ N, "HN", anh tôi lẩm bẩm trong miệng, bối rối. Cơ nhích thêm về bên phải, đứng giữa chữ N và chữ O. "HNO, không có nghĩa", anh tôi thất vọng lập đi lập lại mấy lần rồi reo khẻ "H, O, N là…là hòn, là hón, là hỏn, hồn, là…hỗn, hỗn". 

Dường như lặng người đi một lúc mới chợt hiểu hết tầm quan trọng của chữ hỗn, vừa từ cõi xa xăm vọng lại, nhắn về, qua Cơ, Anh Thao khẩn khoản "xin lỗi chú, cháu xin lỗi chú, chú tha lỗi cho cháu…". 

Cơ tiếp tục xoay qua xoay lại, chầm chậm như chờ đợi. 

Sau giây phút nặng nề, bị mắng mỏ bất ngờ, anh tôi hối thúc "hỏi tiếp đi". 

Anh Thao thành khẩn "dạ, cháu sắp thi trung học đệ nhất cấp, chú ơi, cháu sẽ đậu hay rớt". 

Vừa dứt lời, Cơ chạy.

 Cơ dừng lại ở chữ H một lần nữa, rồi chữ O, chữ N và chấm dứt bằng chữ G, một cách nhanh lẹ và cương quyết. 

Anh tôi dịch thông điệp "H, O, N, G là hỏng", rồi hạ giọng "hỏng là rớt". 

Không khí lặng đi, chìm xuống như chia xẻ niềm đau chưa thi mà đã rớt và anh Thao nghẹn ngào "cháu cám ơn chú", nghe thiệt là…não nề. 

Rồi sau vài tiếng "hự hự" trong cổ họng như người bị nghẹt đàm, tôi không nghe anh Thao nói thêm gì nữa. 

Yên lặng. Âm u. Cơ đứng yên nhưng dường như vẫn có ai ẩn nấp trong đó.

Để thay đổi bầu không khí, anh tôi đề nghị "thôi mình gọi hồn khác lên đi". Vừa mới dứt lời thì Cơ động đậy. Anh tôi phấn khởi "hồn khác nhập rồi đó, xin cho biết là ai". Cơ xoay qua xoay lại rồi bươn bươn đi về cuối hàng chữ, dừng lại ở chữ Q, rồi nhích tới chữ U, rồi lưỡng lự nửa muốn quay về bên trái, nửa muốn tiếp tục đi cùng hướng. Cuối cùng Cơ quay về phía trái và tiến dần về, về phía chữ K, rồi không dừng ở chữ K, mà vượt qua khỏi chữ K, hướng về chữ sau chữ K… 

"Q, U, I là quỉ", tôi nghe anh tôi la lên. 

Anh tôi hét lên, rú lên thì đúng hơn, rồi chạy vọt tuốt vô nhà "quỷ, bây ơi, quỷ, quỷ". 

Có lẽ mấy giây sau, bọn lao nhao mới thấu hiểu hết tầm quan trọng, hết tai hoạ của sự việc vừa mới xảy ra, để mạnh đứa nào đứa nấy chạy bò lăn bò càng. Thằng em út ngóc đầu dậy, khóc oà. Điếng người, tôi ngồi chịu trận trước cái bàn, có con Cơ nằm im một cách dễ sợ, như đang sống, như đang thở, trên tấm bìa trắng ngà, dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Tôi lấy hai tay ôm đầu thằng em cổ kiền hai ngấn vào lòng mình, mắt đăm đăm nhìn con Cơ như sợ nó nhảy bổ vào người, cho đến khi nghe tiếng má tôi rầy. Và một khi đã hoàn hồn, tôi nhìn qua bên cạnh thấy anh Thao ngồi chết trân, và nhìn trở lại con Cơ mới nhận ra vẫn còn có ngón tay trỏ của ai đó đặt lên trên con Cơ, như cố sức đè nó xuống để nó không thể cựa quậy được. 

Sáng ra tôi ráng thức dậy sớm hơn mọi ngày, giặt một thau đồ trước khi đi học, toàn là quần. 

Trong nhiều ngày chúng tôi nhìn nhau, thông đồng, không hó hé đến chuyện tối hôm ấy, đến chuyện cầu Cơ, đến chuyện con Cơ nữa. Nhưng má tôi vẫn biết, không những má tôi tịch thu, dấu biệt con Cơ mà còn hăm mét ba tôi khiến các anh tôi phải năn nỉ má tôi gần gãy lưỡi. Từ đó về sau, anh tôi vẫn còn kể chuyện ma lai song không bao giờ đả động đến chuyện cầu Cơ nữa. 

Và tôi để ý, sau đêm cầu Cơ, anh Thao thường ngồi trước bàn học, sách vở mở ra trước mặt mà không thấy lật trang. Năm đó anh Thao thi rớt, trở về miền Trung, rồi bặt tin luôn. 

Tôi gặp lại anh kế tôi ở Sài gòn, năm 90. Trước mặt đám con cháu, của anh, ngồi lổm ngổm, vui miệng anh nhắc những kỷ niệm thuở nhỏ, trong đó có chuyện cầu Cơ. Anh thêm mắm dậm muối khiến tụi nhỏ nghe chuyện ma mà cười rần rần, rồi còn hỏi "thiệt hông, hồn nhập Cơ chạy thiệt hông ?". Anh tôi vỗ đùi cười ha hả "đặt chuyện kể nghe cho vui, thiệt gì, đẩy Cơ mệt chết luôn". 

Nhưng sau đó anh kéo tôi ra chỗ vắng người, nói nhỏ "giữ bí mật, đừng để mấy đứa nhỏ dại dột bắt chước, tai hại khôn lường, cơ trời bất khả lậu. Kêu hồn lên, phá rầy người chết làm gì, mang tội. Thằng Thao, tội nghiệp, không biết bây giờ nó lưu lạc ở đâu…". Tôi chân thành "chuyện xưa rồi, bây giờ em nói thật, chính em đẩy Cơ". Anh tôi nghiêm mặt "em đừng đùa, chuyện linh thiêng, nói tầm bậy mang tội". Tôi nằn nì "chính em đẩy, bởi vì rõ ràng em muốn Cơ đi đâu, Cơ đi đó. Không hiểu sao em ghét cay ghét đắng anh Thao, em mắng ảnh hỗn, em trù cho ảnh thi rớt", tôi còn nói thêm "anh còn nhớ không, sau khi chỉ chữ q và chữ u, Cơ do dự trước chữ i ngắn và i dài, đó là tại em dốt chính tả", nhưng anh tôi khoát tay, giọng quả quyết "bộ em tưởng hồn không dốt chính tả à. Em không thể qua mặt được anh, em mà đẩy, anh biết ngay", rồi quay ngoắt đi như muốn chôn vùi chuyện cầu Cơ, một lần cho mãi mãi. 

Không giãi bày được với anh mình, tôi bỗng ước mong ngày nào đó gặp lại anh Thao. Mong ước bâng quơ vậy mà thành sự thật, năm ngoái tôi gặp anh Thao trước cửa Nhà Bưu điện Sài gòn, hết sức tình cờ. Anh đi ra, tôi đi vô, cùng quay đầu ngó lại. "Phải em đó không?", anh Thao cảm động. Hỏi sao nhận ra, anh cười "trán vồ". Thật tình tôi không nhận ra anh, nhưng vẫn quay lại vì cảm nhận dáng... một Việt kiều. 

Tôi trút bầu tâm sự "không hiểu sao hồi đó em ghét cay ghét đắng anh, nên em trù anh thi rớt..." và nằn nì "em đã đẩy Cơ rủa anh, trù anh". Anh Thao hớn hở "vậy sao? ", rồi hóm hỉnh "vậy mà giấu kĩ quá ta, phải chi hồi đó anh biết... ", và hạ giọng "bây giờ muốn được em ghét một chút mà cũng không được nữa rồi ". 

Trong quán ăn chật ních người, có mười khuôn bánh khoái bốc khói không ngừng. Không xa chỗ lửa củi cháy rừng rực, có hai Việt kiều ngồi đâu đầu nói chuyện, như chỉ có mình họ ở trên đời nầy. 

"Chính là nhờ em ghét cay ghét đắng anh, trù anh nên anh thi rớt, làm lính thường, lính kiểng, không tham gia đánh nhau, sau này không phải đi học tập. Phải được em ghét thêm chút nữa, không chừng anh khá hơn... ", cũng vẫn cái giọng cà rỡn, không thay đổi, rồi anh thở dài "lúc ấy em còn nhỏ quá, nào đã hiểu gì". Tôi phản đối "không hiểu gì mà biết mắng anh hỗn để bịt miệng anh, nhỏ mà biết dùng chữ hỏng, thay chữ rớt vì biết chú anh người bắc, nhỏ mà hiểu rất mau lẹ là mình đang nắm quyền lực trong tay, điều khiển được Cơ, làm khổ được người khác, thậm chí trả thù người...", anh Thao lại đùa "trả thù người đã ký đầu em vì em dốt toán chứ gì?". Tôi nắm lấy cơ hội "không những dốt toán mà còn dốt chính tả, chữ quỷ mà phân vân không biết i ngắn hay i dài, thì là em chớ không ai vô đó, anh còn nhớ con Cơ dụ dự không? ". Anh buồn rầu "nghe chữ hỏng rồi, anh đâu còn tâm trí để biết quỷ hay ma, song anh cũng ráng dí con Cơ xuống mặt bàn vì anh có cảm tưởng nó còn đang cọ quậy, cứ sợ nó chồm lên chụp hai đứa mình". Tôi định nói thêm "quỷ..., không phải em nghĩ ra, cũng không phải anh, chắc là anh... " nhưng tôi chỉ nuốt nước miếng, bậm môi, mắt tự nhiên cay xè, chắc bị... khói. 

Ông Trời như muốn sắp đặt cho nạn nhân và thủ phạm ngồi bên nhau lâu hơn hay sao mà sau khi ăn gần chục cái bánh xèo dòn rụm, nóng hôi hổi, mỗi cái bằng bàn tay với một số lượng rau sống tươi roi rói, thì trời đổ mưa, mưa xối xả, mưa nổi bong bóng. 

Tôi đang ăn bỗng nghẹn, không thể ăn được nữa và chỉ muốn nói cho hết những gì chất chứa trong lòng "anh biết không, nếu hai anh trì phía sau, em không thể đẩy con Cơ một mình được, nhưng em chỉ cần nhích nhẹ nó qua một bên thì hai anh đi theo, mà đi theo là đã đẩy, là đã trợ lực. Em chỉ cần xoay qua xoay lại con Cơ là được hai anh tiếp sức ngay, con Cơ trở thành nhẹ tênh, điều khiển hướng đi không khó. Hai anh đưa ngón trỏ đi theo là đã đẩy, đã trợ lực cho con Cơ rồi..." Tôi tiếp tục phân tích, chứng minh lực đẩy con Cơ là xuất phát từ hai cánh Cơ, một cách hùng hồn, khoa học, nói như sợ bị cướp lời, trong khi anh Thao cấm đầu ăn, không nói lời nào khiến tôi nóng ruột "anh nghe em nói không? ". Anh Thao gật gù "anh nghe, em cứ nói đi, anh nghe mà". Tôi hỏi vặn "anh không cảm nhận là chính mình đã đẩy sao?" Tôi nói câu này đúng lúc anh Thao vừa ăn xong cái bánh khoái cuối cùng, không còn gì để ăn nữa, bỏ đủa xuống bàn, ngồi trầm ngâm. 

Mưa đầu mùa, tháng năm, ở Sài gòn, nhiều khi rất dữ dội, chớp sáng choang xé màn đêm, sấm đánh ầm ầm, giật cả mình. Chúng tôi đổi chỗ ngồi, thụt vào trong một chút, uống trà nóng chờ tạnh mưa. Ánh đèn trong quán hắt ra tận lề đường. Dường như thấy tôi đăm đăm nhìn nước mưa hối hả tuôn xuống cống, kéo theo rác rưởi, ồ ạt, anh Thao nhắc chuyện xưa "Lâu lâu nhớ lại những lần em tắm mưa ngoài đường, nước ngập khỏi đầu gối, gần cái miệng cống nước chảy cuồn cuộn như vầy, anh còn giật mình, sợ em bị nước cuốn trôi xuống lỗ cống mất ... Bây giờ, mấy chục năm sau, cống rãnh vẫn còn y nguyên như xưa, chỉ khác là em không còn mặc quần phùng tắm mưa nữa". 

Rồi anh Thao tiếp tục nhìn đăm đăm dòng nước đen ngòm của sình lầy, của cát bụi, của rác bẩn thành phố, chảy ào ào xuống cống, nói tiếp "nãy giờ lắng nghe em nói, anh nghĩ miên man, chuyện đời, thấy dường như mình vẫn còn để ngón tay lên con Cơ, đi theo. Trong ba đứa đứng ra cầu Cơ, có lẽ em là người..., là người... sáng suốt hơn cả vì em đã phân định được người đẩy và người xoay... Phải có những thằng ngờ nghệch như anh thì Cơ mới chạy, đúng như em đã khẳng định, đi theo là đã đẩy, đã trợ lực rồi... Nhưng ngày nào còn sống cái thân phận nhỏ nhoi của con người thì cũng phải đi... theo, còn ai xoay con Cơ thì làm sao biết được... hả. Cứ đi theo mà không hề có cảm giác là mình đẩy, có lẽ nhờ vậy mà mình có thể sống an vui, yên ổn trong tâm hồn. Nếu không, cái gì cũng cảm nhận có phần mình tham dự trong đó thì dễ sợ quá... Còn về người xoay Cơ, có chắc gì đã không bị hồn ma nhập vào ? Và nghĩ quẩn, biết đâu mình cũng đã biến thành ma lai từ hồi đời nào rồi mà không hề hay biết... "


Anh còn nói nhiều nữa, nhưng tiếng Anh bị át bởi tiếng mưa dội trên mái tôn, nghe tiếng mất tiếng còn "...rác rưởi... cống rãnh... ô nhiễm... tham nhũng... hối lộ... thời đại... nguyên tắc... ảo tưởng... khát vọng... dân chủ... tự do... kinh tế... toàn cầu... quyền... người... bình đẳng... hạnh phúc.. .trách nhiệm...". Có lúc chớp sáng choang, như có ai rọi đèn pha vào diễn viên chính trên sân khấu, tôi thấy Anh hai tay ôm đầu cuối gập, cùi chỏ chống đầu gối, nói cái gì đó nghe như "thương không hết...con người..." chìm trong tiếng sấm, ầm ầm như có ai khua thùng thiếc điếc tai.

Tạnh mưa.

E ngại chính mình khó lòng tránh khỏi phút giây bịn rịn từ giã nhau và lời xin lỗi trơ trẽn muộn màn, tôi nói nhanh "Em đi xe ôm, anh đừng lo", rồi nhảy lên xe, ngồi chàng hảng, ôm eo ếch anh chủ xe, chồm người lên nói vừa đủ nghe "đầu cầu Bông". Xe vọt. "Em cẩn thận... ", anh Thao nói vói theo giọng có vẻ ái ngại nhưng tôi quay lại đưa tay lên chào và kịp thấy một người đàn ông già trước tuổi đứng chưng hửng bên đường.

Đường trơn sau cơn mưa nhưng xe chạy khá nhanh. Cảm thấy tôi nắm hơi chặt cái dây nịt quần của mình, anh xe ôm trấn an "bảo đảm, cô đừng sợ". Tin cậy, tôi nới tay ôm lưng quần người đàn ông xa lạ, đang chở tôi lao trên đường phố Sài gòn, băng qua nhiều chỗ ngập lên khỏi mắt cá, làm bắn nước qua hai bên.

Ninh Kiều

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Dấu Ấn Ký Ức: Trí thức Việt trên đất Pháp 18/05/2024 13:00 - 19:00 — Trung tâm văn hoá Việt Nam tại Pháp (Centre Culturel du Vietnam en France), 19 rue Albert, Paris 75013
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Rencontre avec Alain Ruscio 28/05/2024 18:00 - 20:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville - 79 rue Nationale, Paris 13e
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss