Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Cây chổi

Cây chổi

- Ninh Kiều — published 29/03/2008 23:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
truyện ngắn


CÂY CHỔI


NINH KIỀU


Chị đứng trong bếp, cắt từng lát mỏng miếng thịt bò tươi còn chưa tan hết đông lạnh nhưng cứ vài nhát dao lại ngẩng đầu dòm chừng qua cửa sổ nhà bếp để thấp thoáng thấy Anh đứng cầm chổi, quét sân.

Trời cuối hè trở lạnh sắp sang thu. Lá cây nhà hàng xóm hai bên đã bắt đầu rụng để thỉnh thoảng có vài chiếc lá vàng vàng theo gió vượt tường bay lạc sang. Sân sau không có cây cao mà chỉ có vô số chậu kiểng sứt mẻ nằm khắp đó đây nhưng vì chúng được Anh cắt tỉa tận tuỵ thường xuyên đến đỗi không kịp mọc lá, ra bông, cho nên chúng cũng không có gì để mà rụng. Do vậy sân sạch trơn, song Chị vẫn thấy Anh chăm chỉ đứng quét.

Ngay từ tối hôm qua, Chị đã lập đi lập lại trong đầu những lời cần phải nói với Anh về bữa cơm trưa hôm nay. Nói sao cho nó tự nhiên, nó lọt được lỗ tai người nghe, ấy vậy mà lúc nãy, Chị đã phải tằng hắng mấy lượt rồi tự nhiên nhột cổ ho khan để rồi chỉ nói được vài lời không hết ý “Trưa nay mấy nhỏ về ăn cơm, có một khách mới, bạn trai của…”. Không trả lời trả vốn, Anh lặng lẽ mở cửa phòng khách bỏ ra sân sau.

Chị làm thinh, tránh nói thêm như người giàu kinh nghiệm biết lúc nào cỏ khô, lúc nào cỏ ướt, tránh quẹt diêm bật lửa. Bởi vì đối với Chị, việc trước mắt là làm sao có được bữa ăn vui vẻ cho trưa nay, thế thôi. Không thể tính xa hơn được.

Xào xạc…

Nhà đóng cửa kín mít mà nghe tiếng chổi xào xạc…như nằm ngay trong đầu.

Xào xạc…nghe bứt rứt.

Xào xạc…nghe rêm cả mình.

Có lần Chị sững sờ nghe Anh mắng con gái “Quét mà đứng sõng lưng”. Vì không ngờ «sõng lưng» qua tới tận bên nầy.

Rồi từ đó Chị đâm ra chú ý quan sát cây chổi và nhận xét là có sự khác nhau giữa cây chổi tây và cây chổi ta. Cây chổi tây thì có cán dài còn cây chổi ta, cây nào cây nấy cán ngắn ngủn. Nhất là chổi tre quét lá. Để cho toàn thân cây chổi tre tiếp xúc với mặt đất, cứ phải cong lưng mà quét, lưng thẳng góc với hai chân tại mông đít và song song với mặt đất. Quét chổi tre hết cái sân dưới tàn cây vú sửa vườn nhà là muốn cụp cái sóng lưng, đó là nhắc lại cái thời Chị còn con gái ở những năm 70.

Bởi sinh đẻ ở bên Tây, chẳng hiểu gì về bề dày, bề sâu của câu Papa mắng, nên cô con gái của Chị ngẩng đầu lên ngơ ngác nhìn Papa rồi một tay chống nạnh, một tay vịn chổi tuyên bố “Cuối tháng này có tiền con sẽ đi mua cái máy hút bụi ”. Con cái bên nầy, muốn nói là nói, chẳng kể người trên, kẻ dưới. Cuối tháng, nó quơ đâu ra được tiền, 700 quan Pháp, vì lúc ấy còn xài tiền quan trong những năm 90. Rồi anh chị em chúng nó hí hửng mua về ngay một cái máy hút bụi để thay thế cái máy cũ bị hư từ mấy tháng rồi. Cái máy nó chạy đến đâu hút sạch bụi đến đó nhưng Papa không những không khen mà còn giận. Giận con rồi giận lây Maman. Vì Maman không biết dạy con, không biết truyền đạt cái phong cách ứng xử trên dưới tế nhị trong một gia đình... Việt Nam.

Thế là Anh đem cái ghế cây màu trắng để dành nằm phơi nắng vào mùa hè trong sân sau vào phòng khách làm giường ngủ. Ghế bằng cây mà Anh chả thèm lót nệm, nằm thẳng lên trên đó hơn một tháng ròng. Chị xốn xang ra vào lo sợ Anh cụp xương sống không đi làm nổi, nhưng lại nhất định không chịu chủ động làm lành với Anh như muôn vạn lần trước đó. Mấy nhóc cũng khổ sở vô cùng, nhưng khổ sở không phải vì Papa giận dai mà vì Papa đặt chiếc ghế cây ngay trước Télé. Mỗi tối, xem tin tức xong, Papa tắt hết, đúng vào thời điểm cả nhà đang theo dõi phim truyện nhiều tập «Angélique indomptable», Angélique bất khuất, chiếu mỗi tuần một lần.

Không rõ động cơ nào đã thúc đẩy Chị, cái chổi hay Angélique, mà Chị cứ hồn nhiên lái xe chở mấy nhóc đi xem Télé ké ở nhà bác ruột của chúng cho đến khi «Angélique bất khuất» hết thúc.

Mấy nhóc càng lớn, Anh càng giận vợ, giận con thường xuyên hơn và lâu hơn cho đến khi Anh không còn ai ở trong nhà để giận nữa, ngoài Chị. Bây giờ thì Anh đi đến giai đoạn giận con qua điện thoại. Khi điện thoại reo, nghe tiếng Anh chào “Bonjour” nồng nhiệt là Chị biết ngay không phải mấy nhóc gọi về. Phải là một tiếng “Oui” dửng dưng, mấy chục giây yên lặng kéo dài thì mới là dấu hiệu cho sự có mặt của một nhóc nào đó bên kia đầu dây nói.

Nhưng dù có tỏ ra dửng dưng, lạnh lùng đến thế mấy, cũng có lúc Anh muốn gặp con. Khi ấy, Anh hạ giọng “Em công-vốc-kê* nó về đây cho Anh”.

Chỉ chờ có vậy thôi là lập tức Chị réo trong điện thoại “Về nghen, trưa chúa nhật Maman nấu phở”. Và mười lần như chục, không chỉ đứa bị Papa triệu về, mà mấy nhóc đều về đông đủ. Ăn uống rần rần rồi kéo nhau đi. Đứa được Papa công-vốc-kê thường vọt ra cửa đúng lúc Papa tằng hắng mà chưa kịp nói... Tới ngưỡng cửa, nó còn chịu khó dừng lại mấy giây, quay nhìn Papa rồi nở một nụ cười hết sức dễ thương “Xin lỗi, con có hẹn. Cám ơn. Chào”.

Nhà mới đông vui đó, bây giờ vắng teo. Chị lẳng lặng dọn dẹp. Anh thở dài “Nhà có mấy đứa con gái mà không thấy đứa nào về sớm giúp mẹ một tay, ăn rồi xách đít đi mất, để hết cho cha mẹ làm, con với cái”. Chị làm thinh.

Thế là tuy Anh và Chị đồng sàng mà thường nằm đâu lưng, mỗi người tự do, độc lập suy nghĩ, để ánh sáng không phải giao thoa, khỏi phát sinh ra những vùng tối.

Thật vậy, hễ nơi nào Anh và Chị cùng nhau soi rọi vào với tất cả những hiểu biết nắm bắt được, những hiểu biết từng được cả nhân loại nhào nặn từ hàng bao nghìn năm và được thấm lọc qua Bốn Nghìn Năm Văn Hiến, thì nơi đó tối om. Nhưng khi đâu lưng lại, mỗi người một phía thì mọi sự việc trở nên sáng sủa trong đầu mỗi người.

Lạ thật, Anh đã làm hết mọi cách để cho các con của Anh có tất cả những gì mà Anh đã không có được : một người cha theo đúng ý nghĩa của nó. Vốn không hề mồ côi cha mà chẳng khác nào như, nên Anh đã sắm sẵn một người cha bằng xương bằng thịt cho các con của Anh khi mà ngay đến chính Anh cũng còn chưa biết ai sẽ sinh đẻ ra chúng nó. Ấy vậy mà có lần thằng út con Anh đã nói như vầy với mấy anh chị của nó “Papa không thể hiểu em được vì Papa không có người cha giống Papa của em”. Tức nhiên nó nói bằng tiếng Tây, rồi Chị lập lại bằng tiếng Việt như trên cho Anh nghe và còn khen thằng nhỏ sâu sắc. Cái ghế cây trắng bị thằng lớn ngồi gãy mất rồi chớ nó mà còn thì Anh đã đem nó trở vô trước Télé để nằm ngủ luôn trên đó cho tới ngày xuống lỗ.

Vừa giận, vừa buồn.

Cái máy hút bụi hư, không phải Anh không biết. Nhưng Anh nhất định không mua cái mới. Anh dùng chổi để quét nhà và tập cho con cái quét nhà, chính là để dạy cho chúng thích ứng theo hoàn cảnh, biết chịu đựng khó khăn.

Giáo dục con cái không gì hay bằng chính mình làm gương, nhưng lần nào muốn làm gương, Anh cũng bị ngăn cản “Nhà mới quét rồi mà”. Song Anh vẫn cương quyết “Đứa nào đi lấy cho Ba cây chổi ”. Tức thì có tiếng dạ rân và tiếng bước chân chạy xuống lầu rung rinh cả cầu thang. “Con gái đi đứng nhẹ nhàng chút coi”, Anh gắt lên. Con gái nhà nầy mỗi lần di chuyển, rung nhà rung cửa, vậy mà không thấy ai răn đe, bảo sao Anh không càng ngày càng cau có, bực dọc.

Anh quét có kỹ thuật. Cầm chổi cũng có kỹ thuật mà dồn rác cũng có kỹ thuật. Rác được tích tụ từng cụm một, nằm rải rác khắp trong phòng trước khi được hốt bỏ vô thùng. Ấy vậy mà lần nào Anh chỉ dẫn cho Chị cũng đều bị Chị vùng và vùng vằng bỏ đi.

Để chứng minh nhà mới quét rồi là như thế nào, có lúc Anh phải lớn tiếng gọi “Em”, trước khi đi vào giai đoạn hốt rác. Có tiếng Chị trong bếp vọng ra “Oui, nói đi, em nghe”. Anh nằn nì “Ra đây mà coi”. Chị ló đầu vô phòng khách, vẻ bực mình vì bị quấy rầy. Anh khuyến khích “Vô, vô đây mà coi” và cảnh giác Chị coi chừng đạp... rác. Chị thận trọng tránh đống bụi gom lại nằm chình ình trước cửa phòng khách, dè dặt bước từng bước như một người ý thức là mình đang lạc vào một bãi mìn. Khi đã vào giữa phòng, bình yên, Chị mới hoàn hồn nhìn Anh, đứng cách Chị mấy bước để thấy Anh tay vịn chổi, tay chống nạnh, mắt sáng rỡ, giống y như một đại tướng dựa súng ngắm chiến công của mình : rải rác khắp phòng từng đống, từng đống…cát bụi. Anh đưa mắt bao trùm bãi chiến trường rồi gật gù hài lòng “Quét là cả một nghệ thuật !”. Chị quật lại “Bói ra ma, quét nhà ra rác”, song không thành tiếng, nên chỉ có mỗi mình Chị nghe thấy. Không thành tiếng vì Chị chợt nhớ ngày mai thằng lớn đi thi, đang ngồi ôn bài trên lầu.

Anh nhìn Chị như muốn chứng minh “Em thấy chưa ?”. Và Chị nhìn Anh như muốn trách “Có vậy mà cũng kêu ra cho lấy được”. Hai bên đều có vẻ găng song chỉ vài giây sau, Chị nhượng bộ, rút lui, quay người sải chân bước về phía cửa và đặt bàn chân vào đúng giữa…đống bụi, cùng lúc với tiếng la “Coi chừng …” hốt hoảng và tiếp theo là “đạp…” kéo dài, của Anh. Chị vừa dợm rút chân ra thì nghe giọng Anh chắc nịch, cương quyết “Đứng yên đó”. Chị ngoan ngoãn vâng lời như một người đạp phải mìn tuân lệnh người đang cứu mình, loại mìn mà hễ rút chân ra là nó nổ liền. Tiếp theo đó là phần tháo gỡ, thuộc kỹ thuật, không có gì vui để kể.

Rồi thì Chị cũng thoát nạn trở vô bếp. Không khí trong nhà trở lại yên ắng.

Nhưng nhà nầy bao giờ cũng yên ắng từng chập, cho nên tuy ở trong bếp mà Chị vẫn lóng tai nghe Anh lớn tiếng sai con “Đứa nào lấy cho Ba cái đồ hốt rác”. Có tiếng bước chân mệt mỏi xuống lầu và tiếp theo là tiếng càu nhàu của thằng lớn “Ba cần gì thì nói hết một lần, chổi, đồ hốt rác, thùng rác, sai một lần thôi” bằng tiếng Việt giọng tây con và còn nói thêm “s’il te plaît, Papa*”. Chị cảm nhận rất nhanh là tình hình có thể biến chuyển rất bất lợi cho chuyện thi cử của thằng lớn vào sáng mai cho nên Chị bước nhanh ra khỏi bếp vừa đúng lúc thằng lớn trở lên lầu mà miệng vẫn kêu nài “s’il te plaît, Papa” dẫu nó quá biết là vô ích. Chị nhìn theo con, gằn giọng “Lên lầu học, ngày mai đi thi rồi”. Chị cố tình nhấn mạnh chữ ngày mai và chữ thi. Sau đó Chị còn thêm “s’il te plaît ”, hai lần, ai muốn hiểu sao thì hiểu, rồi quay nhanh vào nhà bếp để cảm thấy tự tin hơn một chút vì nhà vẫn yên ắng.

Những sự cố xem chừng vặt vãnh như thế cứ thường xảy ra trong nhà khiến Anh phải từ giận dữ bước qua buồn rầu, rồi sang thất vọng, cho đến nước phải ra đứng quét cái sân sạch bong, trong một ngày chúa nhật đẹp trời như ngày hôm nay.

Trong vắng vẻ của bầu không khí nằng nặng, bỗng có tiếng chuông reo ngoài cổng, nhịp Rock, một hai, ba và bốn, năm sáu, bảy và tám. Chị mừng quýnh buông dao, buông thớt chạy ra kéo chốt cửa thì cũng vừa đúng lúc mấy nhóc ào vô, xúm nhau ôm Chị thăm hỏi, hôn hít. Chị thơm từng hơi dài trên má chúng, bụng bảo dạ “kệ, chuyện gì thì chuyện, bấy nhiêu đây cũng đủ”. Rồi có đứa nhắc “Papa” làm bầu không khí ngưng lay động vài giây. Chị nhìn ra sân sau rồi quay lại nhìn đám con cho đã thèm và nhận ra người khách mới : đôi mắt xanh da trời nằm trên một gương mặt trai trẻ khoẻ mạnh nhìn thẳng vào trong mắt Chị, chờ đợi. Sự chờ đợi tự tin song vẫn pha chút lo âu của một học trò giỏi chờ đợi kết quả thi. Chị giang hai tay về hướng đôi mắt ấy “Ah, c’est toi”, giống y như Chị đã nói với mỗi đứa con ngọ ngoạy trên bụng Chị trong giây phút đầu tiên gặp nhau lúc chúng chào đời “Ủa, là con đó hả”. Vì tuy gặp lần đầu song Chị đã nghe giọng nói của đôi mắt xanh kia qua điện thoại cả năm nay rồi. Sau đó Chị vui vẻ sai bảo các con, mỗi đứa phụ một tay đặt bàn ăn, giã đậu phọng, trộn rau, khử hành, xắt khóm…để ăn bò bún. Và khi đâu đó đã xong xuôi, Chị kêu đứa ít bị Papa rầy nhất ra sân mời Papa vào ăn cơm. Nhưng đến khi đứa bị Papa công-vốc-kê nhiều nhất ra sân mời Papa rồi trở vào tiu nghỉu “Papa bảo cứ ăn trước, đừng đợi” thì Chị cảm thấy giận cây chổi…xào xạc, xào xạc…hết sức !

Chị hết nhìn ra sân lại nhìn mấy nhóc đang ăn những gì có thể ăn được, ngoại trừ bò bún, rồi đưa mắt vỗ về đôi mắt xanh lơ kia và cảm thấy nó có vẻ …thông cảm. Thấy có vấn đề thì chắc chắn rồi nhưng cảm nhận được chính mình là vấn đề đang đặt ra cho cái gia đình nầy thì Chị hy vọng là không. Và Chị tự hỏi, nếu đôi mắt kia không xanh mà đen, có thể tình hình sẽ khác đi chăng ? Cũng chưa chắc. Không những phải mắt đen, tóc đen, da vàng mà còn phải nói giọng Nam nữa cơ…Nói cho công bằng, gia đình nầy chưa đến đỗi như vậy, nói giọng gì cũng được, kể cả giọng tây con, hoặc giả nói tiếng gì cũng được, tiếng Tây, tiếng Anh... nhưng phải là người Việt Nam cơ…

Suy nghĩ đến đây, mặt Chị nóng bừng, cổ họng khô khốc. Chị đứng phắt dậy, mở cửa xăm xăm đi ra sân. Biết rằng mình phải nói nhưng khi Chị đã tiến sát bên Anh mà vẫn chưa biết phải nói gì, bằng giọng gì... Chị túng túng đưa tay giằng cây chổi khiến Anh ngẩng đầu lên nhìn Chị, giọng lạnh tanh “Mấy mẹ con em muốn sống theo ý mình thì sống với nhau đi”.

Chị chưa kịp phản ứng thì bỗng đâu có nước từ sau bức tường nhà hàng xóm phun qua, trúng Chị một chút. Anh nhanh tay kéo tránh Chị về phía mình giọng ái ngại, che chở “Trời ơi, nước đâu mà ra vậy kìa, ướt em rồi !”. Nhà nầy được một cái là dù có hờn giận nhau cách mấy, vẫn anh anh em em ngọt xớt. Chị chưa kịp đáp lại tấm thịnh tình thì nghe tiếng bà hàng xóm nói vọng sang “ Tôi tưới ướt người nào đó phải không? Xin lỗi. Thay vì tắt thì tôi mở lớn vòi nước”. Anh vui vẻ đáp lời, dĩ nhiên là bằng tiếng Pháp “Chào bà. Bà mạnh khoẻ chứ ? Đêm qua mưa cả đêm mà bà tưới cây sáng nay à ? ”.

Đúng là trong cái rủi có cái may và trong cái may cũng có cái rủi.

Sự việc vòi nước từ nhà hàng xóm phun qua trúng Chị để Anh phải đứng ra thủ vai trò nghĩa hiệp là một cái may, bất ngờ mà ngắn ngủi. Còn sự việc bà hàng xóm bắt chuyện thì trở thành một cái rủi, cũng bất ngờ mà lâu dài. Vì dẫu ông bà hàng xóm là những người mộ đạo hết sức tử tế nhưng sự nhiệt tình của ông bà trong mọi lãnh vực thường khiến người tiếp nhận…kiệt sức.

Thật vậy, bà hàng xóm ló mặt lên đầu tường để rôm rả kể, vừa dài, vừa chi tiết song vẫn có thể được tóm tắt như sau đây : Trưa nay, cô con gái duy nhất của ông bà đưa bạn trai về nhà giới thiệu nên bà đã lo chu đáo các món khai vị để chiêu đãi khách song ông hàng xóm lánh mặt ra vườn sau tưới cây cho đến khi khách ra về mới vào nhà.

Hai nhà hàng xóm bỗng nhiên có sự cố xảy ra trùng hợp một cách lạ lùng vào buổi trưa hôm nay ! Tuy trùng hợp nhưng cách xử lý mỗi bên mỗi khác vì vậy mà cần phải ghi lại trung thành nơi đây vài lời của bà hàng xóm để hiểu vì sao, trái với lệ thường, Chị lại hồ hởi lắng tai nghe bà ta nói “…không biết ông ta mắc chứng gì mà đứng tưới hoài. Tôi không thèm ra gọi. Tưới cho đến khi khách ra về mới vào hỏi tôi chớ nó ra sao. Tôi bảo nếu ông muốn biết nó ra sao thì vào mà xem. Nó trắng, nó đen, nó vàng, nó đỏ thì phải xem mới biết được chứ. Tôi nói thẳng với ông ta : ông sợ con gái ông lấy da đen phải không ? Xin lỗi nhá ! Tôi quá biết ông, theo ông thì không có đứa con trai nào xứng đáng với con gái của ông cả, ông không bằng lòng đứa nào cả. Chỉ có ông là tuyệt vời nhất…”.

Bà hàng xóm nói bằng một thứ tiếng Pháp dí dỏm, thẳng thắn, không quanh co. Chưa bao giờ Chị cảm thấy bà hàng xóm đáng yêu, đáng khâm phục đến như thế và ân hận là đã có lúc phê bình bà nói nhiều. Những lời từ cửa miệng của bà hàng xóm bay thẳng ra theo con đường ngắn nhất như ánh sáng, cho nên khi đến đích nó vẫn còn mạnh mẽ, trong sáng, gây tác dụng. Còn Chị, tỉ dụ như Chị phóng ra được ánh sáng từ cửa miệng thì ánh sáng của Chị lại không đi thẳng, nó cứ đi quanh co như sợ va chạm, càng đi càng yếu dần rồi lệch mục tiêu… Nếu trời cho Chị sống lâu thì chừng nửa thế kỷ nữa, Chị sẽ bắt kịp bà.

Cũng nhờ bà hàng xóm mà tình thế thay đổi hẳn.

Bên kia tường thì ông hàng xóm vừa đứng dưới chân tường vịn cái thang cho bà vợ leo lên, vừa chống chế yếu ớt “Tôi bận tưới cây !” trước những lời lay động như thác đổ của bà. Bên nầy tường thì Anh  vẫn để bàn tay ấm áp lên vai Chị, ôn tồn “Xin Bà thông cảm cho những người cha như chúng tôi vì quá lo lắng cho con gái đến tuổi lập gia đình… ”. Còn mấy nhóc và đôi mắt xanh lơ thì đứng phía sau làm bình phong.

Khi Anh cầm đũa thì đã hơn ba giờ trưa nhưng mấy nhóc không hề cằn nhằn, vừa nghe Papa phân tích ông hàng xóm vừa vui vẻ lùa bò bún, húp nước mắm rột rột. Vui vì có đàn con trước mặt, Chị càng vui hơn vì đã tận mắt nhìn thấy phía phương Tây cũng có người tuột hậu, không thua gì…mình. Và bất chợt Chị đưa mắt tìm đôi mắt xanh mà quên phứt nó xanh.

Ăn xong, mấy nhóc còn ở nán lại giúp Maman dọn dẹp, lau chùi.

Cô con gái bị Papa rầy đứng sõng lưng lúc trước, hôm nay tự động lấy chổi ra quét nhà. Chị ngắm con gái, thấy nó vẫn đứng sõng lưng song dường như dáng bớt bướng bỉnh.

Đêm hôm ấy, nhớ đôi mắt xanh lơ, Chị xoay qua ôm lưng Anh, thăm dò “Anh thấy nó thế nào ?”. Im lặng. Một lúc sau, trong bóng đêm vắng vẻ tịch mịch, nghe có tiếng người nói “Em công-vốc-kê nó về đây cho Anh”. Nghe mà không biết là thật hay chiêm bao.


NINH KIỀU


Paris ngày 28 tháng ba 2008





* công-vốc-kê : gọi đến, triệu đến

* s’il te plaît, Papa : xin Ba vui lòng

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us