Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Chết nhầm

Chết nhầm

- Dino Buzzati -- Miêng (dịch) — published 08/02/2010 19:20, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Truyện ngắn dịch


Chết nhầm


Dino Buzzati

Bản dịch : Miêng



Dino Buzzati (1906-1972) là nhà văn và nhà báo Ý. Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông là Il deserto dei Tartari / Le Désert des Tartares (1940) thành công khắp thế giới và được dịch ra nhiều thứ tiếng (Bản dịch Pháp ngữ được thực hiện năm 1949 và dựng phim năm 1976). Giới phê bình nhận xét rằng văn ông ảnh hưởng nhiều của Kafka, Sartre và Camus.


Một buổi sáng, danh hoạ Lucio Predonzani 46 tuổi, từ lâu đã ẩn cư trong căn nhà ở vùng quê Vimercate, sửng sờ khi mở tờ báo hằng ngày vì nhận thấy nơi trang ba, phía dưới bên phải, trên bốn cột, cái tựa như sau:

NGHỆ THUẬT Ý ĐỂ TANG
hoạ sĩ Predonzani đã chết

Và ở dưới có mấy dòng in nghiêng : Vimercate, 21 tháng 2. Sau cơn bịnh ngắn ngày và bác sĩ bó tay, hoạ sĩ Lucio Predonzani vừa từ trần hai hôm nay. Người quá cố đã bày tỏ ý muốn là cái chết của mình chỉ được công bố sau tang lễ.

Tiếp theo là bài báo rất tán tụng khoảng một cột, ký tên nhà phê bình nghệ thuật tiếng tăm Steffani. Còn có cả tấm hình từ hai mươi năm trước.

Choáng váng, không tin vào mắt mình, Predonzani cuống cuồng đọc lướt qua bài viết tiểu truyện người chết, mặc dù vội vã, cũng phát hiện trong chớp mắt vài câu với sự dè dặt độc địa, nhét đó đây bằng lối ngoại giao không chối cãi được, giữa hàng loạt hình dung từ ca tụng.

– Mathilde! Mathilde! – Vừa lấy lại hơi thở là Predonzani gọi ngay.

Từ phòng bên cạnh, vợ ông trả lời “Chuyện gì vậy?”.

Ông khẩn khoản :

– Đến đây, đến ngay Mathilde!

– Chờ chút. Em bận ủi đồ.

– Anh bảo đến đây đã mà!

Giọng ông lo âu đến nỗi vợ đặt bàn ủi xuống, chạy ào đến.

– “Nè… đọc đi!” Hoạ sĩ rên rỉ đưa tờ báo cho vợ.

Bà cầm tờ báo, xanh mặt, và với tính phi lý tuyệt vời của đàn bà, nức nở tuyệt vọng. Bà bập bẹ trong nước mắt:

– Ôi, Lucio của em, Lucio tội nghiệp của em, kho báu của em…

Hoạt cảnh cuối cùng khiến người đàn ông phẫn nộ.

– Em điên rồi hả Mathilde? Bộ em không thấy là anh đây à? Bộ em không hiểu đây là một nhầm lẫn, một sự nhầm lẫn kinh khủng sao?

Mathilde ngừng khóc ngay tức khắc, nhìn chồng, mặt bà bình tĩnh lại, và rồi thình lình cũng nhanh chóng như hồi nãy đã cảm thấy goá bụa, bị khía cạnh khôi hài của tình huống thọt léc, bà nổi cơn cười như điên.

– Ôi Trời ơi, tức cười quá! Ôi, ôi, thiệt tình! Tha lỗi cho em Lucio, nhưng anh biết không… một tang tóc cho nghệ thuật… mà anh thì ở đây tươi tắn hồng hào!

Bà tru tréo vừa phì cười. Ông nổi cáu:

– Thôi, đủ rồi! Em không nhận thấy sao? Kinh khủng, thực là kinh khủng! A, hắn sẽ biết tay ta, cái thằng giám đốc tờ báo đó! Cái trò đùa bỡn này! Hắn sẽ phải trả giá đây.

Predonzani vội vã ra phố, chạy thẳng đến toà báo. Viên giám đốc tiếp ông với thái độ nhã nhặn:

– Xin mời, họa sư thân mến, xin mời ngồi. Không không. Chiếc ghế này tiện nghi hơn. Một điếu nhé? Ô, mấy cái bật lửa này chẳng bao giờ được việc, thật bực. Cái gạt tàn đây… Và bây giờ tôi xin nghe: ngọn gió nào đưa ngài tới đây vậy?

Hắn giả vờ hay thực sự không biết tờ báo mình đã đăng những gì? Predonzani đâm sửng sốt.

– Nhưng mà?... nhưng mà?... báo hôm nay… trên trang ba… Có loan tin cái chết của tôi…

– Về cái chết của ngài ư?

Viên giám đốc lấy tờ báo xếp nằm trên bàn, mở ra, thấy, hiểu (hay giả vờ như hiểu), hơi bối rối một lát, ô! chỉ đúng vài sát na, rồi lấy lại bình tĩnh một cách tuyệt hảo, ho húng hắng.

– Ờ! Ờ nhỉ! Quả thực có chút nhầm lẫn chen vào… một bất đồng nhỏ…

Có thể nói như là ông bố quở mắng lấy lệ đứa con trước người qua đường bực mình vì đứa bé.

Predonzani mất kiên nhẫn. Ông hét lên:

– Bất đồng nhỏ? Ông đã giết tôi, đó là điều ông đã gây cho tôi! Thật là quái dị!

Viên giám đốc điềm tĩnh:

– Vâng, vâng. Có thể là … Tôi cho rằng… hơ… bối cảnh của thông tin có… hơ… hơi vượt quá ý định của chúng tôi… Mặt khác, tôi hy vọng rằng ngài nhận thấy giá trị chính xác của sự ngưỡng mộ mà tờ báo chúng tôi đã bày tỏ về nghệ thuật của ngài chứ?

– Sự ngưỡng mộ đẹp đẽ quá! Ông làm tôi sạt nghiệp thì có!

– Hem, tôi không chối cãi là có sự nhầm lẫn nho nhỏ lẩn vào trong…

– Cái gì! Ông nói rằng tôi đã chết khi tôi còn sống?... Và ông gọi đó là nhầm lẫn à? Nghe phát điên được! Tôi đòi một sự cải chính với hình thức đúng đắn ngay ở chỗ bài báo này! Và tôi dành mọi quyền truy tố ông đòi bồi thường thiệt hại.

– Thiệt hại? Coi kìa, thưa ông – từ “hoạ sư” đổi sang “ông” đơn giản, dấu hiệu xấu rồi – ông không nhận thức được cái may mắn đặc biệt đến với ông ư? Bất kỳ hoạ sĩ nào cũng sẽ nhảy dựng lên vì vui mừng cao như vầy …

– May mắn?

– Phải, may mắn chứ! Tại sao ư? Khi một hoạ sĩ chết, giá tranh của họ tăng vọt lên đáng kể. Không chủ ý, vâng rõ ràng như thế, không chủ ý, tôi xin xác nhận, chúng tôi đã mang lại cho ông một dịch vụ không-định-giá-được.

– Còn tôi thì sao? Tôi phải làm người chết hả? phải biến mất, phải bay hơi đi hả?

– Tất nhiên, nếu ông muốn lợi dụng cái tin giật gân này… Chúa ơi! Ông không muốn cơ may này vuột mất chứ? Suy ngẫm lại tí nào: một cuộc triển lãm tưởng niệm khéo tổ chức, có quảng cáo rùm beng… Chúng tôi sẽ làm hết khả năng để phát động… Một áp phe nhiều triệu đấy, hoạ sư thân mến ạ.

– Nhưng tôi, tôi là cái gì trong tất cả các trò đó? Tôi phải biến mất à?

– Nói nghe… Ngài không có một người em trai nào sao?

– Có, chi vậy? Nó sống bên Nam Phi.

– Tuyệt hảo! Và anh ta giống ngài chứ?

– Khá giống. Nhưng nó để râu.

– Tuyệt vời! Vậy, hãy để râu ngài cũng mọc đi, rồi nói rằng ngài là ông em. Mọi việc sẽ trôi chảy như phong thư gửi bưu điện thôi mà… Cứ tin tôi đi: nên để mọi việc xuôi theo dòng vẫn hơn… Và xin hiểu cho tôi: một đính chính kiểu này… chả biết nó sẽ phục vụ ai… Riêng ngài, tha lỗi cho sự chân thật của tôi nhé, ngài sẽ là một nhân vật buồn cười… Phản đối vô ích, những người chết đi sống lại không bao giờ dễ thương hết cả… Và trong thế giới nghệ thuật, ngài biết rõ mọi sự như thế nào mà, sự sống lại của ngài sau từng ấy ca ngợi, sẽ gây ấn tượng xấu, và chỉ mang hương vị khả nghi thôi…

Predonzani không biết nói không. Trở về căn nhà ở vùng quê. Giam mình trong phòng và để râu mọc. Vợ ông để tang. Bạn bè đến thăm bà, đặc biệt là Oscar Pradelli, cũng là hoạ sĩ, nhưng luôn là cái bóng mờ bên cạnh ông. Rồi người mua tranh bắt đầu kéo đến: thương gia, nhà sưu tập, người đoán thấy thời cơ. Nhiều bức tranh trước kia khó nhọc lắm mới đạt đến bốn năm mươi nghìn, bây giờ bán dễ dàng với giá hai trăm. Và, trong chỗ ẩn cư bí mật của mình, Predonzani làm việc cật lực, bức này tiếp bức kia, dĩ nhiên là đề ngày tháng lùi lên.

Một tháng sau – râu đã mọc khá đủ rồi – Predonzani liều lĩnh ra ngoài, làm như là người em đến từ Nam Phi. Ông mang kính và bắt chước giọng lai ngoại quốc. Thiên hạ bảo ông giống người anh kinh khủng.

Do tò mò, vào một trong những cuộc đi dạo đầu tiên sau khi ru rú tự giam mình, ông đi đến tận nghĩa trang. Trên tấm đá cẩm thạch to trong hầm mộ gia đình, một người thợ đẽo đang khắc tên cùng ngày sinh, ngày mất của ông.

Ông nói với anh ta mình là em kẻ quá cố. Ông mở khoá cánh cửa nhỏ bằng đồng thanh, bước xuống nhà mồ nơi quan tài dòng họ chồng chất lên nhau. Nhiều làm sao! Một chiếc mới tinh thật đẹp. “Lucio Predonzani”, ông đọc thấy trên tấm bảng đồng. Nắp được gắn vít. Với nỗi lo sợ tối tăm, ông co ngón tay gõ lên mặt quan tài. Nó vang vang, rỗng ruột. May quá!

Lạ lùng. Dần dà những cuộc thăm viếng của Oscar Pradelli thường xuyên hơn, Mathilde rạng rỡ, có vẻ trẻ lại. Chắc chắn sự tang chế có vẻ hạp với bà. Predonzani quan sát sự biến thái của bà với tình cảm thích thú và lo ngại trộn lẫn. Một tối ông cảm nhận thèm muốn bà, điều mà nhiều năm nay không đến với ông nữa. Ông thèm muốn bà goá của mình.

Về phần Pradelli, sự xum xoe của gã quả là không hợp lúc sao? Nhưng khi Predonzani lưu ý Mathilde điều này, bà phản ứng hầu như hung hăng: “Anh sao vậy? Tội nghiệp Oscar. Người bạn thực sự duy nhất của anh. Người duy nhất chân thành hối tiếc anh. Anh ấy chịu khó an ủi nỗi cô đơn của em, còn anh thì nghi ngờ anh ấy. Anh nên xấu hổ!”.

Trong khi đó, cuộc triển lãm di cảo được tổ chức và thành công rực rỡ. Thâu được năm triệu rưỡi, sau khi đã trả hết chi phí linh tinh. Sau vụ đó thì Predonzani và tác phẩm của ông nhanh chóng rơi vào quên lãng. Tên ông được nhắc đến càng lúc càng hiếm ở các mục báo và trong tạp chí nghệ thuật. Và chẳng bao lâu nữa, ông sẽ biến mất trên đó hoàn toàn.

Với sự kinh hoàng hối tiếc, ông xác nhận rằng ngay cả không có Lucio Predonzani, thế giới vẫn tiếp tục vận hành như trước: mặt trời mọc lên, lặn xuống như trước; mấy cô giúp việc rũ thảm mỗi sáng như trước; tàu lửa lao đi; người ta ăn uống cười đùa; và đêm về trai gái hôn nhau, đứng, tựa vào hàng rào sẫm tối công viên, như trước.

Cho đến một hôm, trở về sau cuộc dạo chơi ngoài đồng, ông nhận ra chiếc áo choàng của người bạn thân Oscar Pradelli bỏ ở phòng đợi. Căn nhà yên ả, thân mật lạ lùng và mời mọc. Và từ đó thoát ra những tiếng nói thật nhỏ, những thì thầm, những hơi thở dịu dàng.

Ông nhón gót quay ra cửa. Ra ngoài nhẹ nhàng và đi đến nghĩa trang. Đó là một đêm êm ả mưa lâm râm.

Khi đứng trước nhà nguyện nhỏ gia đình, ông nhìn quanh. Không một ai. Ông bèn mở cánh cửa đồng.

Không vội vàng, trong khi đêm xuống, bằng con dao nhíp, ông từ từ vặn mấy cái vít đóng chiếc quan tài mới tinh, quan tài của mình, của Lucio Predonzani.

Ông mở nó ra, rất trầm tĩnh, nằm vào đó với tư thế cho là đúng với người chết trong giấc ngủ ngàn thu. Ông thấy thoải mái hơn mình tưởng.

Không dao động, ông kéo nhẹ nhàng cái nắp bên trên mình. Khi chỉ còn lại một khe hở nhỏ, ông vểnh tai nghe ngóng một lát, lỡ có ai gọi mình. Nhưng không ai gọi cả.

Ông bèn để cái nắp đậy lại hoàn toàn.


Miêng

Paris, Nov. 2009

 

Dịch theo bản tiếng Pháp: Le défunt par erreur, trong quyển Le K, do Jacqueline Remillet dịch từ tiếng Ý.– nxb Lafont, 1967.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us