Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Chỉ tại mùa đông

Chỉ tại mùa đông

- Lê Minh Hà — published 16/03/2016 05:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

 
 
Cũng tại mùa đông

   




Lê Minh Hà

Ở Sài Gòn thì thế nào cũng được. Ngủ dậy vặn lưng vung tay vung chân dăm cái rồi đạp xe dạo bộ, về tiện chân đá phải cái ghế hàng hủ tiếu đầu hẻm thì ngồi xuống, ăn xong quay qua hàng cà phê cùng kiểu ngồi như cóc bên cạnh làm một cốc. Cũng có khi về nhà tắm táp đóng bộ thẳng thớm rồi gọi taxi ra một tiệm ăn uống thật sự. Nhạc dìu dặt. Nước rì rào. Nhân viên đồng phục đồng diễn một vẻ mặt, một động tác bưng bê, cúi xuống đứng lên, chào và tiễn khách. Vào những khoảng thời gian nhất định trong ngày, những khoảng đó thì nhiều, ở những tiệm đó rất dễ có cho mình một không gian chẳng có ma nào nếu không định có người. Bát hủ tiếu. Bát mì. Hay đĩa trứng bánh mì nướng kiểu Pháp. Rồi là cà phê. Đen không đường. Mấy chục năm rồi ông chỉ dùng đúng cái thứ đắng không dư hậu này. Mấy chục năm? Có lẽ cũng phải hơn nửa thế kỉ. Từ cái hồi thằng bé theo chị sen xuống bếp ngửa cổ chờ giọt cà phê nguội ngắt chảy từ đáy tách của ông bố xuống cái cổ họng bé nhỏ của mình rồi nhăn mặt nhổ phì phì.

Ngày của mỗi tuần của ông ở Sài Gòn nối từ quán cà phê bình dân qua tiệm sang trọng như thế. Ở đó ông ăn và uống, như một việc phải làm. Cho xong. Bát mì rõ đẹp thằng bé áo trắng gile xám quần đen đĩnh đạc bê ra từ căn bếp đặt đâu đó góc vườn của quán đặt trước mặt ông không bao giờ đủ nóng như ông muốn. Vì khoảng đường nó bước hay tại vì đất phương nam này không lạnh, một làn hơi như thế với tất cả đã quá đủ nóng rồi? Cũng vì cái nóng chưa bao giờ đến độ này mà ông không bao giờ ăn phở ở Sài Gòn, cũng chẳng bao giờ gọi cà phê như ở Hà Nội. Cà phê phin, từng giọt ép mình rơi, trong gió trở đầu mùa se sắt hay trong hơi mưa phùn run rẩy. Những cuối thu đầu đông. Những chiều xuân chưa thấy hơi ấm. Bè bạn. Một mình. Bè bạn thì cũng đã mấy thằng đi rồi kể từ ngày cả lũ đến tuổi hưu, không tính những thằng đã thành đất ở xó rừng nào ngày chiến tranh, đau ốm chết trẻ lúc hòa bình, trong đó có một thằng treo cổ. Vì trầm cảm? Bây giờ người ta rất dễ tìm câu trả lời chính xác về sự đó. Còn lúc đi đưa đám, bạn bè chỉ nhìn nhau lắc đầu: Thằng tài thế mà khổ quá. Khổ quá. Khổ quá. Khổ quá. Đến một lúc chính mình cũng khổ quá, cũng muốn được như nó mà không được, lại tự bảo tài như thế thì mới nên được chết, trời chẳng cho nhiều. Thằng bạn đã không bao giờ biết rằng có một ngày người ta có thể sống đủ đầy, thừa mứa nữa như bây giờ. Còn chuyện ngay bên hông tiệm cà phê sân vườn tranh nhạc này đang có những người đàn ông đàn bà mốc thếch bên cái bàn gỗ tạp với những món hàng ông luôn tự hỏi bán cho ai để làm gì thì đấy lại là chuyện khác. Có xó nào trên quả đất này không có bất công. Quân bình chủ nghĩa cũng là một kiểu bất công vậy. Nghĩ ngợi để mà tự nhấc mình lên bằng một sợi dây tròng cổ như thằng bạn cũng là một cách nó bất công không với mình thì với người. Nó làm cho người khác nhỡ tự dưng nhớ là không sao bình yên trọn vẹn.

Như ông. Chẳng hạn thế. Như ông đang ngồi đây, nhìn cốc cà phê và châm điếu Marlboro.

Ông đang nghĩ về ngày mai. Ngày mai ăn và uống với ông là trở lại một nghi thức. Ngày mai giờ này ông đã ở Hà Nội.

Không có việc gì chờ ông nơi này. Chỉ là vì cơn gió trở trong bản tin thời tiết. Thành phố khô xám. Taxi thả ông chỗ Bờ Hồ, nơi Tràng Tiền nhào qua Hàng Khay. Bố khỉ. Đã bảo thả bác Bờ Hồ, thằng cu lại hỏi hồ nào bác. Chạy gần tới quán cà phê thường ngồi, bảo nó họ họ thả bác đầu Bảo Khánh, nó nhấn ga đánh một vòng quanh hồ rồi mới nhả ông ra, ngượng nghịu bảo cháu biết hồ Hoàn Kiếm nhưng chưa biết phố. Trả tiền cậu lái taxi, ông cười, tự dưng thấy khinh khoái. Rồi cũng chẳng lâu đâu, chỉ cần chạy xe một năm ở đất này nó sẽ thạo còn hơn ông, kẻ sinh ra lớn lên và già đi ở phố mà cuối cùng chỉ còn biết Hà Nội ở những phố cũ, còn những đường mới mở, những khu mới xây, những làng ven đô giờ thành đất vàng không còn là làng, chịu chết.

Bờ Hồ là nơi ông biết nhất. Ngôi nhà nơi ông được sinh ra ngay Hàng Bài, nhìn qua là Tràng Tiền Plaza. Bà mẹ ông lúc còn sống thì vẫn gọi là nhà Goda, bảo vào đó đếm cũng ra hơn trăm thứ hàng hóa, hơn một bách, mỗi tội ông nhà nước chỉ bày chẳng thấy bán. Mười năm cấp một hai ba trường ông học loanh quanh nơi này cả. Đi dạy cũng chỉ cần thêm vài ba bước là tới Quang Trung Lý Thường Kiệt, chỗ hai cụ anh hùng con cháu cho gối lưng nhau. Mười một mười hai tuổi tháng tháng còn bị mẹ lệnh mang đầu đi húi cua, húi xong lang thang ra chỗ câu lạc bộ Thống Nhất nhòm xem cụ Lê Lợi của thời Khai Trí Tiến Đức đứng thu lu trong vườn sau hàng rào, nhòm chán lôi nhau ra rê dăm ba đường bóng vặt ở vỉa hè trước cửa câu lạc bộ. Tháng ba đi nhặt hoa gạo chân đài Nghiên tháp Bút ăn chơi. Chầm chậm chút thì tới ngày quả thối rụng rủ nhau đốt chòng các đôi tình nhân đang ngồi cách nhau chừng gang tay trên ghế đá. Tháng tư tháng năm lớn hơn một chút tha sách vở kéo nhau vào trấn Ba Đình nghe ve kêu vọng bốn phương tám hướng, ngắm ông thợ cắt tóc kiệm lời, không biết ông ấy là người lắm chữ. Rồi tha thẩn ra đền Bà Kiệu ngó nghiêng mấy ông thợ khắc kính bút, nhìn tàu điện đi ngang để lại tiếng chuông và đôi khi bóng ông xẩm lập cập đi ngang phố, nhập vào đám các ông cắt tóc khắc bút vẽ truyền thần với dựng khung vẩy bút làm hẳn một dòng tranh Bờ Hồ. Lúc bấy giờ trẻ con, nhởn chán khô cổ thì rủ nhau làm hào một que kem. Đến cái lúc chẳng vì khát vẫn phải ngồi quán thì lại vì cơn cớ khác.

Ông bảo tôi "thì với một thằng con trai lúc phải làm ra vẻ đàn ông sẽ cần chất xúc tác gì?" Vẫn cái nhìn hơi quái quái và vẫn nụ cười nửa miệng bên dưới hàng ria rậm, chắc là cứng. Từ khi tôi biết ông thì hàng ria này đã chớm bạc rồi, và đã thấy ông quái quái lừng khừng thế này rồi. Chừng ba mươi năm trước. Khi tôi về trường. Tất cả giáo viên trong trường đều là người mới giữa không gian vừa xây dựng mới tinh đó. Cũng như phần lớn giáo viên trong trường, ông thì không phải là giáo viên trẻ, giáo viên ranh con như tôi. Họ là những nhà giáo kì cựu và kì tài của Hà Nội, vì đủ thứ, kinh nghiệm, duyên với nghề và với người, vì thông tuệ. Tôi thì cho rằng còn vì xuất thân của họ nữa. Rất nhiều người trong số họ đã từng khốn khổ mới vào được đại học và chỉ được phép học sư phạm, học xong thì đi dạy chán chê ở Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng. Nhưng mà sự thông tuệ và ý chí của họ không cùn mòn đi vì những khốn khổ của đời sống, vì sự nhỏ mọn của lòng người hay là sự hẹp hòi của cách nhìn một thời. Họ là thị dân thật sự của thành phố này, thuộc nhóm người mang lại cho thành phố này vẻ đẹp dù bây giờ đã tàn suy cùng mạt rồi thì vẫn là một nuối tiếc với ai chỉ nghe nói và thương nhớ với ai từng sống cùng. Họ là nghệ sĩ trong cái nghề đòi hỏi rất nhiều và rất bó buộc con người này. Tôi tin nghề nào cũng có những người như thế, những người biến nghề của mình thành nghệ thuật mà ở đó nghệ sĩ không cần phải trang điểm hay thay phục trang giữa giờ. Nếm rượu hay là nếm mắm. Hát hay nói, như nghề giáo.

Thật may là ông chưa từng dạy tôi như một vài thầy cô trong trường và thật may là ông không quá già đủ để nhìn tôi mà không nghĩ tôi là đồng nghiệp và chỉ dẫn tận tình học sinh các em có căng tin và toilett riêng. Thế nên tôi gọi ông là anh. Anh em là đồng nghiệp cả mười năm nhưng cũng chỉ chờn vờn đôi ba lần gặp, giữa cuộc họp hội đồng, giờ trống tiết, hay khoảng giữa hai giờ giảng cùng đứng bên bàn uống nước. Ngày đó, với một vài giáo viên chỉ thích chuyên môn thuần túy ở trường này như ông và tôi thì thời gian là cơm áo. Đâm ít thời gian dành cho tình đồng nghiệp hay gì gì. Thì cứ tự giải thích như thế cho nhanh, đỡ áy náy. Chứ thực tình nguyên cớ là ở tính trời. Tôi nghĩ tôi và những người như ông luôn sống giữa nhiều cuộc đời riêng, trong và ngoài công việc, rất mô phạm lại rất không mô phạm, cái gì cũng muốn cạn mình thì còn đâu ra thì giờ. Ngoài ra, cùng nghề, tôi khá là mẫn cảm trước typ đàn ông như ông. Giáo học, giỏi mà không ra vẻ gánh vác sứ mệnh trồng trọt gì cao cả, thân tình mà bí hiểm, như thể và chắc cũng đúng là đằng sau những giờ cùng lên lớp nhận lương của ông nhà nước là một con người khác hẳn khó mà hình dung ra. Kinh nghiệm rồi: các ông thầy kiểu này, lừng khừng trong đời sống và nhạy bén trong công việc, nói rất ít mà biết rất nhiều, lại còn độc thân nuôi con thì đám nữ sinh mười bảy mười tám hay mấy cô gái trẻ làm việc ở bộ phận hành chính thường thương yêu lắm, chưa nói tới đám đồng nghiệp con gái tuổi tôi cùng tổ chuyên môn với ông, chưa nói tới đàn bà con gái trong các mối quan hệ riêng không cùng giới giáo. Ông hội đủ các điều kiện cần và đủ để làm cho đàn bà con gái trọng, yêu, thương, tò mò. Sẽ thật là không may cho người đàn bà nào sống với mấy ông đàn ông như thế này. Ai không biết chứ đám học trò vú nẩy tưng tưng mê thầy dễ coi như cô nhà thầy không tồn tại lắm, ngay cả trong ngày 20.11.

Vậy là tôi có mười năm làm đồng nghiệp nửa thân nửa sơ cùng ông. Rồi đi.

Khoảng thời gian tôi bỏ chỗ làm, rồi bỏ nghề hớt hải theo chồng thì ông kịp cưới thêm hai người đàn bà. Là tôi nghe đồng nghiệp cũ kể thế. Hai mươi năm, chia cho hai người đàn bà theo bất kể tỉ lệ nào thì cũng chẳng có gì nhiều. Mà nói chung, chuyện vợ chồng, một là đủ, nhưng đã phải hơn một thì bao nhiêu cũng vậy, lần nào chả như lần nào. Một cậu bạn khá là tốn vợ của tôi đã từng giảng cho con bạn chỉ biết một chồng vậy. Kể cũng đúng.

- Bạn nhầm rồi – Ông mủm mỉm cười, môi trên lấp hẳn sau hàng ria bàn chải trông thật ngộ. Cái nhìn của ông vẫn tinh quái như độ nào – Không có người đàn bà nào giống người đàn bà nào ngay cả khi họ dàn hàng ngang xung phong vào đời một người đàn ông. Thì làm sao bọn mình có thể đánh đồng họ được. Như mình, từng cưới bốn bà, mình nhớ cả bốn bà, sám hối trước cả bốn bà…

- Tội anh to thế cơ à? – Tôi cười.
- To lắm. Vì…


Tôi cười. Chẳng lẽ với bốn bà vợ ông đều mắc cùng một quy mô tội như thế. Nhưng mà bỏ qua cái kiểu nhìn rất quái, giọng ông vô cùng nghiêm chỉnh:
- Thật mà. Cùng một tội và to như nhau. Với cả bốn bà. Không phải vì mình bỏ họ đâu. Tội của mình khó tha thứ lắm. Mình không yêu họ.

- Không yêu mà anh sống qua mấy đời?
- Bạn chẳng còn là cô giáo trẻ bọn mình không dám đùa ngày mới về trường, phải hiểu cho mình chứ. Người ta có thể không cần vợ. Nhưng người ta cần đàn bà. Thời mình an toàn thì vợ phải là đàn bà và ngược lại. Nhưng vợ thì rất khó là người đàn bà thứ nhất, người cho một thằng con trai hiểu nó sẽ thực sự là đàn ông, cho nó biết những ý nghĩ, những cảm giác đầu đời. Mình sẽ rất ghen tị đấy nếu biết ở đời này có tay nào trong số thân quen có may mắn ấy.


Tôi không phải là đàn ông. Tôi không biết mình lúc mười lăm mười bảy có từng mang lại được cho một người con trai những cảm giác đầu đời đáng nhớ gì không. Nó như thế nào mà một người đàn ông dày dạn ở tuổi sáu mươi ngoài còn nhắc tới. Có điều ở đây khó nghe quá. Ồn quá. Hà Nội bây giờ.

- Người ấy không bao giờ biết điều ấy. Bạn biết không? Hôm nay mình hẹn bạn ở quán cà phê đầu tiên mình ngồi một mình trong đời. Bám rễ ở đó bao nhiêu năm. Cho tới khi lấy vợ. Cứ sau mỗi một lần cưới thì mình lại đổi một quán. Mình đã rời thành phố này đi… xa có gần có… rồi loay hoay vẫn phải trở về. Bao nhiêu vòng đi về như thế rồi. Nhưng cứ nghĩ những quán cà phê quen sẽ chỉ nằm dọc đường đời thôi. Chỗ này…


Hẳn là nơi ông đã biết những cảm giác sắc đặc lại, đắng ngọt gì thì tuổi ngoài sáu mươi ngoài đã không phai cũng sẽ không phai. Nhưng mà tôi không ngờ được rằng cái người mang lại điều ấy cho người con trai hơn bốn mươi năm trước mới ngoài hai mươi lại là người đàn bà ấy.

- Nổi tiếng và xa cách là với những ai chỉ biết cô ấy dưới ánh đèn sân khấu thôi. Với bọn mình thì cô ấy mãi là cô bé mười lăm tuổi lúc bọn mình vừa từ nơi sơ tán trở lại nhạc viện. Bạn không biết mình vốn dân trường nhạc nhỉ. Không thành nghề nhưng vẫn là nghiệp một đời. Rời nhạc viện mình vào sư phạm, định hướng của ông bố mình, cũng là tự định hướng. Nghệ thuật là thứ không nên à ơi với nó trong tinh thần nghiệp dư. Ta có quyền say đắm nó, nhưng thiếu tài mà đánh đu với nó thì...
- À, sẽ là thảm họa ngu dân với bọn tôn kính bất kể cái gì tưởng là nghệ thuật như em đấy. Thế rồi anh với chị ấy không chơi với nhau nữa à?
- Còn chưa bao giờ là bạn ấy chứ.


Thế mà người đàn ông ấy đã ngồi ở đúng cái quán này, thuở nó còn nằm trong căn phòng sát hàng rào của ngôi biệt thự xập xệ, đêm từng đêm, chỉ để ngóng nhìn mọt dáng người đạp xe ngang. Từ lúc còn phơi phới chưa yêu. Rồi yêu, rồi lấy chồng, rồi bỏ, rồi lại lấy, rồi ra đi.

- Thật ra nhà bọn tôi cùng phố. Tôi còn chơi với cả ông em trai của cô ấy, đánh khăng đánh đáo đánh nhau trèo leo bơi lội nhảy tàu bổ cắm bổ xuôi đủ hết. Bặt mất mấy năm sơ tán. Lúc gặp lại cô chị ở nhạc viện thì mình thôi không gặp cậu em nữa, không đến nhà nhau nữa. Chẳng biết tại sao. Chỉ muốn…

Ông thì ghen tị nếu có một ai lấy được vợ là người con gái đầu tiên đánh thức được trong mình những cảm xúc đầu đời của đàn ông. Còn tôi, ngồi đây, lại thấy mình ghen tị với người đàn bà mình chỉ biết trên màn ảnh và sân khấu, không phải vì thua thanh sắc hay tăm tiếng, chỉ vì... Có ai từng dõi theo mình như thế không? Âm thầm vui khi mình phơi phới đạp xe trong mưa xuân nhoè ánh điện? Đau đớn cùng mình vì khuôn mặt đầm đìa nước mắt lúc mình tưởng mình chỉ có một mình? Những mùa. Phố vào khuya, vắng.

- Cô ấy chịu trách nhiệm về bốn lần lấy vợ của mình đấy! – Ông tuyên bố, rồi mủm mỉm châm thêm một điếu Marlboro – Nhưng cả bốn bà vợ của mình may sao đều không biết điều này. Họ mà biết thì chắc họ không đau đớn uất hận đến thế với mình. Họ sẽ lấy làm mừng khi tin là mình dở hơi.


Tôi không may mắn gặp được một ông dở hơi như thế trong cuộc đời dài đủ rồi của mình. Tôi chỉ biết nhà ông và chút chút về ông. Mặt ngoài số nhà ấy một dạo đỏ đỏ vàng vàng rực rỡ. Biển hiệu nền xanh bẩn bẩn, chữ đỏ tái tái, lúc mới chắc là rất choé: Hợp tác xã thêu may. Từ ngoài vào trong, đi ngang cửa hàng thấy toàn cờ nước, cờ quyết thắng luân lưu và trăm thứ cờ với bằng chứng nhận bằng sa tanh đỏ bóng mượt, tua rua vàng, chữ thêu nổi cũng vàng treo kín tường. Bà mẹ ông hồi cái tạo công thương nghiệp xin vào làm ở hợp tác xã này, chiến tranh đánh phá lần thứ nhất đưa con cái đi sơ tán nghĩ thế nào lại gật cho hợp tác xã mượn nhà. Về thì mất. Cả nhà dồn hết lên tầng trên. Riêng ông có cái phòng trong sân. Chắc phòng dành cho con sen thời Tràng Tiền Plaza còn là nhà Goda. Lúc tôi mang cho ông suất cá biển công đoàn tổ ngoại ngữ gửi, tôi nhớ tôi đã rất lúng túng vì cái đàn piano kê trong phòng và vì cái mùi cá biển tan hết nước đá rất khó tả bốc quanh mình. Thoắt cái hai lăm năm qua rồi.


- Hợp tác xã của nợ ấy mình chẳng biết còn không. Hồi thành phố có chủ trương trả nhà trưng thu hay mượn nhà mình cũng làm đơn xin lại mấy phòng mà chịu chết không lấy được. Khổ cái nguời ta chiếm mặt tiền, nhà lại trung tâm quá… Sau khi cụ bà đi theo cụ ông anh em bàn nhau bán hết phần còn. Không biết bây giờ cả số nhà đó nơi nào quản. Nhưng mặt tiền chỗ có hợp tác xã thì người ta làm quán cà phê, cửa giả phá tung ốp kính. Ba bà vợ đầu của mình đều sống ở đó… À mình biết bạn tò mò về cái gì rồi…

Ông lại cười. Rồi kể về người vợ đầu mẹ của thằng con trai, người đàn bà giờ đang là chủ một của hàng bán sỉ trong chợ Sapa của người Việt bên Praha. Tôi tự nhủ khi nào qua đó nhất định phải tìm xem mặt. Ông bảo khi trẻ bà rất đẹp, và bà cũng là giáo viên như ông.

- Lần đầu mình đưa cô ấy về giới thiệu với gia đình, mẹ mình tiếp đãi rất ân cần, nhưng đêm thì cụ gõ cửa vào phòng tôi bảo mợ thấy khó con ạ, cậu con nói… Sau này tôi nghĩ giá các cụ đừng tìm cách ngăn cản có khi mình không lấy mẹ thằng Hoài. Con giai máu nóng mà. Nhưng mà các cụ có lí. Khi mình thấy hai đứa em gái thu thu mấy cái áo gối thêu chỉ trắng tinh chuẩn bị đám cưới cho anh đứng nhìn cái giường tân hôn cô vợ tôi chỉ đạo bạn tới trang hoàng, mình biết mình hỏng rồi. Bạn không thể hình dung được phải không? Đêm tân hôn mình gối đầu trên một cái gối viền ren, có tua rua, thêu nổi kín một góc rực rỡ y như hàng của hợp tác xã thêu cờ nhà ngoài. Có khi hơn. Nhị vàng, hoa đỏ, lá xanh, lại còn đôi chim bay lượn.

Tôi cười phá lên. Rồi ngượng nghịu vì cười. Rất đồng ý với ông rằng là bà vợ đầu của ông lấy ông thì vất vả. Khó sống nữa. Bây giờ thì tôi chấp nhận rất dễ dàng sự con người có những khoảng riêng không thể dung hòa với nhau, kiểu mê đi thi các nhóm ca khúc chính trị thì không chịu nổi classic ấy. Không bao giờ. Không phải vì kém hay hơn. Chỉ đơn giản vì quá khác. Tôi hình dung ra những đêm ông ngồi với phin cà phê ngóng một dáng người, một nét mặt từng là biểu tượng về cái thanh tú, cái trang nhã, cái tinh tế của đàn bà thành phố này, và tự gật gù thầm với mình về vẻ đẹp chắc phải rất hồng hào, rất đầy đặn, rất bừng bừng của vợ ông. Và không hiểu. Thật có những người những thời kì quặc thế? Cứ phải đi tìm lấy một tia sáng cho đời mình, càng mơ hồ càng thiết tha, càng thiết tha càng mờ mịt? Hay tại ngày sống mờ mịt quá nên phải tìm ánh sáng? Một cánh đồng hoa vàng trên cỏ? Một vầng mây? Khí núi đêm rừng? Có thể là bất kì cái gì, nhưng khi nào cũng gắn với con người. Một vóc dáng? Một gương mặt? Một giọng nói? Hơi ấm? Mùi hương? Những ý nghĩ về nhau? Những ý muốn vì nhau? Và chỉ những thứ 1, 2, 3, 4 ấy mới làm cho người ta thấy mình biết sống hay là còn muốn sống? Thằng bạn tốn vợ của tôi có lí. Trong chuyện riêng tư, bao nhiêu đời cũng là không đủ, lần nào chả như lần nào nếu không đạt tới cái người ta thiết tha, càng dữ dội thì càng có vẻ âm thầm.

Cái Smartphone của ông ting một tiếng. Dụi điếu thuốc cháy dở vào gạt tàn, ông nhoay nhoáy bấm máy trả lời. Rồi ngẩng lên:
- Thằng con mình. Bạn còn nhớ nó chứ? Ngày trước trường họp hội đồng hay hội hè gì nó toàn theo chân mình. Bốn vợ mà chỉ có độc nó. Bố con sống với nhau bao năm trời. Sau này, rơi vào cảnh của bố, nó bảo mình bố có công nhận con ngày bé là lá chắn chuẩn cho bố không rồi cười hi hi.

À thằng con ông. Nghe nói giờ nó nổi tiếng lắm trong giới nghệ thuật, và lắm tiền lắm. Hồi ông hay tha con đến trường, trước mặt nó tôi rất ngần ngại gọi bố nó là anh, càng không dám gọi nó là cháu. Khi đó nó cũng phải mười một mười hai, cũng phải bằng nửa tuổi tôi, nhưng cái đó không quan trọng. Quan trọng là cái vẻ lặng lẽ đầy nhạy cảm của nó. Giờ nó cũng phải ngoài bốn mươi rồi.

- Phải thế không anh nhỉ? Bạn ấy nhà anh kém em chừng…

Ông cười:

- Đúng rồi. Nó đang ở Miền Tây… đang than mùa nước nổi mà nước còn ít lắm. Lại hỏi bố bao giờ bố vào thì con ra. Hậu sinh khả úy. Bằng tuổi mình khi độc thân nuôi con thì nó đã hơn đứt bố một đời vợ. Nhưng mà hậu sinh vẫn là hậu sinh. Thằng con mình lắm vợ nhiều bồ vẫn không bằng bố. Là nghệ sĩ mà tiếng vậy nó chưa hề có một tình yêu nào ở đất này.

Tôi nhìn ông, muốn chọc một câu ai bảo anh thế. Tình yêu? Đất này? Nhưng rồi tôi lại im. Lại vẫn thấy từng trải thế mà chưa tự giải thoát được khỏi phản xạ rụt rè có điều kiện trước ông đồng nghiệp.
Nếu can đảm, tôi sẽ hỏi ông về cái tình yêu ấy. Nó là sự chờ đợi để không mòn mỏi? Có nên coi nó thực sự là một mối tình không và dành cho ai? Với lại ai cần mới được chứ? Không phải tôi! Thề!

Hà Nội đã vào đông. Nóng hực. Những người đàn bà bịt kín mặt mũi đang nhẫn nại trồng lại đám hoa cúc vạn thọ trong hình ngôi sao bên Bờ Hồ. Phố lủng lẳng dây nhợ. Lát nữa tối hẳn những dây nhợ đó sẽ bật sáng hoa đỏ lá xanh chen với những khúc vảy rồng vàng cùng vô khối khẩu hiệu. Nghĩ mà xem, rực rỡ thế thì ai cần ánh sáng?

Thằng bé phục vụ rất có dáng sinh viên ra xin lỗi và nhấc đi cái gạt tàn đầy những điếu Marlboro ông châm rồi dụi đó. Chúng tôi ngồi vậy là qua một chiều. Tới nửa đêm thành phố tắt điện thì Bờ Hồ sẽ có lại những khoảng tối mềm mại và lặng lẽ, lặng lẽ như chúng tôi từng cùng nó. Những mùa chưa xa.
Thằng con nổi tiếng của ông nhiều vợ như bố nhưng thua bố vì chưa từng có một tình yêu ở phố. Ông bảo thế. Nhưng có để làm gì cơ?

Tôi nhát. Tôi không dám hỏi. Lúc đứng lên tôi chỉ nhẹ nhàng hỏi ông bạn ấy ra làm gì mùa đông này anh?

Thay cho lời chào không thêm thắt câu hẹn gặp lại.


Berlin

12. 2015

Lê Minh Hà

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Bính Thân
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss