Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Chiếc xe hơi nằm vạ

Chiếc xe hơi nằm vạ

- Ninh Kiều — published 30/10/2008 18:53, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
truyện ngắn


CHIẾC XE HƠI NẰM VẠ


NINH KIỀU



Chiếc xe hơi còn chạy của bà hàng xóm giỏi giang nằm vạ trong sân trước không rào của ông hàng xóm bỗng nhiên đêm hôm đêm khuya có người dọn tới ở. Một người hàng xóm thứ tư ?

Số là đêm hôm ấy, đang trăn trở trong giường thì bỗng thấy đèn vàng chóp tắt quét ngang qua cửa sổ đã hạ cửa chắn ánh sáng. Chuyện gì vậy ? Trộm cướp ? Đánh nhau ? Tai nạn ?

Tôi tung ba lớp mền, hất qua bên mấy chai nước Perrier đã nguội tanh, không kịp xỏ dép, chạy vào phòng tắm, vén màn cửa sổ nhìn xuống thấy nhiều người đứng dưới đường trong đó có ông hàng xóm bên trái của tôi với bốn viên Police – tạm dịch là cảnh sát hay công an, cả hai từ ngữ đối với tôi đều quen thuộc. Qua kính cửa mờ hơi lạnh, tôi thấy hết người nầy đến người kia thở ra khói, ai cũng tay mang găng xoa vào nhau và đứng không yên chỗ trừ ông hàng xóm giấu hai tay trong túi. Rồi tôi thấy ông ta nhiều lần hất hàm về phía chiếc xe nằm vạ trong sân trước nhà mình, khiến mọi người quay nhìn về phía chiếc xe. Xứ văn minh có khác, cái gì cũng lẹ, vừa thấy đèn vàng chớp tắt đã thấy Police xuống xe vây quanh… vấn đề.

Không biết họ nói gì với nhau, chỉ thấy ông hàng xóm bây giờ thì không hất hàm nữa mà nhún vai rồi một viên Police đến bên cửa xe hơi phía người lái, khum xuống, nhìn vào xe một lúc, rồi ra dấu cho người nào đó bên trong hạ kính cửa xe.

Hàng xóm láng giềng trên con đường nầy, chỉ gặp nhau khi có sự cố gì đó xảy ra. Như một lần hai xe đụng nhau gần ngã tư bên phải nhà tôi, Police phải chận hai đầu đường để các đội viên cứu hoả cưa ngang chiếc xe như bửa trái cau rồi đưa băng ca vào khiêng người lái xe ra, mất mấy tiếng đồng hồ. Một lần khác thì nghe nhiều tiếng xe thắng gấp, nhiều bánh xe rít dài trên mặt đường nhưng không nghe cái rầm, cũng gần ngã tư phía bên phải nhà tôi. Thế là cả con đường túa ra xem để thấy một người hai tay đã bị còng quật ra sau lưng, nằm úp mặt dưới đất, có vẻ như vừa bị lôi ra từ chiếc xe cửa mở toang hoác giữa đường. Rồi một người cao lớn mặc thường phục cầm hai chân chổng đầu người bị còng xuống đất, xốc lên xốc xuống nhiều lần giống như người ta nắm hai ống quần rũ rũ cho đồ trong túi rớt ra. Xong rồi người bị còng được vứt vào thùng xe mở sẵn của một chiếc xe. Trong nháy mắt, bốn chiếc xe đồng loạt lui ra giải phóng chiếc xe bị kẹp bốn phía và cả năm xe quay đầu cùng hướng, vọt đi, trả lại yên tĩnh cho con đường với những người hàng xóm chưa hết bàng hoàng trước cảnh tượng vừa xảy ra.

Như đã nói trên, phải có một sự cố gì đó xảy ra mới khiến người ta túa ra đường, bất kể đêm hôm khuya khoắt – xin nói thêm là cả hai sự cố kể trên đều xảy ra vào khoảng mười giờ đêm – và có lẽ đấy là những dịp duy nhất để họ cảm nhận tình hàng xóm láng giềng, nhưng thực tế thì không, chưa kịp nhận ai ra ai thì đã ai về nhà nấy. Thanh toán cá nhân hay Police chụp được « Kẻ thù công cộng số một » ? Không trao đổi gì, giỏi lắm thì nhìn nhau lắc đầu, nhún vai, cùng lắm thì buông vài lời bâng quơ, vô thưởng vô phạt, không chạm vào cái gì cả rồi vô nhà.

Sau sự cố, con đường thường vắng vẻ một lúc mới thấy xe cộ hai bên xuôi ngược bình thường. Và người đi qua không thấy dấu vết gì chứng tỏ có chiếc xe hơi vừa mới được cưa đôi nhờ chục đội viên chữa lửa cật lực làm nhiệm vụ một cách khó khăn, cả đến bối rối trong mấy tiếng đồng hồ. Và cũng không có dấu vết gì chứng tỏ vừa có bốn chiếc xe, Police có, thường phục có, như hò hẹn trước để đến cùng lúc chận chiếc xe được bầu, rồi còng tay, rồi xốc ngược hai chân rũ rũ, rồi vứt vào thùng xe, gọn hơ.

Đó là hai sự cố trong nhiều sự cố khác đã xảy ra trên con đường trước nhà tôi. Con đường viền hai dãy biệt thự với hai hàng cây tilleul mà mùa hè kéo màn lá xanh um cho hàng xóm khỏi thấy mặt nhau. Hàng cây tilleul – tạm dịch là cây đoạn, có hoa và lá phơi khô châm nước nóng uống thơm như uống trà – được thị xã cắt tỉa vuông vức thẳng hàng mỗi năm. Cắt tỉa tilleul mỗi năm vào mùa nào thì tôi không để ý nhưng hình ảnh của hai sự cố kể trên chỉ xảy ra có một lần mà đã vào nằm trong bộ nhớ của tôi ở một nơi mà chỉ ghi chứ không có thể xoá. Không những không xóa được mà còn hơn thế nữa vì mỗi gợi nhớ đều có kèm theo cảm giác sờ sợ, sợ vì bạo lực thực sự đã xảy ra kế bên, xin lỗi,… nách. Bởi nơi tôi ở không phải là chốn khỉ ho cò gáy mà chỉ cách điểm 0 có tọa độ zéro chừng năm mười cây số theo đường chim bay, về phía nam. Xin nhắc bạn đọc nào có dịp viếng Paris thì nhớ ngồi sụp xuống chụp ảnh với điểm 0 nầy, nằm ngay trước nhà Thờ Notre Dame de Paris – Nhà thờ Đức Bà của Paris. Có lẽ do vậy mà thấy sợ, vì gần quá, hiện thực quá. Sợ dính líu, dính với Police cũng khổ mà dính với không Police cũng khổ. Thế là né, nhà ai nấy vô, quay lưng lại với nhau, không nhớ mặt nhau chớ đừng nói chuyện biết tên. Bởi không biết tên nên đành đặt biệt hiệu để phân biệt. Tôi gọi hàng xóm trước mặt là ông Tây khó chịu, để rồi tôi sẽ giải thích sau ; gọi hàng xóm bên phải là ông bà Sicile vì họ là người Ý ở đảo Sicile ; hàng xóm bên trái là ông Náp vì ông là người Ý ở tỉnh Naples. Cùng là láng giềng cả nhưng ba nhà nầy không chào nhau mà chỉ chào tôi thôi và sau lưng tôi, họ gọi tôi là “La chinoise” – tạm dịch là bà Tàu.

Hồi mới đến, nhà nào cũng đầy đủ ông và bà, người lớn và con nít. Chỉ trong vòng hai mươi năm, không nhà nào còn con nít ở, nhưng cũng có nhà may mắn thỉnh thoảng có con nít ghé chơi. Hàng xóm trước mặt được tôi gọi là « ông Tây khó chịu » có bà vợ nghe đồn rất dễ thương mà tôi chưa bao giờ giáp mặt trong suốt ngần ấy năm ra vô con đường nầy. Ông bà Sicile thì từ khi nghỉ bán trái cây ngoài chợ về hưu, tôi cũng ít gặp vì họ thường thay phiên nhau trở về đảo Sicile để trông coi cái nhà đang được xây cất. Còn về ông Nap, chủ quán cà phê đầu đường thì có ai hỏi về chiếc xe nằm vạ càng ngày càng tàn tạ làm xấu đi con đường thì ông trả lời như cóc cắn “La salope” – tạm dịch là “Con đĩ”.

Thôi coi như tạm xong việc giới thiệu ba hàng xóm của tôi và việc đưa lên hai sự cố khá tiêu biểu đã xảy ra trên con đường toàn biệt thự với hai hàng tilleul cắt tỉa nầy. Bây giờ xin quay trở về cái sự đến rất bất ngờ của người hàng xóm thứ tư vào một đêm tháng hai năm 2005 mà tôi xem như là sự cố thứ ba, cũng được bảo tồn cùng chỗ như hai sự cố đã kể trên.

Cột đèn đường ngay trước nhà ông hàng xóm bên trái tiếp tục hất ánh sáng vàng vọt xuống quang cảnh : hai xe Police đậu giữa đường mà một xe tiếp tục quét đèn vàng chóp tắt như nhắc nhở problème, problème – tạm dịch là vấn đề, vấn đề –, ba viên đứng với ông hàng xóm và một viên lum khum tìm cách liên lạc với người nào đó ở trong xe. Một lúc sau viên Police đang lum khum đứng thẳng lưng lên rồi vừa đi ra xe, vừa khoát tay như một viên tướng chỉ huy bại trận ra lệnh cho quân rút lui có trật tự. Rồi ánh đèn vàng chóp tắt chạy theo còi hụ Police nhỏ dần, để lại sau lưng cột đèn đường chỉ còn rọi bóng ông Náp đứng tần ngần. Đêm hôm ấy, không có người hàng xóm nào chịu khó ló ra đường để nhìn tận mắt vấn đề, có lẽ vì trời vừa lạnh vừa khuya khoắt nhưng tôi chắc chắn là họ đã lo lắng theo dõi sự cố sau cửa sổ như tôi.

Đó là một đêm cuối tháng hai, xuống lạnh đột ngột sau mấy tuần trời ấm áp, một hiện tượng tự nhiên thường gây hiểu lầm cho hoa lá tưởng đã sang xuân, trồi lên đó đây. Do vậy có khi mùa cây trái có thể bị tàn phá trong vài ngày. Có nơi người ta phải đốt lửa, hàng trăm ngọn, để sưởi ấm cây, suốt cả đêm, như tôi thấy chiếu nhiều lần trên Télé.

Tuy trời lạnh vậy mà ông hàng xóm vẫn còn đứng nhìn xuống, mặt cúi gầm như chờ đợi, như suy nghĩ. Không hiểu sao tôi cảm thấy không thể bỏ ông Náp một mình như thế nên cứ chân đất – hai đôi vớ trên nền gạch lạnh – đứng sau cửa sổ. Nhưng rồi dần dần cảm thấy hơi lạnh ngấm vào người, thế là tôi quyết định bỏ ông Náp chốc lát để đi trang bị chống lạnh : chồng thêm một áo len, một manteau – tạm dịch là áo khoác – và mang dép cẩn thận rồi trở về sau cửa sổ để ngạc nhiên thấy có ba người đứng với ông Nap. Cột đèn đường vẫn soi quang cảnh : một chiếc xe hơi tải nhỏ leo lề đậu gần chiếc xe có vấn đề và ba người mặc đồng phục gọn gàng đứng thành vòng tròn cùng với ông Náp thở ra khói.

Rồi tôi thấy một người mặc đồng phục rọi đèn pin vào trong chiếc xe nằm vạ và gõ cửa kính xe một cánh cương quyết, dồn dập như thúc giục người bên trong phải mở cửa và cuối cùng cửa xe mở như có ai đó bên trong mở chốt. Phút chốc cả đám người vây quanh cánh cửa xe mở, rồi một người trong ba người mặc đồng phục quay ra chỗ xe tải nhỏ, lui hui một lúc rồi trở vào, hai tay đều bận và chui hẳn vào trong xe để rồi một lúc sau, tôi thấy chui trở ra, cầm trong tay phích nước nóng. Thế là tôi hiểu ngay là họ ở trong một tổ chức nhân đạo nào đó, đêm lạnh đi ủy lạo những người SDF – tạm dịch là không nơi ở nhất định hay không còn gì để mất. Họ hoạt động tích cực trong mùa đông, nhất là những đêm xuống lạnh độ âm, 10 độ dưới zéro như đêm nay.

Xứ có tổ chức xã hội… hiện đại có khác. Police bất lực ra đi thì tổ chức nhân đạo nhiệt tình đến thay thế, như có ước hẹn với nhau. Giống như có vô số mạng lưới được căng ra. Có ai lọt lưới thì cũng lọt từ từ, lỡ lọt qua lưới nầy thì có lưới phía dưới đỡ. Không biết có bao nhiêu lưới nhưng tôi chắc chắn là có rất nhiều. Ai muốn chăng lưới cũng được. Chỉ cần điền giấy lập hội rồi chăng lưới. Lưới có màu và không màu. Màu đỏ, đỏ đậm đỏ lợt, màu xanh dương, màu xanh lá cây, xanh đậm xanh lợt, màu vàng, vàng đậm vàng lợt, màu trắng, trắng đậm trắng…, ai thích màu nào thì chọn màu ấy. Chỉ cần bạn nói cho tôi biết bạn thích lưới màu gì là tôi biết ngay bạn thích bỏ phiếu cho ai. Vậy mà hằng năm vẫn có vài người lặng lẽ lọt lưới, trong đêm, để sáng mai média – phương tiện thông tin đại chúng – đưa tin hàng đầu là có người lọt lưới. Cái gì dù có thảm thiết mà cứ thấy hàng ngày trên Télé đâm ra xúc động giảm nhưng lạ kỳ là cái chết lạnh của một con người, đầu thế kỷ XXI giữa Paris, thường làm tôi… áy náy, áy náy hơn cả thấy con nít chết đói trên Télé ở một xứ nào đó, trừ Việt Nam.

Trở về ông Náp và ba người đồng phục, họ vẫn tiếp tục xúm quanh cánh cửa xe rất lâu, có đến vài mươi phút như đang thương thuyết. Sở dĩ tôi đoán nhận được như thế vì đã nhiều lần xem phóng sự trên Télé về những người tình nguyện thuộc các tổ chức nhân đạo đêm hôm lái xe chạy vòng vòng khắp Paris để hỏi “Ça va ?” và thường được trả lời “Ça va”.

“Mạnh khoẻ ?”, người nằm trên miếng các tông dưới gầm cầu thúi ùm trả lời “Mạnh khoẻ ”. “Không có vấn đề gì ?”, người nằm trên nắp cống đượm mùi cống trả lời “không có vấn đề gì ”. Nhưng cũng có người trả lời gắt gỏng “Để cho tôi yên”. Nhưng người hỏi vẫn không lấy thế làm phiền, tiếp tục đi sâu vào gầm cầu hỏi mấy cái túi ngủ nằm ngay trên mặt đất “Tôi có thể làm gì được…” và tỏ vẻ yên tâm khi được trả lời và khó xử khi cái túi ngủ không những không trả lời mà không thấy phập phồng nữa : một người ngủ say hay đang trên đà lọt lưới ?

Đó là các phóng sự chiếu hà rầm trên Télé, còn trước mắt tôi hiện giờ thì có lẽ cuộc thương thuyết thất bại cho nên ba người đồng phục bỏ ra xe để rồi chiếc xe tải nhỏ lao ra đường, chắc là để tiếp tục cuộc tìm kiếm SDF như tham dự một trò chơi ú tim không bao giờ dứt. Xứ tôn trọng tự do có khác, chết lạnh cũng có quyền. Không như chó chạy rong ngoài đường, a lê hấp, vô SPA – tạm dịch là viện mồ côi thú vật.

Và kể từ đêm hôm ấy, vấn đề… trong xe trở thành người hàng xóm thứ tư của tôi mà sáng sớm hôm sau tôi không chút ngạc nhiên thấy là một ông.

Jean-Pierre là tên, 57 là số tuổi. Họ của Jean-Pierre không tận cùng bằng chữ i, chữ v, chữ ian…

Tôi nhớ có lần ông Náp bĩu môi khẳng định về ông Tây khó chịu “Y không phải người Pháp thật vì họ của y tận cùng bằng chữ i như họ của tôi”. Nhờ vậy sự hiểu biết của tôi được nới rộng : họ của người xứ Arménie thường tận cùng bằng chữ ian, xứ Nga bằng v. Và dần dần tôi nhận ra được vài tên họ người Do Thái, người A Rập. Nhưng cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ như ông anh họ của tôi đổi họ Nguyen thành Guyenhet.

Mặc dù tên của ba người hàng xóm di dân của tôi đều tận cùng bằng chữ i ngắn vì y dài dành cho Ba Lan nhưng họ không chào nhau vì dường như khi rời xứ gốc, họ không quên mang theo mọi hiềm khích do quá khứ để lại và bảo tồn kĩ lưỡng tại nước chủ nhà. Lạ thật !

Tôi có một nhận xét là khi ông Náp – nhập cư từ thuở thiếu niên và vẫn còn là công dân Ý – nói “Chez nous – ở xứ tôi”, ai cũng tưởng ông nói chuyện bên Pháp trong khi ông muốn nói chuyện bên Ý. Còn tôi, công dân Pháp, mở miệng nói “Chez nous – ở xứ tôi” thì người ta cứ tưởng tôi muốn nói chuyện bên Tàu.

Cho nên trong bối cảnh hội nhập phức tạp như thế, sự đến của người hàng xóm thứ tư, chính cống là người Pháp, không khỏi gây bối rối cho tôi vì tôi bối rối thì tôi biết, có lẽ vì tôi là người thông cảm nhất với ông J.P. tức Jean-Pierre, về cái lạnh. Số là trước cái đêm J.P. đến, lò sưởi nhà tôi hư. Nguyên nhân hư miễn bàn, chỉ nhắc hậu quả : lạnh.

Về hoàn cảnh riêng, từ năm người sụt xuống còn một, cũng miễn bàn, chỉ nhắc hậu quả : một mình tôi trong ngôi nhà hai tầng không lò sưởi. Mà đài khí tượng dự đoán ban đêm nhiệt kế sẽ nằm yên ở mức 10 độ âm trong vòng bốn ngày, kể luôn cái đêm tôi có thêm J.P. làm hàng xóm.

Nếu bạn đọc chú ý một chút có lẽ đã nhận thấy là ngay từ đầu câu chuyện tôi đã gián tiếp diễn tả cái lạnh trong nhà tôi và ngoài đường. Ba lớp mền, mấy chai Perrier lạnh tanh – tạm dịch là chai nước suối nhãn hiệu Perrier dùng đựng nước sôi bảo đảm an toàn tuyệt đối. Cửa kính mờ mờ. Thở ra khói. Tay mang găng xoa vào nhau và đứng không yên chỗ. Hai lớp vớ trên nền gạch, vân vân và vân vân. Nhưng đó là mới lạnh bước đầu, còn rục rịch là còn sống. Lạnh đến mất cảm giác vì dường như bộ óc quên phận sự trước rồi sau đó tim thấy mình có đập cũng vô ích thì ngừng luôn. Đến nước ấy thì sẽ có báo đăng, média chộn rộn, lưới tăng cường số lượng và chất lượng, vây bủa. Nhưng hồi nào tới giờ, tôi chưa nghe nói có ai chết lạnh trong biệt thự nhà mình, chết nóng thì có. Do vậy mà khi bốn bức tường nhà tôi thở ra hơi lạnh và tất cả cửa sổ đều đóng nước đá thì tôi phát lo bộ óc mình chểnh mảng công việc. Tôi bèn đi khượi khượi nước đá đóng bên trong các cửa sổ, loại nước đá trong veo rớt ra từng mảng, rơi lộp độp. Nhưng khượi khượi cho có rục rịch chứ làm sao cãi lại được với định luật vật lý : nước đá đông đặc ở zéro độ. Đúng. Phòng khách của tôi trong bóng đêm mà không tối nhờ Paris là kinh đô ánh sáng cho nên lấp lánh màu trắng tinh khiết của nước đá đông đặc bên trong và tuyết phủ bên ngoài, trên tất cả cửa kính. À, tôi quên nói với bạn đọc là đến đêm thứ tư kể từ cái đêm tôi có thêm J.P. làm hàng xóm, thì tuyết rơi trắng xóa. Tuyết rơi đúng vào lúc mà định luật vật lý nước đông đặc thì tăng thể tích đang có nguy cơ trở thành hiện thực trong tất cả ống nước nhà tôi. Bạn đọc cứ thử hình dung trong nhà mình, cái gì đã ướt rồi thì không khô, đụng vào cái gì cũng lạnh, ngồi cũng lạnh, đứng cũng lạnh, nằm càng lạnh, vớ cũng lạnh, mền cũng lạnh mặc cho mấy chai Perrier nằm lổn ngổn trong giường, phụ thêm vào ống nước bể...

Nhưng bạn đọc có biết là khi tuyết rơi thì trời ấm lại không ? Là vì nhiệt kế đang trừ 10 độ mà leo lên gần zéro độ thì rơi tuyết. Chỉ cần nửa buổi là Paris mặc áo trắng. Nhưng trắng không lâu vì cái gì có dính con người vào rất dễ trở nên bùn, thành màu nâu sậm, như đường sá, vỉa hè. Chính cái đêm tuyết rơi nầy mà nỗi sợ bể ống nước của tôi mới hoàn toàn thuộc về quá khứ và tôi mới bình tĩnh ngồi ngắm hiện tại. Cả phòng khách trong bóng đêm mờ như sáng trắng lên, rực rỡ và đẹp, đẹp như hình ảnh tôi đã từng thấy…ở đâu vậy nè trời ? Cũng cửa kính đầy tuyết bên ngoài và đóng băng bên trong. Nhìn ra thì chỉ có đồng không mông quạnh, trắng xoá, không một vết đen trên thảm tuyết, bên trong thì có hai kẻ yêu nhau, nàng âu yếm nhìn chàng làm thơ trong ngôi nhà đã đóng băng…Thôi nhớ ra rồi, cảnh cuối trong một phim có hai kẻ yêu nhau không hợp pháp và sống với nhau lần cuối trong ngôi nhà băng giá, chỉ còn có lò sưởi tình yêu giữa tuyết trắng.

Mà lạ lùng thay, tình cờ thay, dưới cửa sổ nhà tôi, cũng có cảnh tượng na ná vì hồi đèn đường mới bật, trong chiếc xe hơi nằm vạ cũng có hai kẻ yêu nhau, hai quyện thành một trong chiếc mền mà tôi đã đứng nhìn rất lâu dưới ánh sáng vàng vọt của cột đèn đường. Tôi nhìn họ trồi lên trụt xuống dưới lớp mền trên ghế trước của chiếc xe nằm vạ cho đến khi tuyết kéo màn trắng che họ lại cho kín đáo mới trở vào ngồi trong phòng khách, để thấm thía hiện thực khác nhau giữa trên nầy và dưới kia, đồng cảnh mà không đồng tình. Trong phim, đoạn cuối, cũng cửa sổ băng tuyết, cũng nhà không ngọn lửa nhưng họ ấm từ bên trong ấm ra, như J.P. trong chiếc xe, như nhà thơ trong phim. Còn tôi thì từ ngoài lạnh vào, từ trong lạnh ra. Sao lại đến nước nầy. Lỗi tại ai ? Nhất định là không phải lỗi tôi rồi. Nghĩ đến đây tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn. Nhà như vầy mà gọi là nhà tù, nghe muốn nổi điên…

Có lẽ nhờ sự hiện hữu của tình yêu và sự ấm áp của trời nên cái đêm thứ tư nầy là đêm đầu tiên, khúc đường nầy mới được ngủ yên. Thật vậy, đêm tiếp theo đêm J.P. dọn đến ở, nhiệt kế vẫn đứng yên ở 10 độ âm ngay trong nhà tôi, có lẽ do vậy mà máu trong người đông lại, không chạy được lên óc nên tự nhiên có lúc tôi muốn la, la to… Đang chống chọi vất vả để làm người bình thường ở biệt thự thì tôi nghe có tiếng người nói dưới đường, rất to, như bất tận. Không cần chạy ra đứng sau cửa sổ phòng tắm, tôi cũng biết J.P. đang nói. Trí thức Pháp chính cống nói tiếng Pháp có khác, tốt nghiệp trường X * hay Y gì đó theo lời ông Náp mách lẻo.

Thú thật là tôi hoàn hoàn không có khả năng phản ánh lại, tổng hợp lại những gì J.P. nói, vang lên trong đêm vắng, với những danh từ, tĩnh từ, trạng tự, động từ... có động từ được chia thì quá khứ trong tương lai không có điều kiện và có động từ được chia thì tương lai trong quá khứ có điều kiện, quyện lại chặt chẽ, tinh tế, bất chấp hai lần cửa kính cách nhau đúng một centimét để ngăn tiếng động, tiến thẳng vào bộ óc của tôi ở đúng cái chỗ chuyên phiên âm mọi ngôn ngữ thành sóng phổ cập có khả năng làm rung động cả châu thân để phát sinh ra những cảm giác… rất khó tả. Cảm giác mà ta có, khi tiếp cận cái ít khi gặp, như thấy một người đàn ông khóc chẳng hạn – tôi nói thật, bi thảm hơn gấp mấy lần người đàn bà khóc – hoặc cảm giác nghe tiếng chó tru trong đêm trăng lu hay tiếng gào... Tiếng gào của một người Pháp buộc tội Nhà Nước, buộc tội thế giới, buộc tội đủ mọi thứ trên đời và nhất là buộc tội hệ thống, cái thì tạo nhiều của cải mà không chịu chia đều, cái thì quá bận bịu lo chia đều mà không có gì để chia... Thú thật là xem Télé tôi thấy ai phân tích cũng có lý và thường chịu tác động của người lấy lời sau cùng, cho nên để khỏi lầm lạc, tôi nhìn màu. Hai ông nầy nói na ná nhau, nhưng ông đỏ lợt, ông xanh dương đậm, thế thì cứ quen màu nào thì nghe theo màu ấy. Nhưng cho đến bây giờ tôi không biết liệt J.P. vào màu nào, phải chăng J.P. thuộc vào một trào lưu mới, không màu ? Mà có vật thể nào trên đời nầy không màu không nhỉ ?

Hàng xóm kiên nhẫn nghe bản cáo trạng của J.P. đượm mùi rượu nồng nặc và càng ngày càng khó nghe mà lại không hề có dấu hiệu hết pin nên khoảng hai giờ sáng thì có xe Police đến quét đèn vàng lên cửa sổ nhà tôi. Và khác với đêm đầu tiên J.P. mới đến, lần nầy ông Tây khó chịu xuống đường. Cột đèn đường vẫn hất ánh sáng vàng vọt xuống quang cảnh trước đầu chiếc xe nằm vạ : bốn viên Police, ông Náp, J.P. và ông Tây khó chịu. Tất cả đều thở ra khói vào mặt nhau. Ông Tây khó chịu thở khói nhiều nhất và liên tục. Sau nầy tôi được nghe ông Náp kể lại là ông Tây khó chịu lợi dụng sự có mặt của Police để kiện tụng, kiện tụng người ta cứ lầm vỉa hè có lề thấp trước cửa garage nhà ông với chỗ đậu xe cho phép giữa hai gốc cây tilleul. Tôi luôn có cảm tưởng là suốt ngày ông Tây khó chịu núp sau cánh cửa để bắt quả tang những kẻ phạm pháp. Đó là những chủ xe ung dung đậu vào đúng vùng cấm địa có gắn bảng cấm đậu to tướng, ung dung đóng cửa xe bỏ đi, năm mười phút sau ung dung mở cửa xe rồi ung dung lái xe đi, không có vẻ gì nao núng trước cái điện thoại di động đầy hăm doạ của ông Tây khó chịu.

Tất cả mọi người thở ra khói một lúc thì Police hú còi chạy đi mang theo đèn vàng chóp tắt, ông Tây khó chịu về nhà tiếp tục núp sau cánh cửa, ông Náp vào nhà bưng cà phê ra và J.P. ngưng nói vì mắc uống. Cả con đường đoàn kết chờ sáng.

Có lẽ vì J.P. đã thật sự trở thành hội viên của hội SDF mà hội viện càng ngày càng đông khiến cho, trước hết Police tránh mặt và sau đó hàng xóm kiêng dè. Vào ở trong chiếc xe nằm vạ, cũ thật, nhưng xe có chủ và nằm ngay trong đất tư nhân là phạm pháp. Nhưng nhà ở là quyền cơ bản được công nhận trong Tuyên Ngôn Quyền Con Người cơ mà. Thú thật là tôi có chút tự hào là đã tìm ra một thí dụ cụ thể cho mâu thuẩn. Còn hàng xóm chung quanh J.P. tuy ở biệt thự nhưng vô cảm trước X hay Y cho nên họ suy nghĩ đơn giản lắm : dù sao cũng Tây thật, Police đã đầu hàng, từ thiện đã bó tay thì họ cũng nên chịu khó nghe J.P. phân tích suốt đêm một chút…

Qua đêm thứ ba, nhiệt kế thì vẫn nằm yên ở 10 độ âm trong nhà và tôi thì loay hoay tìm tư thế thoải mái lâu dài trên giường để nghe J.P. diễn thuyết dưới đường. Nhưng đêm nay trái với đêm hôm qua, không có diễn thuyết mà chỉ có tiếng người kêu la, nghe như đang bị thương, rất lâu nhưng đợi mãi mà không thấy đèn vàng Police tới quét ngang cửa sổ nhà tôi, không thấy có ai ghé bủa lưới, cũng không có ông Tây khó chịu xuống đường mà chỉ còn có ông Náp một mình chịu đựng toàn bộ gánh nặng xã hội. Rồi có lúc tôi nghe tiếng ông Náp phụ hoạ “Salope, salope…” át cả tiếng của J.P. giữa đêm khuya.

Qua đêm thứ tư như đã nói trên, tuyết rơi, trời ấm lại và J.P. có người… yêu mình. Phải công nhận là ông Trời cũng có con mắt, công bằng.

Ở tuổi nầy, không hiểu sao trong thâm tâm tôi lại thích kết thúc câu chuyện nầy cho có hậu : J.P. có người yêu, xây dựng lại cuộc đời đã đánh mất. Nhưng không hiểu sao tôi cứ loay hoay tuyển lựa hàng chục hàng rồi bấm con chuột, xoá bỏ không thương tiếc những gì mình vừa viết. Ôi con chuột, một biểu hiện hiện đại !

Cứ bôi xoá mãi mà không tìm ra được lối thoát, bí quá tôi bèn xuống dọn cơm cho chồng ăn. Xin mở ngoặc để nói chút chuyện riêng tư : từ một lên hai là một hiện thực nhưng xin phép miễn bàn vì không phải là chủ đề của câu chuyện nầy. Đang ăn cơm thì có người nhấn chuông. Tôi nhìn đồng hồ trên lò vi sóng : 12 giờ 17 phút. Ai tới bất tử không điện trước vậy kìa ? Tôi mở cửa nhà ra ngoài ban công nhìn xuống thì thấy một người Pháp đầu trần mang cái túi mán vai đứng trước cổng. Chẳng lẽ J.P. ?

Đúng là J.P.. Tôi tin chắc như thế và lao xuống trước mặt J.P. reo lên một cách không tế nhị : “Cô ấy ra sao rồi?” vì là thông tin tôi cần có cho kết cục. Rồi qua song cửa cổng sắt hình thoi vẫn khoá kỹ, tôi tiếp tục cuộc điều tra đời tư của J.P. dưới mưa lấm tấm, ngày thứ năm 16 tháng mười năm 2008. Bạn đọc nào ở Paris có thể làm chứng cho tôi là trưa hôm ấy, vào lúc quá trưa, trời mưa lấm tấm trên vùng ngoại ô nam Paris và ông Tây khó chịu có thể làm chứng là đã thấy tôi đứng nói chuyện với một người đàn ông lạ mặt.

“Cô ấy chết rồi”. “Tại sao”. “Tự tử”. “Cô ấy đã ở trong nhà thương điên phải không ?”

Tôi chỉ thấy J.P. cúi đầu, mắt ngó xuống. Tôi mạnh dạn hơn “Sao đến nông nỗi nầy” mà không ngờ là mình vừa mới mở cái « boîte de Pandore » – tạm dịch là cái chum chứa bất hạnh – thế là những gì chất chứa trong lòng, J.P. cho ra ngoài hết, khiến tôi có thời giờ nhìn kỹ J.P.. Nếu bạn đọc chú ý một chút sẽ nhận thấy tôi chưa bao giờ tả dung mạo J.P. vì thú thật là lúc xảy ra sự cố, tôi giận J.P. thiếu điều không ngó mặt thì làm sao tả. Lý do của sự giận dổi cao độ nầy chắc là do bị tù túng trong nhà lạnh mà lại phải nhìn cảnh gai mắt dưới đường : hai người thành một trồi lên trụt xuống dưới cái mền bất kể cuộc đời, cả đến khi tuyết tan, phơi trần trụi chiếc xe nằm vạ dưới ánh mặt trời.

Tôi còn nhớ là sau đó mùa xuân đến và cô bạn của J.P. ra đi lúc nào tôi cũng không hay, chỉ thấy J.P. thỉnh thoảng ghé nhà, thui thủi ra vào chiếc xe một mình rồi bẵng đi mấy tuần lễ không thấy trở về nữa, để lại một bãi chiến trường : giấy quảng cáo, plastic và chai, quần áo và bánh mì, bao thuốc hút và kim chích, nước và phân người, đó là chỉ kê khai vài thứ tiêu biểu. Vì lợi ích của chính mình nên tôi xuống phụ ông Náp một tay thu dọn chiến trường để được nghe ông mách lẻo về J.P. mà về sau nầy, đối chiếu với nhiều sự việc khác, tôi nhận thấy không thể tin tất cả những gì ông Náp nói, nhất là X và Y, ngoại trừ “La salope”.

Rồi Trời gởi J.P. trở lại đứng trước mặt tôi sau cổng sắt để tôi có thể tả dung mạo cho bạn đọc : một ông già dong dỏng cao, sói trán, xương xẩu, lưng hơi khòm nhưng tôi không thấy xấu dẫu không còn một cái răng, móm xọm. Do vậy J.P. nói phì phò, phát âm s ra âm f, nói nhiều mà rất khó nghe nên tôi hiểu rất ít, hay nói đúng hơn, tôi chỉ ráng nghe những gì tôi muốn biết. Tôi muốn biết vì sao J.P. ra nông nỗi nầy, đã học đến đâu, đã làm nghề gì, vợ đâu, con đâu cho nên tôi nghe được là Bac cộng 5 tức Tú tài với 5 năm đại học, quản lý khách sạn, World Trade Center, tầng thứ 38... Rồi vì không thể đứng lâu dưới mưa và cũng thông thể mời J.P. vào nhà cho nên tôi hỏi thêm trước khi từ giả “Vậy là ông có hai con”. J.P. trả lời chính xác “Tôi đã có hai con” rồi hạ giọng khiến tôi chỉ nghe được “...chết...2001...2006”. Bạn đọc có để ý không, tiếng Pháp dùng động từ thì quá khứ rất rõ, tôi đã có hai con có nghĩa là hiện tại không còn đứa nào : một đứa chết ở World Trade Center tầng thứ 38 – sao ông biết rõ quá vậy cà ? – và một đứa chết năm 2006. Thế thì năm 2005, ông vẫn còn một đứa ? Vậy mà ông Náp đã khẳng định là J.P. không còn ai trên đời nầy. Vậy thì có phải là cùng J.P. không ? Không thể phân định được và cũng không thể đứng lâu hơn cho nên tôi nói “Đợi tôi một chút” và chạy lên nhà rồi trở xuống trao cho J.P. cái gì mình muốn trao. “Tôi chỉ muốn ghé chào ông thôi, cám ơn” J.P. rụt rè nói và quay người đi vì biết tôi muốn chấm dứt cuộc nói chuyện ở đây. Sao lại tìm ông để chào mà không tìm bà ? J.P. của tôi đâu có quen với ông ? Tôi hỏi vói “Jean-Pierre, chính là Jean-Pierre phải không ? ”. Dường như J.P. không nghe rõ hoặc không hiểu rõ nên quay đầu khoát tay “ça va” mà tôi phiên ra là “Tôi đúng là Jean-Pierre nhưng ça va”. Cựu sinh viên trường X, Y hay quản lý khách sạn ? Chết bệnh hay tự tử ? Chết ở World Trade Center ở tầng 38 hay nơi một chiến trường nào đó ở Trung Đông ?

Nạn nhân ? Trách nhiệm ? Nạn nhân của nạn nhân ? Nạn nhân của trách nhiệm ? Trách nhiệm của nạn nhân ?

Tôi cảm thấy như mặt đối mặt với một chương trình tin học thực hiện cái vòng lẩn quẩn mà không tìm được cửa ra, ví dụ : Problème ra Police, Police ra Problème… Nhưng bạn đọc cũng đừng vì vậy mà bi quan cuộc đời bởi khi Police ra No Problem thì là vui không thể tả… Và tôi có thể bảo đảm với bạn đọc là chỉ cần biết hai chữ Police và Problème hay Police và Problem – là bạn có thế chu du thế giới ngay cả bên Tàu (xem “Chez nous” phía trên), nước có đặc điểm giống nước mình tức Việt Nam là chuyển ngữ Police thành công an và phát âm y chang.

Chắc là tôi phải chấm dứt ở đây vì cảm thấy mình đang đụng vào một vấn đề nhạy cảm đúng ở mọi nơi có người ở và e rằng truyện ngắn của mình thành truyện dài… lẩm cẩm mất.

Bởi không tìm được kết cục cho chiếc xe hơi nằm vạ và người hàng xóm thứ tư nên tôi đành kết thúc câu chuyện như sau :

Tất cả đều có thể...

Mong bạn đọc thông cảm.

Paris ngày 17 tháng mười 2008

NINH KIỀU




* X là tên gọi Ecole Polytechnique (Trường bách khoa), một trường « lớn » của Pháp. Cũng là biểu tượng cho ẩn số.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss