Chiến sĩ - Nghệ sĩ
Chiến sĩ - Nghệ sĩ
bút kí
Nguyễn Khải
Nhiều năm gần đây thi thoảng tôi lại được đọc một cuốn hồi ký văn học của các nhà văn đàn anh và bạn bè. Tất nhiên đọc hồi ký của các trưởng lão làng văn bao giờ cũng thích hơn đọc tiểu thuyết của các vị ấy. Tưởng như nó chỉ là chuyện của một người, một giới, kỳ thực lại là chuyện của một thời, chuyện của mọi người. Một thời có vui và có buồn nhưng đọc xong cứ thấy buồn buồn thế nào, có thể vì cái gam màu u tối của nó, vì những câu chuyện bếp núc vặt vãnh, tủn mủn của nó, và cả cái đám người bé nhỏ mà đến là lắm chuyện nhiêu khê. Chả lẽ cái thời của chúng ta chỉ là thế, cái tầm vóc của mỗi chúng ta chỉ có thế ?
Anh Nguyễn Đình Thi không viết hồi ký, hoặc giả có viết nhưng mới là bản thảo chưa xuất bản, tôi rất mong là thế, nhưng tình cờ đọc lại mấy bài bút ký in trong tập 3 Tuyển tập Nguyễn Đình Thi, tôi cứ ngỡ ngàng như vừa nhận ra một Nguyễn Đình Thi khác, khác nhiều so với con người tôi đã biết trong nhiều năm. Anh viết về hội nghị Tân Trào; về cái đêm nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc và những ngày sau đó ; về chiến dịch Điện Biên Phủ mà anh có mặt ở đó trước sau tới non nửa năm. Ở những thời điểm lịch sử ấy anh Thi đều có mặt với tư cách là người tham gia, người được giao nhiệm vụ. Là chiến sĩ rồi mới là nghệ sĩ. Ở hội nghị Tân Trào anh được phân công đọc bản báo cáo Một nền văn hóa mới đã được chuẩn bị từ trước. Nhưng anh không đọc mà chỉ nói tóm tắt những điểm chính để tiết kiệm thì giờ cho hội nghị. Tối ngày 19 tháng 12 năm 1946, anh đi xe của Ban Tuyên huấn Trung ương cùng với anh Trần Huy Liệu rời Hà Nội vào thị xã Hà Đông ngoảnh lại nhìn quầng sáng phía Hà Nội đột nhiên tối đen và nhiều ánh chớp nhấp nhoáng ở đường chân trời Canh Diễn cùng với những dây nổ rền sâu như tiếng sấm của đạn đại bác, cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu. Anh được gặp đồng chí Trường Chinh đang đứng cạnh chiếc đèn bão và được đồng chí giao bản đánh máy Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, yêu cầu phải chuyển gấp tới Ủy ban Kháng chiến Hà Nội ngay trong đêm để kịp thông báo bằng mọi phương tiện thông tin tới đồng bào và chiến sĩ đang chiến đấu ở thủ đô. Anh trở lại ngay Hà Nội, đi một mình, cuốc bộ, lách ngược dòng người từ phía Hà Nội cuồn cuộn tới. Một dòng sông người gánh, đội, đeo, xách cái tài sản thu gọn của một gia đình, cõng, bồng, dắt các cháu nhỏ, tả tơi, mệt nhọc ùn ùn kéo đi không biết nơi đến và không biết cả ngày về. Nhưng không có tiếng kêu khóc, than vãn, chỉ có những tiếng gọi nhỏ, tiếng nói rì rầm và tiếng bước chân giẫm rào rào lên mặt đường nhựa. Anh phải đi một đoạn đường dài trong ánh sáng mờ đỏ của các đám cháy, trong tiếng súng máy súng trường đã nổ râm ran, có cả tiếng rú, tiếng nghiến rít của xe xích từ phía nội thành vẳng lại. Anh đến Ngã Tư Sở, rẽ theo con đường ven sông Tô Lịch, qua cầu đi vào Láng, khoảng gần nửa đêm mới tới nơi làm việc của anh Trần Duy Hưng, chủ tịch Ủy ban Kháng chiến của Hà Nội. Anh Hưng liền cho đánh máy Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch làm nhiều bản, anh Thi cầm lại một bản sao đi tiếp tới toà soạn báo Cứu quốc Thủ đô do anh Thép Mới phụ trách. Lại qua Ngã Tư Sở, đi một mạch dọc sân bay Bạch Mai, qua ngã tư Trung Hiền, chợ Mơ, rẽ vào đường Đuôi Cá, qua Hoàng Mai, Tương Mai tới làng Sét. Nguyễn Đình Thi và Thép Mới là bạn học từ trường Bưởi và trong mấy năm hoạt động bí mật ở Hà Nội, được gặp lại nhau trong cái đêm đầu tiên của kháng chiến quá vui vì rất bất ngờ. Anh Thi ở lại báo Cứu quốc luôn, làm phóng viên mặt trận một thời gian, đến các phòng tuyến lấy tài liệu viết bài cho tờ báo ra hàng ngày. Người có ít nhưng bài không thiếu vì cuộc chiến ở đường phố với nhiều cách đánh, nhiều người tham gia phong phú lạ lùng, chuyện của một ngày có thể viết được cả tuần. Cũng trong thời gian này ở làng Khúc Thuỷ ven sông Nhuệ, Hà Đông, nơi anh ở lại có một chiếc đàn dương cầm của một gia đình người Hà Nội. Một tối anh ngồi bên cây đàn gõ mổ không chủ định mấy nốt nhạc. Rồi một giai điệu bát ngát, dịu dàng chợt dâng lên cùng với nhịp pháo gầm từ xa và một vòm trời cháy đỏ. “… Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây…” Bản trường ca Người Hà Nội đã hoàn thành trong một đêm và được in trọn một trang báo Cứu quốc Thủ đô số Tết kháng chiến đầu tiên năm 1947. Rồi anh lại được gọi về Ban Thường trực Quốc hội đưa một phái đoàn quốc hội và mặt trận tới các tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thăm hỏi và động viên nhân dân kháng chiến. Năm 1947, tôi mới 17 tuổi là lính của tỉnh đội Hưng Yên có nhiệm vụ bảo vệ một cuộc nói chuyện của đoàn quốc hội tại nhà thờ Đình Cao thuộc huyện Phù Cừ. Tôi đứng ở xa nên không được nhìn rõ mặt người nói chuyện, chỉ nghe giới thiệu là nhà văn Nguyễn Đình Thi. Nói không có máy phóng thanh nhưng giọng người nói khoẻ, vang, người nghe cả ngàn rất im lặng nên đứng xa nghe vẫn rõ. Năm 1955 về Hà Nội tôi mới được gặp anh Thi, nghe anh hỏi chuyện tôi nhận ra ngay giọng nói của người năm xưa. Năm 1947, anh Thi 23 tuổi, năm 1955 anh đã 31 tuổi. Tôi nhớ rất rõ tuổi của anh vì anh hơn tôi đúng 6 tuổi.
Lại nói đến mặt trận Điện Biên Phủ. Anh Thi lên Điện Biên từ tháng 12 năm 1953. Lại một túi dết nhỏ bên vai, một miếng vải bạt và cái màn cá nhân cuộc buộc quanh thắt lưng, đi bộ mỗi ngày từ sáng sớm tới nửa đêm, từ Thái Nguyên qua Tuyên Quang, vượt sông Lô, qua Yên Bái, vượt sông Thao đến ngã ba Nghĩa Lộ thì đi nhờ được xe của hậu cần. Chuyến xe chở lựu đạn, axít, lèn chặt vải dù và quần áo bộ đội. Xe chạy được vài giờ thì bị bom, anh đạp tấm liếp bịt sau xe nhảy vọt ra nhưng không chạm được đất mà cứ rơi trong khoảng không mù mịt tới lúc va đầu vào gốc cây mới dừng lại được, nằm vật ra ở một đoạn suối khô. Anh được đưa xuống chân đèo băng vết thương ở đầu rồi nằm nghỉ ở lán của anh em công binh trong một khu rừng già. Một khu rừng đầy người, bộ đội công binh, dân công, đa số là phụ nữ, tối đến là mang sọt, cuốc xẻng ra khỏi rừng, lên mặt đường, lên đèo, san lấp hố bom, dọn đất đá cho xe tải và xe thồ lên đường ra mặt trận. Anh lại tiếp tục đi, lúc đi một mình, lúc đi có bạn, vượt sông Đà ra Cò Nòi, rẽ lên Sơn La đến với một trung đoàn ở Thuận Châu. Rồi lại cùng trung đoàn hành quân lên Điện Biên theo đường Tuần Giáo năm ấy chỉ còn như một vệt đường mòn chìm trong lau sậy. Họ đi qua những khu rừng tối đen chốc chốc lại loé lên những vầng lửa đỏ cùng với những tiếng nổ choáng óc. Họ đã bước vào tầm pháo của Điện Biên Phủ. Rồi trung đoàn lại được lệnh vượt núi sang phía Tây, từ đỉnh núi tụt xuống những cái dốc dựng đứng, chân người nọ đạp lên đầu người kia, mà mỗi người đều mang vác rất nặng, ngủ thiếp một chút lại bừng tỉnh, tay vẫn bám chặt những bụi cây hoặc một gờ đá, tụt dần xuống từng chút cho tới sáng. Vậy anh em pháo binh sẽ phải đưa những cỗ pháo nặng hàng tấn qua đỉnh núi bằng cách nào ? Ngày N đã đến, 5 giờ chiều sẽ nổ súng toàn mặt trận nhưng gần trưa thì anh được lệnh lên Bộ Chỉ huy đại đoàn 308 gặp anh Lê Quang Đạo, phó chủ nhiệm chính trị mặt trận. Đúng 12 giờ trưa thì người trực tiếp điện thoại báo cáo đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ ra nghe lệnh. Anh Vũ nghe điện với nét mặt căng thẳng, trả lời liên tục: “ Rõ, rõ, rõ ! ”. Lại im lặng rồi anh Vũ nói tiếp : “ Báo cáo, đi được ngay, toàn đại đoàn ! ”. Mấy phút sau mới được biết, anh Văn ra lệnh hoãn tiến công, 308 phải hành quân gấp sang Lào, hướng Luang Prabang. Còn anh Thi thì được lệnh về ngay cơ quan chính trị của mặt trận. Đó là những giây phút lịch sử vì nó có ý nghĩa mất còn không chỉ với một chiến dịch mà còn với cả vận mệnh một dân tộc, một quốc gia. Từ kế hoạch đánh nhanh, giải quyết nhanh trong vòng ba đến năm ngày, tới kế hoạch vây bọc các cụm cứ điểm của địch từ ngoài vào trong bằng một trận địa đường hào, đòi hỏi phải nhẫn nại nhiều hơn, chịu đựng gian nan nhiều hơn nhưng đã nổ súng là chắc thắng, trong bất cứ tình huống nào cũng đánh thắng. Đó là sự kiện mà nhiều chục năm sau, đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nói : “ Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”.
Ôi trời ! Cái số ông Thi đến là may mắn ! Nói là may mắn nhưng cái may mắn ấy ông trời không chọn riêng cho anh chính anh đã tự chọn cho mình bằng một cuộc chuẩn bị lâu dài, về mọi phương diện, từ những năm mới 18, 19 tuổi.
Cũng qua mấy bài bút ký của anh Thi viết về thời kháng chiến chống Pháp tôi đã nhận ra cái chân dung thật của nhiều bậc tiền bối trong giới văn nghệ, những chân dung rất khác với những gì tôi được biết về họ trong cuộc sống đời thường ở Hà Nội những năm sau này. Và cũng được biết thêm cái lúc khởi đầu của nhiều tác phẩm nghệ thuật nay đã là tài sản của quốc gia. Thu đông năm 1947, Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn và khu Võ Nhai - Đình Cả. Cùng lúc Pháp mở cuộc vây quét đại quy mô, một cánh quân ngược sông Lô lên Tuyên Quang, một cánh theo quốc lộ 3 lên Thái Nguyên. Rồi tàu chiến địch bị bắn cháy, bắn chìm trên sông Lô, các cánh quân khác bị đánh tỉa khắp nơi, quân Pháp buộc phải rút chạy, cái mục đích bắt gọn cơ quan đầu não của kháng chiến hoàn toàn thất bại. Cũng trong những tháng ngày căng thẳng chống lại các cuộc vây quét ấy nhiều tác phẩm nghệ thuật lớn đã ra đời. Ở xóm núi Xuân Áng anh Nguyễn Xuân Khoát tìm ra đoạn kết cho bài Tiếng chuông nhà thờ đã được bắt đầu ở Bắc Cạn. Cũng ở xóm núi ấy anh Tô Ngọc Vân lập xưởng sơn mài và làm bức đầu tiên Hà Nội vùng đứng lên. Ở Ao Châu, Ấm Thượng anh Thế Lữ viết và tổ chức diễn kịch Cụ Đạo và Sư ông, anh Nguyễn Huy Tưởng miệt mài với vở kịch Những người ở lại. Văn Cao qua Bến Then chỉ còn tro than, đốt cành cây ôm gối ngồi sưởi trong một đêm giá buốt, nửa tỉnh nửa mê trong bản trường ca mênh mang, da diết của núi rừng Việt Bắc, của sóng nước sông Lô sau nhiều ngày đêm ngùn ngụt khói lửa đã trở lại cái yên tĩnh thanh bình của ngàn xưa. Tố Hữu viết một mạch những bài thơ Cá nước, Phá đường, Lượm. Thanh Tịnh tìm một hình thức diễn thơ riêng, anh đặt tên là độc tấu và trình diễn hai bài độc tấu ra mắt : Trận địa lôi cây số 7 đường Tuyên Hà và Kể chuyện sông Lô. Ở Nhã Nam, Nguyên Hồng viết Ấp đồi cháy và đem lên Việt Bắc truyện Làng của Kim Lân và bút ký Buổi chợ trung du của cụ Ngô Tất Tố. Năm 1948 vòng vây quanh Việt Bắc càng siết lại nhưng ở cơ quan văn nghệ xóm núi Yên Rã anh em sáng tác vẫn họp hội nghị tranh luận về thơ không vần và các hình thức sân khấu cũ và mới. Tạp chí Văn nghệ chuẩn bị ra số đầu tiên in trên giấy bản giữa rừng sâu. Các truyện Làng của Kim Lân, Núi Cứu quốc của Tô Hoài, Đôi mắt và Nhật ký ở rừng của Nam Cao… ra mắt bạn đọc lần đầu là trên tạp chí đó. Năm 1949 tạp chí lại giới thiệu cả loạt thơ văn của bộ đội, Viếng bạn của Hoàng Lộc, Đầu súng trăng treo của Chính Hữu, Đèo cả của Hữu Loan, Tây tiến của Quang Dũng. Và bài ký Voi đi của Siêu Hải, một trung đội trưởng pháo binh, truyện ngắn Thư nhà của anh lính trẻ Hồ Phương đã làm cả toà soạn vui rộ lên. Thu đông năm 1949 chính là quân ta đã nổ súng trước, làm rung chuyển phòng tuyến sông Thao của Pháp. Chỉ với súng trường, lựu đạn và lưỡi mác xung kích quân ta đã tiêu diệt gọn hai đồn Đại Bục, Đại Phác rồi đến trận Phố Ràng lừng lẫy. Ông Nguyễn Tuân dự trận Đại Bục được Ban chỉ huy giao cho một chiếc trống lớn đứng cạnh anh lính kèn. Khi phát lệnh xung phong thì anh lính kèn lập tức thổi lên, còn ông nhà văn thì thúc trống ngũ liên trợ lực cho lính xung kích xông lên đồn giặc. Và Trần Đăng viết hai bài ký Trận Phố Ràng và Một cuộc chuẩn bị hiển lộ một tài năng có cái nhìn thẳng và thật về cái sống và cái chết của người chiến sĩ trong chiến tranh. Cũng trong Thu Đông này Trần Đăng và chính trị viên Bùi Thịnh cùng hy sinh một lần vì bị tàn quân Tưởng phục kích bắn chết ở bên kia biên giới. Cái chết của Trần Đăng đã gây chấn động trong giới văn nghệ như cái chết của Nam Cao hơn một năm sau ở vùng địch hậu Ninh Bình, và cái chết của Nguyễn Thi non hai chục năm sau nữa tại mặt trận Sài Gòn. Sự nghiệp rực rỡ của Nam Cao gần như đã hoàn thành, còn với Trần Đăng, Nguyễn Thi nói như cụ Nguyễn là những bản thảo bị cháy nên sự nhớ thương, nuối tiếc mỗi lần nghĩ về họ sẽ là mãi mãi.
Cuối năm 1953 trên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ, đến lưng đèo Pha Đin ông Thi chợt gặp hoạ sĩ Nguyễn Sáng cùng hành quân với một trung đoàn, thồ trên lưng đủ thứ đồ nghề của một hoạ sĩ, bước lặc lè, thở như kéo bễ vẫn cười nhăn nhó: “ Ôi, ghê thật, Pha Đin ! ”. Họ đi giữa các chiến sĩ công binh và dân công đang phá bom nổ chậm và lấp hố bom, lát lát lại nghe có tiếng quát : “ Đi nhanh lên ! Bom nổ chậm đấy ! ”. Tới đỉnh đèo ngồi nghỉ ông Thi mời ông Sáng điếu thuốc vấn tay, cùng thở khói khoan khoái, ông Sáng lại cười nhỏ : “ Khiếp thật ! Pha Đin, Cổng Trời ! ”. Họ đi ngược lại nhiều tốp phụ nữ Thái địu con, đồ đạc gói buộc trên lưng ngựa. Một chị nói : “ Chúng tôi từ Mường Thang chạy ra đấy, Tây nó đốt hết bản rồi ! ”. Cuộc gặp gỡ tình cờ trên đèo Pha Đin năm ấy, sau này anh Sáng đã vẽ trong một bức tranh sơn dầu Giặc đốt làng tôi.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc anh Thi vừa về đến cơ quan tuyên huấn thì được lệnh trở lại ngay Điện Biên, đưa một đoàn quay phim nước bạn tới chiến trường vừa tắt tiếng súng nhưng mọi dấu vết còn nguyên vẹn và vẫn còn một đại đoàn đóng quân tại chỗ. Lại từ Thái Nguyên qua Tuyên Quang, Yên Bái, vượt sông Thao, qua ngã ba Nghĩa Lộ tới đèo Lũng Lô để vượt sang Sơn La. Tới đèo Lũng Lô xe không qua được vì trận bom hôm trước đã làm đá núi lăn xuống lấp kín đường. Một anh công an mời đoàn ông Thi vào căn nhà lợp tranh ở một ngách núi để vào sổ giấy tờ. Khi xem giấy giới thiệu biết đoàn đi thuộc giới văn nghệ, anh công an đột ngột hỏi : “ Anh ở văn nghệ có biết ông Tô Ngọc Vân không ? ” - “ Ông Tô Ngọc Vân cũng đang ở đây à ? ” - “ Ông ấy hy sinh ngày hôm qua rồi, ông bị một trận bom chùm ở chân đèo lúc ông đang vẽ ”. Anh Thi cầm lại cái ba lô chiến trường của bạn với một ống tre lớn đựng các bản phác thảo trong một chuyến đi.
Chúng tôi biết nhau trong một thời kỳ hoà bình, là những viên chức nhà nước của một thời thanh bình. Anh Thi là viên chức cấp cao, tôi là viên chức cấp thấp, cả cao lẫn thấp đều là thành viên của cái thế giới viên chức. Cái thế giới ấy có sống trong nó, sống với nó mới thấy hết cái tầm thường, cái nhỏ nhen, khó có ai tôn trọng được ai trong cuộc ganh đua vừa vô nghĩa vừa buồn cười. Trong cuộc ganh đua ấy không có người thắng, cả mọi người đều thua vì đã tự hạ mình trong nhiều chuyện nghĩ lại cũng là nhảm. Lại thêm trong nhiều chục năm chúng tôi luôn luôn bận rộn bởi nhiều cuộc tranh cãi về lập trường, quan điểm giai cấp trong văn nghệ. Các cuộc tranh luận ấy lại diễn ra trong bầu không khí chính trị thường xuyên căng thẳng của một thế giới chia đôi, một đất nước chia đôi và một xã hội cũng bị chia ra bởi các cuộc đấu tranh giai cấp.
Tôi có cái may mắn được giúp việc anh Thi nhiều thời kỳ nhưng cũng chỉ biết được cái chân dung phù phiếm của anh thôi. Rằng anh là một nghệ sĩ đa tài, hoạt động chính trị ở cấp cao từ năm mới 21, 22 tuổi, sau này là người lãnh đạo văn nghệ kháng chiến khi chưa tới tuổi ba mươi. Vả lại những lúc trò chuyện riêng với nhau anh không hề nhắc lại một lần nào những chuyện của ngày xưa, ngày xưa anh đã gặp những ai, đã làm những việc gì. Mà chỉ nói những chuyện của lúc này, của bây giờ. Lúc này đang viết tiểu thuyết, lúc này đang viết kịch, có lần anh dành hẳn một nửa buổi để đọc trọn vẹn một vở kịch anh mới viết xong. Ở những giây phút ấy anh là một nghệ sĩ hoàn toàn với sức quyến rũ tự nhiên của nó. Chúng tôi biết nhau trong một thời kỳ hoà bình, là những viên chức nhà nước của một thời thanh bình. Anh Thi là viên chức cấp cao, tôi là viên chức cấp thấp, cả cao lẫn thấp đều là thành viên của cái thế giới viên chức. Cái thế giới ấy có sống trong nó, sống với nó mới thấy hết cái tầm thường, cái nhỏ nhen, khó có ai tôn trọng được ai trong cuộc ganh đua vừa vô nghĩa vừa buồn cười. Trong cuộc ganh đua ấy không có người thắng, cả mọi người đều thua vì đã tự hạ mình trong nhiều chuyện nghĩ lại cũng là nhảm. Lại thêm trong nhiều chục năm chúng tôi luôn luôn bận rộn bởi nhiều cuộc tranh cãi về lập trường, quan điểm giai cấp trong văn nghệ. Các cuộc tranh luận ấy lại diễn ra trong bầu không khí chính trị thường xuyên căng thẳng của một thế giới chia đôi, một đất nước chia đôi và một xã hội cũng bị chia ra bởi các cuộc đấu tranh giai cấp. Đó là những cơ hội bằng vàng để đám thư lại thời bình bày chuyện, đơm chuyện, làm rối tung mọi sự khiến từng người đều cảm thấy bất an, đều không dám bộc lộ công khai những niềm tin riêng của mình, đều sẵn sàng nhân nhượng để đổi lấy sự yên ổn của một anh viên chức mẫn cán. Cái chân dung lẫm liệt của giới văn nghệ một thời cách mạng, kháng chiến bị che phủ dần, bị mờ tối dần, bị quên dần. Những người làm công việc tổ chức và quản lý văn nghệ đã quên, rồi chúng ta cũng quên khi nhìn vào nhau và nhìn lại chính mình. Đó là cái nguyên do vì sao khi đọc nhiều hồi ký văn học mình không thấy vui, không thấy tự hào mà cứ buồn buồn thế nào.
Viết ra điều này tôi cũng xấu hổ, một nhà văn đã ngoài bảy chục tuổi, sống trong giới non nửa thế kỷ mà đến tận bây giờ mới bừng nhận ra cái chân dung đại diện, cái chân dung đích thực của giới mình, trong lòng cũng có nhiều cảm khái lắm. Mới càng thấy làm lạ trong cái cách lựa chọn nặng nhẹ trong sự nghiệp văn chương của anh Thi. Một vốn sống giàu có, phong phú đến vậy lại chỉ được dùng một cách dè sẻn vào dăm cái bút ký thôi sao ? Vả chăng, đọc kỹ những bài bút ký ấy tác giả cũng viết thờ ơ, nhân phải viết về cái lớn hơn mà buộc phải nói chút ít về cái tôi bé nhỏ của mình, của giới mình. Hình như là thế ! Một cái đêm 19 tháng 12 năm 1946 và nhiều ngày tiếp sau ở mặt trận Hà Nội lại không đủ để viết một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang hay sao ? Nửa năm ở mặt trận Điện Biên tận mắt chứng kiến nhiều sự kiện có ý nghĩa lịch sử, lại cùng sống, cùng chiến đấu với bộ đội với dân công trong nhiều ngày, nhiều tháng, lại được gặp và trò chuyện thân tình với nhiều tướng lĩnh của chiến dịch mà họ đều đã quen biết nhau từ những năm trước Tổng khởi nghĩa, sống đến thế, biết đến thế mà không đủ để viết hẳn một pho trường thiên tiểu thuyết để đời sao ? Rồi ngày trở về thủ đô sau 8 năm đi kháng chiến của anh. Anh không chỉ về cùng với đội quân chiến thắng mà còn vào Hà Nội trước cả tuần khi Hà Nội vẫn còn quân Pháp cùng với nhà quay phim danh tiếng Roman Karmen để chuẩn bị các địa điểm sẽ được quay trong mươi ngày tới. Rồi họ trở lại Thái Nguyên, trong mấy ngày rảnh rỗi anh Thi một mình đi ngược lên Đại Từ - Phú Minh, vào cơ quan cũ nay đã trống vắng, ở lại trong một cái lán với một túi gạo và một cái đèn bão, thổi cơm, luộc rau rừng rồi nằm xem pho tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình mới mua từ Hà Nội trong cái vắng lặng mênh mông của núi rừng Việt Bắc những ngày đầu hoà bình. Một Ngày về quá đẹp, quá lãng mạn của một thời lãng mạn cả trong chiến tranh lẫn trong viết lách. Đẹp như thế, nên thơ như thế mà chỉ viết được có dăm trang bút ký nhạt nhẽo thôi ư ? Hoặc giả viết khác đi sẽ là văn học của thời xưa, là văn học tiểu tư sản chứ không thể là văn học mới, văn học vô sản ? Văn học vô sản là phải viết về quần chúng, về người chiến sĩ, người lao động, chứ không thể chỉ quẩn quanh trong cái đám trí thức văn nghệ sĩ với những mộng mơ, những suy nghĩ siêu hình.
Nguyễn Đình Thi với những tác phẩm anh đã viết trong hơn nửa thế kỷ cầm bút cũng đã là một tài sản lớn lắm, đáng ao ước lắm. Nhưng theo tôi nó vẫn chưa xứng với tầm vóc của anh, với tài năng của anh và cả những điều kiện làm việc sẵn có của anh. Chỉ vì anh đã lưỡng lự quá lâu trong lựa chọn giữa cái hiện tại với cái mai sau, những việc phải làm do trách nhiệm công dân, trách nhiệm đảng viên và những việc phải hoàn thành bởi cái trách nhiệm của một nhà văn. Lẽ ra ngay sau khi cuộc chiến tranh ba mươi năm kết thúc anh phải nhanh chóng bước ra khỏi cái thế giới quan trường, rũ bỏ mọi công việc tẻ nhạt, rối rắm, vớ vẩn giữa đám thư lại, chỉ đem lại tiếng xấu nhiều hơn là tiếng tốt, nhiều phiền muộn nhiều hơn là niềm vui, nhiều trói buộc hơn là tự do. Đã bỏ ra nhiều chục năm vì việc nước, thời gian còn lại phải là việc chính của riêng mình. Anh vẫn còn những hai chục năm để trở lại những nơi đã từng đến, gặp lại nhiều người đã cùng nhau sống chết một thời. Vẫn còn đủ thời gian để hiểu lại nhiều người, biết thêm nhiều chuyện, có thể kết luận một cách minh bạch nhiều việc mình đã trải qua. Rồi đọc sách, rong chơi, ngẫm nghĩ và viết. Chỉ viết những gì mình yêu, mình gắn bó, là máu thịt của mình, là chính mình. Cảnh không thuộc của mình không viết, người không thuộc của mình không viết, tình cảm, tư tưởng không được nảy sinh, được nuôi dưỡng từ cái thế giới riêng của mình, bỏ ra ngoài. Viết như thế mới có say mê, mới là viết trong tự do, trong niềm vui được tự bộc lộ. Viết ngày viết đêm, mỗi ngày dăm trang, một năm cũng được non hai ngàn trang. Mười năm đi chơi, gặp bạn, lo việc gia đình, cả ốm đau bệnh tật thì cũng còn được làm việc trọn mười năm. Mười năm là hai mươi ngàn trang, gạch xóa, loại bỏ một nửa thì cũng vẫn còn mười ngàn trang, là hai mươi cuốn sách, mỗi cuốn khoảng 500 trang ! Viết được thế mới thật hả, không uổng cái tài tạo hoá đã ban cho, không uổng cả cái công nhân dân, đất nước đã nuôi dưỡng, tài bồi. Và cũng là cách vinh danh có sức thuyết phục nhất cho một giới, một nghề và cả một thời nữa.
26.3.2007
Nguyễn Khải
NGUỒN :
Tuần báo Văn Nghệ, số 17+18, ngày 28/4-5/5/2007.
Bản điện tử do Diễn Đàn thực hiện.
Xem thêm :
Phong Lê : Đọc bài Nguyễn Khải viết về Nguyễn Đình Thi
Vương Trí Nhàn : Cảm khái không đủ
Các thao tác trên Tài liệu