Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / CHIỀU NAY VÀO RỪNG

CHIỀU NAY VÀO RỪNG

- Đặng Ngữ — published 10/12/2013 17:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


CHIỀU NAY VÀO RỪNG


Đặng Ngữ



Quay lại Côn Sơn lần thứ hai sau ba tháng. Như thế cũng được gọi là nhiều. Lần trước đi lòng vòng thăm mấy cái di tích nhà tù mà bi chừ người ta gọi “địa ngục trần gian”. Không biết ngày ấy cụ Phan Chu Trinh “đập đá Côn Lôn” khổ sở ra sao chứ bây giờ cây cối, cảnh vật nơi đây tất thảy đều có nét lãng mạn nguyên sơ của thiên nhiên. Những đôi đương yêu mà ra đây xong rồi quay trở lại Sài Gòn thể nào cũng phải làm đám hỷ. Không sinh đôi sinh ba mới lạ. Ai chưa đi thì nên tranh thủ đi cho biết đất trời Côn Sơn. Mai này mốt nọ, mấy ông lớn cho quy hoặch Côn Sơn thành đặc khu “đảo nát bét” như Phú Quốc thì có mà ngồi tiếc nhắn tiếc dài. Cho đến bây giờ, xem như mình chưa biết gì mấy về Côn Đảo.

Cuộc họp chiều nay không diễn ra như dự kiến. Thế là có thêm một buổi để “thưởng thức” Côn Sơn. Mùa này biển động, không thể đi lặn biển và ngắm san hô được. Phải ra đây tầm tháng 3, tháng 4 thì mới có cơ hội tận hưởng thiên đường san hô còn sót lại. Mùa rùa đẻ trứng cũng đã qua (rùa theo dòng hải lưu quay về Côn Sơn đẻ trứng tầm tháng 07, tháng 08). Coi như đi tong chuyện nhìn trộm rùa đẻ và thả rùa con về biển. Một ngàn em rùa con thả về biển, 30 năm sau chỉ có một em quay về chốn xưa. Thiên nhiên đã cho in hải trình vào cấu trúc suy nghĩ của mỗi em rùa để 30 năm sau chúng tự động quay lại nơi mình ra đời. Người xa quê biết đường nào trở lại cố hương?

Không xuống biển được thì lên rừng vậy. Gọi cho cậu em đang làm kiểm lâm bên Vườn quốc gia Côn Đảo. Bảo mày dẫn anh vào rừng một buổi nha. Nó ừ ừ dạ dạ… để em chạy qua khách sạn đón anh. Thế là đi. Thế là chiều nay vào rừng. Nó đưa mình lên núi Sở Rẫy. Nơi đây vốn người Pháp lập trang trại nhằm cung cấp thực phẩm cho đảo nên gọi bằng tên Sở Rẫy. Thấy mấy cây xoài cằn cỗi mọc lẫn giữa cây rừng. Bây giờ Sở Rẫy thuộc quyền quản lý của Vườn quốc gia nên chẳng còn gì ngoài mấy cái phế tích.

Tất cả âm thanh, tiếng động dường như dừng lại nơi cửa rừng. Rừng chiều chỉ có tiếng những bước chân của người đi rừng – tiếng lạo xạo của những bước chân dẫm lên thảm lá khô. “ Em không nghe rừng thu / Lá thu kêu xào xạc / Con nai vàng ngơ ngác / Đạp trên lá vàng khô ”. Gió thổi ào ào trên những tán rừng cao. Tiếng gió nghe như những cơn mưa ầm ầm từ đằng xa chạy lại làm chúng tôi giật mình. Trong lõi rừng thưa, nghe một thứ mùi êm êm mát dịu tỏa ra từ đất rừng, cây cỏ, lá mục và từ những ụ mối. Ở đây, ta có thể nghe thấy tiếng dế ri rỉ dưới thảm lá khô. Tiếng re re phát ra từ những ụ mối lớn. Lắng lòng thêm chút xíu nữa, ta nghe tiếng tim mình đập nhè nhẹ trong lồng ngực. Tiếng cây đang thở. Tiếng côn trùng giao hòa. Ngôn ngữ của thiên nhiên đang vang lên. Ta nghe cả tiếng róc rách của con suối nhỏ. Dòng nước nơi đầu nguồn len qua những tảng đá, những thân cây gãy ngang chắn đường. Tiếng nước va vào đá, vỡ tan. Âm thanh của thiên nhiên nghe rất êm tai, tuyệt vời hơn tất cả những dàn âm thanh “hi-end” bạc tỷ mà ta đã từng được nghe nơi thành phố. Tiếng sóng biển vỗ bờ từ bên kia rừng, phía bãi Ông Đụng dội đến cả nơi này – giữa lõi rừng thưa của Sở Rẫy.


Chuyện kể về Bãi Ông Đụng


Gò Công, cuối thế kỷ 18 có nhà Bá hộ Sương giàu nứt đố đổ vách. Có cậu công tử tên Hai Đụng, con trai ông bà Bá hộ, nổi tiếng phá gia chi tử, ăn chơi trác táng. Lo cho con, ông bà Bá hộ tìm cách mai mối cho chàng một người vợ vừa đẹp vừa giỏi tên là nàng Hương. Nàng Hương không những giỏi các đường công dung ngôn hạnh mà nàng còn giỏi võ. Về làm vợ Hai Đụng, nàng quyết tâm “dạy chồng” cho ra dáng công tử, bỏ thói ăn chơi. Chàng Hai Đụng gặp phải hậu duệ Bà Trưng cỡi voi đánh trận nên không làm gì được. Đã quen thói ăn chơi thành nếp nên tức tối vô cùng. Chàng sắp sẵn âm mưu để hại nàng Hương. Biết vợ hay ra cầu ao giặt đồ, cậu Hai trèo sẵn lên cây dừa, hái trái dừa thả rơi xuống đầu nàng Hương. Nàng té ngã xuống sông mà chết. Sau đó, cậu vớt nàng lên và khóc lóc thảm thương như thể tiếc thương vợ mình thật. Ai cũng tưởng nàng Hương sảy chân ngã xuống nước mà chết. Từ đó, cậu Hai mặc sức ăn chơi quậy phá. Ngồi ăn núi lở, chẳng bao lâu sau toàn bộ gia sản cha mẹ để lại lần lượt ra đi. Hai Đụng rơi vào cảnh bần hàn, bị nhân tình hắt hủi và người đời khinh miệt. Cậu Hai nghĩ đến người vợ lúc trước mà ân hận vô cùng. Cậu thú thật với chánh quyền đương thời về việc giết vợ và bị lãnh án 10 năm tù, bị đày ra Côn Lôn.

Tù nhân nam trên đảo Côn Lôn thưở đấy có thể lấy vợ trong những gia đình tù nhân khác trên đảo. Nhưng chàng Hai Đụng vì quá ân hận chuyện xưa và thương nhớ nàng Hai nên ở vậy. Mãn hạn tù, ông chọn một bãi biển phía Tây Côn Lôn hướng về Gò Công để sống những ngày còn lại của cuộc đời. Ông mất, dân trên đảo gọi bãi biển đó bằng tên: bãi Ông Đụng.


Lâu ngày không vận động nhiều, nên đôi chân cứ như đeo chì. Sở Rẫy chỉ cao hơn 200m so với mực nước biển mà cả tiếng đồng hồ mới lên đến. Từ đây nhìn về trung tâm Côn Sơn thật thích, những mái ngói đỏ lấp ló trong mây khi nhìn từ trên cao. Ta thử nhìn về hướng đất liền nhưng biển cả mù khơi chỉ cho ta thấy những con sóng trùng trùng nối đuôi nhau. Đường xuống núi không làm ta tốn nhiều sức nhưng rất dốc. Người đi phải hết sức cẩn thận nếu không sẽ té ngã. Hơn 5 giờ mới xuống đến bãi ông Đụng. Mùa này rừng và biển rủ nhau đi ngủ sớm. Thủy triều đang lên, sóng biển vỗ ầm ầm tung bọt trắng xóa. Lại thêm một điều ngạc nhiên khác, ngay sát mé biển lại có một giếng nước ngọt rất trong và mát. Nơi duy nhất trên đảo Côn Sơn có giếng nước ngọt ngay mé biển. Ở đây có cả cây Bàng vuông và cây Phong ba nữa. Côn Sơn kết nghĩa anh em với Trường Sa chăng? Chẳng cần chi nước suối đóng chai cho phiền phức, ta làm một gàu nước giếng mát lịm rồi ra về.

Chiều nay vào rừng. Ta đến với rừng mà chẳng mang theo thứ gì làm quà ngoài sự mệt mỏi. Rừng chẳng lấy thế làm giận, rừng dạy ta lắng nghe mình từ bên trong, dạy ta những từ cơ bản của ngôn ngữ thiên nhiên. Ta để lại rừng tất cả những phiền muộn và mang về những gánh lớn niềm vui. Những dấu chân trên con đường mòn hôm qua ta để lại có còn đến hôm nay?


Đặng Ngữ

Côn Sơn, 04/12/2013


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss