Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Chú Sửu

Chú Sửu

- Nguyễn Đặng Mừng — published 05/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Truyện ngắn


Chú Sửu


Nguyễn Đặng Mừng



coitrauChú Sửu cao chưa đầy mét tư, nhỏ thó như đứa bé trai mười tuổi đứng bên con trâu mộng vặm vỡ đen óng. Chú ra mắt bà con bằng lời thưa trịnh trọng, lễ phép.

- Kính thưa bà con. Hôm nay tôi chính thức ra mắt bà con, xin bà con cho tôi nhập đội sản xuất. Tôi không có ruộng trưa gì góp vào với đội, chỉ có con Nậm này. Nó là gia tài một đời đi kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ của tôi. Sở dĩ chừ tôi mới về làng cũng vì nhiệm vụ cách mạng, bà con thông cảm. Tôi nguyện đem chuyên môn của mình để phụng sự xóm làng, hợp tác xã ta…

Bà con vỗ tay quá chừng. Đôi mắt chú Sửu chớp chớp ươn ướt. Nậm ve vẫy đôi tai, ngước cổ ọ lên một tiếng như tán thành câu thưa chuyện chân tình của chủ rồi bình thản nhai mớ cỏ tươi chậm rãi. Những con trâu đói trong chuồng đội cũng ọ lên chào bạn mới. Nhìn mấy con trâu ốm nhách trong chuồng bên cạnh chàng Nậm oai vệ béo tốt như anh lực sĩ đến thăm trại dưỡng lão, bà con phấn khởi lắm. Những người lớn tuổi vui vì có thêm sức kéo mới, đám thanh niên nhỏ to bàn chuyện thịt trâu, đấm vai nhau cười khùng khục.

Chú Sửu được bà con tín nhiệm mời làm nhiều chức sắc trong đội như thư ký, đội phó sản xuất… chú đều từ chối. Chú thưa thiệt: “Bà con thương thì nói rứa chớ tui chữ nghĩa không rành, yếu đuối ri mần răng mà đảm đương. Tui xin bà con cho tui chự (chăn) trâu”. Vậy là chú được mãn nguyện, vì đội đang chăn trâu luân phiên, bà con lại rất sợ đến lượt mình. Chăn trâu không nhàn hạ bằng đi làm cỏ lúa hay cày bừa, cuốc góc. Việc đội đoàn, dù bụng đói nhưng vừa làm vừa chơi, không nhọc nhằn như chăn trâu, cắt cỏ. Công điểm ai cũng được tính như nhau, siêng năng cũng như lười nhác. Đến mùa công điểm thì cao ngất, lúa lại tính từng cân.

Ngày đầu nhận việc chú Sửu nhiệt tình lắm. Chú thức dậy từ sớm lùa trâu ra đồng, lựa những nơi cỏ tốt cho trâu ăn. Chú luôn mang theo liềm và trạc cỏ. Lúc trâu ăn ổn định, chú men theo giường ruộng cắt cỏ. Chiều về có thêm mấy bao cỏ đèo trên lưng con Nậm. Đêm chú ra chuồng hun muỗi, rãi đều cỏ cho đàn trâu.

Mấy tháng không cày bừa, chú Sửu lại có tay nghề chăn dắt, đàn trâu béo tốt hẳn. Công chăn trâu được tính theo điểm công nhật, chú Sửu mỗi tháng ba mươi ngày cũng bằng điểm những xã viên đi làm một nửa thời gian. Chú chẳng bao giờ kêu nài, nghĩ phận mình chỉ ngang đó. Mùa màng năm nay lại thất bát, công điểm thì nhiều mà lúa chia về mỗi đợt phơi được lưng nia. Chú Sửu trân trọng từng nhúm lúa, cực khổ quen rồi, chú bảo thế.

Chú Sửu độc thân, dựng căn chòi tranh trên vườn cũ, nơi ngày xưa cha mạ chú đã cầm cố. Chính quyền dành lại nơi này như kỷ niệm cho người có công, chú Sửu.

 

Sửu là con một của ông bà Lùn, lúc sinh ra nhỏ xíu, trắng nhợt như củ khoai lang đất cát. Ông bà Lùn muốn con mau lớn khỏe mạnh đặt tên là cu Trâu. Ngày đi học lớp đồng ấu đổi thành tên Sửu, cũng là Trâu nhưng có vẽ chữ nghĩa hơn.

Năm vở mặt trận ông bà Lùn đều chết trong một trận Tây càn. Mồ côi, Sửu ở chăn trâu cho nhà ông Cả. Mười hai tuổi chú gầy nhỏ như thằng bé lên bảy. Suốt ngày ngoài đồng tối mịt mới lùa trâu về mà trông Sửu vẫn sạch sẽ trắng trẻo. Người ta to lớn dùng sức, Sửu dùng mưu. Đứng ngang bụng trâu, thoắt một cái chú đã bay lên ngồi gọn gàng trên lưng con trâu mộng to tướng. Đôi mắt chú to đen láy, hay chớp, hiền như con gái.

Mỗi lần Việt Minh tổ chức văn nghệ chú thường đóng vai bé gái. Chú lại có tài vẽ. Chú vẽ chân dung các anh vệ quốc đoàn bằng bút chì đen trên giấy bìa cứng mỗi bức được trả hai lon gạo. Thời đó máy ảnh còn khan hiếm, vậy là mỗi lần Việt Minh đóng quân lại làng chú tha hồ vẽ. Số gạo thu được chú lại đem đóng cho ban vận động nuôi quân.

Có lần lính Tây thấy thằng bé dễ thương đem Sửu vào đồn mấy ngày đêm. Chúng nó cho chú nhiều bánh kẹo, bút chì màu, sách vở. Chú kể có tên quan hai tối nào cũng ngủ với chú cũng rờ rẩm suốt đêm, nhột không chịu nỗi.

Ngày trọng đại trong đời Sửu đã đến. Lần đó chú được giao nhiệm vụ vẽ lại sơ đồ phòng thủ của đồn Tây. Bằng trí nhớ, qua những ngày đi khắp ngõ ngách đồn bót, Sửu vẽ lại chi tiết hệ thống phòng thủ của địch. Lần công đồn năm đó bộ đội diệt được đồn Tây. Sửu được tặng thưởng. Nhưng cũng từ ngày đó Sửu phải bỏ làng theo bộ đội vì phòng nhì Tây biết chú là Việt Minh con. Sửu theo bộ đội lên rừng xuống biển, lúc làm liên lạc, lúc lại làm thông tin văn hóa vẽ tranh cổ động. Mấy năm làm bộ đội được ăn no cao thêm được vài tấc, mười sáu tuổi chú theo đoàn quân tập kết ra Bắc.

Chú Sửu được phân về một xã vùng trung du khu bốn. Biệt tài vẽ của chú được trọng dụng. Sau một khóa cấp tốc về hội họa, chú được giao chuyên vẽ tranh cổ động. Đặc biệt vẽ lại những bức ảnh của bác Hồ. Sửu vẽ giỏi đến độ thuộc từng sợi râu của Bác. Tiếng tăm chú Sửu lan khắp huyện. Có công văn mời chú về phòng thông tin văn hóa huyện.

Nhận được giấy mời tay chú run lên, nghĩ vậy là tài năng của mình được trọng dụng. Buổi sáng, chú mang giá vẽ trên ba lô, có đủ sơn cọ lên đường trình diện. Trưởng phòng là một trung niên cao to đang săm soi những bức tranh cổ động và tranh vẽ Bác. Chú Sửu trịnh trọng chào thủ tưởng. Trưởng phòng nhìn Sửu từ đầu đến chân, không bắt tay, bảo: “Đồng chí xuống nhận phòng, chờ tôi”.

Căn phòng nhỏ gần chuồng lợn trống trơn. Sửu đặt ba lô trên nền gạch, dựng giá sửa sang lại những bức tranh cổ động, tranh vẽ Bác Hồ.

Ngày đầu chẳng ai hỏi han gì đến Sửu ngoài chị nuôi bưng cơm đến. Sửu nghĩ là thủ trưởng nhiều việc nên quên. Rồi ngày thứ hai thứ ba cũng thế. Đêm nằm nhớ làng nước, nhớ những con trâu thân yêu giờ đang cày, những trạc cỏ tươi non chú cắt được như phần thưởng cho trâu sau buổi cày vất vã. Những đôi mắt hiền lành nhẫn nhục của trâu nhìn chú biết ơn. Chú vẽ con trâu Ve mà chú quý nhất, rồi chú vẽ thêm thằng Sửu cho trâu ăn đội chiếc nón cời, áo quần rách rưới. Ngắm nghía bức tranh nhiều lần, chú khóc. Rồi chú vẽ xóm làng, đình miếu, vẽ những gì chú nhớ chú yêu.

Sự chờ đợi công tác với Sửu như là nỗi sợ, mơ hồ mà thót ruột. Một tuần qua đi. Sáng thứ hai Sửu đánh bạo lên văn phòng. Thủ trưởng không nhìn Sửu, hỏi “gì đó”. Sửu lại trịnh trọng: “Dạ thưa thủ trưởng, em lên đây một tuần rồi mà chưa thấy thủ trưởng cắt đặt công việc chi, ở không buồn quá”. Thủ trưởng bảo: “Cậu thích làm việc rồi phải không. Nghe nói cậu là họa sĩ tài hoa nhất huyện, vậy cậu vẽ bức hình này ra khỗ lớn 2 x 4 mét để mừng ngày quốc khánh. Tôi cho cậu năm ngày”. Đó là bức ảnh Bác Hồ ngồi làm việc trên thảm cỏ. Sửu hí hửng mang dụng cụ về phòng. Bức này Sửu đã vẽ hàng trăm lần. Chỉ trong ba ngày Sửu đã hoàn thành bức vẽ hoàn hảo như chụp lại.

Sửu lại mang tranh lên trình diện thủ trưởng. Bức tranh được treo lên tường. Thủ trưởng đi lui đi tới ngắm nghía rồi chậm rãi: “Tôi thành thật phục tài chú, đúng là tiếng đồn không sai. Nét vẽ của chú thật sắc sảo, màu pha tươi rói. Về mặt chuyên môn không còn gì phải bàn, nhưng…” Thủ trưởng thở dài, “nhưng chú nhìn kỷ coi, Bác Hồ của chúng ta như chú đã học tập, là người của dân tộc, mà dân tộc ta là nông dân, công nhân… Thế mà trong bức tranh này khuôn mặt Bác sang trọng quá, tiểu tư sản quá, chú đồng ý chứ. Lại nữa, phiá sau lưng bác, nơi thảm cỏ này này (ông dí dí cái thước vào những đốm cỏ úa), những đốm bạc nhòe nhoẹt như sau một trận bom”. Ông ngừng một lát. Rồi tiếp: “Cách mạng cần những người có tài và có cả đạo đức cách mạng, chú mày chỉ tài…, chú về đi, chờ tôi”. Sửu thở dốc, tim đập nhanh, lảo đảo về phòng.

Căn phòng nhỏ như thênh thang ra. Những trận mưa đêm càng làm Sửu nhớ quê quay quắt. Hôm sau Sửu lại lên trình diện thủ trưởng thưa thật: “kính thưa thủ trưởng. Tôi tài hèn sức mọn, đã theo cách mạng ngót chục năm nay, chỉ biết phục tùng hết lòng. Bây giờ tôi đã biết khuyết điểm của mình. Vậy xin thủ trưởng cho tôi một công việc phù hợp với khả năng để có dịp đền đáp công ơn cách mạng”.

Từ đó chú được điều về một nông trường. Thủ trưởng nông trường biết tiếng họa sĩ Sửu, bố trí chú làm thông tin văn hóa. Sửu một mực từ chối, chỉ xin đi chăn bầy trâu của nông trường. Vậy là mười mấy năm chú làm duy nhất một việc là chăn trâu. Tranh vẽ của chú Sửu cũng toàn là trâu. Vẽ trâu dễ hơn vẽ cảnh vẽ người, buồn vui cũng là trâu. Có một bức Sửu thích nhất là “trâu cười”, mặt nó nghếch lên, nước giải nhỏ xuống, hồn nhiên trên nền cỏ xanh xanh.

Nông trường chỉ hai người đàn ông, thủ trưởng trên năm mươi tuổi và chú Sửu. Mỗi sáng ngồi trên lưng con Nậm, theo đàn trâu lên đồi cỏ, chị em nông trường hay trêu chọc chú Sửu. Chú không dám nhìn các cô, cúi gằm xuống lưng trâu. Có cô nghịch ngợm nhảy lên lưng trâu ôm chặt bụng chú, cả đám la ó động viên, chú im lặng chịu trận. Có lần một cô táo tợn quàng tay thọc vào quần chú Sửu mân mê. Chú nhắm mắt, hai chân kẹp chặt bụng trâu, đủng quần ướt sũng, nghiến răng rên lên: “Em lạy các chị”. Những tràng cười đuổi theo sau lưng, con Nậm bước nhanh như chạy trốn. Một cảm giác tội lỗi, uất nghẹn theo chú khôn nguôi. Từ đó chú không dám đi ngang đường có các cô nữa.

 

Sau ngày thống nhất bầy trâu nông trường không có ai chăn, chú Sửu lại thương trâu không nở bỏ. Dù nhớ làng nước, Chú Sửu vẫn ở thêm ba năm nữa cho đến ngày nông trường giải thể mới về quê. Nông trường tặng con trâu mộng chú thích nhất. Vậy là chú dắt trâu hàng trăm cây số về làng, cùng một ba lô tranh vẽ trâu.

Mùa vụ đến. Những con trâu quần quật nhẫn nại cày bừa. Nhìn đám trâu đói thắt hông kéo cày lòng chú Sửu cũng đau thắt. Hồi còn chăn trâu cho ông Cả, mùa cày mỗi con trâu được ăn hai gánh cỏ, tối còn bồi dưỡng thêm rau cám. Trâu của đội buổi trưa nhịn đói, tối về mới được ăn. Những gánh cỏ của đội viên theo quy định phải được bốn mươi ký. Chú Sửu có nhiệm vụ cân và nhập chuồng cho trâu. Rất nhiều xã viên ma mãnh, nhúng cỏ cho ướt để đủ ký, thậm chí có người còn giấu đá cục trong cỏ cho nặng. Chú Sửu biết hết, nhưng vì tính hiền hậu nhút nhát, chú chẳng dám nói với ai. Vã lại bà con đang đói xanh mặt, sức đâu mà cắt cho đủ cỏ. Gánh cỏ thật thà chất lượng nhất lại là của một cô gái bị đối xử tệ nhất đội, Cô Lài.

Đúng ra hồi mới được bà Quy nhặt về nuôi, đứa bé mắt xanh mũi lỏ được đặt tên là Lai, con lai từ lính Mỹ và các cô gái điếm. Từ ngày về làng làm ruộng, bà Quy thêm cho con dấu huyền để đỡ tủi về gốc gác của mình.

Lài cao tới mét bảy. Vì ăn uống thiếu thốn người cô ngày càng dài ra như nọc rơm, bọn con trai còn cho cô biệt danh “Lài nọc đượng”. Có đứa nghịch tặc bảo cái bướm của Lài là loại lá tre. Cô Nận lùn mập tụi nó bảo là lá vông. Lại đặt câu vè quái ác:

Lá tre cùng với lá vông
Hai lá đều được phủ lông đen ngòm

Mỗi lần họp đội cán bộ nói về tội ác đế quốc Mỹ bà con hay nhìn về phía Lài, cô thường cúi đầu xuống trên gối giấu những giọt nước mắt. Bà Quy mất, Lài đơn độc một mình. Mười bảy tuổi, làm một mình ăn một mình cũng đói. Người ta ăn hai chén thì Lài phải bốn chén mới no. Mỗi lần đi thủy lợi, cơm chia từng chén, đói thắt ruột. Vậy mà lần nào gánh đất đắp đê tụi con trai cũng xúc đầy gánh, như một cách chọc ghẹo. Lài cắn răng gánh, có lần đói xỉu úp mặt xuống bùn. Nhiều tối về nhà nhen lửa lên mới nhớ chẳng còn hột gạo lát khoai khô nào, Lài thường qua nhà chú Sửu mượn gạo. Chú Sửu tốt với Lài lắm, tình cảm như cha con. Chú là người sung túc nhất đội vì ngoài lúa từ công điểm, chú còn lương hưu trí. Chú lại siêng năng, lùa trâu ra đồng luôn mang theo cuốc để lấp hố bom thành những khoảnh ruộng nhỏ. Hố bom hợp tác xã không quản lý nên mỗi mùa chú kiếm thêm được mươi thùng lúa, nhiều hơn lúa chia từ hợp tác.

Những con trâu của đội chết dần mòn qua mùa rét theo quy luật ghe chung làm cầu, trâu chung làm thịt. Bà con ai cũng vui khi có trâu chết vì sẽ được chia mấy ký thịt trâu. Người buồn nhất là chú Sửu, chú không ăn thịt trâu. Phần thịt của chú thường cho Lài. Chú còn cho thêm mấy lon gạo bảo Lài: “Cháu nấu cơm không độn mà ăn với thịt trâu một bữa cho đã. Lài ăn một bữa nhớ đời với thịt trâu xào lá lốt cùng hai lon gạo. Chú Sửu ngồi nhìn Lài ăn mà ứa nước mắt, nghĩ phải chi mình có đứa con như Lài.

Con Nậm chết sau cùng. Đó là một ngày cuối tháng mười một. Chú Sửu khóc rống lên, ôm cổ trâu mà khóc. Có những lần chú thấy xác trâu và xác người ngã lên nhau, như vẫn còn đang dở một buổi cày. Chú Sửu tưởng ra như ở cõi nào khác, anh lực điền ngừng lại, vuốt ve sườn trâu rồi cùng thênh thang ngả ngớn. Trâu uống nước mưa đọng bên rề cỏ, anh chàng thì vê điếu, bặp những hơi thuốc lá, lim dim thả nhũng sợi khói xanh bay tà tà vướng vít chân trâu. Nếu không kể những miểng trái phá vung vãi đầy mặt đất như bức tranh trừu tượng lâm khốc và mùi máu còn tươi, thì... Chú lẩm nhẩm đoạn thơ của Thu Bồn tình cờ đọc được trên báo dạo nào: 

Con trâu chết nhưng là sự thật
Đôi sừng cong của nó gió đi qua
Mang tiếng rúc tù và quân thù rởn ốc

Vậy mà Nậm chết vì đói, hay ai đó đã cố tình giết Nậm.

Chú xin đội cái đầu trâu đi an táng. Sáng hôm sau lên thắp nhang cho trâu thấy ai đã đào lấy mất. Chú cầm nhang chạy khắp rú kêu: “Nậm ơi, N…ậ…m”. Chú ngất đi. Lài cõng chú chạy lên trạm xá, săn sóc chú cả tuần mới khỏi. Về nhà, chú lầm lì không nói, soạn giá vẽ lại con trâu Nậm đang ăn cỏ, bên cạnh là một cô gái với trạc cỏ, nhìn qua ai cũng biết là Lài.

Tin chú Sửu sắp cưới Lài làm bà con bàn tán xôn xao. Người cảm động, người dè bỉu. Riêng đám thanh niên có nhiều chuyện tếu lâm thêu dệt để cười. Ngày đám cưới chú Sửu không dám đứng gần Lài, cho đến lúc anh chi hội trưởng thanh niên cao to bế chú lên tặng hoa cô dâu, cả hội trường vỗ tay la ó. Một đám cưới vui chưa từng có, ấy là vào năm 1986.

 

Đầu những năm 1990, cô Lài được nước Mỹ nhìn nhận, kể cả con rễ Sửu một thời là cựu thù qua định cư ở Mỹ. Mười mấy năm xa quê, vợ chồng chú đã làm bao công việc nặng nhọc để thích nghi và tồn tại nơi đất lạ. Đêm về nhớ quê chú lại vẽ trâu. Những bức tranh đồng quê có ruộng vườn, có anh mục đồng ngồi vắt vẽo trên lưng trâu thổi sáo như sống lại trong chú cảm xúc về hồn quê hồn nước. Chú dạy con yêu quê hương qua hình ảnh con trâu. Rồi bỗng đâu, trong một lần tình cờ trưng bày tranh tại lễ hội mừng ngày Quốc khánh của toàn thành phố, nơi vợ chồng chú Sửu và hai đứa con gái nhỏ sinh sống, bức tranh “trâu cười” được bán với giá kỷ lục. Sự kiện này khiến chú Sửu dâng trào niềm xúc động. Chú biết con trâu nhà mình, những năm tháng thanh xuân của mình, vậy là sống lại ở một nơi dù xa lắc xa lơ với quê nhà. Chú lao vào vẽ, vẽ hồn cốt của trâu, vẽ những gì sống động và sâu kín nhất mà con trâu gởi gắm nơi chú, chứ không còn là vẽ cặp sừng và cái đuôi ve vẩy của “người bạn cố tri” nữa. Khách hàng là những người nhớ quê như chú, họ treo tranh chú ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách, hảnh diện về bức tranh của họa sĩ Văn Sửu. Khách hàng có cả những người da trắng sở tại yêu mến lối vẽ hồn nhiên mãnh liệt của chú. Chú lại được giải thưởng tranh đồng quê của tiểu bang, hình ảnh chủ đạo vẫn là con trâu.

Gia đình chú Sửu về thăm quê, làng cũ giờ đổi thay nhiều quá. Không còn lũy tre rợp bóng trên những con đường đất in vết chân trâu bò như xưa. Chú nhớ da diết mùi phân trâu, mùi rơm rạ ngày mùa. Không còn bóng dáng con trâu nào để chú kể về ngày xưa cho con như đã hứa. Chúng chỉ biết được trâu qua tranh vẽ, qua những bài hát về trâu chú tập: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…” Hai đứa con gái chú hát, tiếng Việt lơ lớ, cay xé lòng. Chúng ngạc nhiên nghe tiếng cục tác của gà đẻ, vui sướng khi cầm cái trứng gà nóng hổi trong tay. Còn chú, chú đứng trân nhìn cái nọc rơm chỏng chơ cô đơn như con “Nọc Đượng”, hình ảnh tội nghiệp của Lài ngày đó.

Cô Lài dắt tay con, cùng chồng đi về hướng sân đội ngày xưa, giờ là nhà bảo tàng nông nghiệp. Nơi đó sẽ treo những bức tranh vẽ trâu của chú Sửu, bên cái cày cái bừa bằng gỗ, những dụng cụ nông nghiệp một thời.


Nguyễn Đặng Mừng.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss