Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Chuyện Hữu Thỉnh

Chuyện Hữu Thỉnh

- thanh thảo — published 13/01/2009 18:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Người ta cứ nói Hữu Thỉnh lắm mưu nhiều kế, riêng tôi không thấy như vậy. Đã đành, trong cái bùng nhùng “tổ con chuồn chuồn” gồm toàn những tay hảo hán đa mưu túc kế, anh chị nào cũng cỡ Khổng Minh tái thế giở lên, thì không thể cứ lơ ngơ “chim sẻ chim di” mà sống được...

chân dung bè bạn


HỮU THỈNH NHỚ ĐÂU KỂ ĐẤY


thanh thảo


Người ta hay kể những chuyện tức cười về cái tật hay hứa và hay quên của Hữu Thỉnh. Chơi với ông quan chức văn nghệ này đã lâu, tôi lại có nhận xét khác: Hữu Thỉnh là người nhớ rất dai. Nhất là chuyện để nhớ, nhiều khi cũng chả nhớn nhao gì, nhưng lại khiến người nhớ cảm thấy ưng ức. Như cái chuyện Hữu Thỉnh cắm cúi rán cá rô đãi tôi, hồi anh còn ở Văn nghệ quân đội. Hồi ấy, hình như Hữu Thỉnh mới đeo lon thiếu tá hay trung tá gì đó, nhân tôi ra Hà Nội chơi, anh có nhời mời tôi đến căn phòng nhỏ của anh ở số 4 Lý Nam Đế để uống bia. Bia hơi thôi. Thời đó có bia hơi uống là quí rồi! Tôi hứa chiều hôm đó sẽ tới. Nhưng rồi, quá trưa thì tôi gặp người bạn cũ mới ở Canada về. Một “Việt kiều yêu nước”chánh hiệu con nai. Gặp nhau mừng quá, anh mời chúng tôi ra khách sạn Hoàn Kiếm uống bia. Tôi, Nguyễn Trung Đức, Nguyễn Thụy Kha, Trung Trung Đỉnh rồng rắn theo anh bạn ra khách sạn. Uống bia chai. Hồi ấy, có bia chai uống là mừng lắm. Thôi thì bia bọt tuôn như suối, những lời ba hoa có cánh cũng tuôn theo. Tôi vui quá, uống tới chiều thì quên luôn nhời mời của Hữu Thỉnh đến tệ xá văn nghệ quân đội uống bia hơi. Cứ ngỡ thế thì thôi, nào ngờ Hữu Thỉnh để bụng ức mãi. Mấy năm sau, mỗi lần gặp tôi, Thỉnh đều kể lại chuyện buổi chiều mùa đông rét mướt hôm ấy anh đã vã mồ hôi rán cá rô đợi tôi đến uống bia như thế nào. Anh miêu tả kỹ từng giọt mỡ bắn lên mặt anh bỏng dẫy, và anh đã “kiên trì vượt gian khó” ra sao trong cái gió mùa đông bắc rét thê thiết để rán cho được mấy mẻ cá rô don dòn như bánh đa nướng chờ tôi. Trong khi, Hữu Thỉnh đay nghiến, “ông đi uống bia với Việt kiều, ông bỏ rơi tôi!” Chết, thế này thì có cơ nâng lên quan điểm mất rồi! Tôi phải thanh minh là tôi cũng không ngờ mình ham vui đến quên lời hứa với Hữu Thỉnh, chứ không phải vì mồi nhậu ở khách sạn ngon hơn cá rô rán( tôi vốn rất khoái món cá rô rán), hay bia chai thì ngon hơn bia hơi (hình như có thế thật). Nhưng tôi càng thanh minh thì Hữu Thỉnh có vẻ càng ức, nên những lúc ấy, tốt nhất lại gạ: “ Thì bây giờ anh em mình lại bia! Không cá rô rán thì lòng lợn hay thứ mồi bỏ mẹ gì đó cũng được, miễn anh em mình lai rai là vui rồi!” Của đáng tội, những lúc như thế, Thỉnh đều chiều tôi. Mấy anh em lại làm vài chục chai bia, tán dóc. Mà những lúc như thế, trông Hữu Thỉnh hồn nhiên đến lạ, chứ không hề có bất cứ dấu hiệu “ủ mưu” nào. Người ta cứ nói Hữu Thỉnh lắm mưu nhiều kế, riêng tôi không thấy như vậy. Đã đành, trong cái bùng nhùng “tổ con chuồn chuồn” gồm toàn những tay hảo hán đa mưu túc kế, anh chị nào cũng cỡ Khổng Minh tái thế giở lên, thì không thể cứ lơ ngơ “chim sẻ chim di” mà sống được. Nhưng cũng không phải vì thế, Hữu Thỉnh lại phải tung hết móng vuốt của mình ra để tồn tại. Vì nếu vậy, anh sẽ không làm được thơ nữa. Mà Hữu Thỉnh thì tuy làm quan văn nghệ đấy, nhưng vẫn làm thơ, thỉnh thoảng vẫn có bài thơ hay. Chỉ có điều, anh nhận các giải thưởng hơi nhiều, vì thế có một số người không ưng cái bụng lắm. Tôi cũng đã hơn một lần khuyên Hữu Thỉnh nên có điểm dừng trong chuyện giải thưởng. Và nói thật, chưa chắc do tôi tư vấn, mà có thể chính anh đã nghĩ lại, đã nghĩ ra, nên đã cương quyết (dù tới phút cuối cùng mới công bố) từ chối giải thưởng Hội nhà văn năm 2006. Cú từ chối giải thưởng đó của Hữu Thỉnh (hình như trước đó Ly Hoàng Ly cũng từ chối) đã không hề làm giảm sút uy tín của ông Chủ tịch Hội nhà văn. Trái lại mới đúng. Phải nói, trong các giải thưởng mà Hữu Thỉnh đã nhận từ trước tới nay cho một tập thơ, thì giải thưởng Hội nhà văn năm 1980 trao cho trường ca “ Đường tới thành phố” của anh là khiến nhiều người đồng thuận và sướng bụng nhất. Đơn giản, vì trường ca đó hay, có giá trị lâu dài, và là một trong những tác phẩm không thể thiếu trong văn học sử thời kháng chiến chống Mỹ. Mãi sau này tôi mới biết, rất nhiều đoạn thơ cảm động trong trường ca đó Hữu Thỉnh viết từ trải nghiệm của bản thân mình, từ số phận của gia đình mình. Anh ruột Hữu Thỉnh là liệt sĩ, hy sinh ở vùng Phan Thiết, và người chị dâu đau khổ của nhà thơ chính là nhân vật trong trường ca “ một mình một mâm cơm/ngồi bên nào cũng lệch”. Một trường ca được bảo chứng bằng máu và nước mắt thì không thể là một trường ca-nước lã được! Bây giờ hội nhập, người ta thân Mỹ (mới đánh mình cách đây 34 năm về trước), thân Trung Quốc (mới đánh mình cách đây đúng 30 năm)…Cũng tốt thôi, nhưng thân ai thì thân, xin đừng vồ vập quá mà đau cho biết bao linh hồn liệt sĩ, linh hồn đồng bào vô tội của mình đã chết trong hai cuộc chiến tranh khốc hại ấy. Với cả hai cuộc chiến này, Hữu Thỉnh đều có tham gia ở những cương vị khác nhau: chống Mỹ tham gia như một người lính (sau đó có làm thơ), còn chiến tranh biên giới tham gia như một nhà thơ (thỉnh thoảng có làm lính). Anh cũng là nhà thơ Việt Nam có hẳn một trường ca (trường ca “Biển”) viết về những người lính hải quân bảo vệ Trường Sa. Kể cũng khó đòi hỏi một ông Chủ tịch Hội nhà văn phải tham dự nhiều hơn vào số phận của đất nước như vậy. Nhưng với nhiều người ghét Hữu Thỉnh vì cái chức Chủ tịch, và quí anh cũng vì cái chức ấy, thì nhiều khi họ quên béng Hữu Thỉnh đã từng làm lính như thế nào, đã từng lăn lộn những đâu trong gần suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Tôi nhớ, lần đầu gặp Hữu Thỉnh ở nhà Trúc Thông, hình như là năm 1970, hồi đó anh mới là thượng sĩ thì phải, và mới từ chiến trường Trị Thiên ra Bắc dưỡng quân. Lúc đó tôi cũng là lính, nhưng là lính kiểng ở Hà Nội mới tập tọng làm thơ và đang tìm mọi cách để đi chiến trường, còn Hữu Thỉnh đã là lính cựu và có nhiều thơ đăng báo. Chúng tôi hồi ấy đều rất háo hức với thơ, rất thành kính với thơ như những tín đồ mới mon men vào cửa đạo. Sau chiến tranh, gặp Hữu Thỉnh khi anh đã là lớp trưởng lớp viết văn trại sáng tác quân đội Vân Hồ, Thỉnh dẫn đoàn nhà văn quân đội trong lớp vào giao lưu với anh em chúng tôi ở trại sáng tác văn học quân khu Năm tại Đà Nẵng, trông anh đã chững chạc lắm với quân hàm thượng úy. Tôi với anh cũng có cái duyên với nhau, năm 1977 tôi xuất bản trường ca “Những người đi tới biển” thì năm 1979 Hữu Thỉnh in trường ca “ Đường tới thành phố”, năm 1979 tôi nhận giải thưởng Hội nhà văn cho tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” thì năm sau, 1980, Hữu Thỉnh nhận giải thưởng Hội nhà văn cho trường ca “ Đường tới thành phố”. Năm 1989, đại hội nhà văn lần thứ 4. Buổi chiều, tôi và Thái Bá Lợi vừa từ Đà Nẵng đi tàu ra Hà Nội tới nhà Nguyễn Trung Đức, chưa kịp rửa cái mặt thì Hữu Thỉnh xuất hiện. Lúc ấy anh vừa nhận làm Tổng biên tập báo Văn nghệ, và nói thật, tôi không khoái chuyện này lắm, nên gặp anh chỉ cười lỏng bắt tay nhạt. Nhưng Hữu Thỉnh vẫn không lấy làm điều, vẫn ân cần vui vẻ với hai anh em chúng tôi: “ Các ông đi tàu có vất vả lắm không ?” Tôi bật ra: “ Vất vả gì đâu! Chỉ tội bị móc hết tiền rồi!” Hữu Thỉnh giơ hai tay trong một điệu bộ sau này trở thành “đặc trưng” của anh: “ Chết! Mất có nhiều không ?” Tôi cáu: “ Tiền đếch đâu mà mất cho nhiều! Có mấy mất mấy!” Hữu Thỉnh: “ Thôi, yên tâm đi, anh em mình xuống phố uống bia cái đã! Mai tôi sẽ đề nghị Hội hỗ trợ hai ông, chút ít thôi, nhưng đỡ qua lúc này.” Cứ nghĩ, Thỉnh nói lấy lòng vậy thôi. Nào ngờ sáng hôm sau đến Hội làm thủ tục dự đại hội, Hữu Thỉnh gặp tôi với Lợi nói giọng như xin lỗi: “ Tôi đề nghị hỗ trợ hai ông 400 nghìn, nhưng Hội chỉ nhất trí hỗ trợ 200 nghìn. Hai ông thông cảm nhé!” Mừng quá, nhưng chưa kịp nhận tiền thì nhà văn lớn Nguyễn Khải đã gọi riêng nhà văn nhỏ Thái Bá Lợi vào phòng bên để tra xét: “ Các ông vì sao mất tiền, mất lúc nào ?” Thái Bá Lợi thật thà: “ Thưa anh, chúng tôi đi tàu, đông người chen lấn nên mất tiền. Còn nếu biết mất lúc nào thì làm sao mất được ạ!” Câu hỏi hớ của một người nổi tiếng thông minh, còn câu trả lời thông minh của một người luôn có vẻ lớ ngớ. Đúng là dân xứ Nghệ giỏi ứng đối. Trong lúc đó, nhà văn nổi tiếng Đỗ Chu cứ đi đi lại lại với dáng vẻ bức xúc: “ Tôi hy vọng hai ông là hai người bị mất tiền cuối cùng ở đại hội này!” Đỗ Chu hơi thiếu tính dự báo: còn một người thứ 3 bị mất tiền. Mất thật. Đó là nhà thơ Giang Nam. Ông này là sếp, đi máy bay ra Hà Nội dự đại hội, vậy mà bị chôm ví, có lẽ là ở sân bay. Nhưng khi về Hội, nghe chuyện bị mất tiền của hai chúng tôi như chuyện trạng bác ba Phi, nhà thơ Giang Nam đã nghiến răng không khai báo bị mất cắp để được nhận hỗ trợ. Đúng là bản lĩnh của người Khánh Hoà! Lại nói, vừa nhận được 200 nghìn đồng từ tài vụ Hội, đã thấy phía sau mình lũ lượt một đoàn toàn danh nhân văn hoá văn nghệ : Nguyễn Quang Sáng, Trần Quốc Vượng, Trần Tiến, Nguyễn Thụy Kha..v..v…xếp hàng rồng rắn dìu hai chúng tôi về phía quán nhậu hồ Ha-le. Ở đó, món tiền trợ cấp tình nghĩa của Hội lập tức biến thành…bia Heineken số một thế giới. Các vị này uống bia ừng ực, mặt đỏ bừng, cười ha hả, cứ như vừa trúng quả. Tôi với Thái Bá Lợi cũng cười ha hả.Thế là xong một kỳ đại hội! Nghĩ lại, thương Hữu Thỉnh.


thanh thảo


HAI ANH EM


tặng Hữu Thỉnh-ngày đưa anh ruột từ Phan Thiết về quê Vĩnh Phúc


không xe tăng không đại pháo

hai anh em đi bên nhau nghìn cây số

đi bên nhau kẻ mất người còn

đi bên nhau hai thế giới

hai nỗi buồn

40 năm âm dương


xa xưa lắm ngày hai anh em đi bên nhau

phía sau con trâu phía trước con bò

những ngọn đồi sim mua xơ xác


dù anh em kiến giải nhất phận

nhưng đâu phải đi bên nhau thế này

mỗi lúc xe dừng thằng cháu vật vờ thắp nén hương

mỗi bữa cháo chợ cơm đường dấu diếm mời anh một bát

không dám nói không dám nấc

anh hun hút thế giới chảy ngược

em ngẩn ngơ rát mặt bụi đường


đâu dám nghĩ ngày hai anh em về quê hương

lại dằng dặc thế

nếu cõi kia có cây số

sẽ hiện cột –1500

xe chở hai anh em chạy lầm thầm đường Một

mà khác dấu âm(-) dương(+)


nghĩ còn may trời cho em tìm đúng anh

nghĩ còn may sau 40 năm có ngày anh về lại quê nhà


nghĩ còn may hơn hai anh em nhà Trung Trung Đỉnh

em ôm anh trong chiếc túi du lịch

đêm đông se sắt đợi tàu


nghĩ còn may hơn hàng chục vạn anh em khác

mỏi mòn mờ mịt tìm nhau


6/10/2008

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss