Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Cô bán hột vịt lộn

Cô bán hột vịt lộn

- Ninh Kiều — published 04/11/2007 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
truyện ngắn


Cô bán hột vịt lộn


Ninh Kiều



Khi các ông bắt đầu lẩm cẩm triết lý thì các bà ngó nhau, lo lắng. Từ triết lý, quẹo qua chính trị, cái rụp. Quẹo mặt, quẹo trái rồi đụng nhau cái rầm, giận nhau thiếu điều không ngó mặt. Ai cũng khư khư vẽ ra cái lịch sử đã sống của mình và ngang nhiên coi như là lịch sử khách quan của cái đất nước gian truân hình chữ S kia. Mà vẽ lại cái lịch sử khư khư ấy, dường như thực chất là vẽ lại cái ký ức. Mà cái ký ức, nó hay bị nắn nót, sửa đổi, méo mó, nhập nhằng, lẫn lộn, đổi màu, đổi mùi, đổi giọng thông qua buồn, vui, thăng trầm của người cất giữ nó. Vậy mà người ta vẫn dễ tin nó hơn mọi thứ trên đời này. Có lẽ chỉ vì nó được sống chăng ?

Các bà đang vô cùng bối rối trước một con tàu triết lý đang lao vào vũ trụ với một tốc độ càng lúc càng mau để có nguy cơ cứ tự đi mình ên vì không còn ma sát nữa... thì có cứu tinh. Vị cứu tinh ấy, không ai xa lạ, chính là ông anh chồng của tôi, người vừa thốt ra câu trong đó có «mối tình đầu», đủ sức mạnh hãm con tàu đơn độc. Sau câu nói đó, nhiều người kéo ghế xích lại gần Anh. Bà chủ nhà còn đang lo nấu nước châm trà trong bếp nói với  «chờ tôi nhé», rồi nghe tiếng choảng của một vật gì bằng sành rơi xuống đất và một tiếng kêu «ối giời». Ông chủ nhà thay vì nhổm dậy vô bếp giúp vợ thì đưa tay rờ râu cằm vì ông rất sợ bơ vơ trong chính cái bếp nhà mình. Ông thuộc loại anh hùng thấm mệt nên ông thường nhìn ra cửa sổ để khỏi nhìn ai cả và nhất là khỏi phải đụng độ cái nhìn của Bà y như vệt đèn pha quét Ông lui về sau cột biên giới. Ông vừa từ Việt Nam trở qua nhưng đã có vẻ bồn chồn muốn quay trở lại. Bạn bè thường hỏi đùa «bà già dạo này ra sao, khoẻ lại chưa?», ông trả lời mắt sáng rỡ «mình sắp về lo cho bà già đây... » Không ngờ đất Paris vẫn còn ung đúc được người con trai vô cùng hiếu thảo này trong khi con dâu bị nóng Sài Gòn dội ngược.

Khi Bà vừa rót trà vào cái tách cuối cùng thì mọi cặp mắt đều đổ dồn về nhân vật chính, Anh, người đã thốt ra cái câu thần diệu chỉ gồm có chủ từ là «mối tình» và tỉnh từ là «đầu» mà lại có phép biến hoá lạ thường. Nó làm sáng lên những đôi mắt đã bắt đầu thấy cảnh vật, chữ nghĩa nhập nhoà. Nó làm nhô lên ửng hồng những đôi gò má có khuynh hướng quay nhìn xuống đất. Nó làm giãn ra những sợi gân không rút mà co. Nó làm người ta nhớ lại những lần thở gấp hụt hơi, hiếm hoi, đã xảy ra lâu lắm rồi. Có nghĩa là nó làm trồi lên những gì nén tận đáy lòng sâu kín của mỗi con người có mặt nơi đây.

Đây là một nhân vật khá lạ lùng bởi vì Anh thường kể mối tình đầu của mình như một người sưu tầm truyện cổ tích kể truyện đời xưa. Kho tàng truyện của Anh dường như bất tận bởi những «mối tình đầu» của Anh, không có truyện nào giống truyện nào, đều được anh kể với một giọng dí dỏm.

Nhìn hai anh em ruột mà đôi lúc tôi đâm ra nghi ngờ lòng chung thủy của bà già vì ông anh thì chưa thấy người đã nghe tiếng trong khi ông em thì... ít nói. Ai cũng khen hiền. Nói cũng hiền, ăn cũng hiền, ngủ cũng hiền, hôn vợ cũng hiền...trời ạ.

Bởi may mắn gặp chồng hiền cho nên những «mối tình đầu» của Anh có một cái gì lôi cuốn, hấp dẫn đối với tôi và có lẽ đối với số đông trong cái phòng khách ấm cúng nầy nhưng dường như trừ một  người...có vẽ không ưa, mà không nói ra, là Chị, bà chị em bạn dâu của tôi. 

Chờ cho không khí chộn rộn lắng xuống Anh mới bắt đầu kể «Hồi ấy tôi mới hai mươi tuổi, sinh viên và đã bắt đầu biết yêu. Và người đầu tiên mà tôi để ý tới là cô bán hột vịt lộn đầu chợ gần nhà thằng bạn thân nhất».

Câu mở đầu dí dỏm của Anh khơi dậy một loạt phản ứng không được trong sáng lắm của các ông chung quanh nhân vật «cô bán hột vịt lộn» hay nói đúng hơn chung quanh «hột vịt lộn» khiến một bà, đã là bà nội bà ngoại rồi mà mắc cở đỏ mặt, như con gái dậy thì, rủa lớn «mấy ông già rồi mà còn nói tầm bậy».

Để cho mọi người cười nói hả hê xong, Anh kể tiếp «Dĩ nhiên là cô bán hột vịt lộn là một cô gái có nhan sắc nếu không nói là rất đẹp dưới mắt của tôi lúc bấy giờ. Cô chỉ có bán mỗi hột vịt lộn. Quầy hàng của cô nằm dưới một cái chái lợp lá, có cái bàn thấp với mươi ghế nhỏ. Khách ăn ngồi chồm hổm chung quanh cô. Đồ nghề của cô có thúng rau răm, lò than hồng đội nồi nước sôi lúc nào cũng có hột vịt lộn lặn hụp trong đó. Ngoài ra có thúng thóc để ủ trứng, giữ hơi nóng trứng đã luộc. Cô ngồi trên chiếc ghế đòn có hộc tủ để tiền phía dưới, hơi cao hơn mọi người ngồi quanh. Từ xa đi lại, nhìn về phía quầy hàng của cô, thấy mấy cái lưng hơi cuối xuống, bọc cô như một bức tường thành. Không biết cô học đến đâu nhưng cô tính nhẩm rất tài tình, và có trí nhớ tuyệt diệu vì không ai ăn gian cô được một đồng. Ngày nào tôi cũng ghé quầy cô với thằng bạn. Vừa mới thoáng thấy hai đứa tôi từ xa, cô đã đon đả mời «mấy anh ghé ăn dùm em ít hột vịt lộn em mới luộc». Hai đứa tôi vừa ngồi xuống cái ghế đòn thì cô đã thò tay vào thúng thóc lôi ra một hột, đưa lên mắt ngắm nghía, như một người thợ bạc lành nghề thăm dò một viên ngọc quý. Hột vịt lộn được cô nâng niu rất lâu trong lòng bàn tay, nhất là hột cô lựa cho tôi, trước khi để vào cái dĩa đầy rau răm trước mặt tôi. Tôi giữ hột vịt lộn trong lòng bàn tay mình còn ấm hơi tay cô, ao ước một cách điên rồ được hóa thành nó để được cô nâng niu dầu chỉ trong giây lát. Khách quen của cô tuy đông,  nhưng cô nhớ ý thích từng người một và nếu có lỡ quên cô có cách dò hỏi họ một cách tế nhị, và kết thúc mọi biến cố bằng một câu «em nhiều công chuyện, đầu óc em lộn xộn, đừng buồn em». Khách quen của cô đa số là đàn ông và tôi biết cô đặc biệt để ý chăm sóc tôi. Dĩa rau của tôi không ngừng được tiếp tế. Tôi vừa nuốt xong hột thứ sáu thì đã có hột thứ bảy nằm chờ. Chén muối tiêu nặn chanh không bao giờ lưng. Mỗi khi cô cuối xuống bận bịu với công việc, khi thì lặt rau, khi cắt chanh, khi trộn muối với tiêu, khi vớt trứng để ra rổ, tôi lại lén nhìn cô. Đôi mắt cô như hai lá rau răm trong cái rổ kia, trán cô lấm tấm mồ hôi, đôi má cô ửng hồng vì suốt ngày ngồi cạnh lò than, nhưng miệng cô lúc nào cũng như mỉm cười, má lúm hột gạo. Mỗi khi bị chọc ghẹo, cô vừa khúc khích cười vừa lấy tay kéo mấy sợi tóc để vào khoé miệng cắn. Ôi, sợi tóc ơi sao mà mày có nhiều diễm phúc vậy trời. Có khi bận học, liên tiếp mấy ngày tôi không ra chợ ăn hàng, cô gặp tôi trách móc. Một giọng trách móc mà tôi cứ muốn nghe hoài, nghe không chán, trách móc mà nghe như nhớ nhung, như thiếu thốn, như lời kêu gọi yêu đương. Có lúc khuya lắc khuya lơ, mưa rỉ rả mà tôi cũng mò ra chợ. Cô bán hột vị lộn ế khách ngồi nhìn tôi ăn ngon lành, thỉnh thoảng còn tận tay đưa cho tôi một cọng rau răm ăn vào cay cay mà nghe sao ngọt ngào trong miệng, nuốt tới đâu ấm tới đó. Mặc dù tôi đã bắt đầu có triệu chứng đau gan, tròng trắng con mắt ngả vàng  nhưng khi nghe cô chớp chớp mắt chào hàng «anh ăn giùm em», tôi không nỡ từ chối. Đời người ai cũng một lần chết, nếu phải chết vì mấy hột vịt lộn và được cô vuốt mắt với đôi bàn tay dịu dàng ấm áp của cô thì cũng không có gì phải ân hận. Tình trạng suy nhược thể xác lẫn tinh thần của tôi không qua khỏi những đôi mắt tinh quái của mấy thằng bạn trời đánh. Chúng bày mưu tính kế và mời được cô bán hột vịt lộn đi viếng vuờn măng cụt một ngày chúa nhật. Trong chiếc xe hơi nhỏ, tôi được sắp đặt ngồi cạnh cô và cô ngồi cạnh cửa xe hạ kiếng bởi vì cô không quen đi xe hơi, sợ bị ói. Băng sau ngồi bốn đứa chật như nêm, đùi tôi áp hẳn vào đùi của cô, nóng bỏng. Trong suốt chuyến đi, tôi không hề dám quay nhìn mặt cô. Và những câu trêu ghẹo vô duyên của đám bạn thì có vào lỗ tai tôi nhưng không có tác dụng gì bởi vì toàn thân tôi như bị chích thuốc tê, cứ tê liệt dần  dần, nhất là vùng nằm gần đùi mặt áp chặt vào đùi trái của cô. Khi xe ngừng, bốn cánh cửa xe mở toang hoác, mọi người đã xuống xe mà tôi vẫn còn ngồi yên. Có phải tôi muốn vậy đâu nhưng không hiểu sao hai chân tôi tê cứng, không cục cựa gì được. Có lẽ cho rằng tôi kiếm cớ để ngồi lại một mình với cô bán hột vịt lộn cho nên các bạn tôi kéo nhau vào vườn măng cụt trước, sau khi dặn dò cô ở lại săn sóc tôi. Khi cơn đau đớn từ thắt lưng quần trở xuống dịu dần, tôi mới xích lần ra cửa và từ từ bước xuống xe. Một khi đã để hẳn hai bàn chân xuống đất dợm đứng thẳng lên thì tôi sửng  sốt nhận thấy không tài nào tôi đứng thẳng lưng được. Chẳng lẽ bò ? Tôi đành bước lum khum trước con mắt lo lắng và giọng thăm hỏi hốt hoảng của cô bán hột vịt lộn. Tôi tiếp tục đi lum khum đến một gốc cây gần đó rồi ngồi phịch xuống, nhắm nghiền mắt. Khi tôi mở mắt ra thì không thấy ai bên cạnh, ngẩn nhìn lên thì thấy vô số trái sầu riêng lởm  chởm gai treo lủng lẳng trên đầu. Tôi không khỏi vái thầm ông địa cho tất cả sầu riêng trên cõi đời này rớt xuống trên đầu tôi một lượt cho tôi chết đi cho rồi. Một lúc sau, lợi dụng không có ai, từ gốc cây sầu riêng, tôi đi lum khum trở vô ngồi trong xe cho đến khi cô bán hột vịt lộn trở lại tìm tôi với đám bạn thì cơn đau từ thắt lưng trở xuống mới biến mất. Sau chuyến đi chơi vườn măng cụt, tôi không dám ra chợ ăn hột vịt lộn trong mấy tháng trời».

Cái cảnh đi lum khum của Anh trước đôi mắt lá «rau răm» của cô bán hột vịt lộn đã làm dậy lên những trận cười và những lời chọc ghẹo của người nghe.

Đợi cho mọi người cười hả hê xong, Anh tiếp tục «khi tôi trở lại tìm cô bán hột vịt lộn thì cô không còn đó nữa. Và từ đó tôi không bao giờ gặp lại cô. Nhưng mỗi lần được vợ cưng cho ăn hột vịt lộn, tôi không khỏi theo dõi cử chỉ từ khi vợ bốc hột vịt lộn trong lòng bàn tay như lực sĩ sắp ném tạ cho đến khi nghe rớt cái cụp xuống dĩa mà ngậm ngùi nhớ... ».

Vừa dứt lời, Anh rụt vai làm bộ sợ hãi quay qua nhìn Chị ngồi bên cạnh rồi phá lên cuời. Anh cười, hay cười, hay cà rỡn, nhưng ai cười chứ Chị không cười, gần như không bao giờ cười khi... chồng giễu. Người thì sôi nổi còn người thì lạnh, lạnh tanh. Trong lòng tôi bỗng gợn lên chút lo lắng, như cảm nhận một cái gì đó, tuy không thấy mà vẫn có.

Không khí hào hứng mối tình đầu đang nóng lòng chờ đợi một cảm tử quân thứ hai nhưng chưa thấy ai ra mặt.

Trước tình thế bế tắc này, Anh lại tình nguyện «...lần nầy với một cô Nhật Bổn».

Mọi người nhao nhao phản đối nhưng những lời phản đối dịu dần bởi vì không có ai khác ngoài Anh.

Để tạo bầu không khí hồi hộp chờ đợi thêm phần hào hứng, Anh chồm tới vói lấy bình trà và chậm rãi châm đầy tách mình rồi nâng lên môi. Anh vừa mới hớp một ngụm thì nghe một giọng phụ nữ quen thuộc bên cạnh dội qua «tôi xin kể».

Chưa kịp uống, Anh đã sặc. Tách trà của Anh cầm trong tay chao đảo, nước trà sóng sánh trong tách như sóng gặp gió lớn. Sửng sốt, anh quay qua nhìn người ngồi cạnh Anh như con thuyền trong cơn bão bị sóng đánh quay mũi.

Trong vòng bạn bè, đây là lần đầu tiên có một bà tình nguyện kể chuyện tình. Lý do cũng dễ hiểu là không dễ gì kể chuyện thật về mình, dù là chuyện tình thuở ngây thơ chưa biết gì. Bởi dù người kể có lấy cái giọng bàng quan cho cách mấy đi nữa cũng dễ bị lộ do cái tình cảm dạt dạo ấy vẫn còn rạo rực. Dường như nó không hề nguôi ngoai theo ngày tháng, mà nó chỉ chực trồi lên giống như khi tôi luộc mấy viên trôi nước. Nó trắng phau, lặn hụp trong nồi nước sôi... hồi lâu rồi nổi lên lều bều, ở đó luôn, còn trở mình qua trở mình lại nữa chớ.

Tôi đã xa đề, xin hãy quay nhìn về người vừa mới tình nguyện để nhận ra là Chị, đẹp, còn đẹp lắm dù tuổi đã qua sáu mươi. Nhận thấy mọi người đang nhìn mình, Chị hơi bối rối cúi xuống nhìn hai bàn tay duỗi thẳng trên đùi. Khi bầu không khí ngạc nhiên dịu lại, chị mới ngước mắt có vẻ thách thức nhìn khắp mọi người rồi bắt đầu nói  « Các anh yên tâm, không phải mối tình của tôi ». Sao lại phải rào đón ? Đàn ông họ kể chuyện bà này bà nọ của họ rào rào có sao đâu. Họ còn được khen là đào hoa là Don Juan. Chị tiếp tục, có vẻ xúc động, nhấn mạnh «nhưng mà là một mối tình đầu, một mối tình đầu thật sự, của một người».Tôi thấy Anh lúng túng, khó xử với cánh tay để sau lưng ghế Chị. Cuối cùng Anh trở bộ, ngồi thẳng người, nhìn về phía trước mặt như sẵn sàng nghe chuyện tình của thiên hạ.

Làm như không nghe thấy gì trước những câu hỏi đùa dồn dập «ai vậy kìa», «xin cho biết tông tích», «có mặt đây không ? », Chị bắt đầu kể «có lần, bà già vui miệng nhắc chuyện cũ, nè, con nhỏ dưới quê, nhà nó cách nhà ngoại cái hàng rào, hồi đó nó để ý con». Chỉ có mấy lời của bà già vô tình nói ra mà chàng nhớ không thiếu một chữ, đem hết về Paris để trở thành người mất hồn. Cô thôn nữ ngày ấy, thôi chàng nhớ ra rồi, em hay núp sau hàng rào râm bụt ngó lén qua nhà ngoại anh mỗi lần anh nghỉ hè về thăm ngoại. Bây giờ em ở đâu, ra sao ? Sao anh có thể vô tình đến như vậy kìa. Và chàng chợt thấy mình thương nhớ em khôn nguôi và dần dần đi tới tự khẳng định đó là mối tình đầu của mình. Chẳng vậy cách nhau 5, 6 múi giờ, hàng mấy mươi năm trời không hề gặp mặt, mà sao lòng chàng lại ray rứt, bồn chồn như ăn không tiêu vậy nè trời. Phải trở về, bằng mọi giá, để gặp lại em. Rồi chàng trở về thật để đứng ngẩn ngơ trước bức tường xi măng thay cái hàng rào râm bụt. Rồi chàng thơ thẩn ra chỗ máy bơm đang xình xịch bơm nước vô ruộng, đứng rất lâu như đang ngắm nghía một cái gì. Chỗ trũng nước này ngày xưa, khi trời bớt nắng, mấy cô ra tát gàu sòng vô ruộng. Quần xăn tới háng, đùi cô nào cô nấy, tuy là gái quê, trắng tinh. Đứng trên gò đất cao, nhún nhẩy theo nhịp, từ xa thấy giống như mấy cô đang múa. Trai làng thường qua lại chọc ghẹo. Em không còn ở đó nữa, em đã bỏ làng lên tỉnh rồi bặt tin luôn. Vậy mà chàng vẫn tìm ra. Chàng phăng mối từ từ trong ba tuần lễ ở Sài gòn để tuần cuối cùng kêu thằng em chở vô quận mười. Những gì tôi kể tới đây, đều thật, một trăm phần trăm nhưng phần cuối thì lại có ba kết cuộc khác nhau lận. Theo lời thằng em thì chính nó quay đầu xe không dám dấn sâu vô xóm vì thấy có quá nhiều ngõ nghách, sợ lạc vào mê hồn trận không có lối ra, do vậy chàng không hề gặp lại được em. Theo lời một người khác biết chuyện thì chàng đã tình cờ gặp được em, ngồi bán thuốc lá trước cửa chính Sở Thú. Sự thật thì không phải em nhưng không khác gì là em vì cô bán thuốc lá chính thật là con gái của em. Nó giống hệt em thuở trước. Tuy chàng không hề gặp người thật nhưng niềm ao ước gặp lại mối tình đầu có phần nào được thoả mãn bởi vì em giống hệt người xưa. Sau khi lắng nghe tâm sự của chàng, em còn chấp nhận cùng chàng đi viếng Sở Thú, đi thăm lại những nơi hai người đã đi qua. Có nghĩa là em đã không chỉ yêu thương chàng qua hàng rào râm bụt mà còn đi xa hơn vậy nữa, như đã có lần lên tới tận Sở Thú Sài gòn gặp nhau, tay trong tay, ngày ấy… Còn một kết cuộc thứ ba nữa, cũng có thể thật, đó là chàng có gặp lại em. Chàng phải cúi rạp người luồn dưới cái máng xối mới bước vô được ngôi nhà lụp xụp để mặt đối mặt với một người đàn bà mà nhan sắc hầu như bị xoá sạch bởi nghèo khổ. Mắt hấp háy, răng xệu xạo, quần ống cao ống thấp, giọng khào khào. Con đông, chồng đạp xích lô, gia cảnh bấy nhiêu cũng đủ nói lên tất cả. Chuyện gì đã xảy ra sau đó. Không ai được biết vì không có nhân chứng».

Chị ngừng kể. Mọi người tận dụng yên lặng để sửa bộ cho đỡ mỏi. Rồi Chị kết thúc «Những cái vớ vẩn ấy, tuồng như không thể xảy ra được, nơi một người sống cả đời bên Tây, ấy vậy mà vẫn xảy ra. Nó như viên sỏi rớt tủm trong cuộc sống chắc là quá phẳng lặng, quá bình yên, quá tầm thường. Nó gây sóng, lay động lòng chàng và vô tình làm tổn thương, nói tử thương cũng được những gì nằm trong tầm của nó».

Yên lặng lại kêu vo vo rất lâu trong không khí sau khi Chị chấm dứt vì không ai biết nên vỗ tay, chặc lưỡi, thở dài hay rống lên một tiếng khóc.

Trên đường về nhà, tuy không nói ra song cả hai chúng tôi đều nghĩ đến Chị và cảm thấy Chị khổ. Người thì sôi nổi, người thì lạnh tanh. Vậy mà họ vẫn sống bên nhau, với nhau, như đêm và ngày, như âm và dương. Lạ thật. Như hiền và dữ. Như anh và tôi.

Đường về nhà còn xa, trời khuya, tôi dựa đầu nhắm mắt bỗng vẳng nghe tiếng người nói «lâu lắm rồi mình quên ăn hột vịt lộn…» làm át đi tiếng vo vo của yên lặng trong lỗ tai tôi. Tôi mở mắt bật dậy nhìn qua bên, thấy chồng mình vẫn hiền lành chăm chú lái xe. Tôi chưng hửng «anh mới nói gì với em phải không ? ». «Không, anh có nói gì đâu. Ngủ đi, gần về tới nhà, anh kêu», chối mà nghe như thú nhận.

Hiền thì vẫn hiền mà sao đêm nay có duyên hết sức.
 

Paris ngày 31 tháng mười 2007

NINH KIỀU


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us