Cô dâu
CÔ DÂU
Nguyễn Đức Tùng
Khi cô vừa ngồi yên vị trên ghế máy bay, hãng hàng không Korea Airline, sau một hồi chật vật đẩy túi xách tay lớn quá khổ mà mẹ cô tìm hết cách nhét các thứ vào, bắt cô mang rất nặng, sau khi phải năn nỉ nhân viên soát vé để được mang nó vào máy bay thay vì gởi ở khu vực hành lý, sau khi thắt dây lưng an toàn, đưa mắt lo lắng nhìn qua cửa sổ máy bay, mây lờ lững, ngay vào lúc ấy thôi thì mọi người, những bà dì, bà cô, chị em họ, nói chung là tất cả, đều đã có cảm giác rằng cô đã xuống đến phi trường Seattle, đã bước đi trên đường phố tráng lệ, đã lái một chiếc xe hơi bóng nhoáng sơn màu đỏ chói, đã nói tiếng Anh như gió, đã mua được một căn nhà sáu phòng ngủ trên đồi, và dĩ nhiên một người như thế thừa khả năng để bắt đầu gửi tiền về Việt Nam cho mẹ cô, cho mọi người.
Sau khi cô đã đi rồi, mọi người còn đứng tụ lại trên khoảng sân nhỏ, có người ngồi ở bậc cửa, vì căn nhà quá nhỏ không đủ chỗ để ngồi, những bà mẹ trẻ vừa vạch áo cho con bú, vừa lấy tay đập muỗi trên má đứa trẻ, trở nên bớt cằn nhằn, cười nói vui vẻ và dễ dãi với những đứa bé lớn hơn, nghịch ngợm, vì nghĩ đến một tương lai mơ hồ chờ đợi họ. Có người tưởng tượng những cái bóp da nho nhỏ xinh xinh, có người mơ màng những đôi giày cao gót, cô đã hứa với họ. Cha cô bảo ông chỉ thích một cái ra dô để nghe tin tức, ông nói thế nhưng cô biết là ông cần nhiều thứ hơn nữa. Mẹ cô không nói gì cả, nhưng đó là sự kín đáo của một người lãnh đạo, tổ chức từ đầu đến cuối một công việc với mục đích rõ ràng.
Sau chuyến bay bốn giờ đồng hồ mà cô chẳng thấy mệt mỏi gì và không chóng mặt hay buồn nôn như người ta vẫn dọa, có lẽ vì cô quá lo lắng hoặc quá sung sướng, hoặc cả hai, cô xuống phi trường Seoul trong một thời tiết êm ả, đẹp tuyệt, hơi mây mù nhưng không có mưa, ánh sáng mặt trời rắc lên đám cỏ xanh ngoài phòng đợi lấp lánh nhảy múa. Cô mua một cái bánh sandwich để ăn cho đỡ đói vì trên máy bay mải suy nghĩ, hồi hộp, cô chưa kịp ăn bữa ăn chiều thì người tiếp viên đã dọn mất rồi. Cô không có ý định mua cái bánh sandwich mà định mua thứ khác và một chai nước ngọt nhưng do không biết tiếng Anh, cuộc trò chuyện giữa cô và người bán hàng, một phụ nữ nhỏ bé, gắt gỏng, trở nên một cuộc thử thách đáng sợ nên cô đành chấp nhận món ăn kỳ quái, không kèm theo nước uống. Nhưng những thứ đó không đủ làm cô bực mình, chúng chẳng phải cực khổ gì lắm. Cô không phải là nàng công chúa có thể mau lẹ cảm nhận được hột đậu nhỏ ở dưới ba tầng nệm trắng; mới hôm qua đây thôi cô còn chạy qua đồng giữa trưa nắng gắt mang bữa cơm độn sắn và khoai mì, dưa cải cho cha của cô đi cày; mồ hôi lấm tấm trên mặt, cô suýt vấp ngã trên những luống cày, đất cứng như đá vì ba mươi tám ngày không mưa.
Anh nói với cô rằng những ngày khốn khổ của cô sẽ được đền bù, rằng bất chấp tất cả, khuôn mặt cô vẫn mịn màng, đẹp tuyệt và vì anh là một kỹ sư cao cấp trong hãng điện tử Hoa Kỳ, cô không nhớ là tên gì, nên việc chăm sóc sắc đẹp cho cô sau này không phải là chuyện lớn, vấn đề là cô phải trải qua những thử thách nho nhỏ; thử thách như kiểu cái bánh sandwich khô như củi xem ra không đến nỗi nào.
Đồ đạc của chuyến xuất ngoại vẫn còn để đầy phòng, những bộ quần áo mà cô vừa mới may ở quán may đầu làng, chưa kịp mặc; hồi đó chưa có quần áo may sẵn như bây giờ, người ta phải đi mua vải tự may lấy. Mấy cái xách tay đã lộn trái ra ngoài không kịp xếp lại, hai ba đôi giày lỏng chỏng, những cái hộp giấy lớn vuông vức quấn bằng dây gai nhiều vòng, che mất cả địa chỉ nơi đến, chỉ chừa lại những chữ "Seatle…USA.." nằm chắn ngay ở cửa phòng, những đồ trang điểm của đàn bà con gái, những gói đồ thức ăn , như thịt chà bông, tép khô mà hai mẹ con thức suốt đêm bên ngọn lửa liu riu chăm chút làm để mang đi vì nghe nói anh thích những món ăn thuần túy và đậm đà bản sắc dân tộc, những thứ giấy tờ linh tinh khác, một cuốn tiểu thuyết của một nhà văn thường thường bậc trung nhưng ăn khách và cuốn sách dạy nấu ăn dành cho các cô dâu trẻ và hạnh phúc vì người lớn tuổi và không hạnh phúc quần quật trong bếp khói bếp mù cả mắt chẳng hơi đâu mà ngó tới, cô mang theo để đọc, vì thời ấy, những năm tám mươi, không có online như bây giờ. Cô đã học hết lớp mười trước khi nghỉ để phụ giúp việc gia đình và thời nhỏ rất mê đọc sách. Suốt nhiều ngày chúng không hề được chạm tới, những bức ảnh dán trên tường của cô cười xinh xắn, những bức ảnh có hình của anh và cô đi chơi biển Vũng Tàu và Hạ Long, bước đi trên cát như những cặp tình nhân thơ mộng trong phim ảnh, quả cam để trên bàn từ xanh đến vàng đến khô, những người bạn thời nhỏ của cô đến ngồi bên cạnh giường, thương xót nhìn cô nằm thiếp trên giường, không ăn không uống, không khí vương mùi cỏ dại trong đất mới lật bay qua.
Cô chẳng nói gì, mẹ cô càng la lối vừa la lối vừa khóc lóc thì cô càng im lặng. Cha cô uống rượu nhiều hay lấy cớ để uống rượu nhiều thì không ai biết, ngồi trên chiếc bàn đóng bằng mấy cây tre khép lại dưới gốc mít đang ra những trái non, có những trái nhỏ bằng đầu ngón tay cái. Những người bà con và hàng xóm đi ra đi vào thì thào trò chuyện, có người thương xót, có kẻ thỏa mãn ra mặt vì lòng ghen tị của họ đã được thỏa mãn mà lòng ghen tị của người Việt thì vô địch thế giới, càng có tự do càng ghen ghét càng khổ cực càng soi mói, những con ruồi xanh bay vo ve ngoài cửa, một con đậu lên mí mắt một đứa trẻ, một con đậu lên bầu ngực căng phồng của người mẹ trẻ đang vạch áo cho con bú, con ruồi trông xa như một nụ hôn giận dữ. Cô nằm trên giường vòng hai tay lại nhìn trần nhà thấy những cái bóng đi qua đi lại, thấy anh đứng ở cửa phi trường ôm một bó hoa lớn gồm toàn hoa hồng đỏ nở nụ chúm chím, cô đếm đủ năm mươi hai cái, sao lại năm mươi hai? Cô chợt nhớ ra đó là tổng số tuổi của cô và anh, những nếu thế thì năm mươi mốt chứ không phải năm mươi hai vì còn ba ngày nữa mới đến sinh nhật của anh, đó là tính theo tuổi Tây, khi anh hỏi tuổi cô đã trả lời là cô hai mươi mốt tuổi, biết ngày sinh thì anh cười phá lên vì thực ra tính theo dương lịch thì cô mới mười chín tuổi, cô biết mình không đẹp lắm, chỉ có nét mặn mà duyên dáng, cô có yêu anh không cô cũng không biết vì cảm giác ân huệ mà anh mang lại lớn quá, cho mẹ cô và cả gia đình, nên cô chẳng còn thời giờ đâu mà nghĩ đến chuyện thổn thức của trái tim. Cô gần như sung sướng ngả đầu vào vai anh lập tức khi mẹ cô dẫn cô tới nhà anh lấy một cớ gì đó để tìm cách ra mắt đứa con gái và cô được anh chấm ngay trong lần đầu tiên giữa những ứng cử viên sáng giá khác.
Nhìn vào mắt cô, anh dịu dàng bảo: em có ba ngày để suy nghĩ. Được chứ?
Giọng anh ngân nga như hát.
Đó không phải là một câu hỏi. Cặp mắt anh thật là đẹp.
Cô chẳng cần đến ba ngày. Cô chỉ cần ba phút.
Nằm yên như thế một lúc cô bắt đầu nhận ra cái dáng của anh và tiếng cười khanh khách của một người đàn ông hơi quá tự tin, đang ban cho cô những ánh sáng của hạnh phúc, nhưng cô nhìn thấy những cái bóng khác nữa, mới đầu không nhận ra là ai, khi chúng đến gần cô hoảng hốt co rúm người sợ hãi, cô ngửng đầu ra khỏi cái gối, lấy tay che mặt một lúc rồi lại mở ra nhìn chăm chú, nửa tò mò, nửa sợ hãi; nửa lạnh lùng, nửa giận dữ. Cô ngạc nhiên thấy ở phi trường Seoul có những bông thược dược vàng mà cô chỉ thấy có ở quê mình, trồng bằng củ mỗi năm đào lên, cô vùi trong than bếp, kín đáo để ở góc bếp không ai biết, gần quá chúng sẽ nóng, xa chúng sẽ chết vì lạnh, mỗi năm cô gieo xuống đất và chờ ngày hoa nở dọc hàng rào, rất xa nhà vì ở xứ này đất còn nhiều và không ai lẩn thẩn đến nỗi đi trồng hoa ở ngoài bờ ruộng nên chỉ mình cô là biết đến những luống hoa nho nhỏ của mình. Cô đang ngẩn người ngắm những bông thược dược vàng thì vô ý đụng phải một người mang ba lô đi qua; anh ta nói gì đó như xin lỗi rồi ngồi xuống trước ghế ngay trước mặt cô. Phòng đợi đông nghịt người, hình như dồn lại nhiều chuyến bay bị trễ vì một cơn bão di chuyển qua Thái bình dương. Những nhân viên hàng không tất tả chạy ra chạy vào không kịp trả lời các câu hỏi, không kịp giữ vẻ lịch sự và văn minh thường ngày.
Trên chuyến bay không có một người đồng hương nào để cô có thể hỏi chuyện. Cô đứng hồi lâu trước màn hình chạy những hàng chữ thông báo chuyến bay, ngơ ngác không biết chúng viết gì, cuối cùng cũng đủ sức nhận ra rằng mình cần lên chuyến bay đi Seattle trong vòng sáu giờ đồng hồ nữa. Đó là một thời gian khá dài, cô không dám đi đâu cả, nhưng cái bánh sandwich làm cô khát khô cổ. Người thanh niên mang ba lô mà cô đụng phải tỏ ra thân thiện và tử tế đưa mắt nhìn cô đoán chừng cô cần giúp đỡ. Anh hỏi chuyện và nói tiếng Anh rất chậm để cho cô nghe rõ, thực ra là đoán, đó là một người có khuôn mặt châu Á, hình như dân địa phương thì phải, nhưng cô không chắc lắm, vả lại điều ấy không quan trọng, và cô đánh bạo trả lời bằng thứ tiếng Anh bập bõm của mình, khoa chân múa tay, một lúc thì hai người bắt đầu hiểu nhau, anh ta đứng dậy nhờ cô trông giùm cái ba lô và đi mua một ly cà phê, hỏi cô có uống gì không, nhưng cô lắc đầu. Anh ta trở lại với ly cà phê và một cái bánh, một chai nước ngọt cho cô làm cô ngạc nhiên. Cô không quen với phép lịch sự phương Tây. Cuối cùng cô từ chối cái bánh nhưng chịu nhận ly nước ngọt vì quá khát, rồi cô buồn đi tiểu vì ngồi đợi quá lâu, phần vì hồi hộp, bụng dưới của cô kích thích dữ quá, không chịu đựng được cô đành đứng lên và gửi cho người thanh niên tử tế cái túi xách tay của mình. Trong hành lang tối và hẹp cô đứng khá lâu sau hàng dài những người đứng đợi trước khi vào được phòng vệ sinh, vì các chuyến bay bị trễ nên phi trường rất đông người, trong phòng vệ sinh cô đau bụng đi cầu vì ăn phải thức ăn lạ, bụng cô không quen bơ sữa. Cô uống một nửa chai nước ngọt, nhận ra nó ngọt quá, vẫn không đỡ khát, nên quay lại bụm hai tay uống thêm nhiều hớp nước nữa ở dưới vòi rửa tay của phòng vệ sinh. Vòi rửa tay điều khiển bằng quang điện tử làm cô lúng túng mất gấp ba thời gian, thỉnh thoảng mới chịu phun ra một tí ti nước như trẻ con đi tiểu chẳng thấm vào đâu. Cô quay lại một lần nữa trước gương để soi lại mái tóc, nghĩ đến anh, những cử chỉ mà người ta hay làm khi do dự hay khi hạnh phúc, khi vừa lo lắng bất an vừa tin tưởng vào tương lai, tóm lại là cô trở lại chỗ ngồi trễ, rất trễ, đến nỗi chuyến bay của người thanh niên kia bay đi đâu đó đã cất cánh mất rồi, và anh ta không còn ở đó nữa tất nhiên, và cái túi xách của cô không còn ở đó nữa, tất nhiên, và giấy tờ bảo lãnh do tòa đại sứ cấp không còn ở đó nữa, và tờ hộ chiếu nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam màu xanh lá cây mà cô đã cẩn thận nhét ở dưới đáy xách ở giữa hai vé máy bay, một cuống vé từ Việt Nam đến Seoul đã dùng và một tấm vé từ Seoul đi Seattle sắp dùng, cũng không còn ở đó nữa.
Cô hoàn toàn hỗn loạn, và sự hỗn loạn nhân đôi bởi ngôn ngữ bất đồng, và mọi người không ai hiểu cô nói gì cả, tất cả các nhân viên phi trường, tất cả các người tốt bụng đi ngang qua không ai hiểu cô đang gặp chuyện gì cả hay mọi người trong một buổi chiều mưa bão lạnh lẽo đã mất hết khả năng giúp đỡ người khác hay vì đơn giản là chẳng biết giúp cô thế nào. Cô không thể đi đâu được trên thế giới này vì không tự xác định được mình là ai.
Hãng máy bay Hàn quốc đã mau lẹ quyết định gửi cô lên chuyến bay sớm nhất trở lại Sài Gòn, sau này ở Tân sơn nhứt người ta bảo như thế là tử tế lắm chứ còn họ có thể vứt cô ra đường để mặc cho bọn chuyên bắt cóc phụ nữ và trẻ em vì trong tay cô không có một thứ giấy tờ nào chứng nhận cô là hành khách của họ hay là công dân hợp pháp của bất kỳ một quốc gia nào có chủ quyền thậm chí không chắc cô có phải là cư dân hợp pháp của hành tinh hay không. Bằng cách nào cô đã đi từ Sài Gòn về nhà thì cô không nhớ được, bằng cách nào cô đã đứng thật lâu trước cửa nhà cha mẹ mình đêm trăng khuya khoắt hai giờ sáng và rụt rè gõ lên cửa thì cô không nhớ được, bằng cách nào cô đã gọi điện thoại báo tin cho anh ở Seattle thì cô không nhớ được, hoặc là anh đã gọi từ Mỹ về vì chờ đợi quá lâu ở phi trường, quá nóng ruột, cô cũng không nhớ được.
Cô chỉ nhớ là anh đã an ủi cô, đã bảo rằng sẽ tìm cách để làm lại giấy tờ bảo lãnh cho cô và mua vé máy bay đi chuyến khác. Giọng của anh vẫn dịu dàng vang lên trong ống nghe như hát, không có dấu hiệu nào của sự bực bội, tức giận hay khinh thường. Cô chỉ nhớ là anh đã lặng người đi thật lâu, lâu lắm, đến nỗi cô nghe được không khí mùa hè di chuyển quanh người anh ở đầu dây kia như những vòng sóng trước khi anh nói thế. Cô không tưởng tượng được rằng đó là sự im lặng chết người, của một quyết định.
Những đóa hoa vàng ở phi trường bay lẩn lút trong phòng của cô mới đầu như những con bướm hay những thiên thần trong cổ tích về sau như những con ma trên nghĩa địa đầu làng nơi cô đi học về muộn chiều mưa lâm thâm vừa xoay cái áo tơi mẹ cô chằm bằng lá vừa lúp xúp chạy, nghĩ đến cái bếp lửa ấm ở nhà của mẹ cô, về sau nữa chúng nhiều đến nỗi làm cô hoa cả mắt có một lúc cô đã òa khóc trong đêm nhưng không ai biết, mọi người đã đi ngủ. Mẹ cô, người tổ chức mọi chuyện sau vài ngày hò hét than khóc, tỏ ra có phần lãnh đạm có lẽ vì cố nén sự đau khổ, là người đã báo tin cho cô biết rằng cuộc hôn nhân cuối cùng bị hủy bỏ và anh đổi ý, sẽ không bảo lãnh cho cô qua Mỹ nữa. Vì sao thì người ta không biết, có người cho là vì anh quá thất vọng và giận dữ vì sự ngu ngốc của cô, lại có giả thuyết cho rằng đó chỉ là giọt nước làm đầy ly, anh chỉ chụp lấy cái cớ này mà thôi, vốn anh đã không yêu thương gì cô cả hay mới quen một người đàn bà khác, đã kịp thời nghĩ lại sau khi dại dột hứa hôn, lại có người sâu sắc hơn nghĩ rằng đó là thử thách mà cô không vượt qua được, cưới một cô bé nhà quê như thế để mà tàn đời hay sao lại có giả thiết cho rằng đây là sự nhầm lẫn tình cờ chúng cũng nhiều như những con bướm không ngừng bay đi bay lại giữa những gói hàng lăn lóc trên sàn nhà bằng đất nện mát lạnh, rịn mồ hôi trong những ngày hè nắng gắt. Những con bướm và những giả thuyết ấy không làm cô dịu được nỗi nhục nhã ê chề, sự thất vọng của mấy mươi người cộng lại, sự phiền trách trong ánh mắt của những đứa bạn chị em họ vết thương của những gót giày cao gõ xuống tâm hồn cú đánh xây xẩm mặt mày của những cái túi xách bằng da cá sấu làm ở Ý, cô bị nghiền nát dưới bánh của chiếc xe hơi màu đỏ chóe bị vứt trong tầng hầm tối của ngôi nhà sáu phòng ngủ mà cô vừa mới tậu trên đỉnh đồi, không chịu đựng được tất cả những thứ đó cô đã quyết định bỏ chúng mà đi đập cánh bay vù mất. Sau đó mẹ cô đã nhặt được dưới gầm giường của con gái một cái chai nhỏ, thứ vỏ chai xá xị con cọp bán đầy ở các quán nước. Đựng một chất nước tối đen, đậm đặc, cô đã uống hết nhưng vẫn còn hôi nồng nặc, bạn chỉ ngửi qua là đã buồn nôn. Thứ nước này nông dân miền Nam ai cũng biết vì dùng để diệt sâu rầy có hại cho mùa màng. Ai uống vào, sau vài giờ, khó cứu được. Cô đã uống hết, không để lại một giọt.
Thật ra, giữa những giấc ngủ chập chờn, có lúc cô đã hoàn toàn thức giấc đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Cô không biết mình đang ở đâu. Tiếng chào hỏi ồn ào ngoài sảnh đường, tiếng trẻ con chạy dọc hành lang. Giàn nhạc kèn trống chơi những nốt nhạc khi ấm áp khi lạnh lẽo. Rồi cô nhìn thấy mẹ cô mặc áo gấm xanh thêu hoa kim tuyến đi vào và cô nhớ ra mọi chuyện. Ở ngoài vườn khách sạn, giữa những bụi hồng trổ hoa đầu mùa những cô phù dâu che miệng cười những chàng phù rể ném những bông confetti xanh đỏ lên đầu họ, dãy xe taxi và xe hơi đắt tiền đậu chen chúc chật cả lối ra vào. Một nhóm những người lớn tuổi đứng hút thuốc trò chuyện với nhau bên hồ nước. Anh đến lúc nào không biết đứng sau lưng đặt tay lên vai, cô quay lại mỉm cười nhìn anh. Cô hỏi: có phải đây là chuyện thật không anh? Hay chỉ là giấc mơ của em? Không đợi trả lời cô lại quay nhìn ra cửa sổ, đứng yên khi anh hôn lên mái tóc của mình. Cô thấy một người thiếu nữ đi tới, mặt khuất sau tấm mạng che mặt, tà áo cô dâu trắng như tuyết phủ dài lê trên cỏ xanh mới cắt, dài đến nỗi cô ta bước đi vướng víu dù có hai đứa trẻ kèm theo sau nâng tà áo lên. Cô dâu kia di chuyển chậm chạp nhưng dáng đi đẹp đẽ thanh thoát đến nỗi cô không thể đoán biết là ai, mỗi lúc một đến gần, rồi bỗng ngẩng đầu lên nhìn vào cửa sổ nơi cô đang đứng: thật ngạc nhiên, cô dâu ấy chính là cô chứ còn ai nữa. Trong khi ấy từ phòng bên tiếng dương cầm trỗi lên mỗi lúc một mạnh mẽ.
Nguyễn Đức Tùng
Các thao tác trên Tài liệu