Cô Giáo Mẫn
Số đặc biệt Diễn Đàn 30 tuổi
Tản văn
Cô Giáo Mẫn
Đào Vũ Hoài
Ít hôm Mẫn lại ghé qua rủ chúng tôi đi ăn quán. Nhỏ Mẫn tính giới thiệu anh địa chỉ mới, đứa em dâu tôi bảo, anh về Sài Gòn muốn thưởng thức món chi lạ hỏi nhỏ này. Trong đám tụi em, nó sành điệu một cây. Mẫn thích ăn ngon. Mẫn yêu bạn, yêu thích những gặp gỡ tình cờ. Mẫn làm phó giám hiệu một trường trung học phổ thông trong quận Mười, không quá xa nhà cậu tôi bên Lý Thái Tổ, gần Ngã Bảy. Vợ chồng Mẫn ở với gia đình nhà chồng bên Thủ Thiêm mé xa lộ đi Thủ Đức, nay thuộc quận Chín, một trong những khu đô thị mới nới rộng đất Sài Thành ra hướng đông đến ráp ranh miền hữu ngạn sông Đồng Nai. Ngày ngày đi dạy học cũng phải mất tiếng đồng hồ đường xe, lại thường xuyên kẹt xe ở khắp nẻo đường, nắm lái cực lắm. Mẫn thuê hẳn bác xe ôm kiếm sống cổng trường lo đưa đón hai bận sáng chiều. Đi từ tinh mơ, có hôm về đến nhà đã tối mịt ngày, chồng con đã lên giường yên giấc tối. Ăn vội miếng cơm, còn phải lo tròn phận sự nội trợ, loay hoay quét dọn giặt giũ, vào bếp xem mai nhà ăn gì để sáng đi chợ sớm. Đoạn tắm gội thay quần áo rồi quay ra chấm nốt chồng vở học trò. Mẫn dạy toán, lý, hóa, kèm công việc điều hành trường lớp, thi hành công tác đoàn thể. Sau giờ học đến tư gia dạy thêm, mấy tháng hè mở lớp luyện thi cho học sinh chuẩn bị du học nước ngoài. Số phận thầy cô giáo ở Việt Nam cứ xoay mòng thế đấy, tụi em đi nắng cả ngày, cô em dâu tôi sáng Chủ Nhật nghỉ ở nhà, thảnh thơi chuyện vãn. Nó dạy văn, cùng trường với Mẫn. Đồng lương chính thức không đủ sống, cũng đành lao mình vào cuộc mưu sinh. Đã chỉ bấy nhiêu đủ ngất ngư, anh ạ, huống gì luôn còn phải tham dự các lớp huấn tập phương án, học hỏi tuyên ngôn, cương lĩnh, thêm vào đấy là những buổi kiểm điểm đạo đức, chức năng. Vừa kết thúc hội thảo kỳ này và giơ tay biểu quyết đằng chi bộ thì sửa soạn cho hội nghị đợt tới đi bỏ phiếu bên công đoàn, hôm kia vừa họp ban, ngành, mai lại đi họp chuyên môn, nghiệp vụ, mới chấm dứt cuộc giao lưu với các ủy viên trên trung ương đã liền phải tiếp đón phái đoàn đại diện dưới địa phương. Tất cả nhằm củng cố và bảo toàn đội ngũ cán bộ nòng cốt đấy thôi. Chóng mặt luôn.
Thật thì, trong lúc này đây nắng Sài Gòn cũng đang khiến tôi váng đầu tối mắt. Tôi nhận lời mời, cơm trưa cả bọn đi ăn bánh khọt Cô Ba Vũng Tàu ngoài quận Ba gần hồ Con Rùa. Ùn ùn quanh tôi những người là người cưỡi xe máy hai bánh chen ních nghẹt cứng phố phưởng. Hạng hào phú chẳng ý tứ chi cả, sắm SUV bốn trục kéo chạy cho sướng, kềnh càng choán mặt đường, xui nên bao bức xúc giữa bàng quan thiên hạ. Cuộc sống hối hả quay cuồng, bon chen mệt nhoài, lòng tôi thêm cảm kích mối chân tình vợ chồng những đứa em họ Ngoại cùng nhóm bạn tụi nó dành cho tôi. Linh hoạt nhất, sốt sắng hơn cả có cô giáo Mẫn. Mượn được xe của thầy hiệu trưởng, Mẫn hẹn sẽ đến rước, chở tôi ngồi yên sau.
Trên cao không mây, chang chang đổ lửa. Chiếc xe máy ho hen tuổi, giữa đàng khạc mãi ra ít khói rồi dừng hẳn. Chặng đến trước mặt còn phải qua hai ba cái ngã tư. Nhà thầy hiệu trưởng chả mấy chi khấm khá, tội nghiệp! Được mỗi, nhiệt thành với Đảng, tuy biếu xén hàng năm tém tém đầu múi may đủ chi thêm cho vợ chút tiền buôn thúng hàng chợ. Nắng to thế, Mẫn vẫn tỉnh không, bảo, anh xuống phụ em đẩy xe lên vỉa hè nấp bóng cây, máy nguội đạp lại nổ! Tôi ít dịp về Việt Nam, dịp nào về cũng liểng xiểng xác hồn, mất mấy bữa hòng làm quen với tiết trời xích đạo. Hơn nữa, tôi mắc chứng tật tâm thần dị gở, về thăm quê nhà chỉ thèm được ngủ. Tôi ngủ li bì cả buổi, chẳng buồn đi đâu xa ra khỏi cổng nhà. Sáng bốn giờ sáng còn tối mặt người, cậu Út tôi thức sớm lên sân thượng tập Thái Cực Quyền, vừa lúc lối xóm lục đục ra đường chuẩn bị một ngày công bởi cá chợ đầu mối đã ơi ới về đến đầu hẻm. Xóm tôi xưa nay làm chả cá có tiếng. Cá từ miền Trung, xe tải vào chạy suốt đêm, từ dạo Cách Mạng về giải phóng không còn sợ Việt Cộng giật mìn, mau mau lao chạy, trôi phăng theo mức cuốn chiêu thương thị trường. Độ tiếng sau, cậu tôi ra sân trước thả chó, quét dọn sân nhà, quét lối đi trong hẻm, rồi lo phần vệ sinh cá nhân. Sáu giờ màn trời xanh xám phơn phớt hừng đằng đông, cậu tôi pha cà-phê cho cả nhà. Tôi mê ngủ cách mấy, nghe hương cà-phê tỏa lan từ nhà dưới ngồi choàng dậy. Ôi chà, cà-phê Việt Nam thơm ngon vô cùng, nhắp miếng tỉnh hồn, chẳng thua gì các giống cà-phê lừng danh thế giới. Tôi hít hà sảng khoái, tận hưởng thức uống điểm tâm đậm đà, tinh khiết, đen ngòm ngõm như tội tổ tông con người. Bảy giờ rạng đã vàng hoe tỏ mặt phố, vợ chồng đứa em tôi đi làm, cậu tôi đưa trẻ con đến trường, mợ tôi đi chợ lo bữa trưa. Tôi lại lên lầu trải chiếu nền gạch, chỉ chặp sau nắng đã lên cao tràn qua khung cửa, xa xa thành phố xôn xao không ngớt. Tôi thiu thiu cảm nhận quê hương ấm áp trong lồng ngực, bình an chìm vào giấc sâu cho đến khi nắng lóa non trưa chói mắt đánh thức tôi. Gian nhà thơm ngát cơm chín tới, nồng đậm mắm kho muối mặn. Tôi vẫn nằm yên đấy, ngoài ngõ không ngớt vang vọng những âm thanh thuần Việt. Bên láng giềng, dân làm chả cá chộn rộn nói cười, lắm khi tranh cãi chửi mắng, thường thì tán phét đấu láo rồi quay ra ca hát vu vơ; kẻ tay nạo, người tay lạng không ngừng nghỉ, cá trong cần xế chất đống cũng vơi dần. Âm âm lót nền ở tần số rất thấp mé tít ngoài, Sài Gòn sầm uất chuyển động, miệt mài xuôi ngược giữa cơn sốt phồn hoa. Cậu mợ tôi thương cháu bấy lâu chưa về nước, để tôi làm gì mặc ý.
Lúc này nom thấy tôi uể oải, Mẫn lo tôi khát nước, vẫy hàng bán nước rong. Tôi móc túi trả tiền. Người đàn bà xách xô đá lạnh trâng tráo nhìn tôi không buồn thối lại món tiền lẻ. Mẫn nổi cáu toan đòi bằng được. Bà ta bỉu môi, Việt kiều chi keo dữ, ngúng nguẩy bỏ đi. Đằng kia, tôi để mắt thấy nhóm bạn hàng chực muốn bâu lại bênh người đàn bà, níu tay áo Mẫn bảo thôi. Mẫn quay nhìn họ, thản nhiên như không. Cô giáo Mẫn tam đẳng huyền đai bộ môn karatê, thuần nhuyễn binh khí tỷ như côn nhị khúc cùng song kiếm sai. Ở nhà cho học võ là đúng thôi, cậu mợ tôi than thở, đi đường tránh chấp nhất gây sự cũng không xong, lắm côn đồ thằng trước đèo thằng sau hung hãn ức hiếp mọi người. Ngày Mẫn còn sinh viên, một bận đỗ xe ngã tư đèn đỏ, hai thằng dân chơi chạy lấn sát bên kè hông xe cô Mẫn buông lời trêu ghẹo sàm sỡ, thằng ngồi yên sau luồn tay mò lên ngực con gái người ta. Mẫn bước xuống, gác càng dựng xe, áo dài tha thướt, bỏ guốc đi chân không vòng qua mé lưng thoi thằng kia một đấm phun máu mồm bật ngửa, rồi túm gọn tà áo thuận đà xoay ngược tung cú đá móc rất ư ngoạn mục vào mặt tên đồng bọn. Bà con quanh đấy xuýt xoa vỗ tay thán phục. Mẫn tâm sự, em dạy học trò, rằng không phải thấy người có của tự cho mình cái quyền đi ăn cướp, hoặc đem số phần bần cùng khốn khổ biện minh cho hành động bạo cường. Biết sống tử tế, biết trọng lòng trung thực, quý tinh thần liêm chính, đấy chính là trăm năm trồng người. Rằng hạ mình khúm núm tự ti chẳng phải đức khiêm cung, cũng đừng lầm ở nơi thái độ vênh váo tự tôn tự đắc ta tự nâng cao phẩm giá phong tư. Người Việt Nam mình hay tự ái, cho đấy là lòng tự trọng, nhưng tự ái là thói thường nhạy cảm của kẻ đuối mọn, dễ bị tổn thương trong hoang tưởng tự tôn quá quắt cùng là trong cưỡng chế tự ti mà ra. Bởi mặc cảm yếu hèn hay vỗ ngực đao to búa lớn đi chăng chỉ là cùng quẫn trong một mối tương quan lưỡng cực mà bệnh trạng xô người ta cứ đong đưa, đong đưa theo biên độ dao động ngày càng khó nguôi.
Mẫn sớm mồ côi cha, thuở bé đi học về bán lạc rang vỉa hè phụ mẹ nuôi em. Bấy giờ người dân Việt Nam còn đang cắn răng chịu phạt vạ, sống đời phong tỏa giữa thế giới tự do; nước Việt Nam cách ly khỏi nền văn minh nhân bản, u mê thụt lùi đang khi hoàn cầu hồ hởi xông pha trong tiến trình công nghệ kỹ thuật. Tuổi thơ, Mẫn biết thương mẹ góa bụa, thời buổi khó khăn đã không thể nương tựa họ hàng thân thuộc huống gì đi trông cậy bên nhà chồng. Tuy nhan sắc vẫn còn son, bà quyết định ở vậy chứ không mong chi đi bước nữa, rằng biết chọn thế nào được người thiên hạ biết để lòng yêu thương con mình như con đẻ. Bà tần tảo, đơn chiếc tạo cho chị em Mẫn một mái ấm, nhẫn nhục bảo bọc lấy cái đạo làm người. Ăn bát cơm độn khoai chắp tay tạ ơn, nghĩ đến người không có ăn, áo rách vá đụp khéo léo quyết giữ gìn cho sạch sẽ thơm tho. Xã hội lối hủ Nho nước mình vẫn coi rẻ phụ nữ lắm, anh ạ! Đến lớp, em gắng uốn nắn lũ trẻ con mới lên trung học, nhất là đám con trai, giúp chúng tu dưỡng lòng mến trọng người bạn gái, cư xử với mọi người trong tinh thần bình đẳng bình quyền. Tuổi choai choai dậy thì, thằng nào ngôn từ thô bỉ tục tằn hoặc cử chỉ điệu bộ nham nhở dâm ô, em cho ngay cái tát. Cô em dâu tôi trêu bạn, nhỏ Mẫn ôm riêng mình nó nỗi tủi hờn cho số phận đàn bà theo chiều dọc lịch sử nước nhà đó, anh! Lại nặng hồn xót xa cho cả khách quần hồng trong thi ca cổ điển cũng như nương nương má phấn trong tiểu thuyết lãng mạn tiểu tư sản. Bạn gái bọn em rủ nhau ra chợ ăn quà, nàng ta lân la làm thân với bà bán hàng, tỉ tê thuật lại cốt truyện lâm ly dài tập từ bộ phim tình cảm Đại Hàn vừa xem trên truyền hình đêm qua, y thể bao sự việc bi đát trong phim đã xảy đến trong đời, khiến người bán lẫn các bà ăn hàng ngồi quanh đấy hóng chuyện không sao cầm nước mắt. Mẫn bảo, phương lược đấu tranh cho nữ quyền là khiến sao cho người nữ mủi lòng mà đau buồn cho chính thân phận họ giữa trăm họ. Thương mình để bảo lòng đồng cảm thương người.
Tôi nhìn sâu mắt Mẫn, cô giáo Mẫn mở hai mắt tròn xoe màu nâu hạt dẻ tinh nghịch dò đoán tôi, đôi má ửng đỏ. Tôi nhìn Mẫn sắc bén quan sát thế thái, khí phách tập trung, nghiêm khắc và quả cảm xông vào thời cuộc, song đáy mắt Mẫn nhân từ, rộng lượng. Mẫn ham cuộc đời, và Mẫn hiên ngang đi chinh phục cuộc đời. Bằng trí tuệ, bằng tám mối phúc thật từ Bài Giảng Trên Núi. Quanh tôi, người người cùng mê mệt lao đi, hăm hở cầu sống, và xứng đáng được sống đời sung túc, mỹ mãn. Và một khi đã đạt mức no đủ như ý, con người ta sẽ thèm được sống thiện, bởi chỉ trong cuộc sống lương thiện người ta mới thật sự sống. Lần trước về thăm nhà, hơn mười năm sau tôi mới đủ cơ hội trở lại. Lần này rời Sài Gòn, đến bao giờ trở lại, tôi không biết. Tôi nhủ lòng, tôi về tìm lại cội nguồn, nhưng thật sự tôi đi tìm sắc ảnh mơ hồ nào đó, hoặc chăng là mộng mị méo mó ở đâu đó, biết chừng? Cậu mợ tôi nay tuổi đã cao, sức đã mỏi, mà cậu Út tôi là người duy nhất còn ở lại Việt Nam và gìn giữ hộ tôi những ký ức của một thời đã xa, xa lắm; là người còn sót lại để có thể chắp nối quê hương trước mặt tôi đây với cũng là đó một miền quê hương tôi mang trong lòng. Tôi ngồi hàng giờ nghe cậu tôi kể chuyện ngày xửa ngày xưa, nài cậu nhắc lại lắm điều vô tích sự của dĩ vãng, bới lục từng ấy dấu vết của bao người vắng mặt, trong khi ngoài ngõ Việt Nam vẫn ùn ùn biến chuyển. Tôi níu lấy những gì đã không còn để trong tôi dòng đời đừng đứt đoạn như trong thực tế đã từng đứt đoạn. Mai này cậu tôi về với cõi hết, cậu tôi sẽ mang theo nhịp cầu đưa tôi về với quê hương dường thể tôi chưa từng bỏ quê hương ra đi. Cội nguồn còn đó cũng do tôi còn cậu. Đầu mối sợi dây liên đới giữa một con người với tổ quốc bắt giềng từ huyết thống nối người với người trong gia đình, cho dù giọt máu đào chảy một mạch ba đời rồi cũng loang loãng ra máu cam. Rồi đây mất sợi dây liên đới máu mủ, tôi e tổ quốc chỉ còn là một khái miệm trừu tượng. Mấy đứa em họ Ngoại, con cậu mợ tôi, quý mến tôi lắm, song anh em ruột rà có gắn bó thắm thiết cách mấy chăng nữa, chúng nó còn vợ con. Chúng nó thuộc về tương lai, buộc lòng phải nhìn tới bởi chúng nó thuộc về những đứa con chúng nó đẻ ra. Chúng nó sống cho mai sau của lũ con chúng nó. Chúng nó cười tôi, sao anh sớm lẩn thẩn, về nước lại không làm sao bắt nhịp với hoài bão giữa lòng đất nước, không thiện chí cập nhật với những nỗ lực tịnh tiến của xã hội, khư khư ôm ấp mớ xoắn xuýt bòng bong, được gì? Mẫn góp lời, vì chăng Kiều bào đan tâm duy trì cái mà thời cuộc đã phủ nhận, bấy lâu đã hăng say đả phá, ra công truất phế, hủy hoại là thế? Tôi chép miệng, người Do Thái lưu vong quay về cố hương chỉ nửa thế kỷ sau đã xây dựng được một quốc gia văn minh, dân chủ, cường thịnh không kém một nước Tây Âu thiên niên kỷ nào. Người Việt hải ngoại hơn bốn mươi lăm năm vỏn vẻn để lại dăm ba cái sân khấu văn nghệ buồn, mở đầu chương trình bên này thuê anh giáo sắm vai hài pha trò riết cũng nhàm, rạp bên kia chuyên mấy cậu trai lơ râu cằm lún phún mặc quân phục rằn ri ôm đàn nhái tình lính chiến nơi tiền tuyến, lâu dần đâm nhảm, bên ni bên nớ thêm đội ca múa trắng nõn, ưỡn ẹo hở hang, dàn dựng hoạt cảnh đưa tình. Nom cho kỹ, để cúi đầu âm ỉ đau nỗi đau cốt đế. Tội nghiệp, người dân Việt Nam tôi khát khao thoát thân nhược tiểu nên khát khao nhiều, và chúng tôi cố khỏa lấp nỗi tủi nhục bằng chứng nết lố lăng, hành vi đê tiện, nghe điều phải trái đâm dỗi hờn, nguây nguẩy bất cần đời. Chúng tôi chuộng lối sống phung phí xa xỉ để xóa đi nếp ăn đói mặc rách di thác, hè nhau đua đòi đẳng cấp, si mê hàng mã thếp vàng sơn son rải thêm kim tuyến lóng lánh mong giấu nhẹm phận mọn quy tòng. Người Việt Nam chúng tôi uất nỗi uất ức của một dân tộc thông minh hiếu học, cần mẫn trong sinh hoạt, tinh tế trong tay nghề, lại quen chịu thương chịu khó, nhưng sao cứ mãi lạc hậu, hủ bại làm vậy. Đem sánh với các quốc gia châu Á lân bang, chúng tôi sắp hạng ngang hàng với mấy tên bên châu Phi. Chúng tôi giỏi bắt nạt Lào, ăn hiếp Miên, chán rồi quay sang phỉ báng, triệt hại nhau, đè đầu cưỡi cổ bao người bất hạnh chúng tôi gọi đồng bào. Việt Nam ăn chơi phè phỡn trên da thịt cô gái Việt Nam xấu số, phá đất ruộng nhà nông làm giàu, giết cá dân chài hòng kiếm chác. Phải, nền trị an thuộc cơ xảo công nghệ, mượn hai chữ công quyền kẻ chuyên quyền tranh hoành doanh thu; mưu chước trục lợi hay mối lái cò cựa gọi thay cho công pháp, công lý. Đổ máu đánh đuổi ngoại xâm, nay tự tiêu diệt mình. Bởi chăng chúng tôi là một dân tộc bị trị, đã bao đời chúng tôi quen với bạo lực nên cách thức chúng tôi đối xử với nhau cũng không gì hơn ngoài bạo lực.
Tôi khát khô cổ, đợi Mẫn hớp một hớp, tôi đón lấy chai nước tu ực một hơi. Thấy tôi tỉnh bơ uống cùng miệng chai, Mẫn hơi ngượng, nhưng tôi chẳng màng. Tôi muốn nói lời biết ơn. Tôi muốn ôm lấy Mẫn như ôm lấy quê hương tôi. Nặng vai gánh căn nghiệp lưu vong, tôi làm người Việt của quá khứ, tương lai thuộc về những người cam cực theo thời cuộc nổi trôi ở quê nhà. Vợ chồng những đứa em tôi, bạn bè chúng nó, trong số đó có Mẫn, vẫn gắng sức sống tử tế giữa một xã hội lưu manh, tráo trở; những con người âm thầm dấn thân xây dựng một chút gì tốt lành, lấy lợi ích chung làm đích, nuôi dưỡng hy vọng cho một ngày mai tươi sáng hơn, một ngày mai nhân nghĩa hơn, chân thật hơn. Không nguyền rủa chừi bới, không đấu đá so bì với ai, không bòn rút cưỡng đoạt của ai. Họ tin vào bản thân, vào đôi tay họ, tha thiết với trách nhiệm dạy dỗ hàng hậu duệ bao lớp lóc nhóc. Phải năng động, xốc vác, anh ạ! Phải dạn dĩ, nhẫn nại lắm cơ, tinh thần luôn lạc quan cầu tiến mới được. Cô em dâu tôi cho xem loạt ảnh lưu trữ trong Smartphone, học trò khăn quàng đỏ cắm cúi làm bài thi kiểm tra, trên đầu trẻ thơ chế độ giăng biểu ngữ vải đỏ kẻ chữ vàng Tự do - Dân chủ; các cháu chăm chỉ học tập trong một chủ nghĩa chuyên nói láo. Lâu dần lời gian trá hóa những câu đầu môi cửa miệng vô nghĩa vô hồn, trở nên điều hiển nhiên trong đời sống hằng ngày tựa một nguyên lý bất di bất dịch. Ngôn luận hiện hành trơ trẽn đội lốt nhân bản, mạo danh tiến bộ; một lẽ thường tình không một ai dám khảo sát hay ngờ vực. Suy xét là thách thức, nhúc nhích gọi phản động. Mấy ai liều mạng xăm khai thiên nhãn lên trán lăn vào bước đường tuẫn đạo! Cậu tôi cười lục khục, không thiết phải đổ ruột rơi đầu làm chi, cháu! Cô giáo nhà mình đánh đòn đau, trẻ con nên người chừa thói hung tợn, điêu ngoa. Rồi sẽ phải bớt tối tăm. Giữa cơ toán của thiên lý và điện toán của mạng kết nhân loại hoàn cầu, không lẽ cứ thu lu ngồi ôm gối! Cô em dâu tôi ngồi đút cơm cho con, ngoái đầu cười hóm hỉnh, hàng năm, lại một lớp ra trưởng, đứa lo kiếm sống, đứa vào trường cao đẳng hay thi tuyển đại học, con nhà khá giả đi ngoại quốc, tuổi thành niên ôm ấp bao mộng đẹp, tụi em hãnh diện không ít. Nhà nước lo sợ thầy cô giáo động não chất vấn giáo điều là thế. Giới mô phạm không lập trường, đánh mất kỷ cương Cách Mạng thì lấy ai vào đây chèo gió ai bơi một chiếc chài! Dạ, đúng ạ! Câu này trích truyện Liễu Chúa, cụ Phan Kế Bính đem diễn Nôm đấy mà!
Mẫn hỏi, anh uống nữa không, nghe tôi từ chối, cầm chai đổ phần nước còn thừa lên máy xe. Khối thép hốc nắng nóng hổi hộc lên, xèo một tiếng bốc hơi. Đoạn leo yên xe đạp máy. May sao cỗ xe thồ viêm sốt chốc lại nổ bạch bành bạch, phun khói đen mù. Đợi tôi ngồi ngay ngắn yên sau, Mẫn cài số, rồ ga vọt xuống nhập lòng đường, xẻ ngang dòng giao thông lưu chuyển. Lạ thay, dân Sài Gòn bấm còi tin tin bâng quơ vậy thôi, chẳng ai thèm sấn sổ sinh chuyện làm gì. Có lẽ người thành thị đã quá quen với lối cầm lái lả lướt vô kỷ luật này. Hơn nữa, nắng gắt trên đầu mà trăm ngả cứ đang dồn ứ lại, nhọc nhằn oải thân. Gáy tóc Mẫn lấm tấm mồ hôi.
Chật vật một thôi vượt khỏi ngã tư, xe bon bon ngon trớn trên con lộ dưới hàng cây bóng cả. Chợt cô giáo Mẫn nghiêng vành nón, nói vọng ra sau, anh về thăm nhà lần này ở được bao lâu? Một tháng, tôi đáp, mặt áp sát lưng áo Mẫn, ngoác họng cho giọng át tiếng động cơ, nghe Mẫn thơm thơm nắng Nam Bộ. Thế để tiện hôm nào em mời anh cùng đi với em đến chốn này thưởng thức mấy món truyền đời xứ Bình Định. Để anh xem, xưa quân Tây Sơn ăn rau bào đất hái trong rừng, ăn rong sụn vớt đáy biển mà đánh Nguyễn dẹp Trịnh, xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên thế đó, sợ thật! Gần nhà thôi! Từ Lý Thái Tổ ra ngã tư theo Sư Vạn Hạnh nối dài, đến ngã ba Tô Hiến Thành rẽ vào khu cư xá Bắc Hải của quân đội Sài Gòn ngày trước. Ra, chủ quán là phụ huynh học sinh; họ muốn đáp công cô giáo Mẫn dạy kèm con họ đậu tuyển đi học nước ngoài, ngỏ ý dọn thực đơn quán nhà với giá đặc biệt dành riêng cô giáo.
‒ Vâng, cô Mẫn cho tôi đi với, cô Mẫn nhá!
Đào Vũ Hoài
Các thao tác trên Tài liệu