Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Có một thứ bến bờ như thế

Có một thứ bến bờ như thế

- Nguyễn Thanh Hiện — published 06/04/2018 10:35, cập nhật lần cuối 22/03/2018 09:30

CÓ MỘT THỨ BẾN BỜ NHƯ THẾ


trích tiểu thuyết “Những tin tức về một ngôi làng”
Nguyễn Thanh Hiện



nhưng có một thứ bến bờ [tôi vẫn muốn gọi thế] nằm ngay giữa cuộc sống tôi đã nhìn thấy qua những người cày ruộng ở làng tôi, thứ bến bờ như biểu tượng không vui trong cách nhìn thế giới, tôi phải đi gặp anh Bốn Bơn người đóng cày gỗ ở làng tôi, buổi chiều hôm, thật lận đận, thật ngổn ngang, cũng thật khó được chấp nhận khi đề xuất một di sản văn hóa như thế, giữa lúc văn minh đương đại cung cấp cho cuộc sống bao nhiêu phương tiện tối tân hiện đại, tôi lại đề xuất một thứ di sản văn hóa những người mù đặc về đời sống nông nghiệp của nhân loại sẽ cho là chuyện buồn cười: cái cày gỗ, từ chọc lỗ chuyển sang cày bằng cày gỗ trong gieo trồng quả là một biến cố làm thay đổi gương mặt nhân loại, phát minh, hay phát kiến, nói bằng cách nào cũng không nói hết sự vĩ đại trong tư duy của tổ tiên chúng ta, những kẻ hậu thế trong niềm cảm hứng về công lao nghĩ ngợi của tiền nhân, nhiều lúc nhiều nơi đã biến cây cày gỗ thành những biểu tượng thần kỳ trong cuộc tiến hóa, “ông cày gỗ” trong các nghi lễ đồng áng: trong xuân kỳ, thu tế, lễ tết nguyên đán, hay như một vị thần xuất chúng [“thần cày”, “đệ nhất thần làng”] trong các câu chuyện ngụ ngôn như những bài học khởi nghiệp, ở làng tôi, với ông nghè Quân, cây cày gỗ trở thành người bạn văn [ở làng tôi, một thời, ông nghè Quân đã lập văn xã với các bạn bè gồm chim chóc, cỏ hoa, và cây cày gỗ, thi ca của ông Quân còn lưu trong tập bản thảo mấy trăm trang: văn tập Rối Rắm] này anh cày gỗ có biết vì sao khi đem hạt lúa gieo xuống đất thì nảy mầm hay không, biết chứ sao không, bởi vạn vật trong trời đất đều có lòng mong mỏi trở thành hình thể khác, ông Quân trò chuyện với cây cày gỗ có vẻ giống với các triết nhân thời trước Socrate bên Hy Lạp, sau cuộc đối thoại thi ca này là cuộc đối thoại mang tính lịch sử giữa cây cày gỗ và cây cày máy, đồng làng tôi vẫn cày bằng bò với cây cày gỗ, thỉnh thoảng thì cũng có cày máy, đồng làng đang lặng lẽ với những bước chân chậm chạp của lũ bò kéo cày gỗ thì bỗng tiếng cày máy cất lên [một vài nhà trong làng cũng thử đi thuê cày máy về cày ruộng nhà mình] này anh cày gỗ chừng nào thì nhường đồng làng lại cho chúng tôi, cây cày máy hỏi, tra vấn đầy thách thức, chừng nào, trả lời cây cày máy là những trăn trở, là cuộc lẩn quẩn trong hình thể khu vườn, hay giữa vòng khép của khoảnh ruộng đồng làng, cuộc bứt phá xảy ra những trăm năm trước, có nơi nhìn thấy được khung trời cao rộng, có nơi vẫn cứ ở lại chốn nghìn năm, vì sao, những tra vấn vẫn cứ cất lên trong thi ca, triết học, và làng tôi, vẫn đang mỉm cười với cây cày gỗ, nhưng tôi phải đi hỏi anh Bốn Bơn, người đóng cày gỗ ở làng tôi, về cái ách cày, phần tử không phải chủ đạo trong cơ cấu cây cày gỗ, nhưng tôi vẫn cứ thấy ở đó, nơi cái ách cày, niềm thao thức về sự tồn tại của những sinh linh luôn gắn bó với con người là lũ bò kéo cày, phải bắt đầu với cái mỏ cày, chính là người cày nắm lấy phần tử này để làm công việc lật đất nhờ qua các công cụ lưỡi cày và trạnh cày, và bắp cày là cái then truyền bí ẩn trong hệ thống cày gỗ [then truyền bằng gỗ mà nối được người cày với sức kéo] bắp cày bắt đầu với mỏ cày và kết thúc ở cái ách cày đặt trên đôi vai của lũ bò kéo cày, cây gỗ núi trên núi Mun về đến nhà tôi thì biến thành cây đòn gánh để lũ bò cày gánh cây cày gỗ trên đồng làng, anh Bốn Bơn nói với tôi về cái ách cày, hóa ra, theo anh, thì lũ bò cày gánh cày trên ruộng, chứ không phải kéo cày như xưa nay nghĩ, gánh cày, như con người ta gánh lúa gánh rạ trên đồng làng, cách nghĩ của anh Bốn Bơn dẫn đến thứ khái niệm về dân chủ, lũ bò cày là bạn đồng hành của con người trong công cuộc làm ra cơm áo, tôi phải đi gặp anh Bốn Bơn vào buổi chiều hôm, vào giờ này thì hết thảy những người cày ruộng đều trở về nhà, chị Bốn Bơn đang ở cữ, đẻ đứa thứ tư, đông thế, liệu anh có nuôi nổi lũ chúng ăn học đường hoàng không anh, tôi hỏi, anh Bốn Bơn liền đem cái kiến thức cha ông truyền lại ra nói, đông đứa mới tát biển dời núi nổi chứ chú, có tiếng khóc trẻ thơ ở trong buồng cữ, tôi thử nhìn vào buồng cữ, nhánh xương rồng treo ở cửa buồng còn tươi rói, đẻ trạm xá xã, tiêm thuốc tây, nhưng về nhà thì nằm lửa, không dám bỏ tục lệ cha ông, giờ tôi phải đi lừa con nghé còn ở ngoài đồng, chú à, anh Bốn Bơn vừa nói vừa đi nhanh ra ngõ, ở trong làng đang vang lên tiếng heo gà, tiếng la mắng con cái, tiếng khua nồi niêu chén bát, bò đã về chuồng, người đã về nhà, nhưng lũ gà chưa kịp cho ăn đã lên chuồng kêu la inh ỏi, lũ trẻ nít chưa kịp cho ăn kêu khóc inh nỏi, cái cảnh buổi chiều hôm ở làng tôi như máu đang trở về tim [hết thảy gìà trẻ lớn bé đi đâu, ở đâu, vào lúc ấy đều phải trở về mái nhà của mình] những gì xảy ra vào những chiều hôm ở làng tôi là rất riêng, bề bộn, nhưng cái nào cũng có góc cạnh, khắc khoải, chìm đắm, những gì xảy ra có vẻ như chẳng ăn nhập chi với chuyện chăn dân của nhà đương cục, có vẻ như không hề biết, hay không muốn biết, chuyện chính trị, chuyện chính trường, bèo bọt, lầm than, chết chóc, đang diễn ra bốn phía, có vẻ như biết mình chẳng thể đi cùng thế giới để đến miền văn minh sáng sủa [ăn ra con người, ở ra con người…] biết mình chỉ có thể ở lại với ngôi làng quê có cánh đồng làng trước ngõ, có ngọn gió làm te tàu lá chuối sau nhà, nghìn năm như vẫn còn nghe tiếng con người gọi nhau ra đồng làng, nghìn năm như vẫn còn nghe tiếng con nghé gọi bầy buổi chiều hôm.


giã
tháng 8.2014
tháng 12.2017



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Giai phẩm Xuân 2018
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us