Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Cô y tá ở trại tỵ nạn Phú Sơn

Cô y tá ở trại tỵ nạn Phú Sơn

- Đỗ Kh. — published 08/04/2017 00:40, cập nhật lần cuối 08/04/2017 00:40


Cô y tá ở trại tỵ nạn Phú Sơn


Đỗ Kh.


(Bài viết này tiếp theo bài Ngày 30 Tháng tư của tôi đã đăng lần đầu trên talawas 30.04.2004)


Cánh cửa tàu kẽo cợt từ từ mở. Đây là tàu đổ bộ nhưng không phải là loại tàu “há mõm” mà loại cửa 2 cánh và mở ra ở giữa nhưng kiểu nào thì cũng kẽo kẹt như 1 cái màn rạp hát bi hài. Khán giả chúng tôi 400 người đứng ngồi trong căn hầm tối nhìn ánh sáng bên ngoài lóa vào nhợt nhạt và từ từ chỉnh dần lại con ngươi. Một người ồ “Cái cột điện!”, tôi ngước lên và thấy những sợi dây chăng ngang 1 lưng trời xanh ngát. 15 ngày vừa qua, bầu trời của chúng tôi không có gì chăng ngang hết, và những sợi giây điện có nghĩa là “đất liền”.

Vượt bao hải lý
Nghe chưa vừa ý
Lắc lư con tàu đi

Theo bài hát mà câu chót trẻ con ngoài phố vẫn hát là lắc lư hai hòn bi, đến đây kết thúc và cái gì lắc lư thì cũng hết, trước mắt tôi là đất liền thân thương và cái cột điện. Sau 1 800 hải l‎ý, chúng tôi vừa cặp bến Phú Sơn (Busan), Nam Triều Tiên.

*

Sự cố bi hài xảy ra trên tàu là vào đêm ngày 30. 4.

Khi ra đi ở Tân Cảng, hạm đội Đại Hàn gồm có 3 tàu : 2 dương vận hạm LST và 1 tàu tiếp tế [1]. Chiếc chót này chiều ngày 27.3 trúng 1 trái pháo và hư hại nhẹ, sau khi tàu chúng tôi LST 810 đã rời bến. LST 815, đi từ Vũng Tàu? và đến Phú Quốc đầu tiên, đã đổ xuống đây hơn ngàn người tỵ nạn di tản từ Đà Nẵng, thuộc diện người Việt và chẳng liên hệ gì với Hàn Quốc. Đây là thành phần đi nhờ phương tiện trong khi trên LST 810 là thành phần công dân Hàn quốc tại Việt Nam và thân nhân của họ, cùng 1 số người Việt được họ cho đi chui như gia đình tôi. Vào sáng ngày 27 tại Sàigòn chưa có loạn và đến chiều 27 Tân Cảng mới bị pháo. Sang đến 28 thì phi trường Tân Sơn Nhất mới bị máy bay miền Bắc đánh bom. Đáp chuyến tàu LST 810, không biết các người khác thế nào, anh em tôi được ông đại sứ Đại Hàn nhìn trước nhìn sau và đích thân ký tên đóng dấu giấy thông hành (travel document) của Hàn Quốc để tránh mắt nhân viên của ông. Trên LST 810, trong tổng số 800 người, thuộc vào diện đi chui này có lẽ vài chục, thêm với số người Việt dạng thân nhân giả hay nhận vơ là khoảng 1 trăm rưỡi.


Sáng 30, khi tàu chúng tôi rời cảng Phú Quốc thì 815 đã ra khơi trước, sau khi đổ người tỵ nạn Đà Nẵng xuống từ chiều hôm qua. Tuy gọi là cùng chung 1 hạm đội nhưng đến khuya 30.4 chúng tôi mới tận mắt nhìn thấy 815, rendez-vous ở 1 nơi nào đó trên Biển Đông. Dưới ánh trăng lãng mạn, ở trong đêm và giữa biển, cặp tàu này sáp lại gần nhau e ấp, làm công việc chuyển ½ số khách từ 810 sang 815 bằng ván gỗ bấp bênh bắc giữa 2 thành. Tôi thì rất sợ độ cao, sóng thì lại bập bềnh, trật chân mà lọt giữa 2 tàu thì 9/10 là bị kẹp chết. Nói thế thôi, nhưng thủy thủ đoàn 2 bên nắm chặt, em bé hay cụ già thì họ bế qua nhưng tôi không thuộc diện này nên trên 2 hay 3 mét ván, cũng phải liều nhắm mắt đưa chân. 1 em gái 13 hay 14 sang đến 815 bật khóc “ Ông lính Đại Hàn lấy mất cái va ly của con ! ”. Em còn mếu máo thì đã tìm lại được của, anh thủy thủ Hàn Quốc chỉ giành lấy hành lý của em để chuyển hộ cho em. Đây không phải là di tản từ Nha Trang, 1 người bạn kể lại, anh ở trên tàu ngày đêm ôm vợ con và 2 tay cầm 2 quả lựu đạn để dọa cưa đôi với bất kể ai đến gần. Đây không phải di tản Cam Ranh, 1 ông cậu hạm trưởng về đến Sàigòn mặt không còn tí máu, chúng nó cướp giết, vất người xuống biển, may mà không đụng đến thủy thủ đoàn, mình đóng cửa phòng lái còn ai làm gì bên ngoài coi như không biết. Đây không phải di tản Đà Nẵng, thị trưởng thành phố nghe đâu là bị mất vàng và quỳ xuống xin tha mạng.

Bố của em bé nức nở ở trên, 1 vị đại tá bác sĩ, thì hiên ngang qua cầu mà tay không rời cái cặp khám bệnh. Cái cặp này rất nặng và suốt thời gian ở trại không khi nào thấy ông rời nó ra. Ông đi vệ sinh thì tôi không biết nhưng xếp hàng đi ăn cơm thì ông vẫn xách sẵn 1 tay chắc là để cấp cứu người gặp nạn đột xuất. Nhưng nó lệch cả vai khiến tôi đồ rằng nó không phải chỉ chứa ống chích và ống nghe tim.

Sau cùng thì chẳng ai mất của và cũng chẳng ai ngã biển, 400 người được chuyển sang tàu 815 an lành. Chúng tôi an vị, mỗi hộ chiếm 1 chỗ trên boong, gió mát và trăng thanh thì ngay bên cạnh “nhà” tôi có chuyện. Hàng xóm tôi là gia đình có 4 cô con gái cùng lứa (đã nói đến ở bài trước), Mai-Nhung-Nga-Tiên. Tứ nữ anh hào này có 1 cô chị hai là vợ của 1 anh lãnh sự hay tùy viên văn hóa gì đó của sứ quán Hàn Quốc nên anh mang theo gia đình ông bà nhạc, cộng với lại cả 1 bà giúp việc nhé. Vì là nhân viên sứ quán nên sang đến 815 anh được giao việc phân phối cho mỗi người trên tàu 1 cái loại mền dạ của nhà binh. Anh nhiệt tình thực hiện công việc được giao phó, và nhiệt tình quá khiến trở về đến nhà anh chỉ còn tay trắng và bị vợ mắng. Lúc đầu thì họ còn thầm thì vì tuy trao đổi bằng Anh ngữ nhưng mọi người đều nằm ngồi quanh trên boong. Việc là, theo chị vợ rất nhan sắc này, anh khinh thường và coi nhẹ cả gia đình vợ. Mỗi người 1 chăn, ai thì không cần biết, nhưng gia đình nhà chị phải có 2, 1 cái trải ra để nằm lên và 1 cái để đắp, có thế mà cũng không biết, đồ ngu (stupid), chị bắt đầu to tiếng. Bị kết tội “ngược đãi”cả nhà cô vợ, anh này ngẩn mặt ra, rồi lại còn cười trừ, thế là không sành tâm l‎ý phụ nữ. “ Thế mà anh còn cười được, tôi chết xem anh có còn cười nữa không ! ”, cô giao luôn đứa bé được 1 hay 2 tuổi cho bà giúp việc. Thấy nguy kịch, anh bắt đầu nhăn nhó nhưng không đủ thành khẩn, chỉ dơ 2 tay lên trời đầu hàng chứ không có quỳ xuống. Cô hét lên “ Tôi nhảy xuống biển !

Dương vận hạm LST là loại tàu chuyên chở chiến xa, dài 100 mét và bề ngang 20 hay 30 mét. Từ boong xuống đến mặt nước cũng phải 15 mét, như 1 tòa nhà 5 hay 3 từng. Lúc đó lại giữa đêm và giữa biển, không phải sông Tiền Đường mà hòng có ai vớt được. Cô lao người về phía thành trong khi mọi người há hốc miệng. Lúc đó, may thay, có người hùng xuất hiện và ra tay.

Người hùng đó là tôi đây. Từ lúc cô giằng co lớn lối, tôi đã ra đứng tựa sẵn ở bờ thành. Đúng như tôi nghĩ, cái tàu thì rất dài nhưng cô không lao về chỗ trống mà lao về ngay phía tôi đứng. Tôi chỉ cần vươn tí tay là bắt được cô lại. Cô vùng vằng nhưng tôi cũng chẳng cần ôm chặt và cô khóc thét nhưng cũng không đến độ quẫn trí và la hét để tôi có thể cho cô 2 cái tát (thay vì đưa cho cô 2 cái mền). Nhìn thoáng vào mắt nhau là tôi và cô đã hiểu nhau, cô mềm người ra rũ rượi để tôi dìu cô về phía phu quân đang tái mét khuôn mặt đẹp trai của chàng. Nhưng chỉ vì 1 cái mền hay 2 mà tình nghĩa từ đó bắt đầu sứt mẻ và mầm móng tai họa gieo vào niềm hạnh phúc gia đình. Sau này, vào tuổi ngoài 60 tại Mỹ, cô tái hôn với 1 cựu tướng lãnh miền Nam. Tôi không nghĩ cô là 1 phụ nữ ly hôn mà chắc là 1 phụ nữ góa chồng, vì anh Hàn Quốc chắc mỗi tối chỉ cần lên giường đắp mền là nghe cô đay nghiến nhắc nhở mà tức tưởi qua đời sớm. Tôi kể lại đây không phải là để lập công với ông tướng “ phải ngày ấy em xô luôn bà ấy xuống biển thì có phải là cuối đời thiếu tướng bơ vơ không ? ” Tôi dùng đôi tay lực lưỡng làm việc này, tất nhiên là để lấy công với lại Mai-Nhung-Nga-Tiên.

*

Trên biển thì chẳng có chuyện gì, nay hoàng hôn đã lại mang hôn hoàng. Người đi biển (“Tình yêu thủy thủ”) vì thế đâm ra lãng mạn và mấy khi trên tàu lại có thiếu nữ mặn mà ? Cách tôi mấy “căn” là 1 cô mới chừng 20 nhưng đã có 1 đứa bé đỏ hỏn. Cô người Nha Trang, gió biển mặn nuôi lớn thân cô, lớn kiểu… lồ lộ và coi rất bắt mắt. Tính cô đơn sơ ít nói, nhút nhát và dáo dác như chỉ muốn trốn vào 1 xó tối. Cô đơn thân, lên tàu chỉ có 2 mẹ con. Gia đình cô ở Nha Trang và bặt tin những ngày cuối tháng 3. Cô sống ở Sàigòn với người chồng Hàn Quốc nhưng anh ta có hợp đồng lái xe tải ở Saudi Arabia. Anh vừa sang đến đó lao động thì miền Nam sụp đổ. Cô và đứa con đã đăng ký với sứ quán nên được di tản, sang đến Đại Hàn sẽ có gia đình chồng đón. Cô này Anh ngữ thì không biết mà Hàn ngữ thì cũng không, đến tiếng Việt cô còn không muốn nói, ai hỏi gì cô mới dạ thưa kiểu cầm chừng. Mỗi chiều cô nép vào trong 1 góc, ôm con và mắt đỏ hoe nhìn ra biển vắng, nhan sắc lại nảy nở hoang dã thế này thì ai chẳng mủi lòng. Một anh trung sĩ trên tàu, chắc thấy cô cho con bú mà đâm ra ngất ngây mùi sữa và đem lòng tơ vương.

Miếng ăn trên tàu thì không thiếu, đủ nuôi mọi người sống nhưng rất nhạt nhẽo, nay mì gói đã lại mai gói mì. Anh này lén lút (vì quân đội Hàn Quốc không đùa với kỷ luật), đi ngang chỗ cô nằm thì “đánh rơi” lúc gói bánh mặn, lúc hộp sữa đặc hay lon đào si rô. Cô làm ngơ, nhất quyết không “nhặt”, cứ để đó làm anh ta rất buồn ra mặt. Hễ cứ anh xuất hiện là cô nhìn biển nhìn trời nhưng với vẻ ngượng ngh ịu dễ thương thành thật chứ không phải vênh váo chảnh, làm anh lại càng hồn xiêu phách lạc. Tôi rỗi việc, nhặt hộ cô và dỗ dành, thì em cứ ăn để có sức cho con bú chứ, cô mới chịu cầm bánh cắn 1 miếng và bảo “ còn hộp đào, anh ăn đi ”. Tôi khui ra ăn liền chứ tôi sợ gì. Anh trung sĩ biết được, lần sau dúi hẳn riêng cho tôi 1 hộp, kèm 1 miếng bìa ghi tên anh để làm quen. Tôi ghi lại tên cô, trao đổi ban đầu chỉ có bấy nhiêu. Anh thủy thủ này lại cũng dốt ngoại ngữ, chỉ biết mấy chữ tiếng Anh mà có khi lại phải nhờ ai viết, và cô này thì cái gì anh đưa thẳng cô cũng từ chối, chỉ qua tay tôi thì cô mới nhận. Nghiễm nhiên tôi trở thành trung gian không thể tránh khỏi, kiêm thẩm vấn viên và thông dịch hữu thệ, mỗi ngày 1 hộp đào làm tiền hoa hồng.

*

Theo tự trình, chúng tôi thấy cá heo từng đoàn đuổi theo tàu đùa giỡn trong nửa ngày, rồi thấy chim lượn qua lượn lại trên trời vào nửa ngày tiếp. Qua đêm và đến sáng hôm sau thì chúng tôi thấy 1, 2 thuyền cá lơ lửng và núi đồi Đài Loan hiện ra như 1 bức tranh sơn thủy trong sương. Mọi người nhốn nháo, tàu thông báo là sẽ vào Đài Loan lấy lương thực tiếp tế thêm và rẽ hướng bờ. Nhưng chỉ mấy tiếng sau tàu lại bảo, lương vẫn còn đủ và tiếp tục đi thẳng. Chuyện tế nhị này hẳn vì Đài Loan đã phải nhận tổng thống Thiệu và thủ tướng Khiêm, nghĩ đi nghĩ lại giờ gần ngàn người tỵ nạn này chẳng hiểu thế nào, lỡ Hàn Quốc nó đổ luôn xuống bến thì mình phải gánh. Ngày trước, mình đã phải chạy trối chết từ Đại Lục sang đây trú thân chứ nào sung sướng gì, ôi những huy hoàng 1 thủa Trùng Khánh, sao lại phải nuôi thêm mấy thằng Việt Nam di tản. Nếu không thật sự cần thiết, mời các bạn Đại Hàn đã lỡ rước họ thì cứ việc mang họ thẳng về nước.

Không được vào Đài Loan, hạm trưởng 815 đãi vài khách thân mật trên tàu bằng 1 bữa cơm có đủ loại dưa cải do chính vợ ông làm. Bố tôi được dự và khi ra về, ông đút túi chai Coca dành cho ông trong bữa tiệc. Dưa cải muối thì chúng tôi không màng. Đây là chai nước ngọt duy nhất 2 anh em tôi được chia nhau mỗi đứa 1 nửa trong suốt chuyến hải hành.

*

Vào đến eo Đài Loan thì biển dậy sóng. Vì lí do an ninh nên mọi người phải rời boong mà xuống hầm và đóng nắp kín lại. Trong vòng chỉ có 1, 2 tiếng là boong tàu vắng ngắt, chỉ còn lại 1 ông Hàn Quốc với 7 hay 8 cái va ly đứng khoanh tay nhìn trời cười thách thức như 1 hảo hán lỡ vận. Vợ con ông đã xuống hầm hết, mọi người đã xuống hầm hết, chỉ còn lại có mình ông với bằng ấy hành l‎í cồng kềnh. Hai anh em tôi tay không chẳng vội gì nên còn nấn ná. Khi giúp ông mang xuống hết được thì trời đã sập xuống đen ngòm và những đợt sóng cao 5 hay 10 thước đùn nhau đến.

Nhờ sự gửi gấm của ông đại sứ nên bố con tôi 3 người được hạm trưởng dành cho 1 buồng riêng ngăn nắp 4 giường. Khu VIP này chỉ có mấy phòng, còn lại tất cả phải xuống hầm chứa mênh mông và không có cửa sổ để mà tham dự cuộc thi tập thể, trẻ con thì đái ỉa, người lớn thì nôn mửa. Tôi khóa ngay cửa phòng lại nhưng bố tôi bảo mình có dư giường, con mở ra. Vậy là chốc lát, trong phòng này có ngay 10 người lạ, chiếm hết 3 giường và 2 anh em tôi chẳng có chỗ nằm nữa mà phải ngồi bó gối dưới đất ôm đầu.

Say sóng không được thơ mộng bằng say sắc, say tình. Tôi ra đi, chỉ có 1 cái quần và 2 cái áo, 1 cây thuốc Bastos, 100.000 đồng VNCH vô dụng và mấy vỉ thuốc Nautamine. Vì tính hào phóng và nghĩa hiệp nên cô nào trẻ mà đẹp, hay đẹp mà trẻ, tôi bèn phát ngay cho mấy viên thuốc này, thế mới biết ở đời không có gì ngu bằng dại gái. Mỗi bận sóng nhấc con tàu lên 10 mét rồi dằn xuống, tôi lại lẩm bẩm “thế mới biết ở đời không có gì ngu bằng dại gái” và xin chừa về sau.

Mấy tiếng như vậy, chừa thì chưa biết ra sao, nhưng sóng bớt dần, và chỉ còn xô đẩy độ chừng 5, 7 mét. Tôi và người em ra khỏi buồng và kín đáo lú đầu lên boong. Nhìn quanh quất không thấy lính canh, 2 đứa bò nhanh về phía ụ đại bác 40mm ở đầu tàu, nằm xoải ra quấn thừng vào chân rồi ngủ thiếp. Lí do là khi tàu lắc, ngoài khí trời và gió lồng lộng dễ chịu hơn là ở trong phòng kín và cái tầm nhìn khi được giải phóng và thấy chân trời nghiêng ngả đỡ nhức đầu hơn là trong 1 căn phòng kín.

*

Trại tị nạn Phú Sơn là 1 trường học mới bỏ hoang và sắp sửa bị phá. Mấy chục phòng học được sử dụng thành phòng ngủ, mỗi phòng khoảng 20 người. Giờ thì bà chị toan quyên sinh ở trên thỏa mãn nhé, ai cũng có chăn trên và nệm dưới, 1 loại futon rẻ tiền bằng chăn bông. Sàn thì là sàn gỗ cũ rất đẹp, vào mùa đông được sưởi từ phía dưới nhưng vào giữa tháng 5 không cần thiết nữa. Nhà vệ sinh cũng cổ truyền, dựng ngay trên hố xí, sàn xi măng đục 1 lỗ hình chữ nhật khá to. To thế nào? Đủ để 1 em bé 5 tuổi bất cẩn lọt xuống hố, may mà có người trông thấy hô hoán và lôi em lên kịp trước khi em tắc thở (vì thiếu oxy chứ không phải vì phân ngập đầu).

Trường  thì có sẵn bếp và nhà bàn rồi, có thiếu là thiếu nhà tắm cho nên trại dựng sẵn 1 nhà tắm tập thể, mở cửa từ sáng đến chiều và nước nóng khỏi kể. Ngày lẻ Nam và ngày chẵn Nữ, ai cũng có thể tắm 1 tuần 3 bận vì về khoản tắm này, nhu cầu của người bán đảo rất là cao, chắc là để tảy mùi kim chi và thịt nướng tỏi. Tuy món thịt nướng này, tất nhiên là trong trại không có cửa hàng. Thay vào đó, là 1 cái xe bán hot dog nhưng Busan không phải là New York và xúc xích Frankfurt này ăn rất dở vì pha nhiều bột. Đây là hàng thức ăn duy nhất trong trại. Bố tôi, trên người chỉ có 20 USD, cho nên toàn bộ số tiền này được dùng vào việc ăn hot dog và uống nước ngọt. Tôi ít khi nào quan tâm miếng ăn, nhưng giờ hồi tưởng lại, có lẽ tại đây là nơi hot dog dở nhất mà tôi từng trải nghiệm.

Vậy còn tiền Việt, mà riêng gia đình tôi đã có đến cả triệu dưới gối ? Bố tôi mang theo 1 cái cặp đầy ắp chẳng hiểu bao nhiêu, và anh em tôi, mỗi người có trên 100.000. Thì ném qua cửa sổ !

Mỗi ngày, vào giấc tan trường, học sinh hiếu kỳ hay đến trước trại để xem người tỵ nạn. Đây là 1 hình thức giải trí của các em và là cách duy nhất mà chúng tôi vào lúc đó có thể trả ơn đất nước đã cưu mang. Từ tầng lầu của trường có thể nhìn ra đường, là cách giải trí của chúng tôi. Và từ đường có thể thấy người trong trại, là cách giải trí của kẻ qua lại. Lầu là lầu 2, vì lầu 1 còn vướng tầm che của tường rào. Đường thì là hè phía bên kia cho nên khoảng cách giữa đôi bên là 20 mét, trao đổi thì như kiểu gọi đò sang sông. Lập tức có ai đó nghĩ ra việc tặng các em quà lưu niệm là tiền giấy VNCH bằng cách ném xuống. Tiền đã vô dụng cứ thế bay như bươm bướm ngày xuân, tuyệt đại đa số là giấy 500đ Trần Hưng Đạo. Cho nên những mệnh giá khác, 200đ Nguyễn Huệ hay 100đ Lê Văn Duyệt trở thành hàng độc và hàng hiếm khiến các em giành giật, cũng như các tờ tiền dạng con voi, con cọp, mới phát hành từ năm 1974 trở đi. 

Các em bên ngoài thì mua kẹo ném vào, và được vài hôm thì có chuyện làm quen thư tín và gửi qua gửi lại bằng lối gói vào 1 cục đá nhỏ. Được mấy hôm thì có bạn teen khoe là có người yêu Hàn Quốc, chàng bên song cửa, thiếp ngoài cột đèn, tuy số nữ vào tuổi cập kê đứng phía bên kia đường hết sức hiếm hoi. Chỉ thấy có liên tục 1 tuần ròng rã, đứng cạnh cột đèn mặt cứ thộn ra là anh Trung sĩ si tình của tàu 815 đã nói đến. Ngày nào anh cũng đứng mấy tiếng vì trong quy chế thăm viếng của trại, chỉ có thân nhân mới được vào gặp mặt. Đã lỡ ăn mấy hộp đào của anh trên tàu, tôi tìm cô gái Nha Trang năn nỉ hộ, là lên lầu cho anh thấy mặt hay là thấy cô cho con bú kiểu hòn vọng phu (ở Saudi). Nhưng tôi không thuyết phục, và trước sau như 1, lập trường của cô dứt khoát là không. Sau đó không thấy anh nữa, chắc có lẽ là vì anh hết phép và lên tàu trở lại kiếp hải hồ. Phải anh là Thủy Tinh, chắc anh đã dâng nước bể và đục núi Phú Sơn hò reo đòi Mị nương. Nhưng kinh nghiệm này cho thấy, không phải cho anh thấy thì cũng là cho tôi, phụ nữ mà đã làm ngơ rồi, ta chỉ nên lên tàu mà đi thẳng và mang theo ở trong lòng, chứ đừng vờn qua vờn lại, họ chỉ thêm chướng mắt.

*

Tuyệt đối không thấy bóng dáng ông đại sứ của VNCH tại Hàn Quốc vì 30.4 là ông mãn nhiệm, ông đi đâu ở đâu thì không ai biết, lỡ ông thò mặt đến, họ bắt luôn nhốt vào trại cùng chúng tôi thì có phải là dại. Nhưng ông đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam về đến nước ông và đến thăm trại. Ông mặt mày đau khổ và mang theo 1 tin buồn. Bà bí thư đắc lực của ông là người Việt và ông đã giữ bà lại trong những ngày cuối tuy là chồng con bà đáp tàu di tản cùng chúng tôi hôm 27. Ngày 29 hay sáng 30, bộ phận còn lại của sứ quán Đại Hàn di tản bằng phương tiện Hoa Kỳ, dùng 2 xe con vào tòa đại sứ Mỹ thì lúc đó tình hình đã hỗn loạn. Xe chở ông đại sứ đi đầu, có cờ Âm Dương nên được lính Mỹ mở cổng cho vào, xe thứ nhì chở bà bí thư Việt và trung tướng tùy viên quân sự Đại Hàn bị ngăn lại nên không rõ số phận. Đối với quân nhân Mỹ giữ cổng trong lúc chen lấn đó thì da vàng nào cũng như da vàng nào và trung tướng Đại Hàn thì cũng như trung tướng VNCH thôi [2]. Một nhà báo Mỹ gốc Nhật sau này kể lại là anh đã sẵn sàng câu “ Tôi là người Mỹ! Superbowl (giải vô địch banh bầu dục) tại New Orleans, Pittsburg Steelers thắng Minnesota Vikings ! ” để làm bằng [3].

*

Giám đốc vụ Á Châu của bộ ngoại giao cũng đến thăm trại. Ông này trước là đại sứ tại VNCH và là bạn của gia đình. Những ngày tôi đang lớn, từng có gặp cô con gái của ông cùng lứa và viển vông 1 dịp hè, đi cạnh nhau dưới những hàng phượng vĩ trổ bông. Ông đến trại không mang theo cô này để nhắc lại kỷ niệm những ngày xưa thân ái “Givral có lá me vàng, người em Hàn Quốc ngỡ ngàng quán kem”, nhưng gặp bố tôi hàn huyên an ủi và tặng riêng cho gia đình tôi 1 món quà. Ba cha con tôi được ông ta bảo lãnh cho xuất trại 1 ngày thăm phố. Đây là 1 đặc quyền do ông bố trí sao đó, sau khi ông trở về Hán Thành. Sáng hôm sau, xe đến đón gia đình tôi đi chơi mua sắm và xem thắng cảnh danh lam của địa phương. Đi kèm, thay vì cố nhân ái nữ như tôi mơ tưởng (Bibimbap a-lula she’s my baby) thì là 1 anh nhân viên bộ ngoại giao rất sốt sắng. Anh xếp đặt ăn trưa, giải lao và thanh toán mọi khoản, đến khi thăm các cửa hàng thì chúng tôi chỉ hỏi giá chơi cho biết chứ tuyệt đối trong túi không có 1 đồng won hay là đô la.

*

Vào thăm trại, ngoài các vị trên thì chỉ có báo chí. Một cô, phóng viên pháp ngữ của đài Hàn Quốc và còn rất trẻ cũng mon men xách máy đến. Tại trại, thành thạo tiếng Pháp thì có nhiều đối tượng và cô bắt được 2 người, 1 mệnh phụ đứng tuổi và 1 thanh niên trẻ là tôi. Bà này được cô phỏng vấn trước, và bà phát biểu hùng hồn là miền Nam mất đại khái là vì quá độ chủ nghĩa. Tự do quá, dân chủ quá, nhân bản quá v.v. Phát biểu tiếng Pháp xong, bà quay sang tôi kết luận bằng tiếng Việt “ Mình chết là tại vì mình khôn quá thôi ”. Tại vì sao thì mỗi người 1 ý, chẳng hiểu là ai đúng đây. Đến lượt tôi thì tôi cũng phải hùng hồn không kém chứ, và bà nói gì thì tôi nói ngược lại 180 độ. Phát biểu xong, tôi cũng quay sang bà mà bảo “ Cháu thì nghĩ là mình chết tại ngu cô ạ, ngu quá đến nỗi chết rồi mà vẫn còn chưa biết tại sao ”.

Chuyện, đây là Đại Hàn dưới thời Phác Chính Hy, cô phóng viên này (tốt nghiệp Pháp ngữ Sorbonne và thân quen đại lộ St Michel) vừa thu âm vừa ngại ra bộ mặt xinh xắn và đôi mắt 1 mí rưỡi (vào thời cắt thành 2 mí chưa thông dụng mấy). Ngại đây là kiểu mất toi công, phải cầm micro cho thằng này nó nói, mà đã biết là phát biểu phần tôi cô sẽ không dùng được trên đài.

*

Tối ngày đầu tiên đến trại, bà cựu chủ tịch Hội Hồng Thập Tự VNCH gọi 2 anh em tôi và vài ba công tử khác vào 1 góc với các con bà. Nhờ chức vụ cũ này, bà được trại giao cho nhiệm vụ ngày mai phát quần áo cũ Sida và chìa khóa của kho. Bà mở cửa kín đáo và bảo khẽ, các cháu cứ chọn thứ gì đẹp để lấy trước tùy ý! Xui cho tôi là giờ tôi mới được bà gia ân, chứ phải ngày trước ở miền Nam, 1 tháng trước thôi, là tôi đã được chọn thỏa thích nào gạo nào mắm muối cứu trợ đồng bào. Tôi vơ 1 cái áo phông mặc vừa để đáp lòng thương mến, các bạn kia người áo vét áo choàng thụng thịnh (Hàn Quốc gọi là babarikoteu – Burberry Coat) ra điều mô đen.

*

Tôi không có việc gì, bèn tình nguyện làm thông dịch cho trại. Tại đây chỉ có thêm 1 người khác, là 1 anh người Việt râu mép từng tốt nghiệp đại học tại Nam Hàn. Anh phiên dịch thẳng từ tiếng Việt sang tiếng Hàn còn tôi là từ tiếng Việt sang tiếng Anh cho 1 ông thông dịch viên Anh-Hàn. Chúng tôi chia thành 2 nhóm, đi theo công an và hải quan bản xứ, đến từng phòng, đến từng hộ kiểm kê lý lịch và tài sản. Tờ khai lý lịch này rất cặn kẽ, dài đến mấy trang, vào cái thủa ở tại đây người ta đùa rằng cứ 1 công dân Đại Hàn là có 3 nhân viên của KCIA đi theo. Phần tài sản thì không ai khai thiếu đến 1 hào, vì vàng bạc, ngoại tệ, nếu kê khai khi mang vào thì mới được mang đi và hải quan sợ khai man tăng lên chứ không sợ khai man hạ xuống. Nhờ vậy nhân thân của 1 nửa trại là tôi nắm và phát hiện là 1 cặp ông sư-bà vãi đội tóc giả dắt nhau lên tàu đã quen nhau từ hồi họ du học Hoa Kỳ tại 1 trường vùng Mid-West. Nơi đây xa chùa của họ, mà trăng lại sáng nên 1 buổi rằm Trung Thu thày đại đức này nhìn thấy rõ ra là ni cô mắt có long lanh. Những tình cảnh đặc biệt như thế, tôi lợi dụng địa vị phỏng vấn mà hỏi gặn thêm. Thí dụ “ Có hôn thú không – Mấy con ” trên đơn, tôi có thể hỏi thêm “ thế kế hoạch hóa gia đình bằng phương pháp nào ” để tăng phần thú vị cho 1 công việc nhàm chán. Nhưng cũng nhờ công việc này mà tôi trở thành nhà văn.

Một sáng, vừa mở mắt ra, tôi thấy 1 chị khoảng 30 ngoài kiên nhẫn ngồi đợi ở cạnh chỗ nằm.

Em uống càfé đi, chị đẩy đến 1 ly pha sẵn. Càfé trong trại này, phải bỏ tiền ra mua ở cửa hàng.

Em hút thuốc không, chị rút ra 1 điếu đưa đến tận miệng và mồi lửa.

Chị muốn nhờ em 1 chuyện, và cô bưng ly càfé đi theo tôi đến bên ngoài phòng vệ sinh để đợi tiếp.

Việc là, chị có 1 nhân tình cũ người Mỹ đã về nước, chị muốn tôi thảo 1 bức thư cho anh ta. Để làm gì ?  Để xin tiền. Chị muốn viết gì ?  “ Em đang ở trại tỵ nạn Hàn Quốc, anh gửi cho em mấy trăm đô ”, thế thôi.

Tôi bảo đâu có được ! Chị mồi cho tôi thêm 1 điếu thuốc nữa.

Tôi nói, quen nhau thế nào, sống chung bao lâu, chia tay làm sao, phải có đầu có đuôi tôi mới viết được.

Thì gặp ở bar.

Rồi sao nữa.

Thì ảnh bắt mang về phòng.

Bắt về phòng rồi sao thành vợ chồng ?

Thì mấy bữa sau ảnh trở lại, ảnh bắt lần nữa. Mấy lần thì ảnh kết chị luôn.

Tôi vặn tình tiết, tuổi tác, chiều cao, vóc dáng của chàng, nhiều tóc hay là thưa, màu gì. Những ngày kỷ niệm, sở thích ăn uống, những lần ái ân… Tôi hỏi như hỏi cung, đến đâu chị trả lời đến đó kiểu cụt ngủn, vì tập tành làm văn là tôi chứ không phải là chị.

Có bao giờ đi chơi xa chung không ?

Có.

Đi đâu ?

Đi Vũng Tàu.

Ra đó có đi ăn hàng quán gì không ?

Có… đi ăn ghẹ.

Vậy là tôi thảo 1 bức thư. Có đèn bar lung linh “ Thú thật, lần đầu đó, dưới đèn mờ xanh đỏ, em cũng không nhìn thấy rõ mặt mày anh cho đến khi về đến phòng. Với em, anh lúc đó cũng chỉ là 1 người khách như mọi người khách khác ”. Có gió biển và cát mặn “ Em còn nhớ, lúc, anh cầm lên con ghẹ chín và vặt càng chấm muối ớt, em đã nghĩ con ghẹ chưa luộc thì màu xanh, luộc rồi thì màu đỏ hình trái tim. Anh cầm lên là trái tim đã chín của em trên bãi biển Vũng Tàu ”. Dĩ nhiên, kết luận là “ Anh gửi cho em tiền, trong trại này khổ lắm.”

Lá thư hồi đáp của ông Mỹ trích cả mấy đoạn của 1 bài hát thuộc thể loại Country đầy sụt sùi “ Trời sắp vào xuân, và sáng nay trên đường đi làm, anh nghe đi nghe lại bài hát của Lynn Anderson…” Điều quan trọng là ông kèm theo mấy trăm, nhiều hơn là đòi hỏi của chị, chị xin 3 thì ông xúc động mà gửi 5. Nhưng không cần đợi đến kết quả vượt chỉ tiêu này, ngay sau lá thư đầu là sự nghiệp viết thuê của tôi đã vững chãi, nhờ sự tung hô của chị khách thứ nhất. Chị đi kể khắp nơi về phương pháp làm việc tận tâm, uy tín, nhanh chóng của tôi và nhất là lại tuyệt vời. Sáng thức dậy là tôi có khách ngồi sẵn đợi. Trưa, chiều là các chị người thì mang nước giải lao, kẻ thì “em để chị giặt cho quần áo”. Mỗi bận tôi làm việc, 5 hay 7 chị quây quần chung quanh hóng chuyện và nức nở về cách tôi tài tình biến những chi tiết của cuộc sống thành ngôn tình thời chiến “ Lần đầu em ngồi lên người anh đang xoãi là hôm trước khi anh trở về đơn vị. Em nghĩ là mặt em xấu vì em cúi xuống và tóc em rũ rượi như 1 con ma, nhưng nhìn xuống anh nằm ngửa, em không biết anh là 1 đứa trẻ hay 1 thiên thần sắp ra mặt trận ”.

Điều không may, là quần chúng của tôi chỉ có các chị 30-40 này, 3 đời chồng Mỹ 2 đời chồng Hàn. Cô Tôn Nữ mười tám ở phòng bên, thấy tôi thì vênh mặt quay vào góc, ngồi ôm cái cát sét vặn nhạc thủ thỉ Ngô Thụy Miên.

*

Cũng nhờ công việc thông dịch mà tôi được các chú các bác xung vào ban chấp hành của trại. Ở vị trí này, tôi là trung gian đứng giữa các mâu thuẫn hàng ngày giữa ban giám đốc trại (Hàn) và đại diện của người tỵ nạn (Việt). Giữa hai văn hóa có 1 khoảng cách lớn, lớn bao la, về kỷ luật, trách nhiệm, trật tự. Người tỵ nạn, trong hoàn cảnh yếu kém và mặc cảm của họ, lại cho rằng những yêu cầu này là 1 cách ngược đãi và coi rẻ của chủ nhà. Thí dụ, mấy em nghịch ngợm phạm nội quy của trại, bèn bị bắt lên văn phòng quỳ. Ban chấp hành tỵ nạn bèn quyết định cả trại phải tuyệt thực, không đi lãnh cơm để phản đối vì thế là làm nhục cả 18 đời Hùng Vương !

Lúc ở trên tàu, có bận bố tôi đang hút xì gà bèn mời 1 sĩ quan Thủy quân Lục chiến đứng cạnh. Anh ta nhận và dúi ngay vào túi giấu, sau tôi thấy anh lén lút hút trên boong, mắt trước mắt sau. Chuyện này tôi nghĩ không có trong quân đội miền Nam. Ta đứng hút ngay và phì phà. Một bận khác, vì chuyện gì đó không rõ, trung tá hạm trưởng gọi thiếu tá bác sĩ ra trước đài chỉ huy, 2 bên có binh sĩ xếp hàng và tát cho vị bác sĩ này 1 cái, sau đó phạt đứng nghiêm mấy tiếng ngoài trời. Chuyện này trong quân đội VNCH lại càng không có và ngoài xã hội dân sự cũng thế thôi. Từ lầu 2 của trại, có dịp tôi thấy bà bán hàng rong qua đường bất cẩn, cảnh sát giao thông đuổi theo đá cho mấy cái tượng trưng. Thanh niên tóc dài che tai và quần áo chim cò, thấy công an là bỏ chạy và bị họ đuổi theo túm tóc xử ngay tay chỗ túi bụi chân tay. Đến nỗi, ở góc lầu có 2 mặt đường của trại, anh em tỵ nạn động long phải cắt người canh, thấy dạng hippy Hàn Quốc dung dăng đi tới là hô to báo động “Police! Police!” ngay trước khi mấy người này nhìn thấy công an gác trại ở mặt đường bên kia góc. Việc bắt quỳ, theo tôi nghĩ, là có nể nang người nước ngoài đấy chứ không tại trận đã thụi cho mấy cái. Giải thích mãi, ban chấp hành mới chịu rút lệnh tuyệt thực đã ban hành, vì lúc đó tới giờ dùng cơm.

*

Sự cố trọng đại là Đệ nhất phu nhân Đại Hàn và ái nữ của tổng thống đến thăm trại. Từ khi được tin báo là cả trại đã rối rít, họp lên họp xuống, mở cuộc thi thảo diễn văn chào mừng. Bà chủ tịch Hội Thập đỏ tíu tít, vì bà sẽ là người đón tiếp đối tác, tức là bà chủ tịch của Hội Thập đỏ Hàn Quốc. Ông đại diện trại sẽ tặng hoa cho Đệ nhất Phu nhân và ngược lại, cô sẽ tặng lại cho mỗi người chúng tôi tỵ nạn tại cảng Phú Sơn này một nửa con gà và một chai Coca 25 ml. Các nhân sĩ sẽ trao một lá thư nhờ cô chuyển lại cho thân phụ, và tôi nếu nhanh nhẩu hẳn sẽ được cắt việc dõng dạc đọc bức huyết thư này.

Tôi lại trẻ, cùng lứa tuổi với nàng, kém vài năm nhưng nói rành rọt tiếng Pháp là nơi công nương còn đang du học vào năm ngoái khi mẫu hậu chẳng may lạc đạn khiến nàng phải trở về nước và nhậm chức Đệ nhất Phu nhân. Mẹ tôi thì không bị lạc đạn vì bố tôi không có ai định ám sát nhưng bà tốt nghiệp tại cùng tỉnh cô nương trọ học trời Âu. Bố mẹ tôi thành hôn tại đó, vậy là cũng có câu chuyện gẫu trong khi uống trà.

Lá thơ do ban đại diện trại thảo, đại để trước hết là cám ơn Hàn quốc đã cưu mang người tỵ nạn. Để đáp lại ơn này, chúng tôi, tức là vài ba trăm người Việt không thuộc thành phần gia quyến Hàn quốc, và không kể đàn bà trẻ con, ông lão và thanh niên bị bệnh xuyễn, với kinh nghiệm chống Cộng sản dày dặn suốt 20 năm qua, xin hứa với Tổng thống Phác Chính Hy là sẽ tòng quân đánh giặc trong trường hợp Hàn quốc bị Bắc Triều tiên xâm lăng!

Tôi là người lễ độ, và trước các bác các chú tôi không nói thẳng ra, nhưng mấy cha vừa cắp đít chạy sang đến đây còn nóng hổi, đất nước mình giữ còn không nổi mà giờ lại đòi đổ máu ra giữ hộ thằng Đại Hàn! Phác Chính Hy mà đọc chắc là toát mồ hôi hột và quỳ xuống mà lạy xin tha. Bức thư này có được đưa cho cô ái nữ và may thay Kim Nhật Thành không động quân và không có người Việt nào trong chúng tôi phải bắn đến viên đạn cuối cùng (mang từ Việt nam sang) tại vĩ tuyến thứ 38.

Ngày hôm đó, tôi có ăn nửa con gà và uống hết phần tôi một chai Coca. Nhưng tôi không ra đón cô Park Geun Hye, 23 tuổi và Đệ nhất Phu nhân Hàn quốc, không đọc huyết lệ thư của người tỵ nạn Việt bằng tiếng Pháp, và không tán mưa tán gió là cô có vấn vương mây ở vùng Grenoblois. Tôi nằm nhà [4].

Sau khi cô Đệ nhất ra về rồi thì lại có rắc rối. Phái đoàn có mang đồ chơi đến cho trẻ em, loại xích đu be bé, xe đạp. Ngay tối hôm đó, các đồ chơi này biến ngay khỏi sân chơi tập thể, mạnh ai chụp giật được món gì thì mang về cho con của họ làm của riêng tại phòng.

Các phòng này như đã nói, là các lớp học cũ, kiểu 10 mét trên 5 và chứa khoảng 15-20 người. Mỗi người có 1 cái mền trải đất và mấy cái va-ly đặt ở chân. Giờ ở đầu mền của các “hộ”, lại nơi thì có cái xích đu, cầu tuột con con, chỗ lại xe đạp nên xem nó rất chướng. Ban giám đốc Hàn Quốc, giờ thì đã biết ý chí kiên cường của người tỵ nạn Việt, thà nhịn ăn tuyệt thực chứ không chịu nhục nên nào dám đòi lại mà bắt ban chấp hành trại tự giải quyết nội bộ. Các chú các bác thì chỉ thích ăn to nói lớn, việc tế nhị này đẩy cho tôi và anh thông dịch tiếng Hàn có râu mép. Tôi lại phải đi từng phòng thuyết phục rồi tự tay mang từng món ra sân trở lại. Các gia đình này nhìn tôi như là kẻ cướp đồ chơi của con cái họ, hay là tay sai thực dân, ăn tiền Hàn Quốc mà ức hiếp đồng bào.

*

Ăn tiền Hàn Quốc thì tôi không có nhưng trong ban chấp hành thì cũng có 1 người.

Mấy ngày sau khi chúng tôi, nghĩa là 2 tàu 810 và 815 đến Phú Sơn, thì có thêm 120 người tỵ nạn Việt Nam khác đến. Các bạn này là thủy thủ đoàn của 1 chiến hạm hải quân VNCH, toàn là lính và không có gia đình. Ngày 30.4 họ đang trên biển làm nhiệm vụ gì đó chứ không phải là tàu hải quân từ Việt Nam di tản ra đi. Không trở về nước được, họ được Đại Hàn nhận, tiếp tế và hướng dẫn về đến bến. Hạm trưởng tàu này là 1 hải quân trung tá và ông vào ban chấp hành để đại diện cho thành phần đến sau, được gọi là thành phần “áo xanh” vì họ được phát quần áo thể thao của hải quân Hàn Quốc.

Nhưng màu áo xanh này chắc ông không thích hay sao đó, và ông cộng tác mật ngay với công an bản xứ, KCIA, để tường trình với họ về hoạt động (ta có nên tuyệt thực hay không) của ban chấp hành người Việt. Ông được họ thưởng sâm hay kim chi gì không biết nhưng là người duy nhất (ngoài cha con tôi) được xuất trại 1 buổi đi chơi, dẫn đến hiệu may đo dạc và mấy ngày hôm sau công an mang về cho ông 3 bộ đồ vét. Trong hoàn cảnh sinh hoạt của trại thì 3 bộ đồ cũng khó giấu kín, cũng chỉ có thể treo ở đầu chỗ nằm. Ông bị phát hiện ngay và bị ban chấp hành tảy chay, tặng ông biệt danh là “hạm trưởng ba bộ vét” (chữ “hạm” này rất đắt) ngay cả khi ông có mặt. Nhưng ông này đi biển nhiều nên mặt trơ trán bóng, nghe thấy ông cũng chỉ cười nhe răng.

Thiệt thòi trong chuyện này là công an, ban chấp hành trại là cái gì mà họ phải cài người bên trong cho tốn vải. Nhưng dưới thời quân phiệt độc tài là vậy, mỗi công dân Đại Hàn phải có 3 bộ đồ vét đi theo dõi hành tung và tư tưởng để báo cáo và ngăn ngừa kịp thời.

*

Anh thông dịch râu mép với tôi tuy đồng nghiệp nhưng cứ phải cưa hai công việc, mỗi bên 1 nơi, nên ít khi trao đổi. Ngoài lý lịch, kiểm kê tài sản, thông báo nội quy… chúng tôi còn phải thông dịch khi khám bệnh. Đây là việc vui vì có dịp phát biểu “ Sao em chỉ có 38 cân, nhớ người yêu để lại trong nước hay sao ”, lại có dịp gần gũi với các cô y tá.

Vào tháng 5, trời đã ấm, các cô chỉ này mặc áo khoác ngoài bộ đồ lót, cài một hàng nút giữa, cái mở cái đóng, qua lại rất là bắt mắt thiên thần áo trắng. Các cô cũng không biết Anh ngữ, nên ngoài bộ râu mép, anh đồng nghiệp phiên dịch còn có hơn tôi 1 lợi thế khác, là trao đổi với các cô bằng tiếng Hàn được. Tôi cũng hay lân la tựa cửa nhưng chẳng nói được gì và chỉ đứng đó nhìn các cô khoác chân lên, khoác chân xuống mà cười duyên. Mỗi cô lúc rỗi ôm 1 quyển học tiếng Đức vì thập niên này Đại Hàn xuất khẩu lao động y tá sang Tây Đức rất nhiều (cũng như công nhân thợ mỏ, nhưng thợ mỏ thì tôi không có cười duyên với họ làm gì). Tiếng Đức thì tôi chỉ có mấy từ nhặt được làm oai kiểu Weltanschauung (thế giới quan) hay Verfremdungeffekt (hiệu ứng cách ly) cho nên chẳng ăn cái giải gì hết, cười duyên mãi chỉ tổ mỏi miệng.

Sau đợt khám tổng quát mọi người, tại trại chỉ giữ lại 1 tổ y tế, 3 cô y tá trong 1 trạm làm việc lưu động. Đến đêm, thì trạm y tế lưu động chỉ còn lại 1 cô trực. Cô này cũng mặc áo khoác trắng nhưng chắc là cô cởi hết nút. Anh phiên dịch 1 tối bị bắt gặp trong xe với cô này, hai bên đang đồng thuận trau dồi…tiếng Đức với nhau. Chuyện này khiến cô bị thuyên chuyển và khiến tôi ghen tức với bộ râu mép của anh cho đến ngày nay.

*

Các gia đình và thân nhân Hàn Quốc xuất trại đầu tiên, cô gái Nha Trang ôm con về nhà nội. Gia đình tôi thuộc nhóm đầu định cư ở quốc gia thứ 3, khoảng 6 tuần sau khi đến Phú Sơn. Một năm rưỡi hay 2 năm sau thì trại đóng cửa, trường học cũ bị sau đó mới được phá.

40 năm sau, trong 1 buổi họp người Hàn Quốc tại Los Angeles, có 1 bà mặt mấy ly son phấn đến hỏi thẳng tôi bằng tiếng Hàn. Tiếng Hàn thì 40 năm sau tôi vẫn không hiểu, bà phải giải thích tiếng Anh. “ Trông anh quen quá ! Anh có phải là thợ mỏ trước kia bên Đức? Em hồi đó là y tá ở bên ấy ! ” Tôi hỏi lại, bà có nhầm nơi không, hay bà có làm y tá năm 1975 tại trại Phú Sơn ? Tôi hồi đó là tỵ nạn ở đấy !

Nhưng không phải, đời làm gì lại có những duyên nợ tình cờ như vậy. Cô con gái nhà ngoại giao Hàn Quốc, đến Hán Thành tôi cũng không gặp lại. Anh trung sĩ hải quân ngày nào chẳng hiểu có còn thở dài những chiều bến vắng khi nhìn về phía mịt mờ biển Nam. Giờ, là 2017, cựu Đệ nhất Phu nhân và cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye thì đang ngồi tù nhưng tôi cũng sẽ không có dịp trả lễ bà ½ con gà và 1 chai Coca.

 Đỗ Kh.




[1]

Dương vận hạm LST 810 (Landing Ship Tank), tàu đổ bộ chiến xa, mã cũ LST 675 và mang tên Gyebong-Kê Phong (là 1 một ngọn núi), nguyên LST 288/ USS Berkshire County của Hải quân Hoa Kỳ. LST 815 Bukhan (là 1 tỉnh miền Nam Triều Tiên) mã cũ LST 678, nguyên LST 900 Lynn County của Hải quân Hoa Kỳ. Hai tàu này từng tham dự chuyển quân và đổ bộ Okinawa trong Đệ nhị Thế chiến. Đây là loại tàu vận chuyển lớn và chỉ có võ trang tự vệ. Hải quân VNCH cũng từng có 6 chiếc và mang mã đầu 5, HQ-500 Cam Ranh, HQ-501 Đà Nẵng…

[2]

Tướng Đại Hàn tùy viên này bị bắt vào Chí Hòa hai năm rồi được thả ra cho về nước. Bà bí thư ông đại sứ thì không biết, hẳn sau này vượt biên đoàn tụ thôi nhưng lúc đó thì kể như là chết và chồng con bà ở trong trại khóc sụt sùi. Cũng ngày hôm đó, 1 trung tướng VNCH là ông Đặng văn Quang, mặc đồ dân sự lọt được vào trong sứ quán Mỹ. Theo trung tướng Trần văn Đôn, cũng mang thường phục, ông được 1 bà nào đó nhận ra và lãng mạn nhường chỗ trên trực thăng di tản (“Em ở lại thì không sao, anh không ở lại được”) và cho đến ngày ông mất ông vẫn không gặp lại được ân nhân đó. Chuyện của tướng Đôn là vậy, gần chết thì có người đẹp xin thế mạng.

[3]

Vào thủa đó, kết quả banh bầu dục hay là bóng chày, nếu không phải là người ở Mỹ theo dõi thì chẳng ai biết đến.

[4]

Tiểu đoạn này đã được viết trước, ở đây, và biên tập lại vài chữ.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss