Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Con chim ma

Con chim ma

- Lữ — published 12/12/2007 18:54, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Truyện ngắn


Con chim ma



Lữ



Đêm hôm đó, trời mát dịu. Cuối thu mà không khí như ngày hạ. Ở trên trời trăng đã sắp tròn; có lẽ đã mười ba âm lịch rồi. Giữa nền trời, sao lấp lánh sáng rực. Dải ngân hà hiện rõ như một dòng sông sữa đang chảy qua không gian bao la.

Dân làng dường như đã ngủ say. Đâu đó, một vài căn nhà vẫn còn sáng lên ngọn đèn vàng yếu ớt. Mai đây, mọi người sẽ thức dậy sớm, tham gia vào cuộc sống nhộn nhịp của một ngày giữa tuần. Giữa niềm yên tĩnh đó, tiếng côn trùng kêu rỉ rả làm cho không khí lại càng thêm lắng đọng.

Chợt có tiếng vỗ cánh, và một con chim lớn bay tới. Chàng đưa mắt nhìn, tìm kiếm. Con chim đã biến đâu mất khuất khỏi tầm mắt của chàng. “Quác!” tiếng chim kêu lên, xé rách màn đêm tịch mịch. Chàng nhìn quanh, vẫn không thấy bóng dáng con chim. Dựa theo tiếng đập cánh, và tiếng kêu, đây phải là một con chim lớn lắm.

Trên đồi chỉ có một vài cây dâu tằm lớn. Mùa này, lá đã vàng và rụng nhiều. Chàng nhìn kỹ lần nữa nhưng vẫn không thấy người bạn mới. Cuối cùng, chàng bỏ cuộc, lại ngồi yên, thưởng thức không khí của một đêm thanh vắng. “Phập! Phập!...”, tiếng đập cánh lại vang lên. Chàng không dằn được cơn tò mò, xoay mình tìm bóng con chim. Lạ thật, nó giống như một con chim ma.


*


Con chim ma. Thoạt đầu, chàng chỉ nói đùa như vậy. Nhưng rồi mỗi đêm, nghe tiếng đập cánh, tiếng kêu, mà vẫn không tìm ra bóng dáng của con chim, chàng bắt đầu tin vào một con ma. Không phải là ma người, mà là ma chim.

Chàng hỏi dân làng chung quanh về một con chim lớn. Ai nấy đều cười, nói rằng chim lớn thì có nhiều, nhưng không có loại nào tạo ra những âm thanh kỳ lạ như vậy, nhất là vào giữa đêm khuya khoắt. Chàng không bỏ cuộc, hỏi nữa, thì một hôm chàng gặp một ông lão. Ông lão lắng nghe câu chuyện của chàng, rồi kể:

– Hồi đó, thời đệ nhị thế chiến đó mà, đồi này là nơi lính Đức tử hình quân kháng chiến họ bắt được. Nơi bức tường đá, nếu nhìn cho kỹ, ta vẫn còn thấy vết máu. Mỗi lần đi ngang bức tường, ta luôn nổi da gà. Dù so với ngày xưa, mùi tử khí bên bức tường đã giảm đi nhiều lắm rồi.

Lão già dừng lại, nhấm ngụm trà, nhắm mắt hồi tưởng một lúc lâu rồi mới từ từ kể tiếp:

– Mùi tử khí đó tự nhiên hấp dẫn một đàn quạ đen đến làm tổ. Dân làng sợ lắm. Con đồi trở thành chốn nghĩa địa; u ám, lạnh lẽo. Và mỗi khi nghe tiếng đàn quạ kêu, ai nấy đều nghe rờn rợn trong lòng. Hình ảnh đàn quạ ám ảnh dân làng. Hết chiến tranh rồi, đàn quạ vẫn tiếp tục kêu. Tiếng đàn quạ tưới tẩm hạt giống sợ hãi trong dân làng. Cuối cùng, người ta quyết định giết chết đàn quạ đen. Tiếng súng nổ “Đoàng! Đoàng!”, tiếng đàn quạ kêu tan tác, xen lẫn với tiếng cười hả hê của dân làng, nghe thật là dễ sợ. Dân làng giết đàn quạ với tâm trạng được trả thù. Họ đau khổ và hành động trong mù quáng. Đàn quạ đâu có tội lỗi gì. Vậy mà họ nhắm nòng súng vào đàn quạ mà bắn với tất cả sự căm hờn.

Gương mặt lão già trở nên nghiêm nghị. Thoáng chốc, gương mặt đó lại đầy vẻ bi thương. Cái chuyện giết quạ trả thù rõ ràng đã gây một ấn tượng sâu sắc trong lòng lão. Chàng hỏi:

– Hồi đó cụ được mấy tuổi?

– Ta chỉ là một đứa bé. Nhìn hình ảnh những con quạ bị bắn chết, nằm ngổn ngang dưới chân tường, tự nhiên ta khóc. Ta thấy đàn quạ là những kháng chiến quân bị tử hình thêm một lần nữa. Máu lại văng lên vách tường.

Lão khóc thiệt; nước mắt chạy quanh, trào ra khoé mắt rồi lăn xuống đôi má. Câu chuyện quá khứ, đã hơn sáu mươi năm rồi vẫn còn chạm tới những cảm xúc mới tinh trong lòng lão già. Ở trong lão, đứa bé năm xưa vẫn còn nguyên vẹn. Lão tiếp tục câu chuyện:

– Cho đến đêm hôm đó, mọi người mới cảm thấy có điều gì không ổn. Giết đàn quạ, họ không phải là những người chiến thắng. Đó chỉ là một hành động trả thù, nhắm vào những con chim vô tội. Đàn quạ chết rồi, họ vẫn còn nghe tiếng quạ kêu, và tiếng đập cánh, nhất là vào ban đêm. Không phải là tiếng đàn quạ kêu bi thương, thảm não, mà là những tiếng “Quác!” thật lớn, uy nghi, oai vệ.

Chàng ngắt lời lão già:

– Phải rồi, con đã nghe tiếng “Quác!” như vậy đó.

Lão già gật đầu:

– Ta nghe tiếng kêu này suốt mấy chục năm rồi. Đêm đêm, ngủ không được, bước ra ngoài trời hít thở, rồi không hiểu sao, ta dạo lên đồi, ngồi đó. Ngồi một hồi lâu thì ta nghe tiếng đập cánh “Phập! Phập!”, rồi tiếng “Quác!”. Hình ảnh những người lính kháng chiến bị bắn lại quay về. Rồi những con quạ đen, lông lá bay lả tả, sợ hãi tìm cách bay đi, chạy trốn, nhưng vẫn không thoát được đường bay của những viên đạn đồng. Tiếng “Phập! Phập!” vang lên, rồi vụt tắt sau những tiếng “Đoàng! Đoàng!”.

– Con hỏi dân làng thì không ai biết về tiếng đập cánh và tiếng chim kêu cả.

– Dân làng đã quên hành động si mê của mình rồi. Những người lớn tuổi đã nằm xuống. Không còn ai biết về cái chuyện cỏn con, mà lại ám ảnh mọi người thật lâu. Với ta, thì đó là tiếng kêu của lương tâm, nhắc nhở mình về một sự sai lầm.

– Nhưng hồi đó cụ đâu có bắn. Cụ còn nhỏ lắm mà.

– Dân làng bắn thì có khác gì ta bắn đâu. Sau đó, dân làng lập một cái đài liệt sĩ, tưởng niệm những anh hùng đã hy sinh vì đất nước. Trên đó, người ta ghi tên từng vị liệt sĩ. Không hiểu sao, trên đỉnh đài, người ta đúc tượng một con quạ. Một con quạ uy nghi, đĩnh đạc đưa mắt nhìn về phía trước. Ai đến thăm đài liệt sĩ, cũng đều phải nhìn vào đôi mắt quạ. Đôi mắt nhắc nhở ta về cái lòng si mê, thù hận và hậu quả khổ đau của nó.

– Cháu có thấy đài liệt sĩ, nhưng không để ý đến tượng quạ.

– Người ta quên rồi. Không ai còn nhìn vào đôi mắt quạ nữa. Cũng không ai còn nghe tiếng quạ kêu và âm thanh của đôi cánh đập. Ta vẫn không hiểu tại sao con lại nghe được những tiếng ấy. Bây giờ, ta có kể cho lũ trẻ ở đây nghe, chúng cũng không tin lời ta.


*


Ngay cái hôm nghe lão già kể chuyện, chàng đến thăm đài liệt sĩ, bên cạnh cây tùng già. Quả nhiên chàng thấy tượng một con quạ đứng trên đài. Không biết nghệ nhân nào đã đắp tượng thật đẹp, y như một con quạ thật. Tướng con quạ rắn chắc. Đôi chân cứng cáp như hai cột trụ. Mình quạ to lớn, vững mạnh. Mắt quạ nhìn thẳng vào mặt chàng. Trong đôi mắt đó, con quạ như có một điều gì muốn nhắn gửi đến chàng.

Phản ứng đầu tiên của chàng là: “Đừng nhìn ta như vậy. Ta đâu có cầm súng bắn vào đàn quạ đâu.” Nhưng rồi chàng cảm thấy câu trả lời không ổn. Hình như chàng cũng đã từng sợ hãi, và trả thù trong tâm trạng mù quáng. Chàng cũng đã từng hả hê khi thấy kẻ thù đau khổ. Rồi chàng hối hận, thấy mình sai lầm. Nhiều khi, kẻ đang đau khổ là những con người vô tội như những con quạ đen của dân làng.

Tại sao chàng lại nghe tiếng quạ kêu? Có phải vì trong tâm chàng cũng có nỗi niềm bứt rứt, như dân làng, sau khi bắn đàn quạ? Phải rồi, chàng không phải là người vô tội. Chàng đã làm nhiều lỗi lầm trong cuộc đời mình. Có những lỗi không nhỏ. Chàng đã cố tình làm lơ, coi như không có gì. Nhưng sự băn khoăn, dày vò trong lòng chưa bao giờ được tháo gỡ.

Đêm về, chàng sẽ lại lên đồi. Chàng muốn nghe lại tiếng quạ, và tiếng đập cánh. Con chim ma có một quan hệ mật thiết đối với tâm thức của chàng. Chàng không còn thấy con chim ma là một hiện tượng khách quan nữa. Đó là tiếng kêu trong lòng chàng. Và trên ngọn đồi này, tiếng kêu đó đã bật lên, như tiếng của một con quạ lớn.


*


Trăng đã lên đầu ngọn đồi. Trái trăng vàng ửng chín. Trên đồi không có một bóng người. Chàng lên đồi và đợi con chim ma xuất hiện.

Chàng không phải chờ đợi lâu, thì đã nghe tiếng “Phập! Phập!...” thật lớn. Theo phản ứng tự nhiên, chàng nhìn quanh xem thử có thấy con chim ma không. Và thật bất ngờ, ở trên một cành cây dâu tằm, chàng thấy một con quạ đen đứng sừng sững.

Con quạ to gấp mấy lần pho tượng chàng thấy hồi chiều. Nơi con quạ là đôi mắt nghiêm nghị đang nhìn chàng. Chàng lẩm bẩm:

– Vậy là con quạ có thật. Chằng lẽ nó đã mấy mươi tuổi rồi. Đâu có lý. Lão già chưa bao giờ thấy con quạ này. Vậy mà nó có thật.

“Quác!”, tiếng quạ kêu vang khắp một vùng đồi. Chàng ngồi thật yên, không cử động; lòng thầm nhủ sẽ kể lại cho lão già nghe về cuộc gặp gỡ này. Thế nào cụ cũng không tin, cho rằng chàng lầm lẫn.

“Quác!” con quạ kêu lên một tiếng nữa, rồi cất mình lên đập cánh “Phập! Phập!...”, bay về phía chân trời.


Lữ

California, 12-2007


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss